S
áng sớm chạy xe ngang qua cầu Dã Viên, thấy từng đàn cò vạc bay qua sông Hương. Chắc là chúng từ phương Bắc đang tìm về phương Nam để tránh rét. Đó cũng là tín hiệu báo mùa thu đã tới, trời chớm heo may và những ngày mưa gió liên tục rồi sau đó là một mùa giá rét kéo dài ở xứ Huế.
Nhìn những cánh cò bay ngang trên sông Hương, tôi lại nhớ những buổi chiều chạy chơi mải miết ở cánh đồng làng với bao trò vui từ căn cù đến giật cờ, trốn tìm… Chơi chán, lũ trẻ quê chúng tôi cùng dừng lại nơi ngã ba đầu xóm để ngắm những đàn chim bay từng đàn ngang qua trước cánh đồng làng. Chúng tôi vẫn gọi đó là đàn chim đang đi học về. Sự so sánh vô cùng nên thơ ấy cũng chẳng biết do ai nghĩ ra; nhưng mà cũng đúng thiệt, khi lũ chim bay trên trời lúc theo hàng dọc, lúc thành hàng ngang cứ như lũ học trò xếp hàng mỗi khi rời khỏi sân trường… Chúng tôi tự chọn cho mình mỗi đứa một đàn cò vạc trên bầu trời kia và cùng chấm điểm coi đàn chim của đứa mô vừa bay vừa xếp hình đẹp nhất…
Không như những loài chim khác, lũ cò vạc từ phương xa về chỉ ở trọ cánh đồng làng quê tôi từ giữa mùa thu cho đến đầu mùa xuân năm sau rồi lại bay đi. Những ngày mưa gió, trên cánh đồng bạc màu nước lũ, từng đàn cò vạc bay trắng cánh đồng tìm thức ăn thật hiền lành.
Rồi khi đêm xuống, chúng bay vô lũy tre làng tá túc. Cũng vì thế chúng không làm tổ, không sinh con đẻ cái như những loài chim khác. Có lẽ do đặc tính này nên ở quê tôi, chẳng có ai tìm được những chú cò vạc con để mang về nhà nuôi. Người quê tôi cũng chẳng ai đi bẫy cò, bắt vạc…
Nhưng câu chuyện mà tôi kể dưới đây là một chuyện có thật mà những đứa trẻ cùng trang lứa trong xóm nhỏ của tôi ngày nào bây chừ chắc ai cũng còn nhớ cả, dù chuyện cũng đã mấy chục năm rồi…
Tôi nhớ mùa hè năm đó, thằng Chiến bạn hàng xóm của tôi được mẹ cho ra thăm quê ngoại ở ngoài Bắc. Món quà mà thằng bạn mang vô là một chú cò con. Chú cò vừa ra lông ống, mắt thao láo mở to nhìn lũ trẻ chúng tôi sau chuyến hành trình dài một ngày một đêm…
Chú cò nhỏ đó được bạn tôi chăm sóc kỹ lưỡng, được ăn uống đầy đủ nên lớn nhanh lắm. Chỉ sau một tháng, nó đã có một bộ lông trắng muốt và bắt đầu những cú đạp chân, vỗ cánh tập bay trong sân nhà. Đó là một chú cò cực kỳ tinh khôn, nó nhanh chóng trở thành bạn của tất cả mấy đứa con nít trong xóm tôi. Nó bay loanh quanh từ vườn nhà ni sang vườn nhà khác rồi sà xuống sân chơi với bầy gà, bầy vịt. Có những buổi sáng đẹp trời, chú cò còn theo chân lũ nhóc chúng tôi xuống đồng bắt nhái bén, bắt châu chấu…
Rồi có một lần, không biết răng chú cò hứng lên, bay ra cánh đồng và mất tích. Cả lũ con nít xóm tôi theo thằng Chiến đi tìm cả buổi chiều khắp hang cùng ngõ hẹp mà không thấy. Nhưng cuối cùng, chúng tôi cũng đã phát hiện ra chú cò đang bị mấy chú của Đội chiếu bóng lưu động về chiếu phim tại sân đình làng tôi bắt và nhốt lại…
Thằng Chiến mắt long lên sòng sọc, không còn giữ được bình tĩnh, xông vô định ăn thua đủ với mấy chú chiếu bóng. Cũng may là mấy chú cũng nhũn nhặn nói là tưởng chim trời bay lạc. Cũng từ đó, chú cò bị nhốt trong cái lồng to, lâu lâu mới được ra ngoài khi có chủ nhân bên cạnh là thằng Chiến…
Nhưng rồi, cũng đúng vào những ngày đầu thu, khi cánh đồng làng vừa gặt xong, gió heo may xao xác thổi. Những đàn cò vạc từ phương xa lại theo gió bay về cánh đồng làng tôi để bắt đầu một mùa di trú mới. Nghe tiếng gọi bầy, chú cò của thằng Chiến đã đạp lồng tung cánh bay theo tiếng gọi của đồng loại…
Tôi còn nhớ cảnh thằng bạn chiều mô cũng ra ngã ba xóm buồn bã nhìn từng đàn cò đi học về với niềm tin là có chú cò của nó trong đó. Nhưng cò vạc thì bao nhiêu là con, bao nhiêu là đàn; chú cò thương mến đã bay đi theo đàn mãi mãi không về…