T
ôi gọi Phi Tân là người gom nhặt ngày xưa. Bởi vì trong các đoản văn của mình, anh luôn cần mẫn và say mê gom nhặt từng mảnh hồn xưa cất đầy vào chiếc hộp thương nhớ, ngày ngày mở ra xem, để rồi chợt bật cười, chợt bâng khuâng, chợt nuối tiếc…, và rưng rưng vì những hồn xưa dấu cũ đang dần khuất dạng trong đời sống ngày nay. Những đụn rơm cứ vắng dần ở quê; lâu lắm rồi không thấy lại lũ chim chèo bẻo; bọn trẻ ngày nay cũng không còn trèo cây lội ruộng. Không còn nữa giếng đình, bờ tre, hồ nước, cảnh chơm cá ào ào những đêm trăng sáng và những tiếng reo khi cá lọt vào chơm. Những lùm mù u, những gốc dừa hay những sợi tơ trời chỉ còn là kỷ niệm. Từ một món ăn cũ đến một không khí, một cách ứng xử, một thói quen, một hành vi, một tiếng cười, một nỗi ngóng đợi, một làn sương sớm... đều trở nên xa vắng.
Ngày xưa của anh chàng “nhà quê thứ thiệt” Phi Tân trải dài từ dòng sông Hương huyền thoại đến dòng sông Ô Lâu mát lành ven phá Tam Giang, trải dài từ tuổi thơ “đục bụi lủi bờ” cho đến tuổi trung niên đầy suy tư hoài niệm. Ấn tượng về Huế trong Phi Tân không phải là cung vàng điện ngọc hay lối sống điệu đà kiểu cách, mà là những gì giản dị, thanh nhã như hương hoa trong vườn chùa; cô đơn, lẻ loi như con đò ngang cuối cùng nằm chơ vơ trên bến Đập Đá - Đông Ba. Đó là những giá trị “vang bóng một thời” cần được vang bóng mãi mãi, ít ra là ở trong văn chương; bởi vì nếu chúng mất đi, cuộc sống sẽ tẻ nhạt biết chừng nào.
“Ngày xưa” trong tập tạp văn Bên sông Ô Lâu đau đáu một nỗi niềm “thương nhớ đồng quê”, thao thiết như tiếng gọi đàn. Có cảm giác như 57 đoản văn trong tập sách này là lời tự tình không dứt với người quê, cảnh quê, chuyện quê của một kẻ xa quê. Phi Tân là kẻ xa quê ngụ cư thành thị, là người của quá khứ ngụ cư hiện tại. Nghĩa là Phi Tân vừa ngụ cư không gian, vừa ngụ cư thời gian. Về không gian, dù lập thân và định cư ở thành thị, dù không hề mảy may xung khắc với thành thị, nhưng Phi Tân lại luôn nhớ đến quay quắt ao xưa vườn cũ. Về thời gian, dù đang hít thở bầu không khí sống động của hiện tại, anh lại khôn nguôi đau đáu với ngày xưa. Ngày xưa gắn với kỷ niệm làng quê khiến nỗi nhớ chồng nỗi nhớ, từng mảnh ký ức hiện về, khắc khoải, ngẩn ngơ…
Hãy cùng tác giả của Bên sông Ô Lâu “đi tìm thời gian đã mất”, gom nhặt ngày xưa trong tâm thế ngụ cư để có được hạnh phúc của kẻ lạc quê tìm được lối về. Hãy cho ta một lần được soi mình xuống mặt giếng thân thương tìm lại hòn bi đánh rơi thuở trước. Hãy để lòng lắng lại trong từng bờ cát, ngọn nắng, cơn mưa, mây nguồn, chớp bể phía quê nhà… Đường về quê không xa, đường về quê gần lắm, khi bạn được cầm trên tay tập sách nhỏ này!
Huế, tháng 5, năm 2020
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tịnh Thy