Hãy tin vào bản thân!
Hãy có niềm tin với năng lực của mình! Nếu không có một sự tự tin dù khiêm tốn nhưng lại có cơ sở vững chắc vào sức mạnh của mình thì bạn sẽ không thể nào thành công hay hạnh phúc được.
-Norman Vincent Peale, nhà diễn thuyết, tác giả Best Seller
Tất cả những ai thành đạt về một lĩnh vực nào đó chắc chắn trước hết phải tự tin vào bản thân mình. Nếu không, hà cớ gì họ phải mất công đối mặt thử thách, theo đuổi ước mơ, nỗ lực tối đa cho con đường của mình? Nếu bạn thực sự không tin rằng bạn có thể đọc nổi một cuốn sách, thì bạn có tới thư viện để tìm nó không? Bạn có chọn cuốn sách này không? Có lẽ là không. Việc này nói lên điều gì?
Nó cho thấy niềm tin luôn đi trước hành động của ta - và đặc biệt hơn, chính niềm tin về bản thân và khả năng của ta có tác động mạnh mẽ nhất. Nếu bạn muốn tạo dựng một cuộc sống đáng mơ ước thì trước tiên bạn phải tin rằng mình có khả năng làm được điều đó.
Napoleon Hill từng được Andrew Carnegie (được mệnh danh "ông vua thép", người giàu nhất thế giới vào thời của mình) thuê về để nghiên cứu về sự thành công. Và kết quả nghiên cứu của ông đã dẫn đến sự ra đời của quyển sách Think and Grow Rich (Cách nghĩ để thành công), mà cho đến bây giờ vẫn là sách bán chạy nhất mọi thời đại. Một trong những điều có sức mạnh lớn lao nhất mà Napoleon đã khám phá ra chính là - bạn đoán xem - sức mạnh của niềm tin.
Những gì tâm trí có thể hình dung ra và tin tưởng, chúng ta đều có thể đạt được.
- Napoleon Hill
2.1 Tin tưởng là một lựa chọn
Có thể là điều bất ngờ lớn đối với một số người, nhưng đây là sự thật: tự tin vào bản thân cũng là một thái độ - một sự lựa chọn. Đó là một cách suy nghĩ do chúng ta hình thành dần dần sau một thời gian dài.
Nếu bạn có sự ủng hộ tích cực của bố mẹ, thầy cô, bạn bè, thì sẽ tốt hơn; nhưng điều đó không phải là yếu tố quyết định về lâu dài đến mức độ tự tin của bạn. Hãy nhớ rằng chẳng ích gì khi đổ lỗi cho người khác về việc ngày hôm nay bạn thế nào. Chính bạn phải chịu trách nhiệm về bản thân mình và những điều mà mình tin tưởng.
Trong số cả trăm người rất thành công mà chúng tôi đã phỏng vấn để viết sách, gần như ai cũng nói rằng: "Tôi chẳng phải là người tài năng nhất trên đời, nhưng tôi đã chọn cách tin rằng mọi thứ đều có thể. Tôi được như ngày hôm nay là nhờ học hỏi, thực hành và làm việc chăm chỉ hơn những người khác".
S tephen J. Cannell đã thi rớt lớp một, lớp bốn và lớp mười. Ông không đọc hiểu nhanh như những bạn học khác của mình. Với mỗi một bài thi, ông luôn bỏ ra 5 giờ đồng hồ để học ôn thi cùng mẹ nhưng rốt cuộc vẫn thi rớt. Cuối cùng S tephen đành đi đến kết luận, ấy là ông không được thông minh.
"Nhưng tôi chỉ đơn giản là đã quyết định quên điều đó đi", ông nói. "Tôi không nghĩ đến chuyện đó nữa. Thay vào đó, tôi tập trung tất cả sức lực của mình vào lĩnh vực mà tôi giỏi, đó là môn bóng bầu dục. Nếu không nhờ bóng bầu dục, lĩnh vực mà tôi rất khá, thì không biết bây giờ tôi đã ra sao. Tôi đã có thể khẳng định được mình trong lĩnh vực thể thao."
Lựa chọn tin vào điều gì là hoàn toàn tùy thuộc vào bạn.
Thể thao đã dạy cho ông một điều rằng nếu dồn sức vào một việc gì đó, ông sẽ có thể trở nên xuất sắc. S au này ông cũng giữ vững niềm tin như thế và thành công ở những lĩnh vực khác trong cuộc sống. Kỳ lạ là ông lại trở thành một nhà biên kịch cho đài truyền hình. Cuối cùng ông còn mở một studio riêng và tự sáng tạo, sản xuất, và viết hơn 350 kịch bản cho 38 chương trình truyền hình khác nhau. Chẳng mấy chốc ông đã có hơn 2.000 người làm việc cho mình! Và sau khi bán studio đi, ông lại tiếp tục trở thành nhà văn có 11 tiểu thuyết bán chạy nhất! Đó là những thành quả không hề tệ chút nào đối với người được cho là kém thông minh. Câu chuyện của ông đã cho ta thấy:
Stephen là một ví dụ điển hình cho việc đời cho bạn thứ gì không quan trọng, quan trọng là bạn phản ứng với những thứ đó như thế nào. Ông đã chọn cách sống bằng những niềm tin giúp ông xây dựng sự tự tin cho bản thân.
2.2 Bạn sẽ gặt hái được những thành quả mình đã đoán trước
Để đạt được những thành quả tốt nhất, chúng ta không chỉ hành động mà còn phải tưởng tượng, không chỉ lên kế hoạch mà còn phải tin tưởng nữa.
- Anatole France, Nhà văn Pháp
Các nhà khoa học trước đây từng cho rằng não con người được cấu tạo để phản ứng với những thông tin tiếp nhận từ thế giới bên ngoài. Thế nhưng ngày nay người ta đã biết rằng não người cũng phản ứng với những gì nó cho là sẽ xảy ra tiếp theo đó.
Ví dụ: Vài năm trước, một số bác sĩ ở Texas đã nghiên cứu về tác dụng của việc phẫu thuật đầu gối. Cụ thể là họ so sánh 3 cuộc phẫu thuật sau: (1) tháo khớp gối, (2) làm sạch khớp gối, và (3) không đụng gì đến khớp gối cả.
Trong ca phẫu thuật "không đụng gì đến", bác sĩ sau khi gây mê cho bệnh nhân, họ rạch ba đường như thể chuẩn bị đưa các dụng cụ phẫu thuật vào và giả vờ phẫu thuật. Hai năm sau cuộc giải phẫu, những bệnh nhân đã thực hiện cuộc "phẫu thuật giả" đó cũng có những biểu hiện giảm đau nhức như những bệnh nhân thực sự được phẫu thuật. Não của họ cho rằng "cuộc giải phẫu" sẽ làm cho đầu gối mình khá hơn và quả thực là đúng như thế - cho dù thực ra chẳng ai làm gì đầu gối của họ cả. Thật đáng kinh ngạc!
Vậy tại sao não người lại phản ứng như thế? (Cảnh báo: đoạn tiếp theo mà bạn đọc sẽ gồm toàn những từ "đao to búa lớn!" thôi đấy). Những nhà tâm lý học đã nghiên cứu về "thuyết mong đợi" này giải thích rằng đó là vì chúng ta luôn trong tình trạng mong đợi một số điều cụ thể nào đó sẽ xảy ra trong suốt cuộc đời mình. Hãy nghĩ xem. Ngày qua ngày, não ta đã thực sự học được cách trông đợi điều gì sẽ xảy đến - cho dù nó có thực sự xảy ra hay không. Và vì não đã trông đợi rằng sự việc đó sẽ xảy ra theo một cách cụ thể như thế, nên thường chúng ta sẽ gặp đúng những điều mình đã đoán trước.
Brianna, 17 tuổi (Jackson Hole, WY): Ngay từ khi 12 tuổi, tôi đã luôn gặp rất nhiều khó khăn với môn toán. Mọi việc cứ ngày càng tệ hơn. Tôi ghét đến trường, ghét các bài tập về nhà. Cuối cùng tôi tin rằng mình không có khả năng làm việc với các con số.
Mỗi khi đến trường, tôi luôn nghĩ rằng mình sẽ căng thẳng và phải vật lộn với môn toán - và chẳng nghi ngờ gì nữa, mọi chuyện diễn ra đúng như thế. Trí óc tôi luôn tìm kiếm những dấu hiệu để củng cố cho điều mà tôi dự đoán. Nếu tôi cố hết sức tính một phép tính nào đó và ra kết quả sai, phản ứng đầu tiên của tôi luôn là: "Thấy chưa! Biết ngay là sẽ sai mà. Cho dù mình có cố thế nào thì vẫn chẳng bao giờ tính đúng được".
Năm nay tôi có một giáo viên dạy toán mới, người đã giúp tôi bừng tỉnh sau cơn mê dài bằng một vài phương pháp rất hữu hiệu.
Lần đầu tiên tôi có chút tự tin với môn toán. Việc này khiến tôi nhận ra rằng trong năm năm vừa qua, điều mà thực ra tôi mong đợi chỉ làm cho tôi thể hiện mình kém hơn mà thôi, vì tôi đã thực sự tin rằng mình vô dụng. Tôi mừng vì bây giờ tôi đã nhận ra được điều này, vì từ đây về sau tôi đã biết nên trông chờ gì vào tương lai. Điều này rất đúng: chúng ta thường sẽ gặp phải những điều chúng ta nghĩ là sẽ gặp.
Chính vì vậy, việc mong chờ những điều tích cực xảy ra là rất quan trọng. Khi bạn thay thế những trông đợi tiêu cực bằng những điều tích cực, não sẽ giúp bạn đạt thành những mong đợi đó. Thật tuyệt vời!
2.3 Tôi có thể!
"Tôi có thể làm điều đó!"
Đó có phải là sự thật không, hay chỉ là bạn tin như thế? Hãy xem xét điều này: Những gì mình tin tưởng sẽ trở thành sự thật. Chúng ta thường hay nói hoặc nghĩ rằng "Mình không thể!" mà chưa suy nghĩ kỹ. Thực ra ta có khả năng làm nhiều điều hơn là chúng ta tưởng.
Nếu muốn thành công thì bạn phải dẹp bỏ câu "Tôi không thể!" hay những câu đại loại như:
"Ước gì mình có thể..."
"Phải chi mình..."
"Mình sẽ cố, nhưng..."
Những câu này sẽ lập tức tước hết sức mạnh của ta. Kết quả là ta sẽ bỏ qua cơ hội để trải nghiệm những điều mới mẻ, thử thách bản thân, và tự giới hạn mình.
Năm 1977, ở Tallahassee, Florida, Laura S chultz, lúc này đã 63 tuổi, đã nhấc bổng đuôi của một chiếc xe nặng 750 kg khi nó đè lên tay cháu trai mình. Ngay hôm trước đó bà còn nói đùa rằng bà chưa từng nâng thứ gì nặng hơn chục ký. Laura là một người phụ nữ nhỏ bé, trông bà đúng là không nâng nổi thứ gì nặng hơn một bao thức ăn cho mèo thật.
Tiến sĩ Charles Garfield muốn phỏng vấn bà sau khi đọc mẩu tin về bà trên báo. Đầu tiên Laura từ chối không nói gì về "sự kiện" đó. Nhưng sau khi kiên trì thuyết phục, Charles cuối cùng cũng đã được bà đồng ý cho phỏng vấn. Bà Laura nói rằng bà không muốn nói về "sự kiện" đó bởi vì nó đã thách thức niềm tin của bà về những gì bà có thể và không thể làm trong đời. Bà nói:
"Nếu tôi có thể làm điều này khi tôi nghĩ mình không thể, vậy thì cả cuộc đời tôi là thế nào đây? Có phải là tôi đã phí hoài chúng rồi không?".
Charles thuyết phục Laura rằng cuộc đời bà vẫn chưa chấm dứt và bây giờ bà vẫn còn có thể bắt đầu làm những gì mình muốn. Laura phát hiện ra rằng mình có một niềm đam mê vô cùng mãnh liệt đối với địa chất. Bà luôn ao ước được đến trường và học chuyên về địa chất học. Nhưng ngày trước gia đình bà rất nghèo và bố mẹ bà không thể lo hết cho cả hai chị em bà đi học được. Và thế là bà phải nhường cho em trai mình được tiếp tục theo đuổi con đường học vấn. Giờ đây ở tuổi 63, cùng với sự giúp đỡ của Charles, bà Laura đã trở lại trường và học về địa chất. Cuối cùng bà cũng có được bằng tốt nghiệp và sau đó bà đã đi dạy ở một trường cao đẳng của địa phương.
Bạn có muốn chờ đến 63 tuổi mới quyết định được rằng bạn có thể làm những gì bạn muốn - hay là bạn muốn bắt đầu ngay bây giờ? Đừng phí cả đời để tinrằng bạnkhông thể. Cứ làm đi!
2.4 Bạn phải tin
Nếu bạn tin bạn có thể, biết đâu bạn sẽ có thể. Nếu bạn tin rằng bạn không thể, chắc chắn bạn sẽ không thể. Niềm tin chính là công tắc đẩy bạn ra khỏi bệ phóng.
- Denis Waitley, Cố vấn của NASA, tác giả best seller
Tim Ferris chỉ mới 29 tuổi và những gì anh đạt được thật khiến người ta chóng mặt. Anh nói lý do khiến anh đạt được nhiều thứ như thế chính là nhờ niềm tin. Thực sự niềm tin vào khả năng của anh mạnh mẽ đến nỗi nó đã giúp anh đoạt chức vô địch quốc gia môn quyền cước S an S hou chỉ sáu tuần sau khi anh bắt đầu tiếp xúc với môn võ này. (Đúng, là sáu "tuần" chứ không phải sáu "năm" đâu đấy nhé!).
Là một người Mỹ chính gốc và là đội trưởng đội judo ở Princeton, Tim luôn mơ về một ngày mình giành được danh hiệu quốc gia. Anh tập luyện rất chăm chỉ và rất giỏi trong môn thể thao này. Nhưng những chấn thương kéo dài liên tục từ ngày này qua tháng nọ đã ngăn cản anh đến với ước mơ của mình. Vì thế khi một người bạn gọi cho Tim mời anh đến xem mình thi đấu trong giải vô địch quốc gia quyền cước Trung Hoa sáu tuần sau, Tim đã ngay lập tức quyết định tham gia. Là "tham gia" chứ không phải chỉ "xem".
Bởi vì Tim chưa từng tham gia một cuộc thi đấu đối kháng nào trước đây nên anh đã gọi cho Hội Boxing Hoa Kỳ và hỏi họ ở đâu có huấn luyện viên giỏi nhất. Anh đã phải lặn lội sang Trenton, New Jersey để học hỏi từ huấn luyện viên boxing từng đào tạo rất nhiều vận động viên đoạt huy chương vàng trong các kỳ thi. Mỗi ngày, sau 4 giờ đồng hồ bị đánh xiểng liểng trong vòng đấu, anh còn phải luyện tập thể lực trong phòng tạ. Để bù đắp cho việc thiếu kinh nghiệm, Huấn luyện viên của Tim tập trung vào sức mạnh của anh hơn là cải thiện những điểm yếu về kỹ thuật. Tim không chỉ muốn thi đấu, anh còn muốn chiến thắng!
Đến ngày thi đấu, Tim đã đánh bại 3 đối thủ được đánh giá cao trước khi tiến vào vòng chung kết. Khi anh dự đoán trước mình sẽ thắng trận chung kết, anh nhắm mắt lại và tưởng tượng ra cảnh mình hạ đối thủ ngay vòng đầu (một nguyên tắc cũng rất hữu hiệu khác mà chúng ta sẽ bàn sau trong cuốn sách này). Tim đã tin tưởng. Và anh đã chiến thắng.
Sau này, anh nói với chúng tôi rằng mọi người thất bại hầu như không phải vì họ không đủ khả năng hay trình độ, mà đơn giản là vì họ không tin tưởng vào bản thân. Đừng bao giờ đánh giá thấp bản thân bằng cách nghi ngờ khả năng của mình. Tất cả thành công đều bắt đầu bằng niềm tin. Hãy bắt đầu tin rằng bạn có thể đạt được những mục tiêu nhỏ trong cuộc sống, và rồi dần dần bạn sẽ có đủ tự tin để vươn tới cả những ước mơ hoang đường nhất.
2.5 Tìm đội ngũ ủng hộ
Chỉ cần tin rằng mình sẽ thành công, rằng mình có thể trở thành bất cứ ai mà bạn mong muốn, và rồi bạn sẽ đạt được điều đó.
- Oprah Winfrey, Người dẫn chương trình truyền hình có số người xem cao nhất trong lịch sử.
Bạn biết rằng tin tưởng vào bản thân là một phần quan trọng đưa chúng ta đến thành công. Thế còn sự ủng hộ từ người khác thì sao? Chính là cách hoàn hảo để có thêm sự tự tin mà cố gắng hết mình và đạt được những điều mình muốn!
Khi chàng thanh niên 20 tuổi Ruben Gonzalez xuất hiện tại Trung tâm Huấn luyện O lympic U .S . ở Lake Placid, New York, anh có trong túi tấm danh thiếp của một doanh nhân ở Houston, người tin vào giấc mơ Olympic của Ruben. Ruben đến đây để học môn trượt băng bằng xe đơn, một môn thể thao mà cứ 10 người thì hết 9 đã bỏ cuộc ngay mùa đầu tiên. Hầu như ai cũng phải gãy vài cái xương trước khi "nhập cuộc" với cuộc đua có tốc độ 145km/giờ trên đường đua hẹp dài cả dặm làm bằng băng tuyết và xi măng này. Nhưng Ruben có ước mơ, sự đam mê và lời thề không bỏ cuộc, cùng với sự động viên của người bạn Craig tại quê nhà ở Houston.
Khi Ruben trở về phòng nghỉ sau ngày đầu tập luyện, anh gọi cho Craig:
- Craig, cái trò này thật kinh khủng! Hai bên sườn tớ đau buốt. Chắc là tớ gãy xương bàn chân rồi. Thế đấy. Chắc tớ quay lại với bóng đá thôi.
Craig ngắt lời:
- Ruben, ra đứng trước gương đi!
- Cái gì?
- Tớ nói cậu ra đứng trước gương đi!
Ruben đứng dậy, kéo dài dây điện thoại ra và đứng trước tấm gương cao bằng thân người anh.
- Giờ hãy nói lại theo tớ: "Cho dù tệ thế nào, và cho dù nó sẽ tệ thế nào đi chăng nữa, mình vẫn sẽ làm được!".
Ruben thấy mình như thằng ngốc đứng trước gương, và cái giọng yếu đuối sướt mướt của chính cậu đã phản lại nội dung câu nói: "Cho dù tệ thế nào, và cho dù nó sẽ tệ thế nào đi chăng nữa, mình vẫn sẽ làm được".
- Coi nào! Hãy nói cho đúng. Cậu là Ngài O lympic mà! Cậu nói thế suốt còn gì! Cậu có làm hay không đây?
Ruben bắt đầu nghiêm túc: "Cho dù tệ thế nào, và cho dù nó sẽ tệ thế nào đi chăng nữa, mình vẫn sẽ làm được!".
- Lại lần nữa!
Cùng từng chữ thốt ra, niềm tin của Ruben đã trở lại: "Cho dù tệ thế nào, và cho dù nó sẽ tệ thế nào đi chăng nữa, mình vẫn sẽ làm được!".
Rồi lại lần nữa, lại lần nữa và lại lần nữa...
Sau năm sáu lần lặp đi lặp lại như thế, Ruben nghĩ: "Ồ, làm thế này cảm thấy cũng hay. Mình bắt đầu đứng thẳng hơn một chút rồi!". S au lần thứ 10 lặp lại câu nói ấy, Ruben nhảy cỡn lên và hét to: "Dù có bất cứ chuyện gì xảy ra cũng không quan trọng. Mình sẽ làm được. Mình có thể gãy cả hai chân. Nhưng xương rồi sẽ lành. Sau đó mình lại có thể trở lại, và mình sẽ làm được. Mình sẽ trở thành một vận động viên Olympic!".
Cho dù bạn mơ ước điều gì, hãy thử sử dụng cách thức thành công của Ruben - nó thật sự có hiệu quả. Hãy nhìn mình trong gương và tự hứa với mình rằng bạn sẽ làm được - cho dù phải trả giá thế nào. Ruben Gonzalez đã hứa với mình và lời hứa đó đã thay đổi cuộc đời anh. Anh đã tham gia đến ba kỳ O lympic Mùa Đông sau đó.
Lòng tự tin của bạn sẽ mạnh lên một cách kỳ diệu khi bạn đối diện trực tiếp với bản thân mình và tự nói với bản thân những gì mình sẽ làm. Sự thành thật và tự tin vào bản thân có thể giúp bạn nhận được sự ủng hộ của người khác. Để khơi dậy hết những tiềm năng của bản thân, nhiều khi ta cần sự động viên từ một người bạn hay huấn luyện viên. (Chúng ta sẽ nói về cách thực hiện điều này ở những chương sau.)
2.6 Nếu bạn tin, bạn sẽ có thể đạt được
Hãy có nhiều lòng tin! Mức độ thành công của bạn được quyết định bởi kích cỡ của niềm tin. Nếu chỉ nghĩ đến những mục tiêu nhỏ, rồi thì bạn sẽ chỉ đạt được những điều nho nhỏ. Nghĩ đến mục tiêu lớn, bạn sẽ đại thành công.
- David J. Schwartz, Nhà diễn thuyết, tác giả bestseller
Gần đây chúng tôi có phỏng vấn một người khá thú vị tên Chris Barrett(2). Chris chỉ mới 25 tuổi, nhưng thành công của cậu ấy đã bắt đầu từ thời thiếu niên. Barrett có nhiều thành quả đáng kinh ngạc: Cậu đã sản xuất được nhiều bộ phim độc lập, xuất hiện trong đoạn phim tài liệu đoạt giải thưởng, The Corporation, làm khách mời trên vô số chương trình truyền hình lớn, trở thành bạn thân của nhiều ngôi sao Hollywood, thậm chí cậu còn xoay xở để có được một tập đoàn chịu tài trợ chi phí học cao đẳng cho cậu! Nhưng chưa hết: Barrett còn kiếm được 100.000 đô-la bằng việc viết một cuốn sách mà cậu nói là "chẳng ai muốn đọc". Làm sao Barrett làm được điều đó? Bởi cậu tin rằng mình làm được. Chúng ta hãy nghe Chris kể lại câu chuyện của mình:
Hồi trung học, tôi có một đứa bạn thường được đi xem ca nhạc miễn phí; tôi hỏi cậu ấy làm thế nào để được như thế. Bạn tôi giải thích rằng đó là vì cậu ấy có ý tưởng trở thành một "nhà báo" tự phong.
Cách của cậu bạn tôi là: Cậu ấy nói sẽ viết bài cho một tờ báo hay tạp chí điện tử nào đó về một buổi ca nhạc mà cậu muốn xem, và rồi ngay sau đó cậu nhận được vé miễn phí từ những người quảng cáo cho buổi hòa nhạc, với hy vọng cậu sẽ viết bài cho nhóm nhạc đó. Vì vậy, thay vì nói: "Tôi không biết làm phóng viên âm nhạc như thế nào, nên thôi, chắc đành để dành tiền mua vé đi xem ca nhạc vậy", tôi đã nói: "Tôi muốn đi xem ca nhạc miễn phí và cậu bạn này vừa cho tôi thấy rằng chẳng có lý do gì tôi lại không làm được".
Ngay sau đó, tôi đã quyết định mình sẽ trở thành một phóng viên âm nhạc. Chẳng bao lâu sau tôi đã thấy mình gõ cửa phòng quản lý của các ban nhạc, phỏng vấn các nhóm nhạc như G. Love & S pecial S auce, Weezer, và thậm chí cả Green Day. Cho tới lúc đó tôi chưa từng phỏng vấn một ngôi sao nhạc rock nào, hay viết bất kỳ cái gì cho báo trường. Nhưng tôi đã tìm thấy thứ mình muốn làm, đã lấy hết dũng khí và hành động. Khi làm rồi, tôi mới khám phá ra rằng mình thực sự thích công việc này. Hơn nữa, giờ đây tôi có thể tham gia bất cứ buổi hòa nhạc nào tôi muốn, và tham gia miễn phí!
Sau một thời gian, tôi quyết định sẽ viết một cuốn sách hướng dẫn để chia sẻ bí mật của mình về việc tôi được đi xem hòa nhạc miễn phí thế nào. Nhưng ngay khi tôi kể với người khác nghe về điều đó, ai cũng bảo: "Cậu không làm được đâu. Chẳng ai lại muốn đọc cái thứ ấy - chứ đừng nói là bỏ tiền ra để mua đọc! Cậu sẽ chỉ tốn thời gian vô ích mà thôi".
Tôi cảm thấy nhụt chí và bắt đầu nghi ngờ bản thân mình, nhưng một phần trong tôi vẫn biết rằng tôi có thể làm được nếu chuẩn bị đầy đủ và cố gắng hết mình. Nhưng lúc đó tôi đâu biết rằng đó chỉ mới là khởi đầu. Ngày càng có nhiều người nói với tôi những câu giống y như thế:
"Cậu không làm được đâu."
" Chẳng ai lại muốn đọc cái thứ ấy - chứ đừng nói là bỏ tiền ra để mua đọc."
"Cậu sẽ chỉ tốn thời gian vô ích mà thôi."
Nhưng từ lúc đó, mỗi khi tôi nghe thấy những lời như thế, tôi đều tự nói với mình "Dĩ nhiên là mình làm được. Những đứa bằng tuổi mình sẽ muốn đọc. Mình sẽ tự bỏ tiền ra làm!". Chẳng bao lâu sau, những lời nói tiêu cực đó chỉ làm tôi thêm quyết tâm viết cuốn sách của mình và khiến nó trở nên thành công. Cuối cùng tôi cũng hoàn thành cuốn sách, xuất bản, và tạo ra một website riêng. Thậm chí tôi còn bán sách của mình trên eBay!
Chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều người đã mua cuốn sách của tôi. Thực ra là có tới hàng ngàn người từ nhiều nước khác nhau đặt hàng. Tôi cứ mong sau giờ học về nhà để trả lời mail đặt hàng. Lúc này tôi đã kiếm được hơn 100.000 đô-la từ cuốn sách mà rất nhiều người nói rằng "chẳng ai muốn đọc đâu".
Lý do duy nhất khiến tôi có thể làm được điều đó là vì tôi tin vào bản thân mình và chọn nghe "đúng"khi ai cũng nói "sai".
2.7 Những người khác
Bạn phải tin vào bản thân khi không ai tin bạn.
Đó chính là yếu tố khiến bạn trở thành người chiến thắng.
- Venus Williams Vận động viên tennis chuyên nghiệp Huy chương vàng Olympic
Nếu điều kiện cần thiết để thành công là được người khác tin tưởng vào giấc mơ của mình, thì chắc hầu hết mọi người đã chẳng làm được điều gì cả! Bạn phải quyết định dựa trên những gì bạn muốn làm và đặt ra những mục tiêu mà mình hứng thú. Đừng quan tâm đến những gì người khác nghĩ về ước mơ của bạn. Điều quan trọng là bạn phải lắng nghe con tim của chính mình. Chúng tôi rất thích quy luật 18/40/60 của Tiến sĩ Daniel Amen:
Khi bạn 18 tuổi, bạn cứ luôn lo lắng về những gì người ta nghĩ về mình; khi bạn 40, bạn chẳng thèm quan tâm xem người khác nghĩ gì về mình; khi bạn 60, bạn nhận ra rằng thật ra người ta chẳng ai nghĩ tí gì về bạn cả.
Bất ngờ, bất ngờ chưa! Thường thì hầu như chẳng ai nghĩ tí gì về bạn cả đâu. Họ vốn đã quá bận rộn với cuộc sống của họ - và nếu họ nghĩ về bạn, có lẽ cũng chỉ là thắc mắc xem bạn nghĩ gì về họ mà thôi.
Hãy nghĩ về những lúc bạn tốn thời gian lo lắng về việc người khác nghĩ gì về ý kiến, mục tiêu, quần áo, đầu tóc, thân thể bạn. Chẳng phải sẽ tốt hơn nếu bạn dành những khoảng thời gian quý báu đó để nghĩ và làm những điều giúp bạn đạt được mục tiêu? Chắc chắn là như vậy.
Hãy tin vào bản thân và sống cuộc đời bạn đáng được hưởng. Đừng suy nghĩ sai lầm rằng bạn chỉ có một mình. Hãy dùng sức mạnh niềm tin để thay đổi cuộc sống.
Sự tự tin có thể lan truyền được. Bạn càng tin vào bản thân và khả năng mình bao nhiêu thì bạn càng nhận được sự ủng hộ và niềm tin từ mọi người chung quanh bấy nhiêu. Nếu bạn bè và gia đình không ủng hộ bạn, hãy tìm đến giáo viên, huấn luyện viên, cha xứ, những người lãnh đạo cộng đồng - và đừng bỏ cuộc cho đến khi nào bạn tìm được sự ủng hộ. S ẽ luôn có một người nào đó ủng hộ bạn... nhiều khi chúng ta chỉ cần kiếm kỹ hơn một chút thôi. Chúng tôi biết bạn có thể làm những điều kỳ diệu, nhưng bây giờ đã tới lượt bạn tin như thế. Chỉ cần nhớ rằng có rất nhiều người ủng hộ - dù có thể hiện tại những người ấy vẫn chưa đến bên bạn...
Bạn muốn biết thêm về việc làm sao để nhận được sự ủng hộ từ người khác? Vậy thì hãy tiếp tục đọc. (Chúng tôi có dành cả một nguyên tắc riêng cho chủ đề này.)
Nếu một chàng trai Texas 20 tuổi có thể cầm xe trượt băng lên và trở thành vận động viên O lympic ... nếu một cụ bà 63 tuổi có thể nâng một chiếc xe 750 kg... nếu một học sinh bị mắc chứng đọc hiểu chậm có thể trở thành tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất và là nhà sản xuất những chương trình truyền hình hàng đầu, vậy thì bạn cũng có thể đạt được bất cứ điều gì nếu bạn tin rằng mình có thể.
Bạn chẳng có gì để mất. Hãy tin vào bản thân và cứ cố gắng hết mình!
NHỮNG VIỆC CẦN LÀM
Hãy nhớ rằng tin vào bản thân là một thái độ và là một sự lựa chọn.
Tập trung vào những gì bạn mong đợi, chúng thường tạo ra những gì bạn sẽ trải nghiệm tiếp theo.
Luôn mong đợi những điều tốt đẹp nhất từ bản thân và cuộc sống.
Nhận thức rằng niềm tin còn mạnh mẽ hơn những khả năng tự nhiên. Thường thì kỹ năng chẳng giúp con người làm tốt nhất công việc của họ, mà chính là nhờ niềm tin rằng họ có thể làm được. Bạn hãy biến niềm tin đó thành hành động và tận lực cố gắng từng ngày.
Nhớ lời Napoleon Hill: "Những gì tâm trí có thể hình dung ra và tin tưởng, thì chúng ta đều có thể đạt được".
Không ngừng nhắc bản thân: "Cho dù tệ thế nào, và cho dù mọi chuyện sẽ tệ thế nào đi chăng nữa, mình cũng sẽ làm được!".
Hãy nhớ rằng giới hạn duy nhất cho tiềm năng của bạn chính là giới hạn do bạn tự đặt ra.