N
ghe Sa Tinh Tinh nói có điểm rất đặc biệt, tiểu sư Lạt Ma tỏ vẻ khó hiểu đi tới ngắm nghía bức tranh một hồi lâu, sau đó sững sờ nói:
- Vật dưới chân Đức Phật, có đúng là đĩa bay của người ngoài hành tinh không? Lúc chúng tôi thiết kế bức tranh này thì không có thứ này!
Gia Cát Năng cũng xúm lại, đánh mũi ngửi, rồi chắc nịch nói:
- Cái đĩa bay này không có mùi bơ, hình như được làm bằng thứ khác.
- Không thể nào!
Tiểu sư Lạt Ma khẽ đưa tay chạm vào hình đĩa bay, bỗng nó lập tức rơi xuống mặt đất, vỡ thành mấy mảnh. Quả nhiên, nó được làm từ bột mỳ thông thường, bây giờ đã khô lại nên bị nứt ra, bên trong đĩa bay còn giấu một tờ giấy. Tôn Tiểu Đào nhặt tờ giấy đó lên, mở nó ra xem, phát hiện trên đó có viết ba chữ “Ba báu vật”.
- Đây là gì vậy? Chơi chữ ư?
Tôn Tiểu Đào ra bộ ngờ vực sờ cằm.
Tiểu sư Lạt Ma lắc đầu:
- “Ba báu vật” không phải là chơi chữ. Đó là nhắc tới ba báu vật của chùa Tháp Nhĩ chúng tôi. Trong đó gồm: tranh điêu khắc bơ, tranh thêu Thangka và...
CÂU HỎI SỐ 5
Bạn có biết chùa Tháp Nhĩ còn một báu vật nữa là gì không?
A. Tranh tường B. Tượng Phật C. Tháp thờ Phật
Tiểu sư Lạt Ma còn chưa nói xong, Hồ Viễn Hàng đã ngắt lời:
- Cảm ơn, tôi đã biết là gì rồi. Mọi người hãy đi theo tôi.
Dứt lời, anh ta nhanh chân bước lên phía trước dể dẫn đường, sau đó họ tiến vào Viện giảng kinh. Trong đó treo 13 tấm rèm vải rất lớn. Trên rèm có vẽ hình các Đức Phật, màu sắc vô cùng rực rỡ, cho dù là người không am hiểu mỹ thuật, cũng sẽ bị chúng thu hút...
Các bức vẽ vô cùng đa dạng, bức thì vẽ Đức Phật có nhiều đầu nhiều tay, bức thì vẽ Đức Phật đang thành kính niệm kinh, có bức thì vẽ Đức Phật tay nắm tràng hạt, còn có bức bao quanh Đức Phật là những đám mây và con thú. Bức treo ở chính giữa là hình đại sư Song Khapa, Ngài khoác áo cà sa màu đỏ sẫm, đầu đội mũ vàng, yên tịnh nhưng vẫn toát ra vẻ uy nghiêm nhìn về điện thờ.
Tôn Tiểu Đào sau khi quan sát, cảm thấy có chút kỳ lạ:
- Dưới chân đại sư Song Khapa trong tấm rèm vải này không có đĩa bay. Tại sao trên bức Thangka nhỏ và bức tranh điêu khắc bơ đều có hình đĩa bay nhỉ?
Sa Tinh Tinh ngẫm nghĩ rồi nói:
- Hình Đức Phật vốn không có đĩa bay.
Tăng nhân Chiết Giang muốn thông qua hình đĩa bay để truyền đạt thông tin gì đó, vậy nên mới tạo thêm hình đĩa bay lên bức Thangka và bức tranh điêu khắc bơ.
- Vậy đĩa bay trong bức Thangka này cũng ẩn giấu thông tin gì sao?
Tôn Tiểu Đào giơ bức Thangka lên cạnh tấm rèm vải để đối chiếu, đúng lúc ấy, chuyện kì lạ đã xảy ra...
Sau khi đặt hai bức hình lên nhau, đĩa bay dưới chân đại sư Song Khapa và phần trùng khớp nhau giữa hai bức hình bỗng hiện ra hình ảnh giống như bản đồ, trên đó hình như còn có chữ viết.
- Tôn Tiểu Đào, sao cậu ngẩn người ra thế?
Sa Tinh Tinh ghé đầu vào nhìn, rồi móc điện thoại ra chụp lại hình bản đồ và chữ viết.
Hồ Viễn Hàng cũng vội móc điện thoại, cũng nhích lại gần để chụp ảnh.
- Cái gì vậy? Mọi người đều làm sao vậy? Để mình xem có chuyện gì nào?
Gia Cát Năng nhìn mọi người bằng ánh mắt kỳ quái, sau đó cướp lấy bức Thangka trong tay Tôn Tiểu Đào, ngắm nhìn một hồi, rồi phấn chấn kêu lên:
- Woa! Trong bức Thangka ẩn giấu một tấm bản đồ, có điều tấm bản đồ này trông có vẻ hết sức kỳ quặc, hình như đã từng trông thấy ở đâu rồi.
Gia Cát Năng ngẫm nghĩ, rồi vỗ đùi:
- Đây chẳng phải là mảnh giấy mà anh Viễn Hàng đăng lên mạng hay sao? Tăng nhân Chiết Giang lợi hại thật đó, dùng cách thức kỳ lạ như này để vẽ lại mảnh giấy!
- Anh Viễn Hàng, mảnh giấy trong tay anh có phải như thế này không?
Tôn Tiểu Đào vội xoay đầu muốn xác nhận với Hồ Viễn Hàng, nhưng đối phương không đáp lại. Cậu ta hoang mang đánh mắt nhìn quanh, song Hồ Viễn Hàng đã không thấy tăm hơi, anh ta đã đi đâu rồi?
Trong lòng Sa Tinh Tinh bỗng trào lên một dự cảm không hay:
- Anh Viễn Hàng sao lại không cần bức Thangka kia nữa? Lẽ nào mục đích của anh ta là mảnh ghép bản đồ kho báu?
Gia Cát Năng không tin, còn bênh vực Hồ Viễn Hàng:
- Không phải chứ, mình thấy anh Viễn Hàng không giống kẻ hám của! Mảnh giấy vốn ở trong tay anh Viễn Hàng, anh ấy chắc cũng đã biết hình dạng của bản đồ kho báu, vậy thì đâu cần cùng chúng ta tới đây.
- Cũng có thể sau khi đánh mất mảnh giấy, anh Viễn Hàng mới biết nó liên quan tới kho báu. Thế nên, vừa nãy sau khi chụp ảnh xong anh ta đã nhanh chóng rời đi, có thể muốn tìm ra kho báu trước chúng ta.
Tôn Tiểu Đào nôn nóng nói:
- Chúng ta phải đuổi theo anh Viễn Hàng, anh ấy chưa từng gặp Hắc Động, nếu cứ như vậy đi tìm kho báu, chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm!
Sa Tinh Tinh và Gia Cát Năng cùng gật đầu, sau đó bọn họ chạy khắp nơi trong chùa để tìm Hồ Viễn Hàng.
ĐÁP ÁN SỐ 5
Đáp án A. Bởi vì những bức tường ở chùa Tháp Nhĩ khá ẩm, không thể vẽ trực tiếp lên mặt tường, vì vậy tranh tường là loại tranh được vẽ trên những tấm vải, sau đó được treo lên tường.
TRẠM TÌNH BÁO TIỂU NĂNG
Chùa Tháp Nhĩ: nằm ở huyện Hoàng Trung, thành phố Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải, được xây dựng vào thời nhà Minh (năm 1377), là nơi sinh của người sáng lập ra Hoàng giáo Song Khapa. Chùa Tháp Nhĩ là trung tâm hoạt động Phật giáo Tây Tạng khu vực tây bắc, Trung Quốc. Chính quyền Trung ương các thời đại đều rất coi trọng địa vị tôn giáo của chùa, đây cũng là một ngôi chùa nổi tiếng gần xa. Tranh điêu khắc bơ, tranh tường và tranh thêu Thangka được coi là “ba báu vật nghệ thuật” của chùa Tháp Nhĩ.