Muốn học bay, trước hết phải học cách đứng, đi, chạy…
- Friederich Nietzsche
BƯỚC 1: NHẬN TRÁCH NHIỆM
Khi gánh vác thêm trách nhiệm, thực ra ta đang cho mình cơ hội được thăng tiến. Đó cũng là thái độ cho thấy sự chín chắn và trưởng thành ở mỗi con người. Thường thì người ta hăng hái nhận công trạng về mình nhưng lại chần chừ khi phải chịu trách nhiệm trước một vấn đề nào đó. Người không nhận trách nhiệm không có nghĩa là được miễn trách nhiệm. Mục tiêu của chúng ta là phát huy ý thức trách nhiệm trước những gì mình làm.
Chấm dứt thói quen đổ lỗi
Tránh những câu nói cửa miệng như:
• Những người khác đều làm vậy
• Không ai làm chuyện đó
• Là do lỗi của bạn, chứ không phải do tôi
Lối sống có trách nhiệm cần được trau dồi từ thời ấu thơ, cần dạy cho trẻ biết vâng lời và dám nhận những sai phạm của mình, dù rất nhỏ.
Người có đặc quyền nhưng lại không dám chịu trách nhiệm về việc mình làm, cuối cùng sẽ tự đánh mất sự tín nhiệm của mọi người.
Tinh thần trách nhiệm đòi hỏi hành động có suy nghĩ. Tính nhỏ nhen khiến chúng ta phớt lờ trách nhiệm của mình.
Trách nhiệm xã hội
Trách nhiệm xã hội nên là bổn phận đạo đức của mọi công dân. Trách nhiệm và tự do đi cùng nhau. Biểu hiện của một công dân tốt là anh ta sẵn sàng nhận lấy trọng trách của mình.
Cái giá của sự vĩ đại là trách nhiệm.
- Winston Churchill
Xã hội không bị hủy hoại do hoạt động của kẻ bất lương mà vì sự lười hoạt động của người tốt. Quả là nghịch lý khi cho rằng mình vẫn sống tốt trong khi thỏa hiệp với sự hủy hoại ấy bằng cách không làm gì chống lại cái xấu.
Chỉ cần người tốt không hoạt động, cái ác tất sẽ sinh sôi.
- Edmund Burke
BƯỚC 2: THỂ HIỆN SỰ QUAN TÂM
Hãy thể hiện sự quan tâm, nhã nhặn và lịch sự. Người biết suy nghĩ là người biết quan tâm đến người khác.
Cậu bé và ly kem
Một cậu bé mười tuổi đến tiệm kem, ngồi xuống ghế, rồi hỏi người phục vụ: “Một ly kem giá bao nhiêu vậy cô?”. Người phục vụ đáp: “75 xu”. Cậu bé bắt đầu đếm số đồng xu mình có trong tay. Sau đó cậu lại hỏi một ly kem nhỏ bao nhiêu tiền. Cô phục vụ sốt ruột bảo: “65 xu”. Cậu bé nói: “Vậy thì cho cháu xin một ly kem nhỏ”. Cậu ăn hết kem, trả tiền và đứng dậy bước đi. Khi đến dọn bàn, nhặt chiếc đĩa trống lên, cô phục vụ rất xúc động. Phía dưới là 10 xu tiền boa để lại.
BƯỚC 3: TƯ DUY CÙNG THẮNG
Một người vừa mới lìa đời, Thánh Peter hỏi anh muốn lên thiên đường hay xuống địa ngục. Người này bèn xin được đi xem cả hai rồi mới quyết định. Thánh Peter đưa anh đến địa ngục trước. Ở đó có căn phòng lớn với chiếc bàn dài bày đầy thức ăn. Ngồi quanh bàn là những gương mặt u sầu, xanh xao. Trông họ có vẻ đói khát và thiếu vắng tiếng cười. Tay họ bị buộc một chiếc nĩa và dao dài hàng thước, họ cố gắng lấy thức ăn trên bàn cho vào miệng nhưng không được, vì nĩa và dao đều quá dài.
Rồi Thánh Peter đưa anh đến thiên đường. Ở đó cũng có chiếc bàn dài với nhiều món ngon. Ngồi hai bên bàn là những người cũng bị buộc tay vào nĩa và dao. Nhưng ở đây họ cười nói vui vẻ, no ấm và khỏe mạnh. Với những chiếc nĩa và dao quá dài, họ biết gắp cho nhau ăn. Kết quả là ai ai cũng vui vẻ, no nê, mãn nguyện.
Những người này mãn nguyện vì họ không nghĩ cho riêng bản thân mình; đó là tư duy theo kiểu tất cả cùng thắng. Cuộc sống chúng ta cũng vậy, khi ta phục vụ khách hàng, gia đình, ông chủ của mình một cách tận tình, chu đáo, ta sẽ có thêm nhiều niềm vui, sự thanh thản và tình yêu thương của mọi người.
BƯỚC 4: SUY NGHĨ TRƯỚC KHI NÓI
Người lịch thiệp là người biết chọn lựa ngôn từ cẩn thận trước khi nói, biết mình nên nói gì và không nên nói gì. Tài năng mà thiếu đi sự lịch thiệp không phải lúc nào cũng được trọng dụng. Lời lẽ phản ánh thái độ sống. Ngôn từ có thể làm tổn thương người khác và phá hỏng mối quan hệ. Vì vậy, hãy lựa chọn ngôn từ trước khi nói. Đó là sự khác biệt giữa sự khôn ngoan và ngu xuẩn. Người xưa có câu: “Kẻ ngốc nói mà không nghĩ; người khôn nghĩ rồi mới nói”.
Nói ra những lời cay đắng có thể gây ra những tổn thương không thể nào bù đắp được. Cung cách bố mẹ nói chuyện với con cái nhiều khi ảnh hưởng đến số phận của đứa trẻ về sau.
Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy
Người nông dân nọ nói xấu hàng xóm của mình. Nhận ra lỗi, anh tìm đến vị cha xứ để xin sự tha thứ. Cha xứ bảo anh lấy một cái túi đựng đầy lông chim và đem vào rải ở trung tâm thành phố. Người nông dân làm đúng như vậy. Sau đó cha lại bảo anh đi gom số lông chim ấy lại, cho vào túi như cũ. Anh nông dân cố gắng hết sức nhưng không được vì tất cả lông chim đã bị gió thổi bay. Thấy anh trở về với chiếc túi rỗng, vị linh mục bảo: “Những lời nói của con cũng như vậy. Con buông lời rất dễ dàng nhưng không thể nào thu lại chúng. Con cần phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói của mình”.
BƯỚC 5: TRÁNH CHỈ TRÍCH VÀ THAN PHIỀN
Chỉ trích là kiểu phê bình không mang tính xây dựng. Nó cũng tương tự như việc hành khách ngồi ở băng ghế phía sau mà lại lên giọng chỉ cách lái xe cho tài xế vậy, chỉ khiến người cầm lái thêm khó chịu mà chẳng thay đổi được điều gì. Vậy thế nào là phê bình mang tính tích cực?
Phê bình tích cực là kiểu phê bình mang tinh thần giúp đỡ hơn là dè bỉu; đưa ra giải pháp kèm với lời phê bình. Bên cạnh đó, phê bình tích cực là kiểu phê bình hướng vào hành vi chứ không phải con người, bởi phê bình con người sẽ khiến lòng tự trọng của đối phương bị tổn thương. Khi ấy, quyền phê bình đi cùng với mong muốn được giúp đỡ. Khi phê bình không đem lại niềm vui cho người phê bình thì lời phê bình ấy chấp nhận được. Khi phê bình trở thành thú vui, lúc ấy phải dừng lại.
Một số gợi ý giúp lời phê bình mang ý nghĩa tích cực:
• Phê bình kèm theo thái độ chỉ bảo, giúp đỡ.
• Phê bình kèm theo sự hiểu biết và quan tâm.
• Có thái độ giúp sửa sai hơn là trừng phạt.
• Cần cụ thể hóa lời phê bình, không nên dùng những câu chung chung, đại loại như “anh/chị lúc nào cũng…”; “anh/ chị không bao giờ…”.
• Nhìn nhận đúng thực tế. Đừng phê bình một cách nóng vội.
• Duy trì thái độ bình tĩnh nhưng kiên quyết.
• Phê bình để thuyết phục chứ không phải để hăm dọa.
• Đừng tỏ thái độ mỉa mai vì sẽ gây phẫn nộ.
• Phê bình thích hợp với đối tượng, hoàn cảnh.
• Nên phê bình cá nhân trước khi đưa ra tập thể, vì điều này giúp họ giữ được thể diện trước đám đông.
• Cho đối tượng cơ hội giải thích hành động của họ.
• Giúp đối tượng thấy lợi ích khi biết khắc phục lỗi lầm.
• Chỉ ra thất bại khi không sửa chữa.
• Thay vì nói suông, hãy đề nghị đối tượng nêu hướng cải thiện, khắc phục.
• Chất vấn hành động chứ không phải ý định của đối tượng.
• Phê bình thành quả, không phê bình người thực hiện.
• Tránh lợi dụng phê bình để trút giận cá nhân.
• Phê bình có chừng mực, không nên lạm dụng.
• Khi đối tượng đã nhận lỗi và xin lỗi, hãy để họ giữ thể diện riêng.
• Kết thúc phê bình tích cực bằng thái độ cảm kích.
Đón nhận phê bình
Dù có là vĩ nhân chăng nữa, vẫn có lúc bị phê bình. Lời phê bình có khi đúng, khi sai. Khi là phê bình xác đáng, hãy đón nhận nó như một phản hồi tích cực. Khi là lời phê bình vô lý, hãy xem đó như một “lời khen được ngụy trang”. Chỉ có kẻ nhỏ nhen mới căm ghét người chiến thắng. Khi không thành công và không có gì khác để nói, người ta thường đem người hơn mình ra làm mục tiêu.
Nếu muốn không bao giờ bị phê bình, cách duy nhất là không làm, không nói hay không tham gia vào bất cứ hoạt động nào cả. Và tất nhiên, kết quả bạn nhận được sẽ là con số không to tướng.
Hai nguyên nhân khiến người ta phê bình vô lý đó là:
1. Ngu dốt
2. Ghen tị/đố kị
Không có khả năng đón nhận phê bình mang tính xây dựng là dấu hiệu nhận thức bản thân kém cỏi. Bạn nên chấp nhận phê bình với thái độ như sau:
• Đón nhận với tinh thần đúng đắn. Xử lý một cách hòa nhã thay vì cáu kỉnh.
• Đón nhận với thái độ cởi mở. Nếu lời phê bình có lý, hãy chấp nhận, học hỏi và rút kinh nghiệm.
• Đừng thủ thế đề phòng vì điều này sẽ khiến bạn không bao giờ nhận được những lời phê bình mang tính xây dựng nữa. Nếu chân thành đón nhận, bạn sẽ thấy hiệu quả trong mọi trường hợp.
• Cảm ơn người đã phê bình mang tính xây dựng vì họ có ý tốt và giúp mình.
Người đánh giá cao bản thân là người biết chấp nhận lời phê bình tích cực, từ đó tìm cách hoàn thiện chính mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được tinh thần ấy. Có những người thích nghe những lời khen giả tạo hơn là phải nghe những góp ý chân thành.
Than phiền
Một số người mắc phải bệnh “than phiền” kinh niên. Trời nóng, họ than là quá nóng. Trời lạnh, họ lại than rằng quá lạnh. Ngày nào với họ cũng tồi tệ cả. Họ phàn nàn dù mọi chuyện tốt đẹp. Tại sao vậy? Vì 50% những người này không quan tâm người khác có vấn đề gì hay không và 50% số còn lại rất vui vì người khác “có vấn đề”. Ích lợi của phàn nàn là gì? Không gì cả. Đơn giản vì đó là thói quen của họ.
Cũng như phê bình, nếu được thực hiện một cách tích cực, than phiền cũng có thể rất hữu dụng. Lời than phiền mang tính chất xây dựng sẽ:
(a) Cho thấy người phàn nàn có sự quan tâm.
(b) Mang lại cho đối tượng bị phàn nàn cơ hội được sửa lỗi.
BƯỚC 6: MỈM CƯỜI VUI VẺ
Đoạn sau đây được trích từ “The Best of… Bits & Pieces”, đúc kết đầy đủ giá trị và ý nghĩa của nụ cười:
NỤ CƯỜI
Nụ cười chẳng mất gì, nhưng lại mang đến rất nhiều.
Người đón nhận được giàu lên mà người cho không nghèo đi.
Diễn ra trong tích tắc, nhưng có thể để lại ký ức vĩnh cửu.
Không ai giàu đến mức không cần đến nụ cười, cũng không ai nghèo tới độ không có được nụ cười.
Nụ cười đưa lại hạnh phúc trong mái ấm, nuôi dưỡng thiện chí kinh doanh, và là mật lệnh của tình bạn.
Là chút nghỉ ngơi cho kẻ mỏi mệt, ánh dương cho người nản lòng, tia nắng cho người buồn phiền, thuốc giải độc tự nhiên tốt nhất cho mọi ưu phiền.
Tuy vậy, không thể xin, mua, mượn, hay ăn cắp nụ cười, vì nụ cười chỉ có giá trị khi được trao tặng.
Hôm nay, vài người quen có thể quá mỏi mệt không thể mỉm cười với bạn. Hãy tặng họ nụ cười. Người không thể nào mỉm cười với kẻ khác chính là người cần đến nụ cười nhất.
Sự vui vẻ xuất phát từ thiện chí. Nụ cười có thể chân thành hoặc giả tạo. Bí quyết thành công trong cuộc sống là có nụ cười chân thành. Nhíu mày cần nhiều cơ mặt hoạt động hơn mỉm cười và mỉm cười dễ hơn nhăn mặt. Nụ cười cải thiện giá trị gương mặt. Chẳng ai thích ở gần kẻ hay cáu kỉnh cả. Nụ cười rất dễ lây và là cách cải thiện vẻ ngoài không tốn tiền. Gương mặt tươi cười luôn được mọi người chào đón.
BƯỚC 7: SUY NGHĨ TÍCH CỰC VỀ HÀNH VI CỦA NGƯỜI KHÁC
Khi thiếu thực tế, theo bản năng chúng ta hay giải thích hành động của người khác một cách tiêu cực. Thậm chí, có những người còn bị “hoang tưởng”, cho rằng người khác muốn đánh bại mình.
Khi bắt đầu bằng những giả định tích cực, ta sẽ có cái nhìn thoáng hơn và có những mối quan hệ tốt đẹp hơn.
Ví dụ, sau nhiều lần xin nối máy liên lạc qua tổng đài điện thoại, bạn vẫn không nhận được lời đáp, suy nghĩ đầu tiên đến với bạn là “Họ không bận tâm đến việc gọi lại cho mình” hoặc “Họ thật vô trách nhiệm”… Kiểu suy nghĩ này rất tiêu cực. Thay vào kiểu suy nghĩ ấy, bạn có thể đưa ra những giả định như:
• Họ đã cố, nhưng không liên lạc được.
• Họ để lại tin nhắn nhưng bạn không nhận được.
• Họ có chuyện gấp.
• Họ không nhận được tin nhắn của bạn.
Có thể có nhiều lý do. Vì vậy, bạn nên bỏ qua ngờ vực và bắt đầu lại bằng cách nhắn tin cho họ.
BƯỚC 8: BIẾT LẮNG NGHE
Lắng nghe cũng là một nghệ thuật. Nó có vai trò rất quan trọng trong nghệ thuật giao tiếp.
Hãy tự hỏi những điều sau. Bạn cảm thấy thế nào khi muốn người khác nghe mình nhưng họ lại:
• Nói nhiều hơn nghe
• Bất đồng với lời nói đầu tiên của bạn
• Liên tục cắt lời bạn
• Tỏ vẻ sốt ruột và tranh nói với bạn
• Có mặt nhưng không tập trung vào nội dung bạn nói
• Nghe với vẻ lơ đãng
• Đưa ra kết luận chẳng liên quan gì đến điều bạn đề cập
• Hỏi về những vấn đề không liên quan
• Bồn chồn và mất tập trung
• Không lắng nghe hoặc không thực sự chăm chú
Tất cả những điều này cho thấy bạn đang giao tiếp với một người không quan tâm đến điều bạn nói, kém lịch sự và thiếu tôn trọng người khác.
Những cụm từ sau đây có diễn tả đúng cảm xúc của bạn khi thấy người đối diện không lắng nghe bạn nói không?
• Không được chú ý ...................• Bực mình
• Bị cự tuyệt.................................• Ngốc nghếch
• Chán nản...................................• Mất mặt
• Thất vọng..................................• Mất hứng
• Bị phớt lờ...................................• Nản lòng
• Thấy mình bị xem thường
Bây giờ hãy đảo ngược tình thế: Bạn có cảm giác thế nào khi muốn người khác lắng nghe và họ:
• khiến bạn thấy dễ chịu
• cho bạn sự chú ý trọn vẹn
• đặt câu hỏi thích hợp, liên quan
• quan tâm đến đề tài của bạn
Những cụm từ sau đây có mô tả đúng cảm giác của bạn khi được lắng nghe không?
• Quan trọng................• Được trân trọng
• Tốt đẹp.....................• Thấy đáng giá
• Hài lòng.....................• Được cổ vũ
• Vui vẻ........................• Được quan tâm
• Thỏa mãn..................• Có cảm hứng
Một số rào cản thường gặp khi lắng nghe:
Rào cản bên ngoài.........................Rào cản bên trong
Thể chất...........................................Bận tâm hay đãng trí
Tiếng ồn...........................................Thành kiến
Sự mệt mỏi......................................Không quan tâm đến đề tài hay người nói
Ngoài ra, có thể còn những rào cản trí tuệ như ngôn ngữ, khả năng lĩnh hội, v.v.
Lắng nghe thể hiện sự quan tâm. Để truyền cảm hứng cho người nói, bạn phải biết lắng nghe. Nó khiến người mà bạn đang trò chuyện cảm thấy họ quan trọng hơn. Từ đó mà có thêm động lực, cảm hứng và lĩnh hội ý kiến của bạn tốt hơn.
Đôi tai mở rộng là dấu hiệu duy nhất đáng tin cậy cho biết trái tim cũng mở rộng.
- David Augsburger
Để là người biết lắng nghe, bạn nên:
• Khuyến khích người khác nói chuyện.
• Đặt câu hỏi thể hiện sự quan tâm.
• Không cắt lời.
• Không thay đổi đề tài.
• Thể hiện sự hiểu biết và tôn trọng.
• Tập trung vào đề tài đang trò chuyện.
• Tránh những điều gây mất chú ý.
• Đồng cảm.
• Cởi mở tâm hồn. Đừng để định kiến cản trở việc lắng nghe.
• Tập trung vào thông điệp, không phải cách nói.
• Không nhận diện giao tiếp bằng ngôn ngữ nét mặt, ánh mắt… vì chúng có thể truyền tải thông điệp khác với thông điệp ngôn ngữ.
• Lắng nghe cảm xúc chứ không chỉ ngôn từ.
BƯỚC 9: NHIỆT THÀNH
Mọi kỳ tích đạt được đều đòi hỏi lòng nhiệt thành.
- Ralph Waldo Emerson
Nhiệt tình và thành công sóng đôi, nhưng nhiệt tình đi trước. Nhiệt tình truyền cảm hứng cho lòng tự tin, nâng cao nhuệ khí, xây dựng lòng trung thành và là nhân tố vô giá. Nhiệt tình dễ truyền sang người khác. Ta có thể cảm nhận sự nhiệt thành qua cách nói chuyện, đi đứng hoặc bắt tay. Không những thế, đó còn là một thói quen ta có thể tập luyện.
Nhiều thập niên trước, có người hỏi Charles Schwab - người kiếm được hàng triệu đô-la mỗi năm rằng ông được trả lương cao như thế có phải vì khả năng sản xuất thép ngoại hạng không. Charles Schwab đáp: “Tôi xem khả năng đánh thức lòng nhiệt thành của con người là khả năng lớn nhất tôi có được. Cách phát huy tối đa năng lực ở người khác chính là trân trọng và khuyến khích họ”.
Hãy sống trong từng hoạt động nhỏ bé của mình, thắp lên ngọn lửa của sự nhiệt tâm. Nước biến thành hơi nhờ sự chuyển đổi của nhiệt độ nhưng hơi nước lại có thể làm cho những cỗ máy lớn nhất thế giới chuyển động. Sự kỳ diệu ấy cũng giống như sự kỳ diệu của lòng nhiệt thành.
BƯỚC 10: CƯ XỬ VỚI SỰ TRÂN TRỌNG VÀ CHÂN THÀNH
Nhà tâm lý học William James từng nói: “Một trong những khao khát sâu thẳm nhất của con người là khao khát được trân trọng. Cảm giác không được cần đến khiến con người bị tổn thương”.
Trang sức đắt tiền không phải là quà tặng thật sự. Nhiều khi ta mua quà tặng người khác chỉ là để bù đắp việc mình không dành nhiều thời gian bên họ. Quà tặng thật sự là khi bạn cho đi một phần của chính mình.
Sự trân trọng là một trong những quà tặng vĩ đại nhất ta có thể tặng người khác. Nó tạo cho đối phương cảm giác mình quan trọng.
Điều đáng sợ trong cuộc sống không phải ở những căn bệnh khó chữa như bệnh phong, bệnh lao, mà là ở cảm giác mình không được cần đến.
- Mẹ Teresa
Đây không chỉ là một trong những khao khát lớn nhất ở hầu hết mọi người, mà còn là một nguồn động lực to lớn.
Sự trân trọng mang lại ý nghĩa to lớn khi có đủ những yếu tố sau:
1. Thể hiện sự trân trọng một cách cụ thể. Chẳng hạn, thay vì khen ngợi chung chung: “Anh làm việc khá tốt!”, bạn hãy đưa ra một lời khen ngợi cụ thể, như: “Cách anh xử sự với vị khách khó tính ấy rất tuyệt!”. Qua đó, người nghe sẽ biết mình được đánh giá cao vì điều gì.
2. Bày tỏ sự cảm kích, trân trọng với ai đó ngay khi thấy một nghĩa cử hoặc một hành động đáng khen ngợi của họ.
3. Sự trân trọng phải đến từ trái tim. Lời lẽ diễn tả sự trân trọng phải chân thật.
4. Đừng nối tiếp lời khen với từ “nhưng”, bởi điều đó sẽ hạn chế giá trị của sự trân trọng. Hãy dùng từ “và”, “ngoài ra” hoặc một cụm từ nối nào đó thể hiện sự trân trọng. Thay vì bảo: “Tôi trân trọng nỗ lực của bạn nhưng…”, bạn nên nói: “Tôi trân trọng nỗ lực của bạn và xin bạn vui lòng…”.
5. Sau khi bày tỏ lòng cảm kích, việc chờ đợi lời đáp hay sự công nhận không phải là chuyện quan trọng. Có người muốn được nghe lời khen đáp lại, nhưng đó không phải là mục đích chính đáng của sự trân trọng.
Nếu được sự cảm kích của ai đó, bạn nên đón nhận một cách tao nhã với lời nói “cảm ơn”. Ngược lại, bạn cũng đừng bỏ lỡ cơ hội thể hiện sự cảm kích với người khác, vì điều đó vun đắp thêm giá trị bản thân của họ, đồng thời nâng cao nhận thức về bản thân trong bạn.
Sự khác biệt giữa cảm kích và nịnh hót
Nét khác biệt ấy là sự thành tâm. Một cái đến từ trái tim, cái kia đến từ miệng lưỡi. Cảm kích chứa sự thành tâm còn nịnh hót có động cơ bí mật. Đừng nịnh bợ hay để kẻ nịnh hót dối gạt.
Ngạn ngữ có câu: Lời nịnh hót là thức ăn của kẻ ngu dốt. Nhưng đôi khi những người thông minh cũng hạ mình hưởng một chút.
- Jonathan Swift
Sự trân trọng giả tạo giống như ảo ảnh trong sa mạc. Càng đến gần, bạn sẽ càng thêm thất vọng.
BƯỚC 11: KHI PHẠM LỖI, HÃY NHẬN LỖI VÀ ĐI TIẾP
“Khi tôi sai, hãy giúp tôi thay đổi; khi tôi đúng, hãy giúp tôi hòa hợp”. Đây là một triết lý sống đáng để mỗi chúng ta học tập.
Có người sống và học hỏi trong khi có người sống nhưng không bao giờ chịu học. Mắc lỗi thì phải rút kinh nghiệm. Sai lầm lớn nhất của con người là để lặp lại chính sai lầm đó. Đừng đổ lỗi và biện bạch. Cũng đừng day dứt mãi vì một lỗi lầm. Khi thấy mình có lỗi, hãy nhận trách nhiệm và xin lỗi. Nhận lỗi sẽ khiến người khác không còn lý do than phiền hay chỉ trích bạn nữa.
BƯỚC 12: TRANH LUẬN CHỨ ĐỪNG TRANH CÃI
Không bao giờ có chiến thắng khi tranh cãi. Dù thắng hay thua, bạn đều mất. Nếu bạn chiến thắng trong một lần cãi nhau nhưng mất việc làm, khách hàng, bạn bè hay hôn nhân tốt đẹp, đó là chiến thắng gì? Chẳng phải là chiến thắng rỗng tuếch đó sao?
Tranh cãi xuất phát từ cái tôi ngạo mạn và bảo thủ. Việc tranh cãi cũng giống như đánh trận mà cầm chắc thất bại. Có thắng đi nữa, cái giá người ta phải trả đôi khi lại lớn hơn trị giá chiến thắng. Trận chiến cảm xúc luôn đọng lại ác ý dư âm cho dù bạn chiến thắng.
Khi tranh cãi, hai bên đều cố dùng lời nói áp đảo đối phương. Tranh cãi không gì khác hơn là trận chiến của những cái tôi và kết quả là đôi bên thi nhau la hét. Chỉ có kẻ ngốc và người cho mình biết hết mọi điều mới cãi tay đôi với nhau!
Có đáng tranh cãi không?
Ví dụ: Trong một bữa tiệc xã giao, sau vài chầu rượu, một người lên giọng hách dịch rằng: “Hàng hóa xuất khẩu năm nay đạt 50 tỉ đô-la”. Nhưng tình cờ, bạn biết rằng con số thực tế không phải như vậy, mà chỉ là 45 tỉ thôi. Thông tin này bạn đọc được trên báo sáng nay và hiện thời bạn vẫn còn lưu lại. Vậy bạn có nên đưa ra để tranh cãi lại với người kia không?
Lúc này, bạn có nhiều lựa chọn như:
1. Đưa ra thông tin mình nhận được và bắt đầu tranh cãi.
2. Chạy đi lấy thông tin đó để chứng minh đối phương sai.
3. Thảo luận nhưng không tranh cãi.
4. Tránh né đề tài này.
Chọn lựa đúng là chọn lựa số 3 và 4.
Nếu muốn đạt được những điều vĩ đại, bạn cần phải chín chắn. Chín chắn nghĩa là không bị vướng vào những điều chẳng mấy quan trọng và tranh cãi nhỏ nhặt.
Sự khác biệt giữa tranh cãi và thảo luận
• Tranh cãi tạo ra “sức nóng”; thảo luận đem lại “ánh sáng”.
• Tranh cãi xuất phát từ cái tôi, từ tâm địa hẹp hòi; trong khi thảo luận đến từ tâm trí cởi mở.
• Tranh cãi là sự trao đổi ngu dốt, thảo luận là sự trao đổi tri thức.
• Tranh cãi thể hiện sự hiếu thắng, thảo luận thể tinh thần học hỏi.
• Tranh cãi cố chứng minh ai đúng, thảo luận tập trung chứng minh điều gì đúng.
Không đáng tranh luận với người có đầu óc định kiến; bởi ta không thể đưa lý luận vào đầu họ nên cũng khó lòng đưa những định kiến ở trong ấy ra. Đầu óc hẹp hòi, bảo thủ thường dẫn đến những tranh cãi vô ích.
Khi thảo luận, hãy để đối phương nêu hết quan điểm của họ, không cắt lời. Đừng cố chứng minh đối phương sai ở mọi điểm. Đừng bao giờ để họ lôi bạn xuống ngang tầm với họ. Hãy đối xử với họ nhã nhặn và tôn trọng; điều đó sẽ khiến họ phải bối rối.
Cho dù nguyên nhân là gì đi nữa, cách tốt nhất để giảm căng thẳng khi thảo luận là:
1. Kiên nhẫn lắng nghe.
2. Không ăn miếng trả miếng.
3. Đừng chờ đợi lời xin lỗi vì một số người rất khó mở miệng xin lỗi dù rằng mình sai.
4. Đừng chuyện bé xé ra to.
Thảo luận đòi hỏi không chỉ hợp tình, hợp lý, đúng lúc, đúng chỗ mà còn biết giữ lại những điều không nhất thiết phải nói.
Nên dạy cho con trẻ cách ăn nói ngay thẳng nhưng không được “trả treo”. Người lớn nên học nghệ thuật đối thoại bất đồng nhưng không tỏ vẻ khó chịu.
Cách xử lý tranh cãi sẽ cho thấy một người được nuôi dưỡng và giáo dục như thế nào.
Các bước khởi đầu thảo luận
1. Có thái độ cởi mở.
2. Không để bị lôi kéo vào tranh cãi.
3. Không ngắt lời.
4. Lắng nghe quan điểm đối phương trước khi đưa ra quan điểm của mình.
5. Đặt câu hỏi làm vấn đề rõ ràng, đồng thời khiến đối phương suy nghĩ.
6. Không cường điệu.
7. Thuyết phục nhiệt tình, nhưng không ép buộc.
8. Tỏ thiện chí lắng nghe.
9. Linh hoạt trong những chi tiết nhỏ nhặt nhưng giữ vững nguyên tắc.
10. Không để chuyện nhỏ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân.
11. Để đối thủ có thế rút lui lịch sự mà không làm tổn thương lòng tự trọng của họ.
12. Dùng lời lẽ nhẹ nhàng mà đanh thép còn hơn là ăn nói thô bạo nhưng đuối lý.
Bắt kẻ ngu dốt chịu thất bại khi tranh cãi là điều rất khó. Lời lẽ hùng hồn nhưng chua cay chỉ thể hiện nguyên nhân tranh cãi không hợp lý mà thôi.
Khi tranh luận, có thể sử dụng những câu nói như sau:
• Tôi thấy dường như …
• Tôi có thể bị nhầm ….
Một cách khác để xoa dịu tranh luận là thể hiện sự quan tâm và đặt những câu hỏi như:
• Tại sao anh có cảm giác như vậy?
• Anh có thể giải thích một chút được không?
• Anh có thể nêu cụ thể hơn được không?
Nếu không có cách nào hiệu quả, bạn có thể đồng ý với đối phương một cách lịch sự, nhã nhặn, sau đó mới bày tỏ sự bất đồng của mình.
BƯỚC 13: KHÔNG NGỒI LÊ ĐÔI MÁCH
Hãy nhớ, người buôn chuyện với bạn cũng sẽ buôn chuyện về bạn.
Ngồi lê đôi mách và nói dối rất gần nhau. Kẻ ngồi lê đôi mách nghe vội vàng nhưng lại kể rất thong thả. Họ quan tâm đến nội dung mình nghe lỏm hơn là những gì trực tiếp nghe được.
Có câu nói rất hay rằng: “Người nhỏ nhặt nói về người khác, người tầm thường nói về sự việc, còn người vĩ đại nói về ý tưởng”.
Ngồi lê đôi mách có thể dẫn đến sự bôi nhọ thanh danh người khác. Người lắng nghe kẻ ngồi lê đôi mách cũng có lỗi như người ngồi lê đôi mách vậy.
Người ngồi lê đôi mách thường hay bị vạ lây do chính miệng lưỡi của mình. Hậu quả của việc ngồi lê đôi mách có thể làm mờ tiếng tăm, suy yếu chính quyền, hủy hoại hôn nhân, phá hỏng sự nghiệp, ảnh hưởng đến tim mạch và dẫn đến tình trạng mất ngủ triền miên. Nếu có lúc thấy mình rơi vào trường hợp này, bạn hãy tự hỏi:
• Đó có phải là sự thật không?
• Như vậy có tốt và tử tế với người khác không?
• Điều đó có cần thiết không?
• Có phải mình đang đồn thổi không?
• Mình có nói về người khác một cách tích cực không?
• Mình có thích và khuyến khích người khác ngồi lê đôi mách không?
• Cuộc nói chuyện của mình có bắt đầu bằng cụm từ “Đừng nói với ai biết nhé” không?
• Mình có thể giữ bí mật câu chuyện được không?
BƯỚC 14: BIẾN LỜI HỨA CỦA MÌNH THÀNH SỰ CAM KẾT
Sự khác biệt giữa lời hứa và cam kết là gì? Lời hứa là sự phát biểu ý định. Cam kết là giữ lời hứa trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cam kết xuất phát từ tư cách và đem lại niềm tin nơi người khác.
Bạn hãy tưởng tượng thế giới sẽ như thế nào nếu người ta không giữ đúng cam kết? Chuyện gì sẽ xảy ra trong mối quan hệ giữa:
• Vợ và chồng
• Lãnh đạo và nhân viên
• Cha mẹ và con cái
• Học sinh và giáo viên
• Người mua và người bán
Thiếu sự cam kết, các mối quan hệ sẽ trở nên lỏng lẻo, hời hợt và chỉ là vấn đề tiện lợi, tạm thời. Không có thành quả bền vững nào được tạo ra mà không dựa trên sự cam kết.
Sự cam kết hàm ý: “Tôi là nhân tố trông cậy được trong tương lai bấp bênh”.
Nhiều người nhầm lẫn cam kết với ràng buộc. Không như ràng buộc, cam kết không tước mất tự do mà thực tế mang lại nhiều tự do hơn vì tạo cho ta cảm giác an toàn.
Sự cam kết quan trọng nhất của con người là cam kết tuân theo những giá trị của mình. Đó là lý do tại sao con người rất cần phải có hệ thống giá trị tốt đẹp. Ví dụ, nếu tôi cam kết ủng hộ một nhà lãnh đạo nhưng về sau người ấy buôn ma túy, tôi có nên tiếp tục giữ cam kết của mình nữa không? Chắc chắn là không rồi.
Sự cam kết giúp các mối quan hệ thêm bền vững, đồng thời góp phần thể hiện nhân cách mỗi con người.
BƯỚC 15: HÃY TỎ LÒNG BIẾT ƠN NHƯNG ĐỪNG MONG ĐỢI ĐƯỢC TRẢ ƠN
Lòng biết ơn là nhân tố góp phần cải thiện nhân cách và xây dựng tư cách con người. Hình thành từ sự khiêm tốn, biết ơn là sự tri ân đối với người khác, được thể hiện qua thái độ và hành vi của ta đối với họ. Biết ơn không có nghĩa là đáp trả hành động tốt; cũng không phải là cho và nhận. Không thể nào “trả lại” lòng tốt, sự hiểu biết và kiên nhẫn. Vậy biết ơn nghĩa là gì? Đó là nghệ thuật hợp tác và hiểu biết. Lòng biết ơn phải chân thành. Lời cảm ơn giản dị có thể rất lịch thiệp. Lòng biết ơn là một trong các phẩm chất tốt đẹp nhất hình thành nhân cách con người.
Cái tôi thường cản trở sự thể hiện lòng biết ơn. Nhiều khi chúng ta quên tri ân những người gần gũi mình, như vợ (chồng), họ hàng, bạn bè.
Thái độ lịch thiệp thay đổi cái nhìn của chúng ta về cuộc sống. Với lòng biết ơn và sự khiêm tốn, hành động hợp tình, hợp lý sẽ nảy sinh rất tự nhiên.
Nên phát huy tinh thần tri ân trong cuộc sống. Đôi khi đó chỉ là thể hiện một cách đơn giản những điều tốt đẹp như nụ cười, lời cảm ơn, hay cử chỉ cảm kích đến những người xung quanh.
BƯỚC 16: HÃY LÀ NGƯỜI ĐÁNG TIN CẬY
Có năng lực là điều quan trọng trong cuộc sống, nhưng phẩm chất đáng tin cậy còn quan trọng hơn. Nếu bạn có người quen giỏi làm mọi việc nhưng lại không đáng tin, bạn có dám hợp tác với họ không?
Tôi biết anh sẽ đến
Hai người bạn thân từ nhỏ, cùng học chung trường phổ thông, rồi đại học và thậm chí cùng vào quân ngũ. Chiến tranh nổ ra và họ chiến đấu cùng đơn vị. Một đêm họ bị phục kích. Đạn bay tứ phía, từ bóng tối một giọng nói vẳng lại: “Harry, làm ơn đến giúp tớ với!”. Ngay lập tức, Harry nhận ra đó là giọng Bill - người bạn ấu thơ của mình. Anh xin phép chỉ huy cho anh được đi. Vị chỉ huy phản đối: “Không, tôi không thể để anh đi được, tôi đã thiếu người rồi và tôi không thể để mất thêm người nữa. Hơn nữa, nghe giọng Bill nói thì chắc anh ấy cũng không qua khỏi đâu”. Harry lặng lẽ không nói gì. Giọng nói ấy lại vẳng đến: “Harry, xin hãy đến giúp tớ!”. Không thể im lặng làm ngơ, Harry cương quyết nói với vị chỉ huy: “Thưa trung úy, đây là bạn thuở nhỏ của tôi. Tôi phải đi giúp cậu ấy”. Trung úy miễn cưỡng để anh đi. Harry bò trong bóng tối và đưa Bill xuống hào tránh đạn. Mọi người thấy Bill đã chết. Lúc ấy viên trung úy rất giận và trách Harry: “Chẳng phải tôi đã nói anh ta không qua khỏi hay sao? Anh ta chết rồi, còn anh lẽ ra có thể bị trúng đạn và tôi thì mất thêm lính đấy. Anh đã vi phạm quân lệnh”. Harry đáp: “Thưa trung úy, tôi đã làm đúng đấy ạ. Khi tôi đến chỗ Bill, anh ấy vẫn còn sống và lời cuối cùng của anh ấy là: Harry, tôi biết anh sẽ đến”.
BƯỚC 17: ĐỪNG NUÔI DƯỠNG LÒNG THÙ HẬN
Đừng bao giờ làm người “gom rác tinh thần”. Khi từ chối tha thứ, nghĩa là ta đã khóa lại cánh cửa mà có thể một ngày nào đó ta sẽ muốn mở ra. Nuôi thù hận và cất giữ phẫn uất trong lòng, chính ta sẽ là người đau khổ trước tiên.
Jim và Jerry từng là bạn thân thời thơ ấu nhưng vì lý do nào đó, quan hệ giữa họ đổ vỡ. Cả hai đã không nói chuyện với nhau suốt 25 năm qua. Khi lâm trọng bệnh, Jerry không muốn bước vào cõi vĩnh hằng với trái tim nặng trĩu. Vì thế anh gọi cho Jim và nói rằng: “Mình hãy tha thứ cho nhau và để quá khứ trôi qua nhé”. Jim nghĩ đó là một cơ hội tuyệt vời để anh nối lại sợi dây tình bạn xưa. Vì thế anh tìm đến bệnh viện để thăm Jerry.
Hai người ngồi bên nhau rất lâu, cùng hồi tưởng 25 năm qua và giải quyết những xung đột đôi bên. Khi Jim sắp ra về, đột nhiên Jerry cất tiếng nói lớn: “Jim, nếu tôi không chết, hãy nhớ không có chuyện tha thứ này đâu nhé!”.
Cuộc đời quá ngắn ngủi, tại sao phải để thù hận đeo bám mãi trong lòng?
BƯỚC 18: CHÂN THẬT, CHÍNH TRỰC VÀ THÀNH TÂM
Chân thật nghĩa là trong lòng như thế nào thì bày tỏ ra ngoài đúng như thế. Đây chính là một trong những cơ sở vững chắc để xây dựng các mối quan hệ bền vững.
Tính chân thật nuôi dưỡng lòng tin, sự cởi mở và thẳng thắn, thể hiện thái độ trân trọng bản thân và người khác. Lời nói dối có thể đạt hiệu quả tức khắc nhưng sự tin cậy mới có tác dụng lâu dài.
Có đáng đánh đổi sự chính trực của bản thân để đi đường tắt đến thành công hay không? Người ta có thể gian dối để đoạt cúp nhưng sau đó, họ chẳng bao giờ thấy vui vẻ hay tự hào về điều đó. Quan trọng hơn cả việc đoạt cúp chiến thắng chính là làm một con người chân chính.
Một lạng bơ
Người nông dân nọ bán bơ cho thợ bánh mì, mỗi lần một lạng, cứ vậy suốt một thời gian dài. Một hôm người thợ bánh mì quyết định cân số bơ xem đủ hay thiếu, và anh phát hiện rằng không đủ. Anh tức giận và kiện người nông dân ra tòa. Quan tòa hỏi người nông dân rằng anh cân số bơ đem bán như thế nào. Người nông dân đáp: “Thưa ngài, tôi vốn không biết cách đo lường chính xác, nhưng thật sự tôi có cân mà”. Quan tòa hỏi: “Vậy thì anh cân bơ như thế nào?”. Người nông dân đáp: “Thưa ngài, trước khi anh thợ bánh mì bắt đầu mua bơ nhà tôi, tôi từng thường xuyên mua ổ bánh mì một cân ở chỗ anh ấy. Mỗi ngày khi anh ấy mang bánh mì đến, tôi để bánh lên cân và đưa cho anh số cân tương tự nhưng tính bằng bơ. Nếu có người bị khiển trách, đó phải là anh thợ bánh mì chứ ạ!”.
Trong cuộc sống, ta luôn nhận lại những gì mình đã cho đi. Mỗi khi làm một việc gì đó, hãy tự hỏi: Mình có mang lại giá trị bằng với đồng lương hay số tiền mình hy vọng kiếm được hay không?
Những lời nói mập mờ
Hãy làm người lương thiện, khi ấy ta có thể chắc chắn rằng cuộc sống đã bớt đi một tên vô lại.
- Thomas Carlyle
Một thủy thủ nọ đi tàu được ba năm. Một đêm anh say rượu. Đây là lần đầu tiên xảy ra chuyện như vậy. Thuyền trưởng ghi vào nhật ký hàng hải: “Tối nay thủy thủ A say rượu”. Anh thủy thủ này đọc được, và biết lời phê ấy sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình, nên đến gặp thuyền trưởng, xin lỗi rồi đề nghị thuyền trưởng ghi thêm vào là chuyện này xảy ra lần đầu tiên trong suốt ba năm qua. Thuyền trưởng từ chối và nói: “Nội dung tôi đã ghi trong nhật ký hàng hải mới là sự thật”.
Hôm sau đến lượt anh thủy thủ ghi nhật ký hàng hải. Anh viết: “Thuyền trưởng tối nay tỉnh táo”. Thuyền trưởng đọc rồi bảo anh thay đổi nội dung hoặc thêm vào lời giải thích vì câu ấy ngụ ý thuyền trưởng luôn say rượu vào những tối khác. Thủy thủ cũng đáp lại thuyền trưởng rằng những gì anh ghi trong nhật ký hải trình là sự thực.
Cả hai lời phát biểu đều đúng nhưng chúng lại truyền tải những thông điệp gây hiểu lầm.
Sự phóng đại
Sự phóng đại thường dẫn đến hậu quả:
1. Sai sự thật và khiến ta mất sự tín nhiệm.
2. Như cơn nghiện, phóng đại trở thành thói quen khiến người ta lúc nào cũng phải thêm thắt vào sự thật.
Chân thành
Chân thành nằm trong ý định và rất khó chứng minh. Nhưng với người chân thành giúp đỡ người khác, họ thường dễ đạt được thành công.
Sự vờ vĩnh
Hỏi người bạn đang gặp khó khăn: “Có việc gì không, để tôi giúp anh?” sẽ khiến người ấy thêm bực mình vì đó chỉ là câu nói cửa miệng chứ không phải thiện chí. Nếu thực sự muốn giúp, hãy nghĩ đến chuyện thiết thực cần làm rồi bắt tay thực hiện.
Nhiều người ra vẻ thành thật chỉ vì ích kỷ hơn là do bản tính chân thực, họ hy vọng khi nào đó mình có quyền nhận lại sự giúp đỡ.
Lưu ý: người chân thành không phải lúc nào cũng có đầu óc suy xét tốt. Có thể họ chân thành, nhưng lại sai lầm.
BƯỚC 19: KHIÊM TỐN
Tự tin mà không khiêm tốn sẽ trở thành kiêu ngạo. Khiêm tốn là nền tảng của mọi đức hạnh. Nó không có nghĩa là tự hạ thấp mình, khiến bản thân trở nên tầm thường, mà là có ý thức và thái độ đúng mực trong việc đánh giá bản thân. Sự khiêm tốn chân thành thu hút người khác, ngược lại, khiêm tốn giả tạo sẽ đánh mất dần các mối quan hệ.
Nhiều năm trước, một kị sĩ tình cờ gặp toán lính đang cố gắng di chuyển khúc gỗ nặng. Trong khi toán lính này hì hục vất vả thì viên hạ sĩ chỉ đứng chống nạnh nhìn. Thấy vậy, kị sĩ hỏi người kia tại sao không giúp họ. Người ấy đáp: “Là hạ sĩ, tôi chỉ ra lệnh mà thôi”. Kị sĩ xuống ngựa, đến chỗ những người lính và giúp họ nâng khúc gỗ lên. Nhờ sự giúp đỡ của ông mà nhóm lính di dời được khúc gỗ. Kị sĩ lặng lẽ lên yên ngựa đến bên viên hạ sĩ, bảo: “Lần sau khi lính anh cần giúp đỡ, hãy gọi Tổng tư lệnh đến nhé!”. Rồi ông bỏ đi. Mãi sau này, viên hạ sĩ và toán lính mới biết được đó chính là George Washington - Tổng tư lệnh trong cuộc chiến giành độc lập của nước Mỹ, sau là Tổng thống thứ nhất của Hoa Kỳ.
Quả vậy, thành công và sự khiêm tốn luôn đi sóng đôi. Giản dị và khiêm tốn là hai chuẩn mực của sự vĩ đại.
BƯỚC 20: HIỂU BIẾT VÀ QUAN TÂM
Trong đối nhân xử thế, chúng ta khó tránh khỏi những sơ suất. Đôi lúc, ta vô tình trước nhu cầu của người khác, nhất là những người thân thiết với mình. Đây là lý do dẫn đến những thất vọng không đáng có. Giải pháp giúp xử lý thất vọng là làm người hiểu biết.
Quan hệ không hình thành bởi sự hoàn hảo mà hình thành trên nền tảng của sự hiểu biết. Thái độ quan tâm tạo nên thiện chí, và thiện chí chính là chiếc thẻ bảo hiểm tốt nhất ta có cho tương lai.
Có người dùng tiền bạc thay thế thái độ quan tâm và hiểu biết. Nhưng làm người hiểu biết quan trọng hơn có nhiều tiền bạc vì cách tốt nhất để được người khác cảm thông là biết cảm thông. Nền tảng giao tiếp thực ra là hiểu biết lẫn nhau.
Rộng lượng
Rộng lượng là dấu hiệu cảm xúc của người đã trưởng thành. Người rộng lượng có suy nghĩ và biết cư xử tốt đẹp dù có khi không cần phải như vậy. Họ được trải nghiệm sự phong phú của cuộc đời mà người ích kỷ chẳng bao giờ có được.
Nên giữ ý tứ và chu đáo, vì sự ích kỷ sẽ có hình phạt riêng của nó. Nên nhạy bén với cảm xúc của người khác.
Tế nhị
Tế nhị là điều cần có trong mọi mối quan hệ ứng xử, giao tiếp. Tế nhị là khả năng đưa ra suy nghĩ, quan điểm của mình mà không làm người khác cảm thấy xa lạ.
Tốt bụng
Đồng tiền mua được chú chó đẹp nhưng chỉ lòng tốt mới khiến nó vẫy đuôi. Thể hiện lòng tốt chẳng bao giờ là quá sớm hoặc quá muộn cả.
Lòng tốt là ngôn ngữ mà người điếc cũng nghe được và người mù cũng nhìn thấy. Hãy đối xử tốt với bạn bè khi họ còn sống hơn là đặt hoa lên mộ họ trong tang lễ.
Hành động tử tế mang lại cảm giác tốt đẹp với người thực hiện lẫn người đón nhận. Nói lời tử tế chẳng bao giờ làm đau lưỡi cả.
BƯỚC 21: NHÃ NHẶN TRONG CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY
Nhã nhặn là tỏ ra lễ độ, lịch sự, có ý thức tôn trọng người khác. Người nhã nhặn có thể không sắc sảo lắm trong các mối quan hệ, nhưng họ tiến xa hơn so với những người sắc sảo mà thiếu nhã nhặn.
Bạn có bao giờ bị voi cắn chưa? Câu trả lời đương nhiên là chưa. Bạn có bao giờ bị muỗi đốt chưa? Hầu hết chúng ta đều đã bị như vậy. Đó là những khó chịu nhỏ nhặt thử thách lòng kiên nhẫn của bạn. Sự nhã nhặn như những món quà dễ thương, giúp xoa dịu những khó chịu đó.
Hơn cả trí thông minh, những cử chỉ lịch thiệp đơn giản sẽ giúp bạn tiến xa. Sự nhã nhặn là yếu tố thể hiện hành vi đạo đức.
Không ai quá vĩ đại hoặc bận rộn đến mức không thể bày tỏ sự nhã nhặn. Nhã nhặn đơn giản như nhường ghế cho người già hoặc tàn tật, nở một nụ cười ấm áp, hay nói lời “xin lỗi”, “cảm ơn”… Nhã nhặn là sự đầu tư nhỏ nhưng thành quả lại lớn và tăng cường sự nhận thức bản thân ở những người bạn tiếp xúc. Để có sự nhã nhặn, bạn cần biết khiêm tốn. Đôi khi chính sự khó chịu lại làm giảm đi những nét tính cách tích cực trong bạn.
Người thô lỗ, thiếu nhã nhặn có thể đạt kết quả trước mắt, nhưng về lâu dài, họ sẽ không được yêu mến. Nên dạy cho trẻ cư xử nhã nhặn từ nhỏ để khi trưởng thành, chúng sẽ là những con người chu đáo và chín chắn.
Nên nhớ, cử chỉ nhã nhặn sẽ được đền đáp tương tự. Vì thế, hãy thường xuyên phát huy nét phong cách này.
Lịch sự là tiêu chuẩn của sự hòa nhã. Không quá khó để có được tác phong lịch sự, nhã nhặn, và khi có rồi thì nó đem lại rất nhiều lợi ích, không chỉ đối với cá nhân mà cả với cơ quan, tổ chức.
Lịch sự, nhã nhặn thể hiện người có văn hóa. Vì vậy, hãy ứng xử với người khác một cách trân trọng và đường hoàng.
BƯỚC 22: PHÁT TRIỂN KHIẾU HÀI HƯỚC
Khiếu hài hước giúp bạn tạo niềm vui cho chính mình và những người xung quanh, từ đó khiến mọi người thêm gần gũi, quý mến.
Hãy học cách cười bản thân vì đó là sự hài hước an toàn nhất. Cười bản thân mang lại năng lượng phục hồi. Tiếng cười là thuốc an thần tự nhiên cho mọi người. Hài hước có thể không thay đổi được tình hình, nhưng chắc chắn sẽ giúp chúng ta lạc quan hơn khi gặp biến cố.
Sức mạnh của khiếu hài hước
Tiến sĩ Norman Cousins - tác giả của cuốn Anatomy of an Illness, là minh chứng cho sức mạnh do nụ cười mang lại. Khi biết rằng mình chỉ có 1/500 cơ hội hồi phục, Cousins đã tìm cách chứng minh điều ngược lại, rằng ý chí có thể thắng được bệnh tật. Ông suy luận rằng, nếu cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng không tốt đối với cơ thể, thì những cảm xúc tích cực như lạc quan, nụ cười sẽ giúp con người sống lâu, sống khỏe hơn. Ông ra viện, thuê nhiều phim hài về xem và thực tế tự chữa trị bằng tiếng cười. Dĩ nhiên, hỗ trợ y học cũng rất quan trọng, nhưng ý chí sống đối với người bệnh cũng quan trọng không kém, nếu không nói là quan trọng hơn.
Khiếu hài hước có thể là nguồn động lực tinh thần lớn lao cho con người, giúp con người vượt qua nghịch cảnh.
BƯỚC 23: ĐỪNG MỈA MAI VÀ DÈ BỈU NGƯỜI KHÁC
Hài hước tiêu cực có thể là mỉa mai, dè bỉu, thậm chí nói những lời xúc phạm người khác. Bất kỳ lời nói hài hước nào hàm ý mỉa mai và biến người khác thành trò cười đều cho thấy sự ác tâm.
Khi có người đỏ mặt xấu hổ, trốn đi vì bị đụng chạm cá nhân, điều thiêng liêng bị biến thành tầm thường, tiếng cười cất lên từ sự chế nhạo nhược điểm người khác… đó chính là trò đùa lố bịch nhất.
- Cliff Thomas
Sự hài hước có thể tốt hoặc xấu, tùy theo ta đang cười với ai hay nhằm vào ai. Khi lấy người khác ra trêu chọc hoặc biến họ thành kẻ lố bịch, thì sự đùa giỡn lúc ấy không còn mang nghĩa tích cực, không còn vô tư nữa. Sự mỉa mai khiến con người xa lạ với nhau. Nên tránh lối hài hước mỉa mai và hạn chế dùng cách ấy trong cư xử.
BƯỚC 24: MUỐN CÓ BẠN BÈ TỐT, TRƯỚC TIÊN HÃY LÀ NGƯỜI BẠN TỐT
Chúng ta thường mải miết kiếm tìm ông chủ tốt, nhân viên tích cực, vợ (chồng) tâm đầu ý hợp, bạn bè chí cốt… mà quên rằng trước nhất mình phải đáp ứng được những tiêu chuẩn như vậy. “Nhân vô thập toàn”, không có công việc hoàn hảo, cũng không có người chồng hay vợ hoàn hảo. Khi chỉ đi tìm sự hoàn hảo, ta sẽ gặp thất vọng.
Tình bạn cần có sự hy sinh. Xây dựng tình bạn đòi hỏi sự hy sinh, trung thành và chín chắn, sẵn sàng vượt lên nếp sống cũ của mình. Sự ích kỷ sẽ hủy hoại tình bạn. Người quen bình thường rất dễ tìm nhưng tình bạn thật sự cần có thời gian xây dựng và nỗ lực gìn giữ. Tình bạn phải chịu nhiều thử thách và khi vượt qua được, tình cảm sẽ mạnh mẽ hơn. Chúng ta phải biết nhận diện ra đâu là tình bạn chân thành và đâu là sự giả tạo. Bạn bè chân chính không muốn thấy bạn mình đau lòng. Tình bạn đích thực cho nhiều hơn nhận và chiến thắng nghịch cảnh.
Bạn bè “mùa vụ”
Bạn bè “mùa vụ” giống như chủ ngân hàng: cho người ta mượn dù khi nắng đẹp và đòi lại khi trời mưa.
Hai người đàn ông đi qua khu rừng, bỗng đâu một con gấu xuất hiện. Một người nhanh chóng trèo lên cây, trong khi người kia thì không biết trèo. Không còn cách nào khác, anh bèn nằm xuống đất, giả chết. Con gấu đánh hơi quanh tai anh rồi bỏ đi. Người bạn trên cây tụt xuống hỏi: “Con gấu nói gì với cậu vậy?”. Anh ta đáp: “Nó nói đừng tin người bạn bỏ rơi mình lúc gặp nguy hiểm”.
Người ta kết bạn vì động cơ khác nhau
Có thể phân loại tình bạn như sau:
1. Bạn vì thú vui. Duy trì tình bạn khi quan hệ còn dễ chịu và vui vẻ. Còn vui thì còn bạn.
2. Bạn do thuận tiện. Là trường hợp kết bạn để đạt được mục đích gì đó, tất nhiên tình bạn như thế sẽ không mấy vững bền. Gồm ba loại:
a) Do ở gần: Tôi có người hàng xóm, rất tiện kết giao, hai bên vui đùa, chia sẻ. Nhỡ tôi gặp chuyện, anh ta ở ngay bên cạnh. Còn gần nhau thì còn tình bạn.
b) Hữu dụng: Người ấy quen biết rộng, giàu có, tài năng… Xây dựng và duy trì quan hệ với anh ta biết đâu ngày nào đó mình lại nhận được sự giúp đỡ. Còn hữu dụng, còn tình bạn.
c) Kẻ thù chung: Ngạn ngữ có câu “Kẻ thù của kẻ thù của tôi là bạn tôi”. Còn kẻ thù chung, còn tình bạn.
3. Tình bạn chân chính: Xây dựng trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau. Trong đó đôi bên có lòng tốt dành cho nhau, điều đó thể hiện nhất quán trong tình cảm cũng như cách cư xử. Tình bạn chân chính dựa trên tư cách và cam kết. Hai người đều cho nhau tình cảm chân tình vô bờ bến. Tình bạn này bất diệt.
Giàu sang mang đến bạn bè, nhưng chỉ trong nghịch cảnh ta mới thấy rõ ai là người bạn đích thực.
Bạn bè chân thành sẵn sàng giúp đỡ nhau. Họ không xem đó là đặc ân, là mục đích của tình bạn mà xem đó là hành động tự nhiên cho bạn. Nếu lấy việc giúp nhau làm mục đích tình bạn, chỉ khi nào còn mục đích, mới còn tình bạn.
Mọi mối quan hệ không đến tình cờ mà cần thời gian xây dựng. Tình bạn muốn bền chặt cần được tạo dựng trên cơ sở lòng tốt, sự cảm thông và hy sinh bản thân.
BƯỚC 25: THỂ HIỆN SỰ THẤU CẢM
Mỗi người đều có một cách nhìn nhận khác nhau về con người, về cuộc đời. Thấu cảm là hiểu một cách sâu sắc và cảm thông với người nào đó – ngoài mình. Đây là một trong những nét tính cách đáng quý ở con người. Người giàu lòng thấu cảm thường tự hỏi: “Mình sẽ thế nào nếu người khác đối xử với mình kiểu đó?”, hay “Mình sẽ ra sao nếu rơi vào hoàn cảnh như vậy?”.
Cún con
Một cậu bé đi vào cửa hàng bán thú cưng. Có bốn chú chó con ngồi bên nhau, cùng giá 50 đô-la. Đưa mắt sang bên cạnh, cậu bé thấy một chú cún ngồi thu lu trong góc. Cậu hỏi chủ cửa hàng có phải chúng cùng một lứa không, tại sao chú cún kia lại một mình một góc như vậy.
Người chủ cửa hàng bảo nó sinh ra cùng lứa với những con khác nhưng vì tàn tật nên không bán.
Hỏi thêm, cậu bé mới biết đó là một chú chó bẩm sinh đã bị thiếu xương chậu và thiếu mất một chân. “Thế bác sẽ làm gì với chú chó này?” – Cậu bé thắc mắc. Ông chủ cho biết ông sẽ để mặc nó và không biết sẽ làm gì. Cậu bé xin chủ tiệm được chơi với con chó ấy. Vừa ẵm lên, con vật liền liếm liếm tai cậu. Lập tức, cậu quyết định đây là con cún mình sẽ mua. Người chủ cửa hàng bảo: “Nhưng tôi không bán con đó đâu!”. Cậu bé nhất mực nài nỉ.
Người chủ cửa hàng đồng ý. Cậu lấy từ túi ra 2 đô-la và chạy đi xin mẹ thêm 48 đô-la nữa. Khi cậu ra tới cửa, người chủ cửa hàng nói với theo: “Sao cháu cứ đòi mua con này nhỉ? Bằng ấy tiền mua được con chó lành lặn lại không chịu”. Cậu bé chẳng nói một lời. Cậu chỉ khẽ nhấc ống chân trái lên để lộ chiếc nạng sắt. Người chủ cửa hàng bảo: “Bác hiểu rồi. Giờ thì bác tặng cháu con chó này đấy!”.
Sự khác biệt giữa thông cảm và thấu cảm
Thông cảm nghĩa là: “Tôi hiểu cảm nhận của bạn”. Thấu cảm là: “Tôi cảm nhận được cảm nhận của bạn”. Cả hai đều quan trọng. Nhưng đương nhiên sự thấu cảm đạt đến mức độ sâu sắc hơn.
Khi chúng ta thấu cảm với khách hàng, ông chủ, nhân viên và người thân, sẽ có kết quả gì với mối quan hệ của chúng ta? Tình cảm sẽ được cải thiện, mang lại sự hiểu biết, trung thành, thanh thản tâm hồn và năng suất cao hơn.
Bạn sẽ đánh giá tư cách một con người, cộng đồng hay quốc gia như thế nào? Rất dễ dàng. Chỉ cần quan sát người ấy hoặc cộng đồng ấy đối xử thế nào với ba loại người sau:
1. Người tàn tật
2. Người cao tuổi
3. Thuộc cấp
Hãy dịu dàng với con trẻ, nhẹ nhàng với người có tuổi, thông cảm với người gặp khốn khó và chịu đựng những người yếu đuối và sai lầm. Vì lúc nào đó trong đời, chính chúng ta sẽ hội tụ tất cả những hình ảnh ấy.
- Lloyd Shearer