C
ứ hè về là chúng ra trái. Mà năm mô cũng được mùa cả, trái cứ chi chít trĩu cả cành. Rồi chờ khi trái to lên là lũ con nít làng tôi bắt đầu leo cây hoặc dùng khoèo hái xuống để bày trò chơi… Đó là những trái cây gần gũi với tuổi thơ của nhiều trẻ em nông thôn xứ Huế: sầu đâu, mù u…
Trái sầu đâu nhỏ bằng đầu ngón tay út, treo từng chùm trên cây. Cứ sau Tết, hoa sầu đâu nở khắp đó đây màu phơn phớt tím rất đẹp. Sau đó chúng kết trái và khoảng chừng hai tháng thì trái sầu đâu bắt đầu ngả màu xanh vàng. Lũ con gái hái xuống chơi đồ hàng, treo hai chùm sầu đâu tòn ten trên hai đầu đòn gánh tự chế và gánh đi, nhìn thiệt dễ thương. Lũ con trai chúng tôi thì phá phách hơn, hái những chùm sầu đâu chơi trò ném nhau. Chúng tôi mỗi đứa vài chùm sầu đâu, chùm cầm trên tay, chùm bỏ trong túi, chùm lận ngang lưng quần và chia hai phe ở hai bên bờ rào của đường xóm rồi ném qua ném lại. Ban đầu thì còn núp bụi, ném từng trái một, sau rồi hăng máu quá, cả hai phe lên cứ xáp lá cà mà ném nhau. Vui nhất là những đêm trăng, cứ nhìn bóng nhau mà ném, đôi khi quân ta ném nhầm quân mình nữa…
Trái mù u thì nhiều công dụng hơn. Mù u còn xanh, hái xuống chơi bun hay bữa ni gọi là bi sắt cũng hấp dẫn lắm. Mà chơi bun mù u thì phải khéo léo, chính xác và cả tỉ mẩn nữa. Khi mù u chín, chúng tôi hái xuống, ăn lớp cơm bên ngoài còn hạt thì phơi khô để chơi bắn bi. Những hạt mù u khô là những viên bi thông dụng của lũ trẻ quê khi mà hồi đó bi ve còn rất hiếm ở làng. Bi mù u to dễ chơi hơn bi ve, với lại ai cũng có mà chơi.
Ruột mù u nghe đâu hồi xưa phơi khô dùng để làm đèn thắp khi dầu hỏa còn hiếm. Con nít xóm tôi cũng phơi khô ruột trái mù u rồi xâu từng que để làm đèn thắp chơi. Những đêm tối trời, không có trò chi chơi thì rủ nhau xuống ngã ba xóm đốt đèn mù u kể chuyện ma. Ngọn lửa mù u màu xanh vàng, cháy rất lâu lại phát ra tiếng reo lép bép và mùi thơm dễ chịu. Rồi những người dân làng biển còn lấy hột mù u cà láng rồi cưa một phần, xuyên cái que nhỏ làm gàu múc nước mắm cốt từ lu vào những chiếc chai nhỏ đem đi bán…
Tôi nhớ lùm mù u sau đình làng cây mọc san sát nhau mát rượi. Những chiều hè, bọn con nít xóm tôi rủ nhau xuống lùm mù u đình làng hái trái làm bi, chuyền từ cành này sang cành khác như một bầy khỉ con. Mà đâu chỉ có lũ con nít mà còn có những bầy dơi, bầy chim cứ chiều chiều là bay đầy lùm mù u để tìm trái chín ăn.
Cái lùm mù u sau đình làng cũng là nơi ẩn nấp kín đáo của mấy thằng mỗi khi có chiếu bóng, cải lương về làng. Cả bọn ăn cơm tối sớm, rủ nhau xuống đình, trèo lên cành mù u ngồi rứa, chờ đến khi sáng đèn là nhảy xuống khỏi phải mua vé.
Có nhớ những buổi chiều trèo mù u, cả bọn cùng hát vang: “Trèo lên cây mù u nhìn vô trong Huế…” Câu hát nớ không biết ai bày ra mà cả bọn đều say sưa hát. Hát cho vui rứa chứ cũng chẳng biết ý nghĩa là chi cả.
Lùm mù u sau sân đình bây chừ không còn nữa; nhưng những cây mù u, sầu đâu thì vẫn mọc đây đó khắp làng. Như buổi chiều hè này, tôi ngước nhìn mấy chùm mù u và sầu đâu đầu xóm rồi chợt mỉm cười. Có những niềm vui đâu đó chợt quay về chỉ một mình tôi biết mà thôi…