Ô
ng vẫn nhớ lần đầu theo đò qua sông. Nói chính xác hơn đó là lần lên đò về sông cùng ba vào một chiều mưa. Năm đó, cậu bé là ông mới vừa lên sáu. Ba đưa ông vô bệnh viện ở Huế để nhổ cái răng sâu. Nhổ răng cho ông xong, ba đạp xe chở ông ra bến xe để về nhà thì xe đã chạy mất trước đó chỉ mấy phút. Lỡ chuyến xe chiều, rứa là ba phải đạp xe chở ông vượt một quãng đường dài mấy chục cây số về đến bến sông Ô Lâu để qua đò về nhà.
Chiều muộn, trời lại mưa nặng hạt. Bến đò chỉ còn lại hai cha con ông. Cũng may ông lão chèo đò tốt bụng đồng ý chở qua sông. Ông lão làm hết cút rượu, nhảy xuống từ cái chòi nhỏ rồi cầm mái chèo đi trước dò đường khi nước đã ngập lênh láng, ba vác xe đạp còn ông thì đu sau lưng áo ba bước theo ông lão... Lên được đò, trời vừa tối. Ông lão thắp một cây đèn dầu trước mũi đò rồi quẫy mái chèo. Mưa mỗi lúc mỗi nặng hạt, ông núp vào lòng ba. Ánh đèn nhỏ le lói trên sông trong mưa thật lạ, nó vừa ấm áp lại vừa lạnh lẽo mà bây chừ ông vẫn còn nhớ...
Ông lại nhớ mạ vẫn thường ngược sông trong những chuyến đò nửa khuya, khi chuông chùa làng điểm canh, ba mang rau cải từ làng quê của mình lên chợ Mỹ Chánh bán. Mạ cũng thắp đèn, gánh rau đi khi gà chưa gáy và đến xế chiều, đò mới trở về bến.
Những gánh rau xanh đẫm sương đêm được bán vào phiên chợ sớm phía đầu sông và đổi lại trong đôi triêng gióng của mạ những buổi chiều về nhà khi thì một nửa trái mít chín, khi thì mấy trái bồ quân mọng đỏ, có lúc là mấy cái bánh dừa, bánh tráng nướng, mấy viên kẹo cau...
Mỗi buổi chiều như thế, cả mấy anh em ra ngồi ở ngã ba đầu xóm ngóng mạ về. Và khi thấy bóng con đò từ từ chạy từ giữa dòng sông tấp vô bến đò xóm Chợ là cả mấy anh em thi nhau ùa xuống con đường cái để níu vào đôi triêng gióng của mạ. Những lúc đó mạ mệt lắm, nhưng khi mô mạ cũng cười tươi hỏi mấy đứa con ngày ni học hành ra răng, đứa mô có điểm tốt, làm việc nhà giúp bà nội, mạ sẽ cho phần quà nhiều hơn…
Tuổi thơ của ông lớn lên theo từng buổi chờ mạ chợ chiều về nhà. Những buổi trưa mùa hạ, gió Lào thổi rin rít qua mặt sông làm rát cả mặt người. Ruộng đồng thiếu nước khô cạn. Người dân làng quê ông phải vác tròn trào qua sông để tát nước cho cây lúa đang vào độ làm đòng. Sông không rộng nhưng đò ra giữa sông gặp gió lớn cũng rất nguy hiểm. Đã quen rồi nên những chuyến đò dập dềnh vì gió thổi mạnh làm nước tạt từ sông tạt vô lòng đò. Những người nông dân quê ông hầu như không còn biết sợ. Nhưng cũng có người cẩn thận, hai vợ chồng cùng đi tát nước thì người chồng qua chuyến trước, người vợ qua chuyến sau để lỡ có bề gì… Nhưng tuyệt nhiên, con đò ngang qua sông Ô Lâu chưa bao giờ gặp nạn, có lẽ Thần sông cũng thương người nông dân vất vả nên luôn bảo bọc, che chở cho người…
... Những buổi chiều năm nay, lũ trẻ xóm ven sông ra sông Ô Lâu tắm và nô đùa. Chúng ngạc nhiên khi bắt gặp một người lạ. Ông ấy nghe đâu là một người giàu có ở nước ngoài đang về quê nghỉ dưỡng. Ông cũng tắm sông như bọn trẻ, rồi ông ngồi bên bờ sông nhìn về phía mặt trời lặn, tư lự xa xăm. Mấy đứa trẻ đánh bạo tới hỏi chuyện và nghe ông kể những câu chuyện vui buồn với con sông quê.
Câu chuyện buồn nhất là ngày ông đi xa làng, cô thôn nữ là người thương của ông đã ra bến sông để tiễn đưa và ước hẹn ngày về. Nhưng ông đã đi biệt rất lâu. Tuổi trẻ của ông bị chiến tranh cuốn đi, qua bao nhiêu vùng đất, dài theo năm tháng.
Bây chừ, phải mấy chục năm sau ông mới trở về làng thì mới biết cô ấy vẫn ngày tháng chờ ông, vẫn mong ngóng từng chuyến đò chiều bên bến sông… Rồi một ngày, cô đã lên đò xuôi sông và cũng đi biền biệt mà nghe nói là đi tìm ông. Để bây chừ ông ngồi đây bên sông, mong người ấy sẽ trở về trên chuyến đò chiều xuôi bến sông quê…