1. Hoạt động của não phải vẫn còn là điều bí ẩn
Khoa học nghiên cứu về não phải vẫn còn ở thời kỳ sơ khai. Đến tận năm 1981, lần đầu tiên khái niệm não phải mới thu hút được sự chú ý của dư luận khi tiến sĩ Roger Sperry, một nhà thần kinh học ở Viện công nghệ California được trao giải thưởng Nobel cho công trình nghiên cứu về não phải.
Cho đến trước thời điểm đó, con người vẫn nghĩ rằng giữa não trái và não phải không có nhiều sự khác biệt. Ngày nay, hiểu biết của chúng ta về cách vận hành của não phải vẫn còn hạn chế và ngay cả các chuyên gia trong ngành cũng chưa thực sự hiểu rõ những chức năng mà não phải làm được.
Có thể điều này mãi mãi sẽ là một ẩn số. Một số người tin rằng khám phá những bí ẩn của bộ não con người còn quan trọng hơn là tìm hiểu những lĩnh vực xa vời như thiên văn. Não phải ẩn chứa những năng lực kỳ diệu và chắc chắn sẽ còn rất lâu nữa con người mới có thể khám phá và lý giải hết được.
Những điều được trình bày trong chương này là quan điểm cá nhân của tôi về chức năng của não phải, những chức năng vốn chưa được nhiều người biết đến.
Khoa học nói chung và vật lý học nói riêng thường chú trọng nghiên cứu về năm cơ quan cảm giác. Những kiến thức vượt ra ngoài phạm vi cảm nhận của năm giác quan thường bị coi là không phù hợp và bị bỏ qua trong quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, các chức năng của não phải không sử dụng các cơ quan cảm giác của não trái, vì giác quan của não phải thuộc về “giác quan thứ sáu”, bao gồm trực cảm và linh cảm, vốn được coi là những hiện tượng thần bí vượt ra ngoài hiểu biết thông thường. Cho nên có thể nói phần bí ẩn nhất của não bộ nằm ở bán cầu não phải.
2. Năm giác quan của não phải
Bán cầu não trái là phần não của ý thức và chỉ nhận biết được những tín hiệu rời rạc, trong khi bán cầu não phải là phần não của vô thức và nhận biết được tín hiệu liên tục dạng sóng. Cũng như não trái có năm giác quan ý thức, não phải cũng có năm giác quan tiềm thức. Tuy nhiên, khái niệm này còn rất mới mẻ và chưa được hiểu đúng nên những giác quan của não phải vẫn bị xếp vào lĩnh vực ngoại cảm và siêu năng lực mà không hề có một lý giải khoa học đầy đủ nào.
Năm giác quan của não trái bao gồm nhìn (thị giác), nghe (thính giác), chạm (xúc giác), nếm (vị giác) và ngửi (khứu giác). Não phải cũng có những giác quan ở chiều thứ tư tương ứng với năm giác quan của não trái. Tuy nhiên đây không phải là siêu năng lực mà là những khả năng rất tự nhiên và bình thường. (Xem hình 2).
Mọi người đều quen thuộc với khái niệm thần giao cách cảm, đó là khả năng giao tiếp mà không cần đến ngôn ngữ. Dạng giao tiếp không lời này chính là giác quan ở chiều thứ tư, có nghĩa là nó thuộc về một chiều không gian vô hình mà mắt thường không thấy được. Điều này hơi khác một chút so với định nghĩa của toán học về chiều không gian thứ tư(1). Thế giới không gian ba chiều thường khiến người ta nghĩ đến thế giới vật lý có ba chiều không gian là chiều cao, chiều rộng và chiều sâu. Thế giới mà ngày nay chúng ta đang sống là thế giới hữu hình dựa trên ba chiều không gian đó. Đó là thế giới mà quy luật nhân – quả tồn tại. Tuy nhiên khi não phải được kích hoạt, thông tin từ thế giới vô hình được tiếp nhận thông qua sự vận hành của trực giác, của giao cảm, của khả năng nhìn xuyên thấu và của cả khả năng tiên đoán các sự kiện trong tương lai.
(1) Chiều không gian thứ tư: Thế giới vô hình với mắt thường vì thế giới này được tạo nên từ chuyển động sóng.
Người ta tin rằng những hiện tượng này vượt ra khỏi phạm vi của thế giới ba chiều, do đó chúng được coi là thuộc về chiều không gian thứ tư. Trong cuốn sách này, thuật ngữ “chiều thứ tư” được dùng để chỉ thế giới vô hình mà mắt thường không thấy được.
Ngay cả một thai nhi ba hoặc bốn tháng tuổi cũng có khả năng “đọc” được suy nghĩ và cảm xúc của bố mẹ.
Hiện nay, bác sĩ thường dùng phương pháp siêu âm để chẩn đoán thai nhi, nghĩa là sử dụng các sóng âm dội lại để tạo ra hình ảnh phôi thai trong bụng mẹ. Thông thường, các bà mẹ vô cùng hạnh phúc khi biết tin mình có thai, tuy nhiên có một số người lại không hề muốn điều này xảy ra và họ chỉ muốn phá bỏ bào thai trong bụng mình. Khi người mẹ nói ra những suy nghĩ đó, người ta nhìn trên màn hình siêu âm và nhận thấy bào thai ba tháng tuổi bắt đầu co giật mạnh, đó là cách thai nhi phản ứng với mối đe dọa đến sự sống của nó. Liệu một bào thai ba tháng tuổi có thể hiểu được những lời mẹ nói không? Câu trả lời là có, nhờ sự hoạt động của năm giác quan não phải.
3. Tế bào của con người là trạm thu nhận thông tin trực giác
Tế bào của cơ thể người đóng vai trò là bộ phận tự nhiên tiếp nhận những kích thích trực giác. Mặc dù các hiện tượng trực giác không được ghi nhận bằng ý thức, chúng vẫn được liên tục ghi nhận tự động thông qua các tế bào. Trong thập niên 1950, tiến sĩ vật lý học thần kinh Steven Figar đã có một phát hiện thú vị khi làm thí nghiệm về lưu thông máu. Một thiết bị đo thể tích được gắn vào ngón tay của những đối tượng tham gia thí nghiệm trong quá trình họ đang giải một bài toán để đo lường mức độ co rút của các mạch máu. Tuy nhiên, trong cuộc thí nghiệm, máy đo đã ghi nhận những lần co rút của các mạch máu ở người tham gia ngay từ khi Figar mới chỉ nghĩ đến đề toán mà chưa đọc nó ra. Hiện tượng này sau đó được gọi là hiệu ứng Figar. Thí nghiệm này đã khơi nguồn cho một loạt thí nghiệm khác, qua đó người ta khám phá ra rằng các tế bào trong cơ thể có khả năng tiếp nhận thông tin trực giác mà năm giác quan thông thường không nhận biết được.
Tiến sĩ Douglas Dean của trường Đại học Kỹ thuật Newark sau đó đã chỉ ra trong thí nghiệm của mình rằng các tế bào cơ thể người chính là các giác quan của não phải. Dean đã yêu cầu những người tham gia thí nghiệm viết tên của mười người mà họ biết rõ nhất trên những tấm thẻ.
Sau đó, ông chọn trong danh bạ điện thoại mười cái tên của mười người bất kỳ không quen biết nhau, viết chúng vào mười tấm thẻ và xáo trộn chúng lên. Cùng với mười tấm thẻ từ những người tham gia thí nghiệm, ông có tổng cộng hai mươi tấm thẻ. Tất cả những tấm thẻ này được tráo kỹ và những người tham gia thí nghiệm được bịt mắt và tai khiến họ không thể nghe hay nhìn thấy gì. Sau đó những cái tên lần lượt được đọc lên. Một máy đo lưu biến được gắn với ngón tay của những người tham gia thí nghiệm để kiểm tra những thay đổi trong lưu thông máu được thể hiện trên một biểu đồ.
Qua thí nghiệm này, người ta phát hiện ra rằng ngay cả khi các giác quan bị cản trở thì những người tham gia thí nghiệm vẫn có những phản ứng vật lý với tên của những người mà họ quen biết. Tuy nhiên điều này không xảy ra với tên của những người lạ. Ngạc nhiên hơn là những người tham gia có phản ứng với những cái tên viết trên các tấm thẻ trước khi chúng được đọc ra. Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy các tế bào của cơ thể chính là cơ quan tiếp nhận những thông tin trực giác tự nhiên (Nguồn: D. Scott Rogo, Our Psychic Potentials, Nhà xuất bản Simon & Schuster, 1984).
Năm 1896, một người Nga tên là George Vchovski(2) đã khẳng định rằng các tế bào – thành tố cơ bản của tất cả các cơ thể sống – đều là các thiết bị bức xạ điện từ có khả năng truyền dẫn và tiếp nhận rung động sóng như các thiết bị không dây. Ông đã phát triển một loại máy dao động đa sóng giúp chữa khỏi nhiều loại bệnh.
(2) George Vchovski: Nhà khoa học người Nga. Ông đã phát minh ra máy tạo dao động đa sóng, một loại máy phát được sóng điện từ để chữa bệnh. Các báo cáo đã ghi chép lại rằng chiếc máy này có tác dụng khá hiệu quả với các chứng bệnh như ung thư tế bào đáy, viêm tai giữa, tuyến tiền liệt phì đại, hen suyễn, chứng mất ngủ và chứng đau dây thần kinh.
Tương tự, George De La Warr cùng với vợ mình đã sáng chế ra máy ảnh De La Warr(3) dựa trên lý thuyết cho rằng các tế bào phát ra sóng và tần số sóng của thực vật và con người có thể cộng hưởng được. Chiếc máy ảnh này có thể tạo ra một hình ảnh tương tự như phim chụp X quang của cơ thể chỉ từ một mẫu máu. Một giọt máu từ một người mẹ đang mang thai khi được chụp bằng chiếc máy ảnh này sẽ cho ra hình ảnh của cả bào thai. Hơn thế nữa, chiếc máy ảnh này còn vượt ra khỏi giới hạn của thời gian và không gian. Chẳng hạn, khi chụp một hạt giống hoa ly, chiếc máy ảnh sẽ cho ra hình ảnh của tương lai khi bông hoa nở hoàn toàn (Nguồn: Fujishima Keisho, Kiseki no Chokankaku, “Phép màu của trực giác”, Nhà xuất bản Fukushodo, 1993).
(3) Máy ảnh sử dụng tần số sóng được sáng chế dựa trên nguyên tắc mọi sự vật đều chứa đựng những thông tin từ quá khứ, hiện tại và tương lai.
Trong cuốn “Lời cảnh báo của Vương quốc Thực vật” (Nhà xuất bản Tama), tác giả Akira Mikami(4) đã viết: thực vật có khả năng thực hiện được các phép tính phức tạp và có thể biến đổi màu sắc hoặc biến thể thành các loài cây cùng họ dù chúng mọc ở cách xa nhau.
(4) Akira Mikami: Nhà sáng chế ra máy cảm biến sinh học của lá. Ông nói rằng ông có thể đọc được suy nghĩ của cây thông qua tín hiệu đèn nháy khi cây đưa ra câu trả lời Có hay Không. Khi sử dụng chiếc máy này, ông nhận thấy cây có thể nhận ra phép tính có kết quả đúng hay sai.
Làm sao các loài thực vật không có mắt, không có tai và não lại có thể làm được như vậy? Một khi chúng ta hiểu được rằng tất cả tế bào đều hoạt động như những thiết bị thu phát sóng thì điều này sẽ không còn lạ lẫm nữa. Mọi thông tin đều được truyền phát bằng chuyển động sóng.
4. Tìm hiểu sâu hơn về chuyển động sóng
Các nhà cơ học lượng tử khẳng định: Để hiểu rõ về các hiện tượng trong vũ trụ, chúng ta phải nghiên cứu đơn vị nhỏ nhất cấu thành nên vật chất, thậm chí những đơn vị đó còn nhỏ hơn hạt nguyên tử. Đó chính là các hạt vi mô. Nhờ sử dụng dụng cụ quang học chính xác, các nhà cơ học lượng tử đã thành công trong việc chứng minh rằng các hạt vi mô có những tần số rung khác nhau. Cuối cùng, việc nghiên cứu thế giới vi mô đã đưa đến sự khám phá về chuyển động sóng của các hạt cơ bản. Người ta đã phát hiện ra rằng sự tồn tại của các sinh vật trên trái đất phụ thuộc vào năng lượng, một dạng tổng hợp của các chuyển động sóng.
Học thuyết này được sử dụng trong ngành y hiện đại để chẩn đoán và điều trị bệnh. Chúng ta đã rất quen thuộc với phương pháp chụp cắt lớp, một hệ thống ứng dụng chuyển động sóng dưới dạng sóng xâm nhập điện từ (tia X). Bên cạnh đó còn có phương pháp chụp cắt lớp vi tính, cũng sử dụng chuyển động sóng và xử lý dữ liệu trên máy tính để tái hiện hình ảnh các bộ phận của cơ thể.
Phương pháp cộng hưởng từ hạt nhân giúp tái hiện hình ảnh cơ thể người mà không cần sử dụng tia X. Thay vào đó, phương pháp này nhận diện tần số sóng phát ra từ các hạt electron quay xung quanh hạt nhân nguyên tử, sau đó xử lý dữ liệu trên máy vi tính để tạo ra hình ảnh. Các thành tựu y học tiến bộ nhất hiện nay đều dựa trên các thiết bị tân tiến nhằm nắm bắt chuyển động sóng của hạt nhân nguyên tử trong cơ thể và chuyển hóa chúng thành dạng hình ảnh.
Máy vi tính, một trong những phát minh vĩ đại nhất, cũng có chức năng chuyển hóa các chuyển động sóng thành hình ảnh cụ thể.
Những nguyên lý về điều khiển máy tính cũng hoàn toàn tương tự với nguyên tắc về chuyển động sóng.
Hiểu được cơ chế của máy tính là hiểu được khoa học về chuyển động sóng. Ronald J. Weinstock, nhà phát minh ra thiết bị đo đạc chuyển động của sóng đã giải thích tế bào có thể tích lũy dữ liệu như một ổ cứng trên máy tính. Hệ thống thần kinh hoạt động như những mạch điện tử truyền dẫn dữ liệu từ não bộ đến tế bào và các mạch máu. Các sóng phát ra từ cơ thể giống như ngôn ngữ của máy tính, ví dụ như 1110010011001. Giống như ngôn ngữ máy tính được truyền dẫn thông qua mạch bằng xung điện một chiều, thông tin được truyền dẫn qua hệ thống thần kinh bằng các sóng điện từ. Protein và khí oxy hoạt động trong cơ thể tương tự những chất bán dẫn trong máy tính.
Cơ thể con người vận hành giống những chiếc máy tính được nạp nhiên liệu bằng điện năng. Người ta thường cho rằng các tế bào não bộ là nơi sản sinh ra sóng não và điều này càng khẳng định sóng não cũng chính là một loại chuyển động sóng. Trên thực tế, não bộ còn hoạt động chính xác hơn bất kỳ loại máy móc nào.
Máy tính ban đầu được phát triển để hỗ trợ các chức năng của não bộ con người. Vì vậy điều hiển nhiên là chức năng xử lý tự động tốc độ cao của não bộ còn chính xác hơn nhiều so với một chiếc máy tính.
Giáo sư Yoshiaki Omura đã phát triển phương pháp chẩn đoán có tên gọi Bi-digital O-ring (chẩn đoán bệnh bằng vòng O) trong suốt những năm 1970 - thời điểm ông nghiên cứu về sự tuần hoàn não tại khoa Y của trường Manhattan ở Chicago và ở các trường đại học khác. Vào tháng Ba, năm 1987, ấn phẩm Kotilaakari, một tạp chí chuyên ngành y của Phần Lan đã hết lời khen ngợi phương pháp này và cho rằng: “Sự khám phá ra phương pháp kiểm tra vòng O đã thỏa mãn được những yêu cầu cần thiết của ngành y trong thế kỷ hai mươi mốt, một công trình rất xứng đáng để nhận giải Nobel”.
Tiến sĩ Saul Heller, chủ tịch hội đồng y khoa của bang New York bị mắc chứng đau lưng. Nhưng dù đã được kiểm tra tổng quát ở bệnh viện Memorial, người ta không thể phát hiện được điều gì bất thường trong cơ thể ông. Tiến sĩ Omura đã thực hiện phương pháp vòng O và phát hiện ra ông đang mắc căn bệnh ung thư tuyến tụy, chứng tỏ phương pháp chẩn đoán vòng O chính xác hơn rất nhiều so với các máy móc hiện đại tối tân nhất. Phương pháp sử dụng chức năng cộng hưởng của não phải để hồi đáp lại những sóng được tạo ra từ gốc bệnh, giúp chỉ ra vị trí bệnh trong cơ thể. Điều này chứng minh rằng não bộ của con người có thể đo đạc chính xác hơn rất nhiều so với máy móc.
Kiểm tra bằng phương pháp vòng O
Y tá đặt một chiếc que lên từng vùng cơ thể của bệnh nhân bằng một tay và tay kia, cô tạo thành hình chữ O bằng ngón cái và ngón trỏ. Nếu vòng chữ O bị tách ra khi bác sĩ tác động một lực lên nó, điều này chứng tỏ khả năng phần cơ thể đó của bệnh nhân đang có vấn đề.
Nếu các ngón tay không mở ra, bộ phận đó đang khỏe mạnh. Nếu các ngón tay mở ra, có khả năng đây là phần cơ thể đang bị bệnh.
5. Bào thai có khả năng tưởng tượng
Trong những trang trước, tôi đã giải thích rằng não phải sở hữu năm giác quan khác biệt hoàn toàn với năm giác quan của não trái, đó là những khả năng trực giác tự nhiên. Các tế bào hoạt động như những trạm thu nhận ngoại cảm, tiếp nhận và truyền đi những thông tin bên ngoài cơ thể. Hãy để tôi mô tả chi tiết hơn năm khả năng này của não phải.
Nếu chúng ta công nhận rằng tế bào thực vật có thể nhận biết được màu sắc, hình dạng và có khả năng thực hiện các phép tính phức tạp, thì chúng ta cũng sẽ đồng ý rằng một bào thai dù chưa được sinh ra cũng có thể hiểu được cảm xúc và ngôn ngữ từ cha mẹ và thậm chí có thể tiếp nhận được hình ảnh xung quanh. Các bé dù hai, ba tuổi vẫn sẽ nhớ lại được những gì đã nhìn thấy khi còn nằm trong bào thai.
Dưới đây là bản ghi chép của mẹ bé Reika Sugiura, ba tuổi, về trí nhớ của cô bé khi còn ở trong bụng mẹ.
Khi tôi mang bầu, bác sĩ nói tôi có nguy cơ bị sảy thai rất cao và khuyên chúng tôi nên bỏ đứa bé. Tuy nhiên, chồng tôi đã phản đối. Anh thường vỗ nhẹ lên bụng tôi mỗi ngày và nói với con rằng: “Con sẽ sinh ra rất khỏe mạnh”. May mắn thay, con bé đã ra đời với tình trạng sức khỏe tốt. Thi thoảng có những lần tôi đứng ở bếp, con đến chỗ tôi, vòng tay ôm bụng tôi và nói: “Khi con ở trong bụng mẹ, con thường nói chuyện với bố”. Tôi không chú ý nhiều đến điều đó, nhưng giờ tôi đã nhận ra con bé có khả năng nhớ lại ký ức của mình khi còn trong bào thai. Giáo sư Shichida đã gợi ý với tôi rằng tôi nên hỏi con kỹ hơn về những ký ức đó. Khi trở về nhà, tôi làm như vậy và con đã kể cho tôi nghe một lượng thông tin đáng kinh ngạc mà con ghi nhớ được.
Đầu tiên con nói: “Trong đó khá chật chội và tay chân con như bị bó lại”. Ngạc nhiên hơn, con còn kể lại cho tôi những khung cảnh bên ngoài bào thai. Con nhìn thấy ô tô, các căn hộ, tòa nhà, nhà máy và cả ống khói. Những gì con kể khiến tôi gợi nhớ đến khung cảnh xung quanh nơi hai vợ chồng đã ở khi tôi còn đang mang thai. Sau đó, tôi ngạc nhiên vô cùng vì nhận ra mô tả của con giống hệt như nơi mà chúng tôi đã từng sống trước đó.
Đây không phải là trường hợp duy nhất. Não phải của bào thai hoạt động rất mạnh. Nó có thể nhận được những thông tin bên ngoài thông qua năm giác quan. Vợ của tôi là một giáo viên ở trường điều dưỡng và tôi đã nhờ cô ấy thu thập thông tin đề cập đến những trải nghiệm về ký ức trong bào thai. Một vài phụ huynh phản hồi lại rằng con họ mô tả những hình ảnh mà bé đã từng nhìn thấy khi còn ở trong bào thai.
Khi bé Y - con tôi, ba tuổi - còn đang ở trong bụng mẹ, anh trai của bé lớn hơn bé ba tuổi thường đến để nói chuyện với em. Bé Y đã kể với mẹ: “Con thường nói chuyện với anh và luôn nhìn thấy gương mặt của anh nữa”.
Dưới đây là bức thư từ A. S. ở thành phố Hino sau khi tham dự bài giảng của tôi. Cô kể về những ký ức bào thai của A. S. khi bé còn trong bụng mẹ.
Nói đến khả năng trực giác, tôi muốn kể lại những ký ức trong bào thai của con gái tôi. Khi tôi trở về nhà từ buổi nghe giảng, suy nghĩ của tôi về khả năng trực giác hoàn toàn thay đổi. Tôi nói với chồng: “Thậm chí khi con còn ở trong bụng, con có thể nhìn thấy mặt ba mẹ và nhận ra giọng nói của ba mẹ” .Chồng tôi tự hỏi có phải em bé nhìn được thông qua mắt của mẹ không nhưng tôi giải thích: “Không, không phải như vậy đâu. Anh biết họ thường nói về khả năng trực giác trên Tivi rồi đấy, anh có thể nhìn và biết điều gì đang xảy ra ở một nơi khác hoặc ở một căn phòng khác. Khả năng này chứng tỏ não phải đang hoạt động, vì thế thành của bào thai không phải là vật cản nữa”.
Chồng tôi quay sang con gái chúng tôi và hỏi: “Con có nghe thấy ba nói: ‘Con ơi, ba đây này’ không?”. Con bé gật đầu và nói: “Có ạ!”, sau đó con dang tay trước mặt y như cách mà chồng tôi thường làm khi tôi còn mang bầu và nói: “Papa” rồi gật đầu. Vợ chồng tôi sửng sốt nhìn nhau.
A. S., Tokyo (một tuổi tám tháng)
Trong chương trình truyền hình phổ biến có tên Wonder Zone, được phát sóng vào ngày hai mươi bảy, tháng Bảy, năm 1992, tôi muốn kể đến trường hợp của cô bé có thể nhớ được khung cảnh ban đêm ở Shinjuku mặc dù khi đó cô bé còn ở trong bụng mẹ. Người dẫn chương trình ngạc nhiên vô cùng nhưng với những ai đã hiểu được năng lực tưởng tượng của não phải thì sẽ không cảm thấy ngạc nhiên chút nào.
Trong một chương trình truyền hình phổ biến khác có tên: “Chuyện lạ có thật: Mọi đứa trẻ đều có khả năng siêu nhiên, phần II”, một thực nghiệm đã được tiến hành ở trẻ. Chúng được yêu cầu đoán chữ cái hoặc ký tự viết trong một tờ giấy bị gập lại. Khi những đứa trẻ giữ tờ giấy trong tay và trầm tĩnh lại, một tia sáng xuất hiện trước mặt chúng và chúng nhìn thấy hình ảnh của chữ cái hoặc ký tự đó. Sau đó chúng viết chữ cái hoặc ký tự mà chúng nhìn được lên trên một mảnh giấy khác. Những hình ảnh xuất hiện trước mắt chúng là nhờ hoạt động từ các giác quan của não phải.
Những khả năng như vậy không đột nhiên xuất hiện khi trẻ ở độ tuổi đến trường mà chúng đã tồn tại từ khi trẻ còn ở trong bào thai và đó chính là khả năng vốn có của não phải.
Trong chương trình truyền hình đó, cả hai đứa trẻ đều trải qua thực nghiệm với khả năng trực giác. Một trong hai bé có thể nhìn thấy hình ảnh của con gấu trong khi bé còn lại nhìn thấy từ “gấu”. Ví dụ này đã cho thấy hoạt động của giác quan não phải dùng để nghe và nhìn. Trường hợp dưới đây được mô tả trong mục “Chọn mùi hương và mùi vị” trong nghiên cứu Bijinesu ni Ikasu Chonoryoku no Kenkyu (sử dụng kết quả của nghiên cứu trực giác trong kinh doanh) bởi Kazumasa Shiga (Business, Co.,).
Y là một đứa trẻ có khả năng nhìn xuyên thấu đã trả lời rằng từ bị che khuất là “Mùa hè” bởi cậu cảm thấy phản ứng của cơ thể nóng đến nỗi cậu đổ mồ hôi ở trán và cổ, cậu thốt lên rằng: “Nó nóng quá, rất là nóng”. Tương tự, khi cảm nhận bức tranh có hình ảnh que kem, cậu bé nói: “Miệng con lạnh quá, nó có vị ngọt” ngay cả khi cậu chưa nhìn thấy hình ảnh que kem. Khi được đưa cho từ “Thuốc lá”, cậu nói: “Con ngửi thấy mùi thuốc lá” và cũng nhìn thấy hình ảnh của từ đó.
Tôi đã quan sát những phản hồi tương tự ở các bé khác trong lớp mẫu giáo của tôi. Từ những ví dụ này, chúng ta biết chắc chắn rằng trẻ đã tận dụng tối đa khả năng trực giác của mình bằng cách sử dụng năm giác quan của não phải: “nhìn, nghe, sờ, nếm và ngửi”.
Các giác quan não phải được biết đến với khả năng hoạt động như các “giác quan thứ phát” - một thuật ngữ mô tả hiện tượng nhận biết màu sắc và hình dạng thông qua âm thanh, mùi hoặc vị thay vì những thông tin thị giác. Vì những chuyển động sóng từ sự vật có thể được chuyển thành âm thanh, hình ảnh, mùi, vị, nên các giác quan thứ phát của não phải vẫn hoàn toàn có thể tiếp nhận được thông tin. Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra các bào thai cũng có khả năng sử dụng giác quan thứ phát này. (Akachan ni wa sekai ga do mieruka [Những em bé nhìn thế giới như thế nào], Soshisha).
6. Khả năng trực giác là giác quan tự nhiên của não phải
Khả năng trực giác bao gồm:
1. Thần giao cách cảm
2. Nhìn xuyên thấu
3. Chạm cảm nhận
4. Linh cảm
5. Di chuyển đồ vật bằng ý nghĩ
Phần dưới đây được đề cập đến là Psychokinesis (khả năng di chuyển đồ vật bằng ý nghĩ) và được tách biệt khỏi các khả năng trực giác khác. Tất cả các khả năng này có một điểm chung là đều liên kết chặt chẽ với năng lực tưởng tượng của não phải. Hãy để tôi giới thiệu một vài trường hợp cụ thể cho từng khả năng như những bằng chứng về sự tồn tại của chúng.
1. Thần giao cách cảm
Khi trẻ chơi các trò chơi thần giao cách cảm, chúng sẽ bắt đầu nhìn thấy hình ảnh. Lá thư dưới đây từ K. T. (Tokyo), một em bé sáu tuổi có khả năng thần giao cách cảm.
Tôi đang chơi với con gái của mình, tưởng tượng các màu sắc và hình dạng trong đầu và truyền những hình ảnh đó cho con. Tôi cố gắng gửi cho con hình ảnh màu xanh nhưng lại thấy rất khó khăn để hình dung ra màu sắc. Bởi vậy, tôi đã gửi cho con bé hình ảnh một thẻ hình vuông có màu xanh.
Con tôi nói: “Màu xanh, nhưng nó là một hình vuông màu xanh”. Lần khác, tôi thử gửi một hình ngôi sao nhưng lại thấy rất khó để hình dung ra một ngôi sao năm cánh. Thay vào đó, tôi gửi cho con một hình ảnh gần giống ngôi sao của David: gồm hai hình tam giác kết hợp lại. Con gái tôi nói: “Ngôi sao” và tôi nói đúng rồi, cô bé lại nói thêm: “Nhưng đây không phải ngôi sao bình thường, hình như nó được làm từ hai hình tam giác”.
Điều này thuyết phục tôi một cách chắc chắn rằng con bé đã nhìn thấy đúng những hình ảnh mà tôi gửi. Khi mà tôi không thể hình dung được một hình ảnh rõ ràng, con gái tôi đã cười và nói rằng: “Nó lộn xộn quá mẹ ạ”.
K. T., Tokyo (con sáu tuổi)
Con gái tôi trả lời được rất nhiều câu hỏi trong trò chơi đoán màu sắc vào bài học cuối tuần trước. “Làm thế nào mà con biết được đó là màu gì?”. Tôi hỏi. “Con nhìn thấy một hình chữ nhật có màu nằm ngay trước mắt con.” Đáng ngạc nhiên là, con còn có thể nhìn thấy nó khi con mở mắt.
Con bé còn nói một câu nhận xét thú vị khi chúng tôi đang chơi trò đoán màu ở nhà: “Con có một quyển vở trong đầu và khi con lật giở từng trang, con có thể thấy những màu sắc. Mắt của con có thể lật giở từng trang vở”.
Mặc dù tôi còn cảm thấy có chút hoài nghi, nhưng tôi nghĩ mình vẫn nên gửi những ghi chép này cho ông.
H. H., Osaka (con bốn tuổi)
2. Nhìn xuyên thấu
Các bé chơi các trò chơi liên quan đến khả năng nhìn xuyên thấu có thể nhìn thấy các hình ảnh hoặc biểu tượng trên thẻ dù thẻ không được mở ra.
Hàng ngày các bé ở trường mẫu giáo thường hay thực hành các trò chơi để phát triển khả năng nhìn xuyên thấu. Thi thoảng con trai tôi và tôi thường chơi trò chơi tìm cặp đôi. Bé rất tự hào rằng con có thể ghép đôi các cặp thẻ thậm chí khi chúng được úp xuống và con thường dự đoán chính xác một trăm phần trăm.
M. M., Tokyo (con năm tuổi)
Vào tháng trước, con trai và con gái của tôi có khả năng nhận diện hai mươi lăm trên tổng số hai mươi lăm thẻ. Con gái năm tuổi của tôi đặc biệt có thể nhận diện những thẻ nào thì cần sử dụng các khả năng nhìn xuyên thấu, thần giao cách cảm hay chạm cảm nhận. Con luôn nói con có thể nhìn rõ các biểu tượng của thẻ thông qua khả năng nhìn xuyên thấu.
Chúng tôi cũng luôn tập luyện khả năng đọc nhanh mỗi ngày và tốc độ đọc của con được tăng nhanh đến mức mà cả hai đứa đều có thể đọc được một cuốn sách chỉ trong khoảng hai phút.
K. S., Chiba (con bảy tuổi và năm tuổi)
3. Chạm cảm nhận
Đây là khả năng cảm nhận từ hoặc biểu tượng trên thẻ bằng cách chạm vào chúng. A. H. ở quận Nagano đã gửi cho tôi bức thư kể về con gái N của cô.
Khả năng chạm cảm nhận của N đã đạt tới mức một trăm phần trăm. Tôi xếp ra năm tấm thẻ úp mặt xuống theo thứ tự ngẫu nhiên trên một hàng. Con chạm từng tấm một để cảm nhận biểu tượng nằm trên tấm thẻ đã úp và sau đó đặt theo hàng các thẻ có biểu tượng giống với thẻ úp xuống. Khi chúng tôi lật các thẻ lên, tôi vô cùng ngạc nhiên khi các cặp thẻ hoàn toàn đúng vị trí.
Vào buổi tối khi chúng tôi thực hành hoạt động tưởng tượng, con kể cho tôi nghe những câu chuyện thú vị, bắt đầu những câu như: “Có một hạt giống trong quả bóng bay”. Chồng tôi là giáo sư dạy đại học, nhận xét một cách hoài nghi rằng: “Anh cũng không thể biết điều này có thực hay không. Con bé hào hứng kể lại ngay câu chuyện khi vừa mở mắt. Có thể đơn giản đây chỉ là trí tưởng tượng của con hoặc có thể con đã nhìn thấy những hình ảnh thật và kể lại câu chuyện này, nhưng dù là trường hợp nào đi chăng nữa, khả năng của con đã thực sự làm anh sửng sốt”. Chúng tôi đều cảm thấy bất ngờ trước những khả năng não phải của con.
4. Linh cảm
Trẻ có khả năng nhìn thấy một cách rõ ràng và sống động như thật những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai.
Sau khi lắng nghe bài nói chuyện của ông về khả năng trực giác, tôi đã thử thực hành dần dần những gợi ý của ông ở nhà và gần đây Y bắt đầu có khả năng nhìn thấy những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai. Đầu tiên, con dự đoán được thời tiết nhưng tôi nghĩ đó chỉ là sự tình cờ. Một ngày khác, chúng tôi cùng nhau xem một cuộc đua ngựa trên TV, tôi hỏi con: “Theo con, con ngựa nào chạy nhanh nhất?”. Con trả lời một cách tự tin: “Con ngựa màu xanh là nhanh nhất. Con ngựa màu vàng cũng chạy nhanh không kém mẹ ạ”. Và kết quả là con ngựa màu xanh về nhất và con màu vàng đã về đích thứ hai.
Y. K., Shiga (con hai tuổi bốn tháng)
Một ngày khác tôi đang chuẩn bị bữa tối và cùng con đợi ba về. Lúc đó đã hơn bảy giờ. “Ba về muộn rồi, mẹ không biết mấy giờ ba về nữa.” Con trai tôi liền nói: “ba mươi chín, ba mươi chín”. Mặc dù con biết tuổi của ba là ba mươi tư, con chỉ có thể đếm được đến ba mươi. Bởi vậy, tôi thấy rất kỳ lạ rằng con có thể lặp lại con số ba mươi chín đến hai lần, tôi liền hỏi con: “Có phải ý con là ba sẽ về nhà lúc bảy giờ ba mươi chín phút không?”. Con trả lời: “Ba đang về nhà, lúc ba mươi chín”. Tôi không để ý nữa nhưng vẫn còn ngạc nhiên vì con lại nói con số ba mươi chín rõ ràng như vậy.
Một lát sau, chúng tôi nghe thấy tiếng khóa mở lách cách và con trai tôi chạy ra cửa: “Ba về rồi!”. Tôi chợt liếc nhìn chiếc đồng hồ đang chỉ đúng bảy giờ ba mươi chín phút. Việc này đã xảy ra đến hai lần. Thực lòng mà nói, tôi rất ngỡ ngàng trước điều đó.
Được tận mắt chứng kiến khả năng của con, tôi giờ đã hiểu những gì ông viết trong quyển sách không chỉ dưới dạng lý thuyết và tôi cảm thấy rất hài lòng.
M. O., Nara (con hai tuổi năm tháng)
5. Di chuyển đồ vật bằng ý nghĩ
Tôi đã nhận được báo cáo dưới đây từ A. S. ở Sapporo liên quan đến khả năng di chuyển đồ vật bằng ý nghĩ.
Tôi muốn kể với ông về khả năng trực giác của con gái lớn nhà tôi. Khi tôi chơi với các thẻ biểu tượng như thẻ hình và gửi hình ảnh cho con, con lúc nào cũng có khả năng nhận diện chúng rất rõ ràng. Tôi còn thực sự ngạc nhiên khi nhận ra con có thể biết điều gì đang được thảo luận ở một phòng khác dù con không ở đó và cũng không thể nghe thấy gì.
Khi con thứ hai của tôi mới sinh (bây giờ bé được bốn tháng), tôi đã tắt chiếc chuông đồng hồ quả lắc để đồng hồ vẫn chỉ giờ nhưng không gây tiếng ồn nữa. Con gái lớn của tôi thức giấc vào buổi sáng và nói: “Mẹ ơi, con muốn nghe tiếng chuông đồng hồ”. Vì em bé nhỏ vẫn còn ngủ và tôi không muốn làm con thức giấc, tôi liền lờ đi yêu cầu của con gái và tiếp tục làm việc nhà. Đột nhiên tôi nghe thấy tiếng chuông đồng hồ “Cuckoo, Cuckoo”. Chiếc đồng hồ reo vang. Tôi nhìn vào nút bấm và ngạc nhiên khi nhận ra nó vẫn đang ở chế độ tắt. Con gái tôi đang đứng nhìn chăm chú vào chiếc đồng hồ quả lắc.
Đây là một ví dụ về khả năng di chuyển đồ vật bằng ý nghĩ khi một bé nhỏ có thể bật được chuông đồng hồ. Trong trường hợp này, cô bé đã tập trung hết sức để hình dung về hình ảnh chiếc đồng hồ đang reo lên trong tâm trí của mình. Sự hiện thực hóa của hình ảnh chính là một hiện tượng chỉ có ở não phải.
Như vậy, tất cả những giác quan của não phải như thần giao cách cảm, nhìn xuyên thấu, chạm cảm nhận, linh cảm và di chuyển đồ vật bằng ý nghĩ đều có liên quan đến hình ảnh, tất cả đều bắt nguồn từ năng lực tưởng tượng của não phải.
Tất cả những khả năng này, thoạt nhìn giống như những năng lực siêu nhiên, nhưng thực chất lại là kết quả tự nhiên của cấu trúc và chức năng của não bộ con người. Chúng đều là những hiện tượng khoa học thông thường. Chúng có vẻ lạ kỳ vì khoa học chưa phát triển tiến bộ đến mức có thể hoàn toàn giải thích những hiện tượng này.
Trong cuốn sách của tác giả Yatri người Anh có tên gọi “Loài người chưa được biết đến, sự ra đời bí ẩn của loài mới” (The Unknown Man, The mysterious birth of a new species), ông cho rằng chức năng tiến hóa của con người đang còn ngủ yên bên trong não bộ. Sự tiến hóa của tâm thức sẽ dẫn đến sự ra đời của loài người mới với trình độ tâm thức khác biệt. Não trái của loài người hiện nay đã phát triển khá cao, nhưng so với thế hệ loài người chưa được biết đến này, sự phát triển não phải của họ sẽ đạt tới mức cả hai bán cầu não đều phát triển cân bằng. Ngày nay, sự tiến hóa về tâm thức được xem là vấn đề bí ẩn ít người quan tâm, khả năng thần giao cách cảm và di chuyển đồ vật bằng ý nghĩ cũng được cho là những hiện tượng siêu nhiên. Một vùng rộng lớn của vỏ não vẫn còn chưa được khoa học chạm đến. Loài người với năng lực tiến hóa mới có thể tận dụng vùng não chưa từng được sử dụng này để học hỏi, nhận thức, suy nghĩ và tư duy. Một khi đã sở hữu trình độ tâm thức khác, quá trình phát triển và trưởng thành của thế hệ loài người mới sẽ hoàn toàn khác so với con người chúng ta hiện nay.
Yatri cũng cho rằng rất nhiều trẻ nhỏ ở thế kỷ hai mươi mốt này có khả năng phát triển não phải một cách vượt trội. Cá nhân tôi cũng đã biết đến rất nhiều trẻ nhỏ thể hiện được khả năng trực giác của não phải. (Xem hình 3).
Vào thời cổ đại, não phải của con người rất phát triển và não trái ngôn ngữ lại hiếm khi được sử dụng. Homo Habitus, giống người sinh sống ở châu Phi một triệu năm trăm năm trước đây, không hề sử dụng ngôn ngữ. Chỉ hơn một triệu năm sau đó, loài người mới phát triển được khả năng ngôn ngữ.
Khi con người bắt đầu học cách sử dụng ngôn ngữ, não trái phát triển rất nhanh và não phải sẽ dần dần hoạt động ít đi, đồng nghĩa với việc các chức năng của não phải sẽ yếu dần. Chúng ta đã tiến hóa từ những người rất hay sử dụng não phải thành những người thường xuyên chỉ sử dụng não trái. Con người hiện tại là những người có não trái phát triển rất mạnh nhưng cái giá của sự tiến hóa là mất đi những năng lực phát triển ban đầu của não phải.
Trẻ em ngày nay dường như có thể khôi phục lại khả năng của não phải đã từng được sở hữu bởi những người cổ xưa. Tôi tin rằng chức năng tiến hóa này đang được kích hoạt lại và sẽ cho phép con người phát triển cân bằng giữa hai bán cầu não trái và não phải. Khi đó, chúng ta sẽ không còn phải đánh đổi sự phát triển của não trái để sử dụng được những khả năng của não phải.
Hình 3. SỰ TIẾN HÓA CỦA CON NGƯỜI
Dưới đây là báo cáo của M. K., giáo viên trường mầm non B tại Osaka, người đã tiến hành các thí nghiệm trực giác tại trường mầm non theo yêu cầu của tôi. Thí nghiệm này chứng minh khả năng trực giác tự nhiên của trẻ nhỏ.
Tôi muốn thông báo với ông về kết quả thí nghiệm khả năng trực giác ở trẻ mẫu giáo dựa trên chương trình phát triển khả năng trực giác của một trường tiểu học Trung Quốc đã từng được chiếu trên Tivi năm ngoái.
Thí nghiệm đầu tiên là nhận diện hình dạng (chữ cái) thông qua chạm cảm nhận. Tôi viết những chữ Hán giản thể, các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh, chữ Hiragana (bảng chữ cái tiếng Nhật), và các hình dạng (tròn, sao,...) lên các mảnh giấy và gấp chúng lại. Tôi đặt một tờ giấy lên tay trái của mỗi bé. Tôi nói với chúng: “Có một hình vẽ trên giấy, nếu con nghĩ con có thể, con sẽ nhìn thấy chúng. Khi con nhìn thấy, hãy vẽ nó ra nhé!”.
Tỉ lệ thành công rất cao lên đến 43,6% (17/39 bé) và 76,9% các bé có khả năng nhìn thấy một phần của hình vẽ.
Lần thứ hai tôi cũng lặp lại việc nhận diện hình vẽ và chữ cái thông qua chạm cảm nhận. Một lần nữa, tỉ lệ thành công cũng rất cao ở mức 47,2% (17/36 bé) và 69,4% (25/36 bé) có khả năng vẽ lại một phần của hình vẽ.
Lần thứ ba tôi để lũ trẻ nhận diện ba loại hình dạng (tròn, tam giác và dấu cộng) và hai màu (đỏ và vàng). Kể từ lần này trở đi, trước khi thí nghiệm, tôi đã hướng dẫn các bé thiền tập thông qua tưởng tượng hình ảnh và sử dụng nhạc sóng alpha với những gợi ý tích cực, nói rằng chúng có một con mắt thứ ba ở giữa trán và khi chúng nhắm mắt lại, con mắt thứ ba này sẽ mở ra và chúng có thể nhìn thấy được hình ảnh rất rõ nét.
Theo lý thuyết về tỉ lệ xác suất thành công, một nửa lớp sẽ có khả năng nhận diện đúng màu sắc, một phần ba lớp có thể nhận diện được hình dạng và một phần sáu số học sinh có thể nhận diện được cả hình dạng lẫn màu sắc. Kết quả thực tế từ việc nhận diện qua chạm cảm nhận là gần một nửa số trẻ (15/33 học sinh) có thể cảm nhận được màu sắc, một tỉ lệ rất cao.
Lần thứ tư tôi đã chuẩn bị những mảnh giấy giống như hai lần đầu tiên nhưng để các bé sử dụng khả năng nhìn xuyên thấu mà không cần chạm vào tờ giấy nhằm nhận diện nội dung bên trong. Tôi gắn những mẩu giấy gập vào bàn bằng băng dính trong. Dù vậy, tỉ lệ thành công vẫn cao: 17,9% (5/22 bé). Cuối cùng, ở lần thứ năm, tôi để các bé sử dụng khả năng nhìn xuyên thấu để nhận diện hình O và + . Tôi giơ hai tấm thẻ lên với mặt màu trắng hướng về phía các bé và hỏi chúng có hình vẽ gì ở trên thẻ. Tôi lặp lại mười lần và một nửa số học sinh có thể nhận diện hình đúng sáu trên mười lần (13/26 bé). Tôi tin rằng tỉ lệ thành công cao trong các bài kiểm tra về chạm cảm nhận và nhìn xuyên thấu kể cả khi các hình không chỉ gồm +, O, ∆ (ở lần thứ nhất, thứ hai và thứ tư) điều này cho thấy trẻ đã thể hiện được năng lực trực giác của mình. Bảng tóm tắt kết quả được trình bày ở hình 4.
Hình 4. KẾT QUẢ CỦA THÍ NGHIỆM KHẢ NĂNG TRỰC GIÁC (CÁC BÉ MẪU GIÁO NĂM - SÁU TUỔI)
Các kết quả giảm nhẹ khi lựa chọn có độ phức tạp cao hơn. Tuy vậy, nếu các hình chỉ hạn chế ở hình O và +, một nửa các bé đã nhận diện chính xác hình dạng 6/10 lần thông qua nhìn xuyên thấu. Nhận diện chữ cái hoặc ký tự thông qua chạm cảm nhận có kết quả thành công cao nhất dù ban đầu tôi cho rằng bài tập này sẽ khó với các bé, nhưng tỉ lệ thành công thậm chí còn cao hơn khi tính cả các bé có thể vẽ lại một phần của biểu tượng.
7. Thai giáo giúp nâng cao khả năng trực giác
Nếu được tập luyện ngay từ khi còn trong bụng mẹ, các bé sẽ phát triển não phải rất tốt. Những bé còn trong bụng mẹ có khả năng hiểu được cảm giác hoặc ngôn ngữ người mẹ nói. Những khả năng này bắt nguồn từ các giác quan của não phải, hay chính là khả năng trực giác.
Khi hình ảnh được truyền đến bào thai, năng lực tưởng tượng của bé cũng tiếp tục được phát triển cùng theo sự phát triển của bào thai. Mặc dù người mẹ cũng có thể truyền cho con những hình ảnh của chữ cái hoặc chữ số, thế nhưng mẹ cũng không nên cố gắng nhồi nhét những kiến thức bên ngoài vào tâm trí của trẻ. Chữ cái và con số chỉ đơn giản là những công cụ để truyền tải hình ảnh.
Ngôn ngữ là một phần trọng tâm trong việc nuôi dạy con trẻ nhưng tôi hy vọng rằng các bậc cha mẹ sẽ chú tâm đến cả việc hướng dẫn cho con tăng cường các hoạt động liên quan đến não phải bằng cách sử dụng hình ảnh. Khi người mẹ hình dung hình ảnh của con số hoặc chữ cái trước trán và gửi hình ảnh đó đến bào thai với niềm tin vững chắc rằng con sẽ nhận được nhờ một chiếc máy thu nhận trên trán, người mẹ đã kích hoạt khả năng trực giác cần thiết ở não phải của con để nhận được thông điệp truyền từ mẹ.
Nếu người mẹ luyện tập hoạt động tưởng tượng để nâng cao khả năng của não phải, người mẹ có thể nhìn thấy hình ảnh của con trong bụng và nói chuyện với con thông qua thần giao cách cảm. Đây là ví dụ thực tế từ lá thư một bà mẹ đã thực hành thai giáo.
Vào ngày mười lăm tháng Tám năm 1992, con trai của tôi là Yukio ra đời. Tôi đã thực hành thai giáo trong khi con còn nằm trong bụng. Đầu tiên, tôi tự học về hoạt động tưởng tượng và sau đó bắt đầu tập luyện để có thể tưởng tượng hình ảnh. Ban đầu, việc này không hề dễ dàng, nhưng tôi đã luyện tập hàng ngày những gì đã được học trên lớp cho đến khi tôi có khả năng đi vào thế giới tưởng tượng một cách dễ dàng.
Khi tôi hít thở sâu, làm dịu lắng tâm hồn và nhắm mắt lại, hình ảnh đứa con hiện lên trước trán tôi. Con nhỏ xíu và bụ bẫm, chỉ có mặt của con là hướng về phía tôi. Con lúc nào cũng mỉm cười. Tôi hạnh phúc khi được nhìn thấy con trong bụng đến nỗi tôi không bao giờ quên thực hiện hoạt động tưởng tượng mỗi tối trước khi đi ngủ, đó là thời điểm tôi thư giãn nhất để có thể nói chuyện thoải mái với con.
Đầu tiên, đó chỉ là cuộc nói chuyện giao tiếp một chiều. Tôi kể cho con nghe những gì đã xảy ra trong ngày hôm đó, về người thân trong gia đình, về những thứ xung quanh ngôi nhà của chúng tôi, về cảm xúc hồi hộp đầy hứng khởi của mọi người khi chào đón sự ra đời của con. Chỉ khoảng một tháng sau, tôi bắt đầu hiểu được những thông điệp từ con. Con thường gửi cho tôi những thông điệp như: “Con muốn mẹ gọi con bằng tên, mẹ đặt tên cho con đi nhé!” hay “Con muốn ăn dâu. Mẹ ơi, ngày nào mẹ cũng ăn dâu tây nhé!”.
Sau khi được sinh ra, Yukio thực sự rất thích dâu tây và khi tôi cho con ăn dặm, con luôn ăn tất cả dâu tây và không hề hứng thú với táo và cam.
Tôi thì thầm với con: “Khi ra đời, con sẽ ra khỏi bụng mẹ nhẹ nhàng thôi nhé!”. Con trả lời và trấn an tôi: “Mẹ đừng lo, con tự xoay xở được mẹ nhé! Mọi chuyện rồi sẽ ổn mẹ ạ”. Tôi sinh con rất dễ, bác sĩ bảo tôi: “Cô sinh con rất nhẹ nhàng. Tôi nghĩ là cô còn sinh thêm được mười bé nữa đấy”.
Yukio giống hệt với hình ảnh mà tôi tưởng tượng, một cậu bé dịu dàng, điềm tĩnh. Tiếp tục duy trì hoạt động tưởng tượng, tôi thường biết chính xác thứ con muốn và thay tã cho con đúng lúc hoặc cho con ăn những món hợp khẩu vị, vì vậy con không khóc vô cớ bao giờ. Tôi cũng nhắc chồng tôi nói chuyện với con thật nhiều khi con còn ở trong bụng, vì vậy con cũng rất gắn bó với ba.
Chúng tôi thường rất ngạc nhiên vì dường như con cũng hiểu suy nghĩ của ba mẹ. Khi tôi nghĩ tôi cần gọi cho bà ngoại, con liền chỉ ra chỗ chiếc điện thoại. Một ngày khác tôi đặt con vào xe đẩy để đưa con đi dạo. Đột nhiên con nói: “Mẹ ơi!”. Tôi hỏi con: “Gì thế con?” và con chỉ vào cửa hàng bán đồ điện. Mới chỉ sáng nay tôi nghĩ đến việc cần phải mua một chiếc bóng điện mới để thay ở hiên nhà nhưng đã hoàn toàn quên việc đó.
“Cảm ơn con. Con nhớ giỏi quá”. Tôi nói, trong lòng ngạc nhiên vô cùng. Trải nghiệm này giúp tôi càng tin tưởng mạnh mẽ rằng ba mẹ nên giữ cho tư tưởng của mình thật trong sáng vì trẻ hoàn toàn có thể đọc được nó. Và tôi nghĩ mình cần phải nỗ lực hơn nữa để tạo nên một môi trường mà ở đó con có thể phát triển tốt nhất những khả năng tiềm ẩn vốn có của mình.