V
ào tháng Ba, đất trời vẫn còn vương chút rét ngọt, nhưng ngày nắng đã nhiều hơn, đủ cho đất trong vườn nhà vừa ráo nước sau những đợt mưa dài cuối năm. Bà nội mang những hột giống bí, bầu, mướp ra vườn xới đất gieo hạt.
Khi con tu hú đứng chót vót trên ngọn tre kêu từng hồi gọi bầy cũng là lúc lũ mướp, bí bầu vươn những mầm xanh lên khỏi mặt đất và tìm cành để leo. Chúng lớn thật nhanh, chỉ cần qua đêm là thấy thân đã dài thêm một đoạn, lá mọc thêm mấy chiếc màu xanh non mũm ma mũm mĩm… Khi cây cao bằng khoảng một gang tay, bà nội lấy mấy nhánh nè quanh vườn, cắm cạnh từng cây, cho mấy cây non tìm chỗ leo đến khi cứng thân.
Cũng chỉ vài ngày sau, cây đã vươn lên leo cao bằng nhánh nè, tức khoảng ngang ngực đứa con nít như tôi. Đến lúc đó, ba ra bờ rào chặt tre, chẻ lạt làm giàn. Buổi sáng, hai anh em tôi phụ ba vác từng cây tre một chất thành cụm to trước sân nhà để chuẩn bị gác lên giàn. Mỗi cái giàn như thế được ba làm trong một ngày là xong. Vững chãi, bề thế và cao nhất là giàn bầu, bởi vì trái bầu dài nên giàn phải cao cho chúng thong thả lớn xuống từ từ. Giàn bí đao thấp hơn một chút, còn giàn mướp đắng thì thấp lè tè có thể với tay lên giàn mà hái quả.
Năm mô cũng rứa, giàn bầu được làm ngay trước chái bếp, giàn bí ở ngay giữa vườn, còn mướp đắng thì được làm giàn ngay cạnh bờ rào sát với con khe chảy nước trong vắt qua vườn nhà.
Những chiếc giàn được làm xong, anh em chúng tôi gọi đó là những “ngôi nhà mới” của cây. Giàn bầu là nhà trên, giàn bí là nhà dưới còn giàn mướp là chái bếp. Cứ thế vào cuối chiều, mấy anh em tôi cùng mấy đứa bạn hàng xóm bày đủ trò chơi con trẻ dưới những “ngôi nhà mới” của cây cũng là của con nít. Rồi mỗi buổi sáng, tôi có nhiệm vụ cầm cái gàu nhôm có cái cán bằng tre dài, đứng dưới khe nước cứ thế tạt nước lên cho ướt mèm giàn mướp, còn giàn bầu bí thì mẹ dùng xô để tưới từ từ chậm rãi…
Đủ phân, đủ nước, lại được bàn tay con người chăm sóc hằng ngày nên chỉ chừng mươi bữa nửa tháng thì mấy giàn bầu, bí, mướp đã phủ xanh và bắt đầu ra lứa hoa đầu tiên. Hoa bầu màu trắng, hoa bí màu vàng đậm còn hoa mướp đắng màu vàng tươi nhỏ li ti. Đó cũng là lúc vườn nhà đẹp nhất, sinh động nhất với rất nhiều màu sắc từ hoa lá cùng lũ ong, bướm, chuồn chuồn bay qua lượn lại tìm mật ngọt rập rờn cuốn quýt. Thích nhất vẫn là những chú ong mật đen nhánh luôn chăm chỉ hút nhụy từng nụ hoa. Thỉnh thoảng có thêm mấy chú chim sâu nhảy qua nhảy lại trên giàn, liếc đôi mắt tròn xoe kêu “chạch, chạch”, vạch lá tìm sâu.
Rồi lũ trái non cũng đua nhau chào đời líu ra líu ríu. Anh em tôi vừa hồi hộp, vừa khoái chí đếm từng trái một. Theo lời dặn của bà nội, nếu có đếm thì đếm thầm thôi chứ đừng nói to mà lũ trái mắc cỡ không chịu to ra chừ. Lũ trái bí, bầu, mướp cũng lớn thật nhanh, để vào một buổi sáng, mẹ hái lứa quả đầu tiên đầy hai rổ rồi gánh ra chợ bán…
Tháng Ba về là tôi lại nhớ những buổi sáng trời trong nắng ấm, chạy khoan khoái ra vườn coi lũ trái bầu, bí, mướp đã lớn thêm từng nào. Có một thứ hương dìu dịu mà đằm sâu từ đất, từ hoa lá bí bầu tỏa ra cùng ngọn gió xuân ban mai hiền hòa phả vào người rất dễ chịu. Đó là làn hương mùa xuân của vườn nhà, sao mãi cứ nao lòng những người con ở xa…