“Không chiếc gối nào êm ái hơn một lương tâm trong sáng.”
– Khuyết danh
CHAMPION
Integrity of a Champion
TÍNH CHÍNH TRỰC CỦA NHÀ VÔ ĐỊCH
"Chính trực = Trung thực, có đạo đức."
Chiến thắng bằng bất cứ giá nào?
Có phải chiến thắng là tất cả? Trước khi trả lời câu hỏi này, hãy suy nghĩ về những điều sau đây:
1. Chiến thắng bằng cách hy sinh tính chính trực
2. Chiến thắng bằng cách hy sinh đối thủ
3. Chiến thắng bằng cách hy sinh tình bằng hữu
Bạn có nghĩ rằng chiến thắng bằng mọi giá là điều quan trọng nhất? Có phải chiến thắng nhờ hy sinh tính chính trực là đúng đắn? Nếu câu trả lời là “Có”, thì lời khuyên mà tôi muốn gửi đến bạn là có lẽ bạn cần nhìn nhận lại giá trị bản thân và điều chỉnh nó một chút.
Quả thật, chiến thắng là điều rất quan trọng, tuy nhiên nó không phải và không nên thay thế hết tất cả mọi thứ. Chiến thắng mà vắng bóng danh dự và tính chính trực thì cũng giống như việc nhận được một giấy chứng nhận giả từ một lò sản xuất bằng cấp. Vận động viên có thể được trao cúp vô địch, nhưng tận sâu bên trong, anh biết rằng đấy chỉ là một chiến thắng ảo - chiến thắng không xứng đáng với lời khen ngợi và sự tôn vinh.
Vì vậy, chiến thắng bằng mọi giá cũng quan trọng đấy, nhưng không phải là tất cả. Chiến thắng cùng danh dự và tính chính trực là điều hết sức ngọt ngào và đáng được trân trọng.
Tay kiếm ranh ma
Boris Onischenko, vận động viên đấu kiếm người Nga, đã giành được nhiều huy chương trong cả hai mùa Thế vận hội năm 1968 tại Mexico và năm 1972 tại Munich. Vào năm 1976, tại Thế vận hội Montreal, ông tham gia cuộc thi năm môn phối hợp hiện đại với tư cách là một cựu binh giàu kinh nghiệm được lớp trẻ nể trọng.
Trong nội dung thi thứ hai, thuật đánh kiếm, đội đối thủ đã phản đối và kháng nghị rằng kiếm của Onischenko đã ghi điểm ngay cả khi nó không chạm đến đối phương. Trọng tài đã tịch thu vũ khí của Boris Onischenko và phát hiện ra rằng thanh kiếm này đã bị làm giả. Kết quả là Onischenko và đội của mình đã bị loại ngay lập tức khỏi cuộc thi.
Onischenko sau này còn được gọi là “Boris the Cheat – Boris, kẻ gian lận” vì ông bị cáo buộc gian lận trong nhiều năm liền.
Tinh thần thể thao đích thực
Tinh thần thể thao đích thực được thể hiện một cách rõ rệt qua phương châm và tinh thần của Thế vận hội. Phương châm Thế vận hội là “Citius, Altius, Fortius”, tiếng La-tinh có nghĩa là “Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh mẽ hơn”; còn tinh thần Thế vận hội là: điều quan trọng nhất không phải là chiến thắng mà là tham gia thi đấu, cũng như điều quan trọng nhất trong cuộc đời không phải là chiến thắng hoặc thành công mà chính là quá trình đấu tranh để đạt được nó.
Khi chúng ta nhận thức được tinh thần thể thao đích thực và ghi nhớ những giá trị này, chúng ta sẽ hiểu rằng chiến thắng với danh dự và sự chính trực mới là điều đúng đắn.
Tinh thần của thể thao.
Huyền thoại quyền Anh Thế vận hội
Teófilo Stevenson, huyền thoại quyền Anh của Cuba, là hình mẫu tiêu chuẩn của tinh thần Thế vận hội Olympic. Ông đã gây chú ý ở kỳ Thế vận hội Munich năm 1972, khi hạ knock out đối thủ đầu tiên của mình chỉ trong vòng 30 giây. Con đường đi đến huy chương vàng Olympic của ông chỉ gặp đôi chút khó khăn, khi ông quá dễ dàng áp đảo mọi đối thủ. Chiến thắng của ông đã thu hút sự chú ý của những ông bầu quyền Anh ở khắp mọi nơi. Họ cố gắng thuyết phục Stevenson theo con đường chuyên nghiệp, nhưng ông từ chối. Ông tin tưởng mạnh mẽ vào cuộc Cách mạng Cuba, và mong muốn đại diện thi đấu cho đất nước của mình.
Huy chương vàng thứ hai tại Thế vận hội Montreal năm 1976 của Stevenson đã khiến các ông bầu quyền Anh chú ý đến ông nhiều hơn nữa. Họ đưa ra giá hàng triệu đô la để thuyết phục ông tham gia làng chuyên nghiệp. Nhưng một lần nữa, Stevenson từ chối. Ông được ca ngợi như là một người anh hùng dân tộc cho tình yêu đất nước và niềm tin vững chắc vào sự nghiệp của người dân Cuba.
Huyền thoại quyền Anh.
Năm 1980, ông giành huy chương vàng thứ ba, cũng là huy chương vàng cuối cùng tại Thế vận hội. Sau khi nghỉ hưu, ông trở thành huấn luyện viên quyền Anh tại Cuba, với tiền lương hàng tháng khoảng 400 đô la – một khoản tiền rất ít ỏi so với hàng triệu đô la mà ông đã từng được mời gọi. Người ta vẫn thường hỏi rằng liệu ông có hối hận về quyết định không phát triển sự nghiệp theo hướng chuyên nghiệp không, và câu trả lời của ông là: “Một triệu đô la có là gì so với 8 triệu dân Cuba yêu mến tôi?”.
Chủ nghĩa yêu nước của Stevenson và niềm tin vững chắc của ông về đất nước mình đã ngăn không để ông bị cám dỗ bởi hàng triệu đô la lơ lửng trước mặt. Ông thực sự là một nhà vô địch tin vào tinh thần thể thao đích thực.
Thân bại danh liệt
Vinh quang có thể mù quáng. Điều này nghe có vẻ hơi khó hiểu, làm thế nào vinh quang lại có thể làm người ta trở nên mù quáng? Thực ra, đôi khi sức quyến rũ của chiến thắng lớn đến nỗi chúng có thể che mờ lý trí, khiến chúng ta sử dụng các loại thủ thuật lừa lọc để giành chiến thắng.
Chẳng hạn, các vận động viên sử dụng chất kích thích để tăng cường thể lực trong thi đấu. Việc sử dụng những loại chất cấm này không chỉ khiến danh tiếng của chính họ bị ảnh hưởng, mà còn mang lại tiếng xấu cho thể thao. Hơn nữa, chất kích thích có thể gây ra các phản ứng phụ nghiêm trọng như hành vi hung bạo, thậm chí trong trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến trầm cảm và làm chết người.
Thân bại danh liệt.
Có rất nhiều vận động viên đã thân bại danh liệt vì chất cấm. Hành động của họ đã gây sốc cho toàn thế giới và được báo chí đưa tin ở trang đầu tiên.
Vận động viên điền kinh
Vận động viên chạy nước rút Ben Johnson đã trở nên rất tai tiếng vì sử dụng chất cấm anabolic steroid tại Thế vận hội năm 1988. Ở trận chung kết chạy 100 mét, anh đã về đích đầu tiên với thời gian kỷ lục 9,79 giây, đánh bại đối thủ nặng ký Carl Lewis.
Tuy nhiên, cuộc kiểm tra của ủy ban Olympic sau đó đã cho thấy trong mẫu nước tiểu của anh có chứa chất kích thích. Ben Johnson đã ngay lập tức bị loại, huy chương vàng của anh cũng bị thu hồi và trao lại cho Carl Lewis, người về nhì. Tất nhiên là kỷ lục của anh cũng không được công nhận.
Vận động viên điền kinh.
Trường hợp của Ben Johnson cho ta thấy vận động viên đôi khi bị khát khao chiến thắng làm cho mờ mắt, khiến họ phải sử dụng các phương thức sai trái để đạt được mục đích. Trên thực tế, cũng có những thành công đạt được một cách trót lọt nhờ vào các cách thức bất hợp pháp, nhưng một khi luật pháp phát hiện, liệu cái giá phải trả có đáng không?
Thất bại trong danh dự
“Để giành được chiến thắng, phải là một người xuất sắc; nhưng để thất bại trong danh dự thì phải là một người xuất chúng”. Câu nói này tổng hợp đầy đủ ý nghĩa của việc “thua trong kiêu hãnh”. Trước giờ, người ta vẫn thường có xu hướng ghi nhớ những chiến tích và những nhà vô địch. Với họ, vị trí thứ hai chỉ đơn giản là vị trí thua đầu tiên. Những người về nhì đã tiến rất gần với chiến thắng, nhưng không đủ gần để chạm tới vinh quang.
Tuy nhiên, những người không giành được chiến thắng vẫn có giá trị riêng của mình. Nhìn họ, ta nhìn thấy lòng can đảm và sự cam kết cố gắng hết sức. Trên thực tế, nhiều nhà vô địch đã thực sự trở thành chính mình nhờ có những đối thủ mà họ đối mặt. Roger Federer sẽ không thể trở thành người như ngày hôm nay nếu không có những đối thủ mạnh mẽ trong các giải đấu anh phải đối mặt. Sự tranh đấu giữa anh với Rafael Nadal là một bằng chứng cụ thể.
Có những vận động viên tuy không giành được chiến thắng nhưng thể hiện tinh thần thể thao đích thực. Điều này cũng khiến họ được tôn vinh bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt. Nỗ lực của họ sẽ luôn được ghi nhớ và mãi mãi khắc sâu trong lịch sử.
Khoảnh khắc ấm áp
Hai vận động viên nhảy sào người Nhật Bản Shuhei Nishida và Sueo Oe đã thể hiện tinh thần thể thao tuyệt vời tại Thế vận hội Berlin năm 1936. Xếp ở vị trí thứ hai, cả hai đều từ chối tranh tài với đồng đội của mình để giành huy chương bạc. Để hoàn tất hồ sơ lưu trữ, Oe sẵn lòng nhận huy chương đồng, nhường tấm huy chương bạc cho Nishida.
Huy chương của tình hữu nghị.
Khi trở về Nhật, họ đã có một ý tưởng tuyệt vời để cùng nhau chia sẻ vinh quang. Họ đã nhờ một thợ kim hoàn cắt đôi tấm huy chương ra rồi ráp lại với nhau, tạo thành hai tấm huy chương nửa bạc nửa đồng. Sau này, hai tấm huy chương đặc biệt ấy được biết đến như là “huy chương của tình hữu nghị”, trở thành biểu tượng trường tồn của tinh thần thể thao và tình bằng hữu.
Chú lươn
Eric Moussambani – biệt danh là “Lươn”, đến từ quốc gia Ghinê Xích đạo – đã lưu danh muôn thuở trên truyền hình nhờ vào màn trình diễn bơi nổi tiếng của mình. Bắt đầu học bơi chỉ tám tháng trước Thế vận hội, anh tham gia thi đấu nhờ suất ưu đãi đặc biệt khuyến khích sự tham gia của các quốc gia đang phát triển thiếu trang thiết bị tập luyện đắt tiền.
“Lươn”
Trong nội dung bơi tự do 100 mét, anh đến đích đầu tiên mặc dù bơi rất chậm, bởi hai đối thủ của anh đã bị loại vì bắt đầu sai quy định. Nỗ lực và sự kiên trì hoàn thành đường đua đã khiến Eric được cả thế giới biết đến. Mặc dù thời gian bơi không đủ tốt để đạt huy chương, nhưng Eric vẫn tự hào về thành tích vượt qua bản thân của mình.
Tinh thần thể thao chân chính
Thắng không kiêu, bại không nản, đó là tất cả về tinh thần thể thao chân chính. Thông thường, các vận động viên bị cuốn vào mục tiêu chiến thắng mà mất đi cái nhìn về khía cạnh quan trọng này. Có rất nhiều trường hợp về tinh thần thượng võ kém được thể hiện khi các vận động viên trêu đùa và chế nhạo đối thủ của mình. Hành vi đó hoàn toàn không được khuyến khích, và các vận động viên đó là những hình mẫu rất tệ.
Chế nhạo đối phương.
Khi bị chế nhạo và khiêu khích, các vận động viên có thể đáp trả theo cách tương xứng và được đám đông thông cảm, nhưng đây không phải là cách tiếp cận đúng đắn. Một tinh thần thể thao thực sự tốt chỉ được thể hiện khi các vận động viên chấp nhận và học hỏi từ thất bại của mình, cũng như đón nhận chiến thắng với thái độ khiêm nhường.
Khi thua, các vận động viên nên chấp nhận thất bại và không đổ lỗi cho đối thủ, cho đồng đội hoặc trọng tài. Điều này không có nghĩa là họ không có chí tiến thủ, mà là họ không đặt nặng hơn thua. Khi thắng, họ nên kiềm chế bản thân giữa ánh hào quang chiến thắng. Đắm chìm quá mức trong tiệc mừng vinh quang cũng là một hình thức không tôn trọng đối thủ. Vận động viên nên để cho những thành tích của mình tự lên tiếng.
Lòng trắc ẩn bao la
Lawrence Lemieux, một vận động viên đua thuyền người Canada, đã quyết tâm giành được huy chương bạc tại Thế vận hội Seoul năm 1988. Tuy nhiên, một sự kiện xảy ra đã làm anh từ bỏ vị trí của mình. Trong lúc thi đấu, anh nghe thấy tiếng kêu cứu của hai vận động viên đua thuyền đang tham gia thi đấu ở một nội dung khác. Thuyền của họ không may bị lật và họ đang phải vật lộn với những con sóng trong tuyệt vọng. Không có thời gian để suy tính, anh thẳng tiến về phía các vận động viên này, giải cứu họ và chờ tàu cứu hộ đến. Lúc tàu cứu hộ đến nơi, thì niềm hy vọng giành được huy chương bạc của anh đã tan vỡ. Anh đã bị bỏ lại quá xa đến nỗi không thể tiếp tục thi đấu giành huy chương.
Tuy nhiên, hành động của Lemieux đã được ghi nhận, và sự dũng cảm của anh đã được ủy ban Olympic trao tặng tấm huy chương Pierre de Coubertin – một giải thưởng đặc biệt cho tinh thần thể thao chân chính.
Kết luận
Hãy thắng một cách xứng đáng.
Và hãy thua trong tư thế ngẩng cao đầu.