Benjamin Franklin không làm tổng thống nhưng là nhà chính khách quan trọng bậc nhất của Mỹ. Franklin đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng, giúp soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập và sau đó là một đại biểu Hội nghị Lập hiến. Ông là công sứ tại Pháp trong thời kỳ Chiến tranh Cách mạng, tranh thủ được những khoản tiền lớn của Pháp cho vay để hỗ trợ nỗ lực đấu tranh giành độc lập. Nhưng Franklin nổi bật trong lịch sử nước Mỹ như một biểu tượng cho đất nước hơn là một chính khách. Ông đại diện cho một nguyên mẫu của người Mỹ, có lẽ đó là nguyên mẫu chính thống Mỹ – mẫu người tự lập. Sinh ra trong gia đình có mười người con, Franklin chỉ chính thức đến trường được hai năm, mười tuổi đã phải nghỉ học. Bảy năm sau, ông rời gia đình ở Boston đi đến Philadelphia để tự lập thân trên đường đời. Là người có ý thức cộng đồng, có óc kinh doanh, thiết tha với công nghệ và rành rẽ kỹ năng xã hội, Franklin là cha đẻ của mẫu người “tuổi trẻ hoài bão lớn của chúng tôi” như nhà báo chuyên mục David Brooks tuyên bố trên tờ New York Times.1 Franklin “có lẽ sẽ cảm thấy rất thoải mái với cuộc cách mạng thông tin”, Walter Isaacson đã viết trong cuốn tiểu sử về nhà chính khách.2 “Chúng ta có thể dễ dàng hình dung ngồi uống bia với ông ta sau giờ làm việc, chỉ cho ông cách sử dụng thiết bị kỹ thuật số mới nhất, chia sẻ kế hoạch kinh doanh cho một dự án mới, thảo luận về các vụ bê bối chính trị hay các đường lối chính sách gần đây nhất.” Điều cốt lõi trong sức hấp dẫn của Franklin là ông thông minh và rất thực tế, quan tâm đến tất cả mọi thứ, đặc biệt là trong cách làm việc.
Điều ấy có thể làm Ben Franklin giống như là người cổ vũ tích cực nhất cho quan niệm sống “bỏ học giữa chừng để thành lập một công ty”. Kiến thức trường lớp hữu dụng nhất của ông là những hướng dẫn ông nhận được học việc để làm thợ in. Thế nhưng Franklin lại có một cái nhìn xa rộng đáng ngạc nhiên về loại hình giáo dục cần thiết để các cá nhân phát triển. Năm 1749, ông xuất bản một cuốn sách mỏng, Proposals Relating to the Education of Youth in Pennsylvania (Những đề xuất liên quan đến việc giáo dục thanh niên ở Pennsylvania), trong đó ông vạch ra các kế hoạch thành lập một học viện mới ở thuộc địa.3 Franklin tin rằng giáo dục sẽ giúp người ta lèo lái thế giới thực khi họ bước vào sự nghiệp chính trị, pháp luật, kinh doanh và các lĩnh vực khác. Đồng thời, ông muốn người trẻ được tiếp xúc với “những nét đại cương tuyệt vời của kiến thức.” Mục đích giáo dục sẽ là đào tạo “tài đức đúng nghĩa,” có nghĩa là khả năng kết hợp năng lực với thiên hướng muốn phục vụ “Nhân loại, Quốc gia, Bằng hữu và Gia đình.”
Franklin muốn sinh viên gắn kết với một trường đại học ký túc, thậm chí còn chỉ rõ rằng ngôi trường lý tưởng phải ở một nơi có một khu vườn, một vườn cây ăn trái, một đồng cỏ và “một vài cánh đồng.” Họ nên sống với nhau “đạm bạc” và tập thể dục thường xuyên để “làm cho thân thể nhanh nhẹn.” Các môn Franklin đề nghị họ học bao quát nhiều lĩnh vực và đa dạng: số học, thiên văn học, địa lý, tôn giáo, nông nghiệp, và lịch sử thuộc nhiều phạm vi (pháp luật, phong tục, thiên nhiên và đạo đức). Đặc biệt, ông nhấn mạnh việc học tiếng Anh quan trọng hơn tiếng Latin và Hy Lạp. Ông kêu gọi chú ý nhiều vào môn viết hơn thuật hùng biện, bởi ông tin việc truyền thông trong thế giới hiện đại thông qua văn bản có hiệu quả hơn lời nói. Người ta tự hỏi không biết ông sẽ đề xuất những gì một khi ông nhìn thấy sức tác động của truyền hình và Internet.
Ngôi trường Franklin hình dung vào giữa thế kỷ XVIII phần lớn giống như những gì chúng ta hiểu về một trường đại học giáo dục khai phóng thời nay. Franklin đấu tranh để đưa những ý tưởng của mình vào thực tế vào thời điểm đó.4 Cuốn sách mỏng của ông đã khởi động các kế hoạch thành lập một trường học ở Philadelphia, nhưng khi học viện chính thức mở cửa vào năm 1751, một phe thủ cựu gồm các nhà giáo dục ngoan đạo chặn đứng những nỗ lực cải tổ của ông. Các ủy viên quản trị nhà trường do ông góp sức tuyển dụng lại tiếp tục dành ưu tiên cho việc học tiếng Latin hơn là học tiếng Anh. Nhưng trong những thập niên tiếp theo, học viện này phát triển thành Đại học Pennsylvania và tiếp tục trở thành một trong những trường giáo dục khai phóng xuất sắc nhất của thế giới.
Dường như Franklin muốn những người khác nhận được một nền giáo dục tổng quát hơn so với bản thân ông trước đây, bởi vì ông nhận ra sự thành công của riêng ông là kết quả của lòng hiếu kỳ nồng nhiệt với rất mọi vật. Ông bị cuốn hút bởi tất cả mọi thứ ông nhìn thấy xung quanh mình, từ cá heo đến nguyệt thực, và thử nghiệm mọi ý tưởng, từ điện đến đông lạnh. Ở tuổi 21, Franklin đã thành lập một câu lạc bộ nhỏ gồm các chuyên gia trẻ tuổi được gọi là Junto,5 thường xuyên gặp gỡ để thảo luận nhiều chủ đề bao gồm chính trị, khoa học, kinh doanh, gần giống như buổi hội thảo chuyên đề ở đại học. Và trong khi ông luôn cố gắng để làm ra tiền, Franklin cũng có những suy nghĩ triết lý và hình dung của mình về những vấn đề trừu tượng. Vậy nên, dù việc học tập chính thức không đầy đủ, ông vẫn trở thành một nhân vật khoa học lớn đương thời, được các trường Oxford, Yale, và Harvard công nhận, cấp bằng danh dự và ông được trao tặng Huân chương Copley (tương đương với giải Nobel khoa học sau này). Isaacson trích dẫn lời của Dudley Herschbach, nhà khoa học đoạt giải Nobel của Harvard, nói về những thành tựu khoa học của Franklin: “Người ta công nhận rằng công trình của ông về điện6 đã mở ra một cuộc cách mạng khoa học chẳng khác gì với những công trình của Newton trong thế kỷ trước hoặc của Watson và Crick trong thế kỷ chúng ta.”
Nếu Franklin thấy giáo dục là con đường để phục vụ nhân loại, Thomas Jefferson, nhân vật vĩ đại đương thời với ông, còn nêu lên một mối tương quan gần gũi hơn nữa: một nền giáo dục khai phóng sẽ đảm bảo sự sống còn của dân chủ. Năm 1778, Jefferson trình lên cơ quan lập pháp bang Virginia “Dự luật phổ biến rộng rãi tri thức”,7 trong đó ông cho rằng tất cả các hình thức chính phủ đều có thể biến thành chế độ chuyên chế. Ông viết rằng cách tốt nhất để ngăn chặn điều này là “khai trí cho quần chúng nhân dân bằng mọi cách”. Học lịch sử có thể có công dụng xây đắp một bức tường chắn đặc biệt hữu hiệu, cho phép người ta rút ra những cách ngăn chặn chế độ chuyên chế từ các tấm gương trong quá khứ. Jefferson đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục trong một nền dân chủ. Trong cuốn sách rất hay và uyên bác, Beyond the University (Bên kia Đại học), Michael Roth, hiệu trưởng Đại học Wesleyan, giải thích: “Điều này sẽ tạo ra một giới học thức có đạo đức và một tầng lớp công dân đủ thấu đáo biết bảo vệ bản thân khỏi bị chính quyền xâm phạm.”8 Trong suốt sự nghiệp chính trị của ông, Jefferson chủ trương nhiều biện pháp truyền bá giáo dục rộng khắp, bao gồm các trường công lập và việc thành lập một trường đại học quốc gia ở Washington. Sau khi thôi giữ chức ngoại trưởng và thống đốc bang, ông trở về với hoài bão từng là nỗi ám ảnh trong lòng bằng việc thành lập Đại học Virginia.
Năm 1818, ở tuổi 75, Jefferson9 quy tụ bạn bè và cộng sự để thành lập một trường mới ở Charlottesville, Virginia. Đó là một đại học “hoàn toàn là công trình của chính tay ông và sau đó mang tên gọi đơn giản của chính ông Jefferson,” như Jon Meacham đã viết trong cuốn tiểu sử về vị tổng thống thứ ba này. Các mục tiêu của trường là một kết hợp giữa thực tiễn và triết học: đào tạo chính khách và chuyên gia, dẫn giải các nguyên tắc tự do, dạy các phương pháp nông nghiệp, mở rộng tâm trí và nâng cao đạo đức của giới trẻ. Chương trình đào tạo do ông đề xuất có tính học thuật nhiều hơn so với chương trình của Franklin, dạy rất nhiều toán học và khoa học cũng như ngôn ngữ hiện đại và cổ ngữ, pháp luật và lịch sử, viết và ngữ pháp. Jefferson là một trong những người sớm nhất đề xuất môn học tự chọn, tin rằng việc học sinh nên thực hành quyền tự do tại trường học, là thứ quyền họ được cho phép trong một chế độ dân chủ. Và cũng như trường của Franklin, đại học của Jefferson không trực thuộc tôn giáo. Thật vậy, Đại học Virginia là độc đáo ở chỗ trọng tâm trong cấu trúc của nó không phải là nhà nguyện mà là thư viện.10
Franklin và Jefferson cùng quan niệm rằng giáo dục là một cách để đảm bảo nước cộng hòa mới, sẽ là một nơi của tài đức. Ở đó dòng dõi xuất thân, huyết thống và đặc quyền cha truyền con nối không phải là điều quyết định. Franklin là một người tự lập, và trong suốt cuộc đời của mình, ông coi trọng những ai đã vươn lên từ sự chăm chỉ, tài năng và kỹ năng. Ông rất thích giao thiệp với các thương gia, các nhà kinh doanh nhỏ và những người bán hàng; ông nhìn thấy trong sự vươn lên của họ ý tưởng bình đẳng vốn đã ăn sâu vào lý tưởng của nước Mỹ. Nhưng khi viết thì Jefferson lại viết khác đi. Ông thường viết về sự cần thiết phải tạo ra một “tầng lớp quý tộc tự nhiên.”11 Trong khi điều này nghe có vẻ giống như là một kế hoạch thành lập một Viện Quý tộc (House of Lords) như Vương quốc Anh, Jefferson trong thực tế nhằm tới điều ngược lại. “Tầng lớp quý tộc tự nhiên” của ông được dựa hoàn toàn vào tài đức, được đổi mới liên tục, trái ngược với một “tầng lớp quý tộc không tự nhiên” dựa trên dòng dõi, tài sản và đặc ân. Jefferson tin rằng mọi xã hội chắc chắn đều có giới tinh hoa – nói cách khác là phải có một người nào đó ở vị trí bên trên – nhưng tầng lớp tinh hoa của Mỹ nên hình thành từ việc phát hiện phần tử ưu tú nhất và giáo dục họ thật tốt. Ông viết: “Các tài năng giỏi nhất hằng năm sẽ được sàng lọc12.” Hoa Kỳ sẽ có thể hưởng lợi từ “những tài năng mà thiên nhiên đã gieo xuống một cách hào phóng giữa những người nghèo cũng như kẻ giàu nhưng bị tàn lụi vì không được sử dụng nếu không được tìm thấy và chăm bón.”
Theo Jefferson, có một biện pháp chủ yếu để tạo ra một tầng lớp quý tộc tự nhiên chính hiệu. Người nghèo và kẻ giàu phải được bình đẳng trong việc tiếp cận một nền giáo dục tốt. Đó là lý do tại sao, mặc dù theo chủ nghĩa tự do, ông nhiều lần đề nghị nhà nước trả tiền cho giáo dục tiểu học cũng như tài trợ giáo dục ở các giai đoạn sau. Ông đã gặp phải sự phản đối từ nhiều phía, chủ yếu là từ những người bài xích chính phủ liên bang hoặc ghét mức thuế nặng. Tuy nhiên điều thú vị là một trong những người ủng hộ ông nhiệt thành nhất lại là một người bạn cũ và đối thủ chính trị, đó là nhà bảo thủ John Adams. Adams viết: “Cả nước phải tự đảm nhận việc giáo dục toàn dân, và phải sẵn sàng gánh chịu các chi phí cho việc đó.13 Không nên để một khu vực rộng một dặm vuông thiếu một trường học; trường học không phải được thành lập bởi một cá nhân có lòng từ thiện, nhưng nó được duy trì bằng tiền do chính người dân đóng góp.” Jefferson lo sợ nếu không có một hệ thống giáo dục công như vậy thì đất nước rốt cuộc sẽ bị cai trị bởi một tầng lớp ưu tú có đặc quyền và lớp người này sẽ thay hình đổi dạng, tồn tại thông qua một mạng lưới các tổ chức tư nhân nhằm củng cố các lợi thế của họ.
Những nhà lập quốc nhận định thế nào về bản chất của nước Mỹ ngày nay? Họ nghĩ sao về một đất nước14 trong đó – như Thomas Edsall ghi nhận trên tờ New York Times – 74% sinh viên theo học các trường đại học danh tiếng nhất được nuôi dưỡng trong các gia đình thuộc nhóm phần tư có thu nhập cao nhất và chỉ có 3% sinh viên xuất thân từ các gia đình thuộc nhóm phần tư có thu nhập thấp nhất? Ngay trong số các sinh viên giỏi nhất, gia thế cũng tạo ra sự khác biệt. Những sinh viên đạt điểm cao xuất thân từ các gia đình thuộc nhóm phần tư thu nhập cao nhất có khả năng đậu bằng cấp đại học gần như gấp đôi so với sinh viên đạt cùng số điểm nhưng xuất thân từ các gia đình thuộc nhóm phần tư thu nhập thấp thất. Hơn nữa, các tiêu chí thu nhận sinh viên vào các trường, viện đại học dường như chỉ căn cứ vào tài năng – như điểm trong lớp, điểm SAT và sự tham gia hoạt động ngoại khóa – thực ra có tương quan với thu nhập của gia đình. (Đối với điểm thi, mối tương quan này không lớn cho bằng đối với các hoạt động ngoại khoá. Nếu có tiền thì bạn mới có thể tham gia kỳ tập huấn mùa hè miễn phí ở Nam Phi). Edsall trích lời của chuyên gia giáo dục Anthony Carbevale như sau: “Hệ thống giáo dục này là một cơ chế đang ngày càng mạnh mẽ để tiếp tục sản sinh ra các thế hệ có đặc quyền.”15
Cách đây nửa thế kỷ, tầng lớp trung lưu Mỹ có một con đường thênh thang để tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao. Trong những thập niên sau Thế chiến II, chương trình GI Bill tạo điều kiện cho một nhóm người Mỹ hoàn toàn mới vào học các trường đại học tốt nhất, với mức học phí mà ngay cả tầng lớp trung lưu cũng thấy hợp lý. Quan trọng nhất, các trường đại học công đã bùng nổ. Năm 1960, một người 18 tuổi ở California có thể nhận được một nền giáo dục tuyệt vời tại bất kỳ cơ sở nào của Đại học California – kể cả cơ sở ở Berkeley, trường có nhiều phân khoa được xếp hạng vào năm trường tốt nhất toàn thế giới và hoàn toàn miễn phí. (Trong thực tế, vào thời đó một cư dân California có thể học tại một trong các trường công lập tốt nhất thế giới trước khi vào học hệ Cử nhân rồi học tiếp hệ sau đại học tại Berkeley và suốt thời gian từ mẫu giáo cho đến cấp Tiến sĩ mà không tốn đồng nào hoặc chỉ chút đỉnh không đáng kể.) Cho đến cuối thập niên 1970, học phí hàng năm của Berkeley tính cho sinh viên cư dân California là khoảng 700 đô la.16 Trong năm học 2014-2015, họ phải đóng học phí 12.972 đô la (không bao gồm ăn ở).17 Đối với sinh viên không phải là cư dân còn phải tính thêm 22.878 đô la. Ước tính tổng chi phí riêng tại Berkeley của một sinh viên không phải cư dân nhưng ăn ở luôn trong khu đại học là trên 55.000 đô la mỗi năm. Và không giống như các trường tư hàng đầu, hiện nay Berkeley không có các khoản quyên tặng để cung cấp hỗ trợ cho các sinh viên thiếu khả năng tài chính. Vậy nên tập thể sinh viên ngày nay của trường có đặc trưng có lẽ khác hẳn so với ba bốn thập niên trước đây.
Hầu hết các trường đại học công lập phải đối mặt với các áp lực thậm chí còn mạnh hơn cả Berkeley vốn là trường chiếm một vị trí đặc biệt trong mắt công chúng và có thể huy động vốn tư nhân. Đã một thời các trường này là “con đường cao tốc” dành cho tầng lớp trung lưu, nhưng bây giờ chúng đang lao đao bế tắc vì qua nhiều thập niên việc hỗ trợ của các chính quyền tiểu bang đã giảm sút cũng như chi phí ngày càng gia tăng. Kết quả là nhiều trường đã tạo ra “con đường trẩy hội”18 được mô tả trong cuốn sách Paying for the Party (Đóng tiền để tham dự hội hè) của Elizabeth Armstrong và Laura Hamilton, trong đó ngày càng nhiều trẻ em con nhà giàu ngoài tiểu bang có khả năng trả toàn bộ học phí được hưởng các tiêu chí tuyển sinh dễ dãi, được chọn chuyên ngành đặc biệt, được cấy điểm và hưởng các tiện nghi cao cấp. Các sinh viên thông minh thuộc gia đình thu nhập thấp, những người đang theo “con đường linh động”, thì không hưởng được những thứ này. Đối mặt với áp lực học tập, kinh tế và xã hội, họ chiếm tỉ lệ cao hơn trong nhóm sinh viên bị kiệt sức và bỏ học. Những người tốt nghiệp trong số này cũng phải gánh chịu một núi nợ nần.
Các trường đại học tốt nhất tại Hoa Kỳ khao khát ý tưởng về tài đức, muốn tạo ra tầng lớp “quý tộc tự nhiên” theo quan niệm của Jefferson. Và quả là họ có trao học bổng cho nhiều sinh viên không đủ khả năng tài chính để vào học ở đó, tuy vậy điều này vẫn chỉ giúp một số lượng rất ít các sinh viên nghèo. Ngoài ra, số lượng người nộp đơn xin vào các trường hàng đầu đã bùng nổ nhưng tỷ lệ được thu nhận lại rất thấp, thường là dưới 10%, nên quá trình tuyển sinh có khi xem ra rất tùy tiện. Vấn đề trầm trọng thêm khi các trường ưu tú dành nhiều ưu đãi đặc biệt cho những người thừa kế, những nhóm thiểu số, và điều chệch hướng nhiều nhất với tiêu chuẩn tài đức là họ chiêu sinh các vận động viên. Một cựu nhân viên tuyển sinh cấp cao tại một trường thuộc Ivy League đã nói với tôi: “Tôi phải loại hàng trăm ứng viên có trình độ cao,19 trong đó có nhiều vận động viên nghiệp dư thực sự tài năng, bởi vì chúng tôi phải thu nhận rất nhiều vận động viên trong các lĩnh vực hiếm và kém hoàn hảo về các mặt khác.” Ông ghi nhận vấn đề đáng ngại không phải là bản thân môn điền kinh khi nó kết hợp tài năng và kỷ luật một cách gương mẫu. Vấn đề là quá trình tuyển dụng đã trở nên quá cạnh tranh khiến hệ thống hiện đang bị bóp méo. William Bowen, cựu hiệu trưởng Đại học Princeton,20 đã ghi nhận và lập luận một cách thuyết phục rằng trong vài thập kỷ qua, các chương trình thể thao trong trường đã tuyển sinh vận động viên không phù hợp với các giá trị học thuật của các trường đại học. Một nhân viên tuyển sinh nói với tôi rằng nhiều trường bây giờ, để thành lập các đội thể thao, đã thu nhận các vận động viên đạt số điểm thấp hơn 150-200 điểm về bài kiểm tra SAT so với các sinh viên khác – các tiêu chuẩn bị hạ thấp rất nhiều so với nhóm thừa kế hoặc nhóm thiểu số. Các vận động viên trúng tuyển thường phải vật lộn để theo kịp yêu cầu học tập trong lớp, trong khi các vận động viên nghiệp dư có tài thì không được tham gia vào các môn thể thao tại trường đại học. Toàn bộ quá trình này chuyển dịch trọng tâm của đời sống đại học ra khỏi hoạt động học tập. Tuy nhiên, không có vị hiệu trưởng nào của một trường đại học chủ trương giáo dục khai phóng dám đề nghị thay đổi hệ thống này.
Trong một bài viết năm 2012 trên tờ American Conservative,21 nhà hoạt động chính trị tại California, ông Ron Unz đưa ra bảng thống kê cho thấy trong hơn hai thập kỷ vừa qua, các trường đại học hàng đầu trong nước trên thực tế đã duy trì hạn ngạch cho sinh viên người Mỹ gốc Á, hạn chế tổng số sinh viên này ở khoảng 16,5%, mặc dù số người dự tuyển và số đạt thành tích cao đã tăng vọt. Các con số có thể không chính xác. Hai cán bộ tuyển sinh thuộc Ivy League ước tính với tôi rằng người Mỹ gốc Á thực sự chiếm hơn 20% trong số các lớp học năm đầu – nhiều sinh viên không khai báo chủng tộc hoặc có chủng tộc pha trộn. Nhưng so ra, tại các trường ít phụ thuộc vào các tiêu chí tuyển sinh mơ hồ như “tính cách” và “toàn diện,” như Caltech và Berkeley, người Mỹ gốc Á chiếm khoảng 40% tổng số sinh viên. Trong số các học sinh đoạt các giải Olympic của Hoa Kỳ về toán học, tin học, vật lý, sinh học, hóa học và của Trung tâm tìm kiếm tài năng khoa học của hãng Intel (Intel Science Talent Search) trong những năm gần đây đã có hơn 60% là người Mỹ gốc Á.
Một trường đại học toàn là sinh viên đoạt giải Olympic thật ra lại thiếu sự cân đối, và những thành tựu dựa trên các con số và các bài kiểm tra không phải là những biện pháp duy nhất để đo lường tiềm năng của một sinh viên. Tuy nhiên ta cần nhớ rằng trong quá khứ, các trường đại học đã sử dụng những tiêu chí tuyển sinh mơ hồ nhằm gạt bỏ các công dân mới nhập cư xuất sắc và có nhiều hoài bão. Trong cuốn sách The Chosen: The Hidden History of Admission and Exclusion at Harvard, Yale, and Princeton (Những kẻ được chọn: Lịch sử khuất lấp của việc tuyển sinh tại Harvard, Yale và Princeton),22 Jerome Karabel giải thích tường tận rằng các yêu cầu về tuyển sinh mang tính chủ quan như phỏng vấn và xem xét mức độ hoạt động ngoại khóa đã được các trường trong Ivy League đặt ra chủ yếu là để giữ cho số sinh viên người Do Thái nhập học khỏi gia tăng từ thập niên 1920 đến hết thập niên 1940. Trừ phi có những nỗ lực tích cực để cân bằng lại với các lợi thế xuất phát từ sự giàu có, trong đó bao gồm việc học tập tại các trường tư và việc tham gia vào các hoạt động ngoại khóa đắt tiền, hệ thống giáo dục ưu tú của Mỹ có nguy cơ tạo ra một “tầng lớp quý tộc không tự nhiên” theo cách nói của Jefferson.
Ở một mức độ nào đó, những quan ngại và than phiền này nghe có vẻ không hợp lý. Các trường và viện đại học Mỹ đang phát đạt. Thành công và danh tiếng của họ đã thu hút các ứng viên từ khắp nơi trên thế giới. Một bằng đại học danh giá đã trở nên quan trọng hơn trong tâm trí mọi người. Các nền kinh tế hậu công nghiệp thưởng công những người được đào tạo học thuật và có thành tích, hoặc “những lao động tri thức”, thậm chí còn nhiều hơn so với trước. Thể thao ở đại học đã trở nên phổ biến hơn và có lợi hơn cho các trường. Nhưng họ phải đối mặt với một xu hướng dường như hoàn toàn không thể cưỡng lại được, đó là sự gia tăng chi phí đại học. Học phí đại học trung bình đã tăng lên với tốc độ kinh ngạc23 – trên 1200% kể từ năm 1978, năm đầu tiên mà toàn bộ hồ sơ được lưu trữ. Như vậy là gấp bốn lần tốc độ của chỉ số giá tiêu dùng và nhanh gấp hai lần chi phí y tế. Vòng gia tăng chi phí xoắn ốc lạ thường này, trong một thời đại mà giá của hầu hết tất cả các hàng hóa và dịch vụ giảm xuống, chắc chắn là một trong những hiện tượng nổi bật nhất trong cuộc sống hiện đại của Mỹ, và nó đã được đa số chấp nhận mà không gây nhiều tranh cãi.
Sự gia tăng chi phí như thế là lý do chính yếu khiến người ta băn khoăn về giá trị của một nền giáo dục khai phóng. Nói cho cùng, khi người ta đặt câu hỏi liệu một sản phẩm có “đáng giá” hay không – cho dù đó là một bộ trang phục, một chiếc xe hoặc một nền giáo dục – thì yếu tố đóng vai trò quyết định là giá cả. Vào năm 1965, nền giáo dục khai phóng có giá cả phải chăng đối với một gia đình trung lưu. Ngày nay, nó có giá cao hơn nhiều. Điều đó có nghĩa là gia đình phải so đo lợi hại giữa việc chi tiền vào giáo dục và dành nó cho những thứ khác. Lắm khi người ta ghi nhận rằng các dữ liệu cho thấy một bằng đại học cải thiện thu nhập cả đời của một người, vì vậy việc đầu tư lớn vào một nền giáo dục đại học là xứng đáng. Điều đó có thể đúng, nhưng nó cũng giải thích lý do tại sao những gia đình rất ưu tư với gánh nặng giá cả như thế lại không ngừng lo lắng rằng con cái họ có thể làm tiêu tan mọi thứ nếu chúng chọn “sai” chuyên ngành hoặc lấy được một bằng cấp ít thích hợp với thị trường. Tình trạng này được thấy rõ qua ngôn ngữ chúng ta sử dụng ngày nay: dùng từ “lợi nhuận đầu tư” để mô tả kinh nghiệm của việc học hành.
Tại sao chi phí đại học tăng lên một cách nhanh chóng đến thế?24 Một lời giải thích có vẻ hợp lý đã được hai nhà kinh tế học William Baumol và William Bowen đưa ra, đó là máy móc không thể thay thế con người trong một số ngành nghề cần nhiều tâm sức như giáo dục, theo cách nó làm với các ngành công nghiệp khác. Nhà kinh tế học Robert Frank đưa ra một ví dụ rất rõ để giải thích ý tưởng cơ bản này: “Trong khi các hình thức tăng năng suất25 đã giúp cho việc lắp ráp xe hơi có thể hoàn tất chỉ cần một phần lao động rất nhỏ so với trước đây, vẫn cần phải có bốn nhạc sĩ mất chín phút để trình diễn tác phẩm Tứ tấu số 4 cung Đô thứ cho đàn dây của Beethoven, giống y như trong thế kỷ XIX.” Một lớp hội thảo chuyên đề tại một trường đại học tốt thường sẽ có tỷ lệ tối thiểu 1 giáo sư / 15 sinh viên. Nếu bạn tin rằng đó là cách dạy tốt nhất, hiệu quả của nó không thể nào cao hơn. Đó là lý do tại sao chi phí cho giáo dục tăng nhanh hơn nhiều so với nền kinh tế nói chung, nơi tự động hóa và thuê gia công có thể giảm chi phí bằng cách này hay cách khác. Điều này cũng đúng trong các khu vực khác của nền kinh tế. Nếu bạn thích nghe bản ghi âm bản tứ tấu của Mozart, bạn có thể mãn nguyện mà gần như không tốn đồng nào. Nhưng việc nghe trình diễn cùng một tác phẩm ấy trên sân khấu đã trở nên tốn kém hơn nhiều trong những năm qua. Cho dù đó là dàn nhạc giao hưởng Berlin Philharmonic hay Beyonce, số tiền được tính theo buổi hoà nhạc thực tế, chứ không phải theo bản ghi âm kỹ thuật số.
Có lẽ cũng còn những yếu tố khác nữa. Bowen chỉ ra rằng khó mà đo lường được năng suất trong một lĩnh vực như giáo dục26 – các đại học có thể có hệ thống hành chính không hiệu quả, hoặc có thể họ bất chấp giá cả khi liên quan đến vấn đề chất lượng học tập và làm tất cả mọi cách để giữ vị trí tốt nhất. Tất cả điều này là đúng sự thật. Nhưng cũng có thể toàn bộ hệ thống giáo dục tại Hoa Kỳ là một mớ hỗn độn được thiết kế kém, kết hợp một số yếu tố tồi tệ nhất của thị trường và nhà nước. Đặc điểm này cũng nhận thấy trong lĩnh vực y tế. Trong cả hai trường hợp, người tiêu dùng muốn có sản phẩm nhưng không thể thực sự đánh giá chất lượng của nó. (Bạn thực sự có thể quyết định cần phải chụp hình MRI không? Hoặc một bằng đại học?) Ngoài ra, người tiêu dùng không trả tiền trực tiếp cho sản phẩm, ít nhất là không trả trọn giá. Cách thanh toán của bên thứ ba, thường là từ chính phủ, có các quy trình phức tạp và theo thời gian biểu, càng làm lu mờ tín hiệu giá và kỷ cương thị trường. Cuối cùng, ta không có cách thức rõ ràng để đánh giá giá trị của một nền giáo dục. Phải chăng chỉ có tấm bằng đại học là quan trọng? Hay là có một tiêu chuẩn đo lường nào đó bao quát rộng hơn để đánh giá một nền giáo dục tốt? Và bạn sẽ đo lường nền giáo dục đó bằng cách nào? Có lẽ vì những lý do ấy, trong 30 năm qua, trong khi lạm phát đã được loại ra khỏi nền kinh tế Mỹ trong hầu hết các khu vực khác, chi phí cho giáo dục và chăm sóc sức khoẻ hằng năm vẫn tăng cao hơn nhiều lần tỷ lệ lạm phát.
Việc đo lường chất lượng giáo dục hóa ra cực kỳ phức tạp. Đa số các trường đại học được đánh giá bởi nhiều yếu tố, bao gồm tài nguyên sinh viên, giảng viên và cơ sở vật chất. Trong số đó, đứng đầu là số điểm SAT trung bình của sinh viên mới vào năm thứ nhất. Tuy nhiên, các kết quả kiểm tra sử dụng trong tuyển sinh là một thước đo những gì nhà trường nhận vào chứ không phải những gì họ làm ra. Sự kiện một trường đại học thuộc Ivy League có số tân sinh viên đạt điểm SAT cao chỉ cho thấy đó là nơi thu hút tài năng mạnh mẽ, ngoài ra không có gì khác. Điều quan trọng là phải xem sinh viên, kể cả những người có điểm SAT thấp, tiến bộ như thế nào trong thời gian họ học tại trường. Nhưng thước đo để đánh giá sự tiến bộ đó là gì? Cuốn sách Academically Adrift27 được đề cập trong chương trước đã đưa vấn đề này lên hàng đầu. Sử dụng bài kiểm định Collegiate Learning Assessment (Đánh giá học tập của sinh viên đại học), các tác giả thấy rằng 45% sinh viên không có sự cải thiện về tư duy phản biện trong hai năm đầu tiên. Các kiểm định tiếp theo sau đó đã chứng minh tình trạng này vẫn còn tiếp tục tồn tại trong năm thứ ba và thứ tư. Lý do tại sao? Theo như cuốn sách cho thấy, sinh viên tại bất kỳ trường đại học nào cũng chọn các khóa học dễ dàng, có ít bài tập trong lớp và bài tập làm ở nhà hay ít phải đọc sách. Điều này dẫn đến tình trạng đầu ra ít được cải thiện.
Nếu đây là những vấn đề của một nền giáo dục khai phóng, ngày nay có thể có một giải pháp dưới hình thức công nghệ. Giáo dục là một lĩnh vực của đời sống không thay đổi đáng kể qua nhiều thế kỷ. Ngày nay chúng ta học tập theo cách thức có vẻ không xa lạ với người Hy Lạp cổ đại. Một thầy cô đứng thuyết trình trước một nhóm học trò, có những lúc cho họ tham gia thảo luận. Tất cả các cuộc cách mạng công nghệ thông tin trong những thập kỷ gần đây hầu như chẳng có tác dụng gì trên cơ chế căn bản này hoặc trên các hoạt động cơ bản của các trường học, từ tiểu học lên tới đại học.
Bây giờ đã khác. Bạn hãy đăng nhập vào hệ thống MOOC (Massive Open Online Courses - Các khóa học phổ cập trực tuyến)28, là một trong số các hệ thống giảng dạy hứa hẹn – hoặc đe dọa – thay đổi cách cung cấp giáo dục tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. MOOC là các khóa học có thể theo học trực tuyến bằng cách xem video bài giảng và hoàn thành các bài làm, bài kiểm tra được chấm điểm bởi chương trình máy tính hoặc con người. Trong một số trường hợp, sinh viên tham gia vào các cuộc thảo luận trong lớp học ảo thông qua các phòng trao đổi có tổ chức hoặc các bản tin điện tử. Cho đến nay, MOOC hiếm khi cấp hình thức tín chỉ chính thức – tuy nhiên có khả năng sau này sẽ thay đổi. Nền tảng lớn của việc thành lập hệ thống này là lại là một ý tưởng đơn giản. Một khóa học dành cho một vài trăm người tại một đại học bây giờ có thể đến tay hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người trên toàn cầu. Đến đầu năm 2014, hai nền tảng chính dành cho MOOC tại Hoa Kỳ29 đã có khoảng 10 triệu học sinh cùng theo dõi. Coursera, nền tảng lớn nhất, có số sinh viên trong gần 200 nước theo học gần 600 khóa học thuộc về rất nhiều lĩnh vực khác nhau. MOOC đại diện cho nỗ lực tham vọng nhất trong lịch sử nhằm mở rộng cách tiếp cận giáo dục. Và hệ thống này làm cho nhiều người trong giới đại học rất lo lắng.
Tháng 10 năm 2012, tôi đã được yêu cầu chủ trì một hội nghị giáo dục do tạp chí Time và Quỹ Carnegie tài trợ. Thành phần phát biểu gồm bốn vị hiệu trưởng đại học ưu tú và Andrew Ng, một trong những người sáng lập Coursera. Vào thời điểm đó, Coursera chỉ mới thành lập được nửa năm. Giáo sư Ng, một nhà khoa học máy tính của Đại học Stanford, đã trình bày về những tiềm năng to lớn của MOOC và tham vọng của mình muốn cung cấp những cơ hội học tập mới cho hàng triệu người. Lấy khóa học của riêng ông làm ví dụ, Ng giải thích cách công nghệ trực tuyến đã ồ ạt mở rộng số lượng sinh viên có thể cùng ghi danh vào một lớp học duy nhất, từ khoảng 500 sinh viên trở lên tại Stanford đến hàng chục ngàn người học trực tuyến. Ông khiêm tốn nhấn mạnh rằng mô hình giáo dục mới này đang trong giai đoạn đầu và có nhiều điểm sẽ cần phải điều chỉnh.
Các nhà giáo dục có thái độ hết sức hoài nghi. Tất cả các vị hiệu trưởng đại học tham gia phát biểu bày tỏ quan ngại và nghi ngờ về công nghệ mới này; họ quả quyết với khán giả (chủ yếu là các vị hiệu trưởng đại học khác) rằng một khuôn viên đại học thực tế, việc giảng dạy trong lớp và trải nghiệm với bạn bè đồng lứa sẽ luôn luôn là các khía cạnh thiết yếu và không thể thay thế của giáo dục đại học. “Rất nhiều người đăng ký nhưng đa số bỏ giữa chừng”, cựu hiệu trưởng của một viện đại học có uy tín than phiền. Ng thừa nhận tỷ lệ người hoàn tất khóa học là thấp, nhưng ông lưu ý rằng tỷ lệ hoàn tất các khóa học của ông tại Stanford cũng đang ở mức thấp. Hàng trăm người đã tham dự một, hai lớp học đầu tiên nhưng không bao giờ quay trở lại. Một người tham dự hội nghị khác quả quyết rằng bài giảng video của các giáo sư danh tiếng sẽ không bao giờ có thể thay thế sự tương tác cá nhân giữa các học giả và sinh viên. Ng đồng ý, nhắc nhở mọi người rằng MOOC được thiết kế chủ yếu cho người dân ở các nước đang phát triển ít biết đến hội thảo đại học. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý là có rất ít liên lạc giữa các giáo sư và sinh viên trong các khóa học đông người tại các trường đại học Mỹ. Nói chung, những người chủ tọa và cử tọa lịch sự lắng nghe ông Ng nhưng họ vẫn nhất mực hoài nghi. Tôi không biết là họ có tin chắc rằng các ý tưởng quá mới của ông sẽ không có kết quả, hay là họ lo ngại chúng sẽ thành công. Một cuộc khảo sát năm 2013 xác nhận cảm tưởng suy đoán này.29 Trong số năm giáo sư được Gallup thăm dò ý kiến, chỉ có một vị tin rằng các lớp học trực tuyến có thể có hiệu quả như việc học tập trong lớp.
Cuộc thảo luận này khiến tôi có cảm giác như một hiện tượng mình đã từng chứng kiến. Tôi đã trải qua mười năm làm cho tờ Newsweek, một trong những ấn phẩm thành công nhất thế giới, có hàng chục triệu độc giả và doanh thu hàng trăm triệu đô la. Trong khi Internet đang nở rộ, chúng tôi đã thầm nhủ rằng chúng tôi vẫn có những lợi thế riêng, rằng mọi người cần đến những phẩm chất đặc thù trong sản phẩm của chúng tôi, rằng ngành kinh doanh tạp chí trước đó đã trải qua những thách thức mang tính chu kỳ và rồi chúng tôi sẽ vượt qua khó khăn. Không ngờ hội nghị do báo Time tài trợ lại được tổ chức vào ngày ấn bản cuối cùng của Newsweek được phát hành. (Sau này tờ báo đã sống lại với lượng phát hành hạn chế hơn.) Đề nghị duy nhất của tôi với cử tọa về giáo dục trực tuyến là họ hãy ghi nhớ số phận của tờ Newsweek. Internet đã biến đổi tất cả các ngành công nghiệp theo cách này hay cách khác. Khả năng để nó không tác động tới giáo dục là rất khó xảy ra – và không thể bỏ qua điều này nếu muốn vạch kế hoạch cho tương lai.
Những mối quan tâm của các nhà giáo dục là điều dễ hiểu. Hai nghiên cứu mới đây cho thấy trong số hàng triệu người đăng ký MOOC trên hai nền tảng trực tuyến lớn nhất, chỉ có 4% (đối với Coursera) và 5% (đối với edX) hoàn thành đầy đủ các khóa MOOC.30 Các phương tiện truyền thông dựa trên những tỷ lệ hoàn thành thấp này để nghi ngờ triển vọng của công nghệ và cho rằng MOOC đã được đánh giá quá cao.31 Nhưng đây là một cách hiểu sai về các kết quả nói trên. Hãy nhớ lại rằng bất cứ ai ở bất cứ đâu trên thế giới có bất kỳ trình độ giáo dục nào cũng có thể đăng ký một khóa học MOOC. Không có rào cản nào với việc tham gia. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người đã đăng ký với thái độ không nghiêm túc. Coursera báo cáo rằng tỷ lệ người học bỏ dở nửa chừng sau tuần đầu tiên là rất cao, gần đến 40%.32 Nhưng trong số người học tiếp tục tham gia sau tuần đầu tiên, có gần 5% hoàn thành khóa học. Và hãy nhớ rằng con số ghi danh ban đầu quá lớn nên tỷ lệ hoàn thành khóa học 5% cũng đã là con số rất đáng kể. Trong các năm 2012 và 2013, có khoảng 43.000 người học hoàn tất 17 khóa học đầu tiên do edX thiết kế 33 – trung bình mỗi lớp có 2.529 người; như vậy là đã mở rộng gấp năm lần một khóa giảng đông sinh viên. Nhà kinh tế Robert Shiller ở Yale, người đoạt giải Nobel, dạy khóa học trực tuyến đầu tiên vào năm 2013. Số người tham gia và hoàn thành khóa học trong một năm đó đông hơn tổng số sinh viên ông đã giảng dạy suốt 32 năm làm giáo sư.
Tiềm năng của giáo dục trực tuyến rất rực rỡ. Bất cứ ai, dù giàu hay nghèo, già hay trẻ, ở Haiti hay Mông Cổ, đều có thể truy cập vào các khóa học tốt nhất thế giới, theo dõi các bài giảng tuyệt vời nhất và nghiên cứu những vấn đề mà họ đã từng mơ ước. Khan Academy – diễn đàn trực tuyến đặc biệt xuất sắc với 3.000 video khác nhau, dạy đủ thứ từ đại số đến sinh học, lịch sử – đã thay đổi cách nghĩ của chúng ta về việc học tập. Một phương pháp mới chính yếu là phương pháp “đảo ngược lớp học”, cho học sinh nghe (hoặc xem) một bài giảng ở nhà và sau đó giải quyết các vấn đề với giáo viên tại trường. Đây là một cách sử dụng thời gian và công sức vừa của giáo viên lẫn học sinh một cách tích cực và hiệu quả hơn nhiều – thụ động tự học ở nhà, tích cực hoạt động tại trường với sự trợ giúp của giáo viên. Giống như bất cứ sự chuyển đổi công nghệ tuyệt vời nào, MOOC và các dự án mạo hiểm tương tự sẽ tạo những tác động lan toả trên lĩnh vực giáo dục. Chúng sẽ buộc giáo viên phải làm việc tốt hơn vì giờ đây họ sẽ được đánh giá so với những người giỏi nhất thế giới. Chúng sẽ gây áp lực buộc các trường đại học kiểm soát chi phí, có lẽ phải tập trung vào những điều họ làm tốt và tìm cách thức mới để nâng cao năng suất. Chúng sẽ đòi hỏi sinh viên quyết định những gì thực sự quan trọng đối với họ – kiến thức, thành tích học tập, những cuộc thảo luận – và tìm cách tốt nhất để đạt được thứ đó. Các trường đại học tốt nhất sẽ đối mặt với ít thách thức hơn, một phần vì họ cung ứng một hình thức học tập duy nhất nhưng phần lớn là vì họ mang tới cơ hội cho sinh viên tham gia vào một trải nghiệm kết nối quan hệ cá nhân có giá trị. Nhưng các mô hình giáo dục mới sẽ gia tăng, như Dự án Minerva,34 một trường giáo dục khai phóng, cung ứng một hình thức giảng dạy đại học được tinh giản, sử dụng các lớp học trực tuyến, loại bỏ các “phụ kiện” đắt tiền như cơ sở vật chất, trang thiết bị và các đội thể thao. Và đây mới chỉ là khởi đầu. Công nghệ học tập trực tuyến sẽ tạo ra những thay đổi bằng những cách mà chúng ta chưa bao giờ lường trước được. MOOC chỉ mới thành lập được ba năm.
Bí quyết để thực hiện các hình thức đổi mới trong việc giảng dạy tương tự với các khóa học MOOC là hãy nói với người ta về tiềm năng đầy hứa hẹn của Big Data. Vì có hàng triệu người theo học các khóa trực tuyến, các tổ chức cung cấp khóa học đó sẽ có một lượng lớn thông tin trong hệ thống của họ. Khi được phân tích đúng đắn, thông tin này có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong việc học tập. Giáo dục luôn luôn tìm cách để phục vụ cho mỗi cá nhân. Cách tôi học khác với cách bạn học và điều lý tưởng là tất cả chúng ta sẽ được giảng dạy theo cách riêng biệt dành riêng cho từng người. Đó là lý do tại sao, trong phần lớn lịch sử nhân loại, giới nhà giàu thuê gia sư đến dạy cho con của họ. Trong cuốn The One World Schoolhouse (Ngôi trường chung cho toàn thế giới),35 Salman Khan – người sáng lập Khan Academy – chỉ ra rằng giáo dục hiện nay dựa trên mô hình lớp học của thời đại công nghiệp. Vào giữa thế kỷ XIX, khi quyết định cung cấp giáo dục cho quần chúng, nước Phổ lập trường học trong nước theo mô hình các nhà máy đương thời. Học sinh đã được gom lại với nhau thành nhóm theo độ tuổi và được đưa vào một băng tải ảo. Người ta ném kiến thức vào chúng, và chúng nhặt bất cứ điều gì theo sức mình trên đoạn đường đẩy chúng tiến tới kỳ thi tốt nghiệp. Các nước khác cũng áp dụng phương pháp tương tự. Có lẽ đó là cách duy nhất để giáo dục số đông nhiều người, nhưng giáo dục không được tùy biến theo từng cá nhân trong bất kỳ khía cạnh nào. Trong thực tế, càng có nhiều người cần được giáo dục thì hình thức giảng dạy càng ít tùy biến.
Tình trạng ấy bây giờ có thể thay đổi. Với Big Data và những chương trình phân tích thông minh để xử lý khối lượng dữ liệu ấy, các nhà giáo dục có thể biết rất rõ những gì sẽ thành công và những gì có thể thất bại. Khi người học tiến bộ qua một khóa học, giáo viên của họ có thể nhận được thông tin phản hồi liên quan đến thành tích của mỗi học viên. Hệ thống này có thể sử dụng các chỉ số như kết quả bài quiz và bài thi cuối môn học để điều chỉnh nội dung cụ thể, thay đổi tốc độ, điều chỉnh tài liệu học tập và các kỳ thi một cách thích hợp để mang lại hiệu quả cao nhất cho cá nhân người học. Nếu hàng ngàn người học trên toàn thế giới mắc lỗi ở cùng một số câu hỏi kiểm tra nào đó, hệ thống sẽ gửi cho các nhà giáo dục một tín hiệu rõ ràng hơn, báo cho biết việc giảng dạy phần đó hoặc cách thiết kế các bài kiểm tra cần phải được thay đổi. Dữ liệu lớn có thể là một hệ thống phát hiện sớm, giúp đưa ra những cách điều chỉnh nhanh chóng cho khóa học.
Một khóa học trực tuyến được cấu trúc tốt, sử dụng những lợi ích của dữ liệu lớn như vậy sẽ phát triển như một cái cây. Mỗi người học tiến hành học tập theo phân nhánh đặc biệt phù hợp với điểm mạnh và điểm yếu của mình. Đây là một khái niệm mang tính cách mạng bởi vì nó làm thay đổi một trong những quy tắc cơ bản của giáo dục. Từ trước đến nay, người ta thừa nhận rằng chỉ có thể gia tăng số lượng người học khi giảm bớt sự chú ý riêng biệt đến từng cá nhân. Theo cách nói chuyên môn trong ngành công nghiệp, quy mô và tùy biến có tương quan nghịch biến. Nhưng bây giờ, quy mô và tùy biến có thể có tương quan đồng biến. Càng nhiều sinh viên tham gia khóa học, cơ sở dữ liệu được tạo ra càng lớn và sau đó có thể được phân tích, áp dụng cho việc học tập của mỗi cá nhân. Đây có thể là con đường để việc học tập của mỗi cá nhân có hiệu quả cao trên quy mô lớn.
Tuy nhiên, hứa hẹn lớn nhất của MOOC và học trực tuyến nói chung, vẫn còn mang ý định ban đầu: mở rộng số người tiếp cận. Stamenka Uvalic-Trumbic, một chuyên gia giáo dục từng làm việc với UNESCO,36 lưu ý rằng trong năm 2011 số lượng người tham gia giáo dục đại học trên toàn thế giới là 165 triệu. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, con số này sẽ đạt 263 triệu trong năm 2025. Tuy nhiên, không thể đạt tới những con số đó bằng cách sử dụng hệ thống giáo dục hiện tại. Uvalic-Trumbic giải thích: “Để phục vụ thêm 98 triệu sinh viên, ta cần mở thêm trên 4 đại học lớn (30.000 sinh viên) mỗi tuần trong thời gian 15 năm sắp tới.” Không có nơi nào theo kịp được tốc độ mở rộng ấy. Ngay cả ở Trung Quốc, nơi mà chính phủ đã đưa ra cam kết quan trọng trong việc mở rộng con đường tiếp cận giáo dục đại học, số lượng sinh viên đang phát triển với một tốc độ nhanh hơn nhiều so với số lượng giảng viên và cơ sở vật chất. Richard Levin, giám đốc điều hành của Coursera nói: “Chắc chắn, tác động lớn nhất của các mô hình dạy trực tuyến kiểu MOOCs sẽ xuất hiện tại các nước đang phát triển, nơi mà hàng triệu người sẽ được giáo dục vì đơn giản là họ không có cách nào khác hơn.” Hiện tại, 72% người đăng ký các khóa học edX đến từ bên ngoài nước Mỹ.37
Thành phần những người đăng ký học các mô hình MOOC rất đa dạng. Đại đa số không nằm trong nhóm tuổi đại học.38 Họ có trình độ giáo dục không đồng đều, mặc dù phần lớn có trình độ sau trung học. Các khóa học được cung cấp bao gồm nhiều chủ đề giáo dục dự bị cho chuyên ngành sau đại học và giáo dục phổ quát. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 11 năm 2013 cho thấy39 trong số các sinh viên theo học ít nhất một trong 32 khóa MOOCs do Đại học Pennsylvania cung cấp trên nền tảng Coursera, 50% nói rằng họ học vì sự tò mò hoặc “chỉ để cho vui.” Có 44% nói họ đã đăng ký học nhằm đạt được “kỹ năng cụ thể để làm công việc của mình tốt hơn.” Nói cách khác, một thành phần lớn người theo học các khóa MOOC quan tâm đến việc tiếp thu một nền giáo dục khai phóng hoặc để có kiến thức nâng cao hơn so với những gì họ đã học những năm về trước. Chúng ta đang tiến tới một thời điểm mà ai cũng có thể nắm bắt những thành phần cơ bản của một nền giáo dục khai phóng song họ không có cơ hội và có đủ chi phí để theo học một trường đại học giáo dục khai phóng. Tôi nói “các thành phần cơ bản” của một nền giáo dục khai phóng vì cũng có thể đúng rằng các trường đại học ký túc, hội thảo trong lớp học, các cuộc thảo luận thâu đêm và các hoạt động ngoại khóa là những điều kiện kết hợp chủ yếu để cung cấp trải nghiệm học tập hoàn thiện. Chắc chắn, đối với các trường đại học tốt nhất, chẳng hạn như 50 trường ở Mỹ hay 100 trường hàng đầu trên toàn thế giới – những lợi ích khi được nhận vào một câu lạc bộ đặc quyền sẽ khiến cái giá đắt đỏ để được vào đó trở nên có ý nghĩa. Nhưng điều đó không có nghĩa là những khía cạnh quan trọng của nền giáo dục này không thể được cung cấp cho hàng triệu người trên thế giới với chi phí thấp hơn. Và nếu giá trị của một nền giáo dục khai phóng là có thực – trong việc mở mang tâm trí, giúp con người chuẩn bị cho thế giới thay đổi nhanh chóng và góp phần xây dựng năng lực để tận hưởng tự do – thì việc hàng triệu người ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil sẽ tiếp cận được với nó quả là một lý do đáng để ăn mừng.
Chúng ta hãy trở lại với công trình nghiên cứu năm 2013 cho kết quả rằng một nửa số người đăng ký các lớp học trực tuyến không chỉ vì mục đích nghề nghiệp cụ thể. Chúng ta thấy cùng một hiện tượng như thế trong sự bùng nổ của các khóa học, sách và video dành cho việc học của người lớn. Tại sao tất cả những người này trên khắp thế giới đăng ký các khóa học lịch sử nghệ thuật, tâm lý học và vật lý? Nếu điều đó không giúp họ tìm được một việc làm, tại sao họ muốn biết những thứ này?