1. Não trái và não phải có cơ chế ghi nhớ khác nhau
Trí nhớ được phân ra làm hai loại: trí nhớ não phải và trí nhớ não trái. Thông thường người ta chỉ quan tâm đến loại thứ hai và biết rất ít về loại thứ nhất. Vậy thì trí nhớ não phải có những đặc điểm gì?
Chuyện kể rằng: khác với những phóng viên khác, nhà báo người Nga S. V. Sherashevski không bao giờ ghi chép trong những cuộc họp báo. Khi trưởng phòng biên tập thắc mắc về vấn đề này, ông giải thích rằng mình không cần phải ghi chép vì bản thân có thể nhớ tất cả mọi thứ. Khi được yêu cầu nhắc lại những gì người biên tập nói trong cuộc họp hôm đó, ông đã nhắc lại đúng từng chữ một, thậm chí còn diễn tả lại từng cử chỉ.
Nhà sinh vật kiêm nhà dân tộc học Kumagusu Minakata đến từ Wakayama, Nhật Bản, người được xem là một trong những thần đồng vĩ đại của Nhật Bản cũng có khả năng ghi nhớ tuyệt vời. Trong suốt quá trình đi học, ông chỉ cần đọc lướt những cuốn sách nghiên cứu mượn từ cha của bạn mình và khi trở về nhà, ông có thể kể lại chi tiết nội dung cuốn sách vô cùng chính xác, thậm chí mô tả cả hình minh họa trong sách. Người ta nói rằng ông đã ghi nhớ được từ bốn đến năm trăm bộ sách theo cách này, bao gồm cả các cuốn sách minh họa về thực vật học và những cuốn bách khoa toàn thư.
Loại năng lực ghi nhớ này nằm ở bán cầu não phải chứ không thuộc về bán cầu não trái. Ở những người bị tổn thương não bộ, khả năng ghi nhớ đặc biệt này thường xuất hiện do sự tổn thương bán cầu não trái đã vô tình khiến cho khả năng thiên tài của não phải được bộc lộ. Nhà tâm thần học người Mỹ Darold A. Treffert giới thiệu rất nhiều trường hợp như vậy trong cuốn sách của ông: “Những con người phi thường: Hiểu biết về hội chứng bác học”. Tuy nhiên, ông không thể giải thích vì sao những người bị tổn thương não bộ lại có được những khả năng vượt trội như vậy mà chỉ đơn thuần kết luận rằng đây là một thách thức đối với khoa học. Thật ra, nguyên nhân rất đơn giản: việc tổn thương não trái đã tạo điều kiện cho các khả năng của não phải dễ dàng được bộc lộ, do chức năng của não phải không còn bị kìm nén như trước đây.
Não phải chiếm ưu thế và hoạt động mạnh khi trẻ em đang ở thời kỳ phôi thai và trong suốt ba năm đầu đời. Thời kỳ từ ba đến sáu tuổi là cột mốc đánh dấu sự dịch chuyển hoạt động từ não phải sang não trái. Và sau sáu tuổi, não trái hoàn toàn chiếm ưu thế. Do đó, việc rèn luyện trí nhớ não phải là vô cùng quan trọng trong sáu năm đầu đời – khoảng thời gian khi bán cầu não phải của trẻ được kích hoạt một cách tự nhiên. Nếu khả năng ghi nhớ não phải được rèn luyện trong suốt thời gian này, kênh truyền dẫn thông tin bằng hình ảnh sẽ mở ra và con người có thể tiếp cận những khả năng to lớn của não phải trong suốt cuộc đời. Đoạn trích từ lá thư của một phụ huynh dưới đây sẽ chứng minh sự hiệu quả của việc luyện tập các hoạt động não phải trong độ tuổi này.
Đã một năm con gái tôi theo học kể từ khi Trường Mẫu giáo Heiwa trở thành Trường Mẫu giáo Shichida, và tôi liên tục bị bất ngờ trước khả năng tập trung của con. Mới hôm nọ cô giáo trên lớp giao cho con bài tập đọc và bài tập học thuộc lòng cho kỳ nghỉ đông. Cuốn sách cô chọn là “Oku no Hosomichi” (tuyển tập các bài thơ của Basho) và “Xứ tuyết” (một cuốn tiểu thuyết của Kawabata). Đầu tiên tôi đọc to từng đoạn cho con nghe và yêu cầu con đọc theo tôi đoạn đó hai lần. Sau đó, mặc dù tôi không chắc rằng con có thể làm được, tôi vẫn yêu cầu con kể lại và bé đã khiến tôi sửng sốt khi kể rất trôi chảy và gần như là hoàn hảo những gì nghe được bằng trí nhớ của mình.
Quyển “Xứ tuyết” cũng rất dài nhưng thật ngạc nhiên là con không hề gặp khó khăn và không mắc lỗi dù chỉ một từ hay một âm tiết nào khi kể lại. Trong suốt kỳ nghỉ tết, chúng tôi nghe cuốn băng “Một trăm bài thơ Tanka(1) của một trăm nhà thơ trứ danh” và học thuộc lòng các bài thơ. Con gái tôi còn tự đọc cuốn truyện tranh có nội dung tương tự cuốn băng và ghi nhớ luôn cả bộ truyện một cách nhanh chóng.
(1) Thể thơ Tanka: Tương tự với thể thơ haiku nhưng có thêm hai dòng thơ.
Kyoto Tajiri, Thành phố Tachikawa
2. Trí nhớ não phải hoạt động như thế nào?
Một khi trí nhớ não phải được kích hoạt, bạn sẽ không bao giờ quên những gì bạn có thể nhìn hoặc nghe thấy, kể cả khi chỉ mới tiếp cận nó một lần. Não trái cần ghi nhớ thông tin một cách có chủ ý, nhưng não phải ghi lại thông tin một cách vô thức và tức thời như khi chúng ta chụp một bức ảnh. Não phải không chỉ nhớ được những thông tin phức tạp mà cùng lúc còn có thể phân tích, suy luận, thấu hiểu và lĩnh hội nội dung cốt lõi của thông tin đó. Chẳng những thế, não phải còn sở hữu khả năng sáng tạo đáng kinh ngạc nhờ lưu trữ những hình ảnh, vốn là tiền đề của ngôn ngữ.
Trí nhớ của não phải không chỉ làm nhiệm vụ lưu trữ thông tin. Nó thúc đẩy khả năng sáng tạo mạnh mẽ để làm nảy sinh những ý tưởng đột phá và khác biệt hơn hẳn so với những ý tưởng thông thường. Trí nhớ não trái, cho dù có phát triển như thế nào cũng không thể có được những khả năng này. Thực tế là những người có xu hướng ghi nhớ bằng não trái thường tư duy kém hơn và thiếu trí tưởng tượng. Cần phải hiểu rằng bản chất của trí nhớ não phải hoàn toàn khác so với trí nhớ não trái.
Trí nhớ não phải thường được gọi là trí nhớ của hình ảnh. Nhạc trưởng Hirofumi Iwashiro có thể ghi nhớ cả một bản nhạc hoàn chỉnh mà chỉ nhìn qua một lần. Ông kể lại rằng khi chỉ huy dàn nhạc, ông thực sự nhìn thấy bản nhạc trôi trước mặt ông. Toscanini và Reubenstein cũng sở hữu khả năng đặc biệt này.
Ngày mùng năm tháng Sáu năm 1994, trong chương trình Tivi “Người thuyết trình”, cậu bé năm tuổi Atsuhiro Suzuki đã ghi nhớ được chín mươi tấm thẻ hình. Mặc dù càng ngày càng có nhiều trẻ biết cách sử dụng trí nhớ não phải để nhớ được nhiều thẻ như vậy, nhưng trí nhớ não phải không chỉ đơn giản là đảm nhiệm chức năng lưu giữ thông tin. Trên thực tế, trí nhớ não phải liên kết chặt chẽ và kích thích khả năng sáng tạo phát triển, bởi vậy, việc phát triển trí nhớ não phải trở nên vô cùng quan trọng.
Trường hợp dưới đây sẽ giải thích tại sao sự phát triển khả năng ghi nhớ hình ảnh ở não phải lại có liên quan đến việc trẻ có khả năng sáng tạo và có thể tự sáng tác được những câu chuyện giàu hình ảnh.
Naoko nhìn thấy những hình ảnh ngay khi con nhắm mắt. Đó là những hình ảnh vô cùng sống động và tràn đầy màu sắc. Những hình ảnh đó cứ tự sắp xếp trong tâm trí con để tạo thành một câu chuyện với nhiều tình tiết và nhân vật. Giáo viên của con muốn được nghe lại những câu chuyện đó, vì vậy tôi thường động viên con viết lại chúng một cách thường xuyên. Thời gian đầu, những câu chuyện còn ngắn, nhưng gần đây con dần viết được những câu chuyện dài hơn, đến giờ thì những câu chuyện của con đủ để lấp đầy cả một thùng carton. Tôi nên làm gì với những mẩu chuyện sáng tạo của con nhỉ?
(Một lá thư từ A. H. ở Nagano)
Sau khi đọc lá thư này, tôi yêu cầu người mẹ gửi cho tôi những mẩu chuyện bé đã viết khi bé lên bảy tuổi, gồm cả những câu chuyện khi bé mới sáng tác và cả những mẩu chuyện mà chị gái Yoko của bé viết. Tôi tập hợp chúng vào trong một cuốn sách và đặt tên là “Những câu chuyện thú vị của Naoko và Yoko” rồi gửi cho các bé. Mẹ của các bé đáp lại: “Cám ơn giáo sư rất nhiều vì cuốn sách tuyệt vời ông gửi chúng tôi hôm nọ. Tôi chưa từng thấy các con vui mừng như thế từ trước đến nay”.
Chia sẻ của bà mẹ đã thôi thúc tôi viết thư mời những bé khác đang tham gia khóa học hoạt động tưởng tượng để các bé gửi những câu chuyện sáng tạo của mình. Tôi chọn ra ba mươi ba mẩu chuyện trong tổng số sáu mươi mốt truyện tôi nhận được và phát hành cuốn “Tuyển tập những bài viết sáng tạo của trẻ em” (Homeido Shoten). Một số bài viết của Naoko cũng nằm ở trong cuốn sách mà tôi đánh giá rất cao này.
3. Làm thế nào để kích hoạt khả năng ghi nhớ bằng não phải?
Cách tốt nhất để đánh thức trí nhớ não phải là chơi một trò chơi đòi hỏi sự chuyển tiếp chức năng ghi nhớ não trái sang não phải. Bởi trẻ em vốn đã rất giàu trí tưởng tượng và quen với việc nhìn thấy hình ảnh trong tâm trí, trò chơi này sẽ kích thích và phát triển trí nhớ não phải một cách rất tự nhiên. Bài báo cáo sau được viết bởi Misako Yamaga, giáo viên của lớp học Takamatsu.
Tôi sử dụng “Phương pháp liên tưởng” trong quá trình luyện tập khả năng ghi nhớ. (Phương pháp này bao gồm ghi nhớ các cặp từ bằng cách hình dung một hình ảnh kết nối chúng với nhau). Tôi đặt những tấm thẻ lên mặt bàn, kết nối chúng bằng những hình ảnh sinh động như “Chú lợn cắn chiếc ủng cao su và lấy củ cà rốt làm gậy”.
Những đứa trẻ hai tuổi rưỡi đều cười vui vẻ trong lúc nghe những câu chuyện kỳ lạ như vậy. Đôi mắt các bé sáng lên khi nhìn thấy tôi đặt những tấm thẻ xuống. Tôi bắt đầu kể câu chuyện cho các bé nghe từ ba tới năm thẻ và dần dần tăng số lượng thẻ lên. Khi tất cả những tấm thẻ đã được úp xuống, tôi bắt đầu với tấm thẻ đầu tiên và nói “Có gì trong này các con nhỉ?” và lật thẻ lên. Các bé bắt đầu la hét tranh tới lượt được đọc tên thẻ. Với sự giúp đỡ của mẹ, các bé bắt đầu tự sáng tạo những câu chuyện của mình. Những bé ba tuổi nhanh chóng học được cách ghi nhớ trật tự của hai mươi tấm thẻ, trong khi các bé bốn và năm tuổi có thể ghi nhớ ba mươi tấm. Một số bé thậm chí còn cố gắng nhớ trật tự của bốn mươi hay năm mươi thẻ.
Khi được tập luyện đều đặn, các bé sẽ không cần những gợi ý để nhớ lại nữa mà dễ dàng gọi tên bức hình và nhanh chóng lật những tấm thẻ thật chính xác. Khi được chứng kiến tốc độ ghi nhớ của các bé, tôi thật sự rất kinh ngạc.
Khả năng tưởng tượng và ghi nhớ bằng hình ảnh của trẻ (trí nhớ não phải) thật lạ lùng. Trong một bài tập khác, tôi xếp khoảng mười lăm vòng tròn có năm màu khác nhau theo thứ tự bất kỳ vào năm que gỗ, cho các bé nhìn qua rồi yêu cầu các bé đặt đúng theo trật tự đó. Mặc dù tôi đã chọn những trật tự rất phức tạp, các bé vẫn có thể sắp xếp lại tất cả mười lăm vòng tròn đó theo đúng mẫu, cứ như là các bé đang nhìn thấy hình mẫu vậy. Giáo viên chủ nhiệm dạy các bé đã thốt lên rằng cô thật sự ngạc nhiên tột độ khi nhìn thấy cảnh tượng đó.
C. N, một giáo viên ở Tsushi cũng kể lại một kỷ niệm khi cô còn nhỏ:
Cháu rất thích đọc những bài viết của ông. Cháu được nuôi dạy như bao đứa trẻ khác và theo học tại trường tiểu học công lập thông thường, cấp hai, cấp ba và đại học cũng vậy. Cháu chan hòa với tất cả mọi người, thích đọc sách, chơi thể thao và âm nhạc. Tuổi thơ của cháu trôi qua êm đềm và cháu không phải học quá nhiều ở nhà để bắt kịp chương trình học ở trường.
Khi còn ở trường cấp hai, cháu chỉ cần học một tuần trước kỳ thi. Nhớ lại hồi đó, cháu nhận ra mình đã sử dụng khả năng ghi nhớ bằng hình ảnh (não phải) mà không biết. Cháu có thể hồi tưởng lại lời giảng trên lớp của các cô giáo khi lật qua những trang vở ghi chép, và sắp xếp lại những hình ảnh đó vào “cuốn sổ” trong đầu cháu hoặc viết lại mọi thứ lên một tấm bảng trong tâm trí để có thể xem lại mà chỉ cần nhìn liếc qua.
Ba cháu đã dạy cho cháu phương pháp sử dụng hình ảnh tấm bảng đen để ghi nhớ. Ông học toán rất giỏi. Ông có thể hình dung được những con số trên một tấm bảng đen trong trí não mình khi giải các phương trình toán học. Con số biểu thị kết quả thường xuất hiện bắt đầu từ những đơn vị cao nhất chứ không phải những đơn vị nhỏ nhất. (Phương pháp tính toán này chính là phương pháp xử lý thông tin của não phải mà tôi sẽ mô tả rõ hơn trong phần tiếp theo).
So với những đứa trẻ đang được dạy bằng phương pháp Shichida, những điều cháu vừa kể không có gì đặc biệt, nhưng nhờ có khả năng ghi nhớ bằng hình ảnh đó, điểm số của cháu rất tốt. Suốt thời học cấp hai, cháu luôn xếp hạng cao ở lớp. Tuy nhiên cháu không đủ tự tin để thi vào trường Đại học Tokyo, do đó cháu chọn trường Đại học Tohoku, theo học khoa Luật và rồi trở thành một giáo viên. Mặc dù có hơi muộn, cháu vẫn đang cố gắng nghiên cứu chuyên sâu vào một lĩnh vực cụ thể.
Câu chuyện về cháu không quan trọng, nhưng cháu đã được truyền cảm hứng để viết lá thư này với hy vọng muốn ông biết rằng mặc dù khả năng não phải của cháu còn hạn chế, cháu đã sử dụng nó để vượt qua thành công nhiều kỳ thi đáng sợ... Cháu hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa những bài giảng của giáo sư và rất muốn áp dụng những phương pháp giáo dục não phải vào việc nuôi dạy trẻ em cũng như tận dụng kinh nghiệm của riêng bản thân cháu.
Cuối cùng, nếu mục tiêu của giáo dục hướng tới phát triển tài năng thiên bẩm cho trẻ em chỉ đơn giản là nhắm vào việc thi đỗ các kỳ thi thì cuộc sống của chúng rồi sẽ trở nên bình thường giống như cháu. Ngày nay người lớn chúng ta cần phải tự đặt ra cho mình trách nhiệm giáo dục trẻ em để chúng phát huy được khả năng của não phải vì lợi ích của xã hội và của toàn thế giới.
4. Kích hoạt khả năng ghi nhớ não phải bằng phương pháp liên tưởng
Hoạt động liên tưởng là một bài tập luyện tốt cho việc kích hoạt trí nhớ não phải. Mặc dù là tập luyện, nhưng thực tế đây lại là một hoạt động vui vẻ, không yêu cầu cố gắng quá nhiều. Việc tham gia trò chơi ghi nhớ này hàng ngày giúp bộ não chuyển từ trí nhớ não trái sang trí nhớ não phải. Bạn cần có một bộ thẻ tranh ảnh để dạy trẻ với phương pháp này.
Đầu tiên, lấy ngẫu nhiên hai thẻ ảnh từ bộ ảnh và nói một câu để liên kết chúng. Nếu những bức tranh có hình hươu cao cổ và một vài quả bóng bay, bạn có thể nói như sau, “Một chú hươu cao cổ đang nhai chùm bóng bay”. Liên kết hình ảnh với sự chuyển động, ví dụ như hình ảnh chú hươu cao cổ ăn chùm bóng bay sẽ giúp trẻ dễ dàng ghi nhớ hơn một tình huống tĩnh như chú hươu đứng ôm trái bóng bay.
Sau đó hãy đặt úp hai tấm thẻ xuống, chỉ vào một trong hai tấm thẻ và hỏi tấm thẻ này là gì. Nếu trẻ cảm thấy dễ dàng trong việc ghi nhớ và nhận diện tấm thẻ, lần tới hãy sử dụng ba tấm thẻ. Nếu ba tấm thẻ có lần lượt hình xe đạp, cái cốc và một chú thỏ, đầu tiên bạn có thể liên kết chiếc xe đạp với chiếc cốc bằng cách nói như sau: “Chiếc xe đạp chạy trên một ngọn núi đầy những chiếc cốc”. Sau đó có thể liên kết chiếc cốc với con thỏ bằng cách nói rằng “Chú thỏ con nhảy vào trong một chiếc cốc”. Nói cách khác, cần tạo ra sự liên kết giữa một tấm thẻ này với một tấm thẻ khác bằng một hình ảnh sinh động. Nhưng bạn không cần phải tạo nên một câu chuyện chung để kết nối tất cả các tấm thẻ. Thực tế, việc cố gắng liên kết tất cả các tấm thẻ bằng một cốt truyện có tính logic sẽ khiến quá trình ghi nhớ diễn ra khó khăn hơn.
Một khi trẻ có thể nhớ được ba tấm thẻ, hãy tiếp tục tăng dần số lượng, mỗi lần một thẻ. Dừng lại khi bé không thể nhớ thêm nữa. Ngày tiếp theo, bắt đầu lại với số thẻ ít hơn số thẻ bạn đã kết thúc hôm trước. Chơi trò chơi này hàng ngày sẽ giúp nhanh chóng kích hoạt khả năng ghi nhớ bằng não phải và sau đó, việc ghi nhớ tất cả các tấm thẻ sẽ trở nên đơn giản.
Chơi trò chơi liên kết các hình ảnh
Phát triển khả năng ghi nhớ bằng não phải thông qua trò chơi liên kết hình ảnh của một tấm thẻ với thẻ bên cạnh nó.
Dưới đây là bài báo cáo từ một giáo viên sử dụng phương pháp này để luyện khả năng ghi nhớ.
Tôi xin phép chia sẻ một số những kết quả tuyệt vời ở lớp học của các bé bốn tuổi. Trong lớp tôi có ba bé trai rất hiếu động nên thường các bé phải mất một thời gian dài để hiểu và lắng nghe những gì tôi nói. Tuy nhiên tất cả các bé đều rất thích trò chơi ghi nhớ và đã hoàn toàn khiến các bậc phụ huynh sửng sốt và thán phục khi số lượng thẻ được các bé nhớ tăng lên đáng kể. Tôi phải thừa nhận rằng tôi chưa từng mong đợi lớp học này sẽ diễn ra suôn sẻ như vậy. Tôi rất ngạc nhiên và vui mừng tặng các bé thật nhiều lời khen ngợi khi thấy chúng đạt được thành công.
Thậm chí còn có một sự việc kỳ diệu hơn thế nữa đã xảy ra. Trước đây, trong lớp tôi, bé A cần tới một tháng để thuộc lòng một bài thơ haiku, nhưng gần đây cậu có thể nhớ được năm bài thơ haiku của tháng, chỉ qua việc lắng nghe mẹ đọc to nhiều lần. Cậu đọc lại cả năm bài thơ với giọng đọc to, rõ ràng trước cả lớp. Cậu cũng có thể đọc thuộc lòng toàn bộ bài thơ của tháng: “Aomushi” kèm theo cả điệu bộ minh họa. Theo lời mẹ của cậu bé, cậu đã thuộc gần hết bài thơ sau khi mẹ đọc chỉ hai lần. Khi nói về khả năng cải thiện trí nhớ nhanh chóng của con, mẹ cậu bé chỉ nhắc đi nhắc lại “Tôi không thể tin được”.
Trước đây, cậu có vẻ không thích thú với những hoạt động tưởng tượng, vậy mà bây giờ, cậu bắt đầu trở thành người đầu tiên kể lại những gì mình nhìn thấy sau khi hoạt động kết thúc.
Và không chỉ có bé A. Hai bé trai còn lại cũng trở nên điềm tĩnh tới mức không thể nhận ra trước đây các bé đã từng hiếu động đến thế nào.
Từ khi tôi bắt đầu áp dụng trò chơi hình ảnh này, các bé cũng tưởng tượng tốt hơn, có lẽ vì những câu nói liên kết giữa hai thẻ rất thú vị đã dễ dàng giúp các bé tưởng tượng ra hình ảnh trong trí não.
Tôi cũng nhận ra tầm quan trọng của việc phát triển não phải, điều mà ông thường xuyên nói với chúng tôi.
5. Khuyến khích trẻ khuyết tật trí tuệ phát triển khả năng ghi nhớ não phải
Bài báo cáo dưới đây cho thấy trò chơi não phải cũng thúc đẩy sự phát triển của trẻ khuyết tật trí tuệ.
Hiện tại, lớp của tôi có bảy bé khuyết tật trí tuệ. Hai bé bị hội chứng Down, hai bé tự kỷ, hai bé chậm phát triển trí tuệ và một bé bị bại não. Tôi làm việc riêng với từng bé bởi triệu chứng của mỗi bé đều khác nhau, tuy nhiên phương pháp tiếp cận thì giống nhau. Chúng tôi bắt đầu với bài tập thiền, hít thở sâu, gợi ý tích cực, hoạt động tưởng tượng và cuối cùng là bài tập ghi nhớ bằng não phải. Phương pháp này mang lại những kết quả đáng kinh ngạc. Tất cả bảy bé đều tiến bộ liên tục, tuy nhiên hôm nay tôi muốn đề cập cụ thể trường hợp của bé Y, một cậu bé bị chứng chậm phát triển trí tuệ.
Bé Y bắt đầu theo học từ tháng Mười năm ngoái. Thời điểm đó, bé được ba tuổi bốn tháng nhưng mức phát triển của bé chỉ giống như một bé khoảng hai tuổi.
Trong lớp học, tôi cho bé và mẹ xem những tấm hình của một quả chuối và nói: “Mẹ đã đi mua chuối”. Sau đó, tôi hỏi lại bé: “Mẹ đã mua gì nhỉ?”, bé không hề phản ứng lại. Tôi cho bé xem hình ảnh của một quả táo và một quả chuối rồi hỏi bé: “Mẹ đi mua quả nào nhỉ?” nhưng bé vẫn không trả lời và dường như không hiểu những điều tôi nói.
Mẹ bé giải thích: “Trí nhớ của cháu rất kém”. Tuy nhiên, tôi nói với mẹ bé rằng những suy nghĩ tiêu cực này của mẹ có ảnh hưởng không tốt tới bé, đồng thời giải thích rằng thực ra bé có khả năng não phải tiềm ẩn rất tuyệt vời.
Tôi bắt đầu buổi học bằng việc bật nhạc nền sóng alpha và vỗ về bé nhẹ nhàng trong khi nói với bé những gợi ý tích cực.
“Y à, cô yêu con rất nhiều. Trái tim và tâm trí của chúng ta sẽ hòa làm một. Vì thế, khi con học với cô, bài giảng của cô sẽ đi vào tâm trí con. Con sẽ nhớ bài thật dễ dàng và rồi con có thể kể lại về nó bất cứ lúc nào”. Sau đó tôi chuyển sang phần hoạt động tưởng tượng. Tôi bật những bài hát trẻ em quen thuộc về một chú bướm và một chú voi, đồng thời tôi nhảy cùng bé và tưởng tượng mình biến thành những con vật đó.
Khi hoạt động kết thúc, tôi cho bé xem tráo thẻ và chơi những trò chơi ghi nhớ với não phải.
Trong một, hai tháng đầu tiên, bé tiến bộ hơi chậm nhưng từ tháng thứ ba, não phải của bé bỗng được kích hoạt và bé đã có thể nhớ được hai thẻ hình cũng như tham gia được tất cả những hoạt động trong lớp. Bé có thể đọc thuộc một cuốn sách mà bé mới được nghe chỉ một lần và hiểu được các số từ không đến mười. Bé còn nhớ được bảng chữ cái tiếng Nhật Hiragana và các chữ Hán tự giản thể chỉ trong vòng một tháng.
Mặc dù khi mới vào lớp, bé bị chậm phát triển trí tuệ một năm hai tháng nhưng chỉ tám tháng sau, bé đã vượt trội so với những đứa trẻ khỏe mạnh cùng lứa tuổi khác.
Trước khi bắt đầu các hoạt động này, bé Y không thể nói, nhưng nay bé đã nói được rất nhiều. Trước đây bé thường phát ra tiếng gầm gừ khi tiếp xúc với những đứa trẻ khác, nhưng bây giờ bé đã biết gọi các bạn lại và nói “Này, lại đây nào. Chúng ta cùng chơi nhé”.
6. Kích thích khả năng tưởng tượng bằng não phải giúp trẻ phát triển cân bằng
“Kích hoạt não phải” là một khái niệm khó nắm bắt đối với con người trong xã hội hiện đại. Bản chất các chức năng não phải vượt trội đến mức khó mà chấp nhận được và vì thế, nhiều người không tin nó có thể tồn tại. Mặc dù những khả năng này giống nhau ở tất cả mọi người trên thế giới, nhưng chỉ có một số ít người có thể khai mở và sử dụng nó được, vì vậy mà phần đông còn nghi ngờ tính thực tế của chúng. Mẹ của một em học sinh trong lớp học Shichida của chúng tôi đã nói về khả năng não phải của chính cô trong bức thư dưới đây.
Giáo sư thân mến,
Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi theo một cách nào đó vô tình đã rèn luyện khả năng não phải cho tôi và vì thế khả năng tưởng tượng của tôi được phát triển một cách tự nhiên. Từ những nghiên cứu của ông, tôi có thể thấy rằng mẹ đã thành công trong việc giúp tôi duy trì những năng lực thiên bẩm mà không để chúng hao mòn và mất đi.
Phương pháp nuôi dạy con của mẹ tôi là tích cực tạo ra những kích thích ngay từ những năm đầu đời. Mẹ nói rằng bà rất thích việc nuôi dạy con và luôn cố gắng tăng khả năng ghi nhớ của tôi bằng cách nói chuyện và đọc sách cho tôi thường xuyên.
Nhìn lại quá khứ, tôi nhận ra rằng nhờ có sự cố gắng của mẹ để nuôi dưỡng và phát triển những khả năng não phải cho tôi mà năng lực ghi nhớ của tôi được xây đắp một cách dễ dàng. Tôi không bao giờ bị hối thúc phải học. Tôi có thể nắm bắt mọi thứ chỉ bằng cách đơn giản là tập trung vào bài học một ngày trước buổi thi.
Hiện giờ khi đã trưởng thành, năng lực này vẫn vô cùng hữu dụng trong cuộc sống hằng ngày của tôi:
1. Tôi có thể đọc rất nhanh và đồng thời, có thể hiểu và ghi nhớ những gì tôi đã đọc.
2. Tất cả những gì tôi cần để đạt được điểm tốt là đi học ở lớp hằng ngày. Khả năng ghi nhớ bằng hình ảnh cho phép tôi chỉ cần nhìn vào trang sách một lần để nhớ và hiểu nó. Tôi có thể nhớ một phương trình hoặc một bài toán sau khi giải chúng một lần duy nhất.
3. Tôi thường nhìn thấy những hình ảnh, những ký ức cũ, những con phố, con người, kể cả vóc dáng và màu sắc quần áo của họ, tất cả đọng lại thành những hình ảnh sống động trong tâm trí tôi.
4. Tôi có thể nhìn thấy những hình ảnh trong tương lai và chúng giúp tôi có được những linh cảm về những gì sắp xảy ra. Tôi có thể nhìn thấy hình ảnh của những sự việc sẽ xảy ra trong bộ phim tôi đang xem trên tivi.
5. Những điều tôi đã từng đọc trước đây xuất hiện trong tâm trí tôi bất cứ khi nào tôi cần, điều này giúp tôi rất nhiều mỗi khi cần viết bài luận hoặc tham gia tranh luận về một vấn đề. Việc này xảy ra cứ như thể rằng tôi có một ngăn kéo chứa tất cả các thông tin trong trí não và tôi chỉ cần lấy bất cứ thứ nào khi cần.
6. Khi giao tiếp với ai đó, tôi có thể biết trước những điều họ đang định nói.
7. Khi vẽ tranh, tôi có thể hình dung ra bức tranh hoàn thiện trong tâm trí.
8. Tôi nhận thấy mình sở hữu khả năng trực giác nhạy bén, tràn đầy cảm hứng sáng tạo và trí tưởng tượng cũng vô cùng phong phú.
Tôi là một người khá nhạy cảm với tư duy suy nghĩ trong sáng. Luôn biết cảm nhận tinh tế vẻ đẹp của cuộc sống xung quanh và khao khát khám phá những điều mới mẻ diệu kỳ của thế giới xung quanh.
Không giống như việc học bằng não trái, rèn luyện não phải không cho ta những kết quả có thể thấy được ngay lập tức, vì vậy tôi đã chứng kiến rất nhiều bậc phụ huynh bỏ cuộc giữa chừng. Một số phụ huynh khác thì băn khoăn về vấn đề làm sao việc luyện tập khả năng trực giác hay thực hiện hoạt động tưởng tượng có thể mang lại hiệu quả được.
Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy rất biết ơn mẹ vì đã kích hoạt khả năng não phải của tôi từ ba mươi năm trước và giúp tôi phát triển năng lực tưởng tượng để thấy được những hình ảnh rõ ràng. Nhờ có mẹ, tôi có được một cuộc sống giàu có và đủ đầy. Hiện nay tôi rất thành công trong lĩnh vực nghệ thuật và là giáo viên dạy mỹ thuật. Tôi có thể sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp mà chỉ cần vẽ lại trên giấy những hình ảnh hiện ra trong tâm trí. Khi tôi lớn lên, khả năng nhìn thấy trước tương lai, nguồn cảm hứng vô tận và khả năng trực giác giúp ích cho tôi rất nhiều. Tôi thật lòng cầu nguyện rằng khả năng não phải của các bé nhỏ đang theo học phương pháp Shichida cũng sẽ được nở rộ.
Mẹ bé R. H., Lớp học Tokushima
Tôi nhận được rất nhiều bức thư như vậy. Có điều không may là những người khai mở được khả năng của não phải lại nghĩ rằng nếu họ chia sẻ về những trải nghiệm của mình, mọi người sẽ không hiểu và cho rằng họ là những kẻ lập dị. Do đó, họ thường chọn cách im lặng.