Những chiến thuật chiến thắng
Người thành công không lãng phí thời gian vào những suy nghĩ viển vông, xa rời thực tế. Họ tư duy một cách tích cực và biết cách tư duy ấy quyết định thành công của bản thân.
- Tiến sĩ Seymour Epstein
Hãy lưu tâm đến điều mình muốn hơn là những điều mình không muốn.
Thành công không ngẫu nhiên có được mà nó là kết quả của thái độ, và thái độ là sự lựa chọn riêng của mỗi người.
Đang lái xe trên đường, vị linh mục kia chợt thấy trước mắt mình một trang trại tuyệt đẹp. Ông dừng lại, xuống xe, đứng lặng im nhìn ngắm. Thấy thế, bác nông dân lái máy kéo gần đó bước lại chào khách. Linh mục cất tiếng bảo: “Chúa đã ban cho ông một trang trại thật đẹp. Ông nên biết ơn điều đó”. Bác nông dân mỉm cười: “Phải, Chúa đã ban cho con một trang trại trù phú, con biết ơn điều đó, và còn tuyệt hơn nữa khi trang trại này là duy nhất - có một không hai trong vùng!”.
Có bao giờ bạn đặt ra cho mình những câu hỏi: Tại sao có người cứ gặt hái hết thành công này đến thành công khác, trong khi có những người lúc nào cũng ở trong tư thế đang chuẩn bị?
Có những người liên tục bị cản trở mà vẫn đạt được mục tiêu, trong khi nhiều người cũng vất vả mà chẳng tới đâu?
Nếu lời đáp cho hai câu hỏi trên là điều bạn cần trong tiến trình học hỏi, thì cuộc đời bạn sẽ thay đổi rất nhiều.
THÀNH CÔNG LÀ GÌ?
Nếu thực sự muốn thành công, hãy tập thói quen làm những việc mà người thất bại không muốn làm.
- Khuyết danh
Dù sống ở thời đại nào hay hoạt động trong lĩnh vực nào chăng nữa, người thành công vẫn có một số phẩm chất chung. Nếu biết học hỏi và trau dồi những phẩm chất ấy, chúng ta cũng sẽ có được thành công.
Tương tự, ở người không thành công cũng có nhiều điểm yếu giống nhau, nếu biết tránh những điểm yếu ấy, chúng ta sẽ tránh được thất bại. Thành công không có gì là bí ẩn. Đơn giản đó là kết quả của một quá trình vận dụng những nguyên tắc cơ bản. Nói ngược lại cũng đúng: thất bại là kết quả của việc liên tục phạm một số sai lầm. Điều này có vẻ như ta đang đơn giản hóa vấn đề nhưng thực tế là như thế.
Định nghĩa thành công
Một số người cho thành công là giàu sang, số khác lại cho thành công là được xã hội công nhận; là được khỏe mạnh, gia đình êm ấm, hạnh phúc, thỏa mãn và thanh thản tâm hồn… Thực ra những cách hiểu trên đều mang tính chủ quan. Có thể đưa ra một khái niệm chung, ngắn gọn về thành công như sau:
Thành công là quá trình thực hiện được một mục tiêu xứng đáng.
- Earl Nightingale
Chúng ta hãy đi sâu phân tích định nghĩa này:
“Quá trình” nghĩa là thành công nằm ở hành trình, chứ không phải đích đến. Chúng ta không bao giờ đến đích vì sau khi đạt được mục tiêu này rồi, ta lại tiếp tục tiến tới những mục tiêu khác, và cứ liên tục như vậy trong cuộc sống.
“Thực hiện” có nghĩa thành công là sự trải nghiệm của chính mỗi người. Thế lực bên ngoài không thể làm ta có cảm giác thành công. Ta phải cảm nhận từ nội tâm. Thành công ở nội tâm chứ không phải ở bên ngoài. Đó là lý do tại sao những gì mà người ngoài cho là thành công đôi khi chỉ đem lại cho ta cảm giác trống rỗng trong lòng.
“Xứng đáng” nhắc chúng ta về hệ thống các giá trị nhân phẩm của bản thân mà nếu không có chúng thì mục tiêu sẽ không còn giá trị. Chúng ta nhắm đến định hướng nào? Mục tiêu tích cực hay tiêu cực? Ý nghĩa “xứng đáng” quyết định chất lượng của hành trình. Đó là nhân tố mang lại ý nghĩa và sự toại nguyện cho cuộc sống.
Tôi không biết bí quyết thành công là gì, nhưng mấu chốt dẫn đến thất bại là cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người.
- Bill Cosby
Thật vậy, thành công phải đi liền với cảm giác toại nguyện. Thành công mà không có được sự toại nguyện thì đó chỉ là sự trống rỗng.
Để có được thành công, ta cần có thêm may mắn, nhưng cái may ấy phải bắt nguồn từ cảm hứng, khát vọng, nỗ lực và một chút liều lĩnh của bản thân.
Thành công và hạnh phúc song hành. Thành công là có được cái bạn muốn và hạnh phúc là vui với cái bạn có.
- Shiv Khera
Sự tồn tại đơn thuần không phải là thành công! Cuộc đời có ý nghĩa nhiều hơn thế!
Không chỉ là tồn tại – mà hãy sống.
Không chỉ tiếp xúc – mà hãy cảm nhận.
Không chỉ nhìn – mà hãy quan sát.
Không chỉ đọc – mà hãy hấp thu.
Không chỉ lắng nghe – mà hãy thấu hiểu.
- John H. Rhoades
MỘT SỐ RÀO CẢN TRÊN ĐƯỜNG CHINH PHỤC THÀNH CÔNG
• Cái tôi
• Sợ thất bại
• Đánh giá thấp bản thân
• Không biết lên kế hoạch
• Dễ thay đổi
• Hay chần chừ
• Trách nhiệm gia đình
• Tài chính
• Thiếu trọng tâm
• Vì mục đích kiếm tiền trước mắt mà từ bỏ tầm nhìn tương lai
• Ôm đồm quá nhiều việc
• Thiếu ý chí
• Thiếu chuyên môn
• Thiếu sự nhẫn nại
• Không biết xác lập ưu tiên
LỢI THẾ THÀNH CÔNG
Để có lợi thế thành công, ta cần nỗ lực đạt được sự vượt trội, chứ không phải sự hoàn hảo. Nỗ lực vì sự hoàn hảo chỉ đem đến những tác động xấu đối với thần kinh; nỗ lực vì sự vượt trội mới là tiến bộ, vì chúng ta đều có thể làm tốt hơn hoặc cải thiện mọi việc.
Tất cả những gì ta cần là một chút lợi thế. Chú ngựa về nhất cuộc đua có thể chỉ về đích trước chú ngựa sau nó khoảng 5 cm, thậm chí là 10 mm. Đôi khi, chỉ cần nhanh hơn một tích tắc nhưng phần thưởng nhận được lại lớn hơn gấp nhiều lần.
Điều này có công bằng hay không? Không quan trọng lắm, bởi đó là quy luật của cuộc chơi. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Người thành công chưa chắc đã thông minh hơn nhiều lần so với kẻ thất bại. Họ có thể chỉ nhỉnh hơn một chút, nhưng phần thưởng lại lớn hơn rất nhiều.
Không nhất thiết phải nỗ lực cải thiện mọi lĩnh vực của cuộc sống, chỉ cần cải thiện 1% trong 1.000 lĩnh vực khác nhau, điều này có vẻ khả thi hơn, và đó chính là lợi thế chiến thắng!
NỖ LỰC
Lịch sử cho thấy những người chiến thắng vĩ đại nhất thường là những người hay gặp phải trở ngại đau lòng. Họ thành công vì không muốn bị thất bại quật ngã.
- B. C. Forbes
Thử thách trong đời có thể trở thành bi kịch hoặc chiến công tùy theo cách thức chúng ta xử lý vấn đề. Không có chiến thắng nào không gắn liền với sự nỗ lực.
Trong phòng thí nghiệm, thầy giáo giảng bài về quá trình sâu hóa bướm. Thầy bảo học trò rằng vài tiếng nữa, con bướm sẽ cố gắng chui ra khỏi kén và không bạn nào được giúp nó. Rồi thầy có việc cần ra ngoài.
Cả lớp ngồi chờ, mọi chuyện xảy ra đúng như lời thầy. Thấy bướm chật vật chui ra khỏi kén, một học sinh động lòng thương bất chấp lời thầy dặn, quyết định ra tay giúp bướm. Cậu bé phá kén với ý tốt, đâu ngờ chỉ ít phút sau, bướm chết.
Khi thầy giáo quay lại, cả lớp kể cho thầy nghe câu chuyện. Thầy mới giảng giải rằng theo quy luật tự nhiên, loài bướm phải tự đẩy mình ra khỏi kén, có thế mới tạo sức mạnh cho đôi cánh. Khi can thiệp vào quá trình ấy, cậu bé kia đã phá vỡ quy luật tự nhiên và vì vậy mà bướm không sống được.
Hãy vận dụng nguyên tắc này vào cuộc sống chúng ta. Trong đời không có gì đáng giá đến với chúng ta mà không đòi hỏi sự nỗ lực. Đặc biệt, nhiều bậc cha mẹ thường có xu hướng làm hỏng đứa con yêu dấu của mình vì không cho chúng cơ hội nỗ lực và chứng tỏ khả năng của bản thân.
VƯỢT QUA TRỞ NGẠI
Những người từng vượt qua trở ngại thường bản lĩnh hơn người chưa bao giờ đối mặt với khó khăn. Là con người, ai rồi cũng có lúc gặp phải sóng gió, có cảm giác chán nản, thất vọng. Người chiến thắng là người không để tinh thần bị lung lạc, biết kiên trì và sẵn sàng vươn lên.
Nhiều người thường đầu hàng ngay khi sắp đạt được thành công. Họ bỏ cuộc khi chỉ còn cách đích một khoảng ngắn. Họ bỏ cuộc vào giây phút cuối cùng của trận đấu, chỉ cách bàn thắng chung cuộc một bàn chân.
- H. Ross Perot
Ngạn ngữ Anh có câu: “Biển lặng không tạo nên thủy thủ giỏi”. Mọi chuyện đều phải qua khó khăn rồi mới hóa dễ dàng. Chúng ta không thể chạy trốn vấn đề của mình. Chỉ có người thất bại mới bỏ cuộc và đầu hàng.
THƯỚC ĐO CỦA THÀNH CÔNG
Thành công đích thực được đo bằng cảm giác nhận biết mình đã làm tốt công việc và đạt được mục tiêu đề ra.
Thành công không đo bằng địa vị mà bằng những rào cản ta đã vượt qua để có được vị thế ấy.
Thành công không định giá qua việc hơn-thua với người khác mà qua việc mình đã làm được gì so với khả năng thực sự của bản thân. Người thành công cạnh tranh với chính mình. Họ vượt thành tích riêng và liên tục cải thiện bản thân.
Thành công không hẳn được đo bằng mức độ vươn lên trong cuộc sống mà đúng hơn là bằng việc ta bật lại thế nào sau khi vấp ngã. Chính khả năng bật lại ấy mới quyết định thành công.
MỌI CÂU CHUYỆN VỀ THÀNH CÔNG ĐỀU GẮN LIỀN VỚI NHỮNG THẤT BẠI
Thất bại là cha đẻ của thành công. Ngài Tom Watson của tập đoàn IBM từng nói: “Nếu muốn thành công, hãy nhân đôi tỉ lệ thất bại”.
Nhìn vào lịch sử phát triển, ta sẽ thấy tất cả những câu chuyện về thành công đều gắn liền với thất bại. Nhưng thường thì người đời không biết đến những thất bại đó. Bởi vậy họ cho rằng thành công là phần thưởng do may mắn đem lại.
Câu chuyện cuộc đời một người nổi tiếng sau đây là một minh chứng cho điều đó. Năm 21 tuổi, người ấy thất bại trên chặng đường kinh doanh, năm sau lại bị đánh bại trong cuộc đua vào hội đồng lập pháp, năm 24 tuổi lại kinh doanh thua lỗ; người yêu mất năm anh 26 tuổi, năm sau suy sụp thần kinh. Năm 34 tuổi lại thất bại trong cuộc đua vào quốc hội. Năm 45 tuổi ra tranh cử chức nghị sĩ nhưng không thành. Hai năm sau không giành được chiếc ghế phó tổng thống; năm 49 tuổi cũng lại không thành công với chiếc ghế nghị sĩ. Năm 52 tuổi được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ. Con người ấy là Abraham Lincoln.
Bạn có cho rằng Abraham Lincoln là người thất bại không? Lẽ ra ông có thể bỏ cuộc và trở lại hành nghề luật sư, nhưng ông không làm thế. Với Lincoln, thất bại chỉ là con đường vòng, chứ không phải ngõ cụt.
Bài xã luận trên The New York Times đăng ngày 10/12/1903 ngờ vực trí thông minh của anh em nhà Wright khi họ nỗ lực chế tạo một chiếc máy nặng hơn không khí nhưng lại biết bay. Một tuần sau, tại Kitty Hawk, hai nhà phát minh này đã thực hiện chuyến bay nổi tiếng trong lịch sử.
Năm 65 tuổi, tài sản duy nhất đại tá Sanders có được là một chiếc xe cũ kỹ và 100 đô-la tiền bảo hiểm xã hội. Ông thấy mình cần làm gì đó để cải thiện cuộc sống. Nhớ lại cách mẹ từng làm món gà chiên, ông cũng làm rồi đem đi bán. Ông đã gõ cửa không biết bao nhiêu ngôi nhà mới có được đơn đặt hàng đầu tiên. Để rồi sau đó, món gà rán của chuỗi cửa hàng KFC đã chinh phục toàn thế giới.
Thời trẻ, họa sĩ vẽ tranh hoạt hình Walt Disney từng bị nhiều chủ tòa soạn từ chối vì cho rằng ông không có tài. Một hôm, vị mục sư ở nhà thờ nọ thuê anh vẽ một số tranh. Anh làm việc trong một cái lán cũ đầy gián, chuột gần nhà thờ. Thấy một chú chuột nhắt chạy loanh quanh, anh nảy ra cảm hứng vẽ hình ảnh hoạt họa mới. Đó chính là hình ảnh khởi đầu của chú chuột Mickey lừng danh thế giới sau này.
Một hôm, cậu bé lên bốn bị lãng tai về nhà đưa cho mẹ xem lời phê của thầy giáo ở trường: “Con trai chị khờ lắm, không học được gì cả. Nên cho cháu nghỉ học”. Người mẹ xem rồi bảo: “Con tôi đâu đến nỗi quá khờ không học được, tôi sẽ tự dạy con”. Cậu bé ấy sau này trở thành nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison. Thực chất, cả đời ông đi học chính thức chỉ có ba tháng.
Người thành công chưa hẳn đã làm những việc vĩ đại, mà họ là người làm những việc bình thường theo kiểu vĩ đại.
- Shiv Khera
Những người ấy thành công bất chấp có vấn đề, chứ không phải vì không gặp vấn đề.
Tất cả các câu chuyện thành công cũng là câu chuyện về những thất bại to lớn. Sự khác biệt duy nhất là mỗi khi bị thất bại, họ lại bật lên. Thất bại như một bước ngừng nghỉ tạo đà cho họ. Hãy học hỏi từ thất bại và liên tục tiến lên.
Năm 1914, ở vào tuổi 67, toàn bộ nhà máy và những phát minh của Thomas Edison đều bị lửa thiêu rụi. Số tiền bảo hiểm ông nhận được rất ít ỏi. Dù không còn trẻ nữa, nhưng nhìn công sức cả đời của mình tan theo mây khói, ông vẫn tràn đầy lạc quan: “Tai họa cũng có cái hay của nó. Mọi sai lầm của chúng ta đều bị cháy ra tro. Ơn Chúa là bây giờ chúng ta có thể bắt đầu lại hoàn toàn”. Và chỉ ba tuần sau tai họa này, ông đã phát minh ra máy hát. Quả là thái độ đáng học tập!
Dưới đây là một số ví dụ khác về thất bại của những người thành công:
• Thomas Edison thất bại gần 10.000 lần khi chế tạo bóng đèn tròn.
• Lee Iacocca bị Henry Ford II sa thải ở tuổi 54, để rồi sau đó trở thành vị chủ tịch vực dậy và phát triển tập đoàn xe hơi Chrysler.
• Lúc trẻ, Beethoven bị cho là không có năng khiếu âm nhạc. Nhưng ông đã trở thành một nhạc sĩ vĩ đại, để lại cho nhân loại những tác phẩm bất hủ.
Thất bại là chuyện không thể tránh khỏi. Cú giật lùi cũng có thể tạo động lực và dạy ta khiêm tốn. Trong đau buồn, bạn sẽ tìm thấy can đảm và niềm tin để vượt qua thất bại. Hãy rút kinh nghiệm để trở thành người chiến thắng chứ không phải nạn nhân. Sợ hãi và ngờ vực chỉ khiến tâm trí rơi vào bế tắc.
Sau mỗi lần thất bại, hãy tự hỏi: Mình đã học được gì từ trải nghiệm này? Chỉ khi ấy, bạn mới có thể biến chướng ngại thành bàn đạp để tiến lên.
MÓN QUÀ LỚN NHẤT
So với các sinh vật trên trái đất, loài người được tạo hóa ban cho không nhiều kỹ năng. Người không biết bay như chim, không chạy nhanh như báo hay bơi như cá sấu, cũng không biết leo cây như khỉ. Người không có đôi mắt tinh tường như đại bàng, cũng không có móng và răng nhọn như mèo rừng.
Có hai loại người thất bại: người hành động mà không bao giờ suy nghĩ và người suy nghĩ nhưng không bao giờ hành động. Sống trên đời mà không vận dụng khả năng tư duy của mình chẳng khác nào bắn súng mà không nhắm vào mục tiêu.
- Shiv Khera
Về thể chất, con người thực sự yếu ớt; chỉ cần một con côn trùng nhỏ xíu cũng có thể giết chết con người. Nhưng tạo hóa rất hữu lý và nhân từ. Món quà lớn nhất tạo hóa ban tặng con người là khả năng tư duy. Con người có thể tạo ra môi trường sống riêng cho mình, trong khi các loài vật chỉ biết thích nghi với môi trường.
Nhưng thực tế, không ít người vẫn chưa biết phát huy tối đa hiệu quả của món quà vĩ đại ấy – khả năng tư duy.
Cuộc đời giống như quán ăn tự phục vụ. Bạn lấy đĩa, chọn món và trả tiền ở cuối quầy. Bạn có thể mua bất cứ món gì miễn là sẵn lòng trả theo giá đã định. Trong quán ăn tự phục vụ, nếu chờ người phục vụ mình, bạn sẽ mãi mãi phải chờ đợi. Cuộc sống cũng giống như thế. Bạn phải thực hiện sự chọn lựa và trả giá để có được thành công.
CUỘC SỐNG CHO TA RẤT NHIỀU CHỌN LỰA VÀ THỎA HIỆP
Số phận không phải là vấn đề may rủi mà là vấn đề biết chọn lựa. Con người sinh ra vốn không để “chờ đợi” mà để “đoạt lấy” số phận cho chính mình.
- William Jennings Bryan
Thoạt nhìn, tiêu đề trên dường như có vẻ mâu thuẫn, mâu thuẫn giữa chọn lựa và thỏa hiệp. Nếu cuộc sống có nhiều lựa chọn, thì sự thỏa hiệp nằm ở đâu? Nhưng, thỏa hiệp cũng chính là một sự lựa chọn. Ta hãy cùng đi sâu vào vấn đề này.
Tại sao lại nói cuộc sống có nhiều chọn lựa?
Khi ăn quá nhiều, ta đối mặt với lựa chọn sẽ thừa cân. Khi uống bia rượu quá nhiều, ta gặp phải lựa chọn hôm sau bị nhức đầu. Nếu uống rượu rồi lái xe, đó là lựa chọn nguy cơ gây tai nạn chết người. Khi ta cư xử tệ bạc với ai đó, ấy là lựa chọn mình sẽ bị xử tệ lại. Khi ta không bận tâm đến người khác, đó là lựa chọn không được người khác quan tâm.
Lựa chọn có kết quả của nó. Ta tự do thực hiện chọn lựa nhưng khi đã chọn rồi, thì sự lựa chọn đó kiểm soát chúng ta. Mọi người đều có cơ hội bứt phá ngang nhau. Có thực hiện được điều đó hay không là tùy thuộc vào mỗi người. Mỗi chúng ta có thể định hình cuộc sống theo bất kỳ hình dạng nào ta muốn.
Tại sao nói cuộc sống có nhiều thỏa hiệp?
Không chỉ có tiệc tùng, vui thú, cuộc đời còn có đau khổ và tuyệt vọng. Chuyện không thể ngờ lại xảy ra. Đôi khi mọi việc lật ngược lại hoàn toàn. Chuyện xấu lại xảy đến với người tốt. Có những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của con người (chẳng hạn những bệnh lý và khuyết tật bẩm sinh). Ta không thể chọn bố mẹ hay hoàn cảnh chào đời cho mình. Đúng là không phải lúc nào quả bóng cuộc đời cũng tung đúng theo hướng bạn muốn. Nhưng vào thời điểm đó, bạn có thể chọn: kêu khóc, hoặc nhận bóng và sẵn sàng nhập cuộc?
Những ngày đẹp trời có hàng trăm chiếc thuyền giương buồm tỏa ra muôn hướng trên biển. Gió thổi một chiều, trong khi những con thuyền ấy lại đi theo nhiều hướng khác nhau.
Sức khỏe, hạnh phúc và thành công tùy thuộc vào ý chí vươn lên của mỗi người. Vấn đề quan trọng không phải là điều gì xảy ra với chúng ta mà là ta đã làm gì với những điều ấy.
- George Allen
Điều này tùy vào cách giương buồm, mà chuyện đó lại do người lái quyết định. Trong cuộc sống cũng vậy, ta không thể chọn hướng gió, nhưng có thể chọn cho mình cách giương buồm.
Dù không phải lúc nào cũng được lựa chọn hoàn cảnh sống, nhưng lúc nào ta cũng có thể chọn thái độ cho mình. Hoặc đó là thái độ và hành động như một người chiến thắng hoặc như một nạn nhân đáng thương. Chính tính cách chứ không phải địa vị xã hội quyết định vận mệnh mỗi người.
Cầu vồng chỉ xuất hiện khi có nắng sau cơn mưa. Cuộc đời cũng vậy. Có hạnh phúc và đau khổ; có tốt và xấu, có khoảng thời gian tươi đẹp và tăm tối. Khi khéo léo ứng phó với nghịch cảnh, ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Không thể kiểm soát mọi việc xảy ra nhưng ta có thể kiểm soát mức độ xử lý của mình.
Tại Hội chợ Quốc tế tổ chức ở thành phố St. Louis, Richard Blechnyden muốn quảng bá sản phẩm trà Ấn Độ. Nhưng trời quá nóng và chẳng ai muốn dùng thử trà của ông. Nhận thấy đồ uống lạnh bán rất chạy, Blechnyden liền nảy ra ý định chế biến trà nóng của mình thành đồ uống lạnh, pha thêm đường. Và quả thực, món trà của ông được mọi người hưởng ứng nhiệt tình. Đó là khởi đầu của trà ướp lạnh trên thế giới.
Điều quý giá con người có được là sự lựa chọn. Nếu cuộc đời cho ta quả chanh, ta có thể dùng nó để pha nước giải khát thay vì than phiền nó quá chua. Khi gặp vấn đề gì đó không như ý, ta có thể tìm cách giải quyết thay vì phẫn nộ… Tất cả phụ thuộc vào chọn lựa của chúng ta.
NHỮNG PHẨM CHẤT GIÚP CON NGƯỜI THÀNH CÔNG
1. Khao khát
Niềm khát khao cháy bỏng muốn đạt được mục đích là động lực mạnh mẽ đưa con người tới thành công. Napoleon Hill từng viết: “Bất cứ điều gì tâm trí con người có thể hình dung và tin tưởng thì đều có thể thực hiện được”.
Một thanh niên hỏi Socrates về bí quyết thành công. Socrates bảo chàng trai sáng mai đến tìm ông gần dòng sông trong thành phố. Khi họ gặp nhau, Socrates bảo người thanh niên đi dạo dọc bờ sông với ông. Tới chỗ nước sâu, nhân lúc chàng trai sơ ý, Socrates xô cậu ta xuống nước. Cậu ta vùng vẫy cố ngoi lên nhưng Socrates khỏe hơn và ghìm cậu xuống. Tới khi cậu tím tái cả mặt, Socrates mới nâng đầu cậu khỏi mặt nước. Việc đầu tiên cậu làm là há to miệng thở một hơi thật sâu. Socrates mới hỏi: “Vừa rồi khi ở dưới nước, anh muốn điều gì nhất?” Cậu ta đáp: “Không khí”. Socrates mới bảo: “Đó chính là bí quyết thành công. Khi anh mong muốn thành công mạnh mẽ như muốn có không khí lúc ở dưới nước thì anh sẽ có được nó ngay thôi. Chẳng có bí quyết nào khác cả”.
Khao khát cháy bỏng là điểm khởi đầu cho mọi thành tựu. Một đốm lửa nhỏ không thể tỏa nhiều nhiệt lượng; cũng vậy, một khao khát yếu ớt chẳng bao giờ đưa đến kết quả lớn lao.
2. Sự cam kết
Đừng cố làm người thành công mà hãy gắng trở thành người có giá trị.
- Albert Einstein
Sự chính trực và thông tuệ là hai cột trụ chính chống đỡ và duy trì sự cam kết. Một nhà quản lý từng khuyên nhân viên của mình rằng: “Chính trực là duy trì cam kết của bản thân dù phải tốn kém bao nhiêu chăng nữa, còn thông tuệ là đừng bao giờ tạo ra những cam kết ngốc nghếch như vậy”.
Thịnh vượng hay thành công đều là kết quả của tư duy và lựa chọn của con người. Lựa chọn suy nghĩ nào sẽ chi phối cuộc đời mình cũng là vì chính bản thân mình. Thành công không phải là chuyện ngẫu nhiên mà là kết quả của thái độ sống.
Phải có sự cam kết mới đạt được thành công
Giữa chơi để thắng và chơi để đừng thua có sự khác biệt lớn. Khi chơi để thắng, ta vào trận với sự nhiệt tình và quyết tâm cao độ; trong khi đó chơi để đừng thua nghĩa là chơi để tránh thất bại và đang ở vào vị trí yếu thế. Ai cũng muốn chiến thắng nhưng rất ít người chuẩn bị tâm lý sẵn sàng trả giá cho chiến thắng ấy. Người chiến thắng tạo dựng môi trường cho mình và cam kết nỗ lực vì chiến thắng. Chơi để thắng xuất phát từ cảm hứng, trong khi đó chơi để đừng thua xuất phát từ sự tuyệt vọng.
Chẳng có môi trường sống nào tuyệt đối lý tưởng. Để đạt được mục đích trong đời, bạn không thể phó mặc số phận hoặc cứ neo đậu một chỗ. Có khi bạn phải nương theo gió và có khi đi ngược hướng gió, nhưng dù theo hướng nào chăng nữa bạn đều phải giương buồm lên.
Bạn thử hỏi huấn luyện viên hoặc vận động viên thể thao xem sự khác biệt giữa đội chơi hay và đội chơi dở là gì. Chắc chắn, họ sẽ trả lời cho bạn rằng, sự khác biệt ấy không nằm ở thể chất, năng khiếu, hay khả năng, mà nằm ở tinh thần thi đấu. Đội chiến thắng có sự quyết tâm và nỗ lực hết mình. Khao khát chiến thắng của họ lớn hơn. Với họ, thi đấu càng gian khó thì:
• Tinh thần càng được khích lệ
• Động cơ càng lớn
• Thành tích càng cao
• Thắng lợi càng ngọt ngào
Thử thách giúp phát huy tiềm năng. Hầu hết vận động viên đều đạt thành tích tốt nhất khi gặp nhiều vấn đề bất lợi. Khi ấy, họ phải cậy đến sức mạnh tinh thần dự trữ của mình.
Khi mệt mỏi và muốn ngừng lại, tôi thường tự hỏi không biết đối thủ sắp tới của mình lúc này đang làm gì. Chỉ cần hình dung rằng họ vẫn đang tập luyện, tôi liền tự nhủ mình phải cố lên. Khi nghĩ họ đang tắm táp nghỉ ngơi, tôi lại càng khổ luyện hơn nữa.
- Dan Gable, vận động viên đấu vật, huy chương vàng Olympic
Ý nghĩa thành công không nằm ở thành tích đạt được mà ở việc đạt được thành tích ấy. Có những người không bao giờ cố gắng vì sợ thất bại. Cùng lúc, họ không muốn sống với vị trí hiện tại vì sợ mình bị tụt hậu. Đường nào cũng tiềm ẩn nguy cơ. Chuyến tàu ra khơi cũng là chuyến tàu đối mặt với nguy cơ gặp giông bão, nhưng nếu cứ neo trong cảng, nó sẽ bị gỉ sét. Chơi vì chiến thắng khác với chơi để đừng thua ở chỗ sự quyết tâm luôn đi đôi với việc đối mặt nguy cơ. Người chơi để thắng thành công trong áp lực còn người chơi để đừng thua không biết cách thành công.
Áp lực khiến người chơi vì chiến thắng phải chuẩn bị tốt hơn. Với người chơi để đừng thua, áp lực làm họ hao mòn dần sinh lực. Họ muốn chiến thắng, nhưng lại sợ thua đến nỗi không thể phát huy hết tiềm năng của mình. Họ tiêu hao sinh lực vì lo lắng thua cuộc thay vì tập trung vào nỗ lực giành chiến thắng.
Chất lượng cuộc đời mỗi người tỉ lệ thuận với mức độ nỗ lực vươn đến sự xuất sắc, cho dù sự cố gắng ấy nhằm vào những mục đích khác nhau.
- Vince Lombardi
Người thua cuộc chỉ muốn được yên phận; người chiến thắng tìm kiếm cơ hội.
Thất bại không có lỗi mà thiếu nỗ lực mới chính là có lỗi với bản thân.
Niềm tin đưa đến cam kết nỗ lực
Ưu tiên và niềm tin khác nhau. Trái với ưu tiên, ở niềm tin không có sự thương lượng. Ưu tiên phải nhường bước trước áp lực; còn niềm tin lại mạnh mẽ hơn nhiều. Điều này lý giải tại sao phải có một hệ thống giá trị nhân phẩm tốt đẹp làm nền tảng cho niềm tin của mình, bởi niềm tin sẽ dẫn đến sự cam kết nỗ lực.
3. Trách nhiệm
Người có nghị lực biết nhận trách nhiệm. Họ quyết đoán và tự tạo nên số phận cho chính mình. Gánh vác trách nhiệm buộc họ phải chấp nhận liều lĩnh và biết lý giải hành động của mình. Có những người thà an phận trong môi trường quen thuộc còn hơn phải gánh vác trách nhiệm. Họ thụ động chờ thành công đến thay vì chủ động biến điều đó thành hiện thực. Gánh vác trách nhiệm đòi hỏi phải biết liều lĩnh một cách có tính toán chứ không phải dại dột. Nghĩa là biết nhìn nhận tất cả lợi hại rồi định ra kế sách hay hành động thích hợp nhất. Người có trách nhiệm không cho rằng cuộc đời mình là do số trời định đoạt.
Khi bổn phận trở thành niềm đam mê, nó sẽ mang đến hạnh phúc.
- George Gritter
Không thể giàu sang nếu không biết tằn tiện.
Không thể khiến kẻ yếu mạnh lên bằng cách làm suy yếu người mạnh.
Không thể giúp người nghèo giàu lên bằng cách lấy của người giàu chia cho người nghèo.
Không thể thiết lập sự an toàn bền vững bằng đồng tiền vay mượn.
Không thể giúp người làm công ăn lương bằng cách khiến người chủ sụp đổ.
Không thể xây dựng nghị lực và can đảm bằng cách chiếm đoạt sáng kiến và sự độc lập của người khác.
Không thể truyền bá tình anh em bằng cách kích động lòng thù hận.
Không thể tránh rắc rối bằng việc tiêu xài phung phí.
Không thể giúp đỡ người khác về lâu dài bằng cách làm giúp những gì họ có thể và nên làm cho chính mình.
- Abraham Lincoln
Khi leo lên núi băng hay tham gia chiến đấu, chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng đủ khiến bạn mất mạng. Tuy nhiên, phản ứng như thế nào trước lỗi lầm của bản thân quan trọng hơn việc phạm lỗi. Người có trách nhiệm biết nhận lỗi và rút kinh nghiệm từ lỗi lầm của bản thân.
Ba cách ứng xử thường gặp sau khi phạm lỗi đó là:
• Phớt lờ
• Phủ nhận
• Nhận lỗi, rút kinh nghiệm và không lặp lại sai phạm đó
Phương án thứ ba đòi hỏi phải có lòng can đảm, cũng nhiều mạo hiểm nhưng có giá trị hơn nhiều. Ngược lại, nếu chọn hai phương án đầu, chẳng khác nào chúng ta bảo thủ, biện minh cho điểm yếu của bản thân. Và như vậy, mãi mãi chúng ta sẽ chẳng thể nào tiến bộ được.
Khi gặp vấn đề, người tiêu cực thường hay đổ lỗi cho hoàn cảnh.
- Shiv Khera
Tại tiệc liên hoan chia tay, trước khi về hưu, vị chủ tịch của một tập đoàn nọ tặng hai phong bì có đánh dấu số 1 và 2 cho người kế nhiệm và bảo: “Mỗi khi anh gặp vấn đề quản lý gì đó không tự giải quyết được, hãy mở phong bì số 1 ra xem. Lần sau, lại mở tiếp phong bì số 2”.
Vài năm sau, công ty xảy ra chuyện nghiêm trọng. Chủ tịch mở két sắt lấy ra phong bì số 1. Nội dung thư như sau: “Cứ đổ lỗi cho người tiền nhiệm”. Mấy năm sau cũng gặp chuyện rắc rối, ông tìm chiếc phong bì số 2, chỉ thấy vẻn vẹn một dòng chữ: “Hãy chuẩn bị hai phong bì cho người sắp kế nhiệm”.
4. Sự nỗ lực
May mắn ư? Tôi không biết may mắn là gì cả. Tôi chưa bao giờ trông chờ điều đó, thậm chí còn ngại tiếp xúc với những người gặp may. Với tôi chỉ có sự nỗ lực và nhận biết cái gì là cơ hội cho mình, cái gì là không.
- Lucille Ball
Ai cũng thích chiến thắng, nhưng không phải ai cũng nỗ lực và đầu tư thời gian chuẩn bị giành thắng lợi. Điều đó đòi hỏi sự hy sinh và kỷ luật tự giác. Không có gì thay thế được sự nỗ lực. Henry Ford từng nói: “Càng nỗ lực làm việc, càng may mắn nhiều hơn”.
Trong cuộc sống, rất nhiều người có tinh thần lao động cao. Và với những người này, nhà tuyển dụng sẵn sàng mở rộng cửa chào đón họ.
Nếu mọi người biết tôi từng phải làm việc vất vả thế nào mới có được tài nghệ hiện giờ, e rằng họ sẽ thấy chẳng còn gì đáng ngạc nhiên nữa.
- Michelangelo
Ta không thể học đánh vần nếu cứ ngồi lên quyển từ điển, cũng không thể phát huy khả năng nào đó nếu không nỗ lực. Người chuyên nghiệp làm việc trôi chảy bởi họ nắm vững quy tắc của bất kỳ công việc nào cần làm.
Người trung bình dành 25% năng lượng và khả năng cho công việc. Thật đáng trân trọng với những ai biết đầu tư hơn 50% năng lực của mình, và thật sửng sốt trước những người đôi khi đầu tư 100% nỗ lực và khả năng của bản thân.
- Andrew Carnegie
Người thành công hỏi về mức độ công việc nhiều chứ không phải ít như thế nào; họ quan tâm làm việc nhiều giờ chứ không giảm bớt. Nhạc công giỏi thường luyện đàn nhiều tiếng liền hàng ngày. Người thành công không cần phải giải thích cho thành tích đạt được vì họ đã vất vả, nỗ lực trong một thời gian dài.
Mọi thứ chúng ta tận hưởng đều là thành quả nỗ lực của người khác. Có khi ta nhìn thấy, cũng có khi không, nhưng hết thảy đều quan trọng. Vì vậy, hãy tự hào với công sức của mình và mỗi khi có dịp, hãy cảm kích sự khó nhọc của người khác qua cách đối xử tôn trọng, chu đáo. Nỗ lực và làm tốt, bạn sẽ được nếm trải cảm giác thỏa mãn khi nhìn thấy thành quả của mình. Đôi khi người khác cũng cảm kích thành quả ấy, nhưng phần thưởng lớn nhất vẫn là sự mãn nguyện của bản thân.
Có người ngừng làm ngay khi tìm được công việc. Họ không hiểu ăn không ngồi rồi và rảnh rỗi khác nhau như thế nào. Thừa thời gian mà không làm gì tức là lãng phí hoặc ảnh hưởng thời gian người khác. Sự lười nhác sẽ rút dần sinh khí và nhiệt tình của con người. Trái lại, khi làm việc hết mình và phải tranh thủ thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi tăng thêm sinh lực, người ta sẽ cảm thấy sảng khoái và mãn nguyện hơn.
Sự vượt trội không phải do may mắn mà là thành quả của rất nhiều nỗ lực và luyện tập. Nỗ lực và luyện tập khiến cho con người ngày càng thạo hơn trong bất kỳ việc gì mình làm.
Bản thân sự nỗ lực vừa là khởi đầu vừa là kết thúc của hành trình. Càng chăm chỉ làm việc, người ta sẽ càng cảm thấy thoải mái hơn; càng thoải mái hơn, họ lại càng chăm chỉ hơn. Ý tưởng hay nhất cũng vô dụng nếu nó không được ứng dụng vào thực tiễn. Có tài mà thiếu ý chí sẽ chẳng làm nên điều gì.
Phần thưởng lớn nhất đời sống ban tặng chính là được nỗ lực cho điều gì đó đáng làm.
- Theodore Roosevelt
Có lần Fritz Kreisler - một nghệ sĩ violin lỗi lạc vừa chơi xong bản nhạc, một khán giả lên sân khấu và ngưỡng mộ bảo: “Tôi sẵn sàng đánh đổi cả đời mình để có thể chơi nhạc như ngài”. Nghệ sĩ đáp: “Thì tôi đã làm vậy đấy!”.
Thực tế, thành công chỉ đến với người hành động chứ không phải người đứng nhìn. Ngựa bận kéo hàng sẽ không thể nào vung chân đá; ngựa đá lại không biết kéo hàng. Hãy nỗ lực vì cuộc sống thay vì xao nhãng mục đích cần đạt được. Không có nỗ lực, sẽ không có thành công.
Thiên nhiên ban cho loài chim thức ăn nhưng không để sẵn trong tổ. Chúng phải bay đi tìm mồi.
Chẳng có gì đến một cách dễ dàng cả. Hàng ngày nhà văn Milton phải dậy từ lúc 4 giờ sáng để hoàn thành kiệt tác Paradise Lost (Thiên đường đánh mất). Noah Webster phải mất ròng rã 36 năm mới soạn xong bộ từ điển Webster.
Thậm chí thành quả nhỏ nhặt nhất cũng cần chúng ta phải nỗ lực. Và dù thành tích nhỏ bé đến đâu chăng nữa vẫn tốt hơn lời lẽ đao to búa lớn.
5. Tư cách
Tư cách bao quát tất cả các giá trị, niềm tin và nhân phẩm con người. Nó phản ánh qua cách cư xử, hành động và cần phải được gìn giữ hơn bất kỳ thứ châu báu quý giá nào trên đời. Làm người thành công phải có tư cách. George Washington từng nói: “Hy vọng tôi sẽ luôn có sự kiên định và phẩm chất để giữ vững điều tôi cho là quý giá nhất trong mọi danh hiệu được ban cho con người, đó chính là tư cách của một người chân chính”.
Kết quả bỏ phiếu hay công luận không quyết định tiến trình lịch sử mà chính là tư cách của nhà lãnh đạo mới quyết định điều đó. Đường tới thành công luôn có nhiều cạm bẫy, vì vậy mỗi người cần giữ tư cách và đừng để mình sa ngã. Bên cạnh đó cần phải giữ vững lập trường để không nản lòng trước những lời lẽ chỉ trích, phê phán.
Tại sao người ta đều thích thành công nhưng lại ghét người thành công? Mỗi khi có ai đó vươn lên, họ lại tìm cách kéo người đó xuống. Điều này dường như đã trở thành một quy luật của cuộc sống. Trong bất kỳ nghề nghiệp nào, người thành công đều khó tránh khỏi con mắt ghen tị của những kẻ hẹp hòi. Không ít kẻ luôn thích chĩa mùi dùi công kích. Họ chính là người có thành quả kém cỏi nhưng lại thích lên giọng chỉ bảo, quát nạt người khác. Đối với những người này, không nên để họ làm bạn mất tập trung, xao nhãng mục tiêu. Càng đạt được nhiều thành tích, bạn sẽ càng phải đối diện với nhiều lời chỉ trích soi mói.
Chẳng ai thích bị phê bình, nhưng với những lời phê bình chân thật, ta có thể học hỏi được rất nhiều điều. Vì vậy, hãy giữ cho mình bản lĩnh để không nản lòng trước những lời chỉ trích, đồng thời phải biết lắng nghe và rút kinh nghiệm. Quan trọng hơn nữa, cần phải biết phân biệt đâu là lời phê bình chân thật và đâu là lời phê bình do ghen tị. Đó cũng chính là chìa khóa giúp ta thành công.
Như bao người khác, người thành công không thích bị chỉ trích, nhưng trước những lời phê bình có giá trị, họ biết bình tĩnh, tự chủ và chăm chú lắng nghe. Họ xin lời khuyên để cải thiện tình hình.
Tư cách là sự kết hợp của nhiều yếu tố
Tư cách là sự kết hợp giữa chính trực, vị tha, hiểu biết, niềm tin, can đảm, trung thành và tôn trọng. Người có tính cách lạc quan và giàu nghị lực thường:
• Điềm tĩnh
• Đĩnh đạc
• Vững vàng, tự tin nhưng không ngạo mạn
• Chu đáo
• Không bao giờ viện cớ
• Biết bỏ qua chuyện nhỏ nhặt vì sự nhã nhặn và cư xử lịch thiệp
• Rút kinh nghiệm sai lầm quá khứ
• Không ỷ vào tiền bạc hay dòng dõi
• Không bao giờ tiến thân bằng cách chà đạp người khác
• Biết nhìn vào bản chất, chứ không phải hình thức
• Sánh bước cùng giới thượng lưu nhưng vẫn giữ được phong cách giao tiếp đại chúng
• Lời nói dịu dàng, nụ cười đôn hậu
• Thoải mái với chính mình và người khác
• Giữ được phong cách tạo lợi thế chiến thắng
• Làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống
• Đạt được thành tích phi thường
• Biết nhận trách nhiệm
• Khiêm tốn
• Giữ được bản lĩnh khi thành công cũng như khi thất bại
• Không gây sự khó chịu
• Tao nhã, lịch sự, không quỵ lụy
• Thể hiện đẳng cấp nhưng không tự phụ, vênh váo
• Có tính kỷ luật tự giác
• Độc lập
• Lịch thiệp trong chiến thắng và hiểu biết khi thất bại
Khó hơn cả thành công chính là xử lý thành công ấy như thế nào. Nhiều người biết cách đạt được thành công, nhưng lại không biết cách xử trí với thành quả ấy như thế nào. Qua đây để thấy rằng năng lực cần đi đôi với tư cách. Năng lực giúp bạn đạt được thành công; tư cách giúp bạn duy trì thành công ấy.
Một điều thường thấy là người ta bắt đầu chểnh mảng ngay khi đã đạt được thành tích. Bởi vậy, thành công rồi, ta cần phải có tinh thần kỷ luật tự giác cao hơn để không đánh mất trạng thái cân bằng, khiêm tốn và luôn nỗ lực trong cuộc sống.
- H. Ross Perot
Ta không chứng tỏ hay khám phá bản thân mà là sáng tạo và phát triển con người mình theo mẫu hình mong muốn.
Người làm vườn phải liên tục nhổ cỏ để ngăn cỏ dại không ăn hết dưỡng chất và ảnh hưởng cây cối trong vườn, tương tự, tư cách cần vun đắp từ thuở ấu thơ cho đến lúc lìa đời. Hãy liên tục xây dựng và phát huy tư cách bằng cách loại bỏ những lỗi lầm của mình.
Nghịch cảnh tạo nên/thể hiện tư cách
Trước sóng gió, có người bứt phá ngoạn mục, lại có người suy sụp. John F. Kennedy từng nói rằng dấu ấn của tư cách thể hiện khi người ta hành xử hiệu quả trước những khó khăn. Khi mọi chuyện tiến triển tốt đẹp, việc thể hiện tư duy logic, tác phong đĩnh đạc và lịch thiệp là chuyện hết sức bình thường. Nhưng ngược lại, nếu nảy sinh vấn đề và bản thân phải chịu nhiều áp lực, không phải ai cũng có thể suy nghĩ sáng suốt và đối xử với người khác trân trọng. Do đó, có thể nói rằng nghịch cảnh cho thấy tư cách của con người.
6. Niềm tin tích cực
Tư duy tích cực và niềm tin tích cực khác nhau thế nào? Nếu biết lắng nghe tiếng nói lòng mình, ta sẽ có được điều gì? Đó là suy nghĩ tích cực hay tiêu cực? Bạn đang lập trình tư duy của mình vì mục tiêu chiến thắng hay thất bại? Cách nghĩ chi phối rất nhiều đến cách thể hiện và thành tích của bạn.
Thái độ tích cực và động cơ hành động là sự chọn lựa ta nên đề ra mỗi ngày. Không dễ sống cuộc đời tích cực; nhưng cuộc đời tiêu cực cũng không dễ dàng. Tư duy tích cực giúp bạn phát huy tối đa khả năng bản thân.
Niềm tin tích cực không đơn thuần là tư duy tích cực mà là thái độ tự tin dựa trên cơ sở vững chắc nào đó.
Có thái độ tích cực mà không nỗ lực thì chẳng khác nào đang nuôi một giấc mơ hão huyền. Câu chuyện sau đây sẽ giúp bạn thấy giá trị của niềm tin tích cực.
Nhiều năm trước hãng Lockheed tung ra chiếc máy bay Tristar đời L-1011. Để đảm bảo an toàn và kiểm tra công suất động cơ, họ cho thử nghiệm bay trong điều kiện khắc nghiệt nhất suốt 18 tháng, chương trình này tiêu tốn đến 1,5 tỉ đô-la. Đòn bẩy thủy lực, bộ cảm ứng điện tử và máy tính kiểm tra vận tốc máy ròng rã suốt 36.000 lượt bay mô phỏng (tương đương 100 năm sử dụng máy bay) và không có một lỗi chức năng nào. Cuối cùng, sau hàng ngàn thử nghiệm, chiếc máy bay đã được đóng dấu phê chuẩn.
Tập đoàn Lockheed có lý do cho niềm tin của mình không? Chắc chắn có. Có rất nhiều lý do để họ tin tưởng chiếc máy bay này rất an toàn khi sử dụng, vì họ đã đầu tư mọi nỗ lực vào khâu chuẩn bị ban đầu.
7. Cho nhiều hơn nhận
Nếu muốn thăng tiến, bạn hãy cố gắng nhiều hơn nữa. Điều này không nhất thiết bạn phải cạnh tranh với người khác mà vấn đề là bạn có sẵn lòng làm nhiều hơn một chút so với mức lương mình được nhận hay không?
Hầu hết mọi người không mấy hứng thú với công việc mình đang được trả lương, một số người lại chỉ muốn làm với định mức trung bình. Họ làm đúng hạn mức chỉ để giữ việc làm. Chỉ có một số rất ít là nỗ lực nhiều hơn so với đồng lương được hưởng. Khi nỗ lực như vậy, những gì họ nhận được đó là:
• Nâng cao giá trị bản thân dù công việc và hoàn cảnh thế nào đi nữa
• Tăng sự tự tin
• Được mọi người coi trọng
• Được mọi người tin cậy
• Cấp trên bắt đầu quý mến
• Có được niềm tin và sự gắn bó từ cấp trên cũng như thuộc cấp
• Phát huy tinh thần hợp tác
• Đem lại niềm tự hào và mãn nguyện
Ở bất cứ môi trường làm việc nào cũng cần người chăm chỉ dù tuổi tác, kinh nghiệm hay trình độ văn hóa của họ thế nào chăng nữa. Người chăm chỉ:
• Có thể làm việc không cần giám sát
• Đúng giờ và chu đáo
• Chăm chú lắng nghe, thực hiện chính xác hướng dẫn của cấp trên
• Trung thực
• Không bực mình khi được yêu cầu giúp đỡ trong hoàn cảnh cấp bách
• Tập trung vào kết quả làm việc hơn là nhiệm vụ được giao
• Vui vẻ và lịch thiệp
Hãy giữ nhiệt tình cho đi nhiều hơn mong đợi của khách hàng, bạn bè, vợ (chồng), bố mẹ, hoặc con cái. Mỗi khi làm gì đó, hãy tự hỏi: “Làm sao để việc mình làm giá trị hơn nữa?” hay “Mình nên chuyển những điều tốt đẹp ấy đến người khác bằng cách nào?”.
Bí quyết thành công có thể gói gọn trong bốn từ: “và hơn thế nữa”. Người thành công làm việc họ buộc phải làm - và hơn thế nữa. Người thành công thực hiện bổn phận - và hơn thế nữa. Người thành công lịch thiệp, phóng khoáng - và hơn thế nữa. Người thành công được tin cậy - và hơn thế nữa. Người thành công đầu tư 100% - và hơn thế nữa.
Không ít người mặc dù rất thông minh, có thành tích học tập xuất sắc, nhưng lại thất bại trong cuộc sống. Lý do là vì họ chỉ giỏi chỉ trích tại sao chuyện này, chuyện nọ không như mong muốn, cũng từ đó mà nảy sinh thái độ sống tiêu cực. Họ không muốn làm việc theo mức lương được hưởng hoặc chỉ muốn làm cho có.
Có khả năng mà không đáng tin cậy, thiếu tinh thần trách nhiệm và sự linh hoạt thì chỉ là của nợ mà thôi.
- Shiv Khera
Khi cho đi hoặc làm nhiều hơn mức lương được nhận, ta đã loại bỏ sự cạnh tranh từ người khác. Thực vậy, nhân tố cạnh tranh nằm ngay trong bản thân ta. So với trí thông minh hay bằng cấp chuyên môn, thái độ cạnh tranh với chính mình quan trọng hơn rất nhiều.
8. Sức mạnh của lòng kiên trì
Không gì thay thế được sự kiên trì. Tài năng cũng không, bởi lẽ cuộc sống thường có rất nhiều người tài giỏi mà không thành công. Năng khiếu cũng không, vì rất nhiều thiên tài không được công nhận. Giáo dục cũng không, vì thế gian đầy ắp những người có học nhưng không được tuyển dụng và nhìn nhận. Chỉ có sự kiên trì và quyết tâm là thể hiện sức mạnh vô hạn.
- Calvin Coolidge
Hành trình phấn đấu trở thành người như mẫu hình mong muốn không dễ dàng. Có rất nhiều chông gai, trở ngại. Người chiến thắng có khả năng vượt qua và phục hồi sinh lực với quyết tâm thậm chí còn mạnh mẽ hơn lúc ban đầu.
Có người hỏi Fritz Kreisler - nghệ sĩ violin thiên tài rằng: “Làm sao ngài chơi nhạc hay như vậy? Có phải do may mắn không?”. Ông đáp: “Đó là nhờ khổ luyện. Nếu một tháng không tập luyện, khán giả sẽ nhận thấy tiếng đàn của tôi có sự khác biệt. Nếu bỏ không luyện trong một tuần, vợ tôi sẽ nhận ra sự đổi khác. Nếu tôi không luyện đàn trong một ngày, chính tôi nhận ra sự khác biệt”.
Sự kiên trì bắt nguồn từ cam kết nỗ lực và quyết tâm. Sự nhẫn nại đem đến niềm vui riêng của nó. Vận động viên đầu tư rất nhiều năm khổ luyện chỉ vì một vài phút giây chinh phục đỉnh cao.
Sự kiên trì thể hiện ở tinh thần quyết tâm hoàn thành công việc mình đã chọn. Những lúc kiệt sức, ta thường muốn bỏ cuộc. Với người thành công thì khác. Họ biết chịu đựng và hoàn thành việc mà họ đã bỏ ra công sức. Có những người thoạt tiên khởi đầu rất tốt nhưng khi gặp trở ngại, họ lại chùn bước, kết quả là họ chẳng bao giờ làm trọn vẹn việc gì cả.
Sự kiên trì được động viên nhờ mục đích mà ta muốn đạt được. Cuộc đời không có mục đích giống như sống mòn. Người không có mục đích sẽ không bao giờ kiên trì vượt khó và không bao giờ trải nghiệm được cảm giác mãn nguyện trong đời.
9. Tự hào về thành tích
Khi nản lòng, ta thường hay tìm đến lối tắt. Nhưng thực tế ta nên tránh những con đường ấy, dù chúng hấp dẫn thế nào đi nữa. Niềm tự hào chân chính xuất phát từ nội tâm – đó mới là điều tạo nên lợi thế chiến thắng.
Tự hào về thành tích không có nghĩa là phô bày cái “tôi”, mà là sự hài lòng một cách khiêm tốn. Chất lượng công việc và năng lực của người làm việc ấy luôn hòa quyện vào nhau. Thái độ nửa vời sẽ chẳng đem lại kết quả gì cả.
Ba anh thợ xây đang làm việc. Một người đi đường hỏi họ đang làm gì. Anh thứ nhất đáp: “Bộ không thấy tôi đang kiếm miếng ăn hả?”. Anh thứ hai bảo: “Không thấy người ta đang lát gạch à?”. Anh cuối cùng trả lời: “Tôi đang xây một đài tưởng niệm rất đẹp”. Cả ba người cùng làm một việc nhưng lại có cách nhìn hoàn toàn khác nhau, đồng thời thể hiện ba thái độ khác biệt về việc làm của mình.
Thái độ ấy có ảnh hưởng đến thành tích lao động của họ không? Chắc chắn có.
Kết quả vượt trội chỉ có được khi người lao động tự hào vì đã nỗ lực hết sức mình. Mọi công việc đều là chân dung tự họa của người làm việc ấy, cho dù đó là rửa xe, quét nhà, sơn tường hay việc gì đi nữa.
Hãy làm việc đàng hoàng ngay từ đầu, và lúc nào cũng giữ thái độ đó. Bảo hiểm tốt nhất cho tương lai chính là làm tốt công việc ngày hôm nay.
Giai thoại kể rằng Michelangelo - họa sĩ thiên tài người Ý thời Phục hưng, đã lao động liên tục nhiều ngày để cho ra đời một tác phẩm điêu khắc. Ông bỏ nhiều thời gian chỉnh sửa lại từng chi tiết một. Một người đi đường thấy những chỗ chỉnh sửa ấy chẳng mấy quan trọng nên hỏi họa sĩ tại sao phải mất công như vậy. Michelangelo đáp: “Mỗi chi tiết nhỏ làm nên sự hoàn hảo, nhưng hoàn hảo không phải là chuyện nhỏ.”
Người ta thường quên tốc độ làm việc của bạn và chỉ nhớ bạn đã làm công việc ấy tốt đến mức nào mà thôi.
Nếu phải làm người quét đường, hãy làm việc ấy giống như Michelangelo vẽ tranh, Beethoven sáng tác nhạc, hay Shakespeare làm thơ. Hãy quét sao cho thật sạch để bất kỳ một người nào đó cũng có thể ngừng bước và thốt lên rằng: “Nơi đây từng in dấu của một người quét đường vĩ đại”.
- Martin Luther King, Jr.
Cảm giác mình đã làm tốt công việc cũng chính là phần thưởng. Làm tốt một việc bình thường còn hơn là làm nhiều việc mà không đến nơi đến chốn.
10. Có thiện chí học hỏi
Nếu Thượng Đế và một vị thầy đứng cạnh nhau, học trò sẽ chào ai trước? Theo văn hóa Ấn Độ thì câu trả lời sẽ là chào thầy trước, vì nếu không có sự hướng dẫn của thầy, người học trò ấy có thể không có cơ hội gặp Thượng Đế.
Người cố vấn hay người thầy là người truyền thụ tri thức cho ta để ta được nhìn xa trông rộng. Nên tìm người có thể làm cố vấn tinh thần cho mình. Hãy cẩn thận khi lựa chọn. Cố vấn tốt sẽ hướng dẫn và chỉ đường, còn cố vấn tồi sẽ khiến ta lầm đường. Nên thể hiện sự kính trọng đối với họ. Hãy là người học trò biết quan tâm, chú ý để vận dụng tốt nhất bài học từ thầy mình.
Người thầy tốt nhất là người không cho bạn đồ uống, mà sẽ chỉ cho bạn con đường kiếm tìm dòng nước mát.
BẠN CÓ HỘI ĐỦ TỐ CHẤT ĐỂ THÀNH CÔNG HAY KHÔNG?
Mỗi người trong chúng ta đều hội đủ mười tố chất như đã đề cập trên. Có thể chúng vẫn đang ở dạng tiềm năng, có thể chúng chưa được phát huy đúng mức như mong muốn, thậm chí có thể ta không hay biết về chúng… Nhưng một khi nhận ra những tố chất ở mình và biết phát huy chúng trong thực tế, chất lượng cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi rất nhiều.
Điều này cũng giống như một kho vàng được chôn dưới sân nhà mà chúng ta không hề hay biết. Nhưng ngay khi tìm thấy kho báu ấy, suy nghĩ và hành động của chúng ta sẽ thay đổi.
Mỗi người trong chúng ta đều có những kho báu bí mật. Chỉ cần ta biết khám phá và sử dụng chúng, mọi thứ sẽ trở nên rất tuyệt vời.