“Nếu không có mục tiêu nào thì bạn sẽ không bao giờ đạt được điều gì cả.”
– Khuyết danh
CHAMPION
OBJECTIVE OF A CHAMPION
MỤC TIÊU CỦA NHÀ VÔ ĐỊCH
"Mục tiêu = Những gì mà bản thân nỗ lực hành động để hoàn thành hoặc đạt được; kết quả nhắm đến."
Không mục tiêu, không đích đến
Các vận động viên tích cực tập luyện mỗi ngày để đạt được những mục tiêu khác nhau. Mục tiêu ấy có thể là thi đấu tốt hơn hay đạt được tốc độ nhanh hơn. Nhưng suy cho cùng, đích cuối cùng của mỗi vận động viên là đạt được danh hiệu vô địch.
Những người tham gia thể thao vì mục đích giải trí cũng có mục tiêu riêng của họ. Đó có thể đơn giản là hoàn thành quãng đường 5 km chạy bộ, hay chơi từ đầu đến cuối một trận bóng đá. Như vậy, dù tham gia thể thao vì lý do thi đấu hay thú vui giải trí đi nữa, thì mục tiêu phải luôn được đặt ra. Không có mục tiêu, cũng giống như việc chạy marathon liên tục mà không có điểm đích.
Vì vậy, hãy đặt ra mục tiêu rõ ràng cho bản thân và bắt tay thực hiện chúng.
Cuộc đua vô tận.
Đặt mục tiêu để chinh phục
Jesse Owens, vận động viên điền kinh người Mỹ, đã tham gia Thế vận hội Berlin năm 1936. Ông đã vượt qua mọi rào cản để có mặt tại Olympic và đã tạo ra làn sóng chú ý trên hành trình tìm kiếm sự chấp nhận từ xã hội dành cho người Mỹ gốc Phi.
Sự hiện diện của ông tại Thế vận hội Berlin được cho là đã khiến Hitler giận dữ, và chiến thắng của ông trong việc đánh bại người Đức thuần-huyết càng khiến Hitler sôi máu. Hitler đã khinh rẻ Owens vì ông là một người Mỹ gốc Phi, và chiến thắng của ông không đủ để làm thay đổi những suy nghĩ của Hitler về ông. Tuy nhiên, Owens đã quyết tâm chứng minh bản thân mình tại Thế vận hội và cho người khác thấy rằng màu da không quyết định giá trị của một con người. Với sự tự tin và quyết tâm của mình, ông đã giành được bốn huy chương vàng trong nội dung chạy nước rút 100 mét, nhảy xa, chạy nhanh 200 mét và chạy tiếp sức 4 x 100 mét.
Mục tiêu của Owens trong việc theo đuổi niềm tin của mình đã đưa ông trở thành một huyền thoại Olympic. Ông sẽ luôn được mọi người tưởng nhớ và yêu mến.
Thiết lập mục tiêu
“Tôi muốn hoàn thiện cú đánh thuận tay của mình.”
“Tôi muốn tăng số bàn thắng.”
“Tôi muốn phá kỷ lục thế giới ở nội dung này.”
“Tôi muốn trở thành nhà vô địch!”
Quá dễ để diễn tả bằng lời những mục tiêu của chúng ta. Tuy nhiên, lời nói hay suy nghĩ về mục tiêu chỉ là bước khởi đầu. Nếu chúng ta hài lòng với chúng mà không có ý tưởng làm thế nào để hoàn thành những mục tiêu đó, thì cũng giống như việc chạy giậm chân tại chỗ vậy. Chúng ta đang di chuyển, nhưng chúng ta lại không đi đến bất kỳ địa điểm nào cụ thể cả.
Để thực hiện các mục tiêu đưa ra, chúng ta phải có một kế hoạch rõ ràng. Có rất nhiều cách để soạn thảo một kế hoạch, nhưng một trong những cách hiệu quả nhất là đặt ra mục tiêu SMART.
Mục tiêu SMART có vài cách diễn giải khác nhau, nhưng nhìn chung nó có những đặc điểm sau:
• Specific – cụ thể: giúp thiết lập mục tiêu một cách rõ ràng.
• Measurable – đo lường được: giúp kiểm tra, đánh giá tiến trình đạt được mục tiêu.
• Achievable – có thể đạt được: giúp các mục tiêu đặt ra nằm trong tầm sức.
• Realistic – thực tế: giúp các mục tiêu có thể thực hiện và không xa rời thực tế.
• Time-based – có thời hạn: giúp xác định thời hạn cụ thể cho việc đạt được mục tiêu.
Khi hiểu rõ những đòi hỏi của việc thiết lập mục tiêu, chúng ta có thể nhìn thấy bức tranh bao quát hơn và thực hiện những hành động cần thiết để đạt được các mục tiêu đó.
(Để hiểu rõ hơn về việc thiết lập mục tiêu và cách thực hiện để đạt được chúng, hãy tham khảo quyển sách của tôi – Tại sao phải hành động?).
Chuyên gia đá phạt
David Beckham, chàng cầu thủ bóng đá người Anh đã làm nên màu cờ sắc áo cho đội Manchester United, nổi danh với những cú sút cực kỳ chính xác. Khả năng chuyển cong hướng bóng trong những cú đá phạt trực tiếp của Beckham chính là nguồn cảm hứng cho sự ra đời của bộ phim Bend It Like Beckham.
Tài năng sút phạt trực tiếp của Beckham không phải do may mắn hay bất cứ điều gì tương tự, mà do khao khát trở nên giỏi nhất của anh. Beckham đã thiết lập cho mình một mục tiêu rõ ràng, đó là trở thành cầu thủ xuất sắc với những pha chuyền bóng hoàn hảo, và anh quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu đó bằng cách tập luyện liên tục.
Thuở niên thiếu, cậu bé Beckham mang bóng ra sân mỗi ngày và tập luyện với nó hàng giờ. Anh luyện sút vào một mục tiêu cố định cho đến khi có thể kiểm soát được hướng di chuyển của bóng. Anh cũng ghi chú lại các kỹ thuật của mình và cải tiến nó để nâng cao độ chính xác trong từng đường bóng.
Có một mục tiêu rõ ràng là điều rất quan trọng, nhưng bắt tay thực hiện mục tiêu đó cũng quan trọng không kém. Beckham đã phải tập luyện chăm chỉ mỗi ngày để có được những cú sút hoàn hảo như thế.
Xuất phát điểm
Với mục tiêu rõ ràng trong đầu, hành động tiếp theo là thực hiện các bước để đạt được kết quả tốt đẹp. Đây là lúc cần phải có sự cam kết và tinh thần kỷ luật để chắc rằng ta vẫn thực hiện các bước theo sát kế hoạch và không bỏ cuộc giữa chừng.
Thông thường, chúng ta thiếu tinh thần kỷ luật trong quá trình theo dõi, thực hiện kế hoạch của mình để đạt được mục tiêu. Sự khởi đầu nào cũng đầy khó khăn, khi chúng ta phải làm quen với một lịch trình mới. Và trên đường đi, những chướng ngại xuất hiện khiến ta phân tâm, ví dụ như mệt mỏi và lười biếng. Chúng là những nguyên nhân khiến ta cảm thấy nặng nề, mất tinh thần. Chúng cám dỗ chúng ta từ bỏ việc thực hiện kế hoạch. Điểm khác biệt ở một nhà vô địch đích thực đó là họ mài dũa bản thân qua quá trình khởi đầu đầy cạm bẫy, tạo đà để đi tiếp và tiến tới đạt được mục tiêu.
Liz rất muốn tham gia chạy marathon. Cô biết rõ chạy rất mệt mỏi và chế độ tập luyện như cực hình vậy. Tuy nhiên, cô đã tự đặt ra một kế hoạch để đạt được mục tiêu, đó là tập chạy trong sáu tháng. Cô đã rèn luyện sức chịu đựng của bản thân bằng cách tăng dần quãng đường chạy mỗi ngày, nhưng lịch trình quá khó khăn và mệt mỏi đến nỗi rất nhiều lần cô nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Tâm trí nói với cô rằng: “Tại sao mình phải tự trừng phạt bản thân như vậy? Sao mình không bỏ cuộc, dừng ngay việc ngu ngốc này lại. Mọi thứ sẽ trở lại như bình thường, vậy không tốt hơn sao?”.
Thật may mắn, Liz có đủ quyết tâm và sức chịu đựng bền bỉ để đi đến cùng với kế hoạch đặt ra. Việc tập luyện đã làm cô mạnh mẽ và tự tin hơn để tham gia đường đua, cuối cùng thì cô đã đạt được mục tiêu của mình. Không từ ngữ nào có thể diễn tả được niềm vui của Liz sau khi hoàn thành cuộc đua, và với cô, tất cả những khó khăn đã trải qua trong suốt sáu tháng luyện tập trước đó là hoàn toàn xứng đáng!
Giữ tập trung
Một trong những rào cản quan trọng nhất có thể làm chuyển hướng các vận động viên khỏi kế hoạch của mình đó là sự thiếu tập trung. Con đường đi đến vinh quang chưa bao giờ dễ dàng, chỉ những ai xuất sắc nhất, quyết tâm nhất mới có thể đi đến cùng. Có một cách để giữ tập trung, đó là loại bỏ những thứ có thể khiến ta phân tâm. Một cách hiệu quả để làm việc này đó là thực hiện chiến lược “khó tiếp cận”. Khi khó tiếp cận, ta sẽ không bị cám dỗ.
Ví dụ, nếu nghiện game, hãy tránh xa máy chơi game. Bạn có thể cho ai đó mượn để không dễ dàng mở máy lên mà chơi. Bằng cách này, chúng ta có thể giữ được sự tập trung của mình, tiếp tục chú tâm vào những nhiệm vụ đã đặt ra.
Chúng ta cũng cần tự thưởng cho bản thân vì đã duy trì được động lực. Suy cho cùng, “học mà không chơi sẽ đánh rơi tuổi trẻ”. Ở mỗi cột mốc nhỏ đã đạt được, ta có thể ngừng lại đôi chút để tự chúc mừng bản thân. Ví dụ, khi hoàn thành 10 buổi tập huấn, ta có thể tự thưởng cho mình chút ít thời gian nghỉ ngơi và tận hưởng cảm giác thư thái của việc hoàn thành. Điều này sẽ giúp quá trình đạt được mục tiêu bớt khó khăn và khích lệ tinh thần ta nhờ vào việc có cái để trông đợi ở đợt tập huấn tiếp theo.
Năng lực mường tượng
Các vận động viên có thể sử dụng khả năng mường tượng của mình để giữ tập trung và tiến tới giành chức vô địch. Hình dung hay mường tượng là quá trình tâm trí nhìn thấy được hình ảnh của bản thân. Thông qua quá trình này, vận động viên có khả năng tái diễn tập nhiều lần trong đầu các hay thủ tục cần thiết để được những mục tiêu đặt ra. Kỹ thuật này đã được minh chứng là rất hữu ích và hiệu quả, thường được vận động viên hàng đầu thế giới vận dụng.
Laura Wilkinson, cựu động viên nhảy cầu người Mỹ sử dụng kỹ thuật tưởng tượng hiệu quả. Sáu tháng trước diễn ra Thế vận hội Sydney năm 2000, cô bị gãy chân và không thể tiếp tục tập luyện. Những gì cô có thể làm mỗi ngày là tưởng tượng trong đầu các động tác nhảy cầu. Cô thực hiện điều này nhiều đến nỗi cô “thấy” mình đang tham gia nhảy cầu thực sự. Năng lực mường tượng của cô đã thực sự phát huy hiệu quả, bởi sau đó cô đã giành được huy chương vàng tại mùa Thế vận hội này.
Kết luận
Với một mục tiêu rõ ràng trong đầu, việc đạt được thành công sẽ trở nên dễ dàng hơn.