Chúng ta có thể so sánh trí tưởng tượng như dòng nước xiết cuốn kẻ không may vào xoáy sâu vô tận, bất chấp ý chí và nỗ lực của anh ta. Một dòng nước khó lòng chế ngự được. Nhưng nếu bạn biết cách, bạn có thể điều hướng nó, chuyển hóa sức mạnh của nó thành nguồn năng lượng có ích. Giống như chúng ta vẫn biến đổi sức nước thành năng lượng nhiệt và điện.
Trí tưởng tượng cũng chẳng khác nào một con ngựa hoang không có dây cương. Lúc ấy, người cưỡi ngựa còn có thể làm gì ngoài ngồi yên, để nó đưa anh ta đến nơi nó muốn? Rồi con ngựa sảy chân, anh ta ngã xuống, khi đó cú rượt chạy điên cuồng của con ngựa mới dừng lại. Nhưng hãy nghĩ xem, nếu người cưỡi ngựa đeo dây cương cho nó, chắc chắn tình hình sẽ thay đổi. Con ngựa không đi theo ý muốn của nó được nữa, người cầm dây cương sẽ là người kiểm soát và điều hướng sự di chuyển của nó.
Ám thị (suggestion) là gì? Người ta có thể định nghĩa nó là hành động đặt một ý tưởng vào đầu của một người. Chúng ta có thể thực hiện một hành động như thế không? Đúng ra mà nói, không. Ám thị không tự nó tồn tại. Nó cần một sự chuyển hóa trong tâm trí một người, trở thành tự kỉ ám thị (autosuggestion). Chúng ta có thể định nghĩa là in dấu một ý tưởng, một lời khuyên vào tâm trí một người.
Chúng ta có thể ám thị điều gì đó với chính mình hoặc một người khác. Nhưng nếu thể vô thức của chúng ta không chấp nhận nó, chuyển hóa nó thành tự kỉ ám thị, thì sẽ không có tác dụng gì.
Điều đó đã xảy ra với tôi. Đôi khi những ám thị vô cùng đơn giản tôi áp dụng với các bệnh nhân đã thất bại. Là vì thể vô thức của thân chủ từ chối tiếp nhận các ám thị đó và không chuyển hóa chúng thành tự kỉ ám thị.
SỬ DỤNG TỰ KỈ ÁM THỊ
Như tôi đã nói, chúng ta có thể kiểm soát và điều hướng trí tưởng tượng của mình như cách chúng ta chuyển hóa sức nước hay kiểm soát con ngựa. Muốn sống khác đi, chúng ta phải thay đổi. Thế nên, đầu tiên chúng ta phải biết chúng ta muốn thay đổi điều gì. Kế tiếp, chúng ta cần một cách thức để thực hiện. Chà, cách thức rất đơn giản. Đó chính là phép trị liệu tâm lí mang tên: TỰ KỈ ÁM THỊ.
Thực tế, hằng ngày chúng ta vẫn sử dụng chúng mà chẳng biết, và thật không may chúng ta thường dùng sai cách. Cuộc sống chẳng phải lúc nào cũng một màu xám xịt, có chăng chỉ là chúng ta tự bịt mắt mình đấy thôi.
Thay vì làm tự kỉ ám thị vô thức, chúng ta sẽ thực hiện các ám thị có ý thức.
Điều bạn thực sự muốn là gì?
Trước hết, hãy cân nhắc thật kĩ càng đối tượng cho phép tự kỉ ám thị của bạn. Điều bạn thực sự muốn là gì? Đối tượng đó cần một khẳng định hay phủ nhận, tức là bạn cần một lời ám thị. Nếu muốn dừng một suy nghĩ hay một hành động, bạn cần một lời ám thị phủ nhận. “Tôi không bị đau nữa.” Nếu muốn trở nên chắc chắn hay tin tưởng vào một điều gì đó, bạn cần một lời ám thị khẳng định. “Sức khỏe của tôi sẽ hồi phục.”
Sau đó lặp lại một vài lần mà không nghĩ đến điều nào khác: Điều gì sẽ xảy ra hay điều gì sẽ không xảy ra, v.v. Nếu thể vô thức chấp nhận ám thị đó, nếu tự nó ghi nhận, bạn sẽ thấy rằng mục tiêu của bạn sẽ từng bước trở thành hiện thực.
Bạn nên hiểu rằng tự kỉ ám thị bản chất cũng giống như một phép thôi miên. Chúng ta có thể định nghĩa một cách đơn giản là ảnh hưởng của trí tưởng tượng lên tinh thần và thân thể của con người. Ảnh hưởng này là không thể phủ nhận. Tôi sẽ không nhắc lại các ví dụ trước, mà đưa ra một số dẫn chứng khác.
Nếu bạn tạo ra trong chính mình một niềm tin rằng bạn có thể làm được một điều gì đó (miễn là nó tuân theo quy luật tự nhiên) bạn sẽ làm được nó, bất kể khó khăn ra sao. Ngược lại, nếu bạn tưởng tưởng rằng bạn không thể làm nó, thì chắc chắn bạn sẽ không làm được gì cả.
Một việc đơn giản, nhưng với bạn, nó có thể trở thành một vấn đề to lớn khó lòng vượt qua chỉ vì bạn nghĩ mình không có khả năng
Thế này, những người suy nhược thần kinh thường cho rằng dù họ có nỗ lực bao nhiêu, nếu muốn tiến thêm vài bước, chắc chắn họ phải chịu đựng sự mệt mỏi cùng cực. Họ càng nỗ lực thoát khỏi tình trạng suy nhược của mình, họ càng chìm vào nó. Như một kẻ bất hạnh rơi vào hố cát, càng cố thoát ra, càng lún sâu hơn.
Nếu bạn nghĩ một cơn đau sẽ ngừng, nó sẽ thực sự biến mất từng chút một. Ngược lại, bạn nghĩ bạn đang chịu đựng đau đớn, thì cơn đau ấy sẽ còn mãi.
Tôi biết một số người có thể dự đoán trước họ sẽ bị đau đầu vào ngày này ngày này, theo từng hoàn cảnh cụ thể. Kết quả là vào ngày đó, mọi sự diễn ra và họ bị đau đầu. Họ tạo nên cơn đau cho chính họ, trong khi những người khác có thể loại bỏ cơn đau bằng tự kỉ ám thị ý thức.
Tôi ý thức được rằng, nói chung, một người dám phát triển những ý tưởng hoàn toàn mới thường bị coi là kẻ ngốc. Ái chà! Tôi vẫn nói rằng một người mắc bệnh về thể chất hay tinh thần là vì họ tưởng tượng họ có bệnh. Nếu một người bị liệt mà không có bất kì vết thương nào, thì đơn giản là họ tưởng tượng rằng họ bị liệt. Với các bệnh nhân này, chúng ta cần đến các phương pháp chữa trị đặc biệt.
Chúng ta vui vẻ hoặc buồn bã, là do chúng ta tưởng tượng bản thân mình đang vui vẻ hay buồn bã. Rất có thể, hai người khác nhau ở trong cùng một hoàn cảnh và điều kiện, nhưng một người vô cùng hạnh phúc, còn một người hết sức khổ đau.
Tóm lại, chứng suy ngược thần kinh, nói lắp, sợ nước, ăn cắp vặt, hay bị liệt, v.v. đều là do sự chi phối của thể vô thức lên thân thể và tinh thần của chúng ta, làm thay đổi tâm trạng và hành động của chúng ta.
Nhưng nếu thể vô thức là cội nguồn cho bệnh tật hay sự đau yếu, thì nó cũng có thể chữa lành những tổn thương thể chất và tinh thần của chúng ta. Thể vô thức không những có thể sửa chữa những ảnh thưởng tai hại nó gây ra, mà còn điều trị dứt điểm các chứng bệnh, có tác động to lớn đến thân thể của chúng ta.
Đã biết điều mình thực sự muốn thay đổi là gì, kế tiếp chúng ta cần biến những lời ám thị thành phép tự kỉ ám thị.
Chúng ta nên cách li bản thân trong một căn phòng yên tĩnh. Ngồi xuống một cái ghế, thân thể thả lỏng, đôi mắt nhắm hờ và cố gắng tránh mọi xao lãng. Cuối cùng là bắt đầu nhủ thầm trong đầu lời ám thị đã chọn
Nếu bạn đã thực sự tự kỉ ám thị, nghĩa là, nếu thể vô thức của bạn đã hấp thụ ý tưởng mà bạn vừa nhủ thầm trong đầu, bạn sẽ rất kinh ngạc khi chứng kiến những điều bạn lặp đi lặp lại trong tâm trí xảy ra trong thực tế. Hãy nhớ là chúng ta không nhận ra các ý tưởng tự kỉ ám thị tồn tại trong tâm trí. Chúng ta chỉ biết đến sự tồn tại của chúng thông qua những tác động, kết quả chúng tạo ra.
Điều quan trọng nhất cần lưu ý trong quá trình thực hiện tự kỉ ám thị là: Hãy để ý chí thả lỏng, còn trí tưởng tượng được đánh thức.
Nghĩa là, đừng mải phân tích xem tại sao như thế này, có phải như thế kia. Giống như ý chí của bạn nói rằng: “Tôi đang cố gắng điều khiển thứ này thứ này, còn trí tưởng tượng nói: “Bạn đang dùng ý chí điều khiển mọi việc, nhưng chúng sẽ không diễn ra như thế đâu.” Bạn không những sẽ không có được thứ mình muốn, mà sự việc còn xảy ra theo hướng ngược lại. Bởi vì thể vô thức hay trí tưởng tượng luôn xúi bẩy ta hành động ngược lại với ý chí của mình.
Quan sát này vô cùng quan trọng. Nó là nguyên nhân của sự không hiệu quả trong điều trị các chứng bệnh tinh thần. Đừng cố tìm cách điều khiển bằng ý chí, hãy dừng những suy nghĩ lại và tập trung vào lời ám thị. Huấn luyện trí tưởng tượng mới là việc chúng ta cần làm. Chính sự khác biệt này tạo nên thành công cho phương pháp của tôi.
Tôi đã thực hiện vô số thí nghiệm và quan sát thật cẩn thận, mỗi ngày, trong suốt hai mươi năm. Tôi rút ra các kết luận và đúc kết thành các QU Y LUẬT như sau:
• Nếu có sự đối lập giữa ý chí và trí tưởng tượng, thì trí tưởng tượng luôn giành phần thắng, không có bất cứ ngoại lệ nào;
• Trong mâu thuẫn giữa ý chí và trí tưởng tượng, sức mạnh của trí tưởng tượng tỉ lệ thuận với bình phương ý chí. Nghĩa là ý chí càng lớn, thì sức mạnh của trí tưởng tượng còn lớn hơn gấp bội;
• Khi ý chí và trí tưởng tượng hòa hợp, không phải là cái này bổ sung cái kia, mà cái này được nhân lên bởi cái kia;
• Trí tưởng tượng có thể được điều hướng.
Cách diễn đạt “tỉ lệ thuận với bình phương ý chí” và “được nhân lên” không chính xác đến từng chi tiết. Chúng được dùng đơn giản như những minh họa nhằm làm rõ hơn ý của tôi.
Từ những quy luật tôi nói trên đây, có vẻ như sẽ chẳng ai phải đau ốm. Điều này hoàn toàn đúng. Tự kỉ ám thị có thể làm cho mọi bệnh tật phải đầu hàng. Khẳng định của tôi có lẽ hơi liều lĩnh. Chắc chắn sẽ có những chướng ngại, nhưng tôi nói nó CÓ THỂ làm bệnh tật phải đầu hàng.
Nhưng để các bạn thực hành tự kỉ ám thị một cách đúng đắn và có ý thức, tôi cần dạy mọi người cách làm, giống như dạy đọc, dạy viết hay chơi một nhạc cụ vậy.
Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng tự kỉ ám thị để xoay chuyển thể vô thức như cách một đứa bé chơi cái lúc lắc. Nhưng nó là một công cụ nguy hiểm. Nếu bạn cầm nó không cẩn thận và thực sự tỉnh táo, nó có thể làm bạn tổn thương hay thậm chí giết bạn. Mặt khác, nó cũng có thể cứu rỗi cuộc đời bạn nếu bạn cầm nó đúng cách. Giống như Aesop6 đã nói về cái lưỡi: “Nó là thứ tốt nhất và cũng là thứ tệ nhất trên đời.”
6 Aesop (khoảng 620 - 564 TCN) là một người kể chuyện Hi Lạp trong Truyện ngụ ngôn của Aesop. Mặc dù sự tồn tại của Aesop vẫn chưa rõ ràng, nhưng rất nhiều câu chuyện được lưu truyền qua nhiều thế kỉ bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau cho đến ngày nay.
ÁM THỊ HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO
Tôi sẽ giải thích cho bạn cách hoạt động của ám thị để chúng ta có thể tận dụng những lợi ích của tự kỉ ám thị khi sử dụng chúng một cách có ý thức. Tôi muốn lưu ý một chút, phép tự kỉ ám thị đòi hỏi bạn cần có đủ sự minh mẫn và sự sẵn lòng thấu hiểu bản thân, cũng như những người xung quanh bạn. Nếu không, phép tự kỉ ám thị này chẳng có tác dụng gì cả, thậm chí là phản tác dụng. Và nữa, nếu bạn muốn thực hiện ám thị với người khác, bạn không nên áp dụng cho những người không có đủ hai tiêu chí trên.
Hãy luôn nhớ rằng thể vô thức điều khiển mọi suy nghĩ và hành động của chúng ta. Như tôi đã nói ở trên, chúng ta phải làm cho thể vô thức tin một bộ phận cơ thể đang không hoạt động tốt, có thể thực hiện tốt chức năng của nó và lệnh này sẽ được truyền đi. Bộ phận đó sẵn sàng tuân lệnh và hoạt động bình thường trở lại, ngay lập tức hoặc từng chút một.
Điều này rất đơn giản và rõ ràng. Nó giải thích tại sao thông qua ám thị, người ta có thể dừng tình trạng chảy máu, chữa lành chứng táo bón, làm các u xơ biến mất, chữa liệt, chữa lao, đau giãn tĩnh mạch.
Tôi có cơ hội quan sát một ca xuất huyết nha khoa tại phòng khám của nha sĩ Gauthe ở Troyes. Tôi từng chữa khỏi bệnh hen suyễn cho một người phụ nữ trẻ. Cô đã chịu đựng căn bệnh này suốt tám năm. Một ngày nọ, cô ấy nói với tôi rằng cô muốn nhổ răng. Cô ấy rất nhạy cảm nên tôi đề nghị cô ấy nên tiêm thuốc giảm đau khi nhổ răng. Tất nhiên cô ấy vui lòng chấp nhận. Vào ngày hẹn, chúng tôi đi đến nha sĩ. Tôi ngồi đối diện với người phụ nữ trẻ ấy và nhìn cô chăm chú. Tôi nói: Cô không cảm thấy gì cả, cô không cảm thấy gì cả, v.v. Vừa thực hiện ám thị, tôi vừa ra dấu cho nha sĩ. Trong tích tắc chiếc răng đã rời ra và quý cô D không cảm thấy gì cả, thậm chí cô còn không chớp mắt. Sau đó, phần chân răng bị chảy máu. Thay vì dùng thuốc cầm máu, tôi bảo nha sĩ rằng tôi muốn thử ám thị. Không biết điều gì sẽ xảy ra. Tôi đề nghị cô ấy nhìn tôi, và tôi ra ám thị rằng trong vòng hai phút tình trạng chảy máu sẽ tự ngừng. Rồi chúng tôi chờ, người phụ nữ trẻ nhổ máu ra, một hoặc hai lần và rồi máu ngừng chảy. Cô mở miệng ra, nha sĩ và tôi quan sát thấy một cục máu đông lại ở lỗ răng.
Hiện tượng này được giải thích như thế nào? Theo cách đơn giản nhất. Do ảnh hưởng của ý tưởng: Máu sẽ ngừng chảy, thể vô thức nhận tín hiệu và truyền đi một lệnh đến các động mạch và tĩnh mạnh nhỏ không để máu chảy thêm nữa. Cứ thế, chúng tự nhiên co lại, như thể chúng được cầm máu nhờ thuốc như adrenalin.
Làm thế nào có thể khiến một khối u xơ biến mất? Khi thể vô thức đã ghi nhận ý tưởng rằng khối u phải đi ra khỏi thân thể, não bộ sẽ ra lệnh cho các động mạch chịu trách nhiệm nuôi dưỡng và bơm máu lên não co lại. Quả thật, chúng co lại và không cung cấp chất dinh dưỡng cho khối u. Khối u không đủ nguồn sống sẽ không còn khả năng xâm lấn, nó dần dần teo lại và biến mất.
Chứng suy nhược thần kinh khá phổ biến trong đời sống hiện đại. Nếu bạn sử dụng phương pháp tự kỉ ám thị như hướng dẫn của tôi, bạn hoàn toàn có thể đẩy lùi chứng bệnh này. Với tôi, đó là một niềm vui thực sự. Nhiều ca suy nhược thần kinh đã hồi phục nhờ phép trị liệu này. Một bệnh nhân của tôi mất một tháng nằm điều trị ở viện điều dưỡng Luxemburg mà tình hình sức khỏe không cải thiện chút nào. Tôi dùng phương pháp tự kỉ ám thị trong vòng sáu tuần và anh hoàn toàn được chữa lành. Anh từng nghĩ anh là một người khốn khổ, nhưng giờ anh lại trở thành người vô cùng hạnh phúc. Tôi chắc chắn anh sẽ không bao giờ tái phát, vì anh thực hiện rất tốt phép tự kỉ ám thị ý thức tôi đã hướng dẫn.
TỰ KỈ ÁM THỊ TRONG ĐIỀU TRỊ CÁC TỔN THƯƠNG TINH THẦN VÀ THỂ CHẤT
Nếu ám thị có thể điều trị các khiếm khuyết tinh thần và thể chất, liệu nó cũng có khả năng giúp ích cho quá trình cải sửa và giáo hóa những đứa trẻ bất hạnh trong các trại cải tạo không? Tôi sẽ chứng minh điều đấy là có thể.
Hãy xem xét hai ca rất đặc trưng sau đây. Để làm rõ hiệu quả của phương pháp ám thị trong việc chữa lành các khiếm khuyết tinh thần, tôi sẽ sử dụng các hình ảnh so sánh. Tâm trí của chúng ta giống như một tấm ván bị đóng rất nhiều cái đinh ý tưởng, thói quen và bản năng quyết định hành động của chúng ta. Những cái đinh đặt đúng vị trí, ngay ngắn và thẳng thớm, hay chính là những ý tưởng tốt, giúp chúng ta hành động đúng đắn và chính xác.
Nhưng chắc chắn cũng có những cái đinh đặt sai vị trí và bị biến dạng thôi thúc chúng ta trở nên lệch lạc. Những cái đinh như thế găm sâu vào đầu óc chúng ta. Nếu muốn gỡ chúng ra, chúng ta cần tạo ra ám thị, những ám thị tích cực, những ý tưởng tốt. Ám thị mới – những cái đinh mới sẽ dần thay thế những cái đinh lệch lạc.
Tôi sẽ kể câu chuyện của M. bé nhỏ, một đứa trẻ 11 tuổi, sống ở Troyes. Cậu bé có những thói quen tại hại từ thời thơ ấu. Cậu thường ăn cắp vặt và không thật thà. Tôi tiến hành trị liệu cho cậu bé bằng ám thị. Sau lần ám thị đầu tiên, cậu bé không ăn cắp vặt vào ban ngày, nhưng vẫn tiếp tục thực hiện vào ban đêm. Sau một vài tháng, thôi thúc ăn cắp vặt giảm đi và hành vi đó thưa dần. Qua sáu tháng, đứa trẻ không còn thói quen xấu nữa.
Anh trai của M. đã 18 tuổi. Anh ngấm ngầm nuôi dưỡng một mối hận thù bạo lực với một người em khác. Mỗi lần uống rượu quá trớn, anh luôn có một thôi thúc muốn rút dao và đâm người em kia. Anh ta cảm giác rằng, ngày nào đó, anh ta sẽ thực sự thực hiện hành vi đó. Đồng thời anh ta cũng biết nếu làm thế, anh chắc chắn sẽ hối hận và không thể nguôi ngoai.
Tôi cũng điều trị cho anh ta bằng ám thị và kết quả thật tuyệt vời. Sau lần trị liệu đầu tiên, ám ảnh tinh thần của anh ta không còn như trước nữa. Lòng căm thù người em biến mất và họ trở thành bạn bè thân thiết. Tôi theo dõi ca bệnh này trong một thời gian: Hiệu quả của phương pháp trị liệu là lâu dài.
Từ những lợi ích của phép ám thị cho thấy, chúng ta cần đưa phương pháp này vào các viện cải huấn, nơi cải tạo và giáo huấn những người phạm tội nhẹ. Tôi chắc chắn rằng, bằng các ám thị tích cực hàng ngày, hơn một nửa những đứa trẻ có thói quen xấu có thể cải sửa chính mình. Điều đó không những giúp cho những đứa trẻ này trở nên khỏe mạnh và tái hòa nhập cộng đồng, mà nó còn giúp cải thiện các tình trạng xã hội.
Ám thị thường bị cho là một thứ nguy hiểm và dùng cho những mục đích không tốt. Phản đối đấy không hợp lí. Bởi trước hết, việc thực hiện ám thị được giao phó cho những người có trách nhiệm và uy tín, chẳng hạn như các bác sĩ điều trị ở nhà trừng giới. Thứ hai, những kẻ dùng ám thị cho mục đích xấu sẽ không bao giờ xin phép bất kì ai.
Tuy nhiên, nếu giả sử thừa nhận rằng có thể có một vài nguy hiểm (mà sự thực là không đúng như thế), vậy chỉ có thể hỏi một câu rằng: Những thứ nào chúng ta dùng hàng ngày là không nguy hiểm? Hơi nước thì sao? Thuốc súng? Đường ray xe lửa? Tàu thủy? Điện? Xe ô tô? Máy bay? Và những chất độc mà chúng ta, các bác sĩ và dược sĩ hay nhà hóa học sử dụng mỗi ngày với liều cực nhỏ. Chẳng lẽ chúng không giết chết chúng ta nếu như vì lơ đễnh ta mắc sai sót khi cân đong chúng?
TỰ KỈ ÁM THỊ TRONG CẢI SỬA VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM
Trước khi tiến xa hơn, tôi muốn nói một vài lời về cách áp dụng “phương pháp” của tôi khi các bậc phụ huynh giáo dục và cải sửa trẻ con.
Giáo dục nên bắt đầu trước khi sinh ra
Bạn có thể cho rằng điều này là vô lí nhưng thực sự, việc giáo dục đứa trẻ nên bắt đầu trước khi chúng ra đời.
Thực tế là, trong vài tuần đầu tiên của thai kì, bà mẹ tương lai bắt đầu tưởng tượng về đứa con mà cô trông đợi. Đứa trẻ khi sinh ra sẽ như thế nào: giới tính, dung mạo, những đặc điểm thân thể, tính cách và khả năng của nó. Đôi mắt nó có sáng không? Có nét đẹp nào của bố mẹ không? Đứa trẻ có thông minh không? Cô tiếp tục giữ hình ảnh đó trong đầu cho đến khi đứa trẻ chào đời.
Những phụ nữ xứ Sparta (một thành phố cổ của Hi Lạp) đã sinh ra những đứa trẻ tráng kiện và sau này trở thành những chiến binh đáng gờm.
Bởi vì mong muốn mãnh liệt nhất của họ là sinh ra những đứa con trai có khả năng trở thành những anh hùng giúp sức cho đất nước của mình chống lại kẻ thù xâm lược. Trong khi ở Athens, phụ nữ sinh ra những đứa trẻ có phẩm chất trí tuệ vượt xa năng lực thể chất của chúng.
Một đứa trẻ ở trong bụng mẹ theo cách đó luôn sẵn lòng tiếp nhận những ám thị tốt và chuyển hóa chúng thành các tự kỉ ám thị có thể quyết định đường đời của đứa trẻ. Tất cả những lời nói và hành động của chúng ta chính là kết quả của những tự kỉ ám thị nảy sinh từ ám thị chúng ta tiếp nhận khi chưa chào đời.
Dạy cái gì và bằng cách nào
Tự kỉ ám thị chắc chắn có hiệu quả trong quá trình giáo dục con trẻ. Nhưng làm thế nào để bố mẹ và các nhà giáo dục giúp đứa trẻ tránh xa những tự kỉ ám thị xấu và trao cho chúng những tự kỉ ám thị tốt?
Trẻ em luôn thích những thứ ngọt ngào và muốn được yêu thương. Hãy luôn điềm đạm và chân thành với chúng, nói bằng giọng điệu nhẹ nhàng nhưng rắn chắc. Cách này giúp bạn tạo ảnh hưởng khiến chúng nghe lời mà không gợi lên ham muốn chống đối uy quyền.
Trên hết, chúng ta nên tránh các hành vi hung hăng hay lời nói cay nghiệt. Bởi vì như thế là bạn đang liều lĩnh tạo ra cho chúng những tự kỉ ám thị về nỗi sợ và lòng thù hận.
Đừng đưa ra các nhận xét ác ý hay gây tổn thương về bất cứ ai trước mặt con trẻ. Điều này thường hay xảy ra trong gia đình, khi mọi người nói chuyện về một người nào đó. Những đứa trẻ có khả năng bắt chước rất nhanh và có lẽ sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sau.
Ngay lúc trẻ trải qua quá trình tập nói, hãy rèn cho chúng thói quen lặp lại câu nói này vào buổi sáng và buổi tối, khoảng hai mươi lần: Mỗi ngày, về mọi mặt, tôi đang trở nên tốt hơn và tốt hơn. Ám thị này có thể giúp đứa trẻ có một sức khỏe tuyệt vời cả về thân thể, tâm trí và tinh thần.
Đánh thức ham muốn khám phá tri thức và tình yêu thiên nhiên của trẻ
Một lời giải thích rõ ràng với giọng điệu vui vẻ và dễ chịu sẽ làm cho chúng thấy hào hứng và thích thú. Đừng đáp lại chúng một cách lỗ mãng “Con thật phiền phức làm sao…” “Đừng hỏi nữa…” “Con sẽ học cái đó sau...” Như thế là bạn đang kìm giữ ham muốn học hỏi của lũ trẻ.
Dù với bất cứ lí do gì, chúng ta không nên nói với trẻ rằng: “Con thật lười biếng và chẳng được tích sự gì.” Giống như bạn đang quở trách chúng vì mắc lỗi hay hành xử không đúng theo ý của bạn. Nếu một đứa trẻ lười biếng và làm không tốt những việc nó phải làm, bạn nên nói với nó vào một lúc nào đó. Thậm chí khi hành động của trẻ không hoàn toàn hợp lí và đúng đắn, bạn cũng hãy dành cho nó một chút động viên: “A! Thật tuyệt, hôm nay con đã làm tốt hơn rất nhiều rồi. Tốt lắm, con yêu!” Chắc chắn bạn cũng từng cảm thấy hãnh diện trước những lời khen như vậy, và lũ trẻ cũng thế. Chúng sẽ làm tốt hơn vào lần sau, từng chút một. Lời động viên hợp lí có thể khuyến khích con trẻ trở thành những người lao động nghiêm túc.
Chúng ta cũng nên tránh nói về bệnh tật trước mặt trẻ để không tạo ra trong chúng những tự kỉ ám thị xấu. Thay vào đó, chúng ta hãy dạy chúng duy trì thói quen tốt và lối sống lành mạnh. Bệnh tật chỉ là một trạng thái bất thường của thân thể. Chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh bằng sự điều độ trong cách hành xử và chế độ ăn uống hằng ngày.
Có một điều rất quen thuộc là, các bậc phụ huynh và thầy cô giáo thường nói với lũ trẻ rằng con phải biết sợ cái này cái nọ, trời nóng làm con bị cảm, mưa gió làm con bị lạnh, v.v. Con người sinh ra có khả năng chịu đựng những thay đổi tự nhiên đó mà không bị tổn thương. Đương nhiên, mỗi người có sức chịu đựng khác nhau, nhưng bạn nên dạy trẻ cách bảo vệ thân thể và cải thiện sức đề kháng của chúng, thay vì gieo vào chúng những nỗi sợ hãi. Điều đấy chỉ làm chúng trở nên yếu nhược hơn.
Đừng lấp đầy tâm trí lũ trẻ bằng những ý tưởng về ông ba bị hay những thứ đáng sợ tương tự. “Nếu con không ngoan, ông ba bị sẽ bắt con đi đấy.” “Nếu con không nghe lời mẹ, mẹ sẽ đưa con đến cho bác sĩ tiêm.” Chúng sẽ luôn rụt rè, e ngại. Sự nhút nhát thấm từng giọt từ lúc thơ ấu và dai dẳng cả đời.
Các bậc phụ huynh không có điều kiện theo sát con cái của mình hằng ngày, hãy nên thận trọng trong việc lựa chọn đối tượng để giao phó. Một người yêu mến trẻ con thôi chưa đủ, họ còn cần có những phẩm chất tốt đẹp có thể truyền dạy cho con bạn nữa.
Đánh thức tình yêu lao động và học tập của trẻ
Để giúp việc học tập và lao động trở nên dễ dàng hơn với lũ trẻ, chúng ta nên giảng giải cho chúng về mục đích của việc học tập một cách rõ ràng bằng thái độ vui tươi. Bạn có thể dùng lối kể chuyện hoặc thông qua các trò chơi làm trẻ thấy hứng thú và háo hức với bài học đó. Dần dần thiết lập cho chúng những mục tiêu nhằm thúc đẩy hiệu quả của quá trình học tập.
Trên hết, hãy tạo cho chúng ấn tượng rằng: Lao động là vô cùng quan trọng với tất cả mọi người. Ai cũng cần lao động để trở thành người có phẩm chất tốt và có giá trị. Lao động là bản năng của con người, nó góp phần xây dựng nếp sống lành mạnh và thư thái. Trong khi đó, sự biếng nhác tạo ra tình trạng mệt mỏi, các chứng suy nhược thần kinh và gây mất hứng thú với cuộc sống. Những người lười biếng đó dễ bị cuốn vào ăn chơi trác táng và cám dỗ tội lỗi.
Dạy trẻ cách giao tiếp ứng xử
Hãy dạy con trẻ luôn lịch sự, tử tế và nhã nhặn với những người xung quanh, cung kính và lễ phép với người lớn tuổi, thân thiện và nhường nhịn với các em nhỏ, không phân biệt tầng lớp. Chúng ta dạy chúng bằng lời và làm gương. Không bao giờ chế giễu và đùa cợt những khiếm khuyết thân thể hay trí tuệ của người khác.
Hãy khuyến khích trẻ luôn sẵn sàng hỗ trợ những người đang cần giúp đỡ và đừng ngần ngại dành thời gian và công sức cho họ. Mọi sự cho đi không những có thể trao đi những giá trị tốt đẹp, mà còn có thể nhận lại vào một lúc nào đó. Thay vì ích kỉ chỉ nghĩ đến bản thân, chúng ta nên động viên chúng thấu hiểu và cảm thông cho người xung quanh. Khi làm thế, chúng sẽ cảm thấy được thỏa mãn bản tính cộng đồng bên trong mỗi tâm hồn.
Chúng ta có thể tạo dựng sự tự tin cho những đứa trẻ. Hãy giúp chúng hiểu rằng, trước khi bắt tay vào làm bất cứ công việc nào, chúng nên phân tích kĩ lưỡng hoàn cảnh và sự việc một cách lí trí và tránh hấp tấp. Nếu lũ trẻ đã có quyết định cuối cùng, chúng nên kiên trì với quyết định đó, trừ khi thực tế cho thấy rằng chúng đang đi nhầm hướng.
Trên hết, chúng ta cần giúp chúng giữ vững niềm tin rằng chúng luôn có cơ hội để thành công trên đường đời và sống thật ý nghĩa. Phép tự kỉ ám thị này chắc chắn đưa chúng tới thành công, không phải bằng cách ngồi yên lặng chờ đợi thành quả, mà suy nghĩ này sẽ thôi thúc chúng làm mọi thứ cần thiết để đạt được kết quả như chúng mong muốn. Chúng biết cách nắm bắt cơ hội và nếu chỉ có một cơ hội duy nhất, chúng sẽ tóm lấy nó.
Trong khi đứa trẻ không tin vào chính mình như Constant Guignard7 sẽ không bao giờ thành công. Anh ta luôn cho mình là không hạnh phúc, tự ti, kém cỏi và âm thầm tạo dựng chính mình theo hình mẫu khiếm khuyết ấy. Anh ta chưa bao giờ bước đến sự vinh quang do anh ta tự ngăn cản chính mình, tự nghĩ đến những thất bại của mình. Người như thế có lẽ sẽ bơi trong một đại dương cơ hội, nhưng anh ta không nhìn thấy chúng, cũng không tóm được chúng dù chỉ một lần.
7 Một nhân vật trong tác phẩm của nhà thơ, tiểu thuyết gia người Pháp – Jean Richepin (1849 - 1926).
Tất cả những gì chúng ta tạo ra trong cuộc sống là kết quả suy nghĩ của chúng ta. Những người tạo nên điều kì diệu, chỉ đơn giản là vô thức của họ thấm đẫm các ý nghĩ về thành công và các hành động đúng đắn.
Các phụ huynh và nhà giáo dục nên kể chuyện về những tấm gương tiêu biểu khi chỉ dạy cho lũ trẻ. Đứa trẻ rất nhạy cảm, cởi mở và dễ bị tác động thông qua ám thị. Nếu chúng thấy một thứ nào đó được hoàn thiện, chúng cũng muốn bắt chước để làm như thế. Do vậy, cha mẹ và thầy cô nên thường xuyên nêu gương tốt cho con trẻ.
Cha mẹ thực hiện ám thị
Để giúp trẻ vượt qua lỗi sai và khiếm khuyết, để phát triển những thói quen tốt và phẩm chất đáng quý ở trẻ, phương pháp ám thị sau đây sẽ chứng minh vai trò to lớn của nó.
Cha mẹ hãy làm việc này mỗi ngày khi lũ trẻ đã lên giường ngủ. Khẽ khàng đi vào phòng và đến gần đứa trẻ, thì thầm với chúng về những điều tốt đẹp bạn muốn chúng làm. Bạn có thể nói với chúng về sức khỏe, giấc ngủ, cách làm việc, sự chuyên cần, hành vi, v.v. Mỗi lần lặp lại lời ám thị khoảng 15 đến 20 lần. Sau đó rút lui khẽ khàng, cẩn thận đừng đánh thức trẻ. Hành động vô cùng đơn giản này luôn mang đến những kết quả tốt nhất, và rất dễ hiểu tại sao nó lại hiệu quả như vậy.
Khi chúng ta ngủ, cơ thể và thể ý thức của chúng ta đang nghỉ ngơi nhưng thể vô thức thì luôn tỉnh. Khi bạn nói riêng với thể vô thức, nó sẽ hấp thụ những điều bạn nói, không chút phản đối vì nó rất cả tin. Dần dần, những ám thị bạn nói với đứa trẻ trở thành tự kỉ ám thị và chi phối hành động, suy nghĩ và cảm xúc của chúng như bố mẹ mong muốn.
Các bậc phụ huynh nên coi việc làm này là một nhiệm vụ cao cả dành cho con mình. Nó là một cách giáo dục con cái hiệu quả mà bạn không cần phải vật lộn với chúng. Nó là món ăn tinh thần và cũng cần thiết với con trẻ như thực phẩm chúng ăn hằng ngày vậy.
Thầy cô giáo thực hiện ám thị
Các thầy cô giáo hoàn toàn có thể tạo ra các ám thị cho học sinh của mình vào mỗi sáng, theo như cách dưới đây.
“Các bạn học sinh thân mến, tôi mong các em luôn lịch sự và tốt bụng với tất cả mọi người, ngoan ngoãn và nghe lời cha mẹ, thầy cô. Bất cứ khi nào họ giao phó cho các em một nhiệm vụ hay khuyên bảo các em điều gì đó, hãy chăm chú lắng nghe và làm theo hướng dẫn một cách vui vẻ. Đừng coi nhiệm vụ đó như một mệnh lệnh, khó chịu và phiền hà. Đôi khi, các em sẽ nghĩ nhiệm vụ được giao đơn thuần để chọc tức các em. Nhưng không phải như vậy. Tôi muốn giải thích cho các em hiểu rõ rằng nhiệm vụ đó, lời nói đó là để tốt cho chính các em. Giúp các em rèn luyện và nhận thức hành vi đúng sai của mình. Do vậy, thay vì tỏ ra cáu gắt và khó chịu, các em hãy biết ơn những người đi trước.
Hơn nữa, các em hãy yêu thích công việc của mình, cho dù đó là gì. Hiện tại, công việc chính của các em là học tập. Luôn có những điều vô cùng thú vị trong bài học của các em, hãy khám phá và tận hưởng nó. Các em hãy nhớ đến cảm giác phấn khích mỗi lần tìm ra một điều mới. Thật tuyệt vời, phải không!”
Ghim 2
Tự kỉ ám thị là in dấu một ý tưởng, một lời khuyên vào tâm trí con người.
Các bước thực hiện phép ám thị:
• Xác định đối tượng cho phép ám thị;
• Cách li bản thân trong một căn phòng yên tĩnh, ngồi xuống ghế, thân thể thả lỏng, mắt nhắm hờ và tránh mọi sự xao lãng;
• Nhủ thầm trong đầu lời ám thị đã chọn.
Phép tự kỉ ám thị đòi hỏi người thực hiện có đủ minh mẫn và sẵn lòng thấu hiểu bản thân và những người xung quanh. Nếu không, phép tự kỉ ám thị sẽ mất đi tác dụng vốn có.