Xây dựng thái độ tích cực
Có một chàng trai kiếm sống bằng nghề bán bong bóng ngoài chợ. Hàng của anh đủ mọi sắc màu: xanh, đỏ, tím, vàng... Mỗi khi ế ẩm, anh thường thả lên không trung một quả bong bóng căng tròn. Nhìn bóng bay trên cao, trẻ con lại xúm xít tới mua. Hàng của anh lại đông khách trở lại. Cứ thế, mỗi khi vắng khách, anh lại tiếp tục thả bong bóng. Một hôm, thấy có người kéo áo mình, anh quay lại, thì ra đó là một chú nhóc da đen. Cậu bé tần ngần hỏi: “Nếu chú thả bong bóng màu đen thì nó cũng bay ạ?”. Vẻ ngây thơ và sự băn khoăn của cậu bé khiến anh thấy thương cảm. Anh mỉm cười đáp: “Cậu bé à, quả bóng bay được không phải do màu sắc, mà là do chất khí bên trong nó”.
Nguyên lý ấy cũng đúng trong cuộc sống chúng ta: Thực chất mới quyết định vấn đề. Thực chất giúp ta thăng hoa trong đời chính là thái độ của mình. Triết gia, nhà tâm lý học William James (1842 – 1910) từng nói: “Khám phá lớn nhất của thế hệ chúng tôi là con người có thể thay đổi đời mình thông qua việc thay đổi thái độ”.
THÁI ĐỘ CỦA BẠN GÓP PHẦN VÀO THÀNH CÔNG
Nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy người ta tìm được việc làm hoặc được thăng chức, 85% là nhờ thái độ của họ, chỉ có 15% là do trí thông minh và kiến thức thực tiễn. Trong khi đó, gần như 100% tiền bạc được đầu tư vào việc giảng dạy kiến thức thực tiễn - điều chỉ đảm bảo được 15% khả năng thành công trong cuộc sống. Quả là đáng ngạc nhiên!
Hầu như toàn bộ nội dung cuốn sách You caN WiN - Bí quyết của người chiến thắng bàn về 85% khả năng thành công còn lại. Thái độ là yếu tố quan trọng trong mọi lĩnh vực cuộc sống, từ đời tư cho đến công việc. Giám đốc có thể làm tốt nhiệm vụ của mình không nếu không có thái độ tốt? Học sinh có thể học giỏi không nếu không có thái độ tích cực? Bố mẹ, thầy cô, người bán hàng, thủ trưởng, hoặc nhân viên có thể hoàn thành tốt vai trò được giao hay không nếu thiếu thái độ đúng đắn?
Trong bất cứ lĩnh vực nào chăng nữa thì nền tảng của thành công vẫn là thái độ.
Một khi thái độ là nhân tố quan trọng đối với thành công như vậy, chúng ta cũng nên xem xét lại thái độ của mình đối với cuộc sống, tự hỏi nó ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu đời mình?
Cánh đồng kim cương
Hafiz là một nông dân châu Phi, anh sống vui vẻ và bằng lòng với cuộc sống của mình. Một ngày kia, có người đàn ông lịch duyệt ghé qua nhà anh và kể chuyện về kim cương, về sự giàu sang và quyền lực mà nó mang lại. Người đàn ông nọ cho anh biết rằng: “Chỉ cần viên kim cương to bằng ngón tay cái thôi là anh đủ sức mua nguyên một thành phố. Còn nếu kim cương lớn như nắm tay, chắc chắn anh sẽ làm chủ cả một vương quốc”. Đêm đó, Hafiz không tài nào chợp mắt. Anh buồn rầu và bất mãn - buồn vì không có được thứ mình muốn và bất mãn vì biết mình không thể vui vẻ như trước.
Sáng hôm sau Hafiz thu xếp bán nông trại, nhờ người chăm lo gia đình rồi lên đường tìm kiếm kim cương. Anh đi khắp châu Phi nhưng tuyệt nhiên không thấy có. Sang cả châu Âu cũng vậy. Khi đến Tây Ban Nha, cả tâm hồn lẫn thể xác và tiền bạc của anh đều kiệt quệ. Anh nản lòng gieo mình xuống sông Barcelona tự vẫn.
Ở quê nhà, người mua lại trang trại của Hafiz thường dẫn lũ lạc đà ra tắm ở dòng suối chảy ngang trước nhà. Phía bờ đối diện, ánh mặt trời chiếu vào một viên đá sáng long lanh như cầu vồng bảy sắc. Anh nghĩ để viên đá ấy trang trí phòng khách cũng hay. Thế là anh đem về nhà và đặt trên bệ lò sưởi. Chiều đó, người đàn ông từng trải năm xưa lại ghé qua và thấy viên đá lấp lánh. Ông hỏi: “Hafiz về rồi à?”. Người chủ mới đáp: “Không, sao bác lại hỏi vậy?”. Ông đáp: “Vì đây là kim cương chứ sao nữa. Mới nhìn là ta nhận ra ngay”. Anh nông dân thật thà bảo: “Không phải, đó chỉ là hòn đá cháu nhặt ở bờ suối thôi mà. Để cháu chỉ bác xem. Còn nhiều lắm”. Họ cùng ra suối nhặt vài viên rồi gửi đi phân tích. Đương nhiên, chúng là kim cương. Cuối cùng họ phát hiện trang trại quả thật là một mỏ kim cương.
Ý nghĩa của câu chuyện
1. Khi có thái độ đúng, ta sẽ thấy mình đang đi trên cánh đồng kim cương. Cơ hội luôn ngay đâu đó bên cạnh ta, chẳng cần tìm kiếm đâu xa.
2. Người ta thường đứng núi này trông núi nọ.
Khi ta ngắm nhìn ngọn núi bên cạnh, cũng có người thèm thuồng chỗ đứng của ta và sẵn sàng đổi chỗ.
3. Người không biết cách nhận ra cơ hội thường hay than phiền về tiếng ồn khi cơ hội gõ cửa.
4. Thường con người chỉ nhận thấy cơ hội khi chúng đã rời bỏ mình hơn khi chúng tìm đến.
5. Cơ hội chỉ gõ cửa một lần. Cơ hội tiếp theo có thể tốt hoặc xấu hơn, nhưng không có cơ hội nào như nhau cả. Vì vậy cần biết lựa chọn đúng lúc. Quyết định hợp lý tại thời điểm không thích hợp sẽ trở thành quyết định sai.
Chàng tí hon David và kẻ khổng lồ
Kinh Thánh có câu chuyện kể về David và Goliath. Goliath là tên khổng lồ khiến mọi người đều kinh hãi. Một hôm, chàng chăn cừu trẻ tuổi David đến thăm người anh trai, thấy mọi người đều sợ Goliath nên hỏi: “Sao mọi người không đứng lên đánh lại hắn?”. Vì rất sợ Goliath mọi người đều nói: “Em không thấy hắn quá to lớn và chúng ta sẽ chẳng thể nào chọi nổi sao?”. David điềm nhiên bảo: “Không, chính vì hắn quá to nên hắn khó mà né tránh sự tấn công của ta”. Phần còn lại thì bạn đã rõ. David hạ gục kẻ khổng lồ chỉ bằng giàn ná. Cùng nhìn một gã khổng lồ, nhưng giữa họ lại có những nhận thức khác nhau.
Thái độ quyết định cách nhìn nhận trở ngại của mỗi chúng ta. Với những người suy nghĩ tích cực, thái độ sẽ trở thành một tấm ván giậm nhảy, tạo đà đưa họ đến thành công. Ngược lại, với những người luôn suy nghĩ tiêu cực, thái độ sẽ trở thành chướng ngại vật khó mà vượt qua. Vì vậy, có thể nói, mọi vấn đề đều ẩn chứa cả cơ hội lẫn khó khăn.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA THÁI ĐỘ TRONG MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC
Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao một số cá nhân, tổ chức hay quốc gia lại có được những thành công vượt bậc như vậy không?
Câu trả lời là: chẳng có gì bí mật cả. Họ thành công vì họ có cách suy nghĩ và hành động hiệu quả hơn, cụ thể là họ biết đầu tư vào tài sản giá trị nhất của mình – nguồn nhân lực.
Mỗi khi có dịp nói chuyện với các giám đốc điều hành ở những tập đoàn lớn trên thế giới, tôi đều hỏi: “Đâu là phép màu đem lại lợi thế cạnh tranh trên thương trường, nâng cao năng suất và lợi nhuận?”. Và câu trả lời tôi nhận được luôn là: Hãy thay đổi thái độ làm việc của nhân viên. Khi có thái độ làm việc tốt, nhân viên sẽ có tinh thần hợp tác tốt, giảm lãng phí và gắn bó với tổ chức hơn. Khi đó, công ty sẽ là một môi trường làm việc tuyệt vời.
Thực tế cho thấy nhân lực chính là nguồn tài sản quý giá nhất của bất cứ doanh nghiệp nào. Nhưng thật đáng tiếc khi nhân lực cũng là nguồn tài nguyên bị lãng phí nhiều nhất.
Con người có thể là tài sản hoặc cũng có thể là món nợ lớn nhất.
TQP – TOTAL QUALITY PEOPLE (Nhân lực hội đủ chất lượng)
Từng tham dự nhiều chương trình tập huấn về dịch vụ khách hàng, kỹ năng bán hàng và hoạch định chiến lược, tôi nhận thấy rằng hầu hết những chương trình đó sẽ không mấy hiệu quả nếu không quan tâm đúng mức đến TQP. Vậy TQP là gì?
TQP là ký tự viết tắt của Total Quality People tức Nhân lực hội đủ chất lượng. Điều này cần người lao động có đủ năng lực, đạo đức và thái độ làm việc tốt.
Quả thực, những chương trình tập huấn hay đào tạo là điều cần thiết, nhưng chúng chỉ thực sự hiệu quả khi có nền tảng là Nhân lực hội đủ chất lượng. Chẳng hạn, một vài chương trình đào tạo về dịch vụ khách hàng khuyên thành viên tham dự nói “làm ơn” và “cảm ơn” đồng thời mỉm cười, bắt tay khách hàng. Nhưng thực tế thì nụ cười ấy sẽ duy trì được bao lâu nếu nhân viên không nhiệt tình phục vụ? Đấy là chưa kể, nụ cười giả tạo thường sớm bị lộ tẩy và càng khiến người khác khó chịu hơn.
Có một câu chuyện về một người đến gặp triết gia nổi tiếng của Pháp - Blaise Pascal và trầm trồ bảo: “Nếu có được bộ óc như ngài, tôi sẽ thành người giỏi hơn!”. Pascal đáp: “Là người giỏi hơn rồi anh sẽ có được bộ óc như tôi”.
Thước đo giá trị của những tổ chức danh tiếng không phải là đồng lương và điều kiện làm việc mà chính là cảm xúc, thái độ và mối quan hệ. Câu nói “Tôi không làm được” của nhân viên có thể bao hàm hai ý nghĩa: họ không biết cách làm hoặc không muốn làm. Nếu đó là không biết cách làm thì chỉ là vấn đề tập huấn kỹ thuật, nhưng nếu không muốn làm thì vấn đề khó khăn hơn nhiều, vì đó là về thái độ (họ không quan tâm), hoặc tư cách (họ cho rằng mình không nên làm việc ấy).
Tháp Calgary(*) có độ cao 190,8 mét, nặng 10.884 tấn, trong đó phần đế ngầm dưới đất là 6.349 tấn, tức chiếm gần 60% tổng trọng lượng. Điều này chứng tỏ những công trình vĩ đại đều có nền móng cực kỳ vững chắc. Tòa nhà lớn đứng trên móng vững, thành công cũng thế.
(*) Tháp Calgary: Tòa tháp trung tâm của thành phố Calnagy, thành phố lớn thứ 5 của Canada. Đứng trên tòa tháp này có thể nhìn bao quát cả thành phố.
Và nền móng đó chính là thái độ.
PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN TOÀN DIỆN
Không chỉ có sự kết hợp giữa tay chân, tai mắt, tim não, mà mỗi người chúng ta còn là một sự kết hợp hoàn hảo. Thực thể nguyên vẹn ấy đi làm và cũng nguyên vẹn thực thể ấy trở về nhà. Ta đem theo việc nhà đến cơ quan và ngược lại. Điều gì sẽ xảy ra khi ta đưa chuyện gia đình đến nơi làm việc? Mức độ stress sẽ tăng lên và năng suất suy giảm. Tương tự, những vấn đề gặp phải trong công việc cũng tác động đến gia đình và mọi khía cạnh của cuộc sống. Tất cả các vấn đề cá nhân, công việc cũng như xã hội đều có ảnh hưởng lẫn nhau.
NHÂN TỐ NÀO QUYẾT ĐỊNH THÁI ĐỘ?
Vậy thái độ thuộc về bẩm sinh hay được phát triển trong quá trình trưởng thành của con người? Những nhân tố nào góp phần hình thành thái độ ở chúng ta? Nếu vì những nguyên nhân nhất định nào đó khiến ta có cái nhìn tiêu cực đối với cuộc sống, liệu ta có thể thay đổi thái độ ấy không?
Câu trả lời là: Hầu hết thái độ của chúng ta được định hình qua những năm đầu đời.
Bên cạnh một số yếu tố bẩm sinh ảnh hưởng đến thái độ sống của chúng ta, còn có ba nhân tố bên ngoài quyết định sự hình thành thái độ. Đó là:
1. Môi trường (Environment)
2. Trải nghiệm (Experience)
3. Giáo dục (Education)
Cụ thể từng yếu tố như sau:
Môi trường
Môi trường bao gồm:
• Gia đình: có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực
• Trường học: áp lực từ các bạn đồng trang lứa
• Công việc: được cấp trên hỗ trợ hoặc ngược lại
Bị chỉ trích quá mức
• Phương tiện truyền thông: truyền hình, báo chí, truyền thanh, phim ảnh
• Nền tảng văn hóa
• Tôn giáo
• Truyền thống và niềm tin
• Môi trường xã hội
• Tư tưởng chính trị
Dù ở bất cứ đâu (ở nhà, cơ quan, hay quốc gia) đều có những nét văn hóa nhất định. Chẳng hạn: có những cửa hàng mà người quản lý cũng như nhân viên ở đó rất lịch sự, thân thiện, nhiệt tình, vui vẻ. Ngược lại, cũng có những cửa hàng nhân viên ứng xử bất nhã và hách dịch.
Tương tự, trong gia đình, có những gia đình cha mẹ và con cái cư xử với nhau gần gũi, yêu thương; lại cũng có những gia đình cha mẹ và con cái hành xử với nhau chẳng khác gì người xa lạ.
Quốc gia nào có chính phủ và môi trường chính trị trung thực, nhìn chung bạn sẽ thấy người dân rất đỗi lương thiện, ân cần và có ý thức luật pháp tốt. Ngược lại, trong môi trường tham nhũng, người lương thiện gặp nhiều cam go. Trong khi đó, ở môi trường trung thực, kẻ xấu cũng rất khó sống. “Trong môi trường tích cực, thành quả của người có năng suất trung bình sẽ được tăng lên. Trong môi trường tiêu cực, thành quả của người có năng suất tốt sẽ giảm xuống”.
Nền văn hóa ở bất kỳ nơi đâu cũng ảnh hưởng từ trên xuống, chứ không bao giờ từ dưới lên. Ta cần ngẫm xem mình đã tạo nên môi trường như thế nào cho bản thân và những người chung quanh. Rất khó có được hành vi tích cực trong một môi trường tiêu cực. Một khi xã hội thiếu luật pháp, kỷ cương, người lương thiện rất dễ bị biến thành kẻ gian lận, lừa đảo hoặc trộm cướp.
Hãy dành chút thời gian đánh giá môi trường hiện tại ảnh hưởng đến bản thân bạn như thế nào và tác động đến người khác ra sao.
Trải nghiệm
Hành vi thay đổi tùy theo những trải nghiệm ta có được. Nếu đó là những trải nghiệm tích cực, thái độ ta dành cho người khác sẽ tích cực và ngược lại, trải nghiệm tiêu cực khiến ta có xu hướng thận trọng và đề phòng trước người khác. Có thể nói, trải nghiệm và biến cố trong cuộc sống chính là những điểm tham chiếu giúp ta rút ra bài học để ứng xử trong tương lai.
Giáo dục
Giáo dục không chỉ gói gọn trong việc học ở trường mà còn mở rộng ra các môi trường xã hội khác. Ngày nay, con người chìm ngập trong biển thông tin nhưng lại luôn khát khao tìm kiếm tri thức và sự thông tuệ. Nếu được vận dụng đúng cách, kiến thức sẽ chuyển hóa thành sự thông tuệ và đưa đến thành công.
Nhà giáo dục có vai trò và ảnh hưởng cực kỳ to lớn.
Trọng tâm giáo dục là không những cho con người biết cách kiếm sống mà còn chỉ cho họ nên sống như thế nào.
NHẬN DIỆN NGƯỜI CÓ THÁI ĐỘ TÍCH CỰC BẰNG CÁCH NÀO?
Không gặp vấn đề về sức khỏe không có nghĩa là đã khỏe mạnh; tương tự, không có thái độ tiêu cực chưa thể nói là người tích cực.
Rất dễ nhận biết người có thái độ tích cực qua một số nét tính cách điển hình ở họ như: hay quan tâm mọi người, tự tin, kiên nhẫn, khiêm tốn. Đặt kỳ vọng cao cho bản thân cũng như người khác, họ đồng thời cũng mong đợi kết quả khả quan.
Người có thái độ tích cực ví như loại trái cây có quanh năm vậy: họ luôn được chào đón, trân trọng.
ÍCH LỢI CỦA THÁI ĐỘ TÍCH CỰC
Duy trì thái độ tích cực có rất nhiều cái lợi.
Lợi ích cho bản thân:
• Tạo tính cách vui vẻ
• Tăng sức sống
• Thăng hoa niềm vui tận hưởng cuộc sống
• Truyền cảm hứng cho những người xung quanh
• Giúp ta thành người có ích cho xã hội, đất nước
Lợi ích cho môi trường làm việc:
• Tăng năng suất
• Thắt chặt tinh thần tập thể
• Nhanh nhạy trong cách giải quyết vấn đề
• Nâng cao chất lượng
• Tạo bầu không khí thân ái
• Nuôi dưỡng lòng trung thành
• Tăng lợi nhuận
• Giúp quan hệ giữa nhân viên với cấp trên hoặc nhân viên với khách hàng tốt hơn
• Giảm căng thẳng
HẬU QUẢ CỦA THÁI ĐỘ TIÊU CỰC
Cuộc sống là hành trình đan xen nhiều trở ngại, trong đó trở ngại lớn nhất chính là bản thân chúng ta khi ta có thái độ tiêu cực. Người có thái độ tiêu cực khó duy trì tình bạn, công việc, hôn nhân, cũng như các mối quan hệ khác. Thái độ tiêu cực dẫn đến:
• Đau khổ
• Căm phẫn
• Cuộc sống không có mục đích
• Sức khỏe kém
• Gia tăng căng thẳng đối với bản thân và người khác
Thái độ tiêu cực dễ dẫn đến bầu không khí khó chịu trong gia đình cũng như nơi làm việc. Từ một người, nó có thể lan truyền sang những người xung quanh và cả thế hệ tương lai, đồng thời trở thành hành vi tiêu cực.
KHI NHẬN RA THÁI ĐỘ TIÊU CỰC, SAO TA KHÔNG THAY ĐỔI?
Nói chung, con người có xu hướng chống lại sự thay đổi. Thay đổi khiến người ta cảm thấy khó chịu và căng thẳng, cho dù kết quả của những thay đổi ấy có như thế nào đi nữa. Đôi khi người ta sẵn sàng chấp nhận hạn chế của bản thân chỉ vì cố chấp và lười làm mới chính mình.
Trong một tác phẩm, nhà văn Charles Dicken từng kể về một tù nhân bị giam cầm nhiều năm trong ngục tối. Mãn án, anh được thả tự do. Khi thoát khỏi xà lim và bước ra ngoài cuộc sống với nắng, với gió và thế giới bao la, anh ta ngơ ngác, cảm giác tự do mới mẻ này khiến anh khó chịu đến nỗi anh đòi được đưa trở vào xà lim. Với anh ta, ngục tối, dây xích và bóng đêm thân thuộc, an toàn và dễ chịu hơn vạn lần so với thế giới tự do bên ngoài.
Ở một khía cạnh nào đó, lựa chọn của nhân vật trong truyện cũng là lựa chọn của không ít người trong cuộc sống. Căng thẳng khi đứng trước môi trường mới khiến họ cố tình phạm sai lầm nào đó để được trở lại “nhà tù” - nơi tự do bị hạn chế, nhưng họ ít phải quyết định đại sự.
Thái độ tiêu cực sẽ giới hạn cuộc sống của bạn. Thành công trong sự nghiệp của bạn sẽ bị hạn chế, bạn sẽ có ít bạn bè, và niềm vui tận hưởng cuộc sống cũng vì thế mà suy giảm. Trong chương hai, chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn đôi điều về cách xây dựng thái độ tích cực. Chắc chắn, việc chủ động xây dựng thái độ này sẽ đưa lại những kết quả tốt đẹp, xứng đáng với những căng thẳng và sự bất ổn tạm thời mà bạn gặp phải khi chấp nhận thay đổi.