Nếu “ngu si hưởng thái bình” (Ignorance is bliss), thế thì tại sao mọi người ai cũng muốn hiểu biết? Đây là một câu hỏi đã có từ lâu trong văn hóa phương Tây. Prometheus đem lửa từ đỉnh Olympus xuống cho Trái đất và con người.1 Làm như vậy, anh đã khiến vị thần tối cao Zeus nổi cơn thịnh nộ. Ông ta ra lệnh xích anh vào một tảng đá, bắt anh chịu cực hình ngày ngày đều bị con chim đại bàng đến moi gan. Và đó mới chỉ là sự trừng phạt dành cho Prometheus. Zeus giáng xuống cho con người một tai họa bằng cách cho nàng Pandora xuống trần mang theo chiếc hộp mà một khi mở ra, cả nhân loại sẽ mãi phải chịu đựng mọi thứ khổ đau – bệnh tật, buồn khổ, ganh ghét, hận thù.
Ngọn lửa của Prometheus có thể là ẩn dụ cho kiến thức. Trong phiên bản thần thoại của Aeschylus, ngoài một cành cây bốc cháy, Prometheus còn đưa xuống cho con người các môn nghệ thuật, trong đó bao gồm chữ viết, toán học, thiên văn học, kiến trúc và y học. Nói cách khác, Prometheus quyết định mang xuống từ trời một chương trình giảng dạy giáo dục khai phóng – rồi anh ta và tất cả nhân loại đã phải trả một cái giá khủng khiếp.
Adam và Eva cũng đã làm một chuyện tương tự.2 Câu chuyện quan trọng trong lịch sử Kinh Thánh cũng nói về sự nguy hiểm của tri thức. Theo sách Sáng Thế Ký, trong vườn Địa đàng có nhiều loại cây nhưng chỉ có hai cây có tên, đó là cây Trường Sinh và cây Hiểu Biết. Chúa cấm Adam và Eva không được ăn trái của cây Hiểu Biết; Chúa cảnh báo nếu ăn thì hai người sẽ chết(i). Con rắn, biểu tượng cho Qủy Satan, bảo hai vợ chồng đừng rụt rè ngần ngại, cam đoan hai người ăn trái cấm cũng chẳng chết chóc gì. Nó nói với Eva sở dĩ Chúa cấm là vì khi ăn trái cây ấy thì “mắt của hai người sẽ mở ra và hai người sẽ trở nên giống Chúa, biết được thiện ác.”
Chú thích:
(i) Có người cho rằng cái cây thực ra là một biểu tượng ngẫu nhiên cho sự vâng lời. Nhưng theo học giả David Scott Kastan đã nhận xét trong lời giới thiệu cho cuốn Paradise Lost (Indianapolis: Hackett, 2005, xlv) của mình, vậy thì tại sao nó không được gọi là cây Tuân Mệnh? Trái cấm của hiểu biết mới thực sự là trung tâm của câu chuyện (Chú thích của tác giả).
Thế là Adam và Eva hái trái cấm để ăn. Khi biết việc này, Chúa đã trừng phạt hai người một cách không thương tiếc. Chúa phán tội Eva: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén;” thế là người phụ nữ bị kết án mãi mãi chịu đau đớn lúc sinh con. Với Adam, Chúa phán: “Đất đai là khổ ách cho ngươi. Suốt đời ngươi sẽ phải cực nhọc mỗi ngày mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra.” Và tất nhiên, Chúa trục xuất hai người ra khỏi vườn Địa đàng. Nói cách khác, con người xuất hiện ở thế gian như những sinh vật sa ngã, sinh ra đã mang tội tổ tông, bởi vì họ mong muốn hiểu biết.
Khái niệm cho rằng sự hiểu biết là điều nguy hiểm đã xuất hiện trong tư tưởng phương Tây qua nhiều thiên niên kỷ. Trong khi phương Tây đã có những bước tiến lớn trong sự hiểu biết về vũ trụ, chúng ta lưu ý một điểm thú vị là những nền văn hóa ngoài phương Tây không có những huyền thoại tương đương đề cập đến những mối nguy hiểm của việc học hỏi. Các nền văn minh khác cũng có một số câu chuyện tương tự, nhưng không có liên quan gì với nội dung câu chuyện của Prometheus hay sự sa đoạ của con người trong Kinh Thánh. Có lẽ đó là bởi vì phương Tây đã khăng khăng thích tìm hiểu nên họ đâm ra sợ hãi hậu quả do sự tò mò của mình.
Cụm từ “ngu si hưởng thái bình”3 xuất phát từ một bài thơ rất hay Ode on a Distant Prospect of Eton College (Tụng ca một thời đã xa của mái trường Eton) của tác giả người Anh Thomas Gray vào thế kỷ XVIII. Trong đó, nhà thơ viết về chuyến thăm trường cũ của mình và rất vui mừng khi thấy “những ngọn đồi hạnh phúc, ... gợi nhớ niềm vui và tuổi trẻ”. Ông gợi lên hình ảnh những thú vui thơ ngây đồng nội, nhưng sau đó ông nghĩ về tất cả mọi điều xấu xa đang đón chờ những chàng thanh niên này trong cuộc đời thực tế, một khi họ rời khỏi môi trường sống cách biệt của Eton: sợ hãi, ghen tuông, giận dữ, thất vọng, nghèo đói, cái chết và “mũi tên Ưu Sầu đâm nát con tim.” “Tốt hơn là đừng để họ hay biết về những thực tại như thế,” ông kết luận: “Thought would destroy their paradise, where ignorance is bliss. Tis folly to be wise.” (Sự suy nghĩ sẽ phá hủy thiên đường, nơi họ ngu si hưởng thái bình. Thông thái là điều rồ dại.)
Tuy nhiên, bất chấp nguy hiểm, bất chấp nỗi buồn, chúng ta không ngừng đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời. Cicero tin rằng bản chất con người chúng ta “bị cuốn hút vào con đường theo đuổi kiến thức.”4 Nhiều nhà sinh học hiện đại cũng đồng tình, cho rằng cốt lõi của việc làm người là việc sử dụng bộ não. Hơn ba triệu năm trước, tổ tiên của chúng ta bắt đầu bước đi trên hai chân sau. Điều đó giải phóng đôi tay của họ để làm những việc khác, và đáng kể nhất, đó cũng là lúc bộ não con người được phát triển. Bộ não lớn là điểm quan trọng duy nhất tạo ra khác biệt giữa con người và các động vật khác. Richard Dawkins giải thích lý do tại sao:
Các loài có thể giao tiếp, nhưng không loài nào khác ngoài con người có ngôn ngữ đích thực với ngữ pháp đa dạng.5 Không loài nào khác có văn học, âm nhạc, nghệ thuật, toán học hay khoa học. Không loài nào khác làm ra cuốn sách hoặc máy móc phức tạp như xe hơi, máy vi tính và máy gặt đập. Không loài nào khác dành những quãng thời gian lâu dài để theo đuổi những mưu cầu chẳng đóng góp trực tiếp vào sự tồn tại hay duy trì nòi giống.
Ban đầu, trước khi con người chúng ta viết opera và chế tạo iPad, tổ tiên của chúng ta kết hợp sức mạnh não bộ của họ với đôi bàn tay – lúc ấy đã được giải phóng khỏi nhiệm vụ bước đi – để kiếm thức ăn và làm cho các công cụ đơn giản. Họ đã sử dụng khả năng tinh thần sơ khai của mình để tìm cách cải thiện hoàn cảnh sống trong môi trường tự nhiên chứ không phải chỉ đơn giản là để thích ứng với môi trường giống như tất cả các loài động vật khác. Như Jacob Bronowski viết trong cuốn The Ascent of Man (Con đường đi lên của nhân loại), con người đã trở thành “một sinh vật cá biệt, không phải là một bóng người trong cảnh vật” mà là “một người tạo hình cho cảnh vật.”6 Con người đã tìm cách kiểm soát môi trường của họ và do đó trở thành kẻ săn bắn hái lượm, nông dân, chiến binh, và cuối cùng, họ là các nhà xây dựng các thành phố và nhà nước, xây dựng các nền văn minh.
Nền tảng của việc canh tác và xây dựng là sự tìm kiếm kiến thức thuộc loại thực tế. Người Hy Lạp cổ đại là những người đầu tiên nỗ lực tìm hiểu thế giới theo hướng trừu tượng. Họ gọi công cuộc thăm dò đó là philosophy, có nghĩa là “lòng yêu thích sự thông thái khôn ngoan.” Nội dung tìm hiểu không chỉ là bản chất con người mà còn bao gồm cả thiên nhiên. Họ gọi công cuộc tìm hiểu thiên nhiên là “triết học tự nhiên” – điều mà mãi sau này mới mang tên là khoa học. Theo thời gian, việc nghiên cứu con người và nghiên cứu thiên nhiên dần trở nên tách biệt. Việc nghiên cứu về con người có vẻ mơ hồ và mang tích chất ức đoán, nghiên cứu thiên nhiên thì chặt chẽ và rõ ràng. Bertrand Russell, nhà khoa học kiêm triết gia đầu thế kỷ XX, có lần đã mô tả rạch ròi sự khác biệt giữa khoa học và triết học. Ông giải thích: “Khoa học là những gì chúng ta biết và triết học là những gì chúng ta không biết.”7 Theo quan điểm này, triết học liên quan đến những suy đoán về những điều mà người ta không thể đưa ra bằng chứng rõ ràng. Một khi bạn biết chắc chắn về một đối tượng cụ thể thì nó di chuyển từ lĩnh vực triết học sang lĩnh vực khoa học. Đối với Russell, triết học là vô cùng quan trọng vì có rất nhiều thứ người ta không biết nhiều về chúng và có lẽ không thể biết rõ. Nhưng theo cách nói của ông, triết học vẫn là “khoa học bất toàn”. Chúng ta nên nhớ từ science trong gốc tiếng Latin có nghĩa là “hiểu biết”.
Về mặt lịch sử, khái niệm triết học của Russell có thể coi như bước đầu dẫn đến khoa học. Con người tự hỏi tại sao mặt trời mọc hoặc thủy triều dâng và suy đoán có những thần linh nắm quyền điều khiển. Người Hy Lạp khẳng định các hiện tượng thiên nhiên đều có đủ mọi thứ nguyên nhân thường gán cho các nam thần và nữ thần, nhưng cũng do các yếu tố vật lý và sinh học. Trải qua nhiều thế kỷ, việc truy vấn khoa học – lập thuyết, thử nghiệm, quan sát – đã loại bỏ, sửa đổi và bổ sung nhiều lý thuyết trong số này. Chúng ta không còn nghĩ rằng có thần linh trong cây cối, rằng thần Mặt trời cưỡi xe ngựa di chuyển trên bầu trời mỗi ngày, hoặc cho rằng bé gái được tạo ra do tình trạng “thiếu nhiệt” trong cơ thể (theo cách giải thích của Aristotle).8 Chúng ta không còn nghĩ rằng Trái đất là phẳng hoặc là trung tâm vũ trụ; hai quan điểm này rất phổ biến trong giới học giả uyên bác qua nhiều thế kỷ. Khoa học đã thay thế triết học, theo cách nói của Russell.
Việc tìm kiếm kiến thức đem lại quyền lực cho con người, giống như Kinh Thánh đã đoán trước, và quyền lực đã được sử dụng để làm việc thiện ác. Nhưng nhìn chung, con người đã có một nỗ lực bền bỉ và liên tục để cải thiện cuộc sống. Tiến bộ trong công nghệ và y học chắc chắn có những hiệu ứng tiêu cực – chiến tranh hạt nhân, tác động của tăng trưởng kinh tế lên môi trường, vấn đề đạo đức của phương pháp nhân bản vô tính. Tuy nhiên, trong vòng hơn 500 năm, kiến thức đã có những kết quả tích cực, và trong hơn 200 năm, nó mang lại những kết quả tốt đẹp đến kinh ngạc. Cơ bản nhất là con người sống thọ hơn, khoẻ mạnh hơn, thịnh vượng hơn về vật chất và có lối sống chan hòa nhân ái hơn.
Để nhắc lại ý nghĩa của tiến bộ khoa học đối với con người, tôi xin kể ngắn gọn về cách điều trị một trong những người có quyền thế nhất của thế kỷ XVII là Vua Charles II của nước Anh.9 Sau khi ông bị đột quỵ nhẹ vào năm 1685 (trường hợp này, hầu như chắc chắn ông có thể tự hồi phục), 14 bác sĩ giỏi nhất nước bắt đầu bằng việc trích huyết cho ông, lấy ra một nửa lít máu. Ngự y của nhà vua quyết định làm như vậy chưa đủ và lấy ra thêm 8 oz (khoảng 1/4 lít) bằng cách cắt vào vai của nhà vua. Nhà vua được gây nôn, cho uống thuốc xổ và thụt hậu môn. Charles tỉnh lại, nhưng trong vòng năm ngày sau, các bác sĩ tiếp tục tiến hành thụt rửa và lấy máu. Ông được cho hít bột hắt hơi, buộc phải uống nhiều loại thuốc nước khác nhau và hai chân bôi đầy phân chim bồ câu. Cuối cùng, sau khi được cho uống một thứ thuốc giải độc có chứa “các chất chiết xuất của tất cả các loại thảo mộc và động vật của vương quốc” (theo nhật ký của quan ngự y), nhà vua băng hà. Và đó là cách chăm sóc sức khoẻ tốt nhất thế giới vào thời ấy.
Tuổi thọ trung bình vào thời Charles II là khoảng 30 tuổi10 và vẫn ở mức như vậy cho đến năm 1900. Ngày nay, tuổi thọ trung bình trên toàn thế giới là 70 và con số thậm chí còn cao hơn ở các nước tiên tiến. Tiến bộ vật chất trong thời gian gần đây thật đáng kinh ngạc. Trước khi bước sang thiên niên kỷ, Liên Hợp Quốc ước tính rằng trong nửa cuối thế kỷ XX, tình trạng nghèo đói toàn cầu đã giảm nhiều hơn so với khoảng thời gian 500 năm trước đó.11 Ngày nay, một người Trung Quốc trung bình giàu có tăng gấp 40 lần và sống thọ hơn 30 năm so với 50 năm trước.12 Tiến bộ của Trung Quốc là đáng chú ý nhất, nhưng nó được chia sẻ rộng rãi. Năm 1960, cứ 5 trẻ sơ sinh chào đời thì có một trẻ chết non.13 Ngày nay tỷ lệ này là 20/1. Rất có thể là mức sống cực nghèo (dưới 1,25 đô la Mĩ/ngày) sẽ hoàn toàn biến mất sau một thế hệ nữa.14
Những con số này được xem là như một minh chứng chủ yếu cho kiến thức khoa học. Và tất nhiên, rõ ràng là thuốc men, vắc xin, thói quen vệ sinh đã góp phần mạnh mẽ đem lại các bước cải thiện ấy. Nhưng các ngành khoa học nhân văn và khoa học khác cũng đã đem lại những lợi ích to lớn không kém. Con người đã tự tổ chức theo những cách hiệu quả hơn về cả kinh tế, chính trị và xã hội. Và những thay đổi trong hành vi và cách tổ chức này là kết quả của những ý tưởng tốt hơn, đôi khi đạt được qua suy đoán và thông hiểu, nhưng đa số là nhờ thử nghiệm và sai lầm – quá trình này là con đường duy nhất để ngành khoa học xã hội có thể thực hiện những thí nghiệm trong thế giới thực.
Trong cuốn sách The Rational Optimist (Người lạc quan duy lý), Matt Ridley ghi nhận15 rằng qua thời gian con người đã biết được rằng những cuộc trao đổi thẳng thắn – dù đó là ý tưởng, hàng hóa hay dịch vụ – đều mang lại những lợi ích thiết thực cho tất cả mọi người. Ông cũng giải thích rằng sự nâng cao chuyên môn hoặc phân công lao động đã làm gia tăng sản lượng kinh tế trên toàn cầu. Những ý tưởng như vậy đã được chấp nhận và thực hiện một cách ngập ngừng, qua nhiều bước lùi lẫn bước tiến vì có thành công và thất bại. Trong cuốn The Better Angels of Our Nature (Các thiên thần thánh thiện trong bản chất chúng ta), Steven Pinker đã nói một câu mà ngày nay trở nên nổi tiếng khi ông khẳng định: Chúng ta đang sống trong thời kỳ yên bình nhất trong lịch sử nhân loại. Ông lập luận rằng một số ý tưởng được đưa ra, chẳng hạn như các khái niệm về tự do cá nhân, tự chủ và nhân phẩm, đã tác động lên thế giới một cách mạnh mẽ và tạo ra bước đầu của một “cuộc cách mạng nhân đạo”16, bằng cách chấm dứt chế độ nô lệ. Pinker cũng viết về các cuộc “cách mạng các thứ quyền” (rights revolutions) diễn ra trong thời kỳ gần đây,17 nhờ đó các dân tộc thiểu số, phụ nữ, người đồng tính nam và những nhóm người thiểu số khác trước đây không ở trung tâm cấu trúc quyền lực trong xã hội, được quan tâm và đối xử công bằng hơn.
Một số nhà nghiên cứu nhân văn khó chấp nhận ý tưởng cho rằng con người đã đạt tiến bộ trong những lĩnh vực cơ bản này.18 Họ băn khoăn phải chăng chúng ta sống tốt hơn so với những người Hy Lạp cổ đại? Với đa số áp đảo, câu trả lời là có, trừ phi bạn là một trong số ít các nhà quý tộc Hy Lạp nam giới (và ngay cả trong trường hợp ấy, bạn đừng có bị đau răng nhé). Chế độ nô lệ, thân phận nông nô, những cuộc đọ kiếm tay đôi, tình trạng lạm dụng phụ nữ và trẻ em đã dần dần biến mất trong vài thế kỷ vừa qua – là kết quả của những ý tưởng nhân văn rộng mở, nền tảng của một nền giáo dục khai phóng. Tất nhiên ta cần phải đạt nhiều tiến bộ hơn nữa bởi vẫn có một số trường hợp, những hình thức cổ xưa quen thuộc lại bị thay bằng những hình thức mới bất công hơn. Nhưng điều đó không thể phủ nhận thực tế rằng kiến thức đã giúp con người đạt những tiến bộ rõ ràng trước mắt.
Cách đây 400 năm, những bậc vua chúa chuyên chế thống trị gần như toàn thế giới; đại đa số dân chúng không có quyền tự do kinh tế và chính trị. Ngày nay, phần đông dân số thế giới sống dưới các chế độ dân chủ, và dù có khuyết điểm thế nào chăng nữa, các chế độ này thường tốt hơn so với các chế độ độc tài tham lam trong quá khứ. Trước đây không lâu, các chính sách kinh tế của một quốc gia được thiết kế để tạo lợi ích tối đa cho một tầng lớp ưu tú nhỏ bé. Hãy nhìn châu Phi trong thế kỷ XIX, toàn bộ các quốc gia nơi đây đã biến thành những khu vực lao động nô lệ và khai thác kinh tế có lợi cho một số ít người châu Âu. Tiếp theo sau thời kỳ giải phóng thuộc địa trong thập niên 1950, các nhà độc tài địa phương xuất hiện, tàn bạo và tham lam không kém. Ngày nay, châu Phi vẫn là nơi tồn tại một số chế độ độc tài và đang đối mặt với nạn tham nhũng tràn lan trong một số khu vực. Nhưng so với ba thập kỷ trước đây hoặc cách đây một thế kỷ, châu lục này đã có tiến bộ đáng kể trong hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội.
Lý do cơ bản thúc đẩy các nước đang phát triển lớn mạnh nhanh hơn nhiều trong các thập kỷ vừa qua là việc phổ biến tri thức. Khi ghé thăm các nước đang phát triển, tôi thấy hầu như ở khắp mọi nơi, người ta đang điều hành mọi thứ một cách hiệu quả hơn so với những thập niên trước đây. Những người nắm quyền hoạch định chính sách kinh tế hầu như bao giờ cũng là những người đã tốt nghiệp các chương trình kinh tế ở các đại học phương Tây. Họ đã học ở những nơi chẳng hạn như Đại học Chicago, Georgetown hoặc trường Kinh tế London, và sau đó quay trở lại ngân hàng trung ương, bộ Tài chính trong nước để hiện thực những gì họ đã học được. Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đang được cung cấp một cách có hệ thống và chu đáo hơn dựa trên các ý tưởng đã được thử nghiệm và chứng minh ở những nơi khác. Các chính sách này càng phát huy hiệu quả nhờ việc trao đổi thông qua các hội nghị, các cuộc họp, các ấn phẩm và các buổi trò chuyện trên truyền hình. Tuy không thể nào hoàn hảo nhưng tình trạng hiện nay tốt hơn rất nhiều so với cách đây 30 năm.
Khoa học xã hội không phải là khoa học – bởi vì, như nhà kinh tế đoạt giải Nobel Herbert Simon đã nói, “các đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là những suy nghĩ”19 – nhưng một số kiến thức học thuật đã được áp dụng trong thế giới thực.
Chính phủ các nước đã bắt đầu vận dụng những bí quyết rút ra từ các ngành khoa học xã hội, mặc dù có những giới hạn ngăn cản tiến bộ trong các lĩnh vực phức tạp như kinh tế và khoa học chính trị. Các nước công nghiệp tiên tiến ngày nay tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề. Tuy nhiên, hãy xem xét tham vọng cao xa của họ: tìm cách phát triển kinh tế và cung ứng an sinh xã hội cho toàn thể công dân của họ. Trước đây các chính phủ chưa bao giờ ra sức làm nhiều như thế để phục vụ số người đông đảo như vậy.
Kiến thức có thể bị áp dụng cho những mục đích xấu xa. Trong hầu hết mọi trường hợp như thế, những ý tưởng này là chiêu bài để thâu tóm quyền lực. Điều đó không có nghĩa là ý tưởng không có sức sống nội tại. Chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo có thể là những ý thức hệ mạnh mẽ gắn kết xã hội và kích thích con người hành động, thậm chí kích động bạo lực khủng khiếp. Nhưng nhìn lại lịch sử, điều này chưa đủ để mang lại thành công thực sự, thành công đúng nghĩa khi nó hình thành các xu hướng dài hạn có lợi cho một xã hội. Các chính quyền dựa trên các ý tưởng chính trị và kinh tế tồi tệ đã phải cần đến vũ lực, cưỡng bách và hối lộ để thành công và đây là những chính quyền khó duy trì. Đức Quốc xã và Liên Xô thất bại vì bị các nước khác chống đối, chẳng hạn như Hoa Kỳ. Và các xã hội tự do như Mỹ chiếm ưu thế lý do chính là nhờ chúng có sức bền bỉ nhiều hơn, vì những ý tưởng tổ chức của họ hay hơn. Có thể trong Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh, chiến lược của Hoa Kỳ tốt hơn so với Đức và Liên Xô, nhưng nguyên nhân chiến thắng thực sự là khả năng của nền kinh tế Hoa Kỳ sản xuất nhiều hơn các nền kinh tế Đức Quốc xã và Liên Xô. Về lâu dài, các xã hội dựa trên sự phục tùng của người dân thường xung khắc với những thôi thúc tự nhiên của con người. Những nước có ít nhiều thành công, như Trung Quốc, quả thật đã cho phép được hưởng nhiều tự do và tự chủ trong một số lĩnh vực xã hội trong khi vẫn duy trì kiểm soát ở những lĩnh vực khác. Trung Quốc càng mở cửa tiếp cận việc thăm dò kiến thức sâu rộng, các ý tưởng nhân văn, các cuộc trao đổi không giới hạn – nói cách khác là những giá trị mà nền giáo dục khai phóng tán dương – thì chính phủ sẽ càng tìm mọi cách để duy trì sự kiểm soát chặt chẽ về mặt chính trị.
Nhà bình luận Nicholas Kristof của báo New York Times20 chỉ ra ba ý tưởng định hình thế giới rõ nét mà có liên quan với khoa học nhân văn. Đầu tiên, ông lưu ý đến lời của nhà triết học Isaiah Berlin cảnh báo rằng niềm tin vào một chân lý toàn diện và duy nhất tất sẽ sinh ra kiêu ngạo mù quáng, có thể dẫn đến những hậu quả tai hại. Thứ hai, ông chỉ rõ phần đóng góp của John Bordley Rawls vào tư tưởng chính trị: xã hội công bằng nhất sẽ là xã hội bạn sẽ chọn nếu bạn không biết lúc sinh ra mình giàu nghèo ra sao hoặc có tài năng hay bất tài ở mức độ nào. Vì đó là những vấn đề thuộc về di truyền và thời vận, Rawls thừa nhận rằng chúng ta nên đánh giá một xã hội từ phía sau “bức màn ngu si” này. Cuối cùng, Kristof nêu bật công trình của Peter Singer, người đã nhấn mạnh tới ý thức đạo đức của chúng ta trước cách đối xử với thú vật và nỗi đau mà nhiều khi con người không cần thiết phải gây ra cho chúng. Đây chỉ là một vài ví dụ. Có rất nhiều ý tưởng khác trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiêu biểu bằng cách này hay cách khác cho sự tích luỹ hiểu biết và nâng cao nhận thức, đánh dấu một bước thăng tiến trong các vấn đề thuộc con người.
Tất nhiên, đa phần mọi người đọc sách, tìm hiểu khoa học và trải nghiệm nghệ thuật không phải để thay đổi thế giới mà để thay đổi chính mình. Nhưng phải chăng hệ thống giáo dục khai phóng của chúng ta hiện nay đang thay đổi giới trẻ theo chiều hướng tốt đẹp hơn?