H
ồi trước, làng tôi chỉ có độc nhất một hồ sen ngay trước chùa làng. Hồ sen được trồng để tạo cảnh quan cho chùa và vào mùa sen nở thì hái hoa cúng Phật những ngày rằm, mồng một. Không biết chùa được xây dựng từ năm mô, nhưng cây trái vườn chùa làng không khác chi một ngôi chùa ở Huế. Là hồ sen ở trước sân chùa, những cây phượng vĩ, lim cổ thụ ở hai bên. Cây hoa ngâu và thêm mấy cây hoa màu hồng phớt rất đẹp mà tôi không biết tên ở giữa sân chùa, phía phải chùa cạnh chiếc giếng sâu là một cây vả to; sau lưng chùa là nhãn, mãng cầu, khế… Có lẽ những vị sư và cả những Phật tử ở làng tôi phải bỏ công nhiều lắm mới trồng được những loài cây trái này trên nền đất cát bạc màu…
Những năm tám mươi, kinh tế khó khăn vất vả lắm nên Phật tử đến lễ chùa không đều đặn. Hồ sen trước chùa bị đám con nít rồi cả người lớn nữa trong làng hùa nhau xuống đào củ sen về nấu ăn. Chỉ trong vòng mấy ngày, hồ sen tồn tại mấy chục năm đã tàn phai… Rồi cây vả, mấy cây phượng vĩ cũng bị khô héo vì không có người chăm sóc và bảo vệ…
Không còn sen nở hồng ở hồ chùa, thế là vào dịp lễ Phật đản, Khuôn hội phải nhờ những người đồng hương đang sinh sống ở Huế mua sen về cúng Phật. Những bó hoa sen theo chuyến đò chiều từ Huế về chùa làng kịp tỏa hương trước tượng đài Phật đản sanh quyện cùng mùi rơm thơm đồng nội và lời kinh từ tâm của dân làng là ký ức của tôi về những mùa Phật đản an lành nơi làng cũ…
* * *
Một người bạn sinh ra và và lớn lên ở khu phố cổ Gia Hội - Huế kể: Nhớ hồi xưa khi người ta chưa máy móc công nghệ như chừ, thì cái nghề làm hột sen khô cũng nuôi sống không biết bao nhiêu hộ gia đình. Nhà tui ở xóm Gia Hội, dòng họ nhà tui làm hột sen khô đã ba đời, nên tới đời tui, cố nhiên cũng phải tham gia làm hột sen dù lúc đó mới có mấy tuổi.
Học hết lớp 2, tui được mệ nội dạy cho cách làm hột sen. Sau đó, nguồn sen của mệ không nhiều thì làm bỏ mối cho hàng mệ Vinh bên Đập Đá. Làm sen khô rất nhiều công đoạn. Mà nhà tui thì làm sen mấy đời nên công đoạn mô cũng biết.
Đầu tiên là phải sấy sen cho khén bằng cách quây cái bồ cót lại, bỏ trong nớ trét than (có thể sử dụng vỏ đen của sen để làm than sấy), bên trên là cái trẹt sen dàn đều, thỉnh thoảng phải đảo sen bằng cách bưng nguyên cái trẹt xóc lên. Sấy cho tới khi khô giòn, không được để sen cháy, rồi đem ra chặt từng hột trên cục gỗ to gọi là cục kê. Sau khi chặt vỏ đen ra thì sen có lớp vỏ màu nâu, tiếp tục đi sấy tiếp (lần ni sấy nhanh hơn, phải cẩn thận hơn kẻo sen cháy đen không kết thành chuỗi đem bán được.) Sấy xong, đem ra nhúng qua với nước để chừng từ một đến ba phút tùy độ khén của sen, gọt bỏ lớp vỏ nâu đi. Dao dùng để gọt sen thường là dao bài loại nhỏ, hay dao díp mấy mệ gọt cau, đem mài thật bén. Từng nhát dao khứa trên hột sen, để lại những dấu ấn như những cánh hoa sen…
Bạn kể thêm: Tui thuộc loại gọt sen nhanh, đều, đẹp, ít hao cơm sen. Sen nhà tui giao, mệ Vinh rất thích vì sạch, đẹp, mà nặng cân. Khi mô gọt sen xong, mạ sai đem sen đi trả, rứa là từ cầu Gia Hội xuống tới bến đò Đập Đá chợ Đông Ba, xuất hiện một con nhỏ chừng chín, mười tuổi, nách một bao hạt sen tầm năm, bảy ký như người ta nách thau bánh lọc, bước đi cho nhanh vì mỏi hông và nặng nề. Qua mà kịp đò thì khỏe, chớ lỡ đò chống sào ra bến rồi là ngồi chờ dài cổ.
Hồi nớ xưa quá rồi, không nhớ đi đò hết mấy đồng nữa, chỉ nhớ là nhiều khi mấy chú mấy o quen mặt, chộ con nít nhỏ nữa nên có khi cho đi đò mà không lấy tiền. Bây chừ cũng vừa độ Huế đương mùa sen, tui lấy chồng, nhà ở đường Phượng Bay trước mấy cái hồ Đại Nội, vác mặt ra là chộ sen đang bung nở, nhớ tuổi thơ chi lạ luôn…