Một trong những lợi ích lâu dài của nền giáo dục khai phóng là nó mở rộng kinh nghiệm sống của chúng ta. Khi đọc những tuyệt tác văn học, chúng ta bắt gặp những ý tưởng, những trải nghiệm và cảm xúc mà mình có thể chưa bao giờ gặp trong cuộc đời. Khi đọc lịch sử, chúng ta gặp gỡ con người ở một thời đại khác, học hỏi từ những chiến thắng và gian truân của họ. Khi nghiên cứu vật lý và sinh học, chúng ta thấu hiểu những bí ẩn của vũ trụ và cuộc sống con người. Và khi lắng nghe âm nhạc tuyệt vời, chúng ta bị xúc động theo những cách mà lý trí không thể hiểu được. Điều này có thể không giúp ích cho việc kiếm sống, nhưng nó sẽ giúp tạo ra một cuộc sống.1
Trong một đời người, chúng ta ai cũng đóng nhiều vai trò, trong môi trường nghề nghiệp và cá nhân. Một nền giáo dục khai phóng cho chúng ta khả năng lớn hơn để làm người lao động tốt, nhưng nó cũng sẽ giúp chúng ta trở thành những người đối tác, bạn bè, cha mẹ và người công dân tốt.
Liệu một nền giáo dục khai phóng có làm cho chúng ta trở thành con người tốt hơn không? Sinh viên tại các trường cao đẳng và đại học chắc chắn có được một nền giáo dục chất lượng cao và đắt tiền để chuẩn bị thành công khi bước vào đời. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phê bình, ngay cả những sinh viên giỏi nhất – và đôi khi cả những sinh viên đặc biệt xuất sắc – cũng thấy rất bế tắc. Nói thẳng ra, người ta cáo buộc các sinh viên ấy là người máy chạy theo thành tích được định hướng, chỉ chú trọng vào bản thân và nghề nghiệp của họ. Dường như họ không quan tâm việc tìm hiểu sâu xa về đời sống tinh thần, theo đuổi các đam mê của mình hoặc phát triển cá tính. “Me Generation” (Thế hệ cái Tôi) là tên được đặt cho những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số (1946 – 1964), sau Thế chiến II. Tạp chí Time đã giật một tít ở trang bìa trong năm 2013 nói về những người trưởng thành vào khoảng năm 2000 (thế hệ Millennials) với tiêu đề “The Me Me Me Generation” (Thế hệ cái Tôi, cái Ta, cái Tớ).2
Vào đầu năm 2001, David Brooks viết một bài tiểu luận lúc bấy giờ nổi tiếng có tiêu đề Organization Kid (Đứa trẻ của tổ chức) trên báo The Atlantic, căn cứ vào những buổi ông gặp gỡ các sinh viên và giáo sư trong chuyến thăm Đại học Princeton. Trong bài viết này, Brooks đã mô tả thế hệ các nhà lãnh đạo kế tiếp của Mỹ và lịch trình hằng ngày của họ: “Tập đua thuyền lúc bình minh, lên lớp buổi sáng, sinh hoạt hướng dẫn cộng đồng nội trú, ăn trưa, học nhóm, học chiều, dạy kèm trẻ em thiệt thòi ở Trenton, hát hợp xướng không nhạc đệm, ăn tối, học tối, làm thí nghiệm khoa học, cầu nguyện, tập thể dục với máy leo cầu thang, học thêm một vài giờ nữa.”3 Đây là một thời gian biểu ấn tượng, nhưng Brooks thấy rằng tập hợp các hoạt động cường độ cao này chủ yếu là để phục vụ việc xây dựng thành tích bản thân và trong đó ít có sự tò mò thích hiểu biết những điều mới lạ. Theo ông, điều đáng chú ý hơn là họ hoàn toàn không có ham muốn suy nghĩ về các vấn đề đạo đức, xem xét đời sống nội tâm hoặc tập trung vào việc xây dựng tính cách. Cuối cùng, ông kết luận:
“Ở phía trên cùng của bậc thang nhân tài,4 Hoa Kỳ chúng ta có một thế hệ sinh viên cực kỳ thông minh, nghiêm túc về mặt đạo đức và rất siêng năng cần cù. Họ thích nghiên cứu và giao tiếp theo đoàn nhóm. Họ thành lập và rất nhiệt tình hăng hái tham gia các tổ chức. Họ có trách nhiệm, có ý thức về an toàn và vững vàng chín chắn. Họ không cảm thấy có nhu cầu khẩn thiết phải đối kháng – thậm chí không một chút mảy may. Họ không chỉ vâng theo mà còn ngưỡng mộ uy quyền. “Bất hoà” là một từ gần như không bao giờ nghe họ nói ra. Họ nhìn nhận vũ trụ đầy nhân từ, trật tự và có ý nghĩa. Tại các trường và viện đại học, nơi các lớp lãnh đạo kế tiếp đang được ươm mầm gây giống, người ta không tìm thấy những cuộc cách mạng phẫn uất, những kẻ phất phơ chán nản hay những người chỉ trích cay cú mà chỉ thấy Đứa trẻ của tổ chức”.
Năm 2014, nhà bình luận William Deresiewicz5 phê phán mạnh hơn trong cuốn Excellent Sheep: The Miseducation of the American Elite and the Way to a Meaningful Life (Những con cừu xuất sắc: Sai lầm trong việc giáo dục tầng lớp ưu tú nước Mỹ và con đường tiến đến một đời sống có ý nghĩa).
Trong đó, Deresiewicz kể lại những trải nghiệm của mình trong khi giảng dạy sinh viên tại Đại học Yale, mô tả họ là những người đã dành cuộc đời để chuẩn bị bước vào các trường đại học ưu tú nhưng khi vào được rồi thì họ lại không biết mình sẽ đi về đâu. Họ đã vượt qua biết bao rào cản để có được một nền giáo dục khai phóng, nhưng họ không biết dùng nó để làm gì một khi đã nhận được bằng cấp. Kết quả là, Deresiewicz nhận thấy họ là những người được hưởng đặc quyền – ông dùng cụm từ “entitled little shits” (những kẻ cà chớn ăn trên ngồi trước)6 – nhưng thờ ơ với những vấn đề trí tuệ hay đạo đức, không thích khám phá những câu hỏi lớn hơn về ý nghĩa cuộc đời và không sẵn sàng thách thức trí tuệ của bản thân. Họ chuộng lối sống trưởng giả và có óc cầu tiến nhưng ít quan tâm đến đời sống tinh thần và tâm hồn mình.
Quan điểm cho rằng những người trẻ có phần non nớt và hời hợt về mặt đạo đức7 không phải là một cáo buộc mới mẻ. Năm 700 TCN, nhà thơ Hy Lạp Hesiod đã viết về điều này. Các nhà triết học Xenophon và Plato đã ngao ngán trước tình trạng băng hoại đạo đức của giới trẻ. Người La Mã chứng kiến tình trạng đức hạnh bị mai một ở khắp mọi nơi. Những người sống dưới thời Nữ hoàng Victoria phê bình lòng mộ đạo hời hợt của thế hệ tiếp theo. Và tuy rằng nước Mỹ vốn luôn khác biệt – non trẻ, hướng về tương lai, thích thử nghiệm tìm kiếm cái mới – đã từ lâu nước này không thiếu những lời than vãn của riêng mình. Từ những người Thanh giáo đến Henry David Thoreau, từ những nhà bảo thủ cảm thấy kinh hoàng trước tình trạng những năm 1960 cho đến Christopher Lasch, người viết tác phẩm The Culture of Narcissism (Văn hóa của chủ nghĩa ái kỷ) vào năm 1979,8 tất cả những người này đều lo lắng về một thế hệ mới ít quan tâm đến cộng đồng và quan tâm nhiều hơn đến bản thân.
Đợt phê phán gần đây nhất bắt đầu với nhà trí thức bảo thủ Allan Bloom và cuốn sách của ông xuất bản năm 1987, The Closing of the American Mind (Sự kết thúc của tinh thần Mỹ).9 Kể từ đó, phe bảo thủ và tự do đã nhảy vào tranh luận nhiệt tình. Brooks, Deresiewicz và Anthony Kronman, cựu hiệu trưởng trường Luật của Đại học Yale,10 tất cả đều tham gia dàn hợp xướng với cùng một giọng điệu ai oán giống nhau nhưng đa số các lời than phiền hiện nay lại hoàn toàn khác với những mối quan tâm trong quá khứ. Sau nhiều thế kỷ than thở về việc giới trẻ quá nổi loạn và bất kính, vấn đề ngày hôm nay có vẻ như là những người trẻ chưa có đủ tinh thần nổi loạn và ‘bất kính’ đúng mức. Họ không sẵn sàng thách thức quan niệm thường tình, những lời tuyên bố sùng bái lập trường tự do khai phóng làm chướng tai gai mắt Allan Bloom cũng như những tuyên bố bảo thủ khiến cho Deresiewicz phải phiền muộn. Sau khi bị công kích là tìm cách phá hủy trật tự xã hội trưởng giả trong những năm 1960 và 1970, các bạn trẻ đang bị khinh thường vì quá chuộng lối sống tư sản. Quá nhiều người trẻ tuổi xem ra có vẻ rất giỏi thích nghi, có trách nhiệm và biết tìm kiếm việc làm tốt. Giá như họ lạc bước ra khỏi khuôn viên trường và nghiên cứu nghi lễ Mật giáo, hít cần sa và đọc Hegel, hoặc tiến hành một hay hai cuộc biểu tình thì lúc đó họ sẽ cho chúng ta thấy tâm hồn bên trong của họ. (Tất nhiên, hãy tưởng tượng phản ứng của nhiều kẻ phê phán cũng là sinh viên đại học thực sự làm chuyện đó.) Bạn không thể không thông cảm với người sinh viên năm thứ hai đã nói với tôi: “Tôi nghĩ rằng dù có làm gì đi nữa thì chúng tôi cũng sẽ làm mọi người thất vọng ở một mức nào đó – và mọi người sẽ viết về điều đó.”
Thực ra, bức tranh đó của các nhà phê bình cũng đúng ở chỗ nó tập trung vào kiểu văn hóa thành tích đang chi phối đời sống sinh viên ở các cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới hiện nay. Nhưng thật kỳ cục nếu ta đổ lỗi cho sinh viên về một sự việc phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Xét cho cùng, họ không phải là những người đặt ra hệ thống ngặt nghèo các bài kiểm tra làm cánh cửa bước vào giáo dục đại học ở Mỹ, họ cũng không tạo ra thị trường việc làm cạnh tranh gay gắt trong thời kỳ kinh tế nguy ngập. Các phòng tuyển sinh ngày nay chỉ coi trọng sự hoàn hảo. Một lần tôi hỏi người trưởng phòng tuyển sinh tại một trường đại học thuộc Ivy League, “Ông có nhận vào nhiều em không đạt yêu cầu ở trường trung học không?” Ngay lập tức ông ta trả lời, “Không, chúng bị bất lợi so với những người khác có các thành tích tốt hơn.” Tôi nhắc lại ý kiến cho rằng thái độ ứng xử trước thất bại và cách sửa chữa thất bại là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của một cá nhân, có thể đó là điểm cho ta thấy rõ hơn khả năng thành công của người ấy trong tương lai. Cán bộ tuyển sinh, một người có trình độ học thức uyên bác, nói ông hiểu điều đó, nhưng lưu ý rằng nếu ông ta thu nhận những học sinh có phần nào đã không đạt yêu cầu – được phản ảnh trong bảng điểm và điểm SAT – thì trường đại học sẽ tụt bậc trong bảng xếp hạng và tỷ lệ “được - mất” sẽ thấp hơn so với các trường trọng điểm khác (có nghĩa là tỉ lệ phần trăm học sinh chấp nhận vào học trường này hay trường kia sau khi được xét tuyển). Áp lực rất căng cho các trường đại học và các học sinh. Vậy liệu ta có nên ngạc nhiên đến thế trước cách ứng phó của sinh viên hiện nay?
Áp lực không dừng lại một khi họ vào đại học. Cuộc đua tiếp tục với các điểm mốc là kiếm được việc làm trong kỳ nghỉ hè, tìm được nơi thực tập và xin được học bổng, và cuối cùng là công việc toàn thời gian. Quá trình xin việc làm tại một ngân hàng hoặc công ty tư vấn có uy tín hiện nay cũng là một cuộc chạy đua đường trường qua các kỳ phỏng vấn và thi cử, với hàng ngàn ứng viên cho một số rất ít vị trí được chào mời. Nhưng các nhà phê bình dường như cảm thấy rằng trong khi đối đầu với hệ thống tưởng thưởng gian nan như thế, trẻ em nên thoải mái, thư giãn, theo đuổi đam mê và khám phá tâm hồn của mình.
Hơn nữa, tôi dám chắc sự tập trung của sinh viên vào thành tích không tạo ra những thanh niên bần tiện, ích kỷ hoặc tàn nhẫn. Thực tế không có bằng chứng nào cho thấy có điều đó cả. Có thể họ bớt đi lòng tin mù quáng, ít phân biệt chủng tộc và giới tính hơn các thế hệ sinh viên đi trước – một điều dễ dàng bị biếm hoạ là xảo ngôn (political correctness), nhưng dù sao cũng là đáng ngưỡng mộ, đặc biệt nếu bạn là một người dân tộc thiểu số, một người phụ nữ, hay người đồng tính. Tôi đã có thời gian đến thăm các khuôn viên đại học, tiếp xúc với giới trẻ ở đó, và chắc chắn tôi thấy họ là những con người thâm trầm sâu sắc, thú vị và đầy hứng khởi. Giáo sư Steven Pinker, người đã dành nhiều thời gian hơn với sinh viên đại học (ông là giảng viên tại đó), đã viết với tinh thần tương tự.11 Nhưng đây là những ghi nhận cá nhân. Có bằng chứng không? Quả thật là có. Từ năm 1966, Viện Nghiên cứu Giáo dục Đại học (HERI) của Đại học UCLA đã đặt cho các sinh viên năm thứ nhất một số câu hỏi.12 Các dữ liệu thu thập được cho thấy những điều sau đây: Trong bốn thập niên vừa qua, sinh viên đã trở nên quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu kiếm tiền,13 nhưng phần lớn sự thay đổi này đã diễn ra từ năm 1967 đến năm 1987, còn từ đó trở về sau, tỷ lệ phần trăm của số tân sinh viên xác định “trở nên sung túc về mặt tài chính” là mục tiêu cá nhân đã ổn định đáng kể. Đó chắc chắn là một phản ứng hợp lý trong một nền kinh tế trong đó số lượng việc làm tốt đã giảm sút, thu nhập trung bình đã không nhích lên, tình trạng toàn cầu hóa và công nghệ đang thay thế tất cả các loại công việc trước đây chỉ con người mới làm được. Trong hoàn cảnh như vậy, quan tâm về tương lai của bản thân có thể là một dấu hiệu của sự thông minh! Sinh viên nhắm đến những mục tiêu cuộc đời khác quan trọng hơn như là “trở thành một nhà lãnh đạo cộng đồng”, “giúp đỡ những người đang gặp khó khăn,” và điều thú vị là “góp phần xây dựng khoa học lý thuyết”, không mục tiêu nào trong số đó là dấu hiệu của sự ích kỷ.
Các số liệu cũng cho thấy rằng sinh viên ngày nay kết hợp khát vọng vật chất của họ với một ước muốn mạnh mẽ cho công việc thiện nguyện. Các con số người tình nguyện tham gia những chương trình như Peace Corps và AmeriCorps đã tăng lên đáng kể.14 Trong năm 2014, chương trình Teach for America đã nhận được hơn 50.000 đơn dự tuyển, hơn gấp đôi số nhận được trong năm 2008.15 Nhiều sinh viên tài năng và có trình độ chuyên môn cao chọn làm việc tại các tổ chức phi lợi nhuận trong một thời gian. Đúng là các tổ chức phi chính phủ đã trở nên thời thượng, nhưng đó là điều có ý nghĩa. Chúng đã trở thành thời thượng chính vì giới trẻ ngày nay xem chúng như là một phương cách có giá trị và đáng sống trong một phần hoặc suốt cả cuộc đời của họ. Cũng như bất kỳ thế hệ nào đi trước có thể tham gia chính trị và làm việc cho chính phủ hoặc tự nguyện tham gia chiến tranh và khám phá, họ muốn làm điều thiện, thay đổi thế giới, và họ làm theo nguyên tắc của họ. Họ chỉ thực hiện điều đó theo đường lối tịnh tiến, thực tiễn, áp dụng những bí quyết thành công – theo kiểu của tập đoàn McKinsey hơn là của Mẹ Teresa.
Hơi khác với “sinh viên đại học” là thế hệ Millennials – thuật ngữ này được sử dụng cho những người sinh từ năm 1980 đến năm 2000. Tuy vậy, các cáo buộc chống lại họ cũng tương tự và còn hằn học hơn. Bài viết trụ cột của nhà chuyên mục hài hước tài năng Joel Stein trên tạp chí Time đề cập ở đầu của chương này,16 tố cáo thế hệ Millennials ích kỷ, thích hưởng đặc quyền đặc lợi, và lười biếng (đây là một cáo buộc mới). Cáo buộc đầu tiên được trình bày như một thực tế “rành rành không thể chối cãi”. Dẫn chứng từ Viện Sức khoẻ Quốc gia, Joel Stein viết: “Chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (narcissistic personality disorder) ở những người tuổi 20 cao gần gấp ba lần so với thế hệ những người hiện tại 65 tuổi trở lên.”17 Tuy nhiên, như nhà báo Elspeth Reeve đã chỉ ra, phát hiện này rất gây tranh cãi bởi một số học giả lưu ý rằng nghiên cứu này chỉ đơn thuần cho thấy tất cả những người trẻ có xu hướng chăm chút bản thân, nhưng – đối với tất cả mọi người – tính ái kỷ phai nhạt dần theo thời gian.18 Cũng theo phát biểu trong nghiên cứu năm 2010 mà Reeve trích dẫn thì: “Trước hết, chúng tôi cho thấy rằng, khi số liệu mới về tính ái kỷ được xếp vào dữ liệu phân tích từ trước, thì không có sự gia tăng tính ái kỷ ở sinh viên đại học trong vài thập kỷ qua.”19 Đối với tính uể oải lười biếng, thực sự là không có bằng chứng nào cho thấy điều này cả. Vấn đề cơ bản đối với giới công nhân Mỹ ở mọi lứa tuổi là số giờ làm việc và năng suất của họ tiếp tục tăng nhưng mức lương của họ thì không.
Bản báo cáo năm 2014 của Nielsen, Millennials: Breaking the Myths (Thế hệ Millennials: Phá vỡ huyền thoại) cung cấp một số dữ liệu về thái độ của thế hệ này đối với hoạt động tình nguyện.20 Trong năm 2011, 75% thanh niên đóng góp cho một tổ chức từ thiện, 71% gây quỹ quyên góp cho một tổ chức và 57% tham gia tình nguyện “nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào khác.” Theo báo cáo, ba vấn đề họ quan tâm nhất là giáo dục, nghèo đói và môi trường. Cũng trong năm 2014, công trình nghiên cứu của nhóm được tài trợ bởi Case Foundation đã đi đến kết luận tương tự.21 87% người được khảo sát đã quyên tiền cho một tổ chức phi lợi nhuận, hơn một nửa đã cho trên 100 đô la. Trong một chương trình TED Talk giải thích hành vi của thế hệ Millennials22 chuyên gia tiếp thị Scott Hess nêu lên sự tương phản của họ với thế hệ X là những người thuộc các thế hệ đi trước. Ông nói rằng, thay vì là những “kẻ chểnh mảng lười biếng,” “ thích phán xét người khác,” và “ bất hợp tác,” thế hệ Millennials đang “hướng về phía trước,” “dấn thân,” “hoà đồng,” “khoan dung,” và họ tin rằng “thương mại” có thể được “bôi trơn bằng lương tâm.” Và không giống như các thế hệ liền trước đó, họ không xem cha mẹ như đối thủ mà như bạn bè và những người giúp đỡ.
Người ta nghe một điệp khúc dai dẳng về giới trẻ, cho rằng thế hệ Millennials hay sinh viên hoặc công nhân trẻ, ai cũng chỉ tập trung vào bản thân. Họ lập trang facebook cá nhân, viết tweet và gửi hình ảnh của mình đang ăn hoặc chơi thể thao. Trong một cuộc nói chuyện ở Princeton vào tháng năm 2012,23 David Brooks ca ngợi đức tính quên mình của tướng George Marshall, người đã không đòi nắm quyền chỉ huy Chiến dịch Overlord – trận chiến D-Day đổ bộ vào châu Âu – bởi vì ông nghĩ rằng làm như vậy là chỉ nghĩ đến tư lợi. Bản thân tôi thích câu chuyện về Marshall nhưng tôi cũng nhận ra rằng ông đã sống trong một thời đại khác. Đó là thời kỳ các định chế lớn – tư và công – thống trị cuộc sống. Các tổ chức đó mạnh mẽ và ổn định, chăm lo cho các cá nhân trong suốt bước đường sự nghiệp của họ. Nhiệm vụ của bạn là hòa nhập, đặt lợi ích của tổ chức lên trên lợi ích bản thân, là một cầu thủ trong đội bóng tốt. Đáp lại, bạn sẽ hưởng được sự an toàn và thành công. (Marshall sau đó đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao, rồi Bộ trưởng Quốc phòng). Ngày nay, mọi người đều biết thỏa thuận ấy đã bị phá vỡ. Tất cả mọi thứ đều thay đổi liên tục. Bạn phải là người chủ động và cần nhận ra rằng công việc và thậm chí cả sự nghiệp sẽ luôn biến động. Không có công ty nào sẽ trung thành với bạn và bạn cũng không thể giam mình ở mãi một nơi. Reid Hoffman, tỷ phú sáng lập LinkedIn,24 đã viết một cuốn sách có tựa đề The Start-up of You: Adapt to the Future, invest in Yourself and Transform Your Career (Khởi nghiệp chính ta: Thích ứng với tương lai, đầu tư vào bản thân và thay đổi nghề nghiệp), giải thích cách làm thế nào để thành công trong thế giới ngày nay. Điều thật sự mỉa mai là sự kiện chính các nhà bình luận hiện nay kêu gọi người Mỹ trẻ tuổi bớt chăm chú đến bản thân lại đang bận rộn xây dựng thương hiệu cá nhân của mình với đầy đủ các trang web, Facebook và các tài khoản Twitter. Nếu điều đó phù hợp với họ, tại sao nó không đúng cho tất cả mọi người khác?
Có một số điều các bạn trẻ không làm.25 Nhìn chung, trong những thập niên gần đây, hoạt động chính trị tại các trường đại học đã giảm – mặc dù có những cao trào xuất hiện trong các chiến dịch tranh cử đầu tiên của Reagan và Obama. Nhưng mặt khác, sự thiếu nhiệt tình đối với chính trị phản ánh một xu hướng xã hội rộng lớn hơn. Đa số người Mỹ trở nên thất vọng sâu sắc với chính trị. Giới trẻ Mỹ cho rằng chính phủ Hoa Kỳ đã hoạt động không hiệu quả và trở nên phân cực. Có thể các bạn trẻ muốn thực hiện thay đổi xã hội bằng cách chọn làm việc với các tổ chức phi chính phủ hơn là làm việc cho chính phủ, nhưng đó là sự thay đổi về cơ chế chứ không phải về mục đích. Với tình trạng chính trị, nạn quan liêu của chính phủ và sự xâm nhập rầm rộ của phương tiện truyền thông, chắc chắn thái độ của họ là hợp lý, thậm chí có thể gọi là khôn ngoan.
Có lẽ kết quả nổi bật nhất của cuộc khảo sát HERI nói lên vấn đề rõ rệt nhất:26 số lượng các tân sinh viên xem việc “phát triển một triết lý sống có ý nghĩa” là chính yếu hoặc rất quan trọng đã giảm từ 86% trong năm 1967 xuống còn 45% trong năm 2013. Con số này có lẽ là những gì Brooks, Deresiewicz và những người khác mô tả với chi tiết phong phú hơn trong khi nói về các trường đại học hiện nay. Và điều này khiến họ lo lắng cho hiện tại và luyến tiếc một thời kỳ đã qua trước đây.
Tôi hiểu nỗi lòng hoài cổ ấy. Sinh viên ngày nay dường như không cảm thấy hào hứng với các cuộc tranh luận sôi nổi như các thế hệ trước. Họ không phát biểu dài dòng về các vấn đề triết học cao siêu. Họ không thức khuya tranh cãi về Nietzsche hay Marx hay Tolstoy. Nhưng điều đó là một phần trong xu hướng chung của thời đại và được giới sinh viên phản ánh hơn là do họ tạo ra. Khi tôi lớn lên, Chiến tranh Lạnh đang căng thẳng cực độ, làm nảy sinh trên khắp thế giới nhiều ý kiến bất đồng. Người ta băn khoăn tự hỏi liệu các quốc gia như Ấn Độ sẽ theo tư bản, cộng sản hoặc một cái gì đó lưng chừng ở giữa. Những ý tưởng chính trị này tác động đến mọi người già cũng như trẻ và có những hậu quả rất lớn. Và những ý tưởng chính trị đến lượt chúng lại căn cứ trên những ý tưởng triết học lớn về bản chất của con người và xã hội. Tôi vào đại học năm 1982, đúng vào giai đoạn căng thẳng cuối cùng trong cuộc chiến ý thức hệ đã thống trị thế kỷ XX, Ronald Reagan đã lên nắm quyền và gọi Liên Xô là một “đế chế quỷ sứ” (evil empire). Liên Xô vẫn còn uy thế ở nhiều nước thế giới thứ ba. Chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản vẫn là những ý tưởng đối đầu khắp nơi trên thế giới.
Tôi cùng bạn bè thời ấy thường khi ngồi trong các quán cà phê, bàn luận sôi nổi về việc chế tạo hạt nhân của Mỹ, cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Trung Mỹ, các chính sách của Reagan và Thatcher. Các ý kiến bất đồng sâu sắc, chưa có những câu trả lời và hậu quả được cho là rất lớn. Năm 1983, ABC phát sóng một bộ phim truyền hình có tên The Day After (Ngày hôm sau), mô tả thảm trạng của đời sống ở Mỹ tiếp theo sau chiến tranh hạt nhân.27 Bộ phim kéo dài hai tiếng đồng hồ trong giờ vàng, tiếp theo là một cuộc phỏng vấn Ngoại trưởng George Shultz đương thời và một cuộc thảo luận dài trong đó có mặt Henry Kissinger, Elie Weisel, Carl Sagan, William Buckley và Robert McNamara. Suốt hàng tuần sau, người ta đã bàn tán về bộ phim, về chính trị và đạo đức liên quan đến việc làm phim đó. Giới sinh viên bị tác động sâu sắc bởi những sự kiện như thế. Họ diễu hành đông hàng ngàn người trong chiến dịch đòi bãi bỏ việc đầu tư tại Nam Phi, phản đối việc Mỹ hậu thuẫn phe chống đối ở Nicaragua và yêu cầu ngưng phát triển hạt nhân. Tất cả đều bắt nguồn từ những ý kiến bất đồng chủ yếu về triết học - chính trị giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản, giữa chủ nghĩa Lê-nin và chế độ dân chủ.
Ngày nay chúng ta sống trong một thời đại rất khác biệt, một thời đại không có nhiều cuộc tranh cãi ý thức hệ quan trọng với sức tác động lớn như trước đây. Người ta không hề tưởng tượng sẽ xảy ra một điều gì đó tương tự như The Day After, huống hồ là việc tranh cãi và thảo luận. Mặc dù chủ nghĩa khủng bố của Hồi giáo là một mối đe dọa an ninh và có gây ra tranh luận sau vụ 11 tháng Chín, sức mạnh của nó vẫn hạn chế và chắc chắn không thể lôi kéo một quốc gia không Hồi giáo. Thậm chí ở các quốc gia Hồi giáo, những kẻ thuộc phái Jihad phải dùng đến sự khủng bố chính vì chúng chỉ có thể thuyết phục một nhóm nhỏ cực đoan tin vào lý tưởng cao cả của chúng; chúng tạo ra mối đe dọa, nhưng đó không phải là sự đe dọa về ý thức hệ. Nước Mỹ có sự tranh chấp đảng phái ầm ĩ ở Washington, nhưng nó chỉ xảy ra khi có những khác biệt chính trị khá thông thường. Khi có vấn đề trọng đại, hai đảng thực sự xích lại gần nhau hơn so với thời điểm cách đây 30 hay 40 năm. Kết quả là, thanh niên Mỹ không có ý thức hệ rõ rệt. Họ là một tổng thể phối hợp nhiều ham muốn thôi thúc lẫn nhau: tư bản, tự do xã hội, ủng hộ an sinh xã hội, nhưng khó chịu với nạn quan liêu và thủ tục hình thức. Sự pha trộn này không kết thành một triết lý chính trị nồng nhiệt. Và tất nhiên nó cũng không đưa họ vào chỗ bế tắc.
Thời đại của chúng ta được mệnh danh là thời đại chủ nghĩa tư bản, toàn cầu hóa và công nghệ. Các xu hướng thay đổi cuộc sống xuất phát từ những sức mạnh này – thúc đẩy một cuộc cách mạng thông tin mới tạo ra những ngành công nghiệp mới chỉ trong chớp mắt, mở rộng ngành học máy tính, thay đổi cơ bản nền y học, cho phép hàng tỉ người thăng tiến ở Trung Quốc và Ấn Độ, làm thay đổi cấu trúc của nền kinh tế, chính trị và quyền lực xã hội ở khắp mọi nơi. Các thần tượng của thời đại là những chủ doanh nghiệp, kỹ sư công nghệ và doanh nhân. Mark Zuckerberg và Jeff Bezos là những biểu tượng có tầm quan trọng hơn xa bất kỳ chính trị gia nào ngày nay và họ chiếm chỗ đứng mà các vị chính khách tiêu biểu đã nắm giữ trong các thời kỳ trước đây.
Giới trẻ phản ánh các thực tế hiện nay. Cuộc sống của họ bị cuốn hút vào các lực lượng kinh tế và công nghệ nhiều hơn so với ý thức hệ và địa chính trị. Và điều đó có nghĩa là sẽ có ít cơ hội hơn để nói chuyện lý thuyết cao siêu, giảm bớt những buổi chuyện trò háo hức đêm khuya, tài hùng biện sôi nổi xuất hiện ít hơn tại các diễn đàn sinh viên và các câu lạc bộ chính trị. Đó là một thế giới mới và các bạn trẻ biết điều đó.
Nhưng điều này phải chăng là xấu? Phải chăng những vấn đề mà sinh viên ngày nay suy nghĩ lại ít quan trọng hơn chiến tranh và hòa bình? Có phải những anh hùng của họ thua kém những bậc anh tài trong các thời kỳ quá khứ? Nền văn hóa chuộng kỹ thuật của thời đại công nghệ rõ ràng quan tâm ít hơn đến các ý tưởng hơn so với xã hội thời kỳ Chiến tranh Lạnh có những chính khách và triết gia lớn. Nhưng có phải nền văn hóa này tồi tệ hơn chăng? Hãy xem trường hợp Bill Gates. Gates là chủ một công ty và doanh nhân công nghệ, một trong các nhà hoạt động tư nhân xuất chúng đầu tiên của nước Mỹ đương đại. Ông là người thẳng thắn, thông minh, chú trọng tài năng và có vẻ không thích phô trương sự giàu có của mình. Nói chung, đây là những giá trị tuyệt vời cần truyền tải. Gates cũng quan tâm sâu sắc đến các ý tưởng trong nhiều lĩnh vực từ khoa học đến kinh tế, giáo dục. Các bài phát biểu và bài viết trên blog của ông thường xuyên bàn đến sách vở,28 trong đó ông nêu lên những lập luận, phân tích và dữ liệu về những sách ấy. Cách viết tỉ mỉ của ông có thể không giống như một bài viết cao siêu về triết học, nhưng ông tích cực tham gia vào những ý tưởng quan trọng có thể làm thay đổi thế giới.
Quan trọng hơn, tổ chức do chính ông sáng lập ra hiện nay, Bill & Melinda Gates Foundation, xem sứ mệnh chính yếu của nó là làm thế nào để có thể cứu mạng sống của càng nhiều người càng tốt, bất kể họ sống ở đâu, có màu da gì hoặc mang hộ chiếu nước nào. Nói cách khác, nó được xây dựng trên ý tưởng cho rằng cuộc sống của mọi con người có giá trị như nhau, một ý tưởng mà chỉ có một vài tổ chức từ thiện tin theo và thực hiện. Đây có thể được coi là một ý tưởng Kitô giáo – tất cả chúng ta đều bình đẳng trong đôi mắt của Chúa – nhưng Gates đã biến nó thành một ý tưởng thế tục và ông đang hiến tặng khối tài sản lớn nhất thế giới để phục vụ ý tưởng ấy. Bạn của ông là Warran Buffet, người giàu có hạng nhì ở Mỹ, đang hiến tặng phần lớn tài sản của mình với cùng lý do mà không một chút kể công, từ chối ngay cả việc ghi tên mình lên cánh cửa của cơ quan từ thiện này. (Chắc hẳn đây là một hành vi mang nét tương đồng với sự khiêm tốn của Marshall.)
Trong các bài viết và các buổi nói chuyện của mình, David Brooks nhấn mạnh điều ông lo ngại là giới trẻ ngày nay thiếu ngôn ngữ về đạo đức. Ông cho rằng họ là những người “ú ớ về mặt đạo đức”.29 Và quả thực ngày nay chúng ta ít khi sử dụng những từ như đáng kính, cao quý và đức hạnh nhưng chắc chắn đó là những từ xứng đáng để mô tả những việc làm của Gates và Buffett. Hai ông này là điển hình của những người đã thực hiện các hành động quan trọng, lớn lao xuất phát từ những niềm tin sâu sắc, những ý tưởng và những giá trị – xuất phát từ một triết lý sống và sự cam kết trung thành với các ý tưởng ấy. Chắc hẳn tấm gương của hai ông cũng truyền cảm hứng như bất kỳ chính khách hay tướng lĩnh nào trong quá khứ đã lớn tiếng bàn về thiện ác, danh dự và hy sinh.
Không phải ai cũng có thể làm những gì Gates và Buffett đang thực hiện. Giới sinh viên ngày nay tìm kiếm đạo đức và ý nghĩa cuộc sống theo những cách khác với các thời đại trước, giống như bất kỳ thế hệ mới nào, đặc biệt là trong những thời kỳ có sự thay đổi rất lớn. Họ đặt những bước chân từ tốn và có tinh thần thực tiễn hơn. Họ tìm kiếm chân lý, nhưng có lẽ bằng con đường thầm lặng hơn những con đường hào hùng trong quá khứ. Họ cố gắng kết hợp những ước vọng cao cả thôi thúc trong lòng với một cuộc sống ấm êm.
Dữ liệu trong cuộc điều tra HERI cho thấy mục tiêu quan trọng nhất đối với giới sinh viên, ngoài việc kiếm tiền, là lập gia đình.30 Trong những năm vừa qua, con số này khá ổn định, có tăng một chút và bây giờ chiếm khoảng 75%, tiêu biểu cho một mối quan tâm của giới tư sản thành thị. Thế nhưng, nỗ lực để kiếm sống, tạo cơ ngơi nhà cửa và việc lập gia đình có thực là tầm thường hèn kém chăng? Một trong những thành tựu cao đẹp hơn của việc xây dựng tự do dân chủ chắc chắn là tình trạng dân chúng ngày nay có thể giảm bớt thời gian lo lắng về vấn đề cách mạng, chiến tranh và thay vào đó, họ tập trung vào việc xây dựng một môi trường cá nhân, trong đó họ có thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, thỏa mãn và hạnh phúc. Tôi nhớ có lần đã đọc tin về một vị thẩm phán Nam Phi nói chuyện với sinh viên đại học người Mỹ. Bà so sánh nền chính trị vừa trải qua biến cố lớn tại quốc gia bà – nạn phân biệt chủng tộc được xóa bỏ, một quốc gia mới ra đời – với những sự kiện bình thường vặt vãnh mà bà đọc qua các báo Mỹ. Và bà kết luận rằng là bà thiết tha mong có ngày đất nước bà sẽ được ở vào tình trạng đủ bình thường để có báo chí đăng tải nhiều chuyện vặt vãnh.
Có rất nhiều thách thức ở trong và ngoài nước, nạn bất công và những tình trạng mất cân bằng cần phải thay đổi. Nhưng cũng có những thời điểm và những nơi người ta đủ may mắn để có thể trau dồi những đức tính cá nhân. Như John Adams từng viết trong thời kỳ Cách mạng Mỹ: “Tôi phải nghiên cứu chính trị và chiến tranh để các con trai tôi được tự do học toán và triết học. Con trai của chúng tôi nên nghiên cứu toán học triết học, địa lý, lịch sử tự nhiên, kiến trúc hàng hải, nghề đi biển, thương mại và nông nghiệp để cho con cái chúng được nghiên cứu hội họa, thơ ca, âm nhạc, kiến trúc, nghệ thuật nặn tượng, dệt thảm và đồ sứ.”31 Vì vậy, có lẽ ngày nay họ đang viết những ứng dụng chứ không phải là nghiên cứu thơ ca, nhưng đó là một sự điều chỉnh theo thời đại.
Đây không phải là kiểu tham vọng hô hào người ta tập trung để chống giữ thành lũy và diễn thuyết bằng lời lẽ hoa mỹ, nhưng chúng vẫn là những tham vọng chân thật, xác thực và quan trọng. Chúng đáng được biện hộ một cách ngắn gọn và đó là những gì tôi đã cố gắng trình bày ở đây. Có điều này tôi sẵn sàng thừa nhận: Do thời đại chúng ta đang sống, tất cả chúng ta – già lẫn trẻ – không dành đủ thời gian và công sức để suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời. Chúng ta không nhìn vào bên trong bản thân đủ mức độ để hiểu những điểm mạnh và điểm yếu của mình và chúng ta không nhìn xung quanh, nhìn ra thế giới, nhìn vào lịch sử đủ mức độ để nêu những câu hỏi sâu sắc nhất và bao quát nhất. Chắc chắn giải pháp là, ngay cả bây giờ, tất cả chúng ta có thể sử dụng nền giáo dục khai phóng nhiều hơn một chút.