M
ột buổi sáng chạy theo bà nội ra chợ chơi, tôi tình cờ chứng kiến cuộc đụng độ của hai nhóm thanh niên làng tôi và làng bên tại quán cà phê chú Ái. Đó là cái quán bằng mây tre được dựng lên ngay ngã ba đường vô chợ. Quán bán cháo lòng, bún giò, lại thêm cả cà phê sáng. Nó cũng mới mọc lên từ ngày làng tôi có phong trào lên núi trầm. Nhóm thanh niên làng bên tôi không biết là ai, còn nhóm thanh niên làng tôi là của anh Cường.
Anh Cường với tôi không xa lạ chi bởi anh học cùng lớp cấp 3 với chú Tuệ ở cạnh nhà tôi. Hồi đó cả anh Cường và chú Tuệ đều mê đọc truyện. Không biết từ đâu họ có những cuốn truyện chép tay chữ rất đẹp của Duyên Anh như Điệu ru nước mắt hay Sương trắng đời du đãng rồi mấy cuốn truyện tình báo, gián điệp... Họ đọc xong thường cho tôi đọc ké. Những cuốn truyện đó tôi thấy hay và mang lại cho tôi nhiều niềm cảm xúc nữa. Có lần anh Cường hỏi tôi: “Mi có thích nhân vật Trần Đại không, tau thì thích lắm!” Bỗng dưng cuối năm lớp 10, anh Cường bỏ học và theo thanh niên trong làng đi trầm.
Những năm tám mươi, đàn ông làng tôi đi trầm hết hai phần ba làng. Hình ảnh những người đàn ông già có, trẻ có mang ba lô sau lưng đựng các vật dụng cần thiết từ chăn mùng đến gạo, muối; có cài thêm cái rựa, chiếc cúp bên ba lô ra bến đò, lên đường đi tìm trầm trong những buổi sáng mờ sương tôi vẫn còn nhớ như in.
Hồi đó, gần như cả làng đều phải chạy gạo mùa giáp hạt. Chỉ có con đường duy nhất là đi trầm mới mong được khá giả. Làng tôi ven sông, gần biển, kinh nghiệm về đi rừng của những người đàn ông hoàn toàn không có, nhưng cơm áo thúc giục nên bước chân họ cứ đi về phía núi. Có những người “trúng cội”, được tiền về mặt mày hớn hở lắm; nhưng cũng có những người đi về, bên trong ba lô không có chi ngoài mấy thanh trầm xô để xông khi gia đình có cúng kỵ...
Và cây trầm hương từ núi rừng thăm thẳm kia cũng đã làm thay đổi nhịp sống của một làng quê xa ngái như quê tôi. Tôi vẫn còn nhớ câu vè dân làng hay đọc liên quan đến chuyện đi trầm: “Anh lên côi rừng xơ rơ xác rác - Em ở nhà xoa Pháp, xoa Phi.” Rồi người ta gọi con cọp là “Mệ”, thanh niên mặc quần Jean, tóc để dài và bắt đầu biết hút thuốc đầu lọc, uống cà phê...
Trở lại với cuộc đụng độ ở quán cà phê chú Ái. Bữa đó, hai bên đang đánh nhau hăng thì anh Cường bất ngờ rút ra vật lạ, hai khúc gỗ hai đầu; giữa là sợi xích và múa tấn công vào mặt đối thủ. Rứa là mấy anh thanh niên làng bên bị trúng đòn xây xẩm mặt mày, vứt mấy đôi dép Lào chạy lấy người. Sau này hỏi ra tôi mới biết đó là “nhị khúc”, một vũ khí trong võ thuật.
Còn anh Cường sau vụ đó được thanh niên trong làng và nhất là đám trẻ con nhìn với con mắt nể trọng hơn. Chú Thương cạnh nhà tôi còn đặt cho nhóm thanh niên của anh Cường cái tên “băng rau răm”. Chú nói: “Băng rau răm chơi được, thằng mô cũng phong độ cả!” Nhưng mấy thanh niên làng tôi chỉ chơi ở làng vài ngày, uống cà phê buổi sáng, trưa uống rượu trắng với lòng heo, vừa đủ cạn túi tiền là lại vác cúp, cầm rựa lên đường, ngược sông Ô Lâu tìm trầm...
Như đã kể, làng tôi hồi đó có đến hơn một nửa số đàn ông trai tráng lên núi tìm trầm. Có những người chỉ quen với cuốc bẫm cày sâu, quanh năm vườn ruộng, nhưng vì nghe sức hấp dẫn của đồng tiền đã gác lại chuyện ruộng nương, gạo đùm muối bới đi trầm. Có lần tôi được nghe ôn Tâm là hàng xóm và họ hàng kể chuyện đi trầm với ba tôi.
Theo lời kể của ôn Tâm, đã lên rừng thì muôn chuyện vất vả. Cả nhóm dựng một cái trại ở trong rừng, phân công một người ở lại gác, những người khác băng bộ đi tìm cội trầm để chặt. Có những cây trầm to, cao nhưng hạ cội xuống lại không có lõi trầm trong đó. Nhưng nhóm của ôn Tâm cũng đã một lần “trúng cội”, đủ để trang trải vốn liếng, nợ nần trước đó và dư một khoản tiền gọi là kha khá. Sau chuyến này, ôn Tâm bỏ luôn giấc mơ tìm trầm để mong đổi đời. Ôn nói: “Rừng thiêng nước độc, thú dữ rình rập với bao nỗi vất vả, đắng cay khi đi tìm trầm. Thôi tui bỏ về làm ruộng, chăm vườn, kiếm năm đồng ba trự nuôi con cũng đặng!”
Nhưng những người gặp may mắn như ôn Tâm là không nhiều. Những thanh niên, nông dân “cụ” to khỏe, săn chắc là vậy, chỉ sau mấy chuyến đi trầm dính phải sốt rét, da dẻ, mặt mày tái xanh tái mét. Những đồng tiền kiếm được từ những thỏi trầm hương của rừng xanh không đủ bù cho việc thuốc thang chữa bệnh sốt rét rừng. Làng tôi thỉnh thoảng phải đón nhận tin thiệt buồn khi một ai đó không qua khỏi cơn sốt rét ác tính.
Ở xóm tôi cũng có một người đàn ông quen biết đã bỏ mạng vì sốt rét rừng. Người đó là chú Phụng. Chú Phụng là người em hàng xóm thân thiết của ba tôi. Chú vui tính lắm. Ở đâu có chú là có những câu chuyện vui tếu táo. Nhớ nhất là chuyện chú kể: “Đêm qua tui đi trổ nước về, gặp thằng N, con G xóm mình đang hẹn hò nhau ở bờ đê. Trời nạ, trời chớp chớp hai cái mông trắng đốp luôn...” Từ đó, con nít xóm tôi hay rêu rao câu: “Trời chớp chớp hai cái mông trắng đốp...”
Một buổi sáng, tôi vừa ngủ dậy thì nghe tiếng la của chú Phụng. Chú đang oằn mình đau đớn khi cơn sốt rét rừng đã lên đến đỉnh điểm. Rồi gia đình gánh chú xuống đò đi cấp cứu bệnh viện. Nhưng chiều hôm đó thì nghe tin chú đã mất. Cơn sốt rét ác tính đã đánh gục chú sau những lần đi tìm trầm. Đó là một ngày rất buồn của xóm tôi...
Câu chuyện tìm trầm xảy ra cách đây mấy chục năm rồi. Hình như cuộc làm ăn mong đổi đời đầy cực nhọc đắng cay này nó chỉ kéo dài trong vòng mấy năm rồi dừng hẳn khi cái lợi chỉ thoáng chốc còn thiệt hại thì dai dẳng. Chẳng thấy ai giàu lên từ những cuộc lên núi tìm trầm cho dù có người rất may mắn “trúng cội” đến mấy lần. Có những người mãi mãi không về khi nằm lại trên núi cao và cũng có những người bị bệnh sốt rét ác tính mang đi vĩnh viễn như chú Phụng. Băng rau răm sau đó cũng tan đàn xẻ nghé khi mấy anh lớn lên lập gia đình hoặc rời làng đi làm ăn xa.
Tôi nhớ lại chuyện tìm trầm của mấy chục năm về trước khi tình cờ về làng và thấy chiếc cúp ở trong nhà một người bà con. Tôi muốn hỏi về những câu chuyện tìm trầm năm xưa nhưng chủ nhà chỉ cười buồn, bảo không còn nhớ nhiều. Cũng có thể chú ấy không muốn nhắc chi những chuyện cũ cực nhọc nữa...