V
ào cuối tuần đó, Nhà Lãnh Đạo Hiệu Quả trải qua cuộc xét nghiệm thuốc đầu tiên. Kết quả kiểm tra được thông báo cho LPI và giới truyền thông. Tin tức ông không sử dụng thuốc và nhóm làm việc của ông đang có tiến bộ lan truyền nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu đứng trên phương diện của Bộ Ba Hiệu Quả để đánh giá về hai nhóm tham gia cuộc thi thì người ta cũng nhận ra rằng nhóm của Nhà Lãnh Đạo Hiệu Quả có một khởi đầu không thuận lợi lắm so với nhóm đối chứng.
Buổi sáng ngày diễn ra cuộc họp tiếp theo, Nhà Lãnh Đạo Hiệu Quả bước vào phòng họp lúc 7 giờ 50 và một số nhân viên lên tiếng chào ông. “Chúng tôi muốn có chỗ ngồi tốt” - họ giải thích. Đúng 8 giờ, hơn một nửa thành viên trong nhóm đã có mặt và ổn định chỗ ngồi.
- Cám ơn tất cả các bạn đã có mặt. Đó là một dấu hiệu tốt. Lần trước chúng ta đã nói đến đâu rồi nhỉ?
Denzel Frederick ngắt lời:
- Thế còn những người khác thì sao?
Nhà Lãnh Đạo Hiệu Quả từ tốn trả lời:
- Chúng ta có thể bắt đầu mà không cần họ.
Denzel tỏ ra bối rối:
- Nhưng ông vẫn nhắc chúng ta là một tập thể cơ mà?
- Đúng vậy. Nhưng một tập thể vững mạnh không thể chấp nhận phải chờ đợi những người không thể làm tròn những cam kết của mình. Chúng ta đã cùng thống nhất sẽ có mặt ở đây vào 8 giờ sáng hôm nay. Những người không làm theo những quy định chung thể hiện sự thiếu tôn trọng chúng ta. Họ đang gặp một vấn đề nghiêm trọng về sự chính trực.
Melissa Eckert lên tiếng:
- Nghe có vẻ như chúng ta lại quay về với Công thức Bí mật.
Nhà Lãnh Đạo Hiệu Quả tán thành:
- Đúng vậy. Chúng ta cần áp dụng Công thức Bí mật một cách triệt để, ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào. Thật ra bước đầu tiên để tạo nên một môi trường văn hóa chính trực chính là xây dựng một nền tảng của sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta sẽ cùng bàn về cách các bạn cùng với tôi biến điều này thành thực tiễn thông qua sự lãnh đạo hiệu quả.
Melissa bối rối:
- Tôi cho rằng lãnh đạo là việc của ông chứ?
- Đúng vậy. Nhưng tôi không thể làm được gì nếu từ phía các bạn không thực hiện tốt phần việc tự lãnh đạo của mình. Đó là một mối quan hệ hai chiều. - Nhà Lãnh Đạo Hiệu Quả nhấn mạnh khi ông quay về tấm bảng.
“Lãnh đạo không phải là những gì bạn làm cho người khác, mà là những gì bạn làm cùng với họ.”
Sarah Hawkins thắc mắc:
- Ông có nói rằng chìa khóa của sự chính trực là tin tưởng và tôn trọng. Chẳng phải chúng giống nhau sao?
Nhà Lãnh Đạo Hiệu Quả trả lời:
- Không hoàn toàn. Hãy nói về sự tôn trọng. Nếu tôi tôn trọng bạn, tôi sẽ quan tâm tới bạn. Có nghĩa là tôi muốn bạn tham gia vào quá trình ra quyết định và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của bạn. Đó là lý do tại sao việc lãnh đạo cần có sự hợp tác của cả các bạn và tôi. Trong một môi trường thiếu sự tôn trọng lẫn nhau, tôi không quan tâm đến các bạn nghĩ gì, làm gì, và ngược lại các bạn cũng không nghĩ đến việc hỗ trợ tôi. Chúng ta sẽ nhanh chóng đổ vỡ và thất bại.
Sarah suy tư:
- Điều đó đã xảy ra với những nhà quản lý trước đây của chúng tôi.
- Đó là điều đáng tiếc vẫn thường thấy khi một số nhà lãnh đạo nghĩ rằng chính họ mới là người tạo lập ra tất cả những gì tốt đẹp. Họ cho rằng một mình họ cũng có thể hoàn thành công việc một cách hoàn hảo mà không cần bất cứ sự hỗ trợ nào, do đó họ phớt lờ đi những người khác.
Li Young Kitoko hỏi:
- Sự tôn trọng cũng là mối quan hệ hai chiều đúng không?
Nhà Lãnh Đạo Hiệu Quả tỏ ra hài lòng:
- Chính xác. Ví dụ, tôi hy vọng các bạn chú tâm lắng nghe ý kiến của tôi cũng như tôi muốn lắng nghe nguyện vọng từ phía các bạn vậy.
- Tôi có một ý tưởng này để tạo nên một môi trường làm việc thật sự tôn trọng lẫn nhau. - Daniel Noonan lên tiếng khi Mo Zellinger, Mary Weisman và Javier Robles lục tục kéo vào.
Nhà Lãnh Đạo Hiệu Quả động viên Daniel Noonan:
- Hãy nói thử xem, Daniel!
- Chúng ta sẽ xây dựng một nguyên tắc vàng với khẩu hiệu: “Hãy đối xử với người khác như cách bạn muốn họ đối xử với bạn”. Với cương vị một nhà quản lý dự án, tôi muốn những ý kiến của tôi được đánh giá đúng mức. Vì vậy, tôi phải tôn trọng ý kiến của tất cả những người khác.
Ryan Fletcher bổ sung:
- Lãnh đạo một cách gương mẫu cũng là cách để tạo sự tôn trọng lẫn nhau. Như cách tôi nói chuyện với khách hàng sẽ ảnh hưởng đến cách họ đánh giá về tôi và cả công ty. Khi đó thái độ của tôi ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ tôn trọng của họ dành cho chúng ta.
- Đúng thế. - Nhà Lãnh Đạo Hiệu Quả đồng ý và ông lại quay về tấm bảng:
“Người lãnh đạo phải là tấm gương để mọi người noi theo.”
Ryan Fletcher lại hỏi:
- Thế còn sự tin tưởng thì sao?
Nhà Lãnh Đạo Hiệu Quả giảng giải:
- Tin tưởng là tôi sẵn sàng giao hoàn toàn trách nhiệm về công việc cho bạn và để bạn toàn quyền quyết định trong phạm vi của mình. Vì tôi biết bạn sẽ làm tốt công việc dù tôi có mặt ở đó hay không.
Javier Robles cười mỉa:
- Cầu chúc cho điều đó có thể xảy ra ở đây!
Nhà Lãnh Đạo Hiệu Quả bỏ qua lời nhạo báng của Javier:
- Để mọi người tin tưởng lẫn nhau, chúng ta có một số tiêu chí hoạt động để hướng dẫn cho từng thành viên làm việc theo mục tiêu chung của tổ chức.
- Tôi cho rằng ông sắp nói ba tiêu chí đó chính là chính trực, cộng tác và sự thừa nhận năng lực. - Denzel Frederick hỏi vẻ khiêu khích.
Nhà Lãnh Đạo Hiệu Quả không trả lời mà hỏi ngược lại:
- Vậy anh nghĩ sao?
Denzel Frederick thừa nhận:
- Dĩ nhiên là nó có vẻ phù hợp nếu chúng ta sẽ làm việc như một nhóm tích cực.
Nhà Lãnh Đạo Hiệu Quả khẳng định:
- Không phải là sẽ nữa, mà tất cả chúng ta có mặt ở đây đang và đã tham gia trong một nhóm tích cực rồi. Tầm quan trọng của việc thể hiện tốt những giá trị của Công thức Bí mật sẽ ngày càng lộ rõ khi chúng ta nghiên cứu chúng kỹ hơn.
Mary Weisman nói:
- Chúng ta có cần quan trọng hóa những điều đó đến như vậy không?
- Điều đó rất cần thiết cho tất cả chúng ta. Tôi đã từng gặp những công ty đặt ra những quy định của họ trên những tấm biển sáng loáng và băng rôn treo khắp các bức tường, nhưng mọi người chỉ xem đó là trò đùa. Không ai tuân theo những tiêu chí đó khi làm việc và những nhà quản lý cũng không có cách nào khuyến khích mọi người thực hiện theo những chuẩn mực đã đề ra. Sự thiếu tôn trọng những tiêu chí của tổ chức sẽ dẫn đến sự sụp đổ niềm tin.
Một lần nữa, ông lại ghi lên tấm bảng:
“Niềm tin là kết quả của tác phong làm việc phù hợp với các chuẩn mực đã đề ra.”
Melissa Eckert hỏi:
- Vậy làm thế nào chúng ta có thể bắt đầu xây dựng niềm tin và sự tôn trọng ở ngay trong tổ chức của mình?
- Trước tiên, tôi muốn các bạn liệt kê ba điểm các bạn thích nhất khi làm việc ở đây và ba điểm khiến các bạn khó chịu nhất.
Nhân viên của ông nhanh chóng lập ra danh sách mà không gặp khó khăn gì. Sau đó, Nhà Lãnh Đạo Hiệu Quả thu lại và thống kê những ý kiến chia sẻ quan điểm của họ. “Công việc thú vị” được cho là điểm tốt nhất, sau đó là “giải quyết tiền lương nhanh chóng” và “cơ sở vật chất khá tốt”. “Lãnh đạo không giữ lời hứa” dẫn đầu danh sách những điểm tồi tệ, theo sau là “không có tinh thần tập thể” và “thành quả công việc không được ghi nhận”.
Li Young Kitoko thắc mắc:
- Tại sao chúng ta không tập trung vào những điểm tốt thôi?
Nhà Lãnh Đạo Hiệu Quả trả lời:
- Chúng ta cần phải biết những điểm yếu kém để xác định xem nên bắt đầu cải thiện từ đâu. Chúng ta thể hiện sự tin tưởng đối với người khác khi chia sẻ những điểm mạnh cũng như những thiếu sót của chúng ta. Từng thành viên phải luôn hiểu rằng chúng ta cùng hợp tác để tìm ra phương pháp khắc phục chúng chứ không phải để chỉ trích hay phê bình.
Sau buổi họp, các thành viên bắt đầu tiến hành áp dụng những điều vừa bàn luận vào hoàn cảnh thực tế. Họ nỗ lực tạo mối dây liên hệ gần gũi với các đồng nghiệp, khách hàng và cả cấp lãnh đạo bằng cách chủ động lắng nghe và tham gia giải quyết công việc. Ở những buổi họp nhân viên tiếp theo, trong bảng tóm tắt công việc của họ ngoài việc báo cáo những thành công, họ còn có cả một mục riêng ghi những điểm chưa đạt được. Dần dần, sự tin tưởng giữa các thành viên cũng như với Nhà Lãnh Đạo Hiệu Quả được tăng cao. Một môi trường làm việc thân thiện, cởi mở đang được hình thành và phát triển không ngừng.
Vào một buổi họp nhân viên sau đó, Nhà Lãnh Đạo Hiệu Quả lưu ý mọi người:
- Nhiều nhà lãnh đạo rất tự tin khi tuyên bố rằng họ luôn thực hiện tinh thần làm việc cởi mở với nhân viên cũng như khách hàng trong khi thực tế thì trái ngược hẳn. Nếu họ không suốt ngày ẩn mình trong văn phòng thì thái độ của họ cũng khiến mọi người không dám đến gần. Nhân viên hầu như không bao giờ hiểu được họ muốn gì.
Mo Zellinger nhận xét:
- Ồ, những nhà quản lý trước đây của chúng tôi thật đúng như vậy đấy. Còn bây giờ làm sao chúng tôi biết được ông sẽ không đi theo con đường của họ?
- Những nhà lãnh đạo biết giữ lời hứa luôn có cách làm rõ mọi sự phỏng đoán của người khác. Họ luôn giữ tác phong phù hợp với những giá trị mà họ xây dựng cho nhân viên của họ. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng tại sao tôi và các bạn phải luôn theo đuổi những nguyên tắc của Công thức Bí mật.
Nhà Lãnh Đạo Hiệu Quả phân tích rồi viết tiếp lên tấm bảng:
“Mọi người sẽ tin tưởng và tôn trọng bạn hơn khi lời bạn nói luôn đi đôi với việc bạn làm.”
Sau đó, Nhà Lãnh Đạo Hiệu Quả đưa ra một thời gian biểu để mọi người có thể hẹn thời gian gặp ông khi cần thiết. Đồng thời, ông cũng ra một quy định nhỏ, đó là không hẹn vào ngày thứ hai.
- Theo quy trình này, các bạn sẽ có thể trực tiếp theo dõi lịch làm việc của tôi. Tuy nhiên hãy nhớ rằng tôi không sắp xếp gặp bất kỳ ai hay tổ chức các buổi họp thường xuyên vào thứ hai. Mục đích của việc này là mỗi tuần tôi sẽ có ít nhất một ngày dành trọn cho việc hướng dẫn công việc cho từng cá nhân hoặc có những buổi gặp mặt thân mật như thế này. Sau khi chúng ta hiểu nhau hơn, tôi có thể tin tưởng các bạn cũng như các bạn tin tưởng tôi thì khoảng thời gian hỗ trợ này sẽ có thể được giảm bớt dần dần.
Nhóm nhân viên hào hứng nghe từng lời của Nhà Lãnh Đạo Hiệu Quả. Tuy nhiên, họ vẫn còn một chút nghi ngờ về tính khả thi trong kế hoạch của ông khi khoảng thời gian ba tháng đầu tiên của cuộc thi dần trôi qua.