N
hững ngày giáp Tết, Huế dầm mình trong những đợt mưa rét đậm cuối năm. Tôi vẫn thường hay dậy sớm uống trà và ngồi nhớ những mùa Tết cũ, nhớ đến mái chợ làng với bao kỷ niệm đong đầy tuổi thơ tôi...
Chợ quê tôi ở ngay đầu làng, gần bến sông, bên con đường cái quan và có địa thế rất đẹp. Nhìn từ xa, chợ giống như một thung lũng được bao bọc bởi những lũy tre xanh và mấy mảnh ruộng tốt tươi hai bên. Hồi ấu thơ, chợ là một niềm mong ước nho nhỏ của tôi mặc dù tôi ít khi đến chợ vì sợ ai đó quở con trai mà đi chợ ăn hàng; học cùng lớp tôi có mấy đứa con gái ở xóm Chợ, lỡ ra giữa chợ mà bị bắt gặp thì ốt dột lắm.
Bởi vì ít khi ra chợ, nên cứ mỗi lần đi chợ thì tôi nhớ lâu, nhớ đến bây chừ. Chợ quê tôi có đến mấy con đường đi vào xanh bóng cây, đường từ làng tôi lên, đường từ làng trên xuống, đường từ bến sông Ô Lâu tới... Những con đường bụi mù mùa nắng và lầy lội mùa mưa nhưng đều là những con đường nhớ của tuổi thơ tôi với bao kỷ niệm nho nhỏ, như theo ba ra chợ đón mạ đi đò chiều từ chợ Mỹ Chánh về; theo mạ ra chợ lấy cái khuôn bánh thuẫn cho người ta mượn đổ bánh bán ngày Tết; hay những buổi chiều cuối năm, hai anh em tôi cứ tần ngần núp sau cây vông đồng cổ thụ bên hông chợ nhìn vào quán may của chú Châu coi cái áo đón Tết được mạ may cho đã xong chưa...
Chợ quê tôi được che phủ bởi những tán cây vông đồng cổ thụ. Dưới bóng cây xanh là hai dãy chợ chính được xây dựng khá kiên cố; quanh đó là những mái chợ lợp bằng tôn, bạt hay tranh tạm bợ được chống lên bởi những cây tre khô. Và cứ cuối năm, khi tiết trời chuyển mùa thì lá của những cây vông đồng trong chợ rơi phủ kín các mái quán thành những thảm vàng rất đẹp.
Cô giáo dạy toán cấp 2 của tôi có nhà ngay ở chợ. Có lần tôi ra nhà cô hỏi bài tập, cô nói em ngồi đó chờ cô chút. Tưởng chuyện chi, ai dè cô bưng từ chợ về một tô bún giò cho đứa học trò. Tôi ốt dột lắm đi được, nhưng cô đã lỡ bưng bún về rồi nên ngồi trước hiên nhà cô nhìn ra chợ, ngại ngùng nuốt từng cọng bún.
Thì ra cái chốn chợ quê là chốn xì xụp rất chi là thú vị của mấy đứa con gái. Mà không chỉ con gái xóm chợ mới biết ăn hàng mà cả con gái làng trên, làng dưới thuộc thế hệ 7x như tôi đều đã nhiều lần lê la mấy hàng ăn chợ Đại Lược để ăn bún mụ Xuân, ăn cháo lòng o Gái, ăn bánh đúc, bánh ít nhụy tôm mụ Xích...
Tiếng là chợ quê nhưng thứ chi cũng có. Từ hàng mã đến hàng may, thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc. Chợ quê mua đi bán lại; có người chuyên mua rẻ đầu này chợ rồi đến đầu kia chợ bán giá cao hơn cũng đủ đong gạo nuôi con cái qua ngày.
Đầu chợ có cái bưu điện mà tôi vẫn hay lui tới để lấy báo Thiếu niên tiền phong được ba đặt cho; những tờ báo mang lại cho tôi nhiều cái mới, những niềm vui nhưng cũng tuần có, tuần không và mỗi lần tới bưu điện lấy báo mà không có báo về thì buồn lắm. Chợ có những sới đá gà nhỏ và những ván đánh bun (bi sắt) ăn tiền. Càng về cuối năm thì những sới gà hay những ván bun càng nhiều hơn...
Mà không hiểu răng bây chừ tự nhiên tôi lại nhớ những buổi hoàng hôn mái chợ vào độ cuối năm. Khi đó chợ đã tan, người đã vãn; những dãy nhà hai bên chợ thắp lên những chiếc đèn Huê Kỳ, có nhà còn thắp cả đèn măng xông; ánh sáng của chợ khi đó có chút phảng phất màu phố thị. Đó là hàng của mụ Sỏi gương mặt phúc hậu, vẫn thường hỏi thăm bà nội tôi mỗi khi tôi đến mua hàng. Cạnh hàng của mụ Sỏi là hàng mụ Nhớ, o Cầm, o Oanh...
Nhưng tôi nhớ nhất là mái quán của mụ Cháu ở ngay giữa chợ. Mụ Cháu sống một mình, đã già, miệng luôn nhai trầu bỏm bẻm. Hàng của mụ Cháu chỉ bán mấy thứ hàng lặt vặt từ mấy cái kiềng tre, mấy viên đá lửa, mấy bó bẹ, mấy ông vôi, cau trầu đến mấy cái chổi rèn, cái quạt lá dừa. Cạnh đó là mái quán của o Gái to hơn quán mụ Cháu một chút, có bán thêm mấy bì bánh kẹo, mấy thứ đồ chơi màu xanh đỏ cho mấy đứa con nít. Thường lũ trẻ xóm tôi vẫn hay tới quán o Gái mua cục đường đen rồi mỗi thằng cắn một miếng... Những mái quán nhỏ của những phụ nữ đơn thân như mụ Cháu, o Gái ở giữa chợ thì thui thủi hơn với ánh đèn dầu...
Có năm, chợ quê tôi có thêm một ông thợ nhuộm người Nam Định về sinh sống hành nghề. Nhờ vậy mà Tết năm đó nhiều đứa trẻ bỗng dưng có màu áo mới; những chiếc áo quần cũ được nhuộm lại màu khác cũng được xem là áo quần mới. Tôi lại nhớ chuyện hay ra quán của ông mua mực nhuộm để vẽ tranh chơi và cả câu nói thường trực của ông sau này được nhiều người nhại lại: “Lấy tiền ông thợ nhuộm!”
Rồi cứ giáp Tết thì chợ đông từ 4 - 5 giờ sáng, người mua người bán tràn ra cả những lối dẫn vào chợ. Niềm hạnh phúc của tuổi thơ tôi là những lần đi chợ Tết. Tôi nhớ những con bột xanh đỏ tím vàng bắt hình nải chuối, con vịt, con gà hay chiếc thuyền. Tôi nhớ ở hàng mụ Sỏi có treo mấy bức tranh vẽ mai lan cúc trúc và ở hàng mô cũng thắm màu những phong pháo mới. Tôi ngậm ngùi nhìn cô giáo tiểu học của tôi ra chợ bào gừng để kiếm thêm thu nhập cuối năm. Và đến khi trong triêng gióng của mạ có đầy đủ màu cam của mấy củ cà rốt, màu xanh của trái su le và bắp cải, màu đỏ mọng của mấy trái cà chua và màu nâu của mấy tai nấm mèo... thì tôi thấy mạ đang gánh Tết từ chợ về nhà...