N
hớ Tết xưa, sáng mồng một, ba dậy sớm pha trà cúng bàn thờ gia tiên xong là đạp xe qua lễ Phật ở chùa làng và sau đó là lên thắp hương nhà thờ họ tộc. Tôi cũng được mặc áo mới theo ba đi lễ. Thường khi hai cha con tới nhà thờ họ Lê thì đã có mấy bác cao niên khăn đóng, áo thụng đến thắp hương từ trước. Ngày đầu năm, những người bà con trong họ xởi lởi tay bắt mặt mừng mong năm mới sẽ được nhiều điều may mắn đến với mỗi người.
Nhà thờ họ Lê của tôi có cửa chính ở xóm Lấp nhưng ba vẫn thường đạp xe sang cửa phụ từ xóm Chùa qua bờ hồ Thanh Niên rồi vào sân của họ. Con đường đó xanh và thơm hương cỏ dại; buổi sớm đầu xuân còn nghe được tiếng dế gáy, tiếng châu chấu kêu tìm bầy và âm thanh cá quẫy bên hồ. Ba dẫn tôi đi lễ nhà thờ họ đầu năm để tôi biết mặt họ hàng, biết lời ăn tiếng nói mà xưng hô cho phải phép.
Tôi vẫn nhớ cái giếng của họ có cái thành thấp với những bụi trầu xanh leo hai bên. Nước giếng trong vắt nhưng lại cạn. Trước nhà thờ họ là hai cây phượng vĩ cũng đã khá già. Sau nhà thờ là một lùm cây cổ thụ trùm bóng mát.
Thường mỗi khi họ có tổ chức chạp giỗ, trai đinh trong họ đều phải có mặt đầy đủ. Trong khi các bác cao tuổi trải chiếu ngồi trước hiên đàm đạo thì mấy chú thanh niên trai trẻ mỗi người lo một việc từ mổ heo, hong xôi đến quét dọn bàn thờ, sắp mâm cỗ. Sau khi cúng cấp xong, mấy chú thường trải chiếu bày cỗ ở dưới tán cây; còn mấy ôn, mấy bác thì ngồi trong nhà thờ hoặc trước hiên. Nhớ nhất là những lần đến giờ hành lễ, khi bác trưởng họ hỏi mấy giờ rồi thì chẳng ai có đồng hồ cả, rứa là mấy bác coi bóng nắng trước sân nhà thờ họ để đoán giờ...
Về làng mùa chạp mộ, tôi mới gặp được nhiều người trong bà con họ qua mấy thế hệ. Mấy bác, mấy chú lớn tuổi thì tôi biết gần hết; ngang lứa hoặc em em chút cũng biết nhiều. Nhưng thế hệ mới lớn lên sau này thì chịu không thể nhớ được. Bởi rứa mới có người hỏi: “Răng tui mời anh kết bạn trên facebook mà anh không chịu kết bạn rứa? Facebook của tui là…” Thì ra rứa, bà con đó, người trong họ trong làng đó mà trên đời sống ảo không nhận ra nhau cũng là chuyện thường.
Nhưng tôi vẫn ngại nhất là đoạn mấy bác lớn tuổi hỏi: “Mi có biết tau là ai không?” Bởi đôi khi vai vế trong dòng họ có nhiều thứ bậc lắm; có khi là ông, là bác, là chú; có khi là anh, là em cũng nên. Trả lời không trúng là bị trách ngay, nên tôi cứ cười nói: “Dạ răng mà không nhận ra được…” Hỏi thêm nữa thì cứ đoán đại rứa, có trách khi nớ cũng chịu thôi. Nhưng khi người trong họ đã hỏi cũng có nghĩa là có ý trách móc rồi, mi xa quê chẳng biết bà con họ hàng là ai cả…
Mấy năm gần đây, dịp chạp họ ở quê tôi trở nên đầm ấm hẳn khi mấy bác, mấy chú là con cô con cậu của ba tôi đang sinh sống ở Đà Lạt, Sài Gòn đều có mặt. Điều kiện đi lại chừ dễ dàng hơn, mấy chục phút máy bay là đã về tới Huế, thêm mấy chục phút bằng xe nữa là tới làng cũ. Nhưng có một lý do nữa là độ tuổi của mấy bác, mấy chú cũng đã về già. Mà khi về già thì ai cũng vọng cố hương...
Tôi chở mấy đứa nhỏ về làng để đi họ như ba đã từng dẫn tôi đi năm nào, cũng để trả lời câu hỏi cho con: Chạp họ là chi ba hè? Mấy đứa nhỏ được về quê và sống trong không khí ấm cúng ngày chạp họ đã vui vẻ nói với tôi: Thì ra chạp họ cũng như kỵ, như đám cưới, rứa vui ba hè!
Tôi bảo các con phải đi để biết trên dưới, biết anh em họ hàng rường cột đặng giúp đỡ nhau, chứ không phải để nhìn ngó trong làng nhà thờ tộc nào to hơn, đẹp hơn. Tôi nghĩ về chốn thiêng liêng của gia đình mình như vậy!