Tôi vẫn còn nhớ cuộc họp ngày hôm ấy, khi tôi được người quản lý của mình yêu cầu trở thành quản lý.
Điều này thật bất ngờ, giống với việc bạn đang chạy tập thể dục như mọi ngày và không may vấp phải một chiếc rương của những tên cướp biển vậy. Ồ, thật là thú vị, tôi nghĩ.
Chúng tôi ngồi đối diện nhau trong một phòng họp có sức chứa mười người. “Đội ngũ của chúng ta đang phát triển”, quản lý của tôi giải thích. “Chúng ta cần một người quản lý khác, và cô có mối quan hệ tốt với tất cả mọi người, vậy cô nghĩ sao?”
Tôi, hai mươi lăm tuổi, làm việc cho một công ty khởi nghiệp. Tất cả những gì tôi biết về quản trị chỉ gói gọn trong hai từ: họp hành và THĂNG CHỨC. Chẳng lẽ tôi đã được thăng chức rồi sao? Ai cũng biết cuộc nói chuyện này giống với việc Harry Potter lần đầu tiên được bác Hagrid ghé thăm vào một đêm tối dông bão, bước ngoặt đánh dấu sự khởi đầu của một hành trình phiêu lưu trong sự nghiệp. Tôi không có ý định từ chối lời mời đó.
Vì vậy, tôi đã đồng ý.
Ngay sau khi rời khỏi căn phòng, tôi bắt đầu suy nghĩ cặn kẽ về từng chi tiết mà người quản lý của tôi đã nói. Tôi có mối quan hệ tốt với mọi người. Chắc chắn làm quản lý còn cần nhiều hơn thế. Nhưng nhiều hơn như thế nào? Tôi đã sẵn sàng để khám phá ra điều đó.
...
Tôi nhớ đến cuộc họp đầu tiên của tôi, ở đó tôi phải đưa ra một báo cáo trực tiếp.
Tôi đến trễ năm phút so với thời gian dự kiến trong sự vội vàng và bối rối. Thật là một khởi đầu tồi tệ, tôi tự nghĩ. Nhìn qua cửa sổ phòng họp, tôi có thể nhìn thấy người quản lý cũ của mình đang dán mắt vào điện thoại. Chỉ một ngày trước đó, cả hai chúng tôi đều là những nhà thiết kế làm việc chung trong cùng một nhóm, ngồi liền kề nhau trong một dãy bàn làm việc, thảo luận về những dự án trong khi thu thập các phản hồi dồn dập qua các bàn làm việc dọc lối đi. Vậy mà, chỉ một thông báo, bây giờ tôi lại là quản lý của anh ta.
Tôi tự nhủ rằng mình không hề lo lắng. Chúng tôi sẽ có một buổi bàn bạc thành công. Còn bàn về những gì thì tôi hoàn toàn không chắc chắn. Tôi chỉ muốn cuộc họp này cũng diễn ra một cách bình thường như hôm qua và hôm trước nữa. Nếu anh bạn đồng nghiệp không thích việc tôi trở thành quản lý của anh ấy thì ít nhất, tôi vẫn muốn anh ấy cảm thấy bình thường với nó.
Tôi không lo lắng.
Tôi bước vào phòng. Anh ấy liếc nhìn tôi và tôi sẽ không bao giờ quên được biểu cảm trên khuôn mặt của anh ấy lúc đó. Nó có tất cả sự cáu kỉnh của một thiếu niên bị buộc phải tham dự buổi sinh nhật với chủ đề Pokémon của đứa em họ mười tuổi.
“Xin chào”, tôi nói và cố giữ cho giọng mình bình thường nhất có thể. “Ồ, mọi người đang bàn luận về vấn đề gì vậy?”
Sự cau có của anh ấy lại càng rõ hơn, hệt như một con gấu trong mùa đông vậy. Tôi có thể cảm nhận được những giọt mồ hôi bắt đầu lăn trên khuôn mặt mình và dòng máu nóng hổi dồn dập bên tai.
Về lĩnh vực thiết kế, tôi chẳng giỏi hơn anh ấy. Độ thông minh và số năm kinh nghiệm cũng chẳng nhiều hơn. Chỉ một lần nhìn vào gương mặt đó thôi cũng đủ xua tan hết ý niệm của tôi cho rằng anh ấy sẽ thấy “bình thường” với việc tôi trở thành quản lý mới. Thông điệp rõ ràng như thể nó được viết bằng cây bút Sharpie đen khổng lồ:
Cô không biết mình sẽ làm cái quái gì đâu.
Vào giây phút đó, tôi biết anh ấy hoàn toàn đúng.
...
Theo những gì người ta nói, con đường dẫn tôi đến việc quản lý nhóm thiết kế của Facebook là một điều không thể. Tôi lớn lên từ những khu phố đông đúc ở Thượng Hải, và sau đó là vùng ngoại ô ẩm ướt ở Houston, một dân nhập cư không hề hay biết về sự nổi tiếng của Star Wars, Michael Jackson và E.T. Lớn lên, tôi đã một vài lần nghe đến cụm từ Silicon Valley nhưng chỉ hiểu nó theo nghĩa đen. Tôi cứ tưởng tượng rằng nép mình giữa hai dãy núi là những hàng dài chật ních các nhà máy in các con chip làm bằng silicon như những thanh kẹo sô-cô-la Hershey. Nếu bạn hỏi tôi rằng những nhà thiết kế làm công việc gì, tôi sẽ trả lời: “Tạo ra những bộ trang phục đẹp”.
Mặc dù vậy, có hai điều mà tôi biết chắc ngay từ khi còn nhỏ, tôi có sở thích mãnh liệt với việc vẽ vời và xây dựng. Có một bức ảnh chụp tôi hồi tám tuổi vào một buổi sáng Giáng sinh, tôi cầm món quà mà mình đã ao ước nhiều năm trời trên tay, miệng cười toe toét. Đó là một bộ xếp hình LEGO mới với hình con khỉ và cá mập!
Ở trường cấp hai, tôi và cô bạn thân Marie đã chuyền cho nhau những cuốn sổ tay chứa đầy những nét vẽ nguệch ngoạc trong các tiết học. Lên cấp ba, chúng tôi đã khám phá ra sự kỳ diệu của HTML, nó giúp chúng tôi kết hợp sở thích vẽ vời và xây dựng của mình thành trò tiêu khiển hoàn hảo: tạo ra các trang web hiển thị các hình minh họa của mình. Tôi không thể nghĩ ra được cách nào để tận hưởng kỳ nghỉ mùa xuân tốt hơn là theo dõi các chương trình hướng dẫn Photoshop trực tuyến mới nhất (“Làm thế nào để tạo ra tông màu da nhìn chân thật nhất”), hay thiết kế lại trang web của tôi để hiển thị thủ thuật JavaScript mới (các liên kết sẽ phát sáng khi bạn nháy chuột vào nó).
Khi tôi đến Stanford, biết bản thân muốn theo ngành Khoa học Máy tính nên tôi đã tham gia vào các lớp học về thuật toán và cơ sở dữ liệu để chuẩn bị cho một công việc đòi hỏi sự dày dạn và trau chuốt tại Microsoft hoặc một công việc khác ở Google nhưng lại yêu cầu sự nhanh trí và phải đảm bảo nhất định thành công. Một số người bạn cùng lớp cũ của tôi đã từng làm việc ở những công ty này trước đó. Nhưng đến năm thứ hai, một cơn sốt mới đã tràn vào Stanford. “Hãy tưởng tượng!”, sinh viên chúng tôi chuyện trò rôm rả trên các hành lang và trong các bữa ăn. “Một trang web nơi bạn có thể xem được những bức ảnh của người mà bạn đang ‘cảm nắng’, bạn hoàn toàn có thể biết được ban nhạc yêu thích của người bạn sống cùng ký túc xá, thậm chí bạn còn có thể để lại những lời nhắn bí ẩn trên ‘tường’ của người bạn khác”.
Tôi hoàn toàn bị mê hoặc. Facebook không giống với những thứ mà tôi từng sử dụng trước đó. Nó giống như một thực thể sống, một phiên bản sống động của chính những sinh viên đại học chúng tôi, nó giúp kết nối thế giới trực tuyến và làm mọi người biết đến nhau bằng nhiều cách thức mới.
Tôi nghe nói Facebook được sáng lập bởi một vài sinh viên bỏ học trường Harvard. Tôi không biết nhiều về khởi nghiệp cho đến khi tham gia vào một lớp học dành cho sinh viên năm cuối nghiên cứu về các doanh nghiệp ở Silicon Valley. Và từ đó, tôi hiểu được, hóa ra đó là vùng đất của những kẻ mộng mơ đói khát và ngu ngốc, những người được ban cho cơ hội thay đổi tương lai bằng sự hỗ trợ ít ỏi của các vốn đầu tư mạo hiểm. Đây cũng là vùng đất của những cải tiến mới sinh ra từ sự kết hợp của những khối óc thông minh, quyết đoán, hợp thời và sự kết nối.
Nếu tôi bắt đầu khởi nghiệp vào một thời điểm nào đó trong đời, vậy tại sao không phải lúc này, khi mà tôi còn trẻ và chẳng có gì để mất? Và tại sao lại không khởi nghiệp bằng chính sản phẩm mà tôi yêu thích và vẫn sử dụng hàng ngày? Một người bạn tốt của tôi Wayne Chang, vào làm cho Facebook sáu tháng trước đó, không ngừng nói chuyện về công ty này. Anh ấy nói: “Cứ thử đi, chí ít cậu cũng có thể làm thực tập sinh và xem công ty này như thế nào”.
Tôi nghe theo lời khuyên của cậu ấy và đi phỏng vấn. Chẳng mấy chốc, tôi thấy mình ở sảnh chờ vào ngày làm việc đầu tiên trên cương vị thực tập sinh kỹ thuật chưa từng có của Facebook. Quy mô toàn bộ công ty lúc bấy giờ chỉ vừa một bữa tiệc nhỏ mà thôi. News Feed chưa phải là một khái niệm và không ai biết tới dịch vụ của chúng tôi ngoại trừ học sinh trung học và sinh viên đại học. Trong thế giới của mạng xã hội, chúng tôi đã bị lấn át bởi đế chế MySpace với một trăm năm mươi triệu người dùng.
Tuy nhiên, dù quy mô còn nhỏ nhưng ước mơ của chúng tôi lại rất lớn. Chúng tôi miệt mài tạo ra các mật mã ngay cả khi đêm đã muộn, và thả mình vào những bản nhạc điện tử của Daft Punk. Một ngày nọ, chúng tôi tự nhắc nhở bản thân rằng chúng tôi sẽ lớn mạnh hơn MySpace, và sau đó lại tự cười ngượng vì chuyện này thật lố bịch, rồi cuối cùng chúng tôi sẽ kết nối cả thế giới.
Sau hai tháng làm thực tập sinh, tôi quyết định ở lại làm chính thức. Và bởi vì tôi có kiến thức về Photoshop từ hồi còn thích vẽ vời, bạn của tôi Ruchi Sanghvi đã đề nghị tôi làm việc cùng các nhà thiết kế và tham gia quyết định đưa những gì lên màn hình. Hừ. Thiết kế trang web là một nghề thực sự à? Tôi nghĩ vậy. Dấn thân vào nào!
Là công ty khởi nghiệp nên không một ai cho là khác thường khi tôi đột nhiên đưa các đề xuất thiết kế của mình cho các tính năng mới. Tất cả chúng tôi đều đảm nhận nhiều nhiệm vụ, giải quyết các vấn đề khi phát hiện, nghiên cứu kỹ lưỡng các mật mã và điểm ảnh. Và rồi, thay vì tình cờ thì chính nhờ một kế hoạch lớn, tôi đã khoác lên mình một diện mạo mới: nhà thiết kế.
Ba năm sau, sau cuộc nói chuyện định mệnh đó với người quản lý của mình, vai trò của tôi một lần nữa lại thay đổi. Quy mô nhóm thiết kế của chúng tôi đã tăng gần gấp đôi kể từ khi tôi bắt đầu làm ở đây. Trải qua vài năm đầu tại một công ty khởi nghiệp đang trên đà tăng trưởng, tôi cho rằng mình được lựa chọn để thay đổi. Tôi đã quá quen thuộc với việc giải quyết những điều mới mẻ và xoay xở với những “cú đấm”.
Tuy nhiên, tôi đã không hề chuẩn bị cho những khó khăn mà một người quản lý mới như tôi sẽ phải đương đầu. Thứ nhất, tôi đang quản lý một nhóm các nhà thiết kế sản phẩm, một quy tắc mà tôi không hề biết nhưng lại tồn tại ở đây trước khi tôi đến. Thêm vào đó, trách nhiệm quản lý nhóm và cách thức họ phối hợp làm việc cũng giống như một bước nhảy vọt từ việc thiết lập giao diện người dùng hay viết mã. Vào những năm tháng đầu, mọi thứ đều mới mẻ và không mấy thoải mái.
Còn nhớ lần đầu tiên tôi phỏng vấn tuyển dụng nhân sự cho nhóm. Mặc dù rõ ràng là người nắm quyền quyết định, tôi đặt ra các câu hỏi, tôi ấn định cuộc phỏng vấn sẽ diễn ra như thế nào, tôi sẽ chọn ứng viên nào vào cuối ngày phỏng vấn, vậy mà tay tôi cứ rung lên liên tục trong suốt bốn mươi lăm phút phỏng vấn ấy. Sẽ thế nào nếu các ứng viên nghĩ rằng những câu hỏi của tôi thật ngu ngốc? Điều gì sẽ xảy ra nếu họ nhìn ra sự dối trá mà chính bản thân tôi cũng có thể tự cảm thấy? Sẽ ra sao nếu tôi vô tình biến nhóm mình thành một trò hề?
Tôi nhớ lần đầu tiên mình phải thông báo tin xấu đến nhóm. Chúng tôi bắt đầu triển khai một dự án mới khá thú vị và tất cả mọi người đều rất hào hứng thảo luận về tính khả thi của nó. Hai nhân viên trong nhóm xin phép tôi được trở thành nhóm trưởng. Tôi buộc phải từ chối một người. Tôi tập nói trước gương trong phòng tắm ở nhà, tưởng tượng ra mọi kịch bản tồi tệ – Đây có phải là quyết định đúng đắn không? Tôi là kẻ đi phá hủy ước mơ sao? Ai đó sẽ loại tôi ra khỏi vị trí này?
Tôi nhớ lần đầu tiên thuyết trình trước đám đông. Giữa một biển những ánh đèn nê-ông mờ ảo, tôi giới thiệu các sản phẩm thiết kế tại hội nghị F8 của Facebook. Cả nhóm chưa từng thực hiện một sự kiện công chúng ở quy mô như thế này trước đây, cho nên nó thực sự là một vấn đề lớn. Trong nhiều tuần chuẩn bị cho sự kiện, tôi liên tục chỉnh sửa các chi tiết trong bài thuyết trình sao cho trơn tru nhất có thể, nhưng việc thuyết trình trước đám đông thật sự là một cơn ác mộng đối với tôi. Ngay cả khi thực hành thuyết trình trước các đồng nghiệp trong nhóm cũng đã khiến tôi căng thẳng lắm rồi.
Tôi vẫn nhớ ba cảm xúc chính chi phối tôi trong vai trò mới: nỗi sợ, sự hoài nghi và “liệu tôi có đang phát điên với cảm giác này không?”. Tất cả mọi người xung quanh đều làm việc rất tốt. Họ khiến mọi thứ trở nên dễ dàng. Tôi chưa bao giờ nghĩ quản lý là một việc dễ. Và bây giờ suy nghĩ đó vẫn không thay đổi. Cho đến thời điểm này, tôi đã đi được một chặng đường dài gần mười năm. Nhóm của tôi cũng đã gia tăng về mặt số lượng. Chúng tôi đã tạo ra một trải nghiệm mà hai tỷ người trên thế giới có thể chạm vào chỉ bằng việc nhấn chuột vào biểu tượng chữ f màu xanh dương. Chúng tôi cũng tìm cách để người dùng có thể chia sẻ dòng suy nghĩ của họ, liên lạc bạn bè và tương tác với nhau qua các cuộc trò chuyện, thậm chí có thể bày tỏ sự yêu thích của họ với các dòng trạng thái đó và tạo nên một cộng đồng chung. Nếu chúng tôi làm tốt, tất cả người dân trên toàn thế giới, những người từ Bỉ đến Kenya, hay từ Ấn Độ đến Argentina sẽ có thể xích lại gần nhau hơn.
Cốt lõi của việc thiết kế tốt là phải thấu hiểu được con người và nhu cầu của con người để tạo ra các công cụ tốt nhất cho họ. Tôi bị cuốn hút bởi công việc thiết kế với nhiều lý do tương tự như cái cách mà tôi bị lôi cuốn bởi công việc quản lý. Nó giống như sự nỗ lực hết mình để trao quyền lợi cho loài người vậy.
Tôi không phải là một chuyên gia quản lý. Phần lớn những gì tôi học được đều do thực hành mà ra, và mặc dù không mong muốn, tôi vẫn phạm phải vô số sai lầm. Nhưng đây chính là quy luật của cuộc sống: thử làm điều gì đó. Bạn khám phá ra điều gì có thể thực hiện được, điều gì không thể. Bạn chuẩn bị những bài học cho tương lai. Và sau đó bạn sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Gột rửa và lại tiếp tục lặp lại.
Tôi nhận được vô vàn hỗ trợ từ những khóa học kỹ năng lãnh đạo (Crucial Conversations là khóa học yêu thích của tôi), những bài báo, những cuốn sách mà tôi đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần (như High Output Management và How to Win Friends and Influence People 1), và quan trọng hơn hết là tôi học hỏi từ những người đồng nghiệp xung quanh mình. Họ vô cùng hào phóng chia sẻ trí tuệ cho tôi, truyền cảm hứng cho tôi. Tôi cảm thấy may mắn khi được làm việc với Mark Zuckerberg, Sheryl Sandberg, những vị sếp trong quá khứ và ở thời điểm hiện tại cũng đã dạy cho tôi rất nhiều điều.
1 Cuốn sách nổi tiếng này đã được xuất bản với tựa tiếng Việt là Đắc nhân tâm.
Một chiến lược khác trong việc tự học của tôi bắt đầu từ bốn năm trước, khi tôi quyết định sẽ viết blog. Tôi nghĩ rằng việc cứ ngồi một chỗ rồi chọn lọc ra từ mớ suy nghĩ đang ong ong trong đầu thực sự rất có ý nghĩa.
Tôi gọi blog của mình là “Năm tháng của chiếc gương soi” vì, cũng giống như Alice, “Tôi biết mình là ai mỗi sớm mai thức dậy, nhưng tôi cần phải thay đổi nhiều lần kể từ đó”. Một ngày nào đó trong tương lai, tôi nhìn lại bộ sưu tập các bài viết và nhớ lại từng cuộc hành trình đời mình. Đây chính là tất cả những gian truân, thử thách mà tôi đã từng trải. Đây là tất cả những bài học mà tôi có được.
Những người khác bắt đầu đọc bài viết của tôi. Họ lại chia sẻ với bạn bè và đồng nghiệp của mình. Nhiều người lạ bắt đầu tiếp cận tôi tại các sự kiện và hội nghị để thảo luận về những điều tôi đã viết. Họ nói rằng họ đánh giá cao cái cách tôi vượt qua mọi khó khăn. Nhiều người trong số đó là quản lý mới. Một số đã có kinh nghiệm nhưng vẫn đối mặt với những thách thức tương tự về tăng trưởng và quy mô. Và một số khác dù hiện tại không làm trong cùng lĩnh vực nhưng tự hỏi liệu họ có nên thử sức hay không.
Một số người gợi ý: “Bạn nên viết một cuốn sách”. Tôi phì cười. Họ không thể nào nghiêm túc hơn được sao! Tôi còn quá nhiều thứ để học. Có lẽ một ngày nào đó, trong thời gian “chạng vạng” của sự nghiệp, sau khi tôi đã khám phá ra hết các bí mật để trở thành một người quản lý tốt, ngồi trên chiếc ghế đệm có họa tiết kẻ sọc bên cạnh lò sưởi, tôi sẽ ghi nhanh những kiến thức mà mình đã tích lũy được trong suốt thời gian qua.
Tôi chia sẻ điều này với một người bạn, cậu ta tròn mắt. “Cũng được đấy, nhưng lúc đó, cậu sẽ chẳng còn nhớ hồi đầu như thế nào, khi mà mọi thứ đều mới mẻ, khó khăn và điên rồ. Cậu sẽ quên hết cho mà xem.” Cậu ấy nói đúng. Có vô vàn các cuốn sách về quản lý được viết bởi các CEO hàng đầu và các chuyên gia lãnh đạo. Nhiều vô kể các nguồn tham khảo cho các giám đốc điều hành, những người luôn muốn trở nên hiệu quả hơn thông qua việc tìm hiểu các nghiên cứu tổ chức hoặc xu hướng kinh doanh mới nhất.
Nhưng hầu hết các nhà quản lý không phải là CEO hay giám đốc điều hành cấp cao. Hầu hết họ đều quản lý cho các nhóm nhỏ, thậm chí còn không thực hiện một cách trực tiếp. Họ hầu như không xuất hiện trên các trang của tạp chí Forbes hay Fortune. Nhưng họ đều là những người quản lý và có chung một mục đích: giúp một nhóm người đạt được mục tiêu chung. Những người quản lý đó có thể là giáo viên hoặc hiệu trưởng, thuyền trưởng hay huấn luyện viên, quản trị viên hoặc nhà quy hoạch.
Cân nhắc về vấn đề này, tôi nghĩ mình có thể sẽ viết cuốn sách này bởi nó phù hợp hơn với một nhóm người nhất định bây giờ: những người quản lý mới bị đẩy vào đường cùng, những người quản lý bị choáng ngợp với những câu hỏi “làm thế nào” để giúp nhóm của mình một cách tốt nhất, những người quản lý dẫn dắt các nhóm đang trên đà phát triển, hay những người chỉ đơn giản là tò mò về nghề quản lý. Và tôi là một trong số họ cách đây không lâu.
Điều hành một nhóm người là công việc rất khó bởi rốt cuộc mọi vấn đề đều phát sinh từ con người, và tất cả chúng ta thì đều là những sinh vật đa diện và phức tạp. Không chỉ tồn tại một con đường duy nhất đến với hành trình làm người, tương tự như vậy, cũng không có một cách duy nhất để quản lý một nhóm người.
Hoạt động tập thể chính là cách mà thế giới phát triển. Chúng ta không thể tạo ra những thứ vĩ đại hơn và tham vọng hơn nếu bước đi một mình. Tinh thần làm việc tập thể chính là chìa khóa cho những chiến tích, là bệ phóng cho những cách tân, và là cơ sở cho những thành công của tổ chức. Nhờ nó mà thế giới đã chứng kiến những kỳ tích vĩ đại.
Tôi tin tưởng vào điều đó một cách tuyệt đối giống như niềm tin của tôi với nguyên lý: Người quản lý tài ba không được tự nhiên sinh ra, mà họ đều phải trải qua quá trình rèn luyện. Không quan trọng bạn là ai. Nếu bạn đủ quan tâm để đọc cuốn sách này, tức là bạn cũng đủ quan tâm để trở thành một người quản lý tuyệt vời.
Bạn đọc thân mến, tôi hy vọng cuốn sách này sẽ cung cấp cho các bạn những lời khuyên hữu ích cho công việc hàng ngày. Nhưng quan trọng hơn, tôi mong có thể giúp các bạn hiểu được những câu hỏi tại sao liên quan đến quản lý, bởi chỉ khi bạn thật sự hiểu tại sao, bạn mới có thể tìm ra được câu trả lời như thế nào. Tại sao các nhà quản lý lại tồn tại? Tại sao bạn nên mở các cuộc họp trực tiếp với các nhân viên của mình? Tại sao bạn nên chọn ứng viên A chứ không phải ứng viên B? Tại sao có quá nhiều nhà quản lý mắc những sai lầm tương tự?
Một số câu chuyện và quan điểm mà tôi mô tả trong cuốn sách này có thể chỉ điển hình trong môi trường mà tôi đang làm việc, đó là một công ty khởi nghiệp về công nghệ, đứng trong hàng ngũ 500 công ty hàng đầu thế giới. Có thể rất hiếm khi bạn tuyển dụng thêm một số vị trí mới. Cũng có thể các cuộc họp đã không phải là một phần lớn trong ngày. Tuy nhiên, hàng ngày, những người quản lý phải dành hầu hết thời gian cho những công việc mang tính phổ quát như đưa ra phản hồi, tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh và lên kế hoạch cho tương lai.
Cuối cùng, tôi hy vọng cuốn sách này sẽ là một tài liệu tham khảo trên kệ sách của bạn, là cuốn sách mà bạn có thể đọc theo bất kỳ thứ tự nào, lật lại bất cứ lúc nào và đọc lại mỗi khi bạn bất chợt nhận thấy một phần công việc của mình đã có những tiến triển tốt đẹp.
Mặc dù tôi là một nhà thiết kế trang web, nhưng cuốn sách này không hướng dẫn cách thức tạo ra các sản phẩm. Những nhận xét cụ thể để cho ra những thiết kế tuyệt vời, và những bình luận về mạng xã hội sẽ không xuất hiện trong đây. Tôi không ở đây để khoe khoang về Facebook.
Đây là một ấn phẩm giúp những người chưa từng được đào tạo một cách chính thức để trở thành một nhà quản lý tự tin. Đây là cuốn sách mà tôi luôn luôn ao ước có được trong những năm đầu tiên làm quản lý, khi mà nỗi sợ hãi, ngờ vực và điên rồ bao trùm lên tôi.
Và đây cũng là cuốn sách nhắc nhở bạn rằng sợ hãi và ngờ vực là những điều hết sức bình thường, giống như tôi, các bạn sẽ dần dần khám phá ra điều đó.
Sẵn sàng chưa? Chúng ta cùng bắt đầu nào!