H
ồi sinh viên hay cả khi đi làm việc nhà nước rồi mà chưa lập gia đình, tôi chưa bao giờ biết Tết ở phố là gì. Cứ bước qua ngày hăm tháng Chạp là tôi khăn gói về quê. Đường về quê khi thì bằng đò trên sông, khi thì xe máy và có khi bằng xe đò nữa. Cũng không hiểu vì sao mà người quê tôi lại gọi chuyến xe chạy từ Huế về làng là xe đò. Hôm qua, ghé bến xe Đông Ba và chạnh nhớ những chuyến xe về Tết năm cũ... Đó là những chuyến xe tuy có chút chật chội, vất vả nhưng lại đong đầy kỷ niệm về một thời mà việc đi lại còn nhiều khó khăn, khoảng cách từ phố về quê cũng khá cách trở...
Đi xe đò ngày Tết hồi đó chỗ ngồi cũng chen lấn, người chen người và cả chen với hàng; xe thì lọc cọc lạch cạch, cà gật cà tang. Đôi khi người ngồi cạnh mấy bao tải củ quả, có khi là cả cái bội nhốt gà, vịt. Được cái ngồi xe về làng thì nhanh hơn về đò.
Tôi vẫn nhớ có năm khi còn là sinh viên, vừa bước lên xe, ngồi vào ghế đã thấy ba bốn người nhảy lên xe, trải chiếu chơi bài cào; có một người đặt đâu trúng đó, quá dễ ăn tiền. Rồi họ mời mấy người trong xe chơi. Không hiểu răng có chị người cùng làng đạp đau điếng vô chân tôi. Nhóm người kia đi rồi chị mới nói đó là mấy người chơi “bài ba con” chi đó lừa người ta lấy tiền. Tôi mỉm cười nói, sinh viên như em chỉ đủ tiền xe có mô mà chơi bài... Chị cũng cười: “Thì chị thấy em nhỏ dại, lỡ có tiền mà nướng vô đó chỉ có tiền mất tật mang. Chị đã từng chứng kiến mấy người đi làm ăn xa bị mấy người này trấn lột hết tiền bằng những ván bài. Răng không kiếm cái nghề chi mà đi lừa người ta thất đức rứa trời...”
Hồi đó, xe từ bến Đông Ba xuất phát tầm mười giờ trưa, đến khoảng ba giờ chiều mới về tới làng tôi. Bến xe cũng đông đúc nhộn nhịp hơn chừ và tất nhiên là khách đi xe cũng đông hơn do hồi đó xe máy còn ít, đường về làng phải đi đò ngang qua sông.
Tôi vẫn nhớ cái cảm giác lâng lâng của đứa con sắp được về ăn Tết với ba mạ mỗi lần ra bến xe này. Vứt cái xách và chiếc xe đạp cà tàng lên xe rồi; ghé tới quán làm một dĩa cơm, kêu thêm ly cà phê, phì phèo điếu Zét nghe bên này Duy Khánh ca - “Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm, mái tranh nghèo không người sửa sang”; bên này Tuấn Vũ kể - “Ở đây không có hoa mai, không có hoa đào trang điểm trần ai”..., chen lẫn là tiếng mời khách của mấy bác xe thồ, tiếng cãi nhau, tiếng chửi tục của mấy người làm nghề cửu vạn... Giáp Tết, miếng cơm manh áo của những người lao động nghèo thành thị cũng bức bách hơn. Không như ở quê, dẫu nhà nghèo thì cũng đã có luống rau, bầy vịt, con heo trong nhà dành cho Tết. Như gia đình tôi, mỗi lần biết tin con cái sắp về nhà, khi mô mạ cũng chuẩn bị mấy món ăn yêu thích của chúng tôi như xà lách bóp hay da trâu xào giá đỗ...
Chuyến xe đò từ Huế về quê ăn Tết chủ yếu là những người con đi xa quê trở về nhà. Chặng đường dài làm ai cũng mệt mỏi. Mùi trái cây, mùi thuốc lá, mùi dầu cù là quyện trong mùi dầu máy và mùi khói xe. Chiếc xe lao vun vút qua các miền quê quen thương; mấy cội mai trước sân nhà ai đã điểm nụ vàng ấm áp. Xe về đến chợ làng, vẻ mệt mỏi của mọi người đều tan biến. Gặp quê là vui và đất mẹ muôn đời bao dung luôn mở rộng vòng tay thương mến đón những đứa con dù họ là người thành công hay vẫn còn lang bạt...