D
ù không phải là một mọt phim, nhưng mỗi khi xem phim hẳn bạn sẽ thấy một vấn đề thường xuất hiện đi xuất hiện lại trong cả phim ảnh hay kịch nói, đó là những nhân vật chính thường bị chia cắt vì thiếu giao tiếp.
Một nhân vật có điều gì muốn nói rồi lại thôi, và nhân vật kia không bao giờ bận tâm hỏi về những gì người còn lại nghĩ. Vấn đề xuất hiện vì họ không có giao tiếp thực sự. Không ai biết những gì người kia muốn, cần hoặc phải cung cấp. Kết quả là, mối quan hệ lâm vào bế tắc cho đến khi một khoảnh khắc kỳ diệu xuất hiện, khi một sự kiện hoặc tai nạn đặc biệt đưa sự thật ra ánh sáng.
Những tình tiết tiểu thuyết này là tấm gương cho cuộc sống thực tế. Trong thế giới thực, sự xa cách về mặt tinh thần cũng diễn ra tương tự - nhưng thường không tồn tại khoảnh khắc kỳ diệu để tạo nên bước chuyển biến cần thiết.
Cuối cùng, vấn đề cô đọng lại là do giao tiếp. Vợ chồng không nói với nhau về những điều thực sự quan trọng đối với mỗi người. Các cộng sự kinh doanh mỗi người giữ mọi thứ cho riêng mình và tự hỏi những người kia đang nghĩ gì. Kiểu như vậy.
Luôn có những cá nhân không gặp phải vấn đề tương tự trong cuộc sống của mình. Đó là người giỏi giao tiếp - người sẽ hỏi ai đó về những gì họ nghĩ và theo dõi cho đến khi nhận được câu trả lời. Họ là những người sẽ bộc lộ suy nghĩ của riêng mình, để chắc chắn rằng mình không bỏ qua một cơ hội có một mối quan hệ tốt.
Một người biết giao tiếp sẽ không bao giờ băn khoăn quá lâu về những gì người khác đang nghĩ và dự định. Họ sẽ chủ động hỏi. Họ sẽ kéo vấn đề đó ra nơi mọi người có liên quan có thể nhìn thấy và bắt tay vào giải quyết nó.
Nếu nhìn thấy một cô gái hấp dẫn trong một nhà hàng, anh ta sẽ không ước rằng mình sẽ được quen người ta mà thực sự đến và nói rằng cô ấy thật quyến rũ. Biết đâu cô ấy cũng chú ý đến anh ấy thì sao, nhưng ai mà biết được điều đó trừ khi một trong số họ nói lên suy nghĩ của mình?
Một người biết giao tiếp không phải là một kẻ mồm mép bẩm sinh. Nhưng vì họ dám nói về những điều quan trọng, họ dần dần phát triển được khả năng đặt câu hỏi một cách tử tế để có thể trình bày những suy nghĩ của mình rõ ràng hơn.
Những đặc điểm của một người giao tiếp tốt nghe có vẻ quen quen phải không? Tất nhiên. Họ có những đặc điểm giống với một nhân viên kinh doanh giỏi.
Bán hàng là giao tiếp. Hầu hết mọi người nhận ra điều đó. Nhưng nhân viên kinh doanh thành công nhận ra rằng nó phải là giao tiếp hai chiều. Một nhân viên kinh doanh phải biết hỏi tốt và lắng nghe tốt - không chỉ mỗi nói mà thôi.
Nếu bạn là một nhân viên kinh doanh giỏi, bạn hẳn cũng là một người giao tiếp tốt và bạn nên sử dụng tài năng của mình trong mọi giai đoạn của cuộc đời. Bất kỳ tình huống nào giữa hai cá nhân đều có thể ứng dụng những quy tắc bán hàng mà chúng tôi đã nói đến.
Luôn luôn tìm hiểu những gì người khác mong muốn. Có thể bạn đã không thể cung cấp được - nhưng bạn sẽ không bao giờ biết cho đến khi bạn tìm hiểu. Không có lý do gì để bỏ qua việc đó cả.
Sử dụng các nguyên tắc này ở khắp mọi nơi có thể: Trước khi bạn trình bày ý tưởng hoặc đề xuất xin phê duyệt, hãy tìm hiểu xem người đó muốn gì - và đảm bảo đề xuất của bạn phù hợp với những điều đó.
Khi vấn đề nảy sinh giữa bạn và người thân, đừng có đoán mò những gì họ nghĩ - hãy hỏi! Đừng sợ khi phát hiện ra rằng cô ấy nghĩ bạn không hoàn hảo. Chỉ khi bạn biết những gì làm cô ấy bận lòng, bạn mới có thể làm gì đó để sửa chữa. Tìm ra cách mở đường cho việc sửa chữa và kết thúc vấn đề.
Khi bạn đang xin việc, hãy sử dụng quy trình phỏng vấn gồm năm bước đã nêu trên: (1) tìm hiểu xem công ty muốn gì từ người được giao vị trí đó; (2) tóm tắt những điều đó và hỏi xem bạn có hiểu đúng không; (3) trình bày trình độ của bạn trong khuôn khổ đó; (4) trả lời bất kỳ câu hỏi nào; và (5) hỏi xem những gì bạn trình bày có đáp ứng được không, bạn có được nhận không.
Nếu bạn hỏi và họ chưa quyết định, hãy hỏi khi nào quyết định được đưa ra và trên cơ sở nào. Hỏi xem có bất cứ điều gì nữa bạn có thể làm để chứng minh trình độ của bạn hay không.
Đừng phó mặc số phận của bạn cho sự may mắn mù quáng trong bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời. Làm việc gì đó. Tìm hiểu xem những người sẽ đưa quyết định cần làm những điều gì.
Tập thói quen hỏi những gì bạn muốn biết. Bất cứ khi nào bạn bắt đầu suy nghĩ, “Ước gì tôi biết họ định làm gì,” hãy biến nó thành hành động bằng cách đi hỏi.
Nếu bạn sợ rằng mọi người sẽ phẫn nộ với câu hỏi của bạn, bạn sẽ bất ngờ đấy. Rất hiếm khi nó gây nên sự bực bội - đặc biệt nếu bạn hỏi theo cách cho thấy việc bạn hỏi là điều đương nhiên.
Chỉ một phần trăm người sẽ suy nghĩ rồi đặt câu hỏi. Vì vậy, hãy là một trong số họ!
Phải, bán hàng chỉ đơn thuần là giao tiếp thôi - giao tiếp hai chiều. Ngược lại giao tiếp chính là bán hàng và cả hai đều dễ dàng.
Nếu bạn nghĩ đến việc bán hàng là “hàng hóa quan trọng hơn con người” vậy thì rõ ràng bạn sẽ không muốn sử dụng các nguyên tắc bán hàng với bạn bè và những người thân yêu của bạn.
Nhưng nếu bây giờ bạn đã thấy rằng việc bán hàng là truyền đạt và giúp đỡ (và tôi hi vọng bạn đã thấy điều đó), thì bạn không nên ngần ngại sử dụng những nguyên tắc này trong tất cả các giai đoạn của cuộc đời bạn.
Theo tiêu chuẩn mà chúng tôi thiết lập, một nhân viên kinh doanh giỏi là một người xuất sắc. Anh ấy là một người bạn hấp dẫn - vì anh ấy giao tiếp tốt, có trí tưởng tượng hữu ích và giải quyết vấn đề dễ dàng.
Bán hàng tồn tại ở khắp mọi nơi. Đừng bỏ qua những ứng dụng của nó trong cuộc sống.