B
ất chợt thấy bức ảnh đen trắng hai đứa bé đang chơi cầu lông, được chụp từ thập niên sáu mươi của thế kỷ trước ở xứ Huế, ai đó đưa lên facebook. Thấy trong ảnh, hồi đó mà nhà cửa bề thế, ngõ chè tàu vô nhà được cắt xén gọn gàng thì chắc phải là nhà khá giả đây. Hai đứa bé chơi cầu lông cũng ăn mặc tươm tất lắm…
Tuổi thơ tôi ở nông thôn, những năm tám mươi của thế kỷ trước quá nhiều khó khăn thì làm chi có vợt với cầu mà chơi. Môn thể thao duy nhất của lũ trẻ xóm tôi là đá banh. Mà mỗi khi chơi thì cứ trần trùng trục, quần xà lỏn mà chơi. Rứa mà lũ trẻ xóm tôi vẫn mê môn “thể thao vua” lắm lắm. Chơi đá banh, nhưng không có banh. Thỉnh thoảng mới mua được một trái banh nhựa ngoài chợ, chỉ cần đá mấy trận là xẹp lép, rồi bể luôn. Nhà tôi có cái phao hình chữ nhật, hình dạng giống như cái điện thoại để bàn. Đây là quà của ba tôi, lượm được trong một lần ra biển, mang về cho mấy đứa con chơi. Rứa là miếng phao thành “trái banh” chỉ vì nó nhẹ, mềm, đá không đau chân. Cái sân đất sét trước nhà tôi chiều nào cũng thành sân banh tưng bừng. “Trái banh” phao hình chữ nhật không chịu lăn xa, nên hai phe cứ xáp lá cà đá chân nhau túi bụi. Rứa mà cũng vui, cũng có phe thắng, phe thua và rồi đến một ngày “trái banh” phao cũng phải bể…
Kịp lúc đó, chú Oi ở cạnh nhà tôi đi Huế chơi mang về một trái banh dội (sau ni mới biết là trái banh tennis). “Chú Oi” là cách xưng hô theo họ hàng, nhưng chú nhỏ hơn tôi năm tuổi. Chú còn nhỏ rứa, nên muốn chú đưa banh ra chơi là phải dỗ dành. Khi thì trái ổi, khi thì con chuồn chuồn, khi thì cõng chú chạy mấy vòng quanh sân…, làm sao đó cho chú vui, chú mới vô buồng, nhảy vô cái thùng phuy lấy trái banh ra cho cả bọn cùng chơi. Từ “trái banh” phao hình chữ nhật đến trái banh dội bằng cao su là cả một sự “lên đời” của lũ trẻ trong xóm. Có banh dội của chú Oi, cả bọn tha hồ phô diễn kỹ thuật từ đánh đầu đến ngã bàn đèn, móc giò lái, hứng ngực…
Thỉnh thoảng phải dội banh cho chú Oi biểu diễn mấy “miếng” kỹ thuật nữa để nịnh chú. Nhưng chừng mươi ngày nửa tháng chi đó, trái banh dội của chú Oi cũng bị bể luôn trong một pha tranh chấp bóng của cầu thủ hai phe. Chú Oi thì nằm lăn ra giữa sân mà khóc ngất đòi đền… Bao nhiêu quà bánh của mấy đứa trong xóm mang đến chú cũng chẳng thèm, nhất định không chịu nín…
Chú Oi ra Bắc làm thợ kim hoàn, lấy vợ rồi định cư luôn ở ngoài đó. Bữa Tết, chú về quê ngồi uống rượu với tôi, thằng Sơn, thằng Chiến…, là mấy cầu thủ đá banh năm xưa nói làm xàm đủ chuyện. Nhắc lại chuyện hồi trước chú lẫy vì trái banh bị bể ai cũng buồn cười, giờ thì đầu ai cũng đã lơ thơ vài sợi tóc bạc rồi…
Cái lũ con nít của xóm tôi cứ hết trò chơi thì lại xúi nhau vật lộn. Xóm có khoảng năm, sáu đứa ngang trang ngang lứa mà cứ vật nhau suốt để phân ngôi thứ. Thằng Sơn nhỏ con, bởi vậy hắn không dám vật tay đôi với tôi nên hiển nhiên là ngôi thứ sau tôi. Rứa mà một lần, do mấy đứa lớn hơn xúi dữ quá, nên hắn đồng ý vật với tôi. Và hắn đã thắng. Thắng xong hắn toét miệng cười hỏi: “Chắc do mi nhịn tau phải không?”
Thằng Sơn là rứa, luôn vui vẻ, tếu táo. Năm lớp 9, cô giáo chủ nhiệm giao cho tôi soạn vở kịch ngắn, dựa trên bài hát, đại ý là nhặt được của rơi trả người bị mất. Tôi là “đạo diễn”, giao cho hai thằng bạn cùng xóm, cùng lớp là thằng Sơn vai chính Tèo - học sinh nhặt được của rơi và thằng Chiến vai bác nông dân đi chợ bán heo bị mất tiền. Thằng Chiến có sẵn bộ đồ bà ba vải Tám đà thường hay mặc đi học, đóng vai bác nông dân quần ống xắn, ống thả đi bán heo về, dừng chân ngã ba xóm hút điếu thuốc. Với bao dự định nhờ có số tiền bán heo, bác nông dân lục lại lưng quần thì cái bị (ví) đựng tiền đã rơi lúc nào. Cái miệng của thằng Chiến méo xệch đến tội, chừ tôi vẫn còn nhớ.
Thằng Sơn đóng vai Tèo, đi học về thấy bị tiền ai đánh rơi trên đường, liền nhanh chân giẫm lên, lừa hai thằng bạn đi cùng rằng có mấy con chim trên cây, để cho bạn chạy đi. Thằng Sơn độc thoại đoạn sau khi nhặt được tiền làm cả trường cười chảy nước mắt. Ban đầu là dự định mua áo quần, giày dép mới; rồi mua thêm trái banh, mua thêm chiếc xe đạp… Rứa thôi là có đứa phải “lé mắt” mà xưng: “anh Tèo, cậu Tèo…” Nhưng rồi một hồi “đấu tranh tư tưởng”, thằng Tèo lại thấy tội cho người mất tiền, biết đâu con cái họ cũng đang chờ áo quần mới khi Tết về như mình. Vở kịch ngắn thành công ngoài mong đợi, được thầy cô khen là nhờ vào tài diễn xuất của thằng Sơn - Tèo…
Năm tôi học năm nhất Đại học, thằng Sơn và thằng Tiến em tôi xách máy may vô Sài Gòn kiếm sống. Nhớ lúc tiễn hai đứa lên xe rồi, một mình tôi đứng trơ trọi giữa đường phố, nước mắt chảy tự khi nào. Học xong Đại học, tôi vào Sài Gòn tìm việc, tá túc trong căn nhà trọ của mấy thằng bạn cùng xóm, buồn thúi ruột thúi gan nhưng nghe thằng Sơn kể chuyện yêu đương nhăng nhít là hết buồn liền. Chuyện gia đình hắn cũng lắm nhiêu khê, nhưng được cái khi mô cũng cười, cũng vui. Mấy năm trước, hắn bỏ Sài Gòn về quê sống, đi theo mấy đứa âm thanh, đàn địch và làm nghề MC đám cưới. Thằng Sơn làm MC cũng lạ lắm, ít văn thơ, hò vè, ít những câu bóng bẩy nhưng bù lại là những câu nói tếu táo của “thằng Tèo” năm nao, nên được nhiều người thích…
Nhưng đã quen với nhịp sống phố xá Sài Gòn, nên ở quê được gần năm, hắn lại bay vô thành phố. Gặp nhau, tôi nói với hắn: “Hơn tứ thập rồi, thôi thì làm việc chi cho nó ổn định đi!” Thằng Sơn chỉ cười. Những lần gặp thằng Sơn khi mô cũng vui vẻ cả; chỉ có một lần buồn. Đó là một cuộc rượu ở quê cũng đã mấy năm rồi. Tôi thì hát: “Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa - Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ - Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ - Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà…” còn thằng Sơn thì mắt đỏ hoe nốc liên tục đến cả chục ly rượu…