Bạn phải tự chịu trách nhiệm với bản thân. Bạn không thể thay đổi được hoàn cảnh, thời tiết hay mưa gió gì cả đâu, nhưng bạn có thể thay đổi chính bản thân mình.
Jim rohn, Triết gia, nhà tỷ phú tự lập
Có một điều sai lầm xuất hiện nhan nhản và lây lan như bệnh cúm, nhưng hậu quả còn tồi tệ hơn rất nhiều. Nó truyền nhiễm vào những con người ngây thơ vô tội và cản trở tiềm năng của họ. Nó là cái gì?
Đó là niềm tin sai lầm rằng cuộc sống này có tốt đẹp hay không là tùy thuộc vào số phận.
Nghĩa là như thế nào? Là rất nhiều người trong chúng ta tới giờ này vẫn còn tin rằng bằng cách nào đó, ở một nơi nào đó, có một người nào đó (dĩ nhiên không phải là chúng ta) có trách nhiệm đong đầy cuộc sống của ta bằng một chuỗi những niềm vui bất tận, những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn, những trò giải trí, tiền bạc, tình bạn tuyệt vời, và những mối quan hệ khác, v.v và v.v.
Nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Sự thật, chỉ có duy nhất một yếu tố để quyết định ai trong chúng ta sẽ là người hạnh phúc hay bất hạnh - đó là chính bản thân mỗi người. Nó phân biệt người MONG MUỐN có một cuộc sống tốt đẹp với người THỰC SỰ có cuộc sống tốt đẹp. Yếu tố mang tính quyết định đó cũng chính là nội dung chủ yếu của cuốn sách này. Đó là:
1.1 Những sự thật hiển nhiên
Nếu bạn muốn thành công, nghỉ hưu sớm, được người khác kính nể và tận hưởng nhiều niềm vui trong cuộc sống, thì bạn phải chịu 100% trách nhiệm về những gì bạn thực hiện và trải nghiệm trong đời. Điều này bao gồm mức độ thành quả của bạn, chất lượng những mối quan hệ bạn có, cảm xúc của bản thân bạn, kết quả bạn đạt được trong và ngoài trường học, tình trạng sức khỏe của bạn, và rất nhiều thứ khác. Đúng, là tất cả mọi thứ!
Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng: Việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Trong thực tế, người ta thường đổ lỗi cho một yếu tố nào đó không phải là bản thân họ về những điều không được như ý trong cuộc đời này. Nhiều người đổ lỗi cho cha mẹ, thầy cô, bạn bè, kênh MTV, thời tiết, hay thậm chí là mấy ông đồng bà cốt! Thật là vớ vẩn hết sức! Sự thực là những vấn đề hay thử thách ta thường phải đối mặt rất ít khi liên quan đến "thế giới bên ngoài". Nhưng chúng ta cứ đổ lỗi, bởi ta sợ phải nhìn vào gốc rễ vấn đề nằm ở… chính bản thân ta mà thôi.
Đương nhiên là ai cũng từng gặp phải những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân. Nhưng sống có trách nhiệm không có nghĩa là ta cứ mãi gặm nhấm một vấn đề, trốn tránh nó, than vãn, đổ lỗi cho người khác hay những động thái đại loại như thế. Sống có trách nhiệm nghĩa là chúng ta phải kiểm soát được suy nghĩ và hành động bản thân, để rồi từ đó làm hết khả năng của mình nhằm cải thiện tình hình.
Đương nhiên là những thử thách của cuộc sống đến với ta dưới muôn hình vạn trạng, nhưng luôn có một điều gì đó mà ta có thể làm để thay đổi những gì đang diễn ra. Và chúng ta cần phải có một niềm tin như thế trước khi tìm kiếm giải pháp mới.
Dù một người là siêu thành công hay đang gặp khó khăn, thì chất lượng cuộc sống của mỗi người đều tùy thuộc vào việc họ nghĩ gì, làm gì và tin vào điều gì. Bạn có nhận thấy điểm chung ở đây không? Ba yếu tố trên đều chỉ liên quan đến cá nhân bạn - không phải thầy cô, thời tiết hay ngoại cảnh khách quan. Thành công thật ra chỉ đến từ một người...
Người đó chính là bạn.
1.2 Lần đầu tiên gặp Jack
Nathan, 18 tuổi (Indianapolis, IN): Tôi gặp Jack Canfield trong một tình huống không lấy gì làm tốt đẹp lắm. Nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mừng vì chúng tôi đã gặp nhau.
Khi đó Jack đang có mặt ở trường tôi và đang làm việc với thầy hiệu trưởng thì ông nghe thấy tiếng tôi cãi cọ với giáo viên của mình ngoài phòng giáo vụ. Ô ng ra khỏi phòng họp và bước lại chỗ tôi, đề nghị tôi giải thích mọi chuyện. Tôi kể lại (một cách khá lớn tiếng) cho ông ta nghe rằng tôi vừa bị cấm tham gia các hoạt động cùng đội bóng chày, và như thế là bất công. Họ không thể đối xử với tôi như thế được. Nhất là trong lúc này!
- Bất công ở chỗ nào? Và tại sao lại không phải là trong lúc này? - Jack hỏi.
- Chúng cháu sắp tham dự giải vô địch toàn bang vào tuần tới, và ở đó sẽ có rất nhiều người đi săn tuyển thủ cho các đội bóng của trường cao đẳng, và nếu họ nhìn thấy cách cháu ném bóng thì chắc chắn cháu sẽ nhận được học bổng. Nếu không có học bổng ấy thì cháu không thể nào chi trả nổi chi phí học cao đẳng. Đây là cơ hội duy nhất của cháu. Điều này thật là không công bằng!
Tôi ấm ức trả lời, cứ mong mình sẽ được thông cảm. Nhưng không, Jack nói:
- Cháu cho tôi hỏi một câu nhé.
- Vâng.
- Lần đầu cháu thấy trường học bất công là khi nào? Nói thật đi...
- Khi còn học tiểu học. - Tôi trả lời ngay.
- Được rồi, vậy sao cháu lại còn đứng đây, làm ra vẻ như không biết rằng trường học là một nơi đầy rẫy sự bất công? M ỗi giáo viên đều có những quy định riêng của mình. Một vài người chú trọng quy định này nhiều hơn người khác. Nhiều khi trò ngoan vẫn bị tóm gáy còn những đứa thường xuyên phạm quy lại chẳng bị làm sao cả. Đúng chưa? - Jack hỏi.
- Đúng.
- Vậy đây không phải là vấn đề trường học có bất công hay không mà là chuyện "Tại sao cháu lại bị kỷ luật như thế?". Tôi không nghĩ rằng họ chỉ ngẫu nhiên bốc thăm trúng tên cháu để mà kỷ luật. Vậy thì cháu đã làm gì để phải chịu một hậu quả như thế?
- Cháu đi học muộn.
- Chỉ một lần?
- Không, nhiều lần.
- Bao nhiêu lần?
- Cháu không biết. Khoảng 6, 7 lần gì đó.
Jack quay sang thầy hiệu trưởng lúc này đang theo dõi cuộc nói chuyện của chúng tôi, ông hỏi:
- Thưa thầy, quy định ở đây là thế nào? Học sinh đi trễ mà không có lý do chính đáng bao nhiêu lần thì mới bị kỷ luật không cho tham gia các hoạt động của đội thể thao?
- Ba lần. - Thầy hiệu trưởng đáp. Jack nhìn tôi và hỏi:
- Cháu có biết quy định này không?
- Có.
- Vậy tại sao cháu lại phạm quy nhiều lần như vậy?
- Sau khi đi trễ đến lần thứ ba mà thấy vẫn chẳng sao cả, cháu cứ nghĩ là họ không kỷ luật thẳng tay như thế.
Jack quay sang thầy hiệu trưởng và nói:
- Đây chính là phần lỗi của nhà trường. Chính vì các quy định không được củng cố chặt chẽ nên các thầy đã làm cho em ấy tin rằng không có quy định này. Và thế là em ấy cho rằng nhà trường bất công.
Jack lại nhìn tôi và nói:
- Nhưng như vậy không có nghĩa là cháu thoát tội đâu. Cháu biết rõ quy định, nhưng đã chọn cách mặc kệ nó. Vậy thì cái gì lại quan trọng hơn cả việc chơi bóng chày và lấy được học bổng như thế?
Tôi nhìn thẳng vào mắt Jack và nói:
- Không thứ gì quan trọng hơn bóng chày cả. Đó là thứ quan trọng nhất trong đời cháu.
- Không đúng. - Jack đáp.
Bạn có thể hình dung được là câu nói này đã khiến tôi nổi nóng thế nào. Nhưng ông ấy phớt lờ và nói tiếp:
- Cháu coi trọng một thứ khác hơn là đến trường đúng giờ để chơi bóng chày. Đó là thứ gì?
Tôi cảm thấy bị dồn đến chân tường, không còn cách chối nữa. Tôi suy nghĩ một lát rồi nói:
- Ý bác là việc ngủ nướng à?
- Tôi không biết. Cháu nói cho tôi nghe đi. - Jack đáp.
- Cháu đoán chắc là việc đó.
- Có thật là ngủ nướng đối với cháu quan trọng hơn chơi bóng chày?
- Không, không đời nào!
- Vậy sao cháu lại không chịu thức dậy đúng giờ?
- Khi chuông báo thức reo, cháu đã bấm nút hoãn - nhiều khi còn bấm mấy lần - và thế là rốt cuộc cháu dậy trễ.
Sau đó chúng tôi nói chuyện thêm một chút nữa, rồi Jack xin thầy hiệu trưởng cho tôi thêm một cơ hội, vì giờ đây tôi đã nhận thức được sự việc và chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm. Nhưng chúng tôi thống nhất rằng chỉ cần tôi đi học trễ một lần nữa thì tôi sẽ bị đuổi khỏi đội bóng chày và không được quyền than vãn hay phản đối gì nữa.
Nhưng vẫn còn đó một vấn đề cần giải quyết. Tôi cần một chiến lược mới để có thể thức dậy đúng giờ. Tôi không thể cứ bấm nút dời chuông đồng hồ mãi như thế này được. Chúng tôi cùng nhau suy nghĩ và đã tìm ra rất nhiều cách. Đầu tiên, đó là tôi cần để đồng hồ báo thức ở đầu kia của phòng. Khi đó, nếu muốn tắt chuông thì tôi phải bước ra khỏi giường. Thứ hai, nếu tôi vẫn không thức dậy đúng giờ, tôi phải trả cho mẹ 1 đô-la để bà dội nước đá lên người tôi. Mẹ tôi chắc là rất khoái việc này!
Sau đó tôi không còn đi học trễ nữa. Jack đã giúp tôi hiểu thế nào là chịu trách nhiệm 100% cho cuộc đời mình. Mọi chuyện ở đội bóng chày sau đó cũng ổn thỏa - ngay cả huấn luyện viên cũng khen ngợi việc tôi thay đổi thái độ sống. Bây giờ tôi đang học cao đẳng nhờ vào học bổng cho vận động viên bóng chày của trường. Tôi cảm thấy thật thoải mái khi biết mình có thể kiểm soát được bản thân và làm những gì tôi muốn.
1.3 Toàn diện
Màn đêm buông xuống và thành phố chìm trong bóng tối. Có một người đàn ông đang bò dưới đất để tìm kiếm thứ gì đó dưới ngọn đèn đường thì một phụ nữ đi ngang qua và hỏi ông đang làm gì. Ông ta nói rằng mình làm mất chìa khóa và đang cố gắng hết sức để tìm nó. Người phụ nữ đề nghị giúp đỡ ông.
Một giờ sau, người phụ nữ nói với giọng băn khoăn: "Chúng ta đã tìm khắp nơi rồi mà vẫn không thấy cái chìa khóa ấy đâu cả. Anh có chắc là mình làm mất chìa khóa ở đây không?". Người đàn ông trả lời: "Không, tôi làm mất nó trong nhà. Nhưng mà ở ngoài này có đèn đường sáng hơn".
Đây là một ví dụ tuyệt vời để gợi cho chúng ta về việc ta vẫn thường hay kiếm tìm giải pháp cho vấn đề ở bên ngoài con người mình, vì như thế thì dễ hơn là tìm ra nguyên nhân sự việc bên trong con người chúng ta. Nhưng dù thế nào đi nữa thì chúng ta vẫn là ngọn nguồn của mọi vấn đề, và ta cần đối diện với sự thật đó; nếu không, ta sẽ chẳng thể thay đổi được gì. Chúng ta phải nhìn thẳng vào cuộc sống và đối diện với thực tế - cho dù nó có khó chịu đến mức nào đi nữa.
Đương nhiên là tất cả chúng ta ai cũng muốn mọi chuyện "tốt đẹp hơn", nhưng chuyện đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra nếu bạn từ chối nhìn vào bản chất sự việc. Mọi thứ chỉ có thể thay đổi khi bạn nhận thức được rằng cần phải thay đổi. Bạn có thể hài lòng với cuộc sống hiện tại - và điều đó rất tốt - nhưng những người thành công hiểu rằng mọi thứ đều luôn có thể tốt hơn.
Bước đầu tiên để thành công và tận hưởng những gì quan trọng nhất đối với bạn đó là biết chịu trách nhiệm 100% về cuộc đời mình. Bạn sẽ chẳng đạt được những điều mình muốn nếu không dám u trách nhiệm về chính mình.
Tìm kiếm ngoài bản thân mình lý do vì sao mình vẫn chưa có được cuộc sống như mong đợi sẽ chẳng có ích gì cả. Chính bạn tạo ra chất lượng cuộc sống của mình - không ai khác.
1.4 Biện hộ hay thể hiện một cách xuất sắc?
Do bạn chọn 99% thất bại đều xuất phát từ những người có thói quen biện hộ.
- George Washington Carver, Nhà giáo dục Mỹ
Chịu trách nhiệm không chỉ là chủ động nhận lỗi. Nó còn đòi hỏi chúng ta ngừng ngay việc hay biện hộ.
Đến khi nào vẫn còn nói lời biện hộ, thì sẽ chẳng bao giờ bạn đạt được kết quả tốt cả. Hãy nghĩ thế này: Biện hộ cũng giống như bấm nút mở cửa máy bay vậy. Ngay lúc bạn bấm nó cũng là lúc bạn quyết định sẽ rời khỏi máy bay. Đó là lúc bạn rẽ sang một hướng khác hoàn toàn và bỏ lại cơ hội thành công sau lưng. Những lời biện hộ cho phép chúng ta đầu hàng về mặt tinh thần và bào chữa cho lý do vì sao chuyện này lại thất bại, hay vì sao ta lại chưa cố gắng hết mình - và khi chuyện đó xảy ra... thì cuộc chơi coi như chấm dứt.
Kent: Những người thật sự thành công hiểu rõ rằng lời biện hộ xác đáng nhất trên đời này cũng chẳng giúp ích được gì cho mình. Cho dù lời biện hộ đó có là sự thật hay chính xác đến thế nào cũng vô ích. Vài năm trước, tôi và anh trai đã học được điều này một cách vất vả khi chúng tôi cùng viết cuốn sách đầu tiên.
Lúc bắt đầu kế hoạch đó, chúng tôi vẫn còn đang đi học và cũng thích chơi thể thao. Nhiều khi chúng tôi hầu như còn không đủ thời gian để làm bài tập về nhà, đừng nói là việc viết sách.
"Cuốn sách đó sao rồi? ", mọi người thường hỏi thăm. Chúng tôi nói thật với họ: "Gần đây chúng tôi không có thời gian. S au giờ tập buổi sáng, học chính thức, giờ tập buổi chiều, khi về đến nhà thì hai anh em đều kiệt sức cả. Rồi còn bài tập ở nhà nữa chứ. C ho nên chúng tôi chưa tiếp tục được".
Có vẻ như ai cũng đoán được câu trả lời của chúng tôi. Họ nghe chúng tôi giải thích (mà thật ra là một cái cớ) và đáp lại một cách đơn giản: "Thế à!".
Quả thực là chúng tôi đã rất mệt mỏi, và cũng không có thời gian. Nhưng khi bạn tin là bản thân mình không thể làm gì để cải thiện tình hình, chính là lúc bạn không muốn chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình. Chịu trách nhiệm 100% cho đời mình nghĩa là chúng ta phải tìm ra cách giải quyết thử thách mà mình đang phải đối mặt.
Và chúng tôi đã học được rằng: Cho dù lời biện hộ của mình có đúng đến đâu đi nữa, thì người khác cũng chẳng quan tâm. Những lời biện hộ chẳng làm được gì khác ngoài việc cản bước chân ta, và chẳng ai có được lợi lộc gì từ chúng. Hai anh em tôi chỉ có thể hoàn thành cuốn sách khi chúng tôi ngừng đưa ra những lời biện hộ, ngừng than vãn và chuyên tâm làm việc.
Vậy bước đầu tiên để làm được như vậy là gì? Hãy tin tưởng rằng chúng ta có sức mạnh để cải thiện mọi thứ và đạt được kết quả như mong muốn. Chúng ta ai cũng biện hộ, không vì lý do này thì cũng vì lý do khác, nhưng lý do nào thì cũng thế. Vấn đề là chúng ta phải lựa chọn - đúng, bạn có quyền lựa chọn - xem mình có chịu trách nhiệm 100% với tất cả những gì xảy ra hoặc không xảy ra với mình hay không. Nói tóm lại, BẠN phải quyết định cho chính bản thân mình.
Có rất nhiều người tròn xoe mắt khi nghe đến từ "trách nhiệm". Họ bảo "Ừ, ừ, ừ... tôi biết rồi!" (Và đúng vậy, chúng tôi cũng từng là một trong số "những người đó"). Nhưng bạn cũng biết đấy, có một sự khác biệt rất lớn giữa "biết" và "làm"!
1.5. Trò đổ lỗi và than vãn
Tất cả những lời đổ lỗi chỉ làm phí thời gian. Cho dù người khác có lỗi ra sao hay bất kể bạn đổ lỗi cho họ thế nào đi nữa, thì việc đó cũng chẳng làm bạn thay đổi.
- Wayne Dyer, Nhà diễn thuyết, tác giả best seller
Câu hỏi: Hai việc dễ nhất mà bạn có thể làm khi nhận được kết quả không như mong đợi là gì?
Trả lời:
1. Đổ lỗi cho ai đó hoặc thứ gì đó
2. Than vãn
Tại sao chúng tôi biết như vậy? Bởi vì chúng tôi đều từng mắc phải những sai lầm này. Chắc bạn cũng tự nhận thấy mình dễ sa đà vào hai thái độ đó đến thế nào. Cả hai đều rất dễ làm, nhưng buồn thay chúng lại không phải là việc làm đúng, mà giống như hai chiếc bẫy giương ra để tóm chặt tay chân chúng ta.
Hãy xem xét cạm bẫy thứ nhất: đổ lỗi
Blair, 22 tuổi (Thành phố Salt Lake): Tôi muốn đạt điểm cao; tôi muốn trở thành cầu thủ xuất sắc nhất trong đội bóng chuyền, tôi muốn có một thân hình cân đối và khỏe mạnh... nhưng dường như như thế vẫn chưa đủ.
Ý định của tôi là tốt, nhưng để đạt được tất cả những điều đó thì khó hơn tôi tưởng. Khi không được điểm tốt hay chơi tệ trong một trận bóng chuyền, tôi thường lập tức tìm ra một lỗi nào đó của người khác. Tôi không chấp nhận là mình sai.
Tôi trách thầy cô dạy không giỏi. Tôi trách bạn bè không chơi hết mình. Tôi đổ lỗi do bài vở quá nhiều khiến tôi không có thời gian tập thể dục. Việc này khiến cho tôi cảm thấy nhẹ nhõm được một lúc, bởi vì đằng nào thì "đó cũng đâu phải lỗi của mình". Tôi thấy mình chẳng có lỗi gì cả... và đó chính là vấn đề tôi phải đối mặt.
Đổ lỗi dần trở thành thói quen của tôi từ khi nào không biết. Lúc đó tôi vẫn chưa nhận ra, nhưng nó đã khiến tôi trở thành một người rất giỏi phàn nàn. Cuối cùng cũng có người đánh thức tôi. Anh ta nói: "Cậu sẽ làm gì để thay đổi tình thế?". Tôi đáp ngay: 'Tôi chẳng làm gì được cả. Đó là những việc ngoài tầm kiểm soát của tôi". Nhưng bạn tôi đặt một câu hỏi làm tôi choáng váng: "Thế ra cậu cho rằng người khác kiểm soát cuộc đời, thành quả và hạnh phúc của cậu à?".
Ái chà! Tôi đã rất bất ngờ. Tôi chưa hề nghĩ như thế trước đây. Lúc ấy tôi mới nhận ra rằng lý do tôi không bao giờ đạt được mục tiêu của mình chính là vì tôi cứ để thế giới bước qua tôi. Tôi cũng nhận ra rằng mình có khả năng thay đổi mọi thứ. Bây giờ tôi 22 tuổi, và tôi đã đạt được nhiều mục tiêu mình đề ra hơn cả 21 năm đã qua của cuộc đời tôi cộng lại. Đối với tôi, việc chịu trách nhiệm có đủ sức mạnh để làm thay đổi cả cuộc đời.
Lời khuyên: Thay vì chỉ ngón tay vào người khác, hãy dùng nó để tìm ra một giải pháp mới.
Bây giờ hãy xét đến cạm bẫy thứ hai: than vãn
Thường thì người ta hay than vãn về những việc mà thực ra họ hoàn toàn có thể tác động đến. Chẳng ai than phiền về thứ mà mình không thể can thiệp cả. Bạn có thấy ai than phiền về lực hút trái đất bao giờ chưa? Làm gì có!
Đây là một sự thật trần trụi: Những tình huống mà chúng ta than phiền thường là những thứ mà ta có khả năng thay đổi - nhưng chúng ta đã chọn cách ngồi thừ ra đấy và kêu ca! Chúng ta ai cũng có thể học chăm chỉ hơn, ăn uống lành mạnh hơn, đổi lớp, tập thể dục thường xuyên hơn, thực hành lâu hơn, chọn bạn tốt hơn và tiếp nhận nhiều thông tin hơn. Chúng ta hoàn toàn có khả năng làm những việc đó.
Bây giờ hẳn bạn sẽ nghĩ rằng: "Này Kent và Jack, nếu việc đó đơn giản như vậy thì tại sao nhiều người lại không có được những gì mình muốn?". Câu hỏi rất hay! Vấn đề là ngoài việc đòi hỏi bạn phải thay đổi, chúng cũng cần bạn dám mạo hiểm nữa. Với hầu hết mọi người, nguy cơ mất bạn bè, cô đơn một mình, bị người khác chỉ trích còn đáng sợ hơn việc cứ ngồi một chỗ "để mặc cho con tạo xoay vần".
Chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình và dám thay đổi đồng nghĩa với việc chúng ta chấp nhận nguy cơ thất bại, bị chỉ trích, và sai lầm - những nỗi lo sợ vẫn thường khiến ta chùn bước. Và vì sợ hãi những cảm giác đó, nhiều người đã chọn cách cứ ngồi một chỗ, đổ lỗi cho người khác và than vãn. Tuy nhiên, tất cả những người thành công mà chúng tôi gặp gỡ đều tin rằng chúng ta có hai lựa chọn trong tình huống này:
1. Chấp nhận việc dẫm chân tại chỗ và không than vãn nữa.
2. Đối mặt với thách thức và quyết định mạo hiểm để tạo ra một cuộc sống như ý bạn muốn.
Để bước từ nơi bạn đang đứng đến nơi bạn muốn đến, bạn phải chấp nhận mạo hiểm. Đó là một phần của cuộc sống.
Nếu bạn không chấp nhận nguy cơ thì có nghĩa là bạn có nguy cơ không đạt được gì cả.
1.6 Sức mạnh của bạn
Hầu hết mọi người đều nhảy nhót quanh sự thật và không chịu chấp nhận rằng họ chính là nguyên nhân quyết định chất lượng cuộc sống của chính mình. Nếu muốn làm người chiến thắng, bạn phải nhận thức được sự thật - bạn chính là người hành động, suy nghĩ, cảm nhận và quyết định những điều đã dẫn bạn đến vị trí như hiện nay. Và hơn nữa:
Nếu bạn là người tự đưa mình đến vị trí như hiện nay, thì bạn cũng chính là người có thể đưa bạn đến nơi bạn muốn.
Bạn có thể thay đổi tất cả mọi thứ chỉ bằng cách hành động hay suy nghĩ khác đi. Chỉ đơn giản vậy thôi. Bắt đầu bằng việc điền vào chỗ trống trong câu sau: "Để thay đổi cuộc đời, trước tiên mình phải thay đổi ".
1.7 Quy luật của muôn đời
Nếu hiểu được quy luật này của cuộc đời, bạn sẽ có khả năng kiểm soát hoàn toàn số phận của mình:
S + P = K
Đừng lo, đây không phải là công thức toán học gì đâu. Cái này đơn giản hơn nhiều! Nó có nghĩa là:
SỰ KIỆN + PHẢN ỨNG= KẾT QUẢ
Xét về cơ bản thì công thức này có nghĩa là: mọi kết quả trong cuộc đời (cho dù là thành công hay thất bại, khỏe mạnh hay bệnh tật, vui vẻ hay buồn đau) đều xuất phát từ việc ta phản ứng thế nào với một (hay nhiều) sự kiện xảy ra trước đó trong cuộc đời mình.
Nếu bạn không thích thú lắm với kết quả hiện tại, bạn có hai lựa chọn:
1. Đổ thừa cho Sự kiện đã làm bạn có Kết quả không tốt. Hay nói cách khác, bạn có thể đổ lỗi cho bố mẹ, thầy cô, bạn bè, đồng đội, tuổi thơ, thời tiết, sự phân biệt chủng tộc, thiếu người ủng hộ, vân vân và vân vân. Nhưng cái trò đổ lỗi đó thì có ích lợi gì nào? Chắc chắn là cũng có những yếu tố như thế ảnh hưởng đến bạn thật đấy, nhưng nếu chúng là những yếu tố mang tính quyết định thì làm gì có ai trên đời này thành công!
Này nhé, bạn thử nghĩ xem: Nếu có thái độ như trên thì Michael Jordan chắc chẳng bao giờ có thể chơi được trong giải NBA. Helen Keller chắc chẳng là nguồn động lực cho hàng triệu người như thế. Martin Luther King Jr. chắc chẳng có sức ảnh hưởng đến cả quốc gia như thế. Oprah Winfrey chắc chẳng chủ trì một chương trình nói chuyện hàng đầu thế giới như thế. Bill Gates chắc chẳng lập nên Microsoft. Bạn còn cần thêm những ví dụ khác không? Danh sách vẫn còn dài...
Có rất nhiều người đã vượt qua được những cái gọi là "yếu tố giới hạn"- vì vậy không lý nào chúng lại trở thành yếu tố giới hạn của bạn. Sự thật là không phải những tình thế khách quan hay người nào khác ngăn cản chúng ta - mà đó chính là chúng ta! Chúng ta tự ngăn cản bản thân mình. Chúng ta suy nghĩ trong giới hạn, biện minh cho những hành vi tự hủy hoại bản thân mình, bỏ ngoài tai những lời góp ý có ích, tốn thời gian cho việc đồn đại linh tinh, ăn những thứ chẳng tốt lành gì, không tập thể dục, tiêu tiền nhiều hơn mức mình kiếm ra, không lên kế hoạch cho tương lai, không dám chấp nhận rủi ro, né tránh sự thật - và rồi sau đó tự hỏi sao đời ta lại thế này, thế kia…
Bạn thấy đấy, lựa chọn này chẳng giúp ích gì cho bạn cả.
2. Bạn thay đổi Phản ứng (thay vì Sự kiện) cho đến khi nào có Kết quả như ý. Đây chính là lựa chọn có thể tạo ra sự giàu sang, cơ hội, tự do, và nhiều hơn thế nữa. Bất cứ lúc nào ta cũng có thể thay đổi cách suy nghĩ, cách nhìn nhận bản thân và cách ta hành xử - đó chính là sức mạnh CỦA BẠN. Và đó chính là những gì ta cần để kiểm soát tình thế.
Rốt cuộc, việc gì xảy đến với ta không quan trọng, quan trọng là ta phản ứng như thế nào với những gì xảy ra. Và phản ứng thế nào là hoàn toàn tùy thuộc vào bản thân ta.
1.8 Phản ứng bằng hành động
Kent: Hôm đó là thứ ba và cũng là ngày đầu năm học. Hiệu trưởng thông báo qua loa phóng thanh: "Hôm nay, giữa tiết đầu, khối lớp mới vào sẽ có một bài kiểm tra đột xuất. Các em hãy tập trung trước nhà thể thao".
Ngay sau thông báo đó, tôi nghe xung quanh rền rĩ những tiếng thở dài, những lời than vãn. Tôi công nhận... là chính tôi cũng không lấy làm thích thú gì với thông báo về bài kiểm tra này. Khi đi đến nhà thể thao và xếp hàng, tôi thấy những học sinh khác đang than phiền và cãi nhau ầm ĩ.
"Thật không tin được mình lại phải làm kiểm tra thế này!" "Thật là phí thời gian!"
"Tớ rớt chắc rồi."
"Tớ cũng vậy."
Rồi tôi thấy có một nhóm 3 - 4 học sinh có vẻ không mấy quan tâm đến bài kiểm tra đột xuất. Họ đang cười nói với nhau khiến tôi cảm thấy thắc mắc. Tôi tiến lại chỗ họ để nghe xem họ đang nói gì.
"Cậu nghĩ bài kiểm tra sẽ ra đề gì?", một cô bé hỏi. Bạn cô đáp: "Nếu là trắc nghiệm thì tớ chẳng lo". "Ừ, tớ cũng chẳng lo. Tớ làm hết bài tập rồi. Với lại bây giờ mình cũng đâu biết sẽ ra đề gì nên chuẩn bị làm sao được, thế nên lo làm gì, phải không?", cô bạn cười.
Rồi tôi nhìn thấy một cậu vừa nghe iPod vừa đọc sách. Tôi nhớ lúc đó mình đã thầm nghĩ: "Hmmm, nếu bài kiểm tra thực sự là yếu tố quyết định cảm xúc thì mọi người đều phải ủ rũ cả chứ?". Nhưng không phải ai cũng như thế. Việc này còn tùy thuộc vào một thứ khác, đó là: cách phản ứng của mỗi người.
Chính cách phản ứng của từng cá nhân đối với bài kiểm tra đã cho mỗi người một kết quả khác nhau. Chính thái độ và hành động tạo nên những trải nghiệm khác biệt cho từng người.
1.9 Chú ý... Sự thật chính là câu trả lời
Cách dễ nhất và nhanh nhất để biết một việc gì đó có hiệu quả hay không là chú ý đến kết quả mà ta đang có. Chúng ta đang có điểm tốt hay không? Vui hay buồn? Có đạt được những gì mình mong muốn hay không?
Kent: Tôi nhớ một người thầy của tôi đã nói: "Kết quả không biết nói dối", khi tôi cố giải thích vì sao tôi làm bài không tốt. Tôi cảm thấy mình bị xúc phạm. Tôi phải mất khá lâu mới "tiêu hóa"được câu nói này; nhưng càng suy nghĩ tôi càng thấy nó đúng.
Thực tế là không ai thích nhìn thấy những kết quả chẳng đáng tự hào của bản thân. Nhưng nếu chúng ta có đủ dũng khí để đối diện sự thật, chúng ta có thể thấy những gì mình cần thấy và rồi thay đổi những điều cần thiết, bởi vì... bản thân sự thật nói lên rất nhiều điều.
Trong thực tế, chúng ta vẫn thường nhận được những tín hiệu cảnh báo dưới dạng những "tín hiệu" khác nhau như nhận xét của người khác, bản năng hay trực giác. Những cảnh báo này cho chúng ta thời gian để tránh đi những kết quả không mong đợi. Càng giỏi nhận ra những dấu hiệu này và phản ứng mau lẹ bao nhiêu thì chúng ta càng có khả năng kiểm soát và giảm thiểu những khó khăn.
Một vài dấu hiệu cảnh báo bên ngoài có thể là:
Bố mẹ cảnh báo
Bạn bè nhắc nhở
Bạn liên tục nhận được kết quả không mong đợi
Một vài tín hiệu bên trong có thể là:
Cảm giác bồn chồn trong lòng
Có một tiếng nói bên trong bạn nói rằng: "Có điều gì đó không ổn". (Cái này còn gọi là trực giác. Nó chỉ ở đó nếu bạn chịu lắng nghe.)
Những tín hiệu đó cho ta thời gian để thay đổi phản ứng của mình trong công thức S + P =K. Tuy nhiên, quá nhiều người lại hay bỏ qua những tín hiệu này, bởi nếu chú ý đến chúng có nghĩa là họ sẽ phải làm gì đó để thay đổi. Nhưng bạn hãy nhớ rằng, giả vờ không nhận ra những cảnh báo này chỉ càng khuyến khích thảm họa kéo đến trong tương lai. S ớm hay muộn gì bạn cũng sẽ phải đối mặt với kết quả hành động của mình. Cho nên, tốt nhất là bạn nên đối mặt với nó trước khi mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.
Mặt khác, bạn cũng sẽ nhận được những tín hiệu báo cho bạn biết rằng bạn đang đi đúng hướng. Chúng ta sẽ nói về điều này sau.
1.10 Sống là phải vui, đúng không?
Sống là phải vui, đúng không nào? Vậy sao chúng ta phải tốn thời gian đối mặt với những vấn đề mà mình có thể tránh được?
Những người thành công không bao giờ ngồi chờ tai họa ập đến. Thay vào đó, họ luôn phản ứng nhanh và dứt khoát trước những tín hiệu và sự kiện, ngay khi nó vừa xuất hiện. Kết quả là cuộc sống của họ sẽ trở nên dễ dàng và vui vẻ hơn nhiều. Những câu nói cũ rích kiểu như "Tôi là kẻ thất bại" hay "Chẳng có việc gì xuôi chèo mát mái với tôi cả" sẽ dần trở thành "Tôi cảm thấy thật tuyệt vời", "Tôi đang kiểm soát được mọi chuyện" và "Tôi có thể khiến điều đó xảy ra".
Khi chúng ta tự nói với bản thân mình những lời tích cực, sự tự tin và ý thức về bản thân nơi ta cũng sẽ lớn lên. Và khi điều đó xảy ra, một thế giới hoàn toàn mới với những khả năng mới sẽ xuất hiện. Để thành công hơn, tất cả những gì ta cần làm là hành động sao cho bản thân mình tự tạo ra được những gì mình muốn. Chỉ vậy thôi. Rất đơn giản.
Câu hỏi: Năm điều mà ngày nào bạn cũng nói với bản thân mình là gì?
Có lẽ bạn phải suy nghĩ kỹ trước khi trả lời câu hỏi này vì chúng ta thường ít khi nhận ra những gì mình nói với bản thân. Nhưng chịu trách nhiệm hoàn toàn về cuộc đời mình có nghĩa là chúng ta phải kiểm soát được suy nghĩ của mình, bởi vì suy nghĩ ảnh hưởng đến tất cả những gì ta làm! Những câu mà bạn luôn thầm nhủ với bản thân có thể mang tính tích cực hay tiêu cực. Chẳng hạn như những ví dụ sau:
Tích cực:
"Mình có thể làm việc này."
"Mình đủ khả năng."
"Mình có thể khiến nó xảy ra."
"Mình kiểm soát được tình hình."
Tiêu cực:
"Mình không đủ giỏi."
"Ôi, đằng nào thì khả năng mình cũng chỉ tới đó."
"Sao lại là mình cơ chứ?"
"Mình không đủ trình độ."
Vậy bạn hay nói gì với mình hằng ngày? Hãy viết 5 câu bạn thường tự nhủ vào nhật ký hoặc một tờ giấy trắng và sau đó nhìn lại, xem chúng mang tính tích cực hay tiêu cực? Hay là cả hai? Bạn nghĩ những câu đó ảnh hưởng thế nào tới hành động của bạn?
Bây giờ hãy nhìn vào 5 điều đó và gạch bỏ đi những điều nào bạn không muốn mình nói nữa rồi bổ sung bằng những câu nói hướng tới kết quả tốt đẹp. Việc này sẽ giúp não bạn xóa bỏ đi những câu tự thoại tiêu cực và ghi nhận những định hướng tích cực.
Những điều tiêu cực bạn lặp đi lặp lại hằng ngày chỉ biết làm mỗi một việc là ngự trong đầu bạn rồi gặm nhấm hết tiềm năng của bạn mà thôi. Nhưng cứ tưởng tượng xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn làm ngược lại, khi bạn nuôi dưỡng đầu óc mình bằng những thông tin tích cực? Cho dù lúc đầu ta không tin những gì ta tự nói với bản thân, nhưng dần dần não ta sẽ chấp nhận và biến nó thành sự thật. Vì thế, việc nói những câu mang tính xây dựng với bản thân là rất quan trọng.
Lời khuyên: Hãy để danh sách này bên đầu giường hay dán nó lên gương trong nhà tắm. Cách này sẽ giúp bạn ghi nhớ những câu nói ấy mỗi ngày.
1.11 Đơn giản chưa chắc là dễ dàng
Cho dù nguyên tắc thành công đầu tiên này rất đơn giản, nhưng chưa chắc là nó dễ dàng thực hiện. Cũng như nói chuyện với bạn bè là một việc làm đơn giản, nhưng khi bạn bị quẳng lên sân khấu và buộc phải trình bày cả một bài diễn văn trước đám đông khán giả thì thật không dễ dàng gì. Chịu trách nhiệm hoàn toàn đòi hỏi bạn phải có ý thức, sống hết mình và sẵn sàng trải nghiệm, chấp nhận mạo hiểm. Bạn phải chú tâm đến những gì mình đang làm và kết quả nhận được.
Lời khuyên: Hãy hỏi bản thân, gia đình, bạn bè, thầy cô và huấn luyện viên để xin góp ý. Có lẽ lúc đầu bạn sẽ ngại, nhưng họ có thể giúp bạn bằng cách chỉ ra những thói quen hay hành động chưa tốt mà bạn không tự ý thức được ở bản thân mình.
Một số câu bạn có thể hỏi đó là:
Những gì mình đang làm có hiệu quả không?
Mình có thể làm tốt hơn không?
Có việc gì mình nên ngừng làm không?
Bạn thấy mình có hạn chế gì?
Đừng ngại hỏi. Rất nhiều người không dám làm việc này vì họ sợ những gì sẽ phải nghe. Nhưng chẳng có gì đáng sợ cả. Sự thật là sự thật. Bạn thà biết sự thật còn hơn là cứ trốn tránh nó mãi. Và một khi bạn biết mình thiếu thứ gì, bạn sẽ biết mình cần phải làm gì để cải thiện tình hình. Bạn không thể cải thiện cuộc sống, điểm số, khả năng thể thao, hay tình bạn của mình mà không cần một lời góp ý nào.
Cuộc sống luôn cho bạn những lời góp ý nếu bạn biết để tâm tìm kiếm và chú ý lắng nghe. Thỉnh thoảng bạn cũng nên chậm bước lại để quan sát cuộc sống của mình và những người xung quanh. Bạn có vui vẻ không? Mọi người có vui vẻ không? Cuộc sống của bạn có cân bằng, ngăn nắp, thú vị và hạnh phúc không? Điểm số của bạn có tốt hết mức có thể chưa? Bạn có khỏe mạnh và cân đối không? Bạn có được kết quả mình mong muốn chưa?
Hãy nhớ cách duy nhất để thay đổi kết quả là thay đổi thái độ. Và bạn phải bắt đầu bằng cách đối diện thực tế - và thực tế đó đến từ những sự thật. Nếu bạn đường hoàng đối diện sự thật và nhanh chóng thay đổi, thành công sẽ đến với bạn bằng rất nhiều con đường.
1.12 Thử thách
Cuốn sách này có rất nhiều Nguyên tắc Thành công đã được chứng minh cũng như những kỹ năng mà bạn có thể thực hành ngay lập tức.
Bạn sẽ chẳng bao giờ biết được những nguyên tắc này có đúng hay không nếu bạn không thử. Và vấn đề chính là: Không ai có thể làm điều này thay bạn được. Tất cả đều tùy thuộc vào bạn... Nếu bạn muốn có tất cả mọi thứ tốt đẹp trong cuộc sống thì bao giờ bạn cũng phải bắt đầu bằng việc tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Liệu bạn có dám đối diện với thử thách? Chúng tôi mong là bạn có thể!