Trong thời buổi này, nếu muốn có cuộc sống tốt đẹp, bạn biết mình cần làm gì: vào đại học nhưng sau đó bỏ giữa chừng, ban ngày học khoa học máy tính còn ban đêm học lập trình, thành lập một công ty công nghệ và lên sàn chứng khoán. Đó là phiên bản mới của giấc mơ Mỹ. Nếu không đủ phiêu lưu đến mức đó, bạn có thể chọn chuyên ngành kỹ thuật điện.
Điều bạn không nên làm là theo học các môn khai phóng. Trên khắp thế giới, ý tưởng một nền giáo dục “khai phóng” với nhiều môn học thuộc các lĩnh vực khác nhau, là một ý tưởng gắn chặt với Mỹ và các trường, viện đại học lớn tại đây. Nhưng chính ngay trên đất Mỹ, một nền giáo dục khai phóng lại không còn được ưa chuộng. Trong thời đại công nghiệp và toàn cầu hoá, mọi người ai cũng bàn về việc học tập kỹ năng. Các chính trị gia, doanh nhân và ngay cả nhiều nhà giáo dục xem đó là con đường duy nhất để quốc gia giữ được thế cạnh tranh. Họ cổ vũ thôi thúc sinh viên từ bỏ mơ mộng và bắt đầu suy nghĩ về các kỹ năng các em sẽ cần đến ở nơi làm việc. Việc khám phá tri thức vô tận được cho là con đường chẳng đi đến đâu cả.
Ít ai bênh vực một nền giáo dục khai phóng cổ điển. Phe Bảo thủ bất bình giận dữ cho nó là, chà, quá tự do (mặc dù từ “tự do” không mang ý nghĩa đảng phái.) Phe Tự do thì e là nó chỉ nhằm phục vụ thành phần ưu tú chọn lọc. Giới sinh viên băn khoăn là họ sẽ làm gì với một mảnh bằng tâm lý học. Còn phụ huynh lại lo sợ họ sẽ phải chi ra số tiền đã dành dụm cả đời.
Tâm trạng bất an ngày càng tăng này thể hiện rõ rệt qua các con số. Trong khi số lượng ghi danh đại học đã gia tăng trong các thập niên gần đây1, tỉ lệ sinh viên chọn các chuyên ngành như văn học-ngôn ngữ Anh và triết học giảm mạnh. Chẳng hạn, năm 1971, cử nhân ngành văn học-ngôn ngữ Anh chiếm 7,6% trong tổng số văn bằng cử nhân đã được cấp. Đến năm 2012, con số này hạ xuống còn 3%. Trong cùng thời kỳ ấy, tỉ lệ các sinh viên chọn chuyên ngành kinh doanh tăng từ 13,7% lên 20,5%.
Một số người tin rằng tỉ lệ này là hợp lý – rằng các sinh viên mới vào đại học có lẽ thích việc đào tạo nghề hơn các môn học khai phóng. Có thể là như vậy. Nhưng trong các thời kỳ giáo dục phát triển rực rỡ trước đó lại không có tình trạng như thế2. Trong các thập niên 1950 và 1960 chẳng hạn, sinh viên xem trường đại học không chỉ là một trường dạy nghề có danh giá. Các tân sinh viên lắm khi xuất thân từ tầng lớp trung lưu bình dân và các gia đình nhập cư ít học lại say mê nhiệt tình theo học các môn khai phóng. Các em xem đó là cánh cổng mở lối cho nghề nghiệp và cũng là một cách để hoà nhập vào văn hóa Mỹ. “Tôi phải nói tiếng Anh tuyệt đối hoàn hảo”3, đó là lời của nhân vật Alex Portnoy, con trai một gia đình nhập cư và là nhân vật chính trong tiểu thuyết Portnoy Complaint của nhà văn Philip Roth. Số người ưa chuộng các chuyên khoa như văn học - ngôn ngữ Anh và sử học đã tăng cao chính ngay trong các thập niên mà giáo dục đại học phát triển rầm rộ.
Mối nguy hiểm lớn cho nền giáo dục đại học Mỹ không phải là tình trạng có quá nhiều sinh viên hiện nay đang theo học các môn khai phóng. Đây là các dữ liệu.4 Trong niên khóa 2011–2012 có 52% sinh viên ghi danh vào các trường hai năm hoặc dưới hai năm và 48% vào các trường bốn năm. Ở các trường hai năm, lĩnh vực học tập phổ biến nhất là các ngành nghề y tế và khoa học liên quan (23,3%). Có thêm 11,7% sinh viên học kinh doanh, quản lý và marketing. Tại các trường bốn năm, tỉ lệ phân bố cũng giống như vậy. Ngành kinh doanh dẫn đầu danh sách các chuyên khoa, chiếm 18,9% sinh viên, ngành y tế đứng thứ hai chiếm 13,4%. Một ước tính khác5 cho thấy chỉ có một phần ba tổng số sinh viên nhận bằng cử nhân thuộc các lĩnh vực có thể xếp vào loại các môn học khai phóng. Và chỉ có khoảng 1,8% trong tổng số sinh viên đang theo học các trường đại học giảng dạy các môn khai phóng cổ điển như Amherst, Swarthmore và Pamona.
Như các bạn thấy, chúng ta không có quá nhiều sinh viên theo học các môn sử học, văn học, triết và kể cả vật lý và toán. Đa số sinh viên chọn chuyên ngành bởi vì họ thấy chúng có liên quan trực tiếp với thị trường việc làm. Sự thật quả là nhiều người Mỹ cần được đào tạo kỹ thuật và tất cả người Mỹ cần hiểu biết khoa học nhiều hơn. Nhưng những bàn luận sôi nổi về kỹ năng và công việc đã không thu hút được người ta theo học kỹ thuật và sinh học – không phải ai cũng có năng khiếu về khoa học – được bao nhiêu mà chỉ khiến họ băn khoăn lo lắng rồi bỏ rơi các môn nhân văn để theo học các môn kinh doanh và truyền thông. Nhiều sinh viên trong số này lẽ ra đã tốt hơn nếu theo đuổi một loạt các môn học phong phú và chuyên sâu trong các lĩnh vực họ cảm thấy say mê – rồi bổ sung thêm, vì chúng ta ai cũng cần bổ sung, một số kiến thức cơ bản về máy tính và toán học. Trong mọi trường hợp, rõ ràng là lỗ hổng trong vấn đề đào tạo kỹ thuật không phải do tỷ lệ phần trăm ít ỏi những sinh viên chọn bằng cấp bốn năm theo học các môn khai phóng.
Dù thực tế như vậy nhưng các cuộc tấn công vẫn tiếp tục và đã chuyển từ địa hạt tranh biện sang hành động. Các thống đốc6 tiểu bang Texas, Florida, North Carolina và Wisconsin đã thông báo rằng họ không có ý định tiếp tục bảo trợ các môn học khai phóng trong các trường đại học công lập. Rick Scott của bang Florida hỏi và tự trả lời: “Có thêm nhiều nhà nhân chủng học là lợi ích sống còn của nhà nước ư? Tôi không nghĩ vậy.” Wisconsin đang có kế hoạch cắt giảm tiền tài trợ các môn học mà không đào tạo cho sinh viên một công việc cụ thể ngay khi ra trường. “Tôi đang phải trợ cấp cho bao nhiêu tiến sĩ triết học vậy?” William Bennett, người dẫn chương trình phát thanh, hỏi Thống đốc Patrick McCrory bang North Carolina, và quan điểm ấy được McCrory nhiệt tình tán thành. (Trớ trêu thay, bản thân Bennett là một tiến sĩ triết học và bằng cấp ấy dường như đã đào tạo ông ta thành công lớn với sự nghiệp đa dạng của mình trong chính phủ, ngành truyền thông, phi lợi nhuận và khu vực tư nhân.)
Phe tấn công không chỉ là những người đảng Cộng hòa7. Mọi người đang háo hức thúc đẩy các loại hình giáo dục có thể trực tiếp dẫn đến một việc làm. Trong một bài phát biểu vào tháng 1 năm 2014, Tổng thống Barack Obama nói: “Tôi cam đoan với bạn, về tiềm năng mà nói, ta có thể kiếm được nhiều tiền với tay nghề cao trong sản xuất hoặc trong các ngành thương mại hơn là với một mảnh bằng lịch sử nghệ thuật.” Ông sau đó đã xin lỗi về điều mà ông gọi là một “nhận định vội vàng” nhưng Obama đã bày tỏ những cảm nghĩ tương tự trong nhiệm kỳ tổng thống của ông: trong thế giới ngày nay, sinh viên tốt nghiệp đại học cần tập trung vào các công cụ giúp họ kiếm được công việc tốt. Quan tâm của ông được chia sẻ bởi nhiều người theo phe tự do cũng như phe bảo thủ và các ứng viên tự do. Ý tưởng rằng một nền giáo dục khai phóng giờ đã không còn thích hợp đã đạt được điều hiếm có tại Washington: sự nhất trí của cả hai đảng.
Các cuộc tấn công vào giáo dục khai phóng đã có hiệu quả. Ngày nay, tính nhất quán và mục đích xoay quanh ý tưởng giáo dục khai phóng đã mai một. Những người ủng hộ giữ thái độ dè dặt về các ưu điểm của nó, trong khi đó những người phản đối, nói nhẹ thì nó là thứ quá đắt đỏ và xa xỉ, còn nói nặng thì nó là thứ gây phản tác dụng. Trong thời đại của các ứng dụng này thì theo học văn học hay ngôn ngữ liệu thực sự có ý nghĩa chăng?
Trong một ý nghĩa nào đó, câu hỏi này nghe không Mỹ một chút nào. Suốt lịch sử của mình, đặc trưng của nước Mỹ là cung cấp cho tất cả mọi người một nền giáo dục không dựa trên kỹ năng. Trong công trình nghiên cứu toàn diện về giáo dục8, hai nhà kinh tế học của Harvard là Claudia Goldin và Laurence Katz nhận thấy rằng: Trước đây, các nước Anh, Pháp và Đức thường kiểm tra trình độ của học sinh từ rất sớm, từ đó chỉ một số ít em học tiếp và các em khác đi theo một chương trình hạn hẹp, được thiết kế chủ yếu để phổ biến một tập hợp kỹ năng mà người ta cho là chìa khóa đi vào nghề nghiệp. Hai tác giả viết: “Hệ thống của Mỹ phải chú trọng vào sự cởi mở, khoan dung, không có những tiêu chuẩn phổ biến và có một chương trình giảng dạy mang tính học thuật nhưng vẫn thực tiễn.” Nước Mỹ không đi theo mô hình đào tạo cụ thể và học nghề như châu Âu bởi vì người Mỹ luôn luôn di chuyển chỗ ở; họ đến các thành phố, tỉnh hạt và lãnh thổ mới để tìm những cơ hội mới. Họ không bám rễ vào những nơi có ngành nghề và hiệp hội lâu đời vốn chỉ mở ra một con đường duy nhất phía trước. Họ cũng là thành phần của một nền kinh tế mới mẻ và năng động, và nền công nghệ không ngừng biến đổi tính chất công việc cùng với những yêu cầu công việc kèm theo. Rất ít người muốn giam mình vào một ngành nghề để kiếm sống cả đời. Cuối cùng, Goldin và Katz cho rằng, tuy một nền giáo dục tổng quát tốn kém hơn so với đào tạo chuyên ngành, học sinh hoặc cha mẹ của họ không phải trả tiền chi phí cho nó. Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên tuyên bố dùng quỹ công để tài trợ cho giáo dục tổng quát, đầu tiên ở cấp trung học và sau đó ở đại học. Ngay cả bây giờ, giáo dục đại học ở Mỹ là một thế giới rộng lớn hơn và phong phú hơn nhiều so với bất cứ nơi nào khác. Ngày nay, một học sinh trung học9 có thể học tại một trong 1400 cơ sở tại Hoa Kỳ cung cấp bằng cử nhân truyền thống và 1500 cơ sở khác có chương trình học thu hẹp hơn. Goldin và Katz cho biết rằng, tính bình quân đầu người, nước Anh có số cơ sở đại học chỉ bằng một nửa và Đức chỉ bằng là một phần ba so với Mỹ. Những người tìm cách hướng giáo dục đại học Mỹ vào một điều gì đó tập trung hơn và mang tính chất kỹ thuật nên nhớ rằng họ đang từ bỏ những điều từng là đặc trưng trong cách tiếp cận giáo dục đại học của Mỹ.
Tuy nhiên, tôi hiểu được điều đó. Tôi hiểu nỗi ám ảnh hiện tại của nước Mỹ. Tôi lớn lên ở Ấn Độ trong những năm 1960 và 1970, khi một nền giáo dục đào tạo kỹ năng được xem là con đường duy nhất để có một nghề nghiệp tốt. Người Ấn thời đó đã có một niềm tin gần như huyền bí vào sức mạnh công nghệ. Niềm tin ấy đã được cấy vào trong gen của nước này kể từ khi giành lại độc lập vào năm 1947.
Jawaharlal Nehru, thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ10, đã nhiệt thành tin tưởng vào các đại dự án kỹ thuật. Ông tin rằng Ấn Độ có thể thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu về kinh tế chỉ bằng cách theo đuổi công nghệ và suốt 14 năm cầm quyền, ông đã tận lực làm tất cả mọi thứ ghi lại dấu ấn đó trên đất nước. Là một người theo chủ nghĩa xã hội Fabian,(i) Nehru quan sát nền kinh tế của Liên Xô khởi sắc rõ rệt bằng con đường ấy chỉ trong vài thập kỷ với lòng ngưỡng mộ. (Lenin từng nói câu nổi tiếng, “Cộng sản là quyền lực của Liên Xô cộng với điện khí hóa toàn quốc”). Nehru mô tả các đập thủy điện mới của Ấn Độ là “những đền thờ của thời đại mới.”
Chú thích:
(i) Fabian Society là một tổ chức xã hội chủ nghĩa ra đời từ năm 1884 ở Anh, với mục tiêu cổ xuý những lý tưởng xã hội chủ nghĩa qua chủ trương cải tổ dần dần. Fabian Society đã đặt nền móng cho Công đảng Anh và ảnh hưởng tới chính sách của nhiều nước độc lập sau này. (Chú thích của người dịch).
Tôi theo học trường tư thục ngoại trú Cathedral & John Connon ở Bombay (nay là Mumbai). Được các nhà truyền giáo người Anh thành lập vào thời Victoria, nhà trường thấm nhuần cách tiếp cận giáo dục nhân văn bao quát. Nó vẫn còn giữ một phần quan niệm ấy khi tôi học ở đó, nhưng đất nước lúc bấy giờ háo hức với thực tiễn hơn. Những năm 1970 là một thập kỷ đầy khó khăn kinh tế ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Ấn Độ. Và mặc dù trường Cathedral là một trường tư nhưng trường có mức học phí thấp và phục vụ cho đông đảo tầng lớp trung lưu. Do đó, tất cả các bạn đồng lứa của tôi và cha mẹ của họ đều lo lắng về triển vọng nghề nghiệp. Hầu hết mọi người đi học đều nghĩ rằng kỹ thuật và y khoa là hai ngành nghề tốt nhất. Câu hỏi thực sự là, bạn muốn theo đuổi ngành nào trong hai ngành đó?
Ở tuổi 16, chúng tôi phải chọn một trong ba hướng học tập: khoa học, thương mại hoặc nhân văn. Năm đó, tất cả chúng tôi làm một loạt các bài thi của hội đồng nhà trường đề ra – một di sản theo mô hình giáo dục của Anh giúp xác định quỹ đạo chúng tôi sẽ đi. Thời đó, những sự lựa chọn rất rõ ràng. Những đứa trẻ thông minh sẽ đi vào khoa học, những đứa trẻ con nhà giàu sẽ làm thương mại, và các cô gái sẽ học các môn nhân văn. (Rõ ràng là tôi có phóng đại nhưng không quá mức đâu.) Chẳng đắn đo nhiều trong chuyện này, tôi chọn theo hướng khoa học.
Vào cuối năm lớp 12, chúng tôi lại thi một bài thi khác nữa. Đây là những bài thi quan trọng. Chúng xác định tương lai học hành của chúng tôi, như chúng tôi được nhắc nhở rất nhiều lần. Điểm học trên lớp, điểm chuyên cần, các dự án ngoại khóa và đề xuất của giáo viên – tất cả đều bị coi là không có giá trị so với điểm thi. Hầu như tất cả các trường đại học chỉ nhận sinh viên dựa trên những điểm số này. Trong thực tế, các trường đại học kỹ thuật chỉ yêu cầu số điểm ba môn: Toán, Lý, Hoá. Tương tự như vậy, các trường y khoa chỉ yêu cầu kết quả ba môn Lý, Hóa, Sinh. Không ai quan tâm đến kết quả bạn đạt được trong môn Văn học Anh. Các Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) – các trường đại học kỹ thuật có uy tín nhất trong nước – còn siết chặt các tiêu chí tuyển sinh hơn nữa. Họ tự ra đề thi riêng, lựa chọn ứng viên hoàn toàn dựa trên cơ sở kết quả thi.
Người ta càng chú trọng vào công nghệ và tính thực dụng trong thập niên 1970 một phần là do các yếu tố trong nước: lạm phát tăng vọt, nền kinh tế giảm sút mạnh, khu vực tư nhân bị tê liệt bởi các vụ quốc hữu hóa và các quy định. Tuy nhiên có một sự thay đổi lớn diễn ra cách xa biên giới của Ấn Độ. Cho đến thập niên 1970, các trường đại học hàng đầu của Anh cấp học bổng cho các sinh viên xuất sắc người Ấn – di sản của thời thuộc địa. Nhưng khi nước Anh trải qua thời kỳ kinh tế tồi tệ nhất của nó vào thập niên ấy – bị đặt dưới quyền tiếp quản chính thức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào năm 1979 – tiền học bổng dành cho sinh viên nước ngoài khô cạn. Thời kỳ trước đó, một số sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất người Ấn có thể học các trường đại học Oxford, Cambridge và Đại học London. Khi không có tiền từ bên ngoài để đài thọ cho việc đi học đó, các sinh viên này đã ở lại trong nước.
Nhưng văn hóa đi theo quyền lực. Trong khi tình trạng suy thoái kinh tế của Anh làm cho các trường đại học của nó kém hấp dẫn, tài lực và tham vọng của các trường đại học ở Hoa Kỳ lại gia tăng. Ở trường, mọi người bắt đầu nhận thấy rằng các trường đại học của Mỹ đã bắt đầu cấp những học bổng hào phóng cho sinh viên nước ngoài. Và chẳng bao lâu sau, chúng tôi bắt đầu nghe lớp sinh viên đi đợt đầu nói về phương pháp học tập đặc thù của Mỹ. Một người bạn trong khu phố của tôi theo học ở Đại học Cornell đã trở về nước trong dịp hè và kể thao thao bất tuyệt về thời gian mình học tại đó. Anh ấy nói với chúng tôi về sự đa dạng đáng kinh ngạc của các khóa học mà sinh viên có thể học, dù họ theo chuyên ngành nào. Anh còn tiết lộ những chuyện ly kỳ về đời sống phong phú ở đại học. Tôi nhớ đã nghe anh ấy mô tả một câu lạc bộ điện ảnh tại Cornell tổ chức chiếu phim và thảo luận các tác phẩm điện ảnh kinh điển của Ingmar Bergman và Federico Fellini. Tôi chưa bao giờ nghe nói về Bergman hoặc Fellini, nhưng tôi rất ngạc nhiên về chuyện xem phim được coi là một phần không thể thiếu của giáo dục bậc cao. Có thể nào học đại học lại thật sự thú vị như vậy?
Cha mẹ tôi đã không thúc ép tôi theo học ngành chuyên môn. Cha tôi quan tâm sâu sắc về lịch sử và chính trị từ khi còn nhỏ. Tuy mồ côi từ sớm nhưng ông cố tìm được hỗ trợ tài chính nên đã có thể học hết trung học và đại học. Năm 1944, ông nhận được một học bổng để theo học Đại học London. Cha tôi đến đó giữa lúc cao điểm của đợt không kích, tên lửa V-2 của Đức trút như mưa xuống thành phố. Trên chuyến tàu thủy dài ngày đi đến nước Anh, thủy thủ đoàn nói rằng cha tôi là kẻ khùng điên. Một người trong đoàn thậm chí còn hỏi, “Bạn không đọc báo ư? Lúc này hàng ngàn người đang rời khỏi London. Tại sao bạn đi đến đó?” Nhưng cha tôi quyết chí đi học cho được. Lịch sử là niềm đam mê của ông và cha tôi đã học để lấy bằng tiến sĩ về ngành này. Nhưng ông cần một con đường rõ ràng hơn để kiếm một nghề. Vì vậy cha tôi ngoài ra còn lấy được một văn bằng Luật học để sau này cho phép ông làm luật sư khi trở về Bombay.
Mặc dù được nuôi dưỡng trong hoàn cảnh thuận lợi hơn, mẹ tôi cũng phải đối mặt với một trở ngại lúc còn nhỏ – ông ngoại qua đời khi mẹ mới tám tuổi. Mẹ tôi có một thời gian ngắn học tại một trường đại học khác lạ vào thời ấy – một trường dạy các môn khai phóng – ở phía bắc Ấn Độ. Trường được thành lập vào năm 1870 và mang tên người sáng lập nó Isabella Thoburn, một nhà truyền giáo người Mỹ thuộc Hội Giám lý. Mặc dù việc học của mẹ tôi bị gián đoạn khi bà trở về nhà để chăm sóc bà ngoại, bà không bao giờ quên nơi ấy. Bà thường trìu mến hồi tưởng về chương trình giảng dạy bao quát nhiều lĩnh vực và hấp dẫn của nhà trường.
Sự nghiệp của cha mẹ tôi rất đa dạng và phong phú. Cha tôi khởi đầu là một luật sư trước khi chuyển sang làm chính trị và sau đó thành lập một loạt các trường đại học. Ông cũng thành lập một công ty sản xuất nhỏ (để trang trải chi phí sinh hoạt) và không ngừng viết sách cùng tiểu luận. Mẹ tôi khởi đầu làm công tác xã hội và sau đó trở thành một nhà báo, làm việc cho các nhật báo và tạp chí. (Bà từ chức và rời ngành báo chí vào năm ngoái, năm 2014, ở tuổi 78.) Cha mẹ tôi không ai khẳng định phải vào chuyên môn sớm. Nhìn lại, hẳn cha mẹ tôi không khỏi ưu tư về triển vọng tương lai của chúng tôi – tất cả mọi người khác đều lo. Nhưng điều may mắn là hai ông bà đã không nói cho chúng tôi nỗi băn khoăn cụ thể ấy.
Anh trai tôi, Arshad, mạnh dạn đi bước đầu tiên. Anh lớn hơn tôi hai tuổi và học hành cực kỳ xuất sắc. (Anh cũng là một vận động viên cừ khôi, điều này không dễ có ai bì kịp). Với các loại điểm số anh đạt được trong các kỳ thi của hội đồng thi, anh tôi dễ dàng có thể được nhận vào học các chương trình kỹ thuật hàng đầu ở trong nước hoặc anh có thể dự thi vào Viện Công Nghệ Ấn Độ và đậu hạng ưu. Trong thực tế, anh tôi quyết định không làm theo tất cả mọi cách ấy và thay vào đó, anh nộp đơn xin vào học các đại học ở Mỹ. Một vài người bạn của anh cũng tính làm như thế, nhưng không ai biết rõ thủ tục như thế nào. Chẳng hạn, chúng tôi biết rằng ứng viên phải dự thi cái gọi là Kỳ Khảo sát Học lực (SAT), nhưng chúng tôi không biết nhiều về nó. (Các bạn nhớ rằng đây là năm 1980 ở Ấn Độ; Google chưa có. Kỳ thật là chưa có tivi màu). Chúng tôi bắt gặp một cuốn tài liệu mỏng nói về kỳ thi đó tại Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ USIA, trực thuộc đại sứ quán. Tài liệu ghi rằng SAT là một kỳ khảo sát năng lực nên không cần gì phải học. Vì thế, anh tôi không học. Đến ngày thi, anh bước vào trung tâm thi đặt tạm ở Bombay, một căn phòng gần như trống trơn của một trường đại học địa phương, rồi anh làm bài kiểm tra.
Thật khó thuyết phục người thời nay tin rằng vào thời bấy giờ việc xin vào học các trường ở Hoa Kỳ là một ý tưởng quá ư mới lạ và đầy mạo hiểm. Hệ thống giáo dục của họ khác xa so với của chúng tôi. Người ta thật sự không biết chuyện học ở một đại học tốt của Mỹ có ý nghĩa ra sao hoặc nó sẽ giúp xây dựng sự nghiệp ở Ấn Độ bằng cách nào. Các hội Cựu Sinh viên Harvard tại Bombay vào thập niên 1970 hẳn không phải là bộ từ điển tiểu sử về những người có thế lực và giàu sang. Nói đúng ra, các hội đó chỉ là một tập hợp đủ hạng người gồm những ai đã có thời sống ở nước ngoài (vì có cha mẹ công tác ở đó) hoặc có liên hệ với Mỹ. Một vài người bạn thân của chúng tôi đã từng mạo hiểm sang Mỹ nhưng vì chưa tốt nghiệp hay chưa tìm việc làm nên trải nghiệm của họ không hướng dẫn chúng tôi được bao nhiêu.
Anh trai tôi không biết là bộ phận tuyển sinh ở các trường đại học Mỹ có hiểu được hệ thống tổ chức của Ấn Độ hay biết cách nhận định những lời nhận xét thành tích học tập và các học bạ của anh hay không. Anh cũng không có kế hoạch B nào cả. Nếu không nhận kết quả xét duyệt cho vào học các trường kỹ thuật thì năm sau anh không thể dự tuyển trở lại. Quả thực, tình trạng quá mù mờ đến nỗi chúng tôi thậm chí không biết rằng các đại học Mỹ đòi hỏi phải nộp đơn dự tuyển sớm trước cả một năm. Vì lý do đó, anh tôi đành phải nghỉ học một năm chuyển tiếp từ trung học lên đại học để chờ xem mình có được nhận vào một trường nào không.
Không ngờ, trường nào cũng chấp nhận Arshad. Anh chọn chỗ ngon lành nhất – một học bổng của Harvard. Trong khi mọi người chúng tôi rộn ràng vui mừng và cảm kích, nhiều bạn bè vẫn cứ lo ngại khi nghe tin ấy. Nói là sắp vào học Harvard thì nghe cũng có uy danh nhưng liệu cái học đó quả thật có biến thành nghề nghiệp nào không?
Mẹ tôi sang Hoa Kỳ để đưa anh tôi nhập học vào mùa thu năm 1982, một thời kỳ bất ổn trong lịch sử nước Mỹ. Bầu không khí bất an của thập niên 1970 vẫn còn đè nặng nhiều hơn so với thời kỳ tăng trưởng bùng phát của thập niên 1980. Đất nước đang trải qua tình trạng đình đốn tệ hại nhất kể từ khi xảy ra cuộc Đại suy thoái. Cuộc chiến tranh tại Việt Nam và vụ Watergate đã làm tan vỡ lòng tự tin quốc gia. Trong tâm trí chúng tôi, Liên Xô được xem là nước đang ngày càng vươn lên. Những vụ bạo loạn, chống đối và tình trạng bạo lực đô thị đã biến các thành phố Mỹ thành những nơi thật sự nguy hiểm. Các hình ảnh chúng tôi có được về New York xuất phát từ những bộ phim của Charles Bronson và các bản tin tường thuật nạn ma túy, tội phạm.
Tất cả những điều này làm người Ấn đặc biệt hoảng sợ. Xã hội truyền thống của Ấn Độ xem hai thập niên 1960 và 1970 là giai đoạn suy đồi của văn hóa Mỹ khi giới trẻ trở nên buông thả về đạo đức, sống bê tha, dễ dãi, và có lẽ đáng lo ngại nhất là hay nổi loạn. Đối với các bậc cha mẹ Ấn Độ, họ sợ nhất là quan niệm cho rằng giới trẻ Mỹ ngày càng bất kính với người lớn tuổi. Đa số cha mẹ tin rằng đứa con nào sang Mỹ học sẽ nhanh chóng từ bỏ gia đình, tín ngưỡng, và truyền thống để chạy theo tình dục, ma tuý và nhạc rock’n’roll. Nếu cho con qua Mỹ thì hãy chuẩn bị tinh thần trước viễn cảnh “mất” con.
Trong mấy tuần đầu ra nước ngoài, Arshad hơi căng thẳng, có lẽ cũng giống mọi tân sinh viên Harvard. Ngược lại, mẹ tôi về nước lại chẳng hề thấy âu lo gì. Bà ngất ngây với Hoa Kỳ, với các khu đại học, và với hoạt động của sinh viên. Bà biến những quan sát của mình thành một bài báo viết cho tờ Times of India có tựa đề “Một nước Mỹ khác.”11 Bà mô tả rằng trước chuyến đi bà đã lo ngại ra sao về lối sống buông thả, nghiện ngập và nổi loạn ở các đại học Mỹ. Rồi bà giải thích tiếp rằng bà đã ngỡ ngàng ra sao sau khi đã thực sự đã trải qua một thời gian ở một khu đại học và thấy nơi này chuyên chú vào việc giáo dục, học tập chuyên cần, và các hoạt động ngoại khoá. Các sinh viên bà gặp đều thông minh, có động lực, và bà kinh ngạc là họ rất tôn trọng người lớn tuổi. Bà đã gặp nhiều cha mẹ mắt lệ rưng rưng tạm biệt con cái, hẹn sẽ thăm lần tới, hay tính dịp đoàn tụ gia đình nhân lễ Tạ ơn. “Tôi cứ tưởng mình đang ở Ấn Độ,” bà viết. “Lẽ nào đây là nước Mỹ vô hồn, vô cảm, nơi các kết nối gia đình đã bị đứt đoạn?”
“Người Ấn đã hoàn toàn lầm về Hoa Kỳ”, mẹ tôi viết tiếp. Bà cố lý giải tại sao mọi người lại đọc được quá nhiều tin tức tệ hại về nước này. “Nước Mỹ là một xã hội phóng khoáng không đâu bằng, cho nên cách họ bộc lộ những “thất bại” của họ cũng không đâu bằng,” bà viết, “[Người Mỹ] vui vẻ tham gia tán chuyện chính sự sa sút của họ, nhưng sự sa sút ấy lại có liên quan đến sức mạnh có sẵn của chính nước Mỹ. Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới; vẫn tùy nghi sử dụng sức mạnh quân sự hùng mạnh nhất mà thế giới từng biết tới; những người tị nạn vẫn tiếp tục tìm nơi trú ẩn ở xứ sở của dân nhập cư này. Mỹ chi nhiều triệu đô la với hy vọng rằng ai đó, ở đâu đó có thể tạo ra một đóng góp giá trị cho tri thức. Mỹ vẫn là thước đo để chúng ta đánh giá nước Mỹ.” Bạn thấy đó, mẹ tôi đã bị mê hoặc.
Những năm ấy, giới tinh hoa Ấn Độ thích lên án Hoa Kỳ là đế quốc và bá quyền. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chính phủ Ấn thường về phe với Liên Xô. Indira Gandhi, nữ thủ tướng dân tuý, thường đổ lỗi những khó khăn của Ấn Độ là do “bàn tay nước ngoài,” ám chỉ CIA. Nhưng mẹ tôi luôn khư khư giữ thái độ thân Mỹ. Khi cha tôi còn sống, đôi khi ông chỉ trích Mỹ vì những tội ác và sai lầm của nó, một phần là để chọc tức hai anh em tôi và một phần bởi vì ông là một trong những người đã đấu tranh cho nền độc lập của Ấn Độ, đã hấp thụ thế giới quan của các đồng minh cánh tả thân cận nhất của ông. Tuy nhiên, mẹ tôi vẫn không bị lay chuyển, hoàn toàn tin chắc rằng Hoa Kỳ là một vùng đất của sức sống tuyệt vời và có nhiều đức tính. (Tôi nghi đó là những gì đã khiến bà chấp nhận việc hai con trai của bà chọn đất nước này làm quê hương).
Cùng với hình ảnh và tài liệu quảng cáo thông tin trong chuyến đi, mẹ tôi còn mang về cuốn giới thiệu chương trình học tại Harvard. Đối với tôi, nó là một tài liệu đáng kinh ngạc. Thay vì một cuốn sách mỏng chứa một danh sách khô khan các môn học như thường thấy tại các trường đại học Ấn Độ, đây là một tập sách dày cộm tràn đầy ý tưởng. Nó liệt kê hàng trăm lớp học đủ tất cả các lĩnh vực. Và các mục giới thiệu khóa học được viết như quảng cáo – như thể các thầy giáo muốn bạn tham gia cùng họ vào một cuộc phiêu lưu trí tuệ. Tôi đọc hết cuốn sách, lấy làm kinh ngạc vì học sinh không phải chọn trước một chuyên khoa và họ có thể theo học nào thi ca nào vật lý, lịch sử, kinh tế. Cách xa tám ngàn dặm, có ít kiến thức và không chút kinh nghiệm, tôi đã thấy say mê ý tưởng về một nền giáo dục khai phóng.
Tôi quyết định theo gương anh tôi, không xin học các trường tôi có thể chọn tại Ấn Độ. Tôi dự thi bài kiểm tra SAT, viết các bài tiểu luận và đơn dự tuyển. Nếu lúc bấy giờ các bạn hỏi tại sao tôi có quyết tâm đi Mỹ đến thế, chắc là tôi đã không thể đưa ra được một câu trả lời mạch lạc rõ ràng. Thời ấy, các đại học Ấn Độ dường như có giới hạn và bị giới hạn. Tôi có nghĩ đến việc xin học các đại học ở Anh quốc nhưng tôi cần được học bổng mà thời đó học bổng thì ít. Ý tưởng “nghiên cứu sâu” chỉ một môn học ở Oxford hay một phạm vi hẹp các môn học ở Cambridge có vẻ ít thú vị khi so sánh với phạm vi học tập đa lĩnh vực hấp dẫn tại các trường đại học thuộc Ivy League. Và lẽ tất nhiên, có cả sức quyến rũ của nước Mỹ.
Tôi vốn luôn luôn bị cuốn hút bởi nước Mỹ. Hồi thiếu niên, tôi đã có một lần sang Mỹ nhưng đa phần những gì tôi biết về đất nước này xuất phát từ Hollywood. Trong khi thị trường Ấn Độ còn quá nghèo nàn và cách xa không thể có được những bộ phim mới phát hành, chúng tôi chỉ xem những phim cách vài năm sau mới có được, từ The Poseidon Adventure tới Kramer vs. Kramer cho đến các phim cổ điển như các phim hài của Laurel và Hardy mà tôi rất mê. Truyền hình vào giữa thập niên 1970 lúc đầu chỉ có một kênh đen trắng do chính phủ quản lý và chủ yếu phát các phim tài liệu về những thành công vẻ vang của nền nông nghiệp Ấn. Mỗi tối Chủ nhật gia đình tôi quây quần bên chiếc máy truyền hình để xem một bộ phim Ấn là màn giải trí duy nhất thường được phát. Trước bộ phim đó đài chỉ có phát một tập trong bộ phim hài kịch tình huống I Love Lucy, có thể nói đó là tất cả những gì truyền hình có thể nhập cảng từ Hoa Kỳ. Mọi người thích thú xem và cười hả hê cùng với Lucy và gia đình ngốc nghếch của cô ta. Cho đến ngày nay tôi vẫn còn mê chương trình phim đó.
Đến cuối thập niên 1970, công nghệ đã bắt đầu đưa thêm nhiều thứ của phương Tây vào Ấn Độ. Một vài người bạn của tôi có đầu máy video và một thời gian sau chúng tôi cũng có. Không thể mua được những bản gốc của những phim và màn trình diễn của Mỹ nhưng chúng tôi vẫn có nhiều phiên bản lậu. Đâu đó ở bên Mỹ, một người bà con thường thâu băng những buổi trình chiếu rồi gởi về cho gia đình ở quê nhà. Các băng lậu Betamax này được chuyền tay tại Bombay giống như những sách báo bị cấm được in lậu tại Liên Xô.
Ăn khách nhất thời bấy giờ là bộ phim truyện tâm lý nhiều tập Dallas và được tất cả chúng tôi say sưa theo dõi.
Những cảnh trong phần mở đầu phim là cánh cửa sổ mở vào giấc mơ về nước Mỹ của tôi: các hình ảnh long lanh quay những toà nhà chọc trời bóng lộn, máy bay trực thăng hạ cánh tại bãi đỗ của khu văn phòng, những người đàn ông đội mũ rộng vành lên xuống những chiếc xe hơi Cadillac to tướng. Và nữ diễn viên Victoria Principal, chắc chắn nàng là một phần trong giấc mơ Mỹ của tôi. Mặc dù báo chí nói đến các vấn đề khó khăn của Hoa Kỳ – có ai tin được như vậy qua các hình ảnh này hiện ra trên màn hình – nước Mỹ có vẻ rộng lớn, đầy sinh lực và giàu có. Mọi thứ ở đó mang đủ các sắc màu điện ảnh.
Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ, cơ quan thành lập ra để xúc tiến văn hóa và tư tưởng Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thường tổ chức những buổi chiếu phim kinh điển Mỹ. Tôi và một người bạn thường đến đó để xem. Tại đây, trong một căn phòng nhỏ ở Bombay, ngồi chung với các người ngoại kiều lớn tuổi, tôi được dẫn vào thời hoàng kim của Hollywood. Tôi đã ghi vào sổ tên các phim này, từ It Happened One Night đến Adam and Eve rồi How the West Was Won. Theo một nghĩa nào đó, chúng thật sự dẫn dắt tôi lần đầu tiên hiểu về lịch sử nước Mỹ và giúp tôi ý thức rằng đất nước này là nơi hấp dẫn nhất thế giới.
Tuy nhiên, tôi xin nói thẳng: khi sức hấp dẫn mạnh thì tiền cũng phải có nhiều. Cha mẹ tôi là những chuyên gia được trả lương cao nhưng Ấn Độ lúc bấy giờ là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Đồng lương hằng năm của hai người cộng lại chỉ bằng nửa tiền học phí một năm ở nước ngoài. Thời ấy, các trường đại học Mỹ không nhận cho vào học những sinh viên nước ngoài không có khả năng đóng học phí như tôi – tất cả các trường đều có nguồn tài chính ít hơn nhiều so với bây giờ – nhưng họ vẫn cấp những học bổng khen thưởng (merit scholarship). Và nếu bạn được nhập học, họ còn kết hợp những khoản trợ cấp, cho vay tiền và việc làm trong khuôn viên đại học để bạn có thể theo học. Anh tôi ở Đại học Harvard kể lại rằng, với học bổng và việc làm trong khu đại học, anh đang xoay xở khá thoải mái. Thậm chí anh còn đủ tiền mua sách và tiêu dùng cho những khoản phụ chi. Tuy nhiên với ý nghĩ không những tôi cần được vào học mà còn cần phải có học bổng nữa, tôi lại càng thêm lo lắng.
Tôi đã rất may mắn và cuối cùng vào Đại học Yale. Tôi không biết vì sao họ nhận tôi hoặc tại sao tôi đã chọn vào trường này. Ngày nay, tôi ngạc nhiên thấy các em chuẩn bị lên đại học đi đến khu đại học vài ba lần, tham dự những lớp học, có những buổi thảo luận kéo dài với các nhà tư vấn và xem những buổi diễn kịch của sinh viên – tất cả những thứ đó là để quyết định việc vào học trường nào. So ra, tôi đã lựa chọn một điều hoàn toàn không được hay biết, từ chỗ cách xa nửa vòng Trái đất. Tôi không được vào Harvard nhưng cũng may mắn có thể chọn giữa Princeton và Yale và thật sự tôi không biết nên chọn trường nào. Tôi đều không biết mấy thông tin về cả hai trường này. Khi tôi làm bảng liệt kê những ưu điểm khách quan của mỗi trường, Princeton thường chiếm hạng trên. Nó nhỏ hơn, giàu hơn và cho tôi một học bổng lớn hơn. Ở Ấn Độ, mọi người đều nghe tiếng nó nhờ có Albert Einstein. Rất ít người biết đến Yale. Chuyện này có vẻ khó tin nhưng thật sự thời ấy Yale không có tiếng tăm gì ở Ấn Độ. Cha tôi cũng như nhiều người Ấn không biết cách phát âm cái tên này và cho đến lúc qua đời, ông vẫn còn gọi nó là “Ale”. Nói chung, các trường đại học Mỹ có danh giá được thừa nhận ở Ấn Độ và châu Á là những trường có chương trình mạnh về kỹ thuật, các phân khoa khoa học và các trường kinh doanh. Ba điều này không phải là thế mạnh của Yale.
Cuối cùng tôi quyết định dùng đồng xu để quyết định. Nếu ngửa, tôi sẽ học Yale. Nếu sấp, tôi sẽ học Princeton. Tôi búng một cái. Sấp. Tôi nghĩ “sự bất quá tam” rồi tung đồng xu lại lần nữa. Tôi không nhớ là lúc này Yale thắng cuộc hay không hay là tôi đã tiếp tục tung đồng xu cho đến khi nó thắng. Nhưng trong khi tung đồng xu như thế, tôi nhận thấy là tôi muốn học Yale. Tôi chẳng biết rõ tại sao. Đó là một điển hình của sức mạnh trực giác. Mặc dù rõ ràng cả hai đều là những cơ sở tuyệt vời, đối với tôi Yale là nơi hoàn hảo. Tôi biết có một cái gì đó mà vào lúc ấy tôi không thể giải thích hoặc thậm chí không hiểu được.
Thời ấy và ngay cả hiện nay, Yale vẫn còn giảng dạy một chương trình học rất nghiêm ngặt cho sinh viên năm thứ nhất có tên là Nghiên cứu định hướng (Directed Studies). Đó là một môn nghiên cứu khái quát về văn chương và triết học phương Tây từ thời Hy Lạp cổ đại cho đến thời hiện đại. Điều này xem ra là một cơ hội tuyệt vời cho một cậu bé đến từ Ấn Độ. Có thể nó sẽ dẫn tôi vào nhiều tác phẩm cổ điển lớn của phương Tây mà tôi đã nghe nói đến nhưng chưa bao giờ được đọc. Muốn theo học các khóa này thì bạn phải nộp đơn xin và tôi đã nộp. Vài tháng sau, tôi mừng rỡ nhận được thư báo tôi đã được chấp nhận.
Tôi lo sợ nên đã từ bỏ ý định đó. Khi vào học tại Yale, đến lúc tôi phải dứt điểm các lựa chọn. Tôi dự tính các môn mà tôi nghĩ là mình phải theo học – những môn như toán, lập trình máy tính và vật lý – và nhận ra rằng nếu tôi ghi danh học Nghiên cứu định hướng thì nó chiếm mất phần lớn lịch học của tôi. Tôi hoảng sợ trước ý tưởng bị hoàn toàn dính sâu vào một thứ có vẻ không thực tế như vậy. Tôi nhớ tôi đã thầm nhủ với mình rằng: “Mùa hè về Ấn Độ, khi người ta hỏi về các môn học của tôi, mình có thể nói về máy tính và toán học. Còn cái này thì giải thích ra sao?” Bởi vậy, tôi bỏ môn Nghiên cứu dịnh hướng và ghi danh học những môn có vẻ hợp lý hơn.
Tuy nhiên trong năm học thứ nhất, tôi cũng cho phép mình chọn một lớp học thuần tuý chỉ vì tôi thấy thích. Lớp này là một khóa được nhiều người thích, nói về lịch sử Chiến tranh Lạnh, do một giáo sư ngành khoa học chính trị tên là H. Bradford Westerfield giảng dạy. Các bài giảng của ông đầy ắp những chi tiết sinh động và thầy giảng rất hăng say. Tôi đâm ra nghiền chúng.
Chính trị và kinh tế quốc tế là những đề tài vốn đã hấp dẫn tôi. Thời niên thiếu ở Ấn Độ, tôi thường hay đọc ngấu nghiến các tờ báo và tạp chí quốc tế quan trọng có khi đến tay muộn cả mấy tuần lễ sau ngày phát hành. Vở kịch lớn trên toàn cầu thời ấy là cuộc va chạm xung đột giữa các siêu cường và tiếng vang của nó lan đến Ấn Độ, một đất nước bị xâu xé giữa hai phe. Tôi nhớ tôi đã đọc ngấu nghiến các trích đoạn trong hồi ký của Henry Kissinger khi nó được công bố mặc dù chắc chắn là tôi không hiểu. (Lúc ấy tôi 15 tuổi). Tuy vậy, tôi không hề nghĩ rằng người ta lại học các loại môn học ấy ở đại học. Tôi đã định theo một chuyên ngành có tính cách thực tế, thuộc về kỹ thuật và hướng nghiệp. Bên cạnh đó, lúc nào tôi cũng có thể đọc các nhật báo. Tuy nhiên, khóa học của thầy Westerfield làm tôi nhận ra rằng tôi nên xem xét niềm đam mê của mình một cách nghiêm chỉnh, ngay cả khi không chắc chắn là nó đưa mình đến đâu về mặt nghề nghiệp. Mùa xuân năm đó, tôi quyết định chọn chuyên khoa Sử. Tôi sắp sửa được nhận một nền giáo dục khai phóng.
Nhưng dù sao, tôi vẫn chưa trả lời được câu hỏi: một nền giáo dục khai phóng là gì?