Bước đầu tiên không thể thiếu để đạt được những gì bạn muốn đó là: Quyết định xem bạn muốn gì.
- Ben Stein, Diễn viên
Câu hỏi: Lý do lớn nhất khiến người ta không đạt được những điều mình muốn là gì?
Trả lời: Lý do đầu tiên là vì họ không biết mình thực sự muốn gì! Chúng ta đã không được dạy cách nhận ra mình muốn gì trong đời. Ngoài việc viết ra một danh sách những món quà muốn được tặng nhân dịp Giáng sinh, chúng ta thường ít khi - nếu không muốn nói là chưa bao giờ - xác định rõ được là mình muốn gì.
Bạn muốn đạt được những gì? Bạn muốn trải nghiệm điều gì? Bạn muốn gặp ai? Bạn muốn có thứ gì? Bạn muốn trở thành người như thế nào? Thành công thực ra là gì đối với bạn?... Đối với hầu hết chúng ta, những câu hỏi trên đều rất khó trả lời, đặc biệt nếu như bạn không thường suy nghĩ về chúng. Nhưng hãy chuẩn bị tinh thần để nghe tin tốt đây. Có một vài phương pháp rất hữu hiệu giúp bạn tìm ra được câu trả lời cho riêng mình đối với những vấn đề trên - và đúng, chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn những phương pháp đó!
Hãy nghĩ thế này: Tưởng tượng chiếc xe mới của bạn có hệ thống định vị GPS (3) "chiến" nhất. Nó có thể dẫn bạn đến bất kỳ nơi nào bạn muốn - không có vấn đề gì! Nhưng món đồ công nghệ tinh vi đó liệu có ích lợi gì nếu bạn không thể nhập đích mình muốn đến vào? Nếu bạn không biết mình phải đi đâu thì cái máy ấy dù có hiện đại đến mấy thì cũng vô dụng mà thôi, có phải không? Bạn đã có sẵn cho riêng mình một bộ GPS bên trong não, cũng giống như hệ thống trong xe hơi vậy, và bộ GPS đó cũng hoạt động y như thế. Bạn phải cho nó một đích đến! Cuộc hành trình của đời bạn (cũng giống như chuyến hành trình của xe hơi) tùy thuộc vào việc bạn xác định mình muốn gì và muốn đi đâu.
GPS trong não bạn thường xuyên chỉ cho bạn bước kế tiếp trên tuyến đường mà bạn đã vạch ra sẵn trước đó trong quá trình đi về đích. M ột khi bạn đã xác định rõ và tập trung vào điểm đến của mình (những gì bạn muốn), những bước bạn cần đi tiếp theo sẽ tự nhiên hiện ra dọc đường. Một khi bạn biết rõ và tập trung vào nó, vấn đề làm sao (quá trình) cũng sẽ trở nên rõ ràng theo.
3.1 Hãy thực tế... với bản thân
Thôi đi! Cậu nghĩ sao vậy! Làm ơn, hãy thực tế một chút đi... cậu không làm được đâu!"
Kent: Bạn đã bao giờ nghe những câu như thế chưa? Jack và tôi thì chắc chắn là đã từng nghe rồi - rất nhiều lần! Tôi nhớ vài năm trước, sau sinh nhật lần thứ 17, tôi nói cho các bạn mình nghe rằng tôi chuẩn bị viết một cuốn sách. Tôi sẽ không bao giờ quên được phản ứng của họ lúc đó. Những lời ấy tôi vẫn còn nhớ rất rõ: "Cậu á? Ừ, phải rồi! Rồi cậu sẽ trở thành tổng thống luôn phải không?".
Trong mỗi con người chúng ta đều có một hạt giống "bản thân" mà đúng ra ta sẽ lớn lên và trở thành nó. Thế nhưng không may là hạt giống này có thể bị chôn vùi do phản ứng của bạn đối với bố mẹ, thầy cô, bạn bè, huấn luyện viên, hay những hình mẫu khác mà bạn gặp phải trong quá trình trưởng thành.
Nghĩ mà xem: Khi còn bé, bạn luôn biết chính xác những gì mình muốn, có phải không? Bạn ăn khi thấy đói và cứ phun hết những thứ bạn không thích ra. Bạn không cảm thấy khó khăn gì khi thể hiện những điều mình mong muốn. Bạn cho cả thế giới biết chỉ đơn giản bằng cách khóc thật to, cho tới khi nào bạn có những thứ bạn muốn.
Chúng tôi không bảo rằng "nổi cơn tam bành" là cách tốt nhất để đạt được những gì bạn muốn, nhưng ví dụ này cho thấy trẻ sơ si nh bi ết một cách bản năng những gì mình muốn, và chúng rất nhiệt tình trong việc đạt bằng được thứ đó. K hi còn bé, bạn có được tất cả những gì mình muốn, được đút ăn, được thay tã cho, được bế bồng. Bạn cứ bò khắp nơi và tiến thẳng tới chỗ có những thứ bạn cảm thấy hứng thú nhất. Bạn biết rõ mình muốn gì nên bạn có thể tiến thẳng đến chúng mà không ngần ngại gì cả. Bộ GPS trong não bạn không hề phức tạp nhưng nó làm việc rất tốt.
Nhưng rồi chuyện gì đã xảy ra? Khi bạn lớn lên, những người xung quanh liên tục "góp ý" về hành động của bạn và điều đó nhanh chóng làm thui chột cái tâm hồn thích phiêu lưu và đồng thời tắt luôn bộ GPS trong não bạn. Đâu đó trong quá trình bạn trưởng thành, hẳn đã có người nói...
Đừng đụng vào đó.
Tránh xa chỗ đó ra.
Đừng chạm tay vào!
Hãy ăn hết những món trong dĩa cho dù con có thích hay không!
Con phải tự thấy xấu hổ chứ!
Ngừng khóc đi. Đừng trẻ con như thế.
Con không thực sự tin thế, đúng không?
Ta có thể thêm vào danh sách này bao nhiêu điều nữa đây? Khi bạn lớn hơn, bạn lại phải nghe thêm những lời ngăn cản:
Đâu phải cứ cậu muốn là được.
Tiền đâu có mọc trên cây, biết không!
Cậu không nghĩ đến ai khác ngoài bản thân được à?
Ngừng việc cậu đang làm lại, rồi đến đây giúp tôi làm việc tôi đang cần cậu làm này!
Thật chẳng có gì ngạc nhiên khi bộ GPS của ta lại ngừng hoạt động! Nhưng bộ GPS của bạn không phải đã tắt vĩnh viễn... nó chỉ tạm ngừng thôi! Bạn vẫn còn tất cả những gì mình cần ngay bên trong bản thân để tạo ra cuộc sống mà bạn muốn.
Sergio, 18 tuổi (Los Angeles, CA): M ỗi lần tôi nói chuyện về một mục đích mới hay những gì tôi muốn đạt được trong đời, bố mẹ sẽ lại nói những câu kiểu như: "Con muốn ước mơ thế nào cũng được, nhưng hãy nhớ rằng con sẽ không muốn theo đuổi nó cả đời chỉ để cuối cùng nhận ra rằng con không thể nào đạt được giấc mơ ấy". Tôi nghĩ họ nói thế là vì mọi việc trong đời bố mẹ không diễn ra như ý họ muốn, và thế là cuối cùng họ cảm thấy thật cay đắng và đã ngừng cố gắng. Nhưng chẳng mấy chốc điều này đã lây sang cả tôi - tôi bắt đầu nghĩ rằng mọi chuyện sẽ không thuận lợi trong cả cuộc đời của riêng tôi. Mỗi lần tôi suy nghĩ về chuyện gì lớn lao và đặt ra những mục tiêu có tính thử thách, tôi lại bắt đầu nghi ngờ bản thân: "Có phải mình chỉ phí thời gian?", "Có phải mình thật ngớ ngẩn?", "Có thật mình có khả năng làm như thế? ". Rất nhiều lần tôi vẫn quyết định sẽ theo đuổi mục tiêu, nhưng tôi chẳng bao giờ có thể sống hết mình được vì tôi sợ sẽ tự làm mình thất vọng.
May thay, vẫn còn có gì đó trong tôi không muốn nghe theo những lời tiêu cực đó. Tôi muốn cuộc đời mình không chỉ có như thế. Khi tôi 16 tuổi, tôi và một người bạn cùng nhau mở dịch vụ sửa máy vi tính và điều đó đã dạy cho tôi rất nhiều điều. Tôi biết được mùi vị của điều "có thể" là thế nào và quyết định sẽ theo đuổi nó đến cùng - không gì ràng buộc được tôi nữa!
Bây giờ tôi nhìn nhận mọi thứ rất khác hồi trước. Năm ngoái tôi có đọc thấy một câu mà sau đó tôi đã phải dán nó lên tường: "Khi bạn đưa tay ra với một vì sao, có thể bạn chẳng chạm được ngôi sao nào cả, nhưng tay bạn cũng sẽ chẳng bao giờ vấy bùn". Tôi rất thích câu nói này. Nó nhắc tôi nhớ rằng chẳng thà suy nghĩ thật lớn lao rồi cố hết sức mình còn hơn là hài lòng với những thứ ít hơn mức mình đáng có. Và chẳng có gì phải sợ hãi cả. Nếu tôi không đạt được hết những mục tiêu của mình thì đã sao! Ít nhất là tôi biết mình đã cố gắng. Và tôi cũng biết rằng những mục tiêu lớn ấy đã thôi thúc tôi bước ra khỏi vùng an toàn của mình và trưởng thành hơn. Cuộc đời này quá ngắn ngủi để bạn cứ lo lắng về những điều tiêu cực. Cứ làm đi!
3.2 Đừng sống bằng giấc mơ của người khác
Chúng ta phải dám là chính bản thân mình, cho dù cái bản thân đó có kinh khủng hay dị thường đến thế nào đi nữa.
- May Sarton
Nhà thơ và tiểu thuyết gia người Mỹ
Con sẽ trở thành một bác sĩ rất giỏi. Đừng bỏ cuộc lúc này."
"Con có khả năng giao tiếp bẩm sinh. Con nên làm luật sư."
"Bố con và mẹ luôn biết rằng con lớn lên sẽ nối nghiệp gia đình và trở thành một nha sĩ thành công."
Nếu bạn để cho người khác quyết định thay cho mình (chọn nghề nghiệp, chọn bạn đời, chọn xe, chọn trường...) thì rất có khả năng cuối cùng bạn sẽ hoàn thành giấc mơ của họ chứ không phải của bạn. Cho dù người khác nhiệt tình thế nào về cuộc đời họ tưởng tượng ra cho bạn thì cũng chẳng thành vấn đề. Vấn đề là chính bạn mới phải nhiệt tình về ước mơ và mong muốn của riêng mình.
Gần đây chúng tôi có đọc một bài phỏng vấn Donald Trump(4), và ông ấy đã có một quan điểm rất hay. Ô ng nói rằng chưa có việc phi thường nào ông đạt được mà không cần đến sự đam mê điên cuồng. Donald Trump nói đúng! Hiếm khi có người nào làm được những điều tuyệt vời mà không có hứng thú, nhiệt tình, lòng đam mê thực sự đối với việc mà họ đang làm. Thông điệp của ông rất rõ ràng: hãy dành thời gian cho những điều mà bạn cảm thấy hứng thú - điều mà bạn chọn làm. Tóm lại là bạn phải có hứng thú với những gì bạn làm, đằng nào thì đó cũng là cuộc đời của bạn.
Nguy hiểm:
Não của bạn sẽ tin vào những điều nó liên tục nghe thấy.
Những phương pháp tẩy não cổ điển là dựa vào việc liên tục lặp đi lặp lại một điều gì đó. Nếu bạn không ngừng nghe những câu: "Bạn không đủ giỏi" ,"Bạn không xứng đáng", "Điều đó không thực tế",… thì cuối cùng bạn cũng sẽ bắt đầu tin vào những điều đó. (Vì vậy nên việc chọn đúng người để chơi là hết sức quan trọng.) Nếu bạn nghe những điều tiêu cực quá thường xuyên, cuối cùng bạn sẽ không còn biết mình muốn gì trong đời nữa, và cứ loay hoay tìm xem người khác muốn bạn làm gì. Kết quả là, bây giờ bạn làm vô số thứ mình không muốn chỉ để cho người khác vừa lòng.
Hãy nhớ điều này: Chúng tôi không bảo bạn phải nổi xung lên một cách ích kỷ và chỉ để thỏa mãn bản thân. Chúng ta không thể chỉ làm thứ mình muốn. Đương nhiên chúng ta vẫn phải đi đổ rác, làm việc nhà, hoàn tất bài tập, và tôn trọng người khác. Những chuyện đó đơn giản là bắt buộc. Ở đây chúng ta đang bàn về những điều như:
Cố sống cố chết vào cho bằng được trường y (hay trường luật) chỉ đơn giản vì bố đã quyết định đó sẽ là nghề nghiệp tương lai của bạn.
Cảm thấy áp lực về việc phải lập gia đình vào một độ tuổi nhất định nào đó chỉ để làm vừa lòng mẹ.
Hy sinh niềm đam mê cho điện ảnh, nghệ thuật hay văn chương vì bạn bị bắt phải đi kiếm một "việc làm nghiêm túc" do điện ảnh, nghệ thuật và văn chương vốn không "thực tế".
Chấp nhận một công việc vì lương cao hơn là kiếm một công việc bạn yêu thích.
Chọn chuyên ngành tài chính chỉ vì người tư vấn nghề nghiệp của bạn nghĩ nó hợp với bạn nhất.
Khi chúng ta cố gắng "nhạy cảm" hay "thực tế" (theo tiêu chuẩn của người khác) thì ta sẽ trở nên lãnh cảm với những mong muốn của mình. Chẳng có gì lạ khi nhiều người được hỏi họ muốn làm gì thường trả lời rằng "Tôi không biết". Đó là vì họ đã sống một cuộc đời có quá nhiều những lớp "nên thế này", "nên thế nọ" phủ lên người, bóp nghẹt họ và tách họ ra xa khỏi những gì họ thật sự mong muốn. Nhưng điều này có thể thay đổi!
Tóm lại: Lắng nghe ý kiến của người khác là một việc hết sức quan trọng, nhưng đừng bao giờ bỏ quên những đam mê thực sự của mình chỉ để sống vì ước mơ của người khác. Nếu để ngoài tai những lời con tim bạn đang nói, có thể bạn sẽ bỏ lỡ mất những điều rất tuyệt vời mà cuộc sống đem lại.
3.3 Khám phá động lực của bản thân
Khi bạn đã biết rõ mình muốn gì và cảm thấy hứng thú chinh phục nó, thì khi đó bạn sẽ có động lực, sự thúc đẩy và nguồn năng lượng để thực hiện. Một số người tin rằng trên đời này chỉ có hai loại người: 1) những người tích cực và 2) những người lười biếng. Chúng tôi không tin điều đó. Chúng tôi tin rằng những người bị cho là "lười biếng" đó đơn giản chỉ là chưa tìm ra nguồn động lực thúc đẩy họ.
Hãy suy nghĩ: Chúng tôi chưa từng gặp người nào có một mục đích vĩ đại hay ước mơ riêng mà lại không kèm theo một đam mê bùng cháy và sự thích thú đối với cuộc sống. Điều này chắc chắn giống nhau! Tất cả những người thành công mà chúng tôi từng gặp đều hiểu rõ họ muốn gì. Họ biết vì sao mình lại muốn điều đó và rất hào hứng để đạt được. Bằng cách riêng của mình, những người này nói rằng rèn luyện và động lực là kết quả từ việc họ có một mục tiêu từ trước; chính viễn cảnh về kết quả sẽ đạt được đã truyền cho họ cảm hứng làm việc một cách chăm chỉ và kiên trì.
Chìa khóa để giải phóng động lực tiềm ẩn bên trong con người bạn là việc bạn biết rõ mình muốn gì. Những ý tưởng mơ hồ hay ước mơ của người khác ít khi cho bạn đủ động lực để cố gắng. Nhưng khi đó là mục tiêu của bạn, thì lại là chuyện khác - bạn sẽ có cảm giác thỏa mãn và thấy như có ai khuyến khích mình thức dậy vào mỗi buổi sáng, sẽ can đảm đối mặt thử thách, cố gắng hết mình khi bạn biết mình đang lèo lái con thuyền cuộc đời của chính mình.
Tyler, 26 tuổi (Houston, TX): Từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã được mọi người trông chờ là sẽ kế thừa và quản lý nhà hàng của gia đình. Dường như tôi chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Tôi phải học những lớp về quản lý để chuẩn bị cho việc tiếp quản nhà hàng, nhưng tôi nhận ra mình ngày càng chẳng có chút hứng thú nào khi đến trường và dần dần cũng chẳng hào hứng gì với cuộc sống này nữa. S au khi tốt nghiệp, tôi đã làm việc toàn thời gian cùng bố mẹ, và càng lúc tôi càng cảm thấy chán nản. Cuối cùng tôi đã nói với bố mẹ rằng: "Con không thể tiếp tục được nữa". Đó là một quyết định khó khăn, nhưng tôi phải làm thế. Trong vài ngày tiếp theo, tôi viết ra tất cả gì tôi muốn làm trong đời. Việc này vô cùng cần thiết. Tôi cảm thấy một luồng sinh khí mới trào dâng trong người, điều mà rất lâu rồi tôi không cảm nhận được.
Tôi bỏ ra hai năm tiếp theo để làm những việc mình muốn trong danh sách đó, trong lúc vừa kiếm việc làm mới vừa du lịch vòng quanh thế giới. Cuối cùng tôi cũng trở về điểm xuất phát: sống cùng gia đình tôi ở Texas. Nhưng lần này làm việc ở nhà hàng là quyết định của tôi, và tôi bất ngờ vì thấy thật ra mình cũng rất hứng thú với nó. Tôi nhận ra rằng lý do tôi chối bỏ nó trước đây là vì tôi ở trong tình trạng tâm lý "phải làm" - đó không phải là sự lựa chọn của tôi. Nhưng sau khi dành thời gian khám phá những gì tôi muốn làm trong đời và xem xét những lựa chọn mình có, tôi đã tìm thấy một động lực mới để làm điều mà mình hứng thú. Biết đâu sau này có khi tôi lại làm một việc gì đó hoàn toàn khác biệt với lúc này - nhưng như thế cũng chẳng sao - vì ít nhất bây giờ tôi cũng biết chắc là mình đang làm những gì mình muốn.
3.4 Đừng có thái độ: "Sao cũng được!"
A , thế cũng được rồi. Đằng nào thì cũng chẳng có gì quan trọng."
Đây chính là một câu vô cùng "độc hại". Mới nhìn thì có vẻ vô hại, nhưng theo thời gian, thái độ này sẽ phá hủy chất lượng cuộc sống của bạn. Nếu bạn muốn có sức mạnh cá nhân và những gì mình muốn trong đời, bạn cần phải chấm dứt những câu kiểu như:
"Tôi không biết"
"Tôi không quan tâm."
"Chuyện đó chẳng ảnh hưởng gì tới tôi."
Và câu nói yêu thích muôn thuở của chúng ta:
"Sao cũng được!".
Khi đối mặt với một quyết định nào đó, cho dù là to nhỏ cỡ nào, hãy tự nhắc bản thân rằng tất cả mọi thứ đều có ý nghĩa gì đó. Nếu bạn quan tâm tới những việc nho nhỏ (những tiểu tiết trong cuộc sống) thì các phần to sẽ tự động được giải quyết và nối liền lại với nhau. Lần sau, nếu thấy một chuyện nhỏ sắp bị bỏ qua, bạn hãy tự hỏi mình:
Nếu việc đó có ảnh hưởng, mình sẽ làm khác đi thế nào?
Nếu mình quan tâm đến nó, mình sẽ thích làm thế nào hơn?
Nếu mình biết mình muốn gì, thì mình sẽ chọn cái nào?
Jack: Nhiều năm trước, tôi có tham gia một buổi hội thảo đã ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tôi. Khi những người tham dự bước vào phòng thì đã thấy có ai đó đặt sẵn những cuốn sổ nhỏ trên ghế ngồi của mình. Có cuốn màu vàng, có cuốn xanh, cuốn đỏ. Cuốn trên ghế của tôi màu vàng. Tôi nhớ lúc đó mình đã nghĩ rằng: "Mình ghét màu vàng. Phải chi mình được cuốn xanh".
Và rồi diễn giả ngày hôm ấy có nói một câu khiến cả đời tôi thay đổi: "Nếu bạn không thích màu của quyển sổ đặt trên ghế mình, hãy đổi nó với một người khác. Bạn đáng được hưởng mọi thứ trong đời đúng y như bạn muốn!".
Ái chà! Thật là một khái niệm tuyệt vời! Hai mươi mấy năm qua tôi vẫn chưa hề nghĩ đến chuyện đó - Tôi đã tự hài lòng, tin rằng mình không thể có hết mọi thứ trên đời. Thế là tôi quay sang người bên cạnh và nói: "Chị có thể đổi cho tôi cuốn sổ màu xanh lấy cuốn vàng này không?".
Kẻ thua để mọi chuyện diễn ra. Người thắng khiến mọi chuyện diễn ra.
Chị ấy đáp: "Được chứ! Tôi thích màu vàng hơn. Tôi thích cái cách nó rực sáng như thế. Rất thích hợp với tính cách của tôi".
Vậy là tôi đã có cuốn sổ xanh – không phải là một thành quả gì to tát, nhưng nó đánh dấu một bước ngoặt, đó là khi tôi hoàn toàn kiểm soát được đời mình và thiết kế cuộc đời theo ý tôi muốn.
Từ đó về sau, tôi tự hứa với bản thân rằng sẽ không vừa lòng với những gì ít hơn mức mình đã, đang và sẽ có khả năng đạt được.
Sao lại phải chấp nhận một màu mà bạn không thích - hay là những thứ khác tương tự? Hãy nhớ rằng, bạn luôn có sự lựa chọn. Bạn có thể để cho mọi việc trôi qua hoặc nắm quyền quyết định, cố gắng hết sức và không hài lòng với những gì thấp hơn mức mình đáng được hưởng.
3.5 Không giới hạn
Hãy nhớ lại quãng thời gian vài năm trước, khi bạn còn là trẻ con. Lúc ấy, việc trả lời câu hỏi "Con muốn gì?" là không hề khó khăn. Vấn đề chỉ là làm sao dừng lại để thở giữa vô số câu trả lời đang tuôn ra xối xả trong đầu chúng ta! Chính vì thế nên thời gian ngồi trong lòng ông già Noel để xin quà của bọn trẻ con mới phải được giới hạn - nếu không bọn trẻ sẽ nói mãi không ngừng!
Nhưng như đã bàn ở phần trước, càng lớn chúng ta lại càng bị lập trình để suy nghĩ "thực tế" hơn. Nhưng "thực tế" chính xác là thế nào? John F. Kennedy nghĩ đến việc đưa người lên mặt trăng là thiếu thực tế. Nhưng chúng ta đã làm được. Những người thành lập ra Hợp chủng quốc Hoa Kỳ viết Tuyên ngôn Độc lập và biến Hoa Kỳ thành một quốc gia độc lập là thiếu thực tế. Nhưng họ đã làm được. Martin Luther King Jr. lãnh đạo nhân dân Mỹ đấu tranh giành quyền bình đẳng là thiếu thực tế. Nhưng ông đã làm được.
Khi bạn nghĩ về việc mình muốn làm gì và muốn trở thành người như thế nào, đừng tự giới hạn bản thân bằng việc phải "thực tế". Chúng tôi khuyến khích bạn không nên giới hạn ước mơ của mình, vì nếu như bạn làm thế thì cũng có nghĩa là bạn đã giới hạn tiềm năng bản thân.
Khi Monty Roberts học trung học, giáo viên của ông có cho cả lớp viết một bài luận về việc mọi người muốn làm gì khi lớn lên. Monty viết rằng ông muốn sở hữu một trang trại rộng 200 mẫu A nh và nuôi ngựa đua thuần chủng. Không ngờ ông phải nhận được điểm F cho dự án của mình. Thầy giáo bảo rằng, điểm số phản ánh sự thật là ước mơ của Monty không hề thực tế.
Ông thầy đó giải thích: "Không có thằng nhỏ nào mà bố mẹ nó nghèo kiết xác không một xu dính túi, phải sống sau chuồng ngựa, lại có thể dành dụm đủ tiền để mua nông trại, mua ngựa, trả tiền lương cần thiết cho nhân công cả". Và thầy cho Monty một cơ hội viết lại bài khác để lấy điểm cao hơn. Nhưng Monty đã nói: "Thầy cứ giữ lấy điểm F đó đi; còn em, em sẽ giữ giấc mơ của mình".
Ngày nay thì Monty đã sở hữu một nông trại rộng 154 mẫu Anh ở S olvang, California, nuôi ngựa thuần chủng và có hàng trăm người huấn luyện ngựa làm việc cho mình.
Những người thành công nhìn thế giới này từ một tầm nhìn khác hẳn - từ nơi mà những điều kỳ diệu có thể xảy ra. Họ tin rằng tất cả mọi thứ đều có thể, và họ cũng tin rằng mình sẽ là một phần trong số những điều kỳ diệu đó. Họ không thấy bất cứ giới hạn nào. (Chính vì vậy họ mới sẵn sàng nói: "Thầy cứ giữ lấy điểm F đó đi; Em sẽ giữ giấc mơ của mình"!)
3.6 Thu hút những gì bạn muốn
Khi thuyết trình, chúng tôi thường đi xuống chỗ ngồi của thính giả và hỏi một câu đơn giản: "Bạn muốn gì trong đời?". Và những câu trả lời luôn khiến chúng tôi bất ngờ. Nhiều người chỉ nhìn chúng tôi không nói gì, nhiều người trả lời rất vắn tắt, nhưng cũng có người nói những câu đại loại như:
"Tôi không muốn nghèo"
"Tôi không muốn ở lại lớp."
"Tôi không muốn cô đơn."
"Tôi không muốn có một cái xe mà suốt ngày chết máy."
"Tôi không muốn vào tù như bạn tôi."
Khi bạn tập trung vào điều gì, bạn sẽ có điều đó nhiều hơn.
Bạn thấy có điểm nào giống nhau trong những câu trả lời trên? Điểm giống nhau là các câu trả lời đều bắt đầu bằng 3 từ "Tôi không muốn". Tại sao lại như thế? Tuy chúng ta biết rằng nếu loại bỏ những thứ mình không muốn ra thì sẽ còn lại những gì ta muốn. Nhưng các bạn không biết rằng chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến phần tích cực chứ không phải tiêu cực. Hãy nhớ rằng:
Bạn có để ý là người nào thường nghĩ hay nói về những thứ mình không muốn thì sẽ bị chính những điều ấy gây khó khăn trong cuộc sống? Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Não bộ của chúng ta là một thiết bị mạnh mẽ nhất của cơ thể chúng ta. Nó có thể làm việc cho ta hoặc chống lại ta. Việc đó phụ thuộc nhiều vào việc chúng ta chọn tập trung vào điều gì. Nó làm việc theo nguyên tắc năng lượng chảy theo hướng chú ý. Bạn luôn thu hút nhiều những thứ bạn tập trung vào hơn. Khi bạn tập trung vào những thứ mình muốn trong đời, bạn sẽ có nhiều những thứ đó hơn - và những thứ bạn không muốn sẽ dần dần biến mất.
Lời khuyên: Hãy đeo vòng hay dây cao su nào đó quanh cổ tay để nhắc nhở bạn tập trung vào những gì bạn thích và muốn có nhiều hơn trong cuộc sống. Mỗi lần bạn thấy mình bắt đầu suy nghĩ tiêu cực, hãy tháo vòng ra và đeo vào cổ tay bên kia. Việc này sẽ giúp bạn ý thức được suy nghĩ hằng ngày của mình, phát triển những suy nghĩ tích cực và bắt đầu thu hút nhiều hơn những điều bạn muốn có trong cuộc sống.
3.7 101 Điều vĩ đại
Chúng tôi sẽ đặt ra cho bạn một thử thách mà mới nghe thì có vẻ hơi điên khùng. Chúng tôi gọi bài tập này là 101 điều vĩ đại. Vì suy nghĩ tích cực là một yếu tố vô cùng quan trọng nên bài tập này sẽ cho bạn vô số cách giúp suy nghĩ của bạn hướng theo chiều tích cực.
Vậy bài tập như thế nào? Bạn chỉ cần viết ra 101 điều bạn muốn có, muốn làm và muốn trở thành trong đời. Đúng, "một trăm lẻ một"! Ban đầu có thể bạn cảm thấy khó khăn, và có vẻ như đây là một thử thách thực sự dành cho bạn, nhưng chúng tôi bảo đảm việc này rất vui và bạn sẽ được tưởng thưởng xứng đáng về sau.
Chúng tôi thường nghe nhiều người nói: "Tôi không biết mình muốn gì". Và khi được hỏi: "Bạn có bao giờ nghiêm túc suy nghĩ xem mình muốn gì chưa?", họ thường trả lời: "Không, chưa thực sự". Vậy đấy, bạn hãy đừng bước đi trong cuộc đời này mà không đem theo bên mình một tấm bản đồ kho báu. Bài tập này cho bạn cơ hội khám phá điều mà bản thân bạn thực sự muốn, đồng thời tăng thêm năng lực cũng như động lực để giúp bạn đạt được những điều đó.
Lou Holtz, huấn luyện viên bóng bầu dục huyền thoại của Notre Dame, biết chính xác bài tập này có sức mạnh thế nào. Khi mới 28 tuổi, ông được thuê làm trợ lý huấn luyện viên ở trường Đại học S outh Carolina. Lúc đó vợ ông đang mang thai 8 tháng và ông phải chi đến đồng xu cuối cùng để trả tiền nhà. Một tháng sau, người huấn luyện viên trưởng đã thuê Lou từ chức, Lou bị thất nghiệp và thấy mình chẳng có gì trong tay.
Vợ ông tha thiết muốn vực dậy tinh thần cho chồng nên bà đã tặng ông quyển sách The Magic of Thinking Big(5) của David S chwartz. Q uyển sách khuyên bạn nên viết ra một danh sách khổng lồ những việc bạn muốn đạt được trong đời. Lou ngồi xuống bàn ăn và để cho trí tưởng tượng của mình bay bổng. Khi nhìn lại thì ông đã viết được 107 điều ông muốn đạt được trước khi chết. Ô ng viết tất cả những điều mình có thể nghĩ đến, bao gồm cả những việc như dùng bữa tối tại Nhà Trắng, xuất hiện trên chương trình truyền hình The Tonight Show với Johnny Carson, gặp Đức Giáo hoàng, và đánh được một cú hole-in-one(6) khi chơi golf. Cho tới giờ thì Lou đã đạt được 81 điều trong danh sách của mình, bao gồm cả việc đánh được cú hole- in-one - không chỉ một lần, mà tới hai lần!
101 điều vĩ đại bảo đảm cho cuộc sống sẽ trở thành một cuộc phiêu lưu thú vị đáng để bạn sống hết mình. Hãy viết ra 101 việc bạn muốn làm, muốn trở thành hay muốn có được trong đời. Hãy viết cụ thể tất cả mọi thứ ra. Bạn có thể viết vào một tấm thẻ cỡ 7 cm x 12 cm, một tờ giấy ghi chép mục tiêu hay một cuốn sổ nào đó. (Chúng ta sẽ bàn kỹ hơn về vấn đề này ở chương 7). Mỗi khi bạn làm được một việc nào rồi, thì hãy gạch ngang việc đó và viết từ chiến thắng ở bên cạnh. Bạn hãy thử xem bài tập này sẽ thay đổi đời bạn thế nào.
3.8 Đừng chỉ nghĩ về nó, hãy viết nó ra!
Nói thế là đủ rồi. Bây giờ chúng ta hãy tiến đến phần thực hành. Chúng ta đã bàn đến tầm quan trọng của việc biết bản thân mình muốn gì. Thế nhưng làm sao để khám phá bản thân mình khao khát điều gì? Bước đầu tiên, đó là bạn phải kiếm một tờ giấy, một cây viết, và kiếm một chỗ yên tĩnh không ai quấy rầy. Hãy bỏ ra ít nhất là từ 20 đến 30 phút. Đây là thời gian dành cho bạn.
Chúng tôi đã soạn sẵn một danh sách những câu hỏi bên dưới. Nếu bạn muốn làm việc này hiệu quả nhất thì bạn phải dẹp bỏ hết những suy nghĩ tiêu cực và những tiếng nói đang vang lên trong đầu bạn rằng "Không, mình không làm được!" hay "Mình á? Không thể nào!". Việc suy nghĩ như vậy cũng không có gì lạ, và đôi khi bạn sẽ cảm thấy khó chịu khi phải viết những gì mình nghĩ ra, nhưng không sao. Có nghi ngờ cũng là chuyện bình thường, nhưng những người thành công đã chọn - phải, đây là một sự lựa chọn - cách mạnh dạn tiến tới phía trước.
Chúng tôi khuyến khích bạn cứ viết ra tất cả những gì bạn nghĩ, cho dù đó là những ý tưởng "điên rồ" nhất. Đừng nghiêm trọng hóa vấn đề - cứ vui vẻ mà làm thôi. Đằng nào thì việc này cũng giống như là bạn đang xem trước những điều thú vị của cuộc sống tương lai của mình.
Bí quyết để trả lời những câu hỏi này là bạn hãy viết liên tục. Hãy viết ra kỳ hết - dù là ý tưởng nảy ra trong đầu bạn là to hay nhỏ. Hãy cứ để dòng suy nghĩ của bạn liên tục trôi đi, và hãy cố gắng dành ít nhất 5 phút cho mỗi bước thực hiện sau đây. Cố gắng càng cụ thể càng tốt.
Bước 1: Tâm lý: Cách bạn cảm nhận vấn đề là mấu chốt dẫn đến thành công. Hãy nghĩ xem: gần như chắc chắn là bạn sẽ không làm tốt được bất cứ điều gì nếu như bản thân bạn không cảm thấy thoải mái. Bạn cũng chẳng vui vẻ tận hưởng cuộc sống được nếu như không có tâm trạng tốt. Hằng ngày bạn trải qua những cung bậc cảm xúc nào? Bạn muốn người khác cảm nhận tính cách con người bạn ra sao? Vui vẻ, hoạt bát, rạng rỡ, có khiếu khôi hài, sáng tạo, nhiệt tình, năng nổ, hướng ngoại, dũng cảm, v.v.?
Bước 2: Vật chất: Tuy không nên chỉ tập trung vào vật chất, nhưng khía cạnh này cũng khiến ta cảm thấy hào hứng và động viên ta cố gắng hơn. Vậy thì bạn muốn có "món" gì? Có thể là xe mới, một tủ quần áo khổng lồ, một dàn stereo thật oách, một chiếc thuyền tuyệt vời, rất nhiều giày dép, một căn nhà đẹp? Khi liệt kê ra danh mục này, hãy diễn tả thật cụ thể từng món. Chẳng hạn như nếu bạn nói bạn muốn một căn nhà đẹp thì hãy diễn tả luôn cả phong cách, độ lớn, vị trí, màu sắc, địa hình, nội thất… của căn nhà ấy.
Bước 3: Ước mơ và mộng tưởng: Trong thế giới hoàn hảo của bạn, bạn đang làm gì? Bạn muốn du lịch đến nơi nào? Bạn muốn làm gì tại nơi đó? Bạn muốn có đời sống thế nào? Bạn muốn sống cùng với những người như thế nào? Bạn muốn gặp những ai?
Bước 4: Cá nhân: Đây có lẽ là bước quan trọng nhất vì việc bạn là ai chính là nhân tố quyết định chất lượng cuộc sống của bạn. Trong năm năm tới bạn muốn trở thành người như thế nào? Bạn muốn được người khác đối xử với bạn ra sao? Họ sẽ nói về bạn thế nào? Bạn sẽ nghĩ về bạn thế nào? Bạn sẽ ăn mặc ra sao? Bạn đi đứng thế nào? Bạn như thế là vì cái gì? Có lẽ bạn sẽ muốn bắt đầu bước này bằng những câu đại loại như: "Trong vòng hai năm tới, mình sẽ là người mà...".
Bước 5: Trường lớp: Giáo dục là gạch lát đường đưa bạn đến tương lai thành công. Những gì bạn đang trải qua trong trường học có thể rất chán và vô dụng, hoặc cũng có thể vui vẻ thú vị và giúp bạn thành công; tất cả đều tùy thuộc vào bạn. Bạn thật sự muốn gặt hái được điều gì từ trường lớp? Bạn muốn có những người bạn thế nào? Mối quan hệ giữa bạn với thầy cô giáo ra sao? Bạn muốn học được những gì? Bạn muốn tham gia môn thể thao nào? Bạn muốn góp mặt trong hoạt động nào của trường?
Bước 6: Tiền bạc: Tiền bạc luôn là chủ đề thay đổi tùy theo tâm trạng, nhưng những người thành công về tài chính luôn biết đưa ra những quyết định quan trọng về thói quen thu chi của mình vì họ biết rõ mình muốn gì. Vậy, bạn muốn dành dụm bao nhiêu tiền cho việc học của mình? Bạn muốn chi bao nhiêu tiền mỗi tuần? Bạn nghĩ mình cần bao nhiêu tiền để phục vụ cho lối sống bạn đang theo đuổi?
Bước 7: Cống hiến và phục vụ: Sự hài lòng lớn nhất trên đời này là biết rằng cuộc sống của bạn có ảnh hưởng đến người khác. Việc chia sẻ thời gian, tài năng của mình với người khác cũng là một món quà mà bạn tặng cho bản thân mình. Những người thành công và hạnh phúc thật sự luôn nghĩ ra những cách thức để phục vụ cho người khác. Bạn thấy mình có cống hiến gì cho gia đình, trường lớp, địa phương, đất nước? Bạn sẽ dùng khả năng của mình để giúp đỡ người khác thế nào?
Những điều bạn liệt kê ra có thể giúp bạn cảm thấy hứng thú hơn và cho bạn điều gì đó để trông chờ trong cuộc sống. Chúng ta ai cũng cần một ước mơ hay một tương lai tươi sáng để thấy rằng phần thưởng ấy đáng để mình hy sinh vào lúc này.
Mục đích của bài tập này giúp bạn ý thức được chính xác những gì mình muốn. Càng xác định rõ những điều ấy bao nhiêu, bạn càng làm cho não mình tin đó là một phần của hiện thực. Và rồi não bạn sẽ giúp bạn tìm cách đạt được chúng. Chúng ta sẽ gặp lại bài tập này trong những chương sau. Chúc bạn thực hành vui vẻ!