S
au khi đến Tây Ninh, đám trẻ không gặp phải phản ứng cao nguyên. Bầu trời ở đây vô cùng trong xanh, tầng mây lơ lửng gần đỉnh đầu, như thể cứ chạy men theo con đường quốc lộ, khẽ nhảy lên là có thể đưa tay bắt được những đám mây mềm mại kia.
Những căn nhà hai bên phố đều có mái thấp, phần lớn có màu trắng xám, thỉnh thoảng lại trông thấy một số nhà sư khoác trên mình bộ tăng y màu đỏ sẫm, khoan thai cất bước trên đường.
- Mình đã tìm thấy địa chỉ IP của “Vật thử nghiệm” rồi.
Sa Tinh Tinh dẫn mọi người đến trước một căn nhà trọ, cổng nhà là những hòn đá lớn xếp chồng lên nhau, chính giữa cửa nhà treo một hàng đầu bò lớn, trên những chiếc đầu bò ấy có viết mấy chữ Tây Tạng bằng mực nước màu, sừng bò cong sắc nhọn chĩa thẳng lên trời.
- Chỗ này chính là vị trí của “Vật thử nghiệm”, anh ta đã dùng máy tính công cộng để lên mạng.
Gia Cát Năng lập tức xông vào nhà trọ, ở quầy phục vụ có một phụ nữ trẻ mặc chiếc váy dài màu đỏ, cậu bèn móc điện thoại, mở ra tấm ảnh của “Vật thử nghiệm”, tiến về phía trước dò la tin tức:
- Chào cô, cô từng gặp người này chưa ạ?
Người phụ nữ hình như là bà chủ của nhà trọ này, sau khi nhìn tấm ảnh người thiếu niên thì nở nụ cười thân thiện nói:
- Anh bạn mà mọi người tìm rời khỏi đây từ hôm qua rồi, căn phòng cậu ta thuê vẫn để trống, mọi người có cần ở lại không? Hôm nay có thể giảm giá 20%.
- Anh ta đi đâu rồi ạ? - Tôn Tiểu Đào hỏi.
- Cái này thì cô cũng không rõ.
Bà chủ nhún vai, hắng giọng để bắt đầu giới thiệu về căn phòng đó.
- Mọi người có ở lại không?
- Ở.
Sa Tinh Tinh sau khi dứt khoát trả lời, bèn ngoái đầu nói nhỏ với hai cậu bạn:
- Không chừng chúng ta có thể tìm thấy manh mối nào đó trong căn phòng của anh ta.
Căn phòng mà “Vật thử nghiệm” từng ở là loại phòng tiêu chuẩn, được bài trí theo phong cách đặc trưng của người Tây Tạng, trên tường treo một bức tranh thêu có màu sắc tươi sáng, trên mặt đất cạnh giường được trải một tấm thảm dày.
Sa Tinh Tinh bước nhanh tới chiếc tủ đặt ở đầu giường, tìm kiếm thứ gì đó trên xấp giấy ghi chú, song những phần đã viết trên giấy đã bị xé mất, chỉ còn lại những tờ giấy trắng. Cô bé liền lấy ra một cây bút chì, rồi di nét bút trên nền giấy trắng.
Tôn Tiểu Đào lấy làm hiếu kì hỏi:
- Sa Tinh Tinh, cậu đang làm gì vậy?
Sa Tinh Tinh không trả lời, một lúc sau, những nét chữ trắng dần hiện ra. Hóa ra đó là vết hằn mà “Vật thử nghiệm” đã viết ở trang giấy trước đó. Tôn Tiểu Đào tỏ ra hết sức khâm phục, giơ ngón cái lên tán thưởng Sa Tinh Tinh. Đoạn cậu chăm chú quan sát các nét chữ một hồi lâu, những mong có thể giải mã các con chữ:
Mảnh giấy. Người ngoài hành tinh. Phải làm sao. Lạt Ma...
- Những chữ này có ý nghĩa gì?
Sa Tinh Tinh lắc đầu, thất vọng nói:
- Những chữ này xem ra rất lộn xộn, chắc là “Vật thử nghiệm” chỉ viết bừa ra thôi, không có giá trị tham khảo.
Gia Cát Năng đi sau cùng, còn chưa bước vào cửa, thấy Tôn Tiểu Đào và Sa Tinh Tinh đang nói chuyện, cậu ta vội lao vào trong phòng:
- Hai người đã phát hiện ra gì rồi?
Do quá hấp tấp, cậu ta bị vấp vào ghế, ngã sõng soài trên mặt đất. Nhưng chính lúc ấy, Gia Cát Năng đã vô tình trông thấy một tấm vải nhỏ nằm ở chân giường. Cậu nhặt nó lên, thấy trên đó vẽ một bức chân dung, bèn vẫy tay nói:
- Khỉ con, Sa Tinh Tinh, mọi người mau qua đây xem này, mình có một phát hiện lớn!
Tôn Tiểu Đào nhanh nhảu đón lấy tấm vải:
- Đây là gì vậy? Tranh thêu ư?
Cậu từng được xem các loại tranh thêu lúc còn ở phương nam, song tấm vải này hình như có chút khác biệt, nhân vật trên nền vải đội một chiếc mũ vàng, mặc trang phục màu đỏ như các nhà sư Lạt Ma, ngồi khoanh chân, bức hình này được vẽ bằng màu, giống như tranh sơn dầu, chứ không phải tranh thêu.
Sa Tinh Tinh quả nhiên là cuốn Bách khoa toàn thư di động, vừa nhìn là biết ngay thứ gì:
- Cái này là Thangka.
- Ồ, Thangka3! - Gia Cát Năng lập tức liên tưởng đến đồ ăn, trong miệng ừng ực nước miếng.
3. Thangka trong tiếng Trung đọc lên nghe giống như “đường miếng” nên dễ nhầm là món ăn. (ND)
- Cái này ăn được không?
- Thứ này chỉ nhìn thôi cũng biết không ăn được mà. Cậu khiến trí khôn của hội ham ăn trên đời này bị đánh giá thấp rồi đó.
Sa Tinh Tinh tỏ vẻ bất lực:
- Thangka là một loại tranh cuộn. Ban đầu nó là những bức vẽ Thần Phật được các nhà sư mang theo bên mình, dùng để giảng kinh, có chức năng như truyện tranh của chúng ta ngày nay. Màu vẽ để tạo nên các bức tranh Thangka được làm từ những nguyên liệu rất quý hiếm, thường là sử dụng vàng, bạc, đá quý, ngọc trai, san hô, có lúc còn sử dụng cả những thực vật quý như hoa nghệ tây.
CÂU HỎI SỐ 2
Dựa vào hình thức sáng tác, Thangka chia thành hai loại, đó là: Gos-thang và Bris-thang. Gos-thang là tranh thêu, còn Bris-thang là tranh vẽ. Bạn hãy đoán xem bức tranh Thangka mà nhóm Tôn Tiểu Đào tìm thấy thuộc loại nào?
Gia Cát Năng nghe vậy, vội giành lại mảnh vải từ tay Tôn Tiểu Đào, cẩn thận vuốt ve nó chẳng khác nào gà mẹ che chở gà con.
- Woa, hóa ra Thangka đáng giá như vậy! Khỉ con, chớ có hồ đồ làm hỏng bảo bối quý giá Thangka của anh!
- Ài, sao cậu lại tầm thường vậy chứ.
Sa Tinh Tinh thực sự hết cách với Gia Cát Năng.
- Mở miệng ra là tiền tiền tiền, chẳng có chút mưu cầu tinh thần gì cả!
Nghe vậy, Gia Cát Năng nhoẻn cười xoa bụng:
- Bạn học Sa Tinh Tinh à, kiểu người ham ăn như mình cũng có mưu cầu tinh thần đấy chứ, mình muốn được ăn hết đồ ăn ngon trên khắp đất nước, à không, trên khắp thế giới.
- Cậu... chỉ giỏi lý sự!
Sa Tinh Tinh hờn dỗi bĩu môi.
- Mấy chuyện này thảo luận sau đi.
Tôn Tiểu Đào sợ hai người sẽ cãi nhau, vội hòa giải.
- Sa Tinh Tinh, cậu hiểu biết nhiều, thử nhìn xem nhân vật được vẽ trong tranh là ai?
Sa Tinh Tinh chau mày, tỉ mỉ quan sát hồi lâu, rồi nói:
- Có lẽ là đại sư Song Khapa, người sáng lập ra giáo phái Gelugpa, hay còn gọi là Hoàng giáo thuộc Phật giáo Tây Tạng.
Tôn Tiểu Đào lục lọi khắp căn phòng nhưng không phát hiện ra điều gì nữa, chỉ đành tập trung vào bức tranh Thangka bé nhỏ kia. Cậu nghĩ ngợi một hồi, rồi chạy ra ngoài hỏi bà chủ:
- Cô ơi, bức tranh Thangka này là của vị khách trước để lại phải không?
Bà chủ nhún vai, ngượng cười đáp:
- Chắc chắn là của cậu ta bỏ lại. Vì người này mới rời đi chưa bao lâu, chúng tôi còn chưa kịp quét dọn. Các cháu đừng kén chọn quá, dù sao cũng đã giảm giá phòng rồi.
- Cô chớ lo ạ, chúng cháu không chê căn phòng không sạch sẽ đâu ạ. Nhà trọ này đẹp lắm, vừa cao quý lại vừa thân thiện, còn tốt hơn khách sạn năm sao đấy ạ.
Gia Cát Năng cười hì hì hỏi:
- Cô có biết nguồn gốc của bức Thangka này không?
- Không rõ nữa, có điều cô từng trông thấy một bức giống vậy.
Bà chủ nhà trọ được đám trẻ nịnh nọt, bấy giờ mới tỏ vẻ hòa nhã, đón lấy bức Thangka, nhìn vào rồi nói:
- Trong số những bức Thangka được trưng bày ở chùa Tháp Nhĩ có một bức tranh lớn trông rất giống với bức này. Các cháu gặp may rồi đó, không chừng ngày mai sẽ được nhìn thấy nó.
ĐÁP ÁN SỐ 2
Trong truyện đã miêu tả bức Thangka mà nhóm Tôn Tiểu Đào tìm thấy được tạo nên bằng màu vẽ, thế nên nó chính là một bức Bris-thang. Tranh Bris-thang cũng có rất nhiều loại như: tranh nước màu, tranh vàng kim, tranh đỏ chu sa, tranh màu đen... dựa vào màu vẽ khác nhau để phân biệt.
MÁCH NHỎ CHO BẠN
Truy tìm địa chỉ IP của người khác với mục đích cá nhân là hành vi xâm hại quyền lợi.
Căn cứ theo Điều 2 “Luật trách nhiệm xâm hại quyền lợi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” quy định: “Xâm hại quyền và lợi ích dân sự sẽ phải chịu trách nhiệm xâm phạm quyền lợi theo điều luật này”. Quyền riêng tư là một trong những quyền và lợi ích dân sự được nêu trong “Luật trách nhiệm xâm hại quyền lợi”. Tình tiết Đội trinh thám Tiểu Năng truy tìm địa chỉ IP của người khác chỉ mang tính chất hư cấu cho câu chuyện, bạn đọc chớ nên học theo nhé.
TRẠM TÌNH BÁO TIỂU NĂNG
Thangka: trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là “Vật có thể cuộn lại”, là loại tranh cuộn treo lên để thờ cúng trong tôn giáo. Thangka là một hình thức nghệ thuật hội họa đặc sắc trong văn hóa của người Tây Tạng, nó chứa đựng đặc điểm dân tộc rõ rệt, mang đậm màu sắc tôn giáo và phong cách nghệ thuật độc đáo. Nội dung đề tài thường đề cập tới nhiều lĩnh vực như lịch sử, chính trị, văn hóa, đời sống xã hội... Những bức tranh Thangka nổi tiếng được lưu giữ đến ngày nay phần lớn đều là những tác phẩm của Phật giáo Tây Tạng, được sử dụng màu sắc tươi sáng để phác họa ra thế giới của Phật và Thánh thần.
Tranh Thangka truyền thống sử dụng những nguyên liệu quý giá để làm màu vẽ sáng tác như vàng, bạc, ngọc trai, mã não, san hô, đá ngọc lam, đá khổng tước, chu sa... và những loại thực vật quý hiếm như hoa nghệ tây, đại hoàng... giúp toát lên vẻ thần thánh. Nguyên liệu tự nhiên giúp cho màu sắc của tranh Thangka tươi sáng nổi bật, tuy trải qua thời gian mấy trăm năm nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có. Chính vì lẽ đó mà tranh Thangka được coi là tác phẩm quý giá trong nghệ thuật hội họa dân tộc Trung Quốc, là “Bách khoa toàn thư” của văn hóa Tây Tạng, và cũng là di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý báu của nghệ thuật dân gian dân tộc Trung Hoa.