Hạn chế duy nhất cản trở hành động của chúng ta đó chính là sự ngờ vực.
Franklin D. Roosevelt
Nếu vừa lái xe vừa giữ thắng thì kết quả sẽ thế nào? Chắc chắn bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được tốc độ tối đa. Đấy là chưa kể xe sẽ bị nóng máy và mau hỏng vì lực cản của thắng khi ấy ảnh hưởng không tốt cho động cơ.
Trong cuộc sống, nhiều người trong chúng ta thường hãm thắng cảm xúc giống như vậy. “Thắng” ở đây có thể là những nhân tố ngăn cản thành công như sợ hãi, chần chừ, thiếu tự tin về thành tích đạt được, v.v. Cách nhả thắng cảm xúc tốt nhất là xây dựng thái độ tích cực, biết nhìn nhận về bản thân thông qua việc gánh vác trách nhiệm.
20 LÝ DO KHIẾN BẠN KHÔNG THÀNH CÔNG
Sau đây là 20 nhân tố khiến bạn dễ thất bại. Biết nỗ lực khắc phục chúng, bạn mới có thể loại bỏ những chiếc thắng đang kìm hãm bạn thành công.
1. Không sẵn lòng mạo hiểm
Thành công buộc phải mạo hiểm có tính toán. Mạo hiểm không có nghĩa là đánh bạc một cách ngu ngốc và hành xử vô trách nhiệm. Người ta đôi khi vẫn hiểu nhầm hành vi vô trách nhiệm và cẩu thả là mạo hiểm. Điều này dẫn đến những kết quả tiêu cực hoặc thói quen đổ lỗi rằng mình xui xẻo.
Mạo hiểm mang ý nghĩa tương đối. Mỗi người có cách hiểu khác nhau về rủi ro và điều đó phản ánh quá trình rèn luyện của họ. Ai cũng cho rằng leo núi là môn thể thao mạo hiểm, nhưng với người có tập luyện trước, đó không phải là sự mạo hiểm thiếu chuẩn bị. Mạo hiểm có chuẩn bị là mạo hiểm dựa trên nền tảng kiến thức, rèn luyện, nghiên cứu cẩn thận, lòng tự tin và năng lực; đó là các nhân tố giúp chúng ta can đảm hành động khi đối mặt với sợ hãi. Người không bao giờ thử bất cứ chuyện mạo hiểm nào thì chắc chắn sẽ không bao giờ phạm lỗi. Tuy nhiên, không dám mạo hiểm thường lại là sai lầm lớn hơn cả việc thử và bị thất bại.
Tính do dự tạo ra một thói quen xấu và ảnh hưởng đến người khác. Nhiều cơ hội bị vuột mất chỉ vì thiếu quả quyết. Hãy mạo hiểm, nhưng đừng mang tâm trạng của kẻ đánh bạc. Người mạo hiểm tiến lên với đôi mắt mở to, trong khi đó kẻ đánh bạc chỉ biết tung vốn liếng của mình trong bóng tối.
Có người hỏi bác nông dân kia rằng bác có định trồng lúa mì trong vụ này không. Bác bảo: “Không, tôi e trời không mưa đâu”. Người kia hỏi tiếp: “Vậy trồng bắp không?”. Bác nông dân đáp: “Không, tôi lo côn trùng sẽ phá hết”. Cuối cùng người kia hỏi: “Vậy bác trồng cây gì?”. Bác nông dân nói: “Không cây gì cả. Vậy chắc hơn”.
NGUY CƠ
Cười có nguy cơ bị cho là vô duyên.
Khóc có nguy cơ bị cho là yếu đuối.
Tiếp xúc với người khác có nguy cơ bị dính líu
Thể hiện cảm xúc có nguy cơ bộc lộ cái tôi đích thực của mình.
Trình bày ý tưởng, mơ ước trước đám đông có nguy cơ đánh mất chúng.
Yêu có nguy cơ không được đền đáp tình yêu.
Sống có nguy cơ phải chết
Hy vọng có nguy cơ bị thất vọng
Thử sức có nguy cơ bị thất bại.
Nhưng phải chấp nhận nguy cơ, vì nguy cơ lớn nhất trong đời chính là không mạo hiểm chuyện gì cả.
Người không mạo hiểm chuyện gì, không làm gì, không có gì, và không là gì cả.
Họ có thể né đau khổ và buồn phiền, nhưng không được học hỏi, cảm nhận, thay đổi, trưởng thành, yêu thương hoặc sống trọn vẹn.
Họ là nô lệ bị giam hãm bởi chính thái độ của mình, Họ đã tước mất tự do của bản thân.
Chỉ người mạo hiểm mới được tự do.
2. Thiếu kiên trì
Trong đời, mỗi người chúng ta đều có những lúc phải trải qua những cú giật lùi, nhưng vấp ngã không có nghĩa chúng ta thành người thất bại. Nhưng người chiến thắng là người có thể bị đánh ngã mà không bị hủy diệt.
Kiên trì và bảo thủ khác nhau thế nào? Kiên trì là quyết tâm theo đuổi điều gì đó đến cùng, dù có gặp khó khăn. Còn bảo thủ là cố giữ lấy cái cũ, cái hạn chế, không chịu đổi mới.
Hầu hết người ta thất bại không phải vì họ thiếu kiến thức hay tài năng mà vì họ bỏ cuộc. Bí quyết thành công đơn giản nằm ở hai yếu tố: kiên trì và tự chủ. Kiên trì trong công việc cần phải làm và tự chủ, tránh những việc không nên làm.
Người ta thành anh hùng không phải vì can đảm hơn kẻ khác, mà vì họ can đảm thêm được mười phút.
- Ralph Waldo Emerson
3. Đốt cháy giai đoạn
Khao khát nhanh chóng kiếm được bạc triệu của bao người đã giúp ngành kinh doanh vé số vớ bở. Ngày nay, con người có xu hướng muốn có được thứ mình mong muốn một cách nhanh nhất. Cũng vì thế mà không ít người đã tìm đến những con đường tắt và bỏ qua sự liêm chính của mình.
Khi mưu cầu lợi ích chóng vánh, người ta không bao giờ nghĩ tới hậu quả mà chỉ tập trung vào thú vui chốc lát. Ngoài ra, khi chỉ biết nghĩ đến những mục tiêu ngắn hạn thay vì lâu dài, tầm nhìn của người ta sẽ bị hạn chế. Một khi tầm nhìn bị giới hạn, họ sẽ không bao giờ thấy mục tiêu nào xứng đáng cả.
4. Thiếu ưu tiên trong cuộc sống
Người ta thường có những sự thay thế “rất không nên”. Ví dụ, trong các mối quan hệ, họ đổi chác tiền bạc, quà tặng để lấy tình cảm và thời gian. Nhiều người thường lấy việc mua quà cho con cái, người thân để bù đắp lại thời gian mình vắng mặt hơn là dành thời gian bên họ.
Khi không biết đặt ra ưu tiên một cách thích hợp, chúng ta sẽ vô tình lãng phí thời gian, mà lãng phí thời gian chính là lãng phí cuộc sống. Xác lập ưu tiên buộc phải có tính kỷ luật để thực hiện những việc cần phải làm thay vì làm việc tùy theo tâm trạng và ý thích nhất thời.
Một trong những bí quyết chinh phục thành công là hiểu được những ưu tiên của mình. Chẳng hạn, có người lưu tâm chuyện tiền bạc, lại có người lưu tâm chuyện quyền lực, danh tiếng, hoặc tài sản. Nói chung chúng ta phải biết mình cần ưu tiên cho việc gì trong cuộc sống.
Thành công không đến bằng cách đọc và thuộc lòng những quy tắc dẫn đến thành công, mà từ sự hiểu biết chúng và thiết lập ưu tiên thích hợp nhằm vận dụng các nguyên tắc ấy.
5. Tìm lối tắt
Không có gì là miễn phí
Nhà vua nọ triệu tập các quan đại thần, yêu cầu họ viết sách lưu giữ tri thức thông tuệ truyền lại cho hậu thế. Sau khi bỏ ra nhiều công sức, các quan đại thần mang đến một lượng sách lớn trình nhà vua. Nhà vua cho rằng tài liệu ấy quá dài, dân chúng không thể nào đọc hết được, họ phải viết cô đọng hơn. Các quan lại quay về biên soạn và kết quả chỉ trình lên vua một tập sách. Vua vẫn chê dài, họ lại cố gắng rút ngắn chỉ còn một chương. Vẫn bị chê dài dòng, nên họ viết gọn chỉ còn một trang, nhưng kết quả nhà vua vẫn không hài lòng. Cuối cùng, các vị quan này tóm gọn lại chỉ còn một câu, nhà vua mới thực sự ưng ý. Ngài phán nếu chỉ có duy nhất một chân lý tri thức nhằm truyền lại cho thế hệ tương lai, thì đó phải là câu: “Không có gì là miễn phí”.
“Không có gì là miễn phí” nghĩa là chúng ta sẽ phải trả giá cho bất kỳ điều gì mình đạt được. Nói cách khác, ta nhận lại cái mình đã bỏ ra. Nếu không đầu tư nhiều vào việc mình làm, kết quả ta nhận được cũng chẳng đáng bao nhiêu.
Hậu quả của sự lười biếng
Một chú chim chiền chiện đang hót véo von trong rừng, thấy người nông dân đi ngang qua với hộp giun đất trong tay, chú bảo: “Anh đựng gì trong hộp vậy? Anh đang định đi đâu?”. Anh nông dân bảo ra chợ đổi giun lấy lông vũ. Chim bảo: “Tôi có nhiều lông đây này, để tôi nhổ một cái cho anh và tôi đỡ phải mất công tìm giun”. Người nông dân đưa hộp giun cho nó, đáp lại con chim nhổ một sợi lông đưa cho anh. Hôm sau mọi chuyện cũng xảy ra tương tự và cứ thế cho đến lúc con chim chiền chiện không còn sợi lông nào nữa. Giờ nó cũng không thể bay đi tìm mồi. Nó bắt đầu tàn tạ, không hót nữa và chẳng bao lâu sau thì chết.
Trong cuộc sống, nhiều khi ta cố tìm cách đạt được kết quả theo cách dễ dàng nhất, nhưng rút cuộc kết quả nhận được lại thật thê thảm.
Giải pháp chóng vánh thường đưa đến sự thất bại
Để loại bỏ cỏ dại trong vườn, có hai cách: hoặc chạy máy cắt cỏ (dễ làm), sân vườn trông sẽ đẹp được một thời gian, nhưng chẳng bao lâu cỏ dại sẽ mọc lại như cũ; hoặc ngồi xổm nhổ tận gốc từng cây cỏ. Cách này tốn thời gian và công sức hơn, nhưng sẽ tránh cỏ dại được lâu hơn.
Tương tự, thái độ sống của chúng ta cũng vậy. Không ít người tìm kiếm giải pháp trong tích tắc cho mọi chuyện. Họ dùng mì ăn liền và cũng muốn hạnh phúc lập tức có sẵn như vậy. Nhưng, thái độ này chỉ đưa đến những thất vọng mà thôi.
6. Ích kỷ và lòng tham
Lòng tham và sự ích kỷ chẳng khác nào liên tục đưa xô cho người khác múc nước giùm mà không bận tâm rằng người ấy có đủ nước dùng hay chưa.
Sự tham lam khiến con người ta lúc nào cũng muốn nhiều hơn. Với “nhu cầu” thì có thể thỏa mãn, còn với lòng tham thì không bao giờ có điểm dừng. Đó chính là tâm bệnh khó chữa. Lòng tham còn hủy hoại quan hệ tình cảm.
Lòng tham xuất phát từ tầm nhìn yếu kém về bản thân, thích lên mặt giả tạo, hoặc viện cớ. Để thoát khỏi sự tham lam, tốt nhất hãy học cách sống tùy theo khả năng của mình và biết thỏa mãn với điều đó. Mãn nguyện không có nghĩa là thiếu tham vọng.
Kết thúc ở đâu?
Anh nông dân giàu có nọ được treo giải thưởng rằng anh sẽ được quyền sở hữu toàn bộ đất đai anh đi được trong một ngày, với điều kiện anh phải trở về điểm xuất phát trước lúc mặt trời lặn. Sáng hôm đó anh dậy that sớm và vội vã đi thật nhanh để được càng nhiều đất càng tốt. Dù thấm mệt nhưng anh vẫn không chịu dừng bước.
Xế chiều, anh mới sực nhớ ra điều kiện có được số đất đai ấy là phải trở về điểm xuất phát trước khi mặt trời xuống núi. Lòng tham đã khiến anh đi quá xa. Anh bắt đầu tìm đường quay lại, vừa đi vừa tính toán xem mình còn cách thời gian mặt trời lặn là bao. Càng gần tới thời điểm ấy, anh càng cố sức chạy nhanh. Anh kiệt sức, mệt đứt hơi, nhưng vẫn cắm đầu cắm cổ chạy. Kết quả anh gục ngã khi về đến điểm xuất phát và chết ngay sau đó. Thực tế anh đã hoàn thành chặng đường trở về trước khi mặt trời lặn. Anh được chôn cất đàng hoàng và tất cả đất đai anh cần khi ấy chỉ là một nấm mồ nhỏ nhoi.
Những kẻ tham lam thường gặp phải kết cục đáng tiếc như vậy.
7. Thiếu niềm tin
Không có niềm tin thì không có lập trường. Người không có niềm tin dễ xuôi theo người khác vì thiếu tự tin và can đảm. Họ tuân theo số đông để được chấp nhận dù biết mình đang làm chuyện sai trái. Cho dù không ủng hộ việc sai trái, nhưng thấy việc sai mà không lên tiếng phản đối thì chẳng khác nào ta đang ủng hộ chuyện ấy.
Một trong những bí quyết của thành công là, thay vì chống lại, ta hãy ủng hộ một điều gì đó. Như vậy, ta không trở thành nhân tố tạo ra vấn đề mà là nhân tố góp phần mang lại giải pháp. Phải có niềm tin mới xây dựng được lập trường cho mình.
Bạn đều đúng khi nghĩ mình có thể làm được hoặc không thể làm được một điều gì đó.
- Henry Ford
Người thiếu niềm tin giống như người đi ở giữa đường. Bạn thử đoán người ở giữa đường sẽ gặp chuyện gì nào. Họ sẽ bị xe đụng!
Ai cũng có những giờ phút nản lòng, vấp ngã và tổn thương, những thời khắc ngờ vực bản thân và than thân trách phận. Vấn đề là biết vượt qua những cảm xúc ấy và phục hồi niềm tin.
Có niềm tin mà không hành động thì chỉ là thứ lý thuyết suông. Niềm tin không chờ đợi phép màu tới mà khuyến khích ta tự tạo ra chúng.
- Shiv Khera
8. Thiếu hiểu biết về quy luật tự nhiên
Thiên nhiên luôn gợi mở cho con người những phát minh kỳ diệu. Cứ liên tục như vậy, tầm hiểu biết của con người ngày một nâng cao.
- Robert Frost
Thành công là vấn đề quy luật và chúng ta nên tham chiếu quy luật của tự nhiên. Trong số những quy luật ấy thì “thay đổi” là một quy luật tất yếu. Hoặc chúng ta tiến lên hoặc lùi lại; hoặc sáng tạo hoặc tàn phá. Không tồn tại một trạng thái đứng yên.
Hạt mầm, nếu không gieo vào lòng đất, sẽ không thể trổ sinh hoa trái. Thay đổi là điều không tránh khỏi, bất kể ta thích hay không. Mọi tiến bộ là thay đổi nhưng không phải mọi thay đổi đều là tiến bộ. Vì vậy, cần nhìn nhận sự thay đổi và chấp nhận nó khi thấy hợp lý. Chấp nhận không có nghĩa là không cân nhắc, nếu không, sẽ dẫn đến thỏa hiệp, buông xuôi - biểu hiện của sự thiếu tự tin và xem nhẹ bản thân.
Thành công không nằm ở may mắn, mà nằm ở quy luật.
Quy luật nhân quả
Để thành công, ta cần hiểu luật nhân quả và mối quan hệ giữa hành động và kết quả. Cụ thể là:
1. Hãy nuôi dưỡng khao khát, vì khao khát chính là khởi điểm của vấn đề.
2. Gieo gì gặt nấy. Nếu gieo khoai tây, bạn sẽ thu hoạch được khoai tây.
3. Phải gieo rồi mới gặt. Có cho đi mới mong được nhận lại. Có cung cấp chất đốt, lò sưởi mới tỏa nhiệt. Không ít người chỉ chờ đợi được nhận rồi họ mới chịu cho đi. Cuộc sống không tuân theo quy luật ấy.
4. Khi gieo hạt, kết quả gặt hái được rất đa dạng.
Nếu hạt giống tốt, sẽ hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Ngược lại, hạt giống xấu, cây trồng sẽ què quặt, kết quả thu về sẽ không như mong đợi.
5. Không thể gieo và gặt trong cùng một ngày.
Phải có thời gian cho hạt nảy mầm và phát triển.
6. Khi bạn gieo thật dè sẻn thì kết quả thu về sẽ thật ít ỏi. Ngược lại, gieo nhiều sẽ được gặt nhiều.
Cũng như quy luật vật lý, mọi hành động luôn sinh ra một phản lực tương đương với lực đã tác động. Cần liên tục nuôi dưỡng tâm trí bằng những giá trị tích cực, nếu không điều tiêu cực sẽ xâm chiếm tâm hồn. Ngay từ xưa, nhiều nhà thông thái đã nói những câu tương tự như James Allen trong cuốn As a Man Thinketh, rằng: “Tâm trí con người cũng như khu vườn. Nếu ta trồng hạt giống tốt, khu vườn sẽ tươi tốt. Nếu không trồng gì, thứ ta nhận được sẽ là loài cỏ dại. Đó chính là quy luật tự nhiên”.
Một thực tế cho thấy, dù ta trồng hạt mầm tốt đi nữa, cỏ dại vẫn mọc. Bởi vậy, nhổ cỏ dại phải là công việc liên tục.
Nếu cho nước vào ly rồi để ở 0oC, nước sẽ đóng băng. Điều này chẳng có gì ngạc nhiên. Đó là quy luật tự nhiên và là kết quả tất yếu trong một môi trường như vậy.
Suy nghĩ chính là nguyên cớ cho mọi hành động.
Luật hấp dẫn
Ta thu hút không phải điều mình muốn mà là điều hợp với tính cách và con người mình. Câu tục ngữ: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” là một đúc kết cho quy luật ấy.
Người suy nghĩ tiêu cực rất nguy hiểm. Họ thu hút những kẻ tiêu cực khác, phản ứng tiêu cực và chờ đợi những gì tệ hại nhất.
Đã bao giờ bạn gặp người thành công thu hút người thành công khác đến với mình, và kẻ thất bại thu hút kẻ thất bại khác đến với mình chưa? Khi những người thành công kết hợp với nhau, thành quả họ có được sẽ vô cùng to lớn. Ngược lại, khi những kẻ thất bại tụ tập lại, những gì họ nhận được chỉ là lời than van, rên rỉ và phàn nàn.
Có câu thành ngữ rằng: Hãy cho tôi biết bạn của bạn thế nào, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai!
9. Không lập kế hoạch chuẩn bị
Ai cũng mong muốn chiến thắng nhưng lại rất ít người có ý thức chuẩn bị cho chiến thắng ấy.
- Vince Lombardi
Chúng ta thường dành thời gian lên kế hoạch mở tiệc hay đi nghỉ hơn là lập kế hoạch cho cuộc sống của mình.
Chuẩn bị đưa đến tự tin và thành công
Nếu luyện tập không tốt, thành tích thể thao của ta sẽ rất tồi. Sự khác biệt giữa thành công và thất bại là sự khác biệt giữa làm việc đúng một cách chính xác và làm việc gần như đúng.
Sự chuẩn bị thấu đáo về tinh thần và thể chất là kết quả của sự hy sinh và kỷ luật tự giác. Làm người trung bình rất dễ nhưng để thành người giỏi nhất thì rất khó. Chẳng có gì lạ khi người trung bình chỉ chọn cách dễ mà thôi.
Sự chuẩn bị tạo lợi thế cần thiết để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Chuẩn bị = mục đích + nguyên tắc + lập kế hoạch+ thực hành + bền chí + kiên nhẫn + lòng tự hào
Chuẩn bị nghĩa là biết chịu đựng thất bại nhưng không bao giờ chấp nhận nó, là can đảm đối mặt thất bại nhưng không có cảm giác bị đánh bại, thấy thất vọng nhưng không nản lòng.
Chuẩn bị nghĩa là biết rút kinh nghiệm từ sai lầm của mình. Ai trong chúng ta rồi cũng có lúc mắc sai lầm. Kẻ khờ dại là kẻ phạm hai lần trước cùng một lỗi. Khi phạm lỗi mà không sửa tức là đã phạm lỗi nghiêm trọng hơn.
Để xử lý sai lầm, tốt nhất hãy làm như sau:
• Nhanh chóng nhìn nhận sai lầm
• Đừng mãi day dứt về vấn đề đó nữa
• Rút kinh nghiệm
• Không bao giờ lặp lại sai phạm ấy
• Không đổ lỗi hay viện cớ
Càng chuẩn bị tốt, sự tự tin của bạn sẽ càng cao. Do đó, để có được sự tự tin, không gì hơn là lập kế hoạch thật tốt. Người thành công đặt áp lực lên bản thân. Đó là áp lực chuẩn bị chứ không phải áp lực lo lắng phải thành công.
Áp lực nảy sinh là do không được chuẩn bị. Không gì thay thế được sự chuẩn bị, thực hành và nỗ lực. Chỉ biết khao khát và mơ tưởng sẽ chẳng làm nên điều gì, chỉ có chuẩn bị chu đáo mới đem lại cho bạn lợi thế cạnh tranh.
Áp lực có thể khiến bạn tê liệt nếu bạn thiếu sự chuẩn bị. Nước tìm đến dòng chảy riêng cho nó, và thành công cũng tìm đến những ai đã có sự chuẩn bị. Nỗ lực yếu ớt chỉ đem lại kết quả kém cỏi mà thôi.
Sự bền chí thể hiện trong tất cả những khía cạnh sau đây:
• Có mục đích • Lập kế hoạch
• Chuẩn bị • Lòng tự hào
• Kiên nhẫn • Thực hành
• Đề ra các nguyên tắc • Chấp nhận trả giá
• Thái độ tích cực
Hãy tự hỏi những điều sau:
• Mình đã xác định mục đích rõ ràng hay chưa?
• Có kế hoạch hành động không?
• Đang nỗ lực ra sao cho khâu chuẩn bị?
• Sẵn sàng trả giá như thế nào? Sẵn sàng tiến bao xa?
• Có đủ kiên nhẫn chờ đợi giai đoạn ủ mầm của hạt giống thành công không?
• Có sẵn sàng hành động vì sự vượt trội không?
• Có dựa trên nguyên tắc vững vàng nào trong cuộc sống không?
• Có tự hào về thành quả của mình không?
• Có đủ tự tin hay không?
10. Đổ lỗi
Người thành công có thể phân tích nhưng họ không bao giờ đổ lỗi – đó là chiêu thức của người thất bại. Kẻ thất bại luôn viện dẫn hàng trăm ngàn lý do giải thích tại sao họ không thể làm được. Thường lý do của họ như sau:
• Tôi không gặp may
• Tôi sinh nhằm giờ xấu
• Tôi còn trẻ quá
• Tôi già quá rồi
• Tôi bị tàn tật
• Tôi thiếu khéo léo
• Tôi không được học hành
• Tôi không có ngoại hình
• Tôi không có vai vế
• Tôi không có đủ tiền
• Tôi không có đủ thời gian
• Kinh tế khó khăn
• Giá mà tôi có cơ hội
• Giá mà tôi chưa có gia đình
• Giá mà tôi lấy đúng người
Cứ vậy, gặp chuyện gì họ cũng tìm cách viện cớ và đổ lỗi.
Đừng quên rằng, hai yếu tố cơ bản quyết định sự thành công đó là lý do và kết quả. Lý do không có giá trị gì nhưng kết quả đem lại lợi ích rất lớn.
Cách người Ấn Độ bắt khỉ
Thợ săn khỉ dùng một chiếc hộp, nắp hộp có một khe hở vừa đủ để khỉ đưa tay vào. Trong hộp là những loại hạt khỉ thích. Chúng thò tay lấy hạt và bàn tay nắm lại. Sau đó chúng cố lấy tay ra, nhưng với khe hở nhỏ xíu, chúng cho tay vào thì dễ, rút tay ra lại khó. Điều này buộc chúng phải lựa chọn: hoặc bỏ lại các hạt để được tự do, hoặc cứ loay hoay giữ những hạt ấy và bị bắt. Và kết quả thế nào, chắc bạn cũng biết. Loài khỉ cứ tìm cách lấy hạt khô và bị con người tóm gọn.
Tương tự, chúng ta cũng vậy, cứ loay hoay bám vào những lực cản ngăn mình đến thành công. Ta luôn miệng phân trần: “Mình không làm được việc này là vì …” và bất cứ điều gì sau hai chữ “là vì” ấy cũng chẳng khác nào thứ “hạt khô” khiến ta mắc lại.
11. Không rút kinh nghiệm từ sai lầm quá khứ
Trong khi anh chần chừ không hành động vì sợ mình không đủ khả năng thì người khác đã nhanh chóng rút kinh nghiệm từ sai lầm của bản thân, và vì thế họ nhanh chóng vượt lên.
- Henry C. Link
Khi không biết rút ra bài học từ sai lầm của bản thân, kể như ta đang tự hủy diệt chính mình. Thất bại là đường vòng, chứ không phải ngõ cụt; là sự chậm trễ, chứ không phải thua cuộc. Kinh nghiệm cũng là tên gọi cho những sai lầm của chúng ta trong cuộc sống.
Có người sống và biết rút kinh nghiệm, lại cũng có những người chỉ làm được vế đầu. Người khôn học hỏi từ sai lầm của bản thân, còn người khôn hơn thì biết học hỏi từ sai lầm của người khác. Cuộc sống mỗi người không đủ dài để chúng ta chỉ biết rút kinh nghiệm từ lỗi lầm của bản thân mà thôi!
12. Không nhận ra cơ hội
Thoạt đầu, cơ hội có thể giống như chướng ngại vật. Đó là lý do tại sao hầu hết mọi người không nhận ra cơ hội đến với mình. Hãy nhớ, trở ngại càng lớn, cơ hội càng to.
13. Sợ hãi
Sợ hãi có thể có lý do chính đáng nhưng cũng có thể do hoang tưởng. Cảm giác này khiến người ta nảy sinh những hành động lạ lùng, chủ yếu là vì thiếu hiểu biết. Sống trong sợ hãi chẳng khác nào sống trong tù ngục cảm xúc.
Sợ hãi là do bất an, thiếu tự tin và chần chừ, ảnh hưởng xấu đến đời sống tinh thần và năng lực cá nhân, khiến người ta khó có thể suy nghĩ một cách minh mẫn. Sợ hãi còn có thể hủy hoại quan hệ tình cảm và sức khỏe con người.
Một số cảm giác sợ hãi thường gặp là:
• Sợ thất bại
• Sợ điều mình chưa biết
• Sợ chưa được chuẩn bị tốt
• Sợ phạm phải quyết định sai lầm
• Sợ bị từ chối
Có nỗi sợ chúng ta giãi bày được, nhưng có nỗi sợ chỉ tồn tại trong cảm nhận mà thôi. Sợ hãi sinh ra âu lo, và điều này lại dẫn đến những suy nghĩ viển vông. Đây là một trong những lý do làm suy yếu khả năng giải quyết vấn đề của chúng ta. Phản ứng thông thường trước sợ hãi là trốn chạy. Điều này đưa người ta đến một không gian thoải mái hơn và tạm thời giảm được tác động của nỗi sợ, nhưng thực chất của vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Những nỗi sợ hãi hoang tưởng càng khiến vấn đề trở nên phức tạp. Chúng có thể khiến ta mất kiểm soát và ảnh hưởng không tốt đến hạnh phúc cũng như các mối quan hệ trong cuộc sống. Từ sợ hãi trong tiếng Anh “FEAR” có thể tách ra như sau:
FEAR = False Evidence Appearing Real (Bằng chứng giả nhưng lại có vẻ thật)
Thường thì cảm giác sợ thất bại còn tồi tệ hơn cả bị thất bại. Khi không chịu cố gắng, đó đã là một thất bại. Một đứa trẻ mới tập đi có thể bị té liên tục; nhưng với trẻ, đó không phải là thất bại, mà là học hỏi. Nếu để mất tinh thần, chúng sẽ không bao giờ làm được những điều mình mong muốn.
14. Không biết phát huy năng lực
Albert Einstein từng nói: “Trong đời mình, tôi đã dùng khoảng 25% trí lực của bản thân”.
Theo William James thì trung bình, người ta chỉ vận dụng 10-12% năng lực mà thôi. Và điều đáng buồn nhất là “đa phần, người ta mang theo năng khiếu của mình xuống nấm mồ”.
Khi còn sống, họ đã không sống hết mình. Họ chết dần mòn chứ không phải suy nhược vì hoạt động quá sức. Và thật đáng buồn với những người chỉ biết than thở rằng: “Lẽ ra ta nên làm vậy”.
Đừng nhầm lẫn giữa sống mòn với sự kiên nhẫn. Kiên nhẫn là một thái độ sống tích cực trong đó con người bền bỉ và kiên trì vượt khó. Sống mòn lại là cuộc sống nhàn rỗi và thụ động.
Có người từng hỏi bậc cao niên: “Gánh nặng lớn nhất trong đời là gì?”. Đáp rằng: “Là không có gì mà gánh cả”.
15. Thiếu tinh thần kỷ luật
Bạn có một lựa chọn trong đời: hoặc là chấp nhận cái giá của kỷ luật, hoặc là hối tiếc.
- Tim Connor
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao có những người chẳng bao giờ đạt được mục tiêu của mình? Tại sao họ luôn vỡ mộng trước thời thế thay đổi và biến cố bất ngờ? Ngược lại, lại có những người liên tục thành công?
Câu trả lời là: để có được thành công ấy, dù là ai và dù hoạt động trong lĩnh vực nào chăng nữa, những người thành công đều có tinh thần kỷ luật. Thiếu nó, mọi thứ sẽ trở nên lỏng lẻo, thiếu nhất quán.
Người thiếu tính kỷ luật có thể làm mọi việc nhưng lại không thực sự chú tâm vào việc nào. Tinh thần kỷ luật đòi hỏi người ta phải có sự tự chủ, hy sinh bản thân, tập trung và tránh được những cám dỗ.
Chúng ta đều biết câu chuyện chạy thi giữa thỏ và rùa. Thỏ huênh hoang về sự nhanh nhẹn của mình và thách rùa đấu với nó. Rùa nhận lời. Cuộc đua bắt đầu và chú rùa cứ mải miết chạy, dù rất chậm. Trong khi đó thỏ đã phóng như tên bắn và nhanh chóng bỏ xa rùa. Chắc mẩm mình thế nào cũng thắng nên nó quyết định nghỉ ngơi chốc lát. Đến lúc tỉnh giấc, thỏ sực nhớ cuộc đua rồi co cẳng chạy, nhưng rùa đã đến đích tự đời nào và giành chiến thắng.
Sự nhất quán đòi hỏi tính kỷ luật, điều này quan trọng hơn sự nỗ lực nhất thời.
Một đứa trẻ được nuông chiều, sống trong tự do quá mức và thiếu kỷ luật, khi trưởng thành nó sẽ không biết tôn trọng bản thân, cha mẹ và những người xung quanh. Kết quả tất yếu là nó khó gánh vác trách nhiệm cho chính cuộc đời mình.
16. Tự ti
Tự ti là thiếu ý thức tự trọng và kém hiểu biết về giá trị bản thân. Điều này dẫn đến việc ỷ lại và phụ thuộc vào người khác. Họ dễ thỏa hiệp và không nghĩ đến việc đạt được mục tiêu của mình.
Người tự ti thường liên tục tìm kiếm “cái tôi” của bản thân, họ không hiểu rằng cái tôi ấy không bao giờ có sẵn trong mỗi người mà mỗi người cần phải nỗ lực để tạo ra nó.
Ăn không ngồi rồi, lười biếng là hậu quả của sự tự ti và thói quen viện cớ thanh minh. Nhàn rỗi cũng giống như gỉ sắt, ăn mòn cả những bề mặt kim loại sáng bóng.
17. Thiếu kiến thức
Sáu mươi năm trước tôi biết mọi thứ; giờ tôi không biết gì cả. Giáo dục là sự khám phá không ngừng cái dốt của chính mình.
- Will Durant
Bước đi đầu tiên hướng đến tri thức là nhận biết những lĩnh vực mình chưa biết. Càng có kiến thức, con người càng nhận rõ những lĩnh vực mình còn dốt nát. Người cho rằng mình biết mọi thứ mới là người cần học nhiều nhất.
Người dốt là vì họ không biết mình dốt. Và nghiêm trọng hơn cả sự ngu dốt đó là ảo tưởng rằng mình biết tất cả, trong khi thực tế kiến thức mình có chẳng đáng bao nhiêu.
18. Đổ lỗi cho số phận
Thái độ đổ lỗi cho số phận khiến người ta không biết nhìn nhận trách nhiệm của bản thân. Người có thái độ này quy kết sự thành công hay thất bại là do may mắn. Họ cam chịu số phận, chấp nhận tương lai đã định trong lá số tử vi. Họ tin rằng chuyện gì phải đến rồi cũng sẽ đến. Do vậy, họ không bao giờ nỗ lực trước bất cứ việc gì và vô tình thói tự mãn trở thành lối sống đặc trưng của họ. Họ chờ mọi chuyện xảy ra thay vì chủ động giúp chúng tìm đến với mình. Với họ, “Thành công là chuyện hên xui”.
Người thiếu bản lĩnh dễ mắc lừa những kẻ bói toán, xem tử vi, hoặc tự nhận là “con trời”. Thực chất họ chỉ là phường lừa đảo.
Nếu muốn thất bại, bạn cứ tin vào vận số. Nếu muốn thành công, hãy tin vào luật nhân quả, và bạn sẽ tạo ra chính “vận may” cho mình. Samuel Goldwyn từng nói: “Càng nỗ lực, tôi càng thấy mình may mắn”.
Nhiều người cho rằng chẳng qua mình không gặp may
Suy nghĩ này ẩn chứa thái độ đổ lỗi cho số phận. Người chỉ làm việc nửa vời thường nói những câu kiểu như:
• Tôi sẽ thử xem.
• Tôi sẽ coi như vậy được không.
• Tôi cũng định làm chuyện đó.
• Có mất mát gì đâu.
• Suy cho cùng mình cũng chẳng hao tốn nhiều công sức vào chuyện này.
Nếu có những suy nghĩ trên, chắc chắn bạn sẽ thất bại vì không có quyết tâm hay sự tận tụy dành cho công việc đang thực hiện. Cố gắng nửa vời chẳng khác nào chờ mong thất bại và cuối cùng nếm trải đúng kết quả ấy.
Giá trị của sự nỗ lực
Anh chàng kia tậu được một chú ngựa đua, đem về thả trong kho thóc, ngoài treo bảng to với dòng chữ: “Chú ngựa nhanh nhất thế giới”. Anh ta không cho ngựa tập luyện cũng không giúp nó duy trì phong độ hay dáng vẻ. Một hôm, anh ta đem ngựa đi thi, nó về chót. Tức giận, anh ta về nhà sửa lại nội dung ghi trên bảng như sau: “Mọi thứ đều quá nhanh đối với con ngựa này”.
Chỉ biết sống ì ra, không thực hiện việc nên làm, chắc chắn khi thất bại, người ta sẽ đổ lỗi rằng số phận mình thiếu may mắn.
Cuộc sống không có tầm nhìn, lòng can đảm và chiều sâu nhận thức thì chỉ là một trải nghiệm mù mờ. Người có tâm địa hẹp hòi, lười biếng và hèn nhát thường chọn cách dễ nhất, hay đường đi ít gặp trở ngại nhất.
Hãy hỏi những vận động viên tập luyện 15 năm chỉ để đạt được 15 giây thành tích đỉnh cao ở Thế vận hội Olympic xem có phải huy chương vàng họ đạt được là do may mắn hay không? Hãy hỏi cảm giác của họ sau những buổi tập luyện với cường độ cao. Họ sẽ bảo rằng họ có cảm giác như đã tiêu hết tất cả sức mạnh cơ thể, trí lực của mình. Nếu không có cảm giác ấy, chắc chắn họ chưa tập luyện hết khả năng của mình.
Người thất bại cho rằng cuộc sống không công bằng. Khi vấp ngã trên đường đua, họ chỉ chú ý đổ lỗi cho bộ thắng kém hiệu quả mà không biết rằng người có chuẩn bị và thi đấu tốt vẫn gặp bộ thắng tương tự, nhưng những người ấy đã tìm cách khắc phục. Đó chính là sự khác biệt.
Ngưỡng chịu đựng gian khổ của người thành công dần nâng cao vì với họ, công sức tập luyện không phải chỉ để thi đấu mà còn để tôi luyện nghị lực bản thân.
- Shiv Khera
May mắn mỉm cười với những ai biết tự giúp mình
Lũ lụt đe dọa cuộc sống người dân trong thị trấn nọ, ai nấy nhanh chóng tản cư tìm nơi an toàn, trừ một người. Anh ta nói: “Chúa sẽ cứu tôi! Tôi tin tưởng vào Người”.
Khi mực nước dâng cao, một chiếc xe tải nhỏ đến cứu, nhưng anh từ chối, bảo rằng: “Chúa sẽ cứu tôi! Tôi tin tưởng vào Người”. Nước lên cao hơn, anh phải trú trên lầu. Có chiếc thuyền tìm đến, nhưng anh cũng khước từ:
“Chúa sẽ cứu tôi! Tôi tin tưởng vào Người”. Nước dâng lên mãi đến mức anh phải bò lên tận mái nhà. Trực thăng cứu hộ tìm đến, nhưng anh cũng vẫn giữ câu nói cũ: “Chúa sẽ cứu tôi! Tôi tin tưởng vào Người”. Cuối cùng, anh chết đuối. Khi được gặp Chúa trên thiên đàng, anh giận dữ hỏi: “Con có niềm tin tuyệt đối ở Người. Sao Người lại phớt lờ lời cầu nguyện của con mà để con chết đuối như vậy?”. Chúa bảo: “Thế con nghĩ ai đã phái xe tải, thuyền và trực thăng tới chỗ con?”.
Cách duy nhất khắc phục thái độ đổ lỗi cho số phận là nhận trách nhiệm của bản thân và tin vào quy luật nhân quả hơn là may mắn. Để đạt được bất kỳ mục tiêu nào trong đời, đều cần phải lập kế hoạch, chuẩn bị và hành động hơn là chờ đợi, băn khoăn và mơ tưởng hão huyền.
May mắn tỏa sáng ở những người xứng đáng
Alexander Graham Bell cố tìm tòi phát minh thiết bị trợ thính cho người vợ bị lãng tai. Ông không đạt được mục đích ấy nhưng trong quá trình tìm tòi ông đã phát hiện ra nguyên tắc cấu tạo máy điện thoại. Hẳn bạn không cho người như vậy là may mắn chứ?
May mắn là khi sự chuẩn bị của chúng ta gặp đúng cơ hội. Nhưng nếu không có sự nỗ lực và chuẩn bị, những trùng hợp như thế sẽ không xảy ra.
19. Thiếu mục đích
Những bộ óc vĩ đại sống có mục đích, kẻ tầm thường thì chỉ có mơ ước.
- Washington Irving
Rất nhiều câu chuyện về cuộc đời của những người khuyết tật cho thấy khao khát được thành công chính là động lực sống với họ. Họ muốn chứng tỏ với bản thân rằng mình vẫn có thể thành công bất chấp nghịch cảnh – và họ đã làm đúng vậy.
Khao khát là điều làm Wilma Rudolph - người phụ nữ bị liệt, trở thành vận động viên chạy nhanh nhất trên đường đua Thế vận hội năm 1960, giành ba huy chương vàng chung cuộc.
Vận động viên Glen Cunningham nói về thành công của mình như sau: “Khao khát là động cơ làm cậu bé phỏng chân lập kỷ lục thế giới trong cuộc thi chạy 1.500 mét”.
Lên năm, một bé gái bị bại liệt bắt đầu học bơi để phục hồi sức khỏe. Vì khao khát thành công, cô gái ấy về sau trở thành người giữ kỷ lục thế giới ở ba nội dung thi đấu và đoạt huy chương vàng tại Olympic năm 1956 ở Melbourne. “Cô gái vàng” ấy chính là Shelley Mann.
Là nền tảng xây dựng nên mọi nhân tố khác, nghị lực chính là nguồn năng lượng trường tồn.
- Shiv Khera
Khi thiếu mục đích và phương hướng trong đời, chúng ta không nhìn ra cơ hội. Nếu có khao khát đạt được điều gì đó, người ta mới biết hướng đến mục tiêu, mới có sự nỗ lực tập trung, thể hiện tinh thần kỷ luật trong mọi cố gắng của mình, và sau đó thành công sẽ đến. Nếu bạn không có mục đích và định hướng thì dù có tố chất nào đi nữa, bạn cũng sẽ không thành công.
20. Thiếu can đảm
Người thành công không mong đợi phép màu hay những việc dễ dàng đến với mình mà chỉ tìm kiếm can đảm và sức mạnh để vượt qua trở ngại. Họ nhìn vào những khả năng còn lại hơn là những thứ đã mất. Chỉ ao ước không thôi thì không bao giờ thành hiện thực; niềm tin và kỳ vọng có cơ sở thuyết phục mới thực hiện được điều đó. Lời cầu nguyện chỉ được đáp lại khi chúng ta biết can đảm hành động. Can đảm và nghị lực là sự kết hợp quan trọng mang lại thành công. Đó cũng là sự khác biệt giữa người bình thường và người khác thường.
Khi lòng can đảm ngự trị trong tâm trí, chúng ta quên đi bao nỗi sợ hãi và vượt qua trở ngại. Can đảm không phải là không sợ hãi mà là vượt qua sự sợ hãi. Nghị lực (khả năng và sự chính trực) mà không có lòng can đảm thì cũng mất hiệu quả, trái lại can đảm mà không có nghị lực thì chỉ là sự chống đối.
CÁCH THỨC DẪN ĐẾN THÀNH CÔNG
Thành công giống như nướng bánh. Nếu không làm đúng công thức, sẽ không thể làm ra loại bánh bạn cần. Ngoài việc sử dụng nguyên liệu hảo hạng, pha chế theo đúng tỷ lệ, ta còn phải nướng đúng thời gian tiêu chuẩn. Một khi đã dùng đúng công thức làm bánh, nhờ thực hành và sau nhiều lần rút kinh nghiệm từ những lần hỏng, công việc sẽ trở nên dễ dàng hơn.
BÍ QUYẾT CHINH PHỤC THÀNH CÔNG
• Chơi vì chiến thắng chứ không phải để thất bại.
• Học hỏi từ sai lầm của người khác.
• Giao thiệp với người có nhân cách tốt.
• Cho nhiều hơn nhận.
• Đừng tìm kiếm bất kỳ điều gì mà mình không phải trả giá.
• Luôn nghĩ chuyện lâu dài.
• Đánh giá thế mạnh của bản thân và lấy chúng làm nền tảng cuộc sống.
• Khi quyết định, nên nhìn nhận tổng quát vấn đề.
• Luôn sống với sự chính trực.