Ô
ng Nguyễn Sanh Tý đã ngồi ở chợ Đông Ba đúng 36 năm để kiếm sống. Hỏi ông làm nghề gì, ông liền nheo mắt cười: “Cái nghề của tui ngó rứa mà quan trọng lắm đó nghe. Đó là nghề lo chuyện che mưa che nắng, đạp đất đội trời cho thiên hạ!”
Mùa nắng ông khâu giày dép đứt, sửa mũ bảo hiểm bị hư hỏng. Mùa mưa ông quay sang nghề dán áo mưa. Theo lời kể của ông Tý thì nghề chính của ông chính là dán áo mưa. Cái nghề này đã có thời khá thịnh, cả chợ Đông Ba có đến mấy chục người làm. Người ta mua những tấm ni lông nhờ ông dán thành những bộ áo mưa; rồi những chiếc áo mưa bị rách cũng được đưa tới ông dán lại cho lành lặn…
Đó là chuyện cách đây đã mấy chục năm rồi. Áo mưa rẻ dần, rồi những chiếc áo mưa tiện lợi ra đời; thế là những người làm nghề dán áo mưa vốn chỉ đắt hàng khi mùa mưa đến thưa dần, thưa dần… Đến bây giờ thì cả chợ Đông Ba chỉ còn hai cha con ông Tý hành nghề này. Nhưng ông Tý quyết không bỏ nghề.
Ông Tý ngồi dán áo mưa ở đầu này chợ thì ở đầu kia chợ, con trai ông - anh Nguyễn Sanh Hải - cũng theo nghề của cha. Cả hai cha con đều nói rằng vẫn sống được với nghề. Những người nghèo, bà con quanh chợ vẫn tìm đến cha con họ để dán áo mưa cũ. Thỉnh thoảng lại có người đặt dán áo mưa mới…
Cạnh ngay chỗ anh Hải là anh Thành làm nghề gò nhôm. Cũng như một số nghề thủ công khác, nghề gò của anh Thành trước đây cũng ăn nên làm ra lắm. Nhưng rồi, các mặt hàng dân dụng được các nhà máy công nghiệp sản xuất ào ào. Thế là nghề gò xoong, nồi bằng nhôm của anh Thành chỉ cầm chừng qua ngày. Nhà anh ở đường Trịnh Công Sơn, cả mấy anh em đều làm nghề gò này. Nhưng ế ẩm quá nên anh liền lên bìa chợ Đông Ba để dọn hàng. Khách hàng thì vẫn lai rai, có người đặt hàng cái xoong, cái nồi; lại có người đặt hàng những cái khuôn nhỏ để làm chả.
Vậy mà cuối năm vừa rồi, cái nghề của anh Thành bỗng dưng đắt hàng khi chính quyền thành phố Huế ban hành quy định người dân phải đốt vàng mã trong thùng để giữ gìn vệ sinh môi trường. Thế là nhiều bạn hàng đặt anh gò cho cái thùng để đốt vàng mã. Cái nghề gò vốn chỉ túc tắc kiếm tiền lẻ của anh trở nên bận rộn; gò thùng không kịp cho khách hàng trong mùa Tết…
Chợ Đông Ba như một gia đình lớn cưu mang những người nghèo. Là cha con ông Tý dán áo mưa, là anh Thành thợ gò, mấy anh thợ làm khóa và cả những người bốc vác thuê ở khu tự sản tự tiêu. Nhưng tôi vẫn ấn tượng nhất với ông lão lái đò nơi bến đò Đông Ba cũ. Cách đây chưa lâu, bến đò Đông Ba tấp nập trên bến dưới thuyền, người đi kẻ lại. Đường sá hoàn thiện, hệ thống xe buýt ra đời, thế là các phương tiện vận chuyển đường thủy thoái trào. Bây chừ bến đò Đông Ba cũ (nay đã thành một bãi giữ xe) chỉ còn duy nhất một chiếc đò nhỏ.
Chủ đò là một người đàn ông nhỏ thó, gầy gò. Ông cho biết đã làm nghề đưa đò từ Đông Ba qua Đập Đá mấy chục năm rồi. Hồi trước, chiếc đò nhỏ chính là sinh kế của gia đình ông. Ông bùi ngùi kể, “Một ngày cũng chạy được vài chục chuyến. Đò chừ ít ai đi nhưng thỉnh thoảng vẫn có khách. Tui ghi số điện thoại của tui bên bến Đập Đá, nếu ai cần qua đò thì gọi. Khách quen là mấy gánh cơm hến từ Cồn Hến qua chợ Đông Ba bán buổi sớm, rồi mấy mệ già đi chợ chiều. Thỉnh thoảng cũng có vài vị khách qua đò để ngắm cảnh ôn lại ký ức… Có ngày chẳng có khách mô gọi cả, nhưng tui không thể bỏ đò, bỏ bến...”