Xây dựng tính cách vui vẻ, hòa nhã
Tôi sẽ trả tiền cho khả năng ứng xử với con người cao hơn bất kỳ khả năng nào khác trên trái đất này.
- John D. Rockefeller
Hầu hết các vấn đề gặp phải trong kinh doanh đều xoay quanh con người. Khi ta có cách ứng xử vui vẻ, hòa nhã, sự nghiệp của ta sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Kiến thức về con người quan trọng hơn kiến thức về sản phẩm. Người thành công là người có tính cách dễ chịu và thu hút, điều đó khiến họ có sức lôi cuốn hơn và dễ dàng nhận được sự hợp tác thân thiện từ người khác.
Tính cách thể hiện rất rõ trong cách ta đi đứng, nói năng, ứng xử với mọi người. Vẻ mặt cởi mở quan trọng hơn bất kỳ thứ gì khác chúng ta mang trên người. Mối quan hệ lâu bền là mối quan hệ dựa trên tài năng và nhân cách. Người vui vẻ mà thiếu nhân cách thì cũng giống như người có ngoại hình mà thiếu lòng tốt.
Hãy lịch sự với tất cả, nhưng chỉ thân thiết với vài người, và để số ít đó được thử thách kỹ lưỡng rồi mới tin tưởng họ. Tình bạn chân chính là loại cây mọc rất chậm, và phải trải qua những cú sốc nghịch cảnh rồi mới có quyền được tôn vinh bằng danh xưng ấy.
- George Washington
Cuộc đời là tiếng vang đáp trả
Một cậu bé giận mẹ đến mức chỉ muốn hét lên rằng:
“Con ghét mẹ, con ghét mẹ”, nhưng vì sợ bị mẹ mắng nên cậu chạy ra khỏi nhà. Cậu đi vào thung lũng và hét lớn: “Con ghét mẹ, con ghét mẹ”. Chợt có tiếng vang dội lại: “Con ghét mẹ, con ghét mẹ”… Chưa bao giờ nghe tiếng vang nên cậu sợ hãi bỏ chạy về nhà và chui vào lòng mẹ. Cậu kể trong thung lũng có một đứa trẻ xấu xa cứ hét to “Con ghét mẹ, con ghét mẹ”. Người mẹ hiểu ra và dẫn cậu trở lại thung lũng rồi bà nói lớn: “Mẹ thương con, mẹ thương con”. Cậu bé cũng lên chỗ cao và hét lớn: “Con thương mẹ, con thương mẹ”, lập tức tiếng vang dội lại y như vậy.
Cuộc sống cũng như thế. Khi cho đi điều gì, ta sẽ nhận lại chính điều đó.
Benjamin Franklin từng nói: “Khi bạn đối tốt với người khác cũng là lúc bạn đang đối xử tốt nhất với bản thân mình”.
Hãy đối xử với người khác một cách trân trọng trên đường bạn đi lên vì bạn sẽ gặp lại họ trên đường bạn đi xuống. Bạn hãy suy nghĩ về câu chuyện sau đây, được trích từ tác phẩm The Best of… Bits & Pieces:
Nhiều năm trước có hai thanh niên vất vả tìm cách trang trải chi phí cuộc sống trong thời gian họ theo học tại trường Đại học Stanford. Tiền bạc eo hẹp, họ nảy ra ý tưởng thuê nghệ sĩ Ignacy Paderewski biểu diễn đàn piano. Họ sẽ lấy tiền bán vé trang trải học phí và tiền trọ.
Ông bầu của nghệ sĩ nổi tiếng yêu cầu họ phải thanh toán 2.000 đô-la. Đó là số tiền rất lớn thời ấy, nhưng hai sinh viên vẫn chấp nhận và bắt tay vào quảng cáo cho chương trình. Hết sức nỗ lực, nhưng cuối cùng số tiền họ thu về chỉ được 1.600 đô-la.
Sau khi chương trình kết thúc, hai chàng thanh niên báo tin xấu cho nghệ sĩ biết. Họ trao cho ông toàn bộ số tiền 1.600 đô-la, kèm theo giấy nợ 400 đô-la và cam kết sẽ hoàn trả trong thời gian sớm nhất. Con đường học tập của họ vì vậy kể như cũng chấm dứt.
“Các cậu đừng làm thế” - Paderewski đáp. Rồi ông xé giấy nợ làm hai mảnh, trả lại họ số tiền: “Giờ các cậu lấy tiền này đi trang trải hết các khoản chi phí rồi mỗi người giữ 10% để bù vào công sức đã bỏ ra. Phần còn lại cho tôi xin”.
Năm tháng trôi qua. Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra và kết thúc. Paderewski, lúc ấy đã là Thủ tướng Ba Lan, đang phải nỗ lực tìm cách cứu đói cho hàng ngàn đồng bào mình. Người duy nhất có thể giúp ông chính là ngài Herbert Hoover - phụ trách Cục Lương thực và Cứu trợ của Hoa Kỳ. Hoover đã đáp lại thỉnh cầu của ông và chẳng bao lâu sau, hàng ngàn tấn lương thực được chuyển đến Ba Lan.
Sau khi cứu trợ cho dân, Paderewski đích thân đến gặp Hoover để nói lời cảm ơn.
“Chuyện đó bình thường thôi mà, thưa ngài Paderewski.” - Hoover đáp. - “Hơn nữa, chắc ngài không nhớ, nhưng tôi thì nhớ rất rõ. Khi tôi còn là một sinh viên túng quẫn, chính ngài đã tặng tôi một nghĩa cử cao đẹp”.
Hết mình giúp đỡ người khác cũng là ta đang giúp đỡ chính mình.
- Ralph Waldo Emerson
Một số nhân tố ngăn cản việc xây dựng và duy trì quan hệ tích cực
• Ích kỷ........................................................• Thiếu lịch sự
• Thiếu chu đáo..........................................• Hành vi thô lỗ
• Không làm tròn........................................• Thiếu sự chính trực trách nhiệm và lương thiện
• Cho mình là trung tâm.............................• Tham lam
• Kiêu ngạo.................................................• Tự phụ
• Thái độ tiêu cực.......................................• Tâm địa hẹp hòi
• Thiếu lắng nghe .......................................• Thiếu sự tin tưởng
• Thiếu lòng trắc ẩn.....................................• Không kiên nhẫn
• Nóng giận..................................................• Né tránh khó khăn
• Dễ tự ái......................................................• Không nhất quán
• Không sẵn lòng.......................................• Thiếu sự quan tâm chấp nhận sự thật đối với người khác
• Không tôn trọng.........................................• Thiếu kỷ luật người khác
Hầu hết chúng ta đều có thể mắc phải một vài trong số những hạn chế trên. Mục tiêu đặt ra ở đây là cần phải biết đánh giá và điều chỉnh hành vi của mình một cách đúng đắn, hợp lý.
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CÁI TÔI VÀ LÒNG TỰ HÀO
Rào cản lớn nhất khi xây dựng quan hệ tích cực là “cái tôi”. Cái tôi đầu độc chính bản thân ta vì nó là sự tự hào không lành mạnh dẫn đến thái độ kiêu ngạo. Ngược lại, tự hào lành mạnh là cảm giác vui sướng khi đạt được mục đích, và nó luôn đi kèm với sự khiêm tốn.
Người đề cao cái tôi cho rằng mọi chuyện đều bắt đầu và kết thúc xoay quanh mình. Tính khí họ cũng có thể nực cười, chẳng hạn một ông chủ nọ hỏi dò xem nhu cầu tăng lương của nhân viên ở mức độ nào. Nhân viên đáp: “Rất cần. Tôi đã liên tục cầu Chúa được tăng lương đấy chứ!”. Ông chủ bảo: “Anh sẽ không được tăng lương vì dám cầu xin Chúa trước khi xin với tôi!”. Người đề cao cái tôi thường nói chuyện bằng giọng kẻ cả và coi thường người khác.
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA ÍCH KỶ VÀ QUAN TÂM BẢN THÂN
Sự ích kỷ mang tính chất tiêu cực, nó hủy hoại các mối quan hệ chân thành giữa con người với con người vì nó căn cứ vào những giá trị tiêu cực và chú trọng đến nguyên tắc thắng - thua. Trong khi đó, quan tâm bản thân lại mang tính tích cực, nó đem đến sự thịnh vượng, thanh thản tâm hồn, sức khỏe, hạnh phúc và đề cao kết quả đôi bên cùng chiến thắng.
Đố kị/Ghen tị – Tâm tính của loài cua
Ghen tị là một con hổ, nó xé xác không chỉ con mồi mà cả trái tim đang điên cuồng của nó.
- Michael Beer
Tâm địa của loài cua là gì? Muốn biết, bạn chỉ cần thả một bầy cua vào cái hộp mở nắp. Hãy quan sát xem chúng có ở nguyên trong đó không? Câu trả lời là: lũ cua có thể dễ dàng bò ra và thoát thân, nhưng thực tế chúng lại không làm được như vậy. Điều này là do tâm tính của loài. Ngay khi một con bắt đầu bò lên, những con khác liền lôi nó xuống. Cứ thế, cả bầy vướng víu, dắt díu vào nhau.
Người ghen tị cũng giống như vậy. Trong cuộc sống, họ chẳng bao giờ tiến lên nhưng lại luôn ngăn cản người khác thành công. Ghen tị là tính cách thường gặp trong cuộc sống, nó thể hiện sự nhận thức thấp kém về bản thân.
Nên xây dựng tâm hồn cởi mở hơn là bỏ mặc tâm hồn trống rỗng
Sự khác biệt giữa tâm hồn rộng mở và tâm hồn trống rỗng là gì? Tâm hồn rộng mở rất linh hoạt, biết đánh giá, chấp nhận hoặc bác bỏ ý kiến và đưa ra những quan điểm dựa trên giá trị nhân phẩm.
Tâm hồn trống rỗng là bãi rác chứa đủ mọi thứ xấu tốt, chỉ biết đón nhận mà không biết nhìn nhận, đánh giá.
THIẾU KHÁCH QUAN TRONG VIỆC ĐÁNH GIÁ, NHÌN NHẬN
Chuyện kể rằng, một nhà thông thái nọ đang ngồi thiền trước cổng làng thì có người khách phương xa tìm đến hỏi: “Tôi muốn thoát khỏi làng quê hiện tại của mình. Ngài thấy dân ở làng này thế nào?”. Nhà thông thái đáp lại bằng câu hỏi: “Thế dân ở làng anh thì thế nào?”. Người kia bảo: “Họ ti tiện, độc ác, thô lỗ”. Người thông thái đáp: “Người làng này cũng thế thôi”. Lát sau, lại có người đi ngang qua và cũng hỏi một câu tương tự, nhà thông thái cũng hỏi ngược lại anh ta: “Dân ở làng anh như thế nào?”. Người kia bảo: “Họ rất tử tế, nhã nhặn, lịch sự, tốt bụng”. Nhà thông thái đáp: “Ở đây anh cũng sẽ gặp những người như vậy”.
Thật vậy, cách nhìn nhận về sự vật của mỗi người phụ thuộc vào chính bản chất của họ hơn là đối tượng được nhìn nhận. Thông thường, hành vi của người khác chính là phản ứng đối với hành vi chúng ta. Nếu động cơ của ta tốt, ta sẽ có cảm giác rằng động cơ của người khác cũng tốt. Nếu ý định ta xấu, ta sẽ cho rằng ý định người khác cũng xấu.
SỰ TIN CẬY
Mọi quan hệ đều dựa trên sự tin cậy. Quan hệ giữa người quản lý - nhân viên, cha mẹ - con cái, chồng - vợ, học sinh - thầy cô, người mua - kẻ bán, khách hàng - người bán hàng… tất thảy đều rất cần có sự tin cậy lẫn nhau. Chúng ta sẽ không thể tạo dựng được lòng tin nếu bản thân không phải là người chính trực.
Những nhân tố tạo nên sự tin cậy là:
• Sẵn sàng thực hiện lời hứa/cam kết
• Có sự nhất quán và tự tin
• Tôn trọng bản thân và người khác
• Công bằng
• Cởi mở, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ quan điểm
• Lời nói đi đôi với việc làm
• Có năng lực
• Chính trực – yếu tố mấu chốt để thu phục lòng tin
• Biết chấp nhận ưu khuyết điểm của nhau
• Có nghị lực
• Can đảm, dám đối diện với mọi khó khăn
Trong cuộc sống, đôi khi sự tin cậy còn được tôn vinh hơn cả tình yêu. Thực tế, có những người ta đem lòng yêu mến nhưng lại không thể nào tin tưởng tuyệt đối ở họ. Quan hệ giữa con người với con người cũng giống như việc mở tài khoản trong ngân hàng vậy. Càng gửi nhiều, tài khoản càng lớn; do vậy, số tiền rút ra cũng lớn. Ngược lại, nếu cứ rút mà không gửi thì chỉ thu về sự thất vọng mà thôi.
Đôi khi ta có cảm giác rằng mình bị rút quá nhiều nhưng trong thực tế là do ta gửi vào chưa đủ.
Dưới đây là một số hậu quả khi mối quan hệ giữa hai bên không được tốt và thiếu sự tin cậy.
• Đôi bên thiếu sự chia sẻ..................• Căng thẳng
• Tâm trí hẹp hòi.................................• Bực tức
• Không có tinh thần đồng đội............• Ngờ vực
• Thiếu tín nhiệm.................................• Mâu thuẫn
• Nhận thức bản thân thấp kém..........• Cô lập
• Năng suất kém..................................• Sức khỏe kém
• Mất lòng tin........................................• Giận dữ
• Suy sụp tinh thần ..............................• Thành kiến
• Hành vi bất hợp tác ........................... • Thất vọng