Dù chuyện gì xảy ra chăng nữa cũng không quan trọng bằng thái độ của ta trước sự việc đó, bởi thái độ quyết định sự thành bại.
- Norman Vincent Peale
Thái độ hình thành từ tuổi ấu thơ và ảnh hưởng suốt đời người. Nếu tính khí bẩm sinh kết hợp những trải nghiệm thời thơ ấu mang đến cho bạn thái độ tích cực thì bạn là một người may mắn. Ngược lại, nếu thái độ tiêu cực, có thể do bẩm sinh hay do môi trường đeo đẳng bạn thì liệu thái độ ấy có theo bạn suốt đời không? Dĩ nhiên là không. Bạn vẫn có thể thay đổi! Mặc dù không dễ, nhưng đáng phải làm như vậy.
Vậy, chúng ta có thể xây dựng và duy trì thái độ tích cực bằng cách nào?
• Có ý thức về những nguyên tắc hình thành thái độ tích cực.
• Mong muốn trở thành người tích cực.
• Trau dồi tính kỷ luật và tập trung thực hiện những nguyên tắc ấy.
Với người trưởng thành, cho dù môi trường, điều kiện giáo dục và trải nghiệm sống ra sao thì chính họ phải là người chịu trách nhiệm trước thái độ và cách hành xử của bản thân. Thái độ sống hàng ngày như thế nào tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người. Người có thái độ tiêu cực thường tìm cách đổ lỗi cho người khác – bố mẹ, thầy cô, chồng (vợ), cấp trên, số phận, xui xẻo, chính sách kinh tế, v.v.
Cần đoạn tuyệt với thái độ sống ấy để hòa nhập vào dòng chảy tích cực của cuộc đời. Hãy nhìn nhận lại những mơ ước của mình một cách nhất quán và bắt tay vào hành động. Suy nghĩ một cách lạc quan, chân thành và sống hết mình, đó chính là cách giúp bạn hình thành thái độ tích cực.
8 BƯỚC GIÚP THAY ĐỔI THÁI ĐỘ
Để xây dựng và duy trì thái độ tích cực, bạn cần tập trung thực hiện các bước sau:
Bước 1: Thay đổi trọng tâm cuộc sống – tìm kiếm giá trị tích cực
Bạn phải là người đi tìm cái tốt trong đời sống bằng cách tập trung vào mặt tích cực. Bắt đầu từ việc tìm kiếm điều tốt, hợp lý ở con người hoặc tình huống cụ thể thay vì chỉ để ý đến những cái xấu. Do bản năng và quán tính, phần lớn chúng ta hay bắt lỗi và chú trọng cái sai của người khác mà quên nhìn nhận giá trị tích cực ở họ.
Tìm vàng
Andrew Carnegie, người gốc Scotland di cư sang Mỹ từ nhỏ. Ông từng làm đủ mọi việc vặt trước khi trở thành một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất Hoa Kỳ. Có thời điểm, 43 nhà triệu phú cùng làm việc cho ông. Ngày nay một triệu đô-la vẫn là số tiền lớn, vào thập niên 1920 nó còn giá trị gấp nhiều lần.
Có người từng hỏi Carnegie về cách đối nhân xử thế của ông. Andrew Carnegie trả lời đơn giản rằng: “Đối nhân xử thế cũng giống như việc tìm vàng. Tìm một ounce(*) vàng thôi nhưng người ta phải di dời hàng tấn đất đá”.
(*) 1 ounce = 28, 35 gram
Thật vậy, đôi khi bản tính tốt đẹp của con người vì một lý do gì đó mà bị chìm lấp, chúng ta cần đào sâu để tìm cho được giá trị tích cực ở họ.
Bản chất tốt đẹp chính là thứ vàng ròng ẩn giấu trong mỗi con người. Nếu chỉ chăm chăm nhìn vào khuyết điểm của người khác, ta sẽ chẳng bao giờ thấy được. Đấy là chưa kể ta sẽ phải sống trong tâm trạng bực dọc, khó chịu.
Xét nét người khác
Một số người gặp chuyện gì cũng chỉ trích. Dù sự việc tiến triển hết sức tốt đẹp, họ vẫn tìm cách bắt lỗi. Có thể xem họ là những chuyên gia trong việc chỉ trích vì họ phê bình như thể đang tranh giải thưởng. Kiểu người này có thể xuất hiện trong bất cứ gia đình hoặc môi trường làm việc nào. Họ đi loanh quanh, không ngừng ca cẩm và đổ lỗi cho mọi người. Họ chính là nguyên nhân hút cạn năng lượng sống của những người xung quanh. Họ ra quán nước, uống café hoặc hút thuốc lá liên tục vì cái cớ: họ đang cố gắng thư giãn. Thực chất, họ chỉ gây thêm căng thẳng cho chính mình và những người xung quanh mà thôi. Những thông điệp tiêu cực từ họ giống như một thứ bệnh dịch, dần dần hình thành môi trường chỉ toàn đem lại kết quả tiêu cực.
Robert Fulton - nhà phát minh tàu hơi nước, có lần tổ chức triển lãm phát minh của mình trên bờ sông Hudson. Trong số đám đông tụ tập quan sát sự kiện này, có kẻ hoài nghi cho rằng con tàu sẽ chẳng bao giờ chạy được. Nhưng thật kỳ lạ, tàu đã chạy. Khi tàu đang xuôi dòng, dù tận mắt chứng kiến điều đó, kẻ hoài nghi kia vẫn hét toáng lên là tàu không bao giờ ngừng được. Quả là thái độ vô lý!
Một anh thợ săn tậu được chú chó tài ba, biết đi trên nước. Anh nôn nóng chờ dịp khoe báu vật của mình với bạn bè. Anh rủ một người bạn cùng đi săn vịt trời. Một lúc sau, họ bắn hạ được vài con và anh lập tức ra lệnh cho chú chó đem con mồi về. Suốt ngày hôm đó, mỗi khi cần đem mồi về, chú chó lại chạy trên nước để thực hiện ý chủ. Anh thợ săn sốt ruột chờ bạn mình có lời khen hoặc nhận xét về khả năng kỳ diệu ấy, nhưng tuyệt nhiên bạn anh không nói một lời. Khi cả hai cùng về nhà, anh mới hỏi bạn có thấy gì khác lạ ở con chó này không. Người ấy đáp: “Có chứ, đúng là mình thấy nó có điều khác thường. Con chó của cậu không biết bơi”.
Có những người lúc nào cũng chỉ nhìn thấy cái tiêu cực. Họ là ai? Sau đây là đặc điểm của họ - những người bi quan:
• Mất vui khi không có vấn đề gì cho họ chỉ trích.
• Bực mình khi trong lòng thấy thoải mái. Họ sợ rằng cảm xúc sẽ xấu đi sau những phút giây vui vẻ bất thường.
• Phần lớn thời gian chỉ dành cho than phiền.
• Không biết tận hưởng sức khỏe của bản thân vì cứ nghĩ ngày mai mình sẽ bị ốm.
• Không chỉ cầu mong điều xấu xảy ra mà còn khiến mọi việc tồi tệ hơn.
• Chỉ thấy thiếu sót mà không nhìn ra cơ hội tiềm ẩn.
• Tin rằng chuyện tốt đẹp cũng mau chóng thành tin xấu mà thôi.
• Quên mất phúc lộc đang có mà chỉ chú trọng rắc rối.
• Biết sự nỗ lực rất ích lợi cho mọi người nhưng luôn tự hỏi “Sao mình phải cố vậy?”.
Lưu ý: Tìm giá trị tích cực không có nghĩa là xem nhẹ sai lầm.
Trở thành người lạc quan
Làm thế nào để trở thành người lạc quan? Đoạn văn sau đây trong quyển “The Best of … Bits and Pieces” của Christian D. Larsen sẽ là lời giải đáp cho bạn:
Hãy mạnh mẽ để không gì có thể khuấy động sự bình yên trong lòng. Nói chuyện về sức khỏe, hạnh phúc và sự thành đạt với những người mình gặp. Gieo vào lòng bạn bè cảm giác mình trân trọng phẩm chất tốt đẹp và sở trường của họ. Luôn nhìn sự việc ở khía cạnh tươi sáng. Nghĩ và làm những gì tốt đẹp nhất. Nhiệt tình chia sẻ niềm vui thành công của người khác như thể mình đang đón nhận thắng lợi. Quên đi lỗi lầm quá khứ và nỗ lực hòng gặt hái thành quả lớn hơn trong tương lai. Mỉm cười thân thiện với mọi người. Dành nhiều thời gian hoàn thiện bản thân để không còn thời gian rảnh rỗi phê bình người khác nữa. Hãy là người rộng lượng, không bận tâm âu lo, hãy cao thượng và không bao giờ nổi giận.
Bước 2: Tạo thói quen làm ngay mọi việc
Người ngủ dưới ánh trăng
Phơi mình trong ánh nắng
Chỉ biết nuôi bao dự định
đến chết chẳng làm được gì.
- James Albery
Chúng ta đều có những lúc chần chừ và không ít lần hối tiếc vì sự chần chừ ấy. Lưỡng lự dẫn đến thái độ tiêu cực. Thói quen chần chừ khiến ta mệt mỏi hơn cả nỗ lực bỏ ra để hoàn tất công việc.
Hoàn thành công việc đem lại cảm giác mãn nguyện và tiếp thêm sinh lực; ngược lại việc dang dở sẽ bòn rút sinh lực của mỗi người.
Vì vậy, để xây dựng và duy trì thái độ tích cực, hãy tập thói quen sống cho hiện tại và làm mọi việc ngay bây giờ.
“Khi nào con lớn…”
Câu nói này làm chúng ta dễ liên tưởng đến hình ảnh chú nhóc con vô tư bảo “Khi nào lớn lên, làm được chuyện này, chuyện nọ con mới thực sự hạnh phúc”. Đến khi thành thiếu niên, cậu lại bảo tốt nghiệp đại học rồi cậu mới thấy vui. Xong đại học, cậu nói tìm được công việc tốt mới thấy thỏa mãn. Có được việc làm lại bảo khi nào kết hôn rồi mới thấy hạnh phúc. Lấy vợ xong thì nói con cái học thành tài rồi mình mới thấy hài lòng. Con tốt nghiệp rồi lại bảo lúc nào về hưu mới thấy thanh thản. Tới lúc về hưu, người ấy thấy được điều gì? Chỉ thấy cuộc sống trôi qua ngay trước mắt mình từ lúc nào không biết.
Có người quen thói chần chừ bằng cách nấp sau những câu nói đao to búa lớn, đại loại như “Mình đang phân tích tình hình” và sáu tháng sau họ vẫn cứ phân tích như vậy. Điều họ không nhận ra là mình đang mắc phải căn bệnh mang tên Tê liệt do phân tích (Paralysis by analysis) và chẳng bao giờ có được thành công.
Chần chừ cũng thể hiện ở một số người với thói quen biện minh rằng “Tôi đang chuẩn bị”. Một tháng sau họ vẫn “đang chuẩn bị” và nửa năm sau cũng vẫn “đang chuẩn bị”. Họ không nhận ra mình mắc phải chứng “viện cớ” nên cứ liên tục bào chữa cho sự chần chừ của mình.
Sống trong hiện tại
Cuộc sống không phải là buổi tổng duyệt trên sân khấu. Có thể bạn có triết lý sống khác – nhưng chúng ta chỉ có một lượt đi trong trò chơi có tên là cuộc đời mà thôi. Vốn liếng dồn vào trò chơi nhiều đến mức chúng ta không thể nào lãng phí cuộc sống của chính mình vì vốn liếng ấy bao hàm cả những thế hệ nối tiếp chúng ta.
Hoạt động sống của chúng ta bao giờ cũng diễn ra trong hiện tại. Vì thế hãy tận dụng tốt nhất mỗi thời khắc bạn đang sống và sống một cách trọn vẹn cho giây phút hiện tại. Điều này không có nghĩa là ta không cần lập kế hoạch cho tương lai; mà ngược lại ta vẫn cần hoạch định những gì sắp tới. Khi biết tận dụng từng phút giây của hiện tại tức là ta đang gieo mầm cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Để xây dựng thái độ tích cực, bạn hãy bắt tay vào làm những việc cần thiết ngay lúc này và chấm dứt thói quen trì hoãn.
Những câu nói đáng buồn trong cuộc sống là:
• “Lẽ ra có thể như vậy.”
• “Lẽ ra mình nên làm thế.”
• “Đúng ra mình có thể làm được.”
• “Ước gì mình đã làm.”
• “Phải chi mình có thêm chút nữa.”
Tôi dám chắc hầu hết những người thành công đều có những lúc muốn trì hoãn nhưng họ không bao giờ ngả theo nó.
Đừng để đến ngày mai những việc bạn có thể làm hôm nay.
- Benjamin Franklin
Có người cứ chờ đèn xanh bật hết rồi mới ra khỏi nhà. Tình huống hoàn hảo ấy rất hiếm có nên họ đã bị thất bại dù chưa bắt tay vào việc. Quả là đáng buồn.
Hãy chấm dứt thói chần chừ bởi đã đến lúc chúng ta cần gạt bỏ thói quen trì hoãn!
Bước 3: Xây dựng thái độ biết ơn
Chúng ta thường than phiền về những điều mình không có đến mức quên đi những giá trị mình đang có. Cuộc sống có rất nhiều điều đáng để ta biết ơn. Vì vậy, hãy tận hưởng và cảm ơn những phúc lành ta đang được đón nhận. Quan tâm đến những điều tốt lành ta đang có không có nghĩa là tự mãn. Hiểu được thông điệp ấy, bạn sẽ biết lắng nghe một cách có chọn lọc.
Xin nêu ví dụ lắng nghe có chọn lọc qua câu chuyện kể của một vị bác sĩ sau đây. Được mời nói chuyện với một nhóm người nghiện rượu, vị bác sĩ này muốn tạo ấn tượng để khán giả nhận thức rõ tác hại của bia rượu đối với sức khỏe. Ông lấy hai chiếc ly, một cái đựng nước sạch và một cái chứa rượu. Ông thả một con giun vào ly nước sạch, nó bơi ngoe ngoảy rồi ngoi lên mặt nước. Ông thả chú giun khác vào ly rượu, thân thể nó nhanh chóng rã rời ngay trước mắt mọi người. Sau thí nghiệm chứng minh bia rượu cũng có tác hại tương tự đối với nội tạng con người, ông đề nghị những người tham dự đưa ra suy nghĩ của họ. Ngay lập tức, một người ở hàng ghế cuối đáp: “Nếu uống rượu thì đâu có bị bệnh giun”.
Đó có phải là thông điệp vị bác sĩ muốn đưa ra hay không? Tất nhiên là không. Điều này cho thấy, người ta chỉ nghe điều mình muốn nghe chứ không đón nhận nội dung được truyền thụ.
Bước 4: Học hỏi suốt đời
Nhiều người xưa nay vẫn cho rằng chúng ta được giáo dục nhờ những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Khi tham dự một số hội thảo quốc tế, tôi thường hỏi khán giả: “Thực sự có phải chúng ta được giáo dục trong nhà trường phổ thông và đại học không?”. Câu trả lời đa phần là không.
Vậy ý nghĩa đích thực của giáo dục là gì?
Giáo dục trí tuệ ảnh hưởng đến nhận thức, còn giáo dục trên nền tảng giá trị tác động vào trái tim con người. Khi giáo dục không tập trung vào trái tim, nó có thể sẽ dẫn đến nhiều hiểm họa. Khi muốn xây dựng nhân cách ở công sở, gia đình và xã hội, ta phải đạt được văn hóa đạo đức và luân lý ở mức độ tối thiểu nào đó. Nhiệm vụ quan trọng của giáo dục là xây dựng cho con người những đức tính tốt đẹp như lương thiện, vị tha, can đảm, nhẫn nại và trách nhiệm.
Có thể không cần thêm giáo dục mang tính học thuật nữa; nhưng rất cần một nền giáo dục đi sâu vào giá trị con người. Lý do là vì giáo dục đạo đức luôn là hành trang đắc lực giúp con người thăng tiến và thành đạt trong đời, khác với những kẻ có kiến thức học thuật cao siêu nhưng tinh thần sa đọa.
Giáo dục không đi sâu vào giá trị nhân phẩm
Ngày nay, một số trường đại học đang tạo ra những kẻ “mọi rợ” có kỹ năng lao động cao nhưng thiếu giá trị nhân phẩm do không được trang bị hệ thống giá trị đạo đức cần thiết.
- Steven Muller, Hiệu trưởng trường Đại học Johns Hopkins
Nền giáo dục chân chính là nền giáo dục đào tạo con người cả về khối óc lẫn trái tim. Kẻ trộm thiếu học thức có thể chỉ trộm đồ ở toa chở hàng, nhưng nếu có học vấn, tên trộm ấy có thể tính chuyện trộm cả đoàn tàu. Điều chúng ta cần thi đua ở nhà trường chính là kiến thức, sự thông tuệ chứ không phải điểm số. Kiến thức là thực tiễn được đúc kết, còn sự thông tuệ chính là khả năng vận dụng kiến thức đơn giản hóa vào cuộc sống. Có người đạt điểm cao, bằng cấp giỏi nhưng kiến thức trong đầu chẳng có bao nhiêu. Ngày nay, không ít người vẫn còn hiểu nhầm giáo dục với khả năng ghi nhớ sự việc. Khi giáo dục không dựa trên các giá trị đạo đức, nó sẽ tạo ra những kẻ lập dị trong xã hội.
Kiến thức chưa hẳn đã là sức mạnh
Ta vẫn thường nghe nói kiến thức là sức mạnh. Không hẳn vậy. Kiến thức là những thông tin cần thiết và nó chỉ phát huy sức mạnh khi được chúng ta vận dụng vào thực tiễn.
Người không biết đọc chữ và người biết chữ nhưng không đọc khác nhau như thế nào? Nói như Ben Franklin thì: “Chẳng khác nhau là mấy!”.
Học tập cũng khá giống việc ăn uống. Ăn nhiều thế nào không quan trọng mà vấn đề là ta tiêu hóa được bao nhiêu.
Giáo dục có nhiều hình thức chứ không chỉ thể hiện qua điểm số, bằng cấp. Giáo dục là:
• Trau dồi sở trường cá nhân
• Rèn luyện kỷ luật tự giác
• Lắng nghe
• Nhiệt tình học hỏi
Kiến thức là sức mạnh tiềm ẩn; sự thông tuệ mới là sức mạnh đích thực.
- Shiv Khera
Đầu óc con người cũng như cơ bắp vậy, tâm trí phát triển hay cùn mòn đi đều tùy thuộc vào mức độ được rèn luyện ít hay nhiều.
Nếu nghĩ phải trả giá quá đắt cho giáo dục, bạn hãy thử ngu dốt mà xem.
- Derek Bok
Có kiến thức không có nghĩa là giỏi suy xét
Chuyện kể về người bán bánh hotdog bên đường. Do mù chữ nên ông không bao giờ cầm tới tờ báo. Lại bị nặng tai, nên ông cũng không khi nào nghe đài. Mắt yếu, nên ông chưa bao giờ xem truyền hình. Nhưng bằng sự nhiệt tình của mình, công việc buôn bán của ông rất phát đạt. Lợi nhuận tăng vùn vụt. Ông mua thêm nhiều thịt và một chiếc lò nướng lớn tốt hơn. Giữa lúc kinh doanh tiến triển thuận lợi, con trai ông vừa mới tốt nghiệp đại học đã đến phụ giúp bố.
Bỗng có chuyện lạ xảy ra. Người con hỏi: “Bố ơi, bố không thấy dạo này tình hình suy thoái nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến chúng ta hay sao?”. Ông đáp: “Bố không biết, con phân tích rõ cho bố nghe xem nào”. Người con bảo: “Nền kinh tế thế giới đang cực kỳ bi đát. Trong nước lại càng tồi tệ hơn. Gia đình ta nên chuẩn bị cho lúc khốn khó dần đi là vừa bố ạ”. Người bố nghĩ con mình học đại học, biết đọc báo, nghe đài nên hẳn là hiểu biết hơn rồi, vì thế không nên xem nhẹ lời khuyên của con trai. Ngày hôm sau, ông bắt đầu rút bớt số lượng thịt và bánh mì lại và cũng không mấy nhiệt tình buôn bán nữa. Chẳng mấy chốc, khách ghé tiệm hotdog của ông thưa dần, lợi nhuận vì thế nhanh chóng giảm sút. Người bố bảo con: “Con trai bố nói chí phải. Chúng ta đang sống giữa lúc suy thoái. Cũng may con đã cảnh báo trước cho bố”.
Ý nghĩa của câu chuyện
1. Đừng nhầm lẫn trí thông minh với kỹ năng suy xét.
2. Nhiều người có thể rất thông minh nhưng khả năng suy xét kém.
3. Cẩn thận khi chọn người tư vấn cho mình. Cần có chính kiến riêng của bản thân.
4. Con người có khả năng và chắc chắn sẽ thành công dù được học hành đàng hoàng hay không nếu họ hội đủ các điều kiện sau (trong tiếng Anh gọi tắt là 5C):
• nhân cách (character)
• sự tận tâm (commitment)
• niềm tin (conviction)
• nhã nhặn (courtesy)
• can đảm (courage)
5. Bi kịch là ở chỗ nhiều người uyên bác giống như pho bách khoa toàn thư sống nhưng lại thất bại trong cuộc đời.
Khác với trí thông minh - giúp người ta tiếp thu rất nhanh, kỹ năng là vấn đề thuộc về khả năng. Năng lực là khả năng kết hợp với thiện chí và mong muốn vận dụng kiến thức đã học.
Nhiệm vụ đầu tiên của một trường đại học là truyền dạy sự thông tuệ, chứ không phải cách kiếm sống, đạo đức, hay các môn khoa học kỹ thuật.
- Winston Churchill
Mong muốn chính là thái độ giúp người có kỹ năng phát triển năng lực. Nhiều người có kỹ năng nhưng lại bất tài. Cho nên, khả năng không đi đôi với thái độ thích hợp sẽ bị lãng phí.
Thế nào là người “có giáo dục”?
Trước hết, người có giáo dục phải là người biết xử lý tốt tình huống gặp phải hàng ngày; biết suy xét tình hình một cách hợp lý khi phát sinh vấn đề và ít khi bỏ lỡ dịp hành động thích hợp.
Tiếp theo, họ phải khéo léo trong cách đối nhân xử thế, biết đón nhận điều người khác cho là khó chịu hay xúc phạm và biết phân biệt phải trái với đồng sự.
Hơn nữa, họ còn phải biết kiềm chế lạc thú và không bị ảnh hưởng quá mức trước sóng gió cuộc đời, biết chịu đựng một cách kiên cường và xứng đáng với bản chất con người.
Quan trọng nhất, họ là người không bị thành công của bản thân làm cho biến chất, không từ bỏ cái tôi đích thực, mà luôn giữ vững lập trường như người thông tuệ và tỉnh táo. Với họ, những điều tốt đẹp đến trong cuộc sống nhờ may mắn thì cũng giá trị giống như kết quả đạt được bằng chính phẩm cách và trí thông minh bẩm sinh của mình.
Người có giáo dục là người có tính cách dung hòa tất cả những yếu tố trên, chứ không phải chỉ thể hiện một điểm. Họ hội tụ mọi đức hạnh tốt đẹp trên đời.
- Socrates (470-399 trước Công nguyên)
Nói tóm lại, người có giáo dục là người biết chọn lựa khôn ngoan và can đảm trong bất kỳ tình huống nào, biết phân biệt sự thông tuệ với ngốc nghếch, tốt với xấu, đức hạnh với thô tục.
Thế nào là giáo dục toàn diện?
Truyện kể rằng, trong một khu rừng nọ, loài vật quyết định mở trường. Học viên gồm chim, sóc, cá, chó, thỏ và một chú lươn chậm phát triển. Ban giám hiệu được thành lập để lên chương trình đào tạo. Họ quyết định sẽ xoáy vào giáo dục đa năng với các ngành bay lượn, leo cây, bơi lội và đào hang. Mọi học viên đều phải học đủ tất cả các môn này. Chim bay rất giỏi nên được nhận điểm A trong môn học này, nhưng đến môn đào hang thì liên tục gãy mỏ, trật cánh và bị đánh rớt. Chẳng bao lâu, nó chỉ đạt toàn điểm C ở môn bay và đương nhiên, điểm F cho hai môn leo cây và bôi lội. Sóc trèo cây rất tài, nhưng rớt môn bơi. Cá bơi giỏi nhất nhưng lại không lên bờ được nên chỉ đạt điểm F trong các môn học khác. Chó không chịu học, ngừng luôn nghĩa vụ đóng học phí và liên tục đấu tranh đòi ban quản lý nhà trường phải đưa môn sủa vào chương trình đào tạo. Thỏ đạt điểm A môn đào hang nhưng leo cây quả là vấn đề nan giải với nó. Chú ta liên tục bị té và chấn thương não, nên sau đó cũng không đào hang tốt được và rốt cuộc cũng bị điểm C ở môn sở trường này.
Riêng chú lươn chậm phát triển, do học môn nào cũng ở mức trung bình, cho nên được tuyên dương là tấm gương tiêu biểu của lớp. Ban giám hiệu lấy làm vui mừng vì mọi học sinh đã được giáo dục một cách toàn diện.
Tôi rất thích câu chuyện này, đó là một câu chuyện thú vị và sâu sắc. Nó cho thấy giáo dục toàn diện đúng nghĩa là phải trang bị cho người học những kiến thức cơ bản trước khi bước vào cuộc sống mà không làm mất đi sở trường và năng lực riêng của mỗi người.
Sở trường bẩm sinh
Kích thước và trọng lượng nhỏ bé của chim ruồi khiến cho loài vật này trở nên linh hoạt và có thể thực hiện được những thao tác phức tạp như đập cánh 75 lần/giây. Điều này giúp chúng hút mật hoa trong lúc bay dù không thể vút lên cao, lượn hay nhảy như những loài chim khác. Ngược lại, với trọng lượng gần 150 kg, đà điểu là loài chim nặng cân nhất, nhưng lại không biết bay. Tuy vậy, với đôi chân to khỏe, chúng có thể chạy tới vận tốc 80 km/ giờ, mỗi sải chân từ 3,5 - 4 mét.
Sự dốt nát
Dốt nát không đáng xấu hổ bằng thái độ không muốn học hỏi.
- Benjamin Franklin
Bản thân dốt nát không có gì sai, nhưng nó tạo nên nhiều bi kịch. Có người cứ tích tụ cái dốt mà lầm tưởng đó là học vấn. Dốt nát đưa đến khổ sở, nghèo đói và bệnh tật. Thiếu hiểu biết vốn đã là nguy hiểm, dốt nát còn đáng sợ hơn, nó thường đi liền với sự nhỏ nhen, sợ hãi, võ đoán, ích kỷ và thành kiến.
Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin. Theo ước tính, lượng thông tin hàng năm tăng lên gấp đôi. Với điều kiện như vậy, ta rất dễ chiến thắng sự dốt nát. Có ý kiến cho rằng ngày nay người ta được truyền thụ rất nhiều điều nhưng lại thiếu những điều cơ bản nhất. Ta được học ba kỹ năng: đọc, viết, làm toán, nhưng giáo dục trí tuệ phỏng ích lợi gì nếu không hiểu biết phẩm giá và thiếu lòng vị tha ở con người?
Trường học là suối nguồn kiến thức: có người đến uống, có người nhấp từng ngụm và cũng có người tu ừng ực.
Lương tri
Bẩm sinh, con người vốn có năm giác quan: xúc giác, vị giác, thị giác, khứu giác và thính giác. Ở người thành công còn có thêm một giác quan nữa – giác quan thứ sáu – đó là lương tri. Lương tri là khả năng nhìn nhận đúng bản chất sự việc và làm theo lẽ phải. Có học vấn và kiến thức mà không có lương tri thì cũng vô nghĩa.
Được ăn học đàng hoàng, không có nghĩa là có lương tri. Nền giáo dục có tiến bộ đến mấy chăng nữa mà không có lương tri cũng trở nên vô dụng. Lương tri là yếu tố cơ bản đưa đến sự thông tuệ.
Mài sắc lưỡi rìu
John làm nghề đốn cây cho nông trại nọ năm năm liền mà chưa được tăng lương. Trong khi đó, Bill làm chung nông trại với anh mới được một năm mà đã được nâng lương. Ghen tức với Bill, John quyết định tìm gặp ông chủ để hỏi cho ra nhẽ. Chủ anh bảo: “Năng suất hiện tại của anh cũng chỉ bằng nhiều năm qua mà thôi. Chúng tôi tính lương dựa trên thành quả lao động và vẫn sẵn sàng tăng lương cho anh nếu anh cải thiện năng suất”. John trở về, bắt đầu nỗ lực nhiều hơn, làm việc nhiều giờ hơn nhưng vẫn không tăng thêm số cây đốn hạ. Anh tìm người chủ và băn khoăn kể về vấn đề mình gặp phải. Ông chủ khuyên anh đến nói chuyện với Bill. “Chắc có chuyện gì đó cậu Bill biết rõ mà tôi với anh không biết”. John hỏi Bill làm sao có thể đốn thêm nhiều cây nữa. Bill đáp: “Sau khi đốn xong mỗi thân cây, tôi nghỉ hai phút và mài lại lưỡi rìu. Lần cuối cùng anh mài lưỡi rìu là khi nào?”.
Lần cuối cùng bạn mài lưỡi rìu của mình là khi nào? Đừng sống dựa vào vinh quang và học vấn của quá khứ. Hãy không ngừng mài sắc lưỡi rìu của bản thân.
Nuôi dưỡng tinh thần
Hàng ngày cơ thể chúng ta cần thức ăn bổ dưỡng, đầu óc chúng ta cần có những suy nghĩ tốt đẹp. Nếu chỉ nuôi dưỡng cơ thể bằng quà vặt và nuôi dưỡng tinh thần bằng tư tưởng xấu, những gì ta nhận được sẽ là một cơ thể ốm đau và một tinh thần bệnh hoạn. Hãy nuôi dưỡng tinh thần mình bằng những tư tưởng trong sáng, tích cực, lành mạnh để vững vàng trong cuộc sống.
Học vấn là kho dự trữ
Giáo dục tích cực, liên tục sẽ đưa đến tư duy tích cực.
Người tư duy tích cực cũng giống như vận động viên nhờ khổ luyện mà tạo cho mình sức bền nội tâm dự trữ để dùng khi thi đấu. Không tập luyện, họ sẽ chẳng có vốn liếng để xoay xở.
Tương tự, kho dự trữ của người tư duy tích cực được hình thành từ quá trình nuôi dưỡng đầu óc bằng những suy nghĩ trong sáng, không ngừng trau dồi điều hay lẽ phải. Họ hiểu đã là con người, ai cũng có lúc phải đối diện với khó khăn; nhưng chúng ta luôn có thể vượt qua nếu không ngừng rèn luyện.
Người tư duy tích cực không phải là kẻ khờ, cũng không sống theo kiểu che tai bịt mắt, mà họ là người biết nhận ra giới hạn của bản thân, đồng thời biết tập trung vào sở trường của mình. Trái lại, người thua cuộc ý thức được điểm mạnh của mình nhưng lại bị ám ảnh quá nhiều vì điểm yếu.
Bước 5: Xây dựng hình ảnh tích cực về bản thân
Hình ảnh bản thân là gì?
Hình ảnh bản thân là điều ta cảm nhận về chính mình. Khi cảm thấy thoải mái trong lòng, hiệu quả làm việc của chúng ta sẽ tăng lên, quan hệ công việc và gia đình cũng được cải thiện. Mọi chuyện dường như tốt đẹp hơn. Lý do là vì cảm nhận và hành vi của chúng ta tương quan trực tiếp tới nhau.
Cách xây dựng hình ảnh tích cực về bản thân
Để xây dựng hình ảnh tích cực về bản thân, một trong những cách nhanh nhất là làm việc gì đó cho người khác mà không để người ta trả ơn bằng tiền bạc.
Vài năm trước, tôi bắt đầu tình nguyện dành thời gian tập huấn chương trình xây dựng thái độ và hình ảnh bản thân tích cực cho một số tù nhân. Chỉ sau vài tuần, những điều tôi học được quả thực quý giá.
Sau khi tham dự chương trình được hai tuần, một tù nhân tìm gặp tôi và bảo: “Anh Shiv, vài tuần nữa là tôi mãn hạn tù”. Tôi bèn hỏi anh đã tiếp thu được gì qua chương xây dựng thái độ. Ngẫm nghĩ một lát, anh bảo bản thân cảm thấy rất thoải mái. Tôi nói: “Cảm giác thoải mái chung chung quá. Anh có thể cho biết cụ thể hành vi gì đã thay đổi ở mình?” (vì theo tôi nếu hành vi không thay đổi thì không diễn ra quá trình học hỏi).
Anh kể từ khi bắt đầu chương trình, anh đọc Kinh thánh hàng ngày. Tôi hỏi việc này có hiệu quả thế nào với anh. Anh đáp bây giờ anh cảm thấy thoải mái với chính mình và người khác, đó là điều trước đây anh chưa bao giờ cảm nhận được. Tôi nói: “Nghe cũng hay, thế anh dự định làm gì khi ra tù?”. Anh bảo “sẽ cố gắng làm người có ích cho xã hội”. Tôi lại hỏi anh câu ấy và anh vẫn nói như vậy. Rồi tôi gặng tiếp: “Anh sẽ làm gì khi ra tù?”. Đương nhiên, ý tôi mong đợi một câu trả lời khác.
Khi đó, bằng giọng có vẻ giận, anh đáp rành rọt: “Tôi sẽ làm người có ích cho xã hội”. Lúc này, tôi mới phân tích cho anh thấy sự khác biệt lớn giữa lời nói ban đầu của anh và bây giờ. Đầu tiên anh chỉ bảo “sẽ cố gắng” nhưng hiện tại là “sẽ làm”. Sự khác biệt nằm ở từ “cố gắng”, nó có nghĩa là hoặc anh sẽ làm, hoặc là không. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cánh cửa nhà giam vẫn để ngỏ chờ anh trở lại. Trong khi đó, từ “sẽ làm” lại như một lời khẳng định chắc chắn về một con người hoàn lương sắp tới.
Một tù nhân khác, nãy giờ lắng nghe câu chuyện của chúng tôi, bèn hỏi: “Anh Shiv, anh làm việc này thì được trả lương thế nào?”. Tôi bảo cảm giác được trải nghiệm với tôi giá trị hơn đồng tiền. Người ấy hỏi tiếp: “Tại sao anh đến đây?”. Tôi nói: “Tôi đến vì lý do cá nhân, tôi muốn thế giới này trở thành môi trường sống tốt đẹp hơn”. Sự ích kỷ như vậy rất lành mạnh. Nói tóm lại, một khi ta đã đầu tư có hệ thống thì luôn được đền đáp, mà thường là nhận nhiều hơn những gì mình bỏ ra.
Một người tù khác có ý kiến: “Bất kỳ chuyện gì người ta làm cũng đều có lý do riêng của họ cả. Khi họ chích ma túy thì đâu phải là việc của anh. Sao anh không để họ yên?”. Tôi đáp: “Anh bạn thân mến, dù không đồng tình điểm này, nhưng tôi vẫn chấp nhận ý anh – tức là chuyện đó không phải việc của tôi. Nếu anh chắc chắn khi có người chơi ma túy rồi lái xe gây tai nạn, thứ duy nhất họ đụng vào chỉ là một gốc cây bên đường thì tôi xin nhượng bộ với anh. Nhưng nếu anh không thể đảm bảo được điều này, vì có thể nạn nhân tai nạn ấy là anh, tôi hoặc con cái chúng ta, thì anh nên tin rằng chuyện đó liên quan đến tôi. Tôi phải đưa người ấy ra khỏi con đường lầm lạc”.
Câu nói: “Đó là cuộc đời tôi, tôi sẽ làm điều mình muốn” dễ dẫn đến những suy nghĩ ích kỷ. Người ta sẽ tìm cách phớt lờ tinh thần tích cực của câu nói mà chỉ tập trung vào ý nghĩa sao cho có lợi với mình. Họ quên mất rằng giữa con người luôn có sự liên hệ với nhau. Điều bạn làm có tác động đến tôi và ngược lại. Giữa chúng ta có một sợi dây vô hình gắn kết, vì vậy cần học cách hành xử có trách nhiệm.
Là con người, tất cả chúng ta đều có nhu cầu cho và nhận với những mức độ khác nhau. Người tốt là người luôn biết cho đi và ít quan trọng chuyện nhận lại.
Bước 6: Tránh xa những ảnh hưởng tiêu cực
Người thiếu bản lĩnh thường bị ảnh hưởng vì cách ứng xử của người khác cũng như từ các phương tiện truyền thông. Thực tế cho thấy, áp lực đồng trang lứa không chỉ tác động đến trẻ vị thành niên mà còn tác động đến cả người lớn. Khi không biết từ chối và tránh xa những ảnh hưởng tiêu cực, chứng tỏ đó là người thiếu ý thức về bản thân.
Thế nào là ảnh hưởng tiêu cực?
Truyện kể rằng, có một quả trứng đại bàng lạc vào ổ gà rừng. Trứng nở, chú đại bàng tí hon lớn lên cứ ngỡ mình là gà con. Nó cũng hành động như bao con gà khác: bới đất tìm hạt mầm, cục ta cục tác và chưa bao giờ bay xa quá vài mét. Một hôm, khi thấy một cánh chim đại bàng ngạo nghễ, duyên dáng lướt trên trời cao, nó hỏi bầy gà rừng: “Con chim xinh đẹp kia tên gì?”. Gà bảo: “Đó là đại bàng. Nó rất cừ khôi, nhưng chú mày không thể bay như nó được vì chú chỉ là gà rừng thôi”. Thế là chú đại bàng này không bao giờ bận tâm việc đó nữa vì tin sự thật là như vậy. Chú sống rồi chết đi như bao con gà rừng khác và tự đánh mất bản năng loài của mình. Tất cả chỉ vì thiếu tầm nhìn. Chú sinh ra để bay lượn, nhưng do môi trường xung quanh tác động, chú đã không làm được điều đó.
Không ít người trong số chúng ta từng gặp phải kết cục tương tự. Theo diễn giả Oliver Wendall Holmes thì bất hạnh của nhiều người là ở chỗ: “Khi đến gần nấm mồ mà tài năng của họ vẫn còn ở dạng tiềm ẩn”. Đôi khi, chúng ta không đạt được thành tích vượt trội chỉ vì thiếu tầm nhìn.
Nếu muốn bay vút như chim đại bàng, bạn phải học cách thức của đại bàng. Nếu kết giao với người thành đạt, bạn cũng sẽ được như vậy. Nếu kết giao với bậc hiền triết, bạn cũng sẽ giống thế. Nếu kết giao với người bao dung, bạn sẽ biết cho đi. Nếu kết giao với người tiêu cực, bạn rất dễ thành người tiêu cực.
Trước thành công của người khác, kẻ nhỏ nhen hay ghen tức và tìm cách gièm pha. Khi từ chối đối đầu với kẻ nhỏ nhen, tức là bạn đã chiến thắng. Trong võ thuật có một chiến lược là khi có người đá móc, thay vì khóa chân đối thủ, bạn nên bước lùi lại. Tại sao? Khóa chân đòi hỏi phải dùng sức, còn bước lùi lại thì bạn không cần tốn sức vẫn có thể vô hiệu sức mạnh của đối phương. Đó là chiến lược sử dụng công lực một cách hiệu quả. Việc bỏ qua sự nhỏ nhen của kẻ khác cũng vậy, đối đầu với họ chỉ khiến bạn phải hạ thấp mình giống họ.
Đừng để người tiêu cực lôi mình xuống. Nên nhớ tính cách con người không chỉ được nhìn nhận qua bạn bè của họ mà còn qua cả những người họ tránh xa.
Thuốc lá, ma túy và bia rượu
Khi đi công tác nhiều nơi, tôi nhận thấy ở một số quốc gia, bia rượu trở thành thú tiêu khiển chính của nhiều người dân. Nếu bạn không uống, họ sẽ nhìn bạn bằng ánh mắt ngạc nhiên.
Tôi không uống rượu vì tôi còn muốn tận hưởng cuộc sống này!
- Lady Astor
Việc uống rượu và hút thuốc ngày nay trở nên hết sức phổ biến. Không ít người chỉ định “thử một lần cho biết”, và rồi sau đó chẳng thể nào dứt ra.
Nếu hỏi tại sao họ uống rượu hay dùng ma túy, họ sẽ viện hàng mớ lý do: nào là ăn mừng kỷ niệm, liên hoan, quên sầu, thư giãn, muốn thử, tạo ấn tượng với người khác, hợp thời, xã giao, vì công việc, v.v.
Một trong những nguyên nhân phổ biến đó là muốn chứng tỏ bản thân với người đồng trang lứa. Những câu nói kiểu như: “Anh không phải là bạn tôi sao?”, “Làm một ly chúc thượng lộ bình an”, “Làm một ly chúc mừng sức khỏe”… trở nên hết sức quen thuộc.
Lái xe trong tình trạng say rượu khiến cho không ít người thiệt mạng. Theo trích dẫn (trang xv) của Jerry Johnson trong tác phẩm “It’s Killing Our Kids” (tạm dịch Giết hại con em chúng ta), Hiệp hội bệnh viện Hoa Kỳ cho biết một nửa số ca nhập viện có liên quan đến rượu bia. Ấn phẩm Thống kê tai nạn năm 1989 của Hội an toàn quốc gia Mỹ cho biết cứ mỗi phút trôi qua lại có một người bị thương do tai nạn liên quan bia rượu.
Rượu chè khiến người ta khó kiểm soát bản thân và dễ nảy sinh những hành động dại dột.
- Shiv Khera
Sản phẩm khiêu dâm
Khiêu dâm dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, như:
• Bôi nhọ nhân phẩm phụ nữ
• Biến trẻ em thành nạn nhân
• Phá hoại hôn nhân gia đình
• Truyền bá tình dục bạo lực
• Bôi nhọ các giá trị đạo đức, tinh thần
• Gây hại cho cá nhân, gia đình và cộng đồng
Ở Mỹ, cứ 46 giây là có một phụ nữ bị hãm hiếp (theo số liệu thống kê năm 1992 của Viện Nghiên cứu và trị liệu tội ác thuộc Trung tâm nạn nhân quốc gia). 86% kẻ hiếp dâm đều thú nhận thường xuyên sử dụng các sản phẩm khiêu dâm, và 57% cho biết bắt chước các cảnh làm tình khi thực hiện hành vi tội ác của mình (số liệu nghiên cứu năm 1988 của Tiến sĩ William Marshall, trích dẫn từ Báo cáo thường niên năm 1995 của Liên hiệp bảo vệ gia đình và trẻ em quốc gia).
Phim ảnh và các chương trình truyền hình tiêu cực
Ngày nay trẻ em tiếp nhận rất nhiều thông tin phim ảnh, truyền hình cũng như từ nhiều nguồn khác. Theo ước tính ở Mỹ, đến lúc tốt nghiệp trung học, trẻ vị thành niên xem ti-vi hơn 20.000 giờ, trong đó có 15.000 vụ giết người và 100.000 quảng cáo liên quan đến bia rượu (trích dẫn từ tác phẩm của Jerry Johnson). Những chương trình này ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách ở trẻ. Đáng báo động ở chỗ, không ít chương trình vô tình khiến trẻ hiểu lệch lạc rằng rượu bia đem lại vui thú, hút thuốc tạo vẻ quyến rũ, còn chơi ma túy là “mốt”. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi tỉ lệ tội phạm ngày càng tăng cao như vậy!
Âm nhạc kích động
Phần lời một số bài hát thịnh hành ngày nay rất thô tục. Âm nhạc và trình diễn nói chung có thể ảnh hưởng tiềm thức của chúng ta.
Bước 7: Học cách thích việc cần làm
Bắt đầu bằng cách làm việc cần thiết, sau đó là việc phù hợp khả năng, dần dần bạn sẽ thấy mình làm được những việc phi thường.
- Thánh Francis thành Assisi
Có những việc cần phải làm, dù ta có thích hay không, chẳng hạn như việc một người mẹ phải chăm sóc con nhỏ. Loại công việc này không phải lúc nào cũng vui vẻ, dễ chịu, đôi khi có thể bực bội là đằng khác. Nhưng nếu học được cách yêu thích công việc mình làm, mọi chuyện chắc chắn sẽ trôi qua một cách nhẹ nhàng, vui vẻ.
Bước 8: Khởi đầu ngày mới bằng những việc làm tích cực
Sau một đêm ngon giấc, đầu óc ta được thư giãn, tinh thần tinh tấn trở lại và sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ. Để tăng cường hơn nữa năng lượng cho ngày mới, bạn nên chọn đọc hoặc lắng nghe một chương trình tươi sáng, vui vẻ. Điều đó sẽ giúp bạn bắt nhịp ngày mới và đưa tâm trí vào chế độ hoạt động thích hợp cho một ngày tích cực. Để tạo thay đổi, cần có ý thức nỗ lực biến suy nghĩ và hành xử tích cực trở thành nhân tố trong cuộc sống hàng ngày. Tập suy nghĩ và hành xử tích cực tới khi nó trở thành một thói quen.
Nhà tâm lý học William James từng nói: “Nếu có ý định thay đổi cuộc sống của mình, bạn cần bắt đầu ngay từ bây giờ”.
Thực hiện 8 bước trên, thành công sẽ mỉm cười với bạn!
SO SÁNH NGƯỜI THÀNH CÔNG VÀ NGƯỜI THẤT BẠI
• Người Thành Công luôn biết cách tháo gỡ vấn đề.
Người Thất Bại chỉ biết gây ra vấn đề.
• Người Thành Công luôn có chương trình hành động.
Người Thất Bại chỉ biết viện cớ.
• Người Thành Công nói: “Để tôi làm giúp bạn”.
Người Thất Bại nói: “Việc đó không phải của tôi”.
• Người Thành Công nhìn thấy giải đáp cho mọi vấn đề.
Người Thất Bại thấy có vấn đề trong mọi giải pháp.
• Người Thành Công nói: “Chuyện này có vẻ khó nhưng vẫn có thể làm được”.
Người Thất Bại bảo: “Chuyện có thể làm được nhưng khó quá”.
• Khi phạm lỗi, người Thành Công nói: “Xin lỗi. Tôi đã sai”.
Khi phạm lỗi, người Thất Bại bảo: “Đó không phải lỗi của tôi”.
• Người Thành Công đưa ra cam kết.
Người Thất Bại chỉ toàn hứa hẹn.
• Người Thành Công có ước mơ.
Người Thất Bại chỉ có âm mưu.
• Người Thành Công nói: “Tôi phải làm gì đó”.
Người Thất Bại bảo: “Phải làm gì đó”.
• Người Thành Công là một thành viên gắn kết với tập thể.
Người Thất Bại xa rời tập thể.
• Người Thành Công nhìn thấy lợi ích đạt được.
Người Thất Bại chỉ thấy khổ sở.
• Người Thành Công thấy các khả năng.
Người Thất Bại chỉ thấy vấn đề.
• Người Thành Công tin vào kết quả mọi người cùng chiến thắng.
Người Thất Bại cho rằng mình thắng tất phải có kẻ thua.
• Người Thành Công nhìn thấy tiềm năng.
Người Thất Bại chỉ nhìn thấy quá khứ.
• Người Thành Công giống như bộ ổn nhiệt.
Người Thất Bại giống chiếc nhiệt kế.
• Người Thành Công lựa chọn điều mình muốn nói.
Người Thất Bại nói điều họ lựa chọn.
• Người Thành Công có lý lẽ mạnh mẽ nhưng lời nói dịu dàng.
Người Thất Bại dùng lý lẽ yếu ớt nhưng lời nói lại đao to búa lớn.
• Người Thành Công giữ vững lập trường và biết bỏ qua những điều vụn vặt.
Người Thất Bại bám lấy những điều vụn vặt và chùn bước trước những vấn đề lớn lao.
• Người Thành Công sống theo nguyên tắc thấu cảm: “Đừng gây cho người khác những việc bạn không muốn họ gây ra cho mình”.
Người Thất Bại lại nghe theo triết lý: “Thà phụ người chứ không để người phụ mình”.
• Người Thành Công thúc đẩy thành công đến với mình.
Người Thất Bại để việc tự xảy ra.
• Người Thành Công lập kế hoạch và chuẩn bị gặt hái chiến thắng. Cụm từ mấu chốt là “chuẩn bị”.
CÁC BƯỚC HÀNH ĐỘNG
Bạn có thể thất vọng nếu bị thất bại, nhưng cuộc sống sẽ bi đát hơn nếu bạn không nỗ lực.
- Beverley Sills
Có thể tóm tắt ngắn gọn tám bước hành động vừa trình bày như sau:
• Tìm kiếm giá trị tích cực.
• Tạo thói quen làm ngay mọi việc.
• Xây dựng thái độ biết ơn.
• Hình thành chương trình giáo dục suốt đời cho bản thân.
• Xây dựng hình ảnh bản thân tích cực.
• Tránh xa ảnh hưởng tiêu cực.
• Học cách thích việc cần phải làm.
• Khởi đầu ngày mới bằng việc làm tích cực.