Khi bạn nghe một ai đó tán dương các lợi ích của một nền giáo dục khai phóng, có lẽ bạn sẽ nghe người ấy nói rằng “nó dạy cho bạn cách suy nghĩ”. Tôi chắc chắn điều đó là đúng nhưng đối với tôi, nó chính xác là giáo dục khai phóng dạy bạn cách viết như thế nào và viết làm cho bạn suy nghĩ. Dù bạn làm nghề gì trong cuộc sống, khả năng viết rõ ràng, mạch lạc và hợp lý sẽ nhanh chóng chứng minh nó là một kỹ năng vô giá.
Trong khi học đại học năm thứ nhất, tôi theo một khóa học viết luận văn. Thầy giáo tôi, một người Anh đứng tuổi, có trí thông minh sắc bén và một cây bút chì màu đỏ thậm chí còn sắc bén hơn. Thầy cho điểm rất gắt. Ông thường trả lại những bài viết của tôi với hàng chục lời phê ghi bên lề, mỗi câu nêu rõ điểm gì còn mơ hồ và khó hiểu hoặc thiếu mạch lạc. Tôi nhận ra rằng, khi từ Ấn Độ sang đây, tôi khá giỏi trong chuyện làm bài kiểm tra và tuôn ra những điều tôi đã thuộc lòng; tôi không giỏi về cách diễn đạt ý tưởng của mình. Trước khi vào đại học, tôi đã từng rất nhiều lần làm bài thi nhưng hầu như không bao giờ viết bài luận văn. Điều này không lạ gì ngay tại các trường trung học tốt tại châu Á trong thập niên 1970 và thậm chí đến nay vẫn là thực tế ở nhiều nơi bên ấy.
Qua khóa học trong học kỳ đó, tôi nhận ra mình bắt đầu biết tạo kết nối giữa suy nghĩ và từ ngữ. Điều này thật khó. Bị buộc phải viết rõ ràng thì trước tiên đòi hỏi bạn phải suy nghĩ rõ ràng. Tôi bắt đầu nhận thấy hai quá trình đan xen chặt chẽ. Trong một câu chuyện có lẽ là không đích xác lắm, người ta kể có một lần nhà báo Walter Lippmann được hỏi quan điểm của ông ta về một đề tài cụ thể, ông đã trả lời: “Tôi không biết mình sẽ nghĩ gì về vấn đề đó. Tôi chưa viết về nó.”
Trong triết học hiện đại có một cuộc tranh cãi lớn về vấn đề cái nào đến trước: tư tưởng hay ngôn ngữ. Có phải chăng chúng ta tư duy một cách trừu tượng rồi sau đó đặt các ý tưởng vào các từ ngữ hay việc tư duy bằng các từ ngữ tạo thành bệ phóng cho điều ta suy nghĩ? Tôi chỉ có thể nói bằng kinh nghiệm của riêng tôi. Khi bắt đầu viết, tôi nhận thấy những “suy nghĩ” của tôi thường là một mớ bòng bong bao gồm những ý tưởng chưa rõ ràng kết hợp với nhau rất lỏng lẻo rời rạc. Chính hành động viết bắt buộc tôi phải chọn lọc sắp xếp chúng. Viết bản thảo đầu tiên của một chuyên mục hoặc một bài luận văn là hình thức bộc lộ sự hiểu biết về bản thân mình – biết đúng những gì tôi nghĩ về một chủ đề, xem thử những ý tưởng ấy có theo một trình tự hợp lý hay không và câu kết luận có xuất phát từ những sự kiện đang xảy ra hay không. Bất kể bạn là ai – chính trị gia, doanh nhân, luật sư, sử gia hay tiểu thuyết gia – viết lách buộc bạn phải chọn lựa và diễn đạt ý tưởng của mình một cách rõ ràng, có thứ tự.
Nếu bạn nghĩ điều này có thể không ích lợi gì, hãy hỏi Jeff Bezos – người sáng lập Amazon. Bezos thường yêu cầu1 các vị giám đốc điều hành cấp cao của ông viết các bản tường thuật dài sáu trang in và bắt đầu các cuộc họp ban điều hành bằng một khoảng thời gian im lặng, đôi khi lâu chừng ba mươi phút để mọi người thầm đọc các “tường thuật” và ghi chú lên đó. Nếu đề xuất một sản phẩm hay chiến lược mới, các bản ghi nhớ phải mang hình thức một thông cáo báo chí, sử dụng ngôn ngữ đơn giản, không dùng biệt ngữ để một người không chuyên môn có thể hiểu được. Trong một cuộc phỏng vấn với Adam Lashinsky trên tạp chí Fortune, Bezos cho biết: “Viết những câu văn hoàn chỉnh thì khó hơn.2 Chúng có động từ. Các đoạn văn có câu chủ đề. Không đời nào có thể viết một bản ghi nhớ dài sáu trang mô tả sự kiện một cách linh động mà không có tư duy rõ ràng.”
Norman Augustine ngẫm nghĩ về nhiều năm làm giám đốc điều hành của hãng Lockheed Martin, nhớ lại rằng “vào giai đoạn cuối sự nghiệp kinh doanh chính thức của tôi, công ty tôi lãnh đạo3 đã tuyển dụng khoảng 180.000 người, phần đông là sinh viên tốt nghiệp đại học, trong đó có hơn 80.000 kỹ sư hay nhà khoa học. Tôi đã kết luận rằng một trong các ưu thế để được thăng tiến là khả năng dùng văn bản để diễn đạt rõ ràng các suy nghĩ của mình.”
Điều lợi thứ hai của một nền giáo dục khai phóng là nó dạy cho bạn cách nói năng. Bản báo cáo của Đại học Yale- NUS nói rằng trường muốn biến việc “giao tiếp rõ ràng mạch lạc” trở thành trọng điểm của chương trình đào tạo tri thức. Điều này đương nhiên đòi hỏi khả năng viết và nói để giải thích cho hấp dẫn, chẳng hạn thí nghiệm khoa học, hay để thuyết trình trước những nhóm nhỏ và nhóm đông người. Ở mức độ sâu xa nhất, việc truyền thông mạch lạc rõ ràng giúp bạn nói lên ý nghĩ của mình.4 Điều này không có nghĩa là tuôn ra mọi điều bạn đang nghĩ đến trong mọi thời điểm. Nó có nghĩa là tìm hiểu tâm trí của chính bạn, để lọc ra những ý tưởng còn chưa gãy gọn và sau đó trình bày những suy nghĩ đã được sắp xếp theo một trật tự hợp lý.
Một sự khác biệt nữa làm tôi ngạc nhiên giữa trường học ở Ấn Độ và trường đại học ở Hoa Kỳ, ấy là hoạt động nói chiếm một phần quan trọng trong điểm số. Các giáo sư nhận xét khả năng tư duy của tôi qua các chủ đề và khả năng thuyết trình kết quả phân tích và kết luận. Buổi hội thảo chuyên đề, một hình thức dạy và học trọng tâm của giáo dục khai phóng, sẽ giúp bạn đọc, phân tích và mổ xẻ. Trên hết, nó giúp bạn thể hiện chính mình. Và sự nhấn mạnh vào cách “giao tiếp mạch lạc rõ ràng” được tăng cường qua nhiều hoạt động ngoại khóa xoay quanh mọi trường đại học dạy các môn khai phóng – kịch nghệ, tranh luận, các đoàn thể, hội sinh viên, các nhóm phản đối. Để thành công trong cuộc sống, bạn thường phải đạt được sự chú ý của các đồng nghiệp và thuyết phục họ tin vào lý lẽ của bạn, đôi khi trong một buổi giới thiệu sản phẩm hay chỉ trong năm phút trình bày ý tưởng kinh doanh.
Việc nghiên cứu và thực hành diễn thuyết thực sự chiếm vị trí nổi bật hơn trong các thế kỷ đầu của giáo dục khai phóng. Thuật hùng biện là một trong những môn học quan trọng nhất được giảng dạy – lắm khi là môn quan trọng nhất. Nó liên kết mật thiết không chỉ với triết lý mà còn với khả năng quản trị và hành động. Trong nhiều thế kỷ trước khi có nghề in, việc truyền thông bằng lời nói là phần cốt lõi của đời sống công cộng và chuyên nghiệp. Các chương trình giảng dạy đại học thế kỷ XVIII và XIX ở Anh và Hoa Kỳ duy trì sự chú trọng vào tài hùng biện.
Trong thế kỷ XX, khi nghiên cứu đã trở thành tâm điểm quan trọng của các viện đại học lớn và văn bản in trở thành phương pháp chủ đạo để truyền đạt tới đại chúng, sự nhấn mạnh vào diễn thuyết đã mờ nhạt, đặc biệt là tại Hoa Kỳ. Ở Anh, nói trước công chúng vẫn nổi bật trong truyền thống đọc và ngâm thơ, tranh luận và diễn thuyết. Trung tâm của đời sống chính trị ở nước Anh là Hạ viện (House of Commons), một nơi mà khả năng giao tranh bằng ngôn từ sẽ giành được sự chú ý của các bạn đồng viện. Đó là lý do tại sao lời nói của rất nhiều người Anh nghe có vẻ thông minh sắc bén, rành mạch và dí dỏm – không phải chỉ là giọng điệu. Truyền hình và video kỹ thuật số ngày càng phổ biến khiến việc nói trôi chảy trở nên hữu ích, thậm chí thiết yếu. Trong việc giao tiếp bất kể trong riêng tư hay trước công chúng, khả năng diễn đạt rõ ràng các suy nghĩ của bạn sẽ là một sức mạnh to lớn. Dù ý tưởng của bạn có hay đến đâu chăng nữa, bạn phải có khả năng thuyết phục kẻ khác ủng hộ nó.
Có một phương pháp học tập liên quan đến vấn đề này mà trải qua các thời đại lắm khi nó đã được xem như là một trò vui chơi thuần tuý, đó là đàm thoại. Cựu hiệu trưởng Đại học Yale, A. Whitney Griswold, đã viết: “Đàm thoại là hình thức giáo dục lâu đời nhất của nhân loại”5 và ông xác định nó là “nghệ thuật sáng tạo tuyệt vời, trong đó con người chuyển dịch cảm xúc vào lý trí và chia sẻ với người đồng loại của mình những suy nghĩ tận đáy lòng và những lý tưởng đã tạo thành nền văn minh”. Nhà khoa học và triết học Alfred North Whitehead một lần đã thú nhận rằng: “Ngoài kiến thức sách vở cần thiết cho việc đào tạo nghề nghiệp của chúng tôi,6 tôi nghĩ rằng phần lớn việc phát triển của tôi xuất phát từ các cuộc trò chuyện hữu ích mà tôi luôn luôn được may mắn tham dự.” Đây có lẽ là cái nhìn sâu sắc đã thúc đẩy việc thành lập “văn phòng không có vách ngăn” nhằm khuyến khích các cuộc họp mặt, trò chuyện và đàm thoại suốt cả ngày làm việc. Về phần tôi, tôi đã thấy rằng việc phỏng vấn người khác, trao đổi quan điểm với người ngang hàng và bạn bè, tranh luận tại các cuộc họp toà soạn là điều thiết yếu cho việc học tập.
Điều đó làm tôi nhận ra ưu điểm lớn thứ ba của một nền giáo dục khai phóng: nó dạy bạn cách học tập. Giờ đây tôi nhận ra rằng những gì tôi đạt được ở đại học và sau đại học, bền vững hơn nhiều so với bất kỳ tập hợp sự kiện hoặc một mảng kiến thức cụ thể nào, đó là nhờ tôi biết cách làm thế nào để tự mình tiếp thu kiến thức. Tôi đã học được cách làm thế nào để đọc kỹ lưỡng một bài luận văn, tìm kiếm các nguồn thông tin mới, tìm dữ liệu để chứng minh hoặc bác bỏ một giả thuyết, phát hiện những định kiến của tác giả. Tôi đã học được cách đọc một cuốn sách thật nhanh mà vẫn hiểu nội dung cốt yếu của nó. Tôi đã học cách đặt câu hỏi, trình bày một quan điểm đối lập, ghi chép và ngày nay tôi biết theo dõi các bài phát biểu, bài giảng và các cuộc phỏng vấn khi chúng đang phát trực tuyến liên tục trên máy tính của tôi. Và điều quan trọng nhất là tôi đã hiểu được rằng việc học là một niềm vui, một cuộc phiêu lưu khám phá tuyệt vời.
Dù bạn làm bất cứ nghề gì, các đề tài cụ thể mà bạn đã học ở đại học có thể sẽ có phần không liên quan đến công việc hằng ngày mà bạn sẽ làm ngay sau khi tốt nghiệp. Và thậm chí nếu chúng có liên quan, cái đó cũng sẽ thay đổi. Những người học viết mã nguồn cho máy tính chỉ cách đây mười năm trước bây giờ đối diện với một thế giới mới của các ứng dụng và thiết bị di động. Những kỹ năng bạn thu nhận được và những phương pháp bạn học để tiếp cận vấn đề mới là điều bất biến. Vì ngày nay, các ngành nghề đang phát triển một cách quá nhanh chóng, bạn sẽ luôn luôn cần phải áp dụng những kỹ năng để đối mặt với những thách thức mới. Học tập và tái học tập, trang bị và tái trang bị công cụ là vấn đề then chốt trong nền kinh tế hiện đại. Drew Faust, Hiệu trưởng Đại học Harvard, đã chỉ ra rằng một nền giáo dục khai phóng cung cấp cho người ta những kỹ năng “sẽ giúp họ chuẩn bị sẵn sàng cho công việc thứ sáu, chứ không phải công việc đầu tiên của họ.”7
Có lẽ bạn cũng cần phải thử nghiệm với nhiều loại trí thông minh chứ không chỉ là một. Howard Gardner, một nhà tâm lý học phát triển và chuyên gia về giáo dục8 đã chứng minh có ít nhất tám loại trí thông minh: ngôn ngữ, logic- toán học, không gian, âm nhạc, vận động, thiên nhiên, nội tâm và giao tiếp. Để được chuẩn bị đúng cách cho thế giới ngày nay, sinh viên phải trải nghiệm nhiều phương pháp học có lợi cho những trí thông minh khác nhau. Hệ thống giáo dục đại học linh hoạt và cởi mở của Mỹ họ phép thực hiện loại thử nghiệm này. Điều này là lý do khiến Gardner viết: “Có một câu nói đùa trong ngành của tôi rằng người ta nên đi nhà trẻ ở Pháp, học mẫu giáo ở Ý, tiểu học ở Nhật Bản, trung học ở Đức và đại học tại Hoa Kỳ.”9
Thomas Cech, nhà hóa học đoạt giải Nobel, tốt nghiệp trường Grinnell College – một trường đại học giảng dạy các môn khai phóng cổ điển – lấy ví dụ trong thể thao để minh họa cho một nhận định tương tự.10 Cũng giống như các vận động viên thực hiện các bài tập không liên quan đến môn thể thao của riêng mình, sinh viên nên nghiên cứu các lĩnh vực bên ngoài phạm vi học tập trọng tâm của họ. Cech viết: “Việc rèn luyện chéo có thể tập luyện các nhóm cơ bắp chính một cách hiệu quả hơn so với việc dành cùng một lượng thời gian để tập luyện môn thể thao theo sở thích. Tương tự như vậy, một nền giáo dục dạy các môn khai phóng khuyến khích các nhà khoa học cải thiện “lợi thế cạnh tranh” của họ nhờ sự đào tạo chéo trong các môn nhân văn hay nghệ thuật. Việc đào tạo chéo về học thuật như thế sẽ phát triển khả năng của sinh viên trong việc thu thập thông tin và tổ chức sự kiện, ý kiến, để phân tích và cân nhắc giá trị của chúng và diễn đạt rõ ràng mạch lạc một lập luận. Việc đào tạo như thế còn có thể phát triển những kỹ năng này một cách hiệu quả hơn so với việc viết thêm một bản báo cáo thí nghiệm.”
Gardner biện luận rằng trong tương lai sinh viên sẽ còn tập trung hơn nữa vào các phương thức tư duy.11 Nghĩ cho cùng, với những sự kiện chỉ cần tìm kiếm trên Google, tại sao não phải nhớ chúng? Ông lưu ý rằng cách tư duy tốt nhất thường xuất hiện khi các ý tưởng, các lĩnh vực, các ngành học va chạm nhau trong một bối cảnh mà các nền văn hóa cọ xát nhau. Cũng trong chiều hướng đó, ông bác bỏ – còn mạnh mẽ hơn tôi nữa – cách tiếp cận theo kiểu học kiệt tác. Trọng tâm của giáo dục, theo quan điểm của ông,12 không phải là để tích trữ các thứ đồ đạc cổ xưa trong đầu sinh viên mà là để giúp họ đạt được các kỹ năng trí tuệ mà họ cần đến để làm ra những bộ bàn ghế của riêng mình. Ông ủng hộ một chương trình giảng dạy cho sinh viên tiếp cận với những cách tư duy khác nhau: theo quan sát, theo phân tích, theo quan điểm thẩm mĩ, theo định hướng nhóm, v.v. (điều này rất giống chương trình tại đại học Yale-NUS). Ngày nay người ta thấy một chương trình giảng dạy như thế mang lại kết quả. Dựa trên kiến thức về tâm lý học và thần kinh học, Gardner khẳng định rằng “thiết kế nền giáo dục theo lối cũ và bỏ qua những gì chúng ta hiểu về cách trí óc xây dựng và tái dựng kiến thức thì sẽ là một việc làm sai lầm.”13
Công nghệ và kỹ thuật đã có những cuộc thăm dò phi thường để khám phá các ý tưởng và suy nghĩ; điều này lắm khi bị mất đi vì chúng được ứng dụng vào thế giới thực tế. Hai ngành này rất hấp dẫn về mặt khoa học, cho dù chúng có làm cho bạn giàu có hay không. Tôi nhớ mình đã sửng sốt ngạc nhiên thế nào khi lần đầu tiên nhìn thấy các máy vi tính ở Ấn Độ vào thập niên 1970, nhưng tôi không hề ý thức rằng chúng sẽ mở ra những ngành công nghiệp mới mẻ, đầy thuận lợi. Trong thời đó, cách lập trình máy tính tôi học bao gồm việc sử dụng thẻ đục lỗ và nắm vững FORTRAN, một ngôn ngữ đã chết từ lâu. Ngay cả trong định dạng cồng kềnh đó, hiển nhiên máy có sức mạnh khủng khiếp. Biết được một điều mới mẻ như thế cũng thật là vui. Ngày nay máy tính đã làm thay đổi thế giới theo những cách cực kỳ rõ rệt. Nhưng với số tiền lớn lao chúng mang về, chúng ta có thể dễ dàng quên đi niềm vui trí tuệ chúng có thể cung cấp. Dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán di động có thể đưa đến việc thành lập những công ty vĩ đại mới, nhưng chúng cũng đưa chúng ta vào những lĩnh vực kiến thức trước đây chưa hề đặt chân tới. Và bất kể điều ấy có làm cho ai đó trở thành tỉ phú hay không, nó vẫn là một cuộc hành trình trí tuệ ly kỳ hấp dẫn, đặt ra những câu hỏi sâu sắc về bản chất của trí óc – xét trên mặt nào đó, đây là sự trở về với ý tưởng xem khoa học là một phân nhánh của triết học.
Bản thân các kỹ năng kỹ thuật đã là một biểu hiện tuyệt vời của tài khéo léo của con người. Nhưng ta không cần ca ngợi chúng bằng cách hạ thấp các môn nhân văn như ta đang làm ngày nay. Kỹ thuật không tốt hơn lịch sử nghệ thuật. Xã hội cần cả hai, lắm khi kết hợp với nhau. Khi ra mắt một phiên bản mới của iPad, Steve Jobs giải thích rằng “từ lâu, Apple vốn đã quan niệm rằng ‘chỉ công nghệ thôi chưa đủ’.14 Chính sự kết hợp hài hòa của công nghệ với các môn học khai phóng, các môn nhân văn đã tạo ra thành quả làm chúng tôi cảm thấy nức lòng và hân hoan.”
Sự kết hợp đó không chỉ là vấn đề thêm thiết kế vào công nghệ. Hãy xem xét trường hợp của Facebook. Mark Zuckerberg là một sinh viên theo học các môn khai phóng cổ điển và say mê máy tính một cách tình cờ. Anh học chuyên tiếng Hy Lạp cổ đại ở trường trung học và học chuyên khoa tâm lý khi vào đại học.15 Những điều chủ yếu khiến Facebook trở thành gã khổng lồ như ngày nay có liên quan nhiều đến tâm lý học chẳng kém gì công nghệ. Trong các buổi phỏng vấn và nói chuyện, Zuckerberg đã thường xuyên lưu ý rằng trước khi Facebook được thành lập, phần đông người ta ẩn danh khi lên Internet. Internet là một vùng đất ẩn danh. Những hiểu biết sáng suốt của Facebook là bạn có thể tạo ra một nền văn hóa của những danh tính thật sự, nơi mà mọi người sẽ tự do giới thiệu bản thân với bạn bè, và điều này sẽ trở thành một nền tảng để ‘biến thân’. Tất nhiên, Zuckerberg hiểu máy tính sâu sắc và bây giờ sử dụng những nhà lập trình tài giỏi để thực hiện các ý tưởng của mình, nhưng sự hiểu biết về tâm lý con người là chìa khóa thành công của anh. Nói như anh, Facebook là “tâm lý học và xã hội học chiếm phần ngang bằng công nghệ”.16
Trong ngành kinh doanh ngày nay, công nghệ và giáo dục khai phóng gắn liền với nhau. Hai mươi năm trước đây, có thể các công ty công nghệ đã tồn tại đơn thuần như là những nhà chế tạo các sản phẩm công nghiệp. Ngày nay họ phải ở vào giai đoạn phát triển hiện đại nhất của ngành thiết kế, tiếp thị và truyền thông. Nhiều công ty khác cũng chú ý nhiều đến các lĩnh vực này, kể từ khi việc sản xuất ngày càng được thương mại hoá. Bạn có thể làm ra một chiếc giày thể thao có chất lượng tốt giống như ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng bạn không thể bán nó với giá ba trăm đô la, trừ khi bạn dựng lên được một câu chuyện xung quanh nó. Điều này cũng đúng cho xe hơi, quần áo, và cà phê. Giá trị gia tăng nhờ thương hiệu – nó được tưởng tượng ra sao, được giới thiệu, bán và duy trì như thế nào. Bruce Nussbaum, một chuyên gia về sáng tạo, đã viết trong một bài tiểu luận năm 2005 trên báo Businessweek rằng “nền kinh tế tri thức như chúng ta biết đang bị lu mờ bởi một cái mới – nền kinh tế sáng tạo17... Những gì trước đây là trọng tâm đối với các tập đoàn – giá cả, chất lượng, phần lớn công việc phân tích số hóa thuộc phần não bên trái kết hợp với kiến thức – đang được đẩy cho những người Trung Quốc và Ấn Độ có học vấn, hưởng lương thấp, cũng như những người Hungary, Séc, và Nga. Năng lực cốt lõi mới càng ngày càng gia tăng là óc sáng tạo – thứ thuộc phần não bên phải mà những công ty thông minh đang khai thác để tạo ra tăng trưởng thu nhập.... Vấn đề không còn là toán học và khoa học nữa. Đó là óc sáng tạo, trí tưởng tượng, và trên hết là sự đổi mới.”
David Autor, nhà kinh tế học tại Viện Công nghệ Massachusetts, là người nghiên cứu kỹ nhất tác động của công nghệ và toàn cầu hóa lên việc làm,18 viết rằng “những công việc dễ điện toán hóa nhất chính là những việc tiến hành theo thủ tục rõ ràng dứt khoát và có thể lập trình – như phép tính nhân – ngày nay đã được máy tính xử lý vượt xa sức lao động của con người về tốc độ, chất lượng, độ chính xác và hiệu quả chi phí. Những công việc khó điện toán hóa nhất là những việc đòi hỏi sự linh hoạt, óc phán đoán và nhận thức đúng đắn – những kỹ năng mà chúng ta chỉ ngầm hiểu – chẳng hạn như trình bày một giả thuyết hoặc sắp xếp một tủ quần áo. Trong những công việc này, máy tính lắm khi không tinh vi bằng trẻ em tuổi mầm non.” Điều này hoàn toàn không phải là coi thường nhu cầu đào tạo về công nghệ – thực sự là tương lai của mọi công việc – nhưng nó cho thấy khi chúng ta làm việc với máy vi tính, các kỹ năng quý giá nhất sẽ là những kỹ năng duy nhất chỉ có ở con người và máy tính chưa hoàn toàn có thể nghĩ ra được.
Autor chia thị trường việc làm thành ba lớp cắt. Bài viết trên báo Fast Company đã tóm tắt nghiên cứu của ông theo một cách thú vị.19 “Ở lớp dưới cùng của thị trường, số lượng việc làm trong khu vực dịch vụ ngày càng tăng và đòi hỏi phải thực hành tương tác trong môi trường không thể đoán trước như lái xe buýt, nấu ăn, chăm sóc trẻ em hoặc người già. Đây là những thao tác tự mình phải thực hiện hoặc không thể được thay thế bằng công nghệ,” bài báo nhấn mạnh. Lớp giữa bao gồm những việc làm của nhân viên văn phòng, thực hiện đều đặn thành thói quen. Chúng bao gồm việc xử lý thông tin, điền biểu mẫu, tìm hiểu thực tế, nhập dữ liệu và phân tích dữ liệu đơn giản. Đây là những công việc văn phòng trong các ngành bảo hiểm, ngân hàng và pháp luật, và chúng đang ngày càng được thực hiện tốt hơn bằng máy tính. “Phần trên cùng của thị trường là những công việc mà mọi người mong muốn. Bạn thử đoán xem là những công việc gì nào?” – bài báo nói một cách có lẽ còn lạc quan hơn cả chính Autor. “Đây là những công việc mà các sinh viên tốt nghiệp trong hệ thống giáo dục của Mỹ được chuẩn bị để tốt để đảm nhận. Chúng đòi hỏi óc sáng tạo, các kỹ năng giải quyết vấn đề, ra quyết định, tranh luận có sức thuyết phục, khả năng quản lý hiệu quả.” Vinod Khosla, một nhà đầu tư mạo hiểm ở Silicon Valley,20 lập luận rằng ngành học máy (machine learning) sẽ thay thế nhiều công việc làm của con người, nhưng cho dù thế ông vẫn tin rằng công việc liên quan đến tài sáng tạo phức tạp, trí tuệ cảm xúc và những lời đánh giá sẽ tiếp tục được thực hiện bởi con người.
Rồi lại còn có ngành công nghiệp ảnh hưởng lớn nhất ở Hoa Kỳ – ngành giải trí, một trong những khu vực tăng trưởng toàn cầu lớn nhất. Một báo cáo về công nghiệp năm 2012 tựa đề The Sky Is Rising (Bầu trời đang dâng cao) trình bày những dữ liệu cho thấy rằng toàn bộ các doanh nghiệp liên quan đến giải trí đã duy trì được đà đi lên, vượt qua những thời kỳ suy thoái và phục hồi.21 Trong khoảng từ năm 1995 đến năm 2009, số lượng phim truyện sản xuất trên toàn thế giới tăng hơn bốn lần. Giữa năm 2008 và 2011, số người Mỹ chơi trò chơi video tăng khoảng 2,5 lần. Ngay cả trong ngành xuất bản sách, doanh thu tăng 5,6% giữa những năm kinh tế suy thoái từ 2008 đến 2010. Âm nhạc và truyền hình cũng vậy – tất cả mọi thứ trong lĩnh vực này đều tăng. Đây là một ngành công nghiệp mang lại công việc cho hàng triệu người khắp nơi trên thế giới, tiếp tục phát triển làm phong phú thêm các nền kinh tế và văn hoá. Và phần quan trọng nhất của nó là những câu chuyện, hình ảnh, ngôn từ và các bài hát. Lắm khi các yếu tố nghệ thuật này được tô điểm thêm nhờ công nghệ như trong các phim The Lord of the Rings và Frozen. Bất kể các bộ phim này được thực hiện như thế nào, điều rõ ràng là ngành giải trí nhiều khi đòi hỏi một quá trình đào tạo và sự tinh thông một hay nhiều môn học khai phóng.
Như thế thì các môn viết văn, âm nhạc, thiết kế và nghệ thuật có một giá trị. Còn môn lịch sử nghệ thuật thì sao? Đâu là câu đáp hay nhất để trả lời tổng thống Obama và rất nhiều người khác đang lo lắng cho mục đích của một học vị về các môn học có vẻ mơ hồ như lịch sử nghệ thuật và nhân chủng học? Công bằng mà nói, điều Tổng thống nhấn mạnh là nhắm vào hàng triệu người Mỹ đang muốn có một loại hình đào tạo dựa trên kỹ năng hơn là một nền giáo dục khai phóng. Có lẽ những người này tốt hơn nên học một kỹ năng kỹ thuật cụ thể thay vì đăng ký vào một chuyên ngành nghe có vẻ là nơi chuẩn bị nghề nghiệp như “kinh doanh”. Nhưng đối với những người nhận thấy niềm đam mê của họ là lịch sử nghệ thuật hoặc nhân chủng học và theo học chúng một cách nghiêm túc thì họ sẽ nhận được những phần thưởng thực sự khi tiếp xúc với thế giới ngoài đời. Cả hai lĩnh vực đó lắm khi đòi hỏi việc nghiên cứu chuyên sâu một số ngôn ngữ và văn hoá, kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài, khiếu thẩm mỹ và khả năng thích nghi với môi trường hay văn hoá. Đa số những kỹ năng này có thể hữu ích trong một số ngành nghề vào thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Chúng buộc bạn phải nhìn người và vật từ nhiều quan điểm. Như công trình nghiên cứu của Howard Gardner chứng tỏ, hình thức trải nghiệm này rèn luyện nhiều loại trí thông minh, biến bạn thành một người có tinh thần sáng tạo và nhạy cảm hơn.
Hãy xem xét kinh nghiệm của Tiến sĩ Irwin Braverman ở Trường Y khoa Yale.22 Năm 1998, khi ông giảng dạy các sinh viên y khoa trẻ tuổi nội trú tại một bệnh viện trực thuộc, tiến sĩ Braverman phát hiện ra rằng họ yếu kém về óc quan sát và khả năng chẩn đoán. Giải pháp mới của ông là dẫn họ đến một phòng trưng bày tranh. Ông hợp tác với Linda Friedlander, người quản lý của Trung tâm Mỹ thuật Anh quốc tại Đại học Yale, để thiết kế một lớp học hướng dẫn trực quan cho một trăm sinh viên. Hai ông yêu cầu các sinh viên xem kỹ các bức tranh, buộc họ phải bóc tách nhiều lớp chi tiết và ý nghĩa trong một tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Braverman thấy rằng, sau khi học xong sinh viên thực hiện việc chẩn đoán chính xác hơn một cách rõ rệt đến nỗi hai mươi trường y khác đã theo gương của ông.
Tuy rằng điều này có vẻ là ý tưởng ngông nghênh của một vị giáo sư, nhưng chúng ta có những dữ liệu để ủng hộ giá trị của cách tư duy đa diện, đa chiều trong lực lượng lao động. Trong năm 2013, Hiệp hội các trường và đại học Mỹ công bố một cuộc khảo sát cho thấy 74% nhà tuyển dụng khuyến cáo nên giảng dạy một nền giáo dục khai phóng đúng nghĩa cho sinh viên23 và xem đó là cách tốt nhất để chuẩn bị cho nền kinh tế toàn cầu ngày nay. Khi sinh viên tốt nghiệp, những người có bằng cấp ngành kỹ thuật khởi đầu với mức lương cao hơn – đúng như họ đáng hưởng, vì họ sở hữu một vốn kỹ năng rõ rệt có thể áp dụng ngay trong công ty. Nhưng qua thời gian, khoảng cách chênh lệch về lương tiền giữa các kỹ sư và các chuyên gia khác thu hẹp lại, đặc biệt đối với các sinh viên theo học giáo dục khai phóng, những người tiếp tục làm việc để đạt trình độ chuyên nghiệp. Trong thực tế, một nghiên cứu gần đây24 cho thấy sinh viên xuất thân từ một số trường đại học giảng dạy các môn khai phóng có nhiều năng lực hơn để lấy bằng tiến sĩ về khoa học so với các bạn đồng lứa tuổi tại các cơ sở giáo dục đại học khác; điều này có lẽ là do họ có óc tò mò nhiều hơn và có khả năng nhạy bén hơn để thưởng thức cuộc phiêu lưu học thuật. Như tôi đã nói, một nền giáo dục khai phóng có thể khuyến khích học sinh quan tâm đến các môn khoa học vì giá trị trí tuệ nội tại của chúng chứ không phải vì giá trị của chúng trên thị trường. Qua thời gian, điều này có thể có những thành quả riêng của nó về mặt nghiên cứu cơ bản và thúc đẩy khoa học tiến lên.
Norman Augustine (cựu giám đốc điều hành tập đoàn Lockheed Martin) nhấn mạnh tầm quan trọng của cả hai kỹ năng khoa học và nhân văn:
Vậy thì ngành kinh doanh cần những gì ở hệ thống giáo dục của chúng ta?25 Một câu trả lời là nó cần thêm nhiều nhân viên xuất sắc về khoa học và kỹ thuật... Nhưng đó chỉ là khởi đầu; người ta không thể sống chỉ bằng các phương trình. Nhu cầu ngày càng tăng là phải có những người lao động có kỹ năng ngoại ngữ tốt hơn và một kiến thức rộng hơn về kinh tế, lịch sử và địa lý. Và liệu có ai muốn một nền kinh tế dựa trên công nghệ khi những người lèo lái nó không được đào tạo căn bản trong các lĩnh vực như đạo đức?...
Khi phải đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc đời, chẳng phải sẽ tốt hơn nếu các nhà lãnh đạo, nhân viên chính phủ, nhân viên doanh nghiệp của chúng ta hiểu tư tưởng của các triết gia vĩ đại trên thế giới và những tình huống nan giải đầy khiêu khích trong các danh tác của các nhà văn và nhà viết kịch lừng lẫy hay sao? Tôi tin rằng câu trả lời sẽ là một từ “đúng” vang dội.
Tương tự như vậy, Edgar Bronfman, cựu giám đốc điều hành của Seagram, đã đưa ra một lời khuyên cho các sinh viên tìm cách để thành công trong kinh doanh:
Các bạn hãy lấy cho được một bằng cấp về các môn học khai phóng.26 Theo kinh nghiệm của tôi, một bằng cấp về các môn khai phóng là yếu tố quan trọng nhất trong việc đào tạo các cá nhân thành những con người thú vị, có khả năng xác định con đường riêng của mình trong tương lai.
Đối với mọi quyết định mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ sẽ phải đưa ra, dựa trên những sự kiện thực tế, những nhu cầu và mong muốn, những con số và việc ước đoán, tất cả những lựa chọn này sẽ đòi hỏi một kỹ năng chung: Đó là làm thế nào để đánh giá những thông tin chưa xử lý – cho dù nguồn thông tin đó là từ con người hoặc từ một bảng tính – rồi đưa ra những quyết định có suy xét và phản biện.
Tuy nhiên, một vài trích dẫn điển hình về quan điểm của các vị giám đốc điều hành vẫn chỉ là bằng chứng lẻ tẻ. Cái nhìn toàn cảnh cho chúng ta biết được điều gì về đấu trường rộng lớn của sự cạnh tranh kinh tế toàn cầu? Giáo dục khai phóng liệu có thể chống chọi nổi với cách giảng dạy khoa học và công nghệ mà các quốc gia châu Á đã tinh chỉnh?
Trong năm 2013, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD công bố kết quả cuộc khảo sát lần đầu tiên được về kỹ năng người trưởng thành cần có để làm việc trong nền kinh tế hiện đại.27 Ba lĩnh vực được khảo sát là: khả năng đọc viết, làm toán và công nghệ. Hoa Kỳ đạt thành tích quá tệ: khả năng đọc viết và trình độ công nghệ dưới mức trung bình của OECD, khả năng làm toán xếp thứ ba tính từ cuối bảng lên. Bài kiểm định được thiết kế để đánh giá kỹ năng giải quyết vấn đề, chứ không phải khả năng ghi nhớ thuộc lòng. Chẳng hạn, bài kiểm tra về công nghệ yêu cầu mọi người sắp xếp các file máy tính vào thư mục. Điều đáng lo ngại nhất là về tính toán và trình độ công nghệ, người Mỹ trẻ tuổi, từ 16 đến 24, xếp hạng chót.
Điều này không có gì khó hiểu với khả năng trí tuệ (hoặc tình trạng thiếu khả năng trí tuệ) mà người Mỹ thể hiện trong những năm đầu đời. Kể từ năm 2000, OECD cứ cách ba năm một lần đã thực hiện một cuộc trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa về khoa học, toán học và khả năng đọc dành cho những trẻ 15 tuổi. Phiên bản trắc nghiệm gần đây nhất28 – gọi là Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế – được tiến hành vào năm 2012 và nó cho thấy trong số 34 thành viên của OECD, Hoa Kỳ được xếp hạng về toán học, khoa học và môn đọc lần lượt theo thứ tự tương ứng là 27, 20, 17. Nếu tính trung bình cả ba môn, Hoa Kỳ đứng thứ 21 trong bảng xếp hạng, trên các quốc gia như Cộng hoà Séc, Ba Lan, Slovenia và Estonia.
Nhưng có một điều khó hiểu. Hoa Kỳ chưa từng đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế.29 Năm 1964, Hội thảo Nghiên cứu Toán học Quốc tế lần thứ nhất được tổ chức cho học sinh 13 tuổi trong 12 quốc gia. Tính trung bình, trẻ em 13 tuổi ở Mỹ đã đạt điểm thấp hơn đáng kể so với các em tham dự của 9 quốc gia khác.30 Chỉ có một nước khác có kết quả tệ hơn. Trong những năm 1970 và 1980, các kỳ khảo sát khả năng toán học và khoa học tiếp tục cho thấy học sinh Mỹ thua các bạn quốc tế cùng lứa tuổi. Mặc dù không phải luôn luôn ở dưới cùng của bảng xếp hạng, Hoa Kỳ đã hiếm khi vượt xa top giữa. Trong kỳ đánh giá cùng loại gần đây nhất gọi là Khảo sát Xu hướng trong Toán học Quốc tế và Nghiên cứu Khoa học TIMSS được tiến hành vào năm 2011,31 học sinh Mỹ đã đạt thành tích tốt hơn nhiều. Trong số 50 hệ thống giáo dục được kiểm tra xét trên trình độ lớp 4, Hoa Kỳ đứng thứ 11 và 7 theo thứ tự tương ứng về môn toán và môn khoa học. Trong số 42 hệ thống giáo dục được đánh giá xét trên trình độ lớp 8, Hoa Kỳ đứng thứ 9 và thứ 10 về môn toán và khoa học. Tuy nhiên, trong các kỳ TIMSS này, các bài sát hạch không liên quan nhiều đến việc giải quyết vấn đề về khái niệm mà chỉ là việc lặp lại tài liệu đã học.
Nhìn chung, các điểm số kiểm định của Mỹ là đáng thất vọng, đặc biệt là khi tính theo bình quân đầu người Mỹ đã chi cho giáo dục nhiều hơn so với đa số các nước khác.32 Nhưng người ta giải thích sự thành công của đất nước này trong năm thập kỷ qua như thế nào đây? Và làm thế nào để hiểu được lý do tại sao học sinh các nước châu Á thường đứng đầu bảng xếp hạng trong các kỳ kiểm định quốc tế nhưng các quốc gia này không tạo ra những nhà khoa học, doanh nhân, nhà phát minh, nhà soạn nhạc và doanh nhân có tinh thần sáng tạo nhất thế giới? Tất nhiên các nước có điểm cao ở châu Á thể hiện tốt về mặt kinh tế nhưng cho đến nay, về mặt đổi mới họ chẳng làm nên được điều gì đặc biệt.
Cách đây nhiều năm, tôi đã có một lần trò chuyện về tất cả mọi chuyện này với vị Bộ trưởng Giáo dục Singapore vào thời điểm đó là ông Tharman Shanmugaratnam. Singapore là quốc gia đáng để chúng ta xem xét vì nó nằm trong số các quốc gia đạt thành tích đầu bảng trong các bài kiểm định quốc tế. Hơn nữa, nó đang tích cực tìm cách đẩy mạnh tính sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp trong số các sinh viên đạt những điểm số cao nhất đó. Shanmugaratnam nói: “Cả hai nước chúng ta đều có chế độ nhân tài.33 Quý vị có chế độ nhân tài tài năng, phía chúng tôi là chế độ nhân tài thi cử. Trí tuệ của con người có những khả năng mà chúng ta không thể kiểm tra chính xác, như tính sáng tạo, óc tò mò, óc phiêu lưu, tham vọng. Trên hết, nước Mỹ có một nền văn hóa học tập thách thức trí tuệ thông thường, thậm chí nó còn có ý thách thức quyền lực. Đây là những lĩnh vực mà Singapore phải học hỏi từ Mỹ.”
Đó là lý do tại sao quốc gia này thành lập Yale-NUS College để giảng dạy các môn khai phóng và các ngành khoa học. Nhưng không chỉ Singapore mới cảm thấy như vậy.34 Hàn Quốc, nước luôn luôn chiếm thứ hạng hàng đầu trong các kỳ thi quốc tế, hiện đang đầu tư lớn cho giáo dục khai phóng. Đại học Quốc gia Seoul và Đại học Yonsei đã mở rộng việc giảng dạy với các môn học khai phóng. Nhật Bản đã làm điều tương tự tại Đại học Tokyo, và trong năm 2004, Đại học Waseda mở một Trường Khai phóng Quốc tế (School of International Liberal Studies), tuy rằng những nỗ lực này vẫn chưa mang lại kết quả đáng kể. Ấn Độ có truyền thống lâu đời về các trường, viện đại học giảng dạy các môn học khai phóng, trong đó có nhiều trường được thành lập từ thời kỳ thuộc địa Anh và một số trường sau khi độc lập, như Đại học Jawaharlal Nehru. Nhưng không trường nào trong số các cơ sở này có uy tín như các trường kỹ thuật trong nước. Hơn nữa, tất cả các trường đều được điều hành theo cách quan liêu của chính phủ hiện nay. Muốn cải tổ hệ thống cũ, trong những năm gần đây, nhiều doanh nhân nổi tiếng của Ấn Độ đã thành lập những cơ sở đại học mới hướng về các môn học khai phóng, chẳng hạn như Đại học Azim Premji và Mahindra United World College. Ngoài ra, cả hai viện đại học Ashoka và Nalanda đều chào đón lớp sinh viên đầu tiên vào năm 2014 và quay trở lại với di sản cổ xưa của Ấn Độ về triết học, văn học, khoa học và đạo đức nhưng giảng dạy các môn khai phóng và khoa học dưới một hình thức hiện đại.
Khi xem xét các nước có tinh thần đổi mới cao nhất trên thế giới ngày nay ngoài Hoa Kỳ, ở châu Âu người ta thường nghe nói về Thuỵ Điển. Nước này dường như có đủ tất cả các công ty công nghệ mới nằm ngoài Silicon Valley. Và còn có Israel, đất nước là đề tài cho cuốn sách hấp dẫn QuốcgiaKhởi nghiệp của Dan Senor và Saul Singer, mô tả chi tiết khu vực công nghệ cao của nước này. Có đủ bằng chứng để khẳng định cho ấn tượng nghe như giai thoại này. Israel thực sự đứng đầu thế giới về tỉ lệ vốn đầu tư mạo hiểm35 trên GDP. Hoa Kỳ đứng thứ hai và Thuỵ Điển đứng hàng thứ sáu – trước Vương quốc Anh và Đức. Thước đo Bloomberg năm 2014 về mật độ công nghệ, tức là số lượng các công ty công nghệ cao trong tổng số các công ty niêm yết công khai, cũng đưa ra một nhận định tương tự.36 Hoa Kỳ đứng hạng nhất, Thuỵ Điển đứng thứ năm và Israel thứ mười. Israel cũng đứng đầu về chi phí dành cho Nghiên cứu và Phát triển trong GDP, trong khi đó Thụy Điển đứng thứ tư và Hoa Kỳ thứ mười.
Điểm nổi bật về cả ba quốc gia là không quốc gia nào trong số đó đạt thành tích xuất sắc trong các bảng xếp hạng PISA. Thuỵ Điển và Israel thậm chí còn tệ hơn Hoa Kỳ trong bảng đánh giá năm 2012.37 Với điểm trung bình của ba môn, hai nước này đứng hạng 28 và 29 theo thứ tự tương ứng, trong số 34 bốn thành viên của OECD. Ngoài các điểm kém trong các bài kiểm tra, họ có điểm chung nào có thể giải thích sự thành công thực tế của họ? Có vài đặc điểm nổi bật. Trong cả ba nơi, văn hóa làm việc đều căn cứ trên tài năng và không phân biệt đẳng cấp. Cả ba nước hoạt động như các quốc gia “trẻ”, tích cực và năng động. Cả ba đều là những xã hội cởi mở, vui vẻ đón nhận những ý tưởng, hàng hóa và dịch vụ của thế giới. Và cuối cùng, cả ba đều là những nơi mà con người cảm thấy tự tin – một đặc tính thực sự có thể đo lường được. Các bảng kiểm định PISA không chỉ đơn giản là để đánh giá kỹ năng của học sinh;38 chúng còn hỏi các em những câu hỏi để xác định mức độ tự tin của chúng – hay mức độ “tự nhận thức bản thân” theo cách nói chuyên ngành. Chẳng hạn về môn toán, học sinh được hỏi các em nhận thấy mình giỏi ở mức độ nào. Mặc dù học sinh Mỹ được xếp hạng thứ 27 và học sinh Israel thứ 30 trong môn khảo sát, tất cả các em này lại đứng đầu bảng về niềm tin vào khả năng của chính mình. Thuỵ Điển xếp hạng 7, mặc dù thứ hạng môn toán thực tế của nó là 28.
Tôi nhớ lần đầu tiên đọc thấy sự chênh lệch giữa thành tích và lòng tự tin là vào những năm đầu thập niên 1990. William Bennett, từng là bộ trưởng giáo dục dưới thời tổng thống Ronald Reagan, hóm hỉnh mô tả những kết quả tương tự: “Đất nước này dạy lòng tự tôn giỏi hơn rất nhiều so với việc giảng dạy toán học.”39 Đó là một câu nói hài hước, nhưng suy đi tính lại, thực sự trong thái độ tự tin can đảm của các học sinh Mỹ, Thuỵ Điển và Israel có chứa đựng một sức mạnh. Sức mạnh ấy cho phép các em thách thức các bậc đàn anh, thành lập các công ty, kiên định khi những người khác nghĩ rằng họ sai lầm và đứng lên khi họ thất bại. Mặc dù sự tự tin quá đáng có nguy cơ trở thành ảo tưởng, nét đặc biệt này là một thành phần thiết yếu cho tài kinh doanh. Trong cuốn sách TheTriplePackage (Bộ ba hành trang),40 Amy Chua và Jed Rubenfeld cho rằng các nhóm thiểu số thành công đều có một sự kết hợp kỳ lạ sự bất an với lòng tự tin. Khi chúng ta nghĩ đến nỗi lo canh cánh của người Mỹ về tình trạng suy đồi của nước này hoặc nỗi sợ hãi của người Israel về sự tồn vong của đất nước, rồi sau đó kết hợp những nỗi lo này với thái độ ra vẻ tự tin mà người dân của nó bộc lộ, có lẽ chúng ta sẽ thấy hiện tượng giống nhau hiện ra rõ nét hơn.
Mối quan hệ giữa các điểm số kiểm định giáo dục và thành tích kinh tế là một đề tài gây nhiều tranh cãi (và đã cuốn theo cuộc tranh luận về cải cách giáo dục). Một số chuyên gia nhận thấy không có mối tương quan nào cả,41 trong khi những người khác nêu ra các dữ liệu cho thấy điều ngược lại.42 Ý riêng của tôi là khi có sự tương quan đồng đều giữa hai phía, rõ ràng điều đó sẽ giúp hình thành một nền dân số chất lượng. Hệ thống trường công lập của Mỹ cần nhiều đề xuất cải cách từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ để biến điều này thành khả dĩ. Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Trung Quốc hiện nay – có mức tăng trưởng cao trong những thập niên gần đây – đang chứng minh hùng hồn cho một mối liên hệ giữa các điểm số kiểm định cao và sự thành công về kinh tế. Tuy nhiên, sự tăng trưởng và đổi mới được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố mà một số trong đó hoàn toàn nằm ngoài phạm vi các kỳ kiểm định và kỹ năng.
Hoa Kỳ có một lực lượng lao động nói chung được đào tạo kém, đó là một bất lợi. Nhưng nó có nhiều cách bù lại.
Đất nước này có một nền kinh tế cực kỳ năng động và linh hoạt, luật pháp chặt chẽ, cơ cấu điều tiết tốt, các viện đại học nghiên cứu xuất sắc, các doanh nghiệp có vốn đầu tư mạo hiểm phong phú và một nền văn hóa kinh doanh sôi động. Tất cả những thành tố này bù đắp rất nhiều cho các điểm kiểm định ở mức trung bình. Trái lại, Nhật Bản có tổng dân số được đào tạo tuyệt vời nhưng nước này sẽ ghi điểm thấp nếu tính theo nhiều chỉ tiêu kinh tế và văn hóa rộng lớn hơn, đặc biệt là về tài kinh doanh và hệ thống đẳng cấp xã hội. Các kết quả kiểm định cao chưa đủ để tạo ra được một Google thứ hai.
Nước Mỹ cũng được hưởng lợi khi nó là thỏi nam châm thu hút những thành phần ưu tú nhất của thế giới. Nó tiếp nhận nhiều dân nhập cư, một số là những người được giáo dục tốt và sốt sắng làm việc. Những người tài cán nhất thành lập các công ty mới, tạo ra các sản phẩm hay thậm chí cả những ngành công nghiệp. Như Silicon Valley cho thấy, một nhóm thiểu số có thể gây tác động lớn đến nền kinh tế thế nào. Hai học giả Heiner Rindermann và James Thompson43 đã thấy rằng hiệu suất của 5% người có chỉ số thông minh cao nhất của một quốc gia có mối tương quan chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế. Theo Jonathan Wai thuộc Đại học Duke, 1% người Mỹ đứng đầu về mặt trí tuệ, tính ra hơn 3 triệu người, có ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng.44
Trong một nghĩa nào đó, Hoa Kỳ lập được kỳ tích, căn cứ trên “nguyên liệu thô” của nó (một lực lượng lao động được đào tạo kém), và Nhật Bản không đạt thành tích cho lắm mặc dù nguyên liệu của nó tuyệt vời (một số vốn công nhân có tay nghề cao). Hàn Quốc và Singapore, cũng như Thuỵ Sĩ và một số nước Bắc Âu, sở hữu đầy đủ về cả hai mặt và nhờ đó có sự tăng trưởng hiển nhiên. Ưu điểm lớn nhất của mô hình tại các nước này là không chỉ tạo ra tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho đất nước mà còn đem lại lợi ích cho người lao động ở vị trí trung gian. Nói cách khác, nước Mỹ có nhiều Bill Gate, Warren Buffett, Google và Facebook để nâng mức trung bình cộng của nó, nhưng sự thành công của các chuyên gia đại tài hàng đầu và một số ít hãng công nghệ khổng lồ không tạo nên sự gia tăng thu nhập cho đa số người Mỹ. Để thực hiện vấn đề này, mô hình Đông Á-Bắc Âu chủ trương một nền giáo dục tốt cho toàn dân là điều thiết yếu. Nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty nổi tiếng với lập luận rằng chủ nghĩa tư bản trong bản chất của nó tạo ra sự bất bình đẳng và ông ủng hộ việc tăng thuế để cải thiện vấn đề. Nhưng trong chuyên luận Capital in the Twenty-First Century (Tư bản trong thế kỷ 21), ông thừa nhận rằng phương cách tốt nhất để giảm sự bất bình đẳng về lâu dài là mở rộng con đường tiếp cận với một nền giáo dục tốt. Ông viết: “Suốt một thời gian dài, động lực chủ yếu để mang lại bình đẳng nhiều hơn chính là việc phổ biến kiến thức và kỹ năng.”45
Thành công về kinh tế của Đông Á đã khiến nhiều người muốn noi theo hệ thống giáo dục của nó. Nhưng cũng như với Hoa Kỳ, sự tăng trưởng ở châu Á cũng có thể được giải thích một cách cơ bản hơn bằng những yếu tố khác – như sự lao động cần cù chẳng hạn. Một lần nữa, kết quả kiểm định PISA năm 2012 là bằng chứng. Tính trung bình, học sinh ở Thượng Hải đạt thành tích cao hơn tất cả các bạn đồng lứa quốc tế 46 và người ta thấy các em này học trước hai năm so với các em dự thi đạt điểm cao nhất của bang Massachusetts thuộc Mỹ. Công thức bí mật giải thích thành tích cao của Thượng Hải là gì? Liệu ở đây người ta dạy toán học mới? Toán học cũ? Toán học Trung Quốc? Câu trả lời có thể đơn giản hơn. Bộ trưởng Giáo dục Mỹ, Arne Duncan47 ước tính rằng thời gian đi học của học sinh Trung Quốc dài hơn từ 25 đến 30% so với các bạn người Mỹ cùng tham gia kiểm định. Đến tuổi 15, vào thời điểm kiểm định, học sinh Trung Quốc đã đến trường được 10 năm. Vì vậy, với số lượng ngày học tại Hoa Kỳ quy định ở mức 180 ngày mỗi năm, một học sinh 15 tuổi ở Thượng Hải đã đến trường lâu hơn, tính ra gần 2-3 niên khóa so với một em 15 tuổi ở Massachussets. Các em có trình độ về môn toán cao hơn 2 năm vì chúng đã học toán nhiều hơn ít nhất 2 năm! Đó không phải do gien của Trung Quốc, không phải do hệ thống tốt hơn, không phải là bùa phép – chỉ do học nhiều hơn mà thôi. Nếu Malcolm Gladwell có lý khi nói rằng dành ra 10.000 tiếng đồng hồ để thực hành sẽ giúp bạn thành thạo một lĩnh vực,48 thế thì người Đông Á sẽ đạt được mục đích ấy nhanh hơn so với người Mỹ, bất kể chế độ giảng dạy như thế nào.
Người Mỹ nên cẩn thận trước khi cố gắng bắt chước hệ thống giáo dục của châu Á – hệ thống này vẫn còn đang hướng đến việc nhớ thuộc lòng và thi cử. Tôi đã trải qua loại hệ thống đó và nó không có lợi cho việc suy nghĩ, giải quyết vấn đề hay tính sáng tạo. Jack Ma, người sáng lập gã khổng lồ Internet Trung Quốc Alibaba,49 mới đây đã đọc một bài phát biểu, trong đó ông hỏi lý do tại sao người Trung Quốc không có tinh thần đổi mới như người Mỹ và châu Âu. Câu trả lời của ông là hệ thống giáo dục Trung Quốc dạy những điều cơ bản rất tốt, nhưng nó không nuôi dưỡng toàn diện trí thông minh và tính sáng tạo của con người. Nó cần phải cho phép mọi người tự do thử nghiệm nhiều lĩnh vực và thấy thích thú trong khi học tập. Ông nói: “[Những sáng kiến] chỉ sẽ xuất hiện thường xuyên nếu chúng ta suy nghĩ lại về nền văn hóa của chúng ta... và các trò giải trí của chúng ta. Nhiều họa sĩ chơi mà học, nhiều tác phẩm nghệ văn học nghệ thuật là sản phẩm của sự vui chơi. Vì vậy, các nhà kinh doanh của chúng ta cũng cần phải biết tìm thấy niềm vui”.
Hệ thống châu Á chỉ dạy cho bạn làm việc chăm chỉ, nắm giữ kiến thức để đi thi và để lập thành tích dưới áp lực – tất cả những thứ đó là những kỹ năng có giá trị. Điều này ngày nay ở Hoa Kỳ có thể là vấn đề đơn giản – mọi người học ở nhà trường ít hơn. (Điều này là sự thật trên khắp đất nước chứ không phải tại các trường trung học đạt thành tích cao nhất. Điều ấy cũng có nghĩa rằng, ngay cả trong các trường này, năm học ngắn hơn nhiều so với hầu như tất cả các nước khác trên thế giới).50 Và các đại học Mỹ ngày nay đã bớt đòi hỏi khắt khe trong nhiều khía cạnh mà một trong số đó là vấn đề điểm số. Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy số lượng giờ trung bình của sinh viên đại học dành cho việc học hàng tuần bên ngoài lớp học giảm từ 40% năm 1961 xuống 27% vào năm 2003.51
Một nghiên cứu mới và quan trọng đã dựa trên số liệu điều tra, bảng điểm và đánh giá việc học để trả lời cho các câu hỏi về những gì các trường đại học chất lượng cao ở Mỹ giảng dạy cho sinh viên.52 Câu trả lời thật đáng kinh ngạc: không nhiều lắm. Richard Arum và Josipa Roksa, các tác giả của cuốn sách Academically Adrift (Lênh đênh trên đường học tập) tóm tắt những phát hiện của họ một cách ngắn gọn như sau:
Có những số lượng lớn sinh viên đại học hệ bốn năm53 chỉ đáp ứng các yêu cầu học tập một cách giới hạn, nỗ lực chỉ ở mức vừa phải, thể hiện sự tiến bộ một cách hạn chế hoặc không phát triển được tư duy phản biện, lý luận phức tạp và giao tiếp bằng văn bản. Có 50% sinh viên năm thứ hai trong mẫu điều tra của chúng tôi cho biết họ đã không theo học bất kỳ một khóa nào trong học kỳ trước đó yêu cầu phải viết trên 20 trang trong suốt học kỳ; 1/3 không theo học bất kỳ một khóa học nào trong học kỳ trước đó mà yêu cầu trung bình mỗi tuần phải đọc thậm chí chỉ trên 40 trang. Sinh viên trong mẫu điều tra của chúng tôi cho biết trung bình mỗi tuần họ chỉ học 12 giờ trong năm thứ hai, 1/3 trong số đó dành cho việc học tập nghiên cứu chung với các bạn. Thậm chí đáng báo động hơn, 37% sinh viên mỗi tuần dành 5 tiếng đồng hồ hoặc ít hơn để tự học. Những mô hình học tập kiểu này tồn tại qua hết năm cuối và nói chung cũng đồng nhất với những phát hiện về sự tham gia học tập được đưa ra trong các tài liệu nghiên cứu khác. Những phát hiện này cũng nên được xem xét trong bối cảnh có chứng cứ thực nghiệm mô tả sự sụt giảm lớn về số giờ các sinh viên toàn thời gian dành cho học tập nghiên cứu trong những thập niên gần đây.
Và rồi còn có ngành công nghiệp thể thao “nghiệp dư”, làm tiêu hao rất nhiều thời gian, tiền bạc và sự chú ý. Nhiều viện đại học lớn đã trở thành những công ty nhượng quyền thương mại thể thao trị giá nhiều triệu đô la với các cơ sở giáo dục nhỏ gắn liền với chúng. Một số ngành thể thao này, mà môn bóng bầu dục là rõ ràng nhất, gây ảnh hưởng xấu đến não bộ của sinh viên một cách có hệ thống. Tuy nhiên, như Malcolm Gladwell đã chỉ ra, các cơ sở được cho là nơi chuyên dành để nâng cao năng lực não bộ của sinh viên lại tiếp tục đẩy mạnh, cổ vũ và hưởng lợi nhuận từ các hoạt động này.54 Kết quả là ý tưởng về giá trị và kỷ luật trong việc học tập đang bị hủy hoại.
Tại nhiều trường đại học, các môn thường là tiêu biểu cho các môn học khai phóng – các môn nhân văn cơ bản – trở nên rời rạc hơn và bớt đòi hỏi khắt khe. Điều đó có thể là lý do tại sao các nhà tuyển dụng đã trở nên hoài nghi hơn đối với những chuyên ngành như văn chương-ngôn ngữ và lịch sử. Ngược lại, các ngành khoa học xã hội được ưa chuộng hơn trong giới sinh viên và có uy tín hơn đối với các nhà tuyển dụng. Các ngành này vẫn còn phần nào giữ tính nghiêm ngặt, tiêu biểu cho vị trí trung dung giữa các môn nhân văn và khoa học. Có thể tính chặt chẽ và kỷ luật của một văn bằng khoa học gây ấn tượng nhất với nhà tuyển dụng chứ không phải là môn học cụ thể. Các nhà sử dụng lao động biết rằng một người học chuyên ngành vật lý chưa hẳn sẽ sử dụng nhiều đến kiến thức cơ học lượng tử trong một công việc liên quan đến nghề kinh doanh hàng hoá. Anh trai tôi tốt nghiệp đại học hạng xuất sắc với văn bằng toán học và sau đó trở thành nhà tài chính ở Wall Street – một lĩnh vực trong đó những con số được cho là vấn đề quan trọng. Anh tôi cảm thấy chuyên ngành anh đã học ở đại học không đem lại cho anh lợi thế kỹ thuật nào so với những ai học chuyên ngành nhân văn và có thể làm các phép tính cơ bản.
Một cấu trúc quá lỏng lẻo, khoảng cách trình độ bị xóa mờ và tiêu chuẩn bị hạ thấp, đó là những sai sót trong việc thực hiện một nền giáo dục khai phóng chứ không là những đặc điểm của nó. Giải pháp là người ta không cần phải học chuyên ngành marketing trong trường đại học, mà là chương trình giáo dục khai phóng của họ nên được cấu trúc hợp lý hơn và đặt yêu cầu cao hơn. Các chuyên ngành phải có một trình tự giảng dạy những khóa học cơ bản bắt buộc như kinh tế học. Đó sẽ là cách chuẩn bị tốt nhất để kiếm được việc làm tốt hơn và xây dựng sự nghiệp vững mạnh hơn. Nhiều công ty ưu ái đối với các người từng là vận động viên ở đại học bởi vì họ biết rằng vận động viên có kỷ luật và những thói quen vốn có trong các buổi huấn luyện và luyện tập đều đặn, dài ngày. Nếu bạn muốn thành công trong cuộc sống, bạn cần dành nhiều thì giờ, phát triển những thói quen tốt, làm việc tốt với những người khác và gặp may mắn. Đó là sự thật cho dù bạn học tiếng Anh, vật lý, lịch sử, kỹ thuật hay kinh doanh.
Vào cuối thập niên 1980, ở đỉnh cao của niềm tin – hay nỗi sợ hãi55 – rằng Nhật Bản sắp trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, đất nước đổi mới nhất thế giới và một xã hội năng động nhất, nhà báo James Fallows đã sống nhiều năm ở đó để khảo sát cách làm thế nào Hoa Kỳ có thể đối đầu với sự canh tranh của xứ “mặt trời mọc”. Ông đi đến kết luận rằng chiến lược tốt nhất là không trở thành giống Nhật Bản – có nghĩa là không tạo ra một xã hội căn cứ trên sự hi sinh bản thân, trên các quan chức chính phủ nắm hết mọi quyền lực và chính sách công nghiệp đại quy mô. Câu trả lời được nêu trong tựa đề của cuốn sách do ông viết – More Like Us (Hãy làm giống như chúng ta nhiều hơn nữa). Điều ấy có ý nhấn mạnh những điểm mạnh đặc thù của Hoa Kỳ: tính cởi mở, tinh thần đổi mới, sự phân cấp, thái độ không can thiệp và văn hóa kinh doanh – nhưng còn làm tốt hơn nữa so với trong quá khứ. Điều ấy cũng có thể đúng trong trường hợp này. Giải pháp cho các vấn đề của một nền giáo dục khai phóng là đẩy mạnh và cải thiện giáo dục khai phóng.