Xây dựng thái độ tích cực
Biết nhìn nhận về bản thân: đó mới là nhân tố quyết định, hay nói đúng hơn nó thể hiện số phận của con người.
- Henry David Thoreau
Trước nhà ga xe lửa, một người ăn xin ngồi đó với một lọ đầy bút chì. Một nhà kinh doanh trẻ tuổi đi qua, thả một đô-la vào lọ nhưng không lấy cây bút nào. Rồi anh bước lên tàu. Khi cửa toa sắp khép lại, anh đột nhiên nhảy xuống và vội vã trở lại chỗ người ăn xin. Anh cầm lấy mấy cây bút và bảo: “Tôi sẽ lấy vài cây. Chúng có giá mà, phải không? Suy cho cùng, anh cũng là người biết kinh doanh đấy chứ. Anh cũng như tôi thôi!”. Nói rồi anh vội quay trở lại tàu.
Sáu tháng sau, nhà kinh doanh ấy đến dự một bữa tiệc. Người ăn xin trước đây cũng tham dự, anh ta mặc com lê thắt nơ rất bảnh bao. Nhận ra người đã “mua” bút chì ngày xưa, anh tiến tới chào và nói: “Có lẽ anh không nhận ra tôi, nhưng tôi nhớ anh rất rõ”. Rồi anh thuật lại câu chuyện sáu tháng trước. Nghe xong, nhà kinh doanh bảo: “À, anh kể tôi mới nhớ. Hồi đó anh ngồi ăn xin mà. Vậy giờ anh làm gì ở đây mà ăn mặc lịch sự vậy?”. Người ăn xin đáp: “Chắc anh không biết hành động khi ấy của anh đã tác động đến tôi thế nào đâu. Thay vì chìa tay ban phước cho tôi, anh đã đối xử với tôi rất đàng hoàng. Anh lấy mấy cây bút chì và bảo chúng có giá, và rằng tôi cũng là người biết kinh doanh như anh”. Anh đi rồi, tôi mới ngẫm nghĩ: “Mình đang làm gì ở cái nhà ga này? Tại sao phải xin ăn cơ chứ?”. Thế rồi tôi quyết định phải làm điều gì đó tích cực hơn với đời mình. Tôi thu xếp hành trang, bắt đầu đi tìm việc làm và bây giờ tôi có mặt ở đây. Tôi chỉ muốn tìm gặp anh và cảm ơn anh đã trao lại cho tôi phẩm giá đích thực của con người. Giây phút gặp anh đã thay đổi đời tôi”.
Điều gì đã khiến người ăn xin ấy thay đổi cuộc đời mình đến vậy?
Đó là vì ý thức về giá trị của bản thân ở anh đã được nâng lên. Ý thức về bản thân là cảm nhận của mình về chính con người mình. Suy nghĩ về chính mình ảnh hưởng lớn đến mọi việc, từ thành quả công việc, quan hệ xã hội, vai trò gia đình cho đến những thành tựu khác trong đời sống. Ý thức về bản thân là thành tố quan trọng quyết định thành công hay thất bại. Khi có ý thức cao về giá trị bản thân, ta sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, mãn nguyện và có mục đích. Nếu không thấy bản thân mình xứng đáng, người ta sẽ không thể nào có suy nghĩ tích cực được. Ý thức về giá trị bản thân tạo động lực phấn đấu cho con người. Kinh nghiệm từ các nhà lãnh đạo và các bậc thầy lỗi lạc trong lịch sử cho thấy, để thành công, con người cần có động lực nội tâm.
Người đánh giá cao bản thân sẽ có thêm tự tin, năng lực và sẵn sàng gánh vác trách nhiệm. Họ đối mặt với cuộc sống bằng một tinh thần lạc quan, cởi mở và nhạy bén. Không những thế, họ còn có động cơ và khát vọng sống. Thành tích và khả năng chấp nhận rủi ro của họ tăng lên. Họ đón nhận những cơ hội và thách thức mới. Họ biết cho và nhận lời phê bình, khen ngợi một cách lịch thiệp và thoải mái.
Ý thức về bản thân là cảm giác hình thành từ việc nhận thức những điều tốt đẹp ở bản thân và thực hiện theo những điều đó.
Biết nhìn nhận chính mình
Một người nông dân nọ trồng bí ngô, khi bí ra trái, để tránh bị sâu phá, anh ta đã lấy lọ thủy tinh đựng từng trái bí nhỏ xíu còn nguyên dây. Đến mùa thu hoạch, trái bí chín vàng nhưng hình dạng từng trái chỉ bằng đúng kích cỡ của chiếc lọ thủy tinh. Trái bí không thể phát triển vượt ngoài giới hạn quanh nó.
Tương tự, trong cuộc sống, con người cũng không thể hành động vượt ngoài ranh giới những suy nghĩ về bản thân, cho dù những ranh giới ấy là gì đi nữa.
TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA NHẬN THỨC VỀ BẢN THÂN
Giữa cảm xúc và năng suất làm việc của con người có mối quan hệ trực tiếp. Nhận thức cao về bản thân thể hiện ở sự tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác, cũng như tôn trọng tài sản, luật pháp, bố mẹ và quê hương đất nước. Khi không có được đức tính ấy, người ta sẽ nảy sinh nhiều biểu hiện yếu kém.
Những lợi ích khi có nhận thức tốt về bản thân:
• Tạo niềm tin vững chắc.
• Sẵn sàng chịu trách nhiệm.
• Hình thành thái độ lạc quan.
• Có thêm nhiều mối quan hệ tốt đẹp và cuộc sống thêm phần mãn nguyện.
• Nhạy cảm và biết quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu của người khác.
• Có thêm động lực, hoài bão và khát vọng.
• Mở rộng tâm hồn đón nhận cơ hội và thử thách mới.
• Cải tiến hiệu quả và tăng cường khả năng chấp nhận rủi ro.
• Biết đóng góp và đón nhận phê bình một cách khéo léo và thoải mái.
• Biết coi trọng uy tín, bởi “chữ tín” là vô giá.
Những hạn chế khi có nhận thức thấp kém về bản thân:
• Trở thành người hay “buôn chuyện”.
• Thích chê bai, phê phán người khác.
• Ngạo mạn, ra vẻ như chuyện gì cũng biết.
Không muốn cống hiến và hợp tác. Thích hạ thấp người khác và nâng mình lên.
• Tâm địa hẹp hòi và ích kỷ.
• Lúc nào cũng viện cớ bào chữa cho mọi thất bại của mình.
• Không bao giờ chịu trách nhiệm mà luôn đổ lỗi cho người khác.
• Cho rằng cuộc sống đã được số phận an bài nên không có một sáng kiến nào và luôn thụ động chờ đợi mọi việc xảy ra.
• Hay ghen tị.
• Không muốn đón nhận lời phê bình tích cực từ người khác, và thường lui vào thế phòng thủ.
• Cảm thấy chán nản và khó chịu khi không có nhiều người xung quanh.
• Nhận thức thấp kém về bản thân khiến phẩm giá cũng bị ảnh hưởng. Dạng người này không hiểu được ranh giới giữa sự tao nhã và tầm thường. Họ thường kể chuyện phiếm trong những dịp giao tế ngoài xã hội, và khi có hơi men, câu chuyện của họ càng lúc thêm thô tục.
• Họ không có bạn bè chân thành vì bản thân họ không thành thật với chính mình.
• Họ hứa bừa dù biết rằng mình không làm được.
Người ý thức thấp kém về bản thân thường hứa hẹn những chuyện viển vông. Thất hứa sẽ dẫn đến việc đánh mất niềm tin với mọi người và chính mình.
• Họ có nhiều hành vi vô nghĩa và thất thường.
Hôm nay có thể rất ngọt ngào dễ thương, nhưng ngày mai lại cư xử thô lỗ. Họ thiếu sự cân bằng.
• Họ khiến mọi người xa lánh và vì vậy, có xu hướng sống cô đơn.
• Họ hay tự ái; nói cách khác, cái tôi của họ rất yếu ớt. Mỗi khi có ai nói gì đó, họ thường cho rằng người đó ám chỉ mình và họ thấy bị tổn thương. Từ đó mà sinh ra tâm trạng thất vọng, chán nản.
Sự khác biệt giữa tính “tự ái” và “nhạy cảm” là gì?
Tính “tự ái” giống như cái gai của cây xương rồng: người nào đụng vào sẽ bị đau đớn. Còn “nhạy cảm” là phản ứng tích cực, biết quan tâm đến người khác. Nhiều khi chúng ta lầm tưởng hai nét tính cách trên là một. Chẳng hạn, ta bảo phải cẩn thận khi nói chuyện với người đó vì họ rất nhạy cảm, trong khi thực chất nên hiểu là họ rất dễ chạm tự ái, vì thế cần thận trọng trong giao tiếp.
Người có ý thức thấp kém về bản thân là người:
• Có những kỳ vọng tiêu cực đối với bản thân cũng như với người khác.
• Thiếu tự tin:
1. Họ liên tục muốn người khác công nhận và khẳng định giá trị của họ.
2. Họ huênh hoang về bản thân cốt để che giấu sự thiếu tự tin ở mình.
3. Họ có những cử chỉ phục tùng hoặc nhút nhát. Luôn miệng xin lỗi về sự tồn tại của mình. Tự hạ thấp bản thân.
4. Họ thiếu sự quyết đoán, không dám bảo vệ ý kiến của mình.
5. Họ thường a dua theo số đông. Vì thiếu tự tin vào bản thân nên họ luôn tìm kiếm sự khẳng định từ bên ngoài.
6. Họ đua đòi theo người này người khác, sẵn sàng bỏ tiền mua những thứ không cần thiết, tất cả chỉ để gây ấn tượng với những người mà thực ra họ chẳng quý mến hoặc ngưỡng mộ.
7. Họ thích thu hút sự chú ý của người khác, muốn mình nổi bật giữa đám đông và tỏ ra là người quan trọng. Cũng vì thế mà sinh ra những hành động kỳ quái, như: lúc nào cũng khoe khoang, khoác lác hoặc mặc đồ lòe loẹt, v.v.
• Do dự và không dám nhận trách nhiệm. Vì thiếu can đảm và sợ bị phê bình nên hành vi của họ không dứt khoát.
• Chống lại chính quyền. Ở đây cần phân biệt rõ giữa nổi loạn do vững tin vào quan điểm của mình và nổi loạn vì nhận thức bản thân yếu kém. Tất cả những lãnh tụ lỗi lạc trên thế giới như Mahatma Gandhi, Martin Luther King và Abraham Lincoln đều là người “nổi loạn”. Họ chống lại chính quyền nhờ lòng can đảm và niềm tin vào lập trường của mình. Ngược lại người có nhận thức thấp kém về bản thân chống lại chính quyền chỉ vì đó là thế lực, dù là thế lực chân chính.
• Có tư tưởng chống lại xã hội và có thể sống lãnh đạm với mọi người.
• Không nhận thức được hướng đi trong cuộc sống và luôn giữ thái độ bất cần trong hành vi hàng ngày.
• Lúng túng khi thể hiện cũng như đón nhận lời khen. Nếu khen người khác, họ có cảm giác như mình đang đánh giá sai, còn khi nhận lời khen họ lại thấy mình không xứng đáng. Nhưng cảm giác không xứng đáng ấy không phải là sự khiêm tốn.
• Quá chú trọng đến vấn đề vật chất, chỉ biết nhìn nhận giá trị của người khác qua tài sản chứ không phải qua năng lực và phẩm chất. Họ quên rằng con người tạo ra của cải chứ không phải ngược lại. Với họ, nhãn hiệu thời trang chính là biểu tượng địa vị xã hội.
• Thô lỗ và vụng về.
• Chỉ biết lấy đi mà không biết cho lại.
Ý thức thấp kém về bản thân có thể dẫn đến những hành vi rất cực đoan. Người đánh giá cao bản thân có thể cũng cư xử như vậy, song vì lý do khác. Họ ở một mình vì thích sự yên tĩnh, trong khi người coi thường bản thân lại thích một mình vì không được thoải mái trong đám đông.
Một số khác biệt giữa người biết coi trọng bản thân và người nhận thức thấp kém về bản thân
Đánh giá cao bản thân.............................................Đánh giá thấp bản thân
Nói về ý tưởng................................................................Nói về con người
Thái độ quan tâm.............................................................Thái độ chỉ trích
Khiêm tốn...............................................................................Kiêu ngạo
Tôn trọng chính quyền..............................................Chống lại chính quyền
Can đảm do có niềm tin............................................A dua để được công nhận
Tự tin..........................................................................................Bối rối
Coi trọng nhân cách.........................................................Coi trọng tiếng tăm
Quyết đoán..............................................................................Hung hăng
Dám chịu trách nhiệm......................................................Đổ lỗi cho người khác
Quan tâm bản thân.......................................................................Ích kỷ
Lạc quan............................................................................Tin vào định mệnh
Hiểu biết.....................................................................................Tham lam
Hiếu học........................................................................Tự cho là mình biết tất cả
Nhạy cảm..............................................................................Dễ tự ái Sống tự lập
Cô đơn Trao đổi............................................................................Tranh cãi
Tin vào giá trị bản thân......................................................Chỉ tin vào giá trị vật chất
Có phương hướng........................................................Bị lầm đường trong cuộc sống
Kỷ luật.....................................................................................Ý thức tự do lệch lạc
Động lực xuất phát từ nội tâm................................Tìm động lực từ sự tác động bên ngoài
Tôn trọng người khác.............................................................Xem thường người khác
Thưởng thức sự lịch lãm.......................................................Bám theo cái tầm thường
Biết giới hạn............................................................................Mọi chuyện sao cũng được
Là người biết cho đi....................................................................Là người chỉ biết nhận
Để trở thành người biết nhìn nhận và đề cao giá trị bản thân, không nhất thiết chúng ta phải có đủ các đặc điểm kể trên. Có thể những tố chất ấy xuất hiện ở mức độ nhiều ít khác nhau. Điều quan trọng là phải nhận thức rõ mục tiêu của mình, từ đó nỗ lực cải thiện bản thân.
Tại sao phải dùng mặt nạ?
Một giám đốc điều hành trẻ tuổi nọ vừa mới được đề bạt. Vốn có nhận thức thấp kém về bản thân, anh chẳng thấy thoải mái lắm với vị trí và không gian làm việc mới. Có tiếng gõ cửa. Để tỏ vẻ mình là người quan trọng và bận rộn, anh nhấc điện thoại lên, sau đó ra hiệu mời khách vào. Trong khi khách đứng chờ, anh cứ tiếp tục nói chuyện trên điện thoại, thỉnh thoảng gật đầu khẳng định: “Không thành vấn đề, tôi có thể lo chuyện đó”. Vài phút sau, anh mới gác máy và hỏi khách đến có việc gì. Vị khách đáp: “Thưa ngài, tôi đến kết nối điện thoại cho ngài”.
HÀNH VI BỘC LỘ TÍNH CÁCH
Có thể nhận ra một phần tính cách con người thông qua những việc họ làm hoặc không làm, thích hoặc không thích. Chẳng hạn, tính cách thể hiện qua:
• Kiểu bạn bè đang giao du hoặc không muốn giao du.
• Cách đối xử với những người xung quanh, nhất là với thuộc cấp, với người già và người khuyết tật.
• Thể loại sách, nhạc và phim ưa thích.
• Những chuyện cười thích kể hay thích nghe.
Mọi hành động của chúng ta đều thể hiện một phần tính cách nào đó. Vì vậy, nếu chúng ta có niềm tin, sự nhạy cảm và tinh thần hợp tác, chúng ta có thể lay chuyển người khác bằng những nỗ lực của chính mình. Làm được điều đó nghĩa là chúng ta xứng đáng có được sự trân trọng.
Đánh giá bản thân tích cực..............................................Đánh giá bản thân tiêu cực
1. Tự trọng..............................................................................Dè bỉu bản thân
2. Tự tin...................................................................................Nghi ngờ bản thân
3. Đề cao giá trị bản thân........................................................Lạm dụng bản thân
4. Chấp nhận bản thân.............................................................Phủ nhận bản thân
5. Yêu thương bản thân............................................................Xem bản thân là trung tâm
6. Hiểu rõ bản thân....................................................................Lừa dối bản thân
7. Kỷ luật tự giác.........................................................................Sống buông thả
Đánh giá cao bản thân không có nghĩa là quá đề cao “cái tôi”. Nếu ta không hòa hợp với chính mình thì cũng không thể hòa hợp với người khác, đơn giản vì ta không thể cho người khác điều mà mình không có. Tương tự, nếu không biết đánh giá bản thân một cách thẳng thắn, ta sẽ khó lòng chia sẻ và nhìn nhận người khác một cách đúng đắn được. Một tâm hồn cần phải lành mạnh mới có thể hỗ trợ người khác trong đời sống tinh thần.
NGUYÊN NHÂN CỦA VIỆC ĐÁNH GIÁ THẤP BẢN THÂN
Ngay từ lúc mới chào đời, con người đã bắt đầu hình thành những đánh giá bản thân, cả tích cực lẫn tiêu cực. Những cảm giác ấy phát triển dần thông qua sự nhìn nhận, củng cố của người khác.
1. Nói về mình một cách tiêu cực hoặc có những ám chỉ tiêu cực về bản thân
Nói về mình một cách tiêu cực là khi ta tự nhủ (vô tình hoặc cố ý), những điều như sau:
• Trí nhớ mình thật kém.
• Mình chẳng giỏi toán.
• Mình không có tố chất thể thao.
• Mình mệt mỏi.
Suy nghĩ trên chỉ củng cố những điều tiêu cực và làm chúng ta thêm mất tinh thần. Chẳng bao lâu, tâm trí sẽ tin vào điều tiêu cực ấy và hành vi bộc lộ theo hướng đó.
2. Môi trường giáo dục của gia đình
Tại sao chúng ta phải làm việc vất vả để trở thành người giàu sang mà không quan tâm gì đến con cái, trong khi sẽ có ngày ta giao lại cho chúng tất cả thành quả của mình?
- Socrates
Cha mẹ tốt là cha mẹ biết nuôi dưỡng lòng tự tin và khích lệ những giá trị tốt đẹp ở con cái thông qua việc truyền dạy cho chúng niềm tin, sự chân thành và chính trực.
Gia tài vĩ đại của một con người là có bố mẹ lương thiện, đạo đức.
- Shiv Khera
Tấm gương mẫu mực hoặc cố vấn tinh thần có thể là bố, mẹ, họ hàng hay thầy cô… những người được trẻ xem trọng. Trong những năm đầu đời, trẻ thường ngưỡng mộ những người lớn có vị thế ảnh hưởng đối với trẻ. Thậm chí lúc trưởng thành, nhiều người vẫn xem người quản lý và lãnh đạo của mình là tấm gương điển hình trong cuộc sống.
Những cách giáo dục sai lầm đối với trẻ
• Dạy trẻ định giá mọi thứ. Điều này khiến trẻ sẵn sàng đem bán cả sự chính trực trong tương lai.
• Không cho trẻ cơ hội khẳng định lập trường của bản thân. Điều này khiến trẻ trở thành kẻ hèn nhát.
• Nhồi vào đầu trẻ ý nghĩ chiến thắng là quan trọng nhất. Điều này khiến trẻ quyết tâm chiến thắng bằng mọi thủ đoạn.
• Nuông chiều ý thích của trẻ. Điều này khiến trẻ nghĩ rằng mọi người có bổn phận phải cung phụng chúng.
• Khi trẻ nói điều sai quấy, mọi người trong nhà phá lên cười, khiến chúng tin rằng mình được tán thưởng.
• Không định hướng cho trẻ những giá trị luân lý, đạo đức nào và cho rằng chờ lớn lên chúng sẽ “tự quyết”.
• Để mặc trẻ chọn lựa mà không hướng dẫn, không dạy trẻ hiểu rằng chọn lựa nào cũng có cái giá của nó.
• Không nhắc nhở khi trẻ làm điều sai trái. Điều này dần dần khiến trẻ hình thành cảm giác tự tôn.
• Luôn làm mọi việc giúp trẻ. Điều này khiến trẻ trở nên lười biếng và nảy sinh thói quen đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.
• Để trẻ đọc sách, xem phim hoặc nghe bất kỳ thể loại nhạc nào chúng muốn. Cẩn thận với thức ăn cho trẻ nhưng lại để tâm hồn chúng hấp thu những thứ rác rưởi.
• Dạy trẻ a dua theo bạn bè đồng trang lứa để được số đông chấp nhận.
• Bố mẹ cãi nhau trước mặt con cái, khiến chúng luôn mang mặc cảm về sự đổ vỡ.
• Cho trẻ nhiều tiền và không dạy trẻ giá trị của đồng tiền chân chính.
• Quá dư dả về đời sống vật chất (từ đồ ăn, thức uống cho đến những tiện nghi khác) khiến trẻ dễ rơi vào vỡ mộng, chán nản.
• Chăm chăm bênh vực trẻ, chống lại hàng xóm và thầy cô khi họ có những ý kiến không hay về chúng.
• Khi trẻ gây ra rắc rối, lại biện hộ rằng: “Tôi đã cố hết sức nhưng có làm được gì với nó đâu”.
• Không bao giờ áp dụng kỷ luật với trẻ vì cho rằng làm vậy là lấy mất tự do của con.
• Không trực tiếp dạy dỗ trẻ.
TRẺ THƠ HẤP THỤ BÀI HỌC TỪ MÔI TRƯỜNG SỐNG
Nếu sống với sự phê bình, trẻ sẽ học cách xem thường.
Nếu sống với lời khen, trẻ học cách cảm kích.
Nếu sống với sự thù địch, trẻ học cách đánh nhau.
Nếu sống với sự khoan dung, trẻ học đức kiên nhẫn.
Nếu sống với sự nhạo báng, trẻ sẽ học tính nhút nhát.
Nếu sống với sự khuyến khích, trẻ học tính tự tin.
Nếu sống với sự xấu hổ, trẻ hình thành mặc cảm có lỗi.
Nếu sống với sự tán thành, trẻ học cách yêu quý bản thân.
Nếu sống với sự lương thiện, trẻ học được tính công bằng.
Nếu sống với sự an tâm, trẻ học được tính trung thành.
Nếu sống với sự chấp nhận và tình bạn, trẻ học được cách tìm cho mình tình yêu trong cuộc sống.
Nhận được điều gì, trẻ sẽ trả lại cho xã hội điều ấy.
XÂY DỰNG LÒNG TỰ TIN
Hàng ngày, trước khi đi làm, đôi vợ chồng trẻ nọ thường đưa con gái đến nhà trẻ gửi. Khi chia tay, bố mẹ và con hôn tay nhau, sau đó cất nụ hôn vào túi áo. Cả ngày, mỗi khi buồn, bé gái thường lấy ra một nụ hôn và đặt lên má. Điều này khiến cho cả bé cũng như cha mẹ đều có cảm giác như đang ở bên nhau. Một ý tưởng tuyệt vời!
Giáo dục
Ngu dốt không có gì đáng xấu hổ, chỉ có lười nhác, không chịu học mới là điều đáng xấu hổ.
Cách tốt nhất để dạy dỗ trẻ là hãy nêu gương cho chúng. Nếu ngay từ thời thơ ấu, trẻ đã được dạy về tính chính trực, sau này chúng sẽ trở thành những người tốt. Bởi tính chính trực mạnh mẽ hơn sự lương thiện, và nó được xem là nền tảng cho sự lương thiện.
Thanh thiếu niên rất dễ bị ảnh hưởng. Một khi chứng kiến bố mẹ, thầy cô hay những người chúng vốn tin tưởng lộ vẻ đạo đức giả, hoặc có những hành vi không đúng đắn, chúng sẽ:
• Thất vọng.
• Mất đi sự trân trọng dành cho người cố vấn tinh thần của mình.
• Thường xuyên tiếp xúc với những hành vi xấu ấy khiến chúng dần xuôi theo.
Tấm gương xấu
Một thầy giáo hỏi cậu học trò rằng “bố em làm nghề gì?”, cậu bé đáp: “Em không rõ, nhưng em nghĩ là bố em làm bút mực, bút chì, bóng đèn tròn, giấy vệ sinh, vì đó là những thứ bố mang về nhà hằng ngày trong hộp cơm trưa của bố”.
Yếu tố tâm lý
Câu nói: “Thành công sản sinh thành công và thất bại sản sinh thất bại” đúng với khá nhiều trường hợp. Chẳng hạn, trong thể thao, vào một thời điểm nhất định nào đó, khi tinh thần của nhà vô địch xuống thấp, một huấn luyện viên giỏi sẽ không bao giờ để anh ta đấu cặp với một đối thủ giỏi vì nếu thêm một lần thất bại nữa, tinh thần thi đấu của anh ta sẽ xuống dốc trầm trọng. Thay vào đó, để khôi phục lại sự tự tin cho anh, huấn luyện viên cần cho anh đấu với đối thủ yếu hơn. Chiến thắng sẽ vực “cái tôi” trong thi đấu của anh dậy. Tiếp theo là một đối thủ hơi mạnh hơn một chút và chiến thắng ấy cải thiện mức độ tự tin. Cứ vậy cho đến ngày nhà vô địch sẵn sàng đối mặt với thử thách cuối cùng.
Trước thành công, sự tự tin sẽ tăng lên và dễ thành công hơn trong lần tiếp theo. Vì vậy, một nhà lãnh đạo giỏi, một ông bố, bà mẹ tâm lý, hay một giáo viên xuất sắc… là người biết lượng sức thuộc cấp hoặc con cái, học trò của mình để giao những nhiệm vụ dễ thực hiện trước. Khi hoàn thành những việc này một cách thành công, sự tự tin và sự đánh giá bản thân ở đối tượng sẽ tăng lên, khuyến khích đối tượng cố gắng hơn nữa.
Trách nhiệm của chúng ta là giúp phá vỡ chuỗi thất bại liên tục từ đó đưa bản thân và con cái mình đi vào chuỗi thành công liên tục.
Đừng nhầm lẫn giữa vấp ngã và thất bại. Khi vấp ngã, hầu hết chúng ta đều mất tinh thần đến mức cho rằng mình là kẻ thất bại mà không biết rằng vấp ngã chỉ là thử thách trên con đường đi đến thành công. Chúng ta có thể đã vấp ngã nhưng chúng ta không phải là người thất bại. Chúng ta có thể bị người khác lừa dối nhưng không phải vì thế mà chúng ta là những kẻ xuẩn ngốc. Chúng ta chỉ thất bại khi chúng ta bỏ cuộc.
Khuyến khích tốt hơn chê bai
Giả sử đứa trẻ trở về nhà với sổ liên lạc ghi năm điểm A, một điểm B, thông thường điều đầu tiên bố mẹ sẽ hỏi bé là: “Tại sao con lại bị điểm B?”.
Điều này có nên hay không?
Tâm lý đứa trẻ đang thực sự mong đợi bố mẹ thừa nhận những nỗ lực để có được năm điểm A của nó. Vì vậy, bố mẹ cần phải biết khen ngợi các điểm A con đạt được, sau đó khuyến khích con cố gắng hơn nữa để lần sau có được cả sáu điểm A. Ngược lại, nếu bố mẹ chỉ quan tâm căn vặn về một điểm B mà bỏ qua năm điểm A, chắc chắn kết quả lần sau của trẻ sẽ giảm xuống.
Tương tự, trong công việc, một nhân viên có thể làm một trăm việc đúng và một việc sai. Thử đoán sếp nên nhìn vào đâu để đánh giá? Tất nhiên, sếp cần phải biết công nhận sự đóng góp tích cực, nhưng không nên hạ thấp tiêu chí xuống. Có như vậy nhân viên mới phấn đấu hơn nữa.
Đặt ra kỷ luật thích hợp
Kỷ luật là gì?
Kỷ luật phải chăng là hành động có điều chỉnh sau khi xảy ra vấn đề (hoặc sai trái)?
Kỷ luật có phải là sự áp đặt? Lạm dụng? Kỷ luật có tước mất tự do hay không?
Câu trả lời là “không” cho tất cả những câu hỏi trên. Kỷ luật không có nghĩa là lấy thắt lưng ra đánh con. Đó là sự điên cuồng. Kỷ luật là sự cứng rắn vì thương con. Đó là phương hướng. Kỷ luật là sự ngăn chặn trước khi nảy sinh vấn đề; là sự kìm giữ dòng chảy và khơi nguồn năng lượng để đạt được thành quả tốt. Kỷ luật không phải là cái bạn làm cho người khác, mà là điều bạn làm cho những người mình quan tâm.
Kỷ luật là hành động yêu thương. Đôi khi, chính sự khắt khe mới là nhân từ. Điều này tương tự như không phải tất cả thuốc uống đều ngọt, không phải mọi ca mổ đều không đau đớn, nhưng chúng ta phải dùng chúng.
Được sinh ra và lớn lên trong môi trường yêu thương, có kỷ luật, trẻ sẽ biết tôn trọng bố mẹ nhiều hơn và trở thành những công dân có ích.
Nếu kỷ luật được thi hành trong mọi gia đình, tội phạm vị thành niên sẽ giảm xuống đến 95%.
- J. Edgar Hoover
Bố mẹ tốt không ngại thực hiện kỷ luật bất cứ khi nào, kể cả trước sự phản ứng của con.
Kỷ luật mang lại tự do
Bản năng của con người là làm bất cứ chuyện gì mình muốn, bất chấp hậu quả. Cho phép đứa trẻ ăn cả hộp sô-cô-la có thể làm bé bị bệnh. Trái lại, cho bé ăn một hoặc hai viên mỗi ngày sẽ giúp bé có một trải nghiệm thú vị trong một thời gian lâu dài hơn.
Có quan niệm sai lầm cho rằng tự do nghĩa là thoải mái làm theo ý muốn cá nhân của mình. Nhưng thực tế cuộc sống cho thấy “tự do” kiểu đó thường dẫn đời sống con người tới sự bất ổn. Trong rất nhiều trường hợp, tính thiếu kỷ luật đã cản trở con người thành công.
Tự do không đến từ sự tận hưởng trọn vẹn điều mình muốn mà là kiểm soát được mong muốn đó.
- Epictetus
Một cậu bé đi thả diều với bố, cậu hỏi bố điều gì đưa diều lên cao. Bố cậu bảo: “Là sợi dây con ạ”. Cậu con trai nói: “Bố, rõ ràng là sợi dây đang kéo diều xuống cơ mà!”. Bố bảo con quan sát rồi ông lấy kéo cắt đứt sợi dây. Ngay lập tức cánh diều chao đảo rồi sa xuống đất.
Trong cuộc đời cũng vậy, đôi khi chính những yếu tố ta cho rằng kìm hãm mình, lại là yếu tố giúp chúng ta bay cao. Đó chính là bản chất cốt lõi của kỷ luật.
Tôi muốn được tự do!
Bạn có thể nghe câu nói này ở bất cứ đâu. Hãy thử tưởng tượng, nếu bạn đưa xe lửa ra khỏi đường ray, nó được tự do, nhưng nó sẽ đi đâu? Tương tự, nếu mỗi người đều có thể đưa ra những quy luật giao thông của riêng mình và lái xe bất cứ chỗ nào mình thích thì đường sá sẽ ra sao?
Thật vậy, con người tự do nhất là khi biết tuân thủ các nguyên tắc, kỷ luật một cách tự giác.
Kỷ luật xuất phát từ tình yêu thương
Trong các buổi hội nghị chuyên đề, tôi thường hỏi thính giả rằng: “Nếu con bạn sốt cao và không muốn đi bác sĩ, bạn sẽ làm gì?”. Họ thường trả lời rằng họ sẽ cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ cho dù đứa trẻ kháng cự. Tại sao? Vì đó là việc làm tốt nhất cho con lúc bấy giờ.
Một vị quan tòa trước khi tuyên án người đàn ông nọ tội ăn cướp đã hỏi anh ta có điều gì cần nói không. Người đàn ông đáp: “Vâng thưa quý tòa. Xin hãy bỏ tù bố mẹ tôi luôn ạ.” Quan tòa hỏi: “Tại sao?”. Người đàn ông ấy đáp: “Khi tôi còn bé, tôi ăn cắp một cây viết chì ở trường học, bố mẹ tôi biết chuyện này mà chẳng nói tiếng nào. Sau đó, tôi lấy một cây viết mực của người khác, họ cũng phớt lờ đi. Tôi tiếp tục ăn cắp nhiều thứ khác ở trường và hàng xóm cho đến khi trở thành một kẻ cướp thật sự. Nếu có người đồng hành với tôi trong tù, đó phải là bố mẹ tôi”.
Thật vậy, mặc dù không chối bỏ tội ăn cắp của mình, nhưng câu nói của anh ta khiến nhiều bậc cha mẹ phải suy nghĩ lại cách dạy dỗ con cái của mình.
Cho con lựa chọn là điều quan trọng, nhưng chọn lựa sai lầm chỉ đưa đến những tai họa. Chuẩn bị tinh thần và thể chất chu đáo là kết quả của sự hy sinh và tính kỷ luật tự giác.
Chúng ta cũng có thể học hỏi điều này từ đời sống tự nhiên. Chẳng hạn như ở loài hươu cao cổ. Hươu mẹ sinh con ở tư thế đứng. Từ mặt lót mềm mại của tử cung mẹ, hươu cao cổ con bị rơi xuống nền đất cứng, chú ta cứ thế ngồi bệt ra đất. Điều đầu tiên hươu mẹ làm là ra phía sau con mình và đá nó một cái thật mạnh. Hươu con đứng dậy, nhưng chân chú yếu ớt, loạng choạng và lại quỵ xuống. Hươu mẹ lại ra phía sau và đá thêm cú nữa. Hươu con đứng lên rồi lại ngồi xuống. Cứ thế, hươu mẹ sẽ đá liên tục cho đến khi hươu con đứng được và bắt đầu bước đi. Tại sao? Vì hươu mẹ biết rằng cơ hội sống sót duy nhất cho con mình là nó phải sử dụng tốt đôi chân của nó – nếu không nó sẽ bị các động vật săn mồi khác ăn thịt.
Vậy hành động của hươu mẹ có phải xuất phát từ tình yêu thương không? Chắc chắn là như thế.
Hãy nghĩ xem, nếu không có kỷ luật thì:
• Thuyền trưởng có thể điều hành con tàu một cách đúng hướng không?
• Vận động viên có thể chiến thắng không?
• Nghệ sĩ violin có thể chơi tốt trong buổi hòa nhạc không?
Câu trả lời cho mỗi câu hỏi trên dĩ nhiên là “không!”.
Tôi từng nghe không ít vị phụ huynh bảo rằng: “Tôi không quan tâm con tôi làm gì, miễn điều đó làm chúng vui là được”. Tôi hỏi lại: “Chẳng lẽ anh/ chị không muốn biết điều gì làm chúng vui hay sao? Nếu việc hành hung người khác trên phố hoặc lấy trộm đồ của ai đó là một trong những thú vui của chúng thì anh/chị nghĩ sao?”.
Việc tạo dựng hạnh phúc cho bản thân như thế nào và ở đâu cũng quan trọng như chính hạnh phúc vậy. Đó là kết quả những giá trị nhân phẩm, tính kỷ luật và trách nhiệm của mỗi chúng ta.
Có thể bạn từng nghe đâu đó câu nói rằng hãy “làm điều bạn thích”. Thực ra, nói ngược lại cũng đúng: “Hãy thích điều bạn làm”. Có những lúc ta cần làm điều nên làm cho dù ta không thích chăng nữa.
Những đứa trẻ bị bỏ mặc sẽ tự lượm lặt bất kỳ giá trị nào chúng có thể học được từ bạn bè và phương tiện truyền thông.
- Đặc san của Hiệp hội Gia đình Hoa Kỳ
Một bà mẹ nọ về nhà sau một ngày làm việc mỏi mệt, sau khi dọn dẹp nhà cửa, cho con cái ăn uống, tắm rửa xong, đến khi đi ngủ thì đã mệt lử. Nửa đêm, bé khóc, người mẹ ấy vẫn phải dậy, vì ba lý do sau:
• Tình thương
• Bổn phận
• Trách nhiệm
Chúng ta không thể sống chỉ bằng cảm xúc. Ta cần sống có kỷ luật, dù ở tuổi nào đi nữa. Thành công trong đời chỉ đến khi ta không đầu hàng, mà làm được chuyện cần được làm. Điều đó đòi hỏi tính kỷ luật.
Đừng gán cho trẻ những tên gọi tiêu cực
Không ít phụ huynh hay gọi bông đùa con mình là “đồ ngốc” và “đồ đần”. Những kiểu gán ghép như vậy sẽ ám ảnh cuộc đời đứa trẻ, khi trưởng thành chúng sẽ chứng minh rằng những điều bố mẹ mình nói là đúng. Những cách gán ghép như vậy không chỉ dính chặt với cuộc đời một người mà cả nhiều thế hệ. Hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ là một minh chứng cho sự tổn thương mà những cách gọi ấy gây ra. Đẳng cấp cao hay thấp chẳng qua chỉ là cách gọi gán ghép mà thôi.
Những câu nói khiến đứa trẻ cảm thấy bị bẽ mặt như:
• Con ngu quá.
• Con chẳng bao giờ làm đúng chuyện gì cả.
• Con chẳng được tích sự gì.
Dạy con những giá trị đúng đắn
Đôi lúc, vì vô tình mà người lớn hoặc cấp trên truyền lại cho trẻ hay cho nhân viên của mình cách ứng xử sai trái. Ví dụ, ta bảo con hoặc nhân viên nói dối giùm mình, như:
• Nói với họ bố/mẹ không có ở nhà.
• Nói với họ ngân phiếu đã chuyển qua thư rồi.
Từ những lời nói dối nhỏ nhặt có thể khiến người ta trở thành kẻ nói dối chuyên nghiệp. Khi ta dạy người khác nói dối, sẽ có ngày họ nói dối với chính chúng ta. Ví dụ, cô thư ký gọi điện thoại báo bệnh trong khi thực ra cô muốn nghỉ làm để đi mua sắm vào dịp khuyến mãi. Có thể chính ông chủ là người đã tạo điều kiện để cô thực hành đủ để trở thành một “chuyên gia” trong việc nói dối.
CÁC BƯỚC XÂY DỰNG SỰ ĐÁNH GIÁ TÍCH CỰC VỀ BẢN THÂN
1. Biến vết sẹo thành ngôi sao
Tìm hiểu lịch sử cuộc đời những người đã biến điều tiêu cực thành tích cực, nghịch cảnh thành lợi thế, vật cản thành bàn đạp, bạn sẽ thấy họ là người không để sự thất vọng và thất bại làm nhụt chí.
Trong số những con người ấy, không thể không kể đến Beethoven – một thiên tài âm nhạc nhưng lại bị khiếm thính; một Milton với những vần thơ bất diệt về cảnh sắc thiên nhiên nhưng lại bị khiếm thị. Và một Franklin D. Roosevelt - Tổng thống Hoa Kỳ, một nhà lãnh đạo vĩ đại của thế giới - phụng sự đất nước và dân tộc trên chính chiếc xe lăn của mình.
Câu chuyện về Wilma Rudolph
Wilma Rudolph chào đời trong một gia đình nghèo ở tiểu bang Tennessee. Năm bốn tuổi, bà vừa bị viêm phổi, vừa bị sốt ban đỏ, hai căn bệnh cùng lúc khiến bà mắc chứng bại liệt. Bà phải đi nạng và bác sĩ bảo bà sẽ không bao giờ đi được trên chính đôi chân của mình. Nhưng nhờ có sự động viên của mẹ, Wilma đã nuôi khát vọng trở thành người phụ nữ chạy nhanh nhất trên đường đua thế giới.
Lên chín tuổi, bất chấp lời khuyên của bác sĩ, Wilma đã tháo nạng ra và tập đi bước đầu tiên, điều mà bác sĩ dự đoán bà sẽ chẳng bao giờ làm được. Năm 13 tuổi, Wilma tham gia cuộc đua đầu tiên và về chót. Sau đó Wilma tham gia cuộc đua thứ hai, thứ ba, thứ tư và vẫn về chót… Cho đến một ngày, bà về nhất.
Năm 15 tuổi, Wilma tới trường đại học tiểu bang Tennessee, ở đó bà đã gặp được huấn luyện viên Ed Temple. Bà nói với vị huấn luyện viên này rằng: “Tôi muốn là người phụ nữ chạy nhanh nhất trên đường đua thế giới”. Temple bảo: “Với tinh thần của cô, sẽ không ai có thể ngăn được quyết tâm ấy. Tôi sẽ giúp cô”.
Đến ngày tham dự Thế vận hội Olympic – nơi hội tụ của những gương mặt xuất sắc – Wilma được sắp xếp tranh tài với một phụ nữ tên là Jutta Heine, người chưa bao giờ bị đánh bại. Tại cuộc đua chạy 100 mét, Wilma đã đánh bại Jutta Heine và đoạt huy chương vàng đầu tiên cho mình. Tiếp đến ở cuộc đua 200 mét, một lần nữa Wilma lại giành thắng lợi trước Jutta và đoạt huy chương vàng thứ hai. Đến cuộc thi chạy tiếp sức 400 mét, Wilma lại thi đấu với Jutta. Trong cuộc chạy tiếp sức này, người nhanh nhất sẽ chạy vòng cuối cùng và là niềm hy vọng của cả đội.
Người đầu tiên chạy và truyền lệnh cho nhau một cách dễ dàng, khi đến lượt Wilma, bà đánh rơi lệnh truyền. Nhưng khi thấy Jutta lao nhanh ở phía bên kia; Wilma liền nhặt truyền lệnh lên, chạy như bay, đánh bại Jutta lần thứ ba và giành huy chương vàng thứ ba cho mình. Tất cả đã đi vào lịch sử. Người phụ nữ bại liệt đã trở thành người phụ nữ chạy nhanh nhất thế giới tại Thế vận hội Olympic năm 1960.
Nghị lực phi thường ở Wilma chính là bài học cho mỗi chúng ta. Con người ấy đã dạy chúng ta rằng người thành công là người giành thắng lợi bất chấp những trở ngại, chứ không phải họ thành công vì không gặp trở ngại.
2. Học hỏi điều mình chưa biết
Giáo dục dạy ta điều nên làm và không nên làm.
Tôi đang tìm những người có năng lực vô hạn và tin rằng không có điều gì là không thể làm được.
- Henry Ford
Không được học nhiều, và thực tế chỉ học tới năm 14 tuổi, nhưng Henry Ford là người đã mang chiếc V8 đến cho thế giới. Trước đó, khi ông yêu cầu tất cả những nhân viên có trình độ học vấn và chuyên môn cao của hãng Ford thiết kế chiếc V8 theo ý mình, họ đều lắc đầu khẳng định không thể. Nhưng Henry Ford vẫn nhất mực muốn có chiếc V8. Vài tháng sau ông lại hỏi nhân viên đã có chiếc V8 chưa, họ đáp: “Chúng tôi biết điều gì là có thể và điều gì là không thể. Chiếc V8 là một trong những điều không thể”. Không bỏ cuộc, nhiều tháng liền sau đó Henry Ford vẫn hối thúc họ nghiên cứu: “Tôi muốn có chiếc V8 của mình”. Và một thời gian ngắn sau đó, chính những người từng nói “không thể” đã phải reo lên sung sướng trước sự ra đời của động cơ V8.
Tại sao lại có được điều này? Đó là do họ đã để trí tưởng tượng của mình thoát khỏi những rào cản của kiến thức sách vở học thuật. Giáo dục dạy chúng ta những điều có thể làm, nhưng đôi khi nó cũng đặt ra cho chúng ta những giới hạn sai lầm.
Câu chuyện về loài ong nghệ
Theo các nhà khoa học, thân của ong nghệ quá nặng và sải cánh lại quá ngắn nên nó không thể nào bay được. Nhưng ong nghệ vốn không biết điều đó và vẫn cứ tung tăng bay lượn.
Khi không biết giới hạn của mình, bạn sẽ vượt lên và làm chính mình ngạc nhiên. Giới hạn duy nhất con người có là những giới hạn tự áp đặt cho mình. Đừng để học vấn đặt ra giới hạn cho bạn.
3. Giúp đỡ người khác
Tiến sĩ Karl Menninger - nhà tâm lý học nổi tiếng thế giới, có lần được hỏi như sau: “Với một người đang bị suy sụp tinh thần, ông sẽ khuyên họ điều gì?”. Người hỏi chắc mẩm Tiến sĩ sẽ khuyên người ấy đi gặp chuyên gia tư vấn. Nhưng không, câu trả lời của ông là: “Tôi sẽ khuyên người ấy đi tới phía bên kia thành phố, tìm một người đang trong hoàn cảnh khốn cùng và giúp người ấy. Bằng cách làm này, anh ta sẽ thoát ra khỏi sự bế tắc của mình”.
Thật vậy, rất nhiều lần chúng ta mắc kẹt trên chính đường đi của mình, Những lúc như vậy, hãy làm một người tình nguyện. Điều này sẽ tạo nên giá trị bản thân. Giúp người khác như mình mong đợi ai đó giúp mình sẽ đưa lại cho bạn cảm giác mãn nguyện. Quá trình cho đi không chút kỳ vọng hoặc mong muốn nhận lại bất cứ điều gì sẽ làm gia tăng sự đề cao bản thân.
4. Học cách cho và nhận lời khen
Đừng bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để khen ngợi người khác một cách chân thành. Hãy nhớ, điều quan trọng chính là sự chân thành. Khi người khác tặng bạn lời khen, hãy đón nhận một cách lịch thiệp và thanh nhã bằng hai từ “Cảm ơn”. Đó là dấu hiệu của sự khiêm tốn.
5. Dám nhận trách nhiệm
Ta cần biết nhận trách nhiệm về hành vi và những việc làm của mình, tránh xin lỗi, viện cớ.
Đặc ân của ta có thể không nằm ngoài bổn phận cá nhân. Bảo vệ lẽ phải có thể không gì khác hơn thi hành trách nhiệm của mình.
- John F. Kennedy
Chỉ biết viện cớ, ta sẽ chẳng bao giờ tiến bộ được.
Mỗi người trong chúng ta có trách nhiệm với:
• Bản thân
• Gia đình
• Công việc
• Xã hội
• Môi trường
Nếu tuổi thọ trung bình của con người là 75 tuổi và hiện giờ bạn đang ở tuổi 40, vậy là bạn còn 365 ngày x 35 năm để sống tiếp. Hãy tự hỏi: “Mình sẽ làm gì với khoảng thời gian này?”. Khi nhận hay gánh vác thêm trách nhiệm, bạn sẽ làm cho bản thân mình tăng thêm giá trị.
6. Thực hành kỷ luật
Kỷ luật tự giác không giết chết niềm vui mà tạo ra niềm vui. Trong cuộc sống, không ít người có tài và có khả năng nhưng lại không thành công. Họ vỡ mộng và cũng từ đó ảnh hưởng xấu đến công việc, sức khỏe và mối quan hệ với người khác. Họ bất mãn và đổ lỗi cho số phận mà không hiểu rằng vấn đề phát sinh chính từ việc bản thân mình sống thiếu kỷ luật.
7. Thiết lập mục tiêu
Mục tiêu được thiết lập rõ ràng cho ta cảm giác có phương hướng, cảm giác thành đạt khi đạt được mục tiêu của mình. Quan trọng hơn mục tiêu là ý thức về mục đích và tầm nhìn. Chúng tạo nên ý nghĩa và sự mãn nguyện trong cuộc sống.
Kết quả khi đạt được mục tiêu không quan trọng bằng việc ta trở thành người như thế nào. Chính quá trình trưởng thành ấy cho ta cảm giác tốt đẹp. Đó là bản chất cốt lõi của sự nhận thức bản thân.
Khi thiết lập mục tiêu, ta cần phải thực tế. Mục tiêu quá cao sẽ khó lòng đạt được, từ đó dễ dẫn đến cái nhìn tiêu cực về bản thân. Ngược lại, mục tiêu quá thấp sẽ làm lãng phí năng lực. Mục tiêu thiết thực sẽ khích lệ tinh thần và xây dựng ý thức cao về bản thân.
8. Kết giao với người có đời sống tinh thần tốt đẹp
Hãy kết giao với người có phẩm chất tốt nếu bạn coi trọng danh tiếng của mình, vì chẳng thà một mình còn hơn ở bên bạn xấu.
- George Washington
Áp lực trang lứa và tình bạn
Áp lực trang lứa cũng là một trong những ảnh hưởng tiêu cực. Những lời trách cứ kiểu như: “Anh không phải là bạn của tôi sao?” là một trong những câu nói thường gặp trong cuộc sống.
Đừng quên rằng, người bạn chân thành là người không bao giờ muốn thấy bạn mình bị tổn thương. Nếu thấy bạn mình đã quá chén, tôi sẽ đi bộ và không để anh ấy lái xe, tôi thà mất đi một tình bạn còn hơn mất đi một người bạn.
Thoạt đầu, có thể áp lực trang lứa là thử thách của tình bạn. Họ ở đâu khi bạn gặp rắc rối? Họ sẽ giúp bạn ra sao? Và câu hỏi lớn nhất là: Nếu hôm nay họ không có nghị lực thì làm sao ngày mai họ có được nghị lực để giúp bạn? Kết giao với người có bản tính tốt đẹp sẽ giúp bạn xây dựng nhận thức tốt về bản thân.
Khi khao khát hòa đồng mãnh liệt hơn khao khát bảo vệ lẽ phải thì lúc đó nghị lực và sự can đảm không còn ở vị trí ưu tiên. Xuôi theo số đông là con đường an toàn, làm cho bạn bè trang lứa vui vẻ, bản thân cũng tránh được nguy cơ bị “lạc loài”, nhưng đó cũng là con đường khiến người ta dễ đánh mất bản thân.
Ví dụ:
• Học sinh nghe theo bạn bè vì không muốn bị chế giễu.
• Sinh viên không trả lời vì e người khác cười chê.
• Công nhân nhà máy duy trì năng suất làm việc thấp để đồng nghiệp được vui vẻ.
9. Xây dựng nội lực bản thân
Chẳng hạn, nếu một ngày có người đứng cạnh giường tôi và nói rằng: “Anh là một người thật tuyệt vời và tôi thật vinh dự khi được là bạn của anh”. Cảm giác của tôi lúc đó sẽ thế nào? Chắc chắn là sẽ thật tuyệt. Nhưng hôm sau, người ấy lại nhấc điện thoại lên trách móc một cách vô cớ rằng: “Này, thằng ranh, đồ gian lận, lừa đảo! Mày là tên bịp bợm nhất trên đời”. Cảm giác của tôi sẽ ra sao? Có thể tôi sẽ bị sốc.
Khi để điều đó xảy ra nghĩa là tôi đang cho phép người khác kiểm soát cuộc đời mình, và rằng tôi đang bị những yếu tố bên ngoài tác động, chi phối.
Ngược lại, nếu trước những lời khen ngợi hoặc chỉ trích, tôi vẫn giữ được sự bình thản nghĩa là tôi đang giữ trong mình một nguồn nội lực và niềm tin vào bản thân.
Không ai có thể làm bạn trở nên thấp kém nếu không có sự cho phép của bạn.
- Eleanor Roosevelt
Có câu chuyện kể về một nhà thông thái Ấn Độ bị một khách qua đường lăng nhục. Nhà thông thái bình thản lắng nghe cho đến khi người kia cạn lời. Rồi ông hỏi: “Nếu món quà cho đi mà không được nhận, thì nó thuộc về ai?”. Người đàn ông đáp: “Thuộc về người đã cho chứ ai nữa!”. Nhà thông thái nói: “Tôi từ chối nhận quà tặng của ông” rồi bỏ đi, để lại người đàn ông trong sự sững sờ.
Nếu chỉ biết đổ lỗi cho những nguyên nhân bên ngoài, nỗi khổ của chúng ta sẽ kéo dài chẳng bao giờ dứt và ta sẽ cảm thấy bất lực. Nếu không nhận trách nhiệm về cảm xúc và hành vi của mình, ta không thể nào thay đổi. Bước đầu tiên, hãy tự hỏi:
• Tại sao mình bực tức?
• Tại sao mình giận dữ?
• Tại sao mình đau buồn?
Rồi sau đó bắt đầu tìm nguyên nhân khắc phục. Hạnh phúc là kết quả của việc đánh giá bản thân một cách tích cực. Nếu bạn hỏi người khác điều gì khiến họ hạnh phúc, bạn sẽ nhận được rất nhiều lời đáp khác nhau. Thường thì người ta sẽ liệt kê nhu cầu vật chất, nhưng thực ra không phải vậy. Hạnh phúc đến từ sự tồn tại chứ không phải sự chiếm hữu. Người ta có thể có mọi thứ trong đời mà vẫn không hạnh phúc và ngược lại.
Hạnh phúc nằm trong tâm hồn, nó cũng giống như cánh bướm kia. Nếu bạn đuổi theo, nó sẽ bay mất. Nhưng nếu bạn đứng yên, nó sẽ tìm đến và đậu trên vai bạn.
10. Khai mở tâm trí, tìm đến niềm vui
Sự cay đắng là dấu hiệu thất bại tinh thần. Nó làm tê liệt khả năng thực hiện việc tốt của chúng ta. Hãy đặt ra cho mình một lối sống tích cực. Thành thật với chính mình. Cạnh tranh với chính mình. Hãy:
• Tìm những điểm tích cực trong mọi người và trong mọi tình huống.
• Sống lạc quan.
• Giữ lập trường trước những lời chỉ trích.
• Biết tìm niềm vui trong những điều nhỏ nhặt.
• Đừng quên thăng trầm là lẽ tất yếu của cuộc đời.
• Tận dụng tốt nhất mọi tình huống.
• Giúp người kém may mắn hơn mình.
• Học cách cho qua mọi chuyện, không suy nghĩ ủ ê.
• Tha thứ cho bản thân và người khác, không để mặc cảm tội lỗi hoặc sự thù hằn đeo bám.
11. Đưa ra những đề xuất tích cực về bản thân
Tập thói quen hình thành những đề xuất tích cực về bản thân. Những đề xuất này sẽ góp phần thay đổi hệ thống niềm tin của bạn qua sự ảnh hưởng của tiềm thức. Hành vi phản ánh hệ thống niềm tin của mỗi người. Do vậy, đề xuất về bản thân cũng ảnh hưởng hành vi thông qua hệ thống niềm tin. Nó trở thành những dự báo do chính mình thực hiện. Ví dụ:
• Tôi có thể xử lý chuyện đó.
• Tôi có thể làm chuyện đó.
• Tôi giỏi toán.
• Tôi có trí nhớ tốt.
Ưu điểm có thể bị biến thành nhược điểm bất cứ lúc nào
Bất kỳ ưu điểm nào khi mở rộng một cách quá mức đều có thể bị biến ngược trở lại. Ví dụ, kỹ năng giao tiếp là một ưu điểm của người bán hàng. Nhưng nếu nói quá nhiều, quá vồn vã đôi khi lại khiến khách hàng nghi ngại và bỏ đi.
Hoặc lắng nghe cũng là một ưu điểm. Nhưng chỉ biết im lặng lắng nghe thì không đủ, mà bên cạnh sự lắng nghe còn phải biết chia sẻ.
Điểm yếu cũng có lúc trở thành điểm mạnh
Giận dữ là một điểm yếu, nhưng cũng có khi nó lại chứa đựng sức mạnh to lớn. Trong tiếng Anh, từ “mad” nghĩa là “giận dữ”, nhưng nó cũng đồng âm với tên một tổ chức viết tắt là MADD (Mothers Against Drunk Driving, tức Hội những người mẹ chống lại việc lái xe khi say rượu). Hiệp hội này xuất phát từ sự “nổi giận” của một người phụ nữ nọ. Chị đã mất đứa con thân yêu do một tài xế say rượu gây tai nạn. Cũng từ đó, chị kêu gọi người dân trên khắp nước Mỹ đấu tranh chống lại việc lái xe khi say rượu và gây ra những hậu quả đáng tiếc. Cùng với tổ chức của mình và hàng ngàn hội viên, cuối cùng chị cũng đã thành công với nỗ lực khiến Quốc hội thay đổi các điều luật. Như vậy, từ một cảm xúc tưởng như tiêu cực là sự giận dữ, người phụ nữ ấy đã biến nó thành việc làm tích cực và đề xuất ra cách giải quyết vấn đề.
12. Rèn luyện tính kiên nhẫn
Kiên nhẫn tạo ra sự tự tin, quyết đoán và quan điểm sống đúng đắn. Những điều đó mang lại thành công.
- Brian Adams
Ở Trung Quốc có giống tre, cho dù người trồng có tưới nước và bón phân trong bốn năm đầu, nó cũng không có dấu hiệu phát triển. Nhưng sang đến năm thứ năm, cây lại tăng trưởng vượt bậc, cao thêm 24 mét trong vòng sáu tuần. Vậy loài tre ấy lớn lên trong sáu tuần hay nó mất tới năm năm mới phát triển? Nếu trước đó không được tưới nước, bón phân đầy đủ thì liệu nó có thể sinh trưởng tốt vào năm thứ năm hay không? Không. Cây tre sẽ chết.
Bài học rất rõ ràng: Hãy giữ cho mình sự kiên nhẫn, niềm tin vào những việc làm mà mình thấy là đúng đắn dù kết quả có thể chưa nhìn thấy, nhưng chắc chắn nó vẫn đang diễn ra một sự thay đổi tốt đẹp nào đó.
Lưu ý: Đừng lẫn lộn giữa kiên nhẫn và lười biếng. Thực tế, có những người lười biếng nhưng lại cho rằng mình đang kiên nhẫn chờ đợi.