T
ít trên trần sảnh Rotunda, Robert Langdon ngần ngại nhích từng bước quanh lối đi bộ vòng cung nhô ra ngay bên dưới mái vòm. Ông dè dặt ngó xuống qua lan can và chóng mặt vì độ cao. Thật không tin nổi chỉ mới mười giờ trôi qua kể từ khi bàn tay Peter xuất hiện ở chính giữa mặt sàn bên dưới.
Cũng trên mặt sàn đó lúc này là vị Kiến trúc sư Điện Capitol, trông như một chấm nhỏ khi nhìn từ độ cao năm mươi tư mét. Bellamy dứt khoát băng ngang qua sảnh Rotunda rồi biến mất. Ông ta đã tháp tùng Langdon cùng Katherine lên tận ban công này, để hai người lại đây với những chỉ dẫn cụ thể.
Những chỉ dẫn của Peter.
Langdon nhìn chiếc chìa khóa sắt cũ mà Bellamy vừa đưa rồi nhìn về phía một cầu thang chật hẹp từ đây dẫn lên cao, cao hơn nữa. Xin Chúa giúp con! Những bậc thang hẹp này, theo lời vị Kiến trúc sư, dẫn tới một cánh cửa sắt nhỏ và chiếc chìa khóa trong tay Langdon có thể mở được cánh cổng đó.
Đằng sau cánh cửa có một thứ Peter nhất quyết muốn Langdon và Katherine nhìn thấy. Peter đã không nói cụ thể mà thay vì thế, ông để lại những chỉ dẫn nghiêm ngặt về thời điểm cần mở cửa.Chúng ta phải đợi mới được mở cửa ư? Tại sao?
Langdon lại nhìn đồng hồ và rền rĩ.
Ông cho chìa khóa vào túi rồi đưa mắt nhìn qua khoảng trống mở toang trước mặt sang bên kia ban công. Katherine đi trước, không chút e dè và có vẻ cũng không sợ độ cao. Lúc này bà đã đi được nửa đường, đang chiêm ngưỡng toàn bộ bức bích họa Washington hóa thần của Brumidi ngay trên đầu họ. Từ góc quan sát thuận lợi này có thể nhìn rõ những chi tiết đáng kinh ngạc: Những nhân vật cao tới bốn mét rưỡi trang hoàng trên bề mặt mái vòm rộng gần bốn trăm sáu mươi lăm mét vuông.
Langdon xoay lưng lại phía Katherine, quay mặt vào bức tường phía ngoài, và thì thầm rất khẽ, “Katherine, lương tâm chị đang lên tiếng đấy. Tại sao chị lại bỏ rơi Robert?”.
Katherine rõ ràng rất quen thuộc với tính chất truyền âm đáng kinh ngạc của mái vòm vì bức tường lập tức dội âm lại. “Bởi vì Robert nhát như cáy. Anh ta nên tới đây với tôi. Chúng ta có rất nhiều thời gian trước khi được phép mở cánh cửa đó.”
Langdon biết bà nói đúng và đành miễn cưỡng đi vòng theo ban công, vừa đi vừa bám sát lấy tường.
“Mái vòm này quả là đáng kinh ngạc”, Katherine ngơ ngẩn, cố ngửa cổ để chiêm ngưỡng hết khung cảnh lộng lẫy huy hoàng của bức Hóa thần phía trên đầu. “Tất cả các vị thần trong truyền thuyết đều được xen lẫn với các nhà sáng chế khoa học cùng phát minh của họ. Và đây lại là hình ảnh nằm giữa trung tâm Điện Capitol của chúng ta nữa chứ.”
Langdon ngước mắt nhìn vào hình ảnh của Franklin, Fulton và Morse với các phát minh công nghệ của họ. Một cầu vồng rực rỡ lượn cong vươn ra từ những nhân vật này, hướng đôi mắt ông tới George Washington đang cưỡi mây bay lên thiên đường. Lời hứa vĩ đại về việc con người sẽ trở thành thần thánh.
Katherine nói, “Cứ như thể toàn bộ tinh thần chủ đạo của các Bí ẩn cổ xưa đều đang lơ lửng phía trên sảnh Rotunda vậy”.
Langdon cũng phải thừa nhận không có nhiều bích họa trên thế giới này pha trộn các phát minh khoa học với các vị thần huyền thoại hay quá trình hóa thần của con người. Tập hợp hình ảnh đáng kinh ngạc trên trần vòm này quả thực là một thông điệp từ các Bí ẩn cổ xưa, và nó hiện diện ở đây là có lý do. Các bậc tiền bối lập quốc đã hình dung nước Mỹ như một tấm toan trắng, một cánh đồng màu mỡ có thể gieo nhiều hạt giống bí ẩn. Ngày nay, biểu tượng đầy cao quý khắc họa cảnh Cha đẻ của nước Mỹ đang bay lên thiên đường vẫn lặng lẽ bao trùm lên các nhà làm luật, các lãnh đạo và các vị tổng thống của chúng ta, như một lời nhắc nhở táo bạo, một bản đồ cho tương lai, một lời hứa cho thời đại mà con người sẽ tiến hóa để hoàn thiện quá trình trưởng thành về tâm linh.
“Robert”, Katherine thì thầm, mắt vẫn nhìn đăm đăm vào chân dung khổng lồ của những nhà phát minh vĩ đại của nước Mỹ đứng bên Thần Minerva. “Đây đúng là bức tranh tiên tri. Ngày nay, các phát minh tiên tiến nhất của con người vẫn đang được sử dụng để nghiên cứu những ý tưởng cổ xưa nhất của họ. Lý trí học có thể mới mẻ, nhưng thực tế lại là môn khoa học xa xưa nhất trên thế giới, chuyên nghiên cứu về ý nghĩ của con người.”
Bà quay sang Langdon, mắt ánh lên vẻ ngỡ ngàng. “Và thực ra người xưa hiểu về tư duy sâu sắc hơn chúng ta ngày nay.”
“Cũng hợp lý thôi”, Langdon đáp. “Trí tuệ con người là công nghệ duy nhất người cổ đại có trong tay. Các nhà triết học thời kỳ đầu đã tìm hiểu về nó không biết mệt mỏi.”
“Phải! Các văn bản cổ xưa đều bị ám ảnh bởi sức mạnh của tư duy con người. Kinh Vệ Đà mô tả về dòng năng lượng của tư duy. Pistis Sophia[56] mô tả ý thức vũ trụ. Zohar khám phá bản chất của trí tuệ tâm linh. Các văn bản Shamanic tiên đoán thuyết ‘ảnh hưởng từ xa’ của Einstein thông qua chữa bệnh không tiếp xúc. Tất cả đều ở kia! Và tôi thậm chí còn chưa nói về Kinh Thánh.”
[56] Quyển Phúc âm lớn nhất từng được tìm thấy được mang từ Ai Cập tới London, gồm những cuộc đối thoại hấp dẫn của Chúa, thánh ca và lời cầu nguyện. Đặc biệt Pistis Sophia còn đề cập tới kiếp luân hồi với mục đích giải thoát linh hồn ra khỏi những trói buộc vật chất.
“Lại cả chị nữa sao?”, Langdon cười khùng khục. “Anh trai chị đã cố thuyết phục tôi rằng có những thông tin khoa học được mã hóa trong Kinh Thánh.”
“Tất nhiên là có”, Katherine nói. “Và nếu anh không tin, hãy đọc vài bản thảo riêng của Newton viết về Kinh Thánh. Khi thấu hiểu thứ ngôn ngữ mật mã ẩn dụ của Kinh Thánh, thì anh sẽ nhận ra đó đúng là một công trình nghiên cứu về tư duy con người.”
Langdon nhún vai. “Tôi thấy mình cần quay về và đọc lại lần nữa.”
“Cho phép tôi hỏi anh một điều”, Katherine nói, rõ ràng không tán thành thái độ hoài nghi của Langdon. “Khi Kinh Thánh dạy ‘hãy đi xây ngôi đền của các con... một ngôi đền được xây lên mà không dùng công cụ và không gây ra tiếng động’, anh nghĩ ngôi đền nào đang được nói đến ở đây?”
“À, văn bản có nói cơ thể bạn là một ngôi đền.”
“Phải, Corinthian 3:16. Ngươi là ngôi đền của Chúa.” Katherine mỉm cười nhìn ông. “Và Phúc Âm của John cũng nói chính xác điều tương tự. Robert, Kinh Thánh ý thức rõ sức mạnh ẩn chứa bên trong chúng ta, và thúc giục chúng ta hãy đánh thức sức mạnh đó... thúc giục chúng ta hãy xây dựng những ngôi đền của trí tuệ chúng ta.”
“Thật không may, tôi nghĩ rằng phần lớn thế giới tôn giáo đang chờ đợi một ngôi đền thực sự được xây dựng lại. Đó là một phần Lời Tiên tri về Đấng Cứu thế.”
“Phải, nhưng cách nhìn đó bỏ qua mất một điểm quan trọng. Lần tái xuất của Chúa là thời điểm con người xuất hiện - khoảnh khắc con người xây được ngôi đền tư duy của mình.”
“Tôi không biết nữa”, Langdon vừa nói vừa xoa cằm. “Tôi không phải là học giả về Kinh Thánh, nhưng tôi biết rõ Kinh Thánh mô tả chi tiết về một ngôi đền theo đúng nghĩa đen cần được xây dựng. Cấu trúc của nó gồm hai phần: Một ngôi đền bên ngoài được gọi là Chốn Thiêng liêng và một điện thờ bên trong được gọi là Thánh địa của Chốn Thiêng liêng. Hai phần tách biệt nhau bằng một tấm rèm mỏng.”
Katherine cười hết cỡ. “Quả là một trí nhớ hoàn hảo với một người hoài nghi Kinh Thánh. Nhân đây, anh đã bao giờ nhìn thấy tận mắt bộ não người chưa? Nó cũng bao gồm hai phần: Phần bên ngoài gọi là màng cứng, và phần bên trong gọi là màng mềm. Hai phần này được tách biệt bởi màng nhện - một tấm mạng giống như cái lưới.”
Langdon nghiêng đầu đầy ngạc nhiên.
Katherine dịu dàng khẽ chạm vào thái dương Langdon. “Có một lý do để người ta gọi đây là ngôi đền[57] của anh, Robert.”
[57] Nguyên văn tiếng Anh là “temple” vừa có nghĩa là thái dương, vừa có nghĩa là ngôi đền, ở đây Katherine dùng lối chơi chữ.
Trong khi cố lĩnh hội những gì Katherine vừa nói, Langdon tình cờ nhớ lại những lời trong Phúc Âm của Mary Magdalena: Tư duy ở đâu, tài sản ở đó.
“Có lẽ anh từng nghe nói”, Katherine nhẹ nhàng lên tiếng, “về kết quả chụp cắt lớp não các tín đồ Yoga khi ngồi thiền rồi chứ? Bộ não con người, trong trạng thái tập trung cao độ, tuyến yên sẽ tiết ra một chất giống như sáp. Chất tiết từ bộ não này không giống bất kỳ thứ gì khác trong cơ thể. Nó có tác dụng chữa bệnh phi thường, có thể tái tạo tế bào, và có lẽ là một lý do giải thích tại sao các tín đồ Yoga sống lâu đến vậy. Đây là khoa học thực sự, Robert ạ. Chất tiết này có những tính chất kỳ lạ và chỉ có thể sinh ra khi một bộ óc được rèn luyện để đạt trạng thái tập trung cao độ”.
“Tôi nhớ có đọc qua chuyện này vài năm trước.”
“Phải, và nhân nói về chủ đề này, chắc anh cũng không lạ gì câu chuyện trong Kinh Thánh, kể về ‘lương thực từ thiên đường’ chứ?”
Langdon chẳng thấy mối liên hệ nào. “Ý chị muốn nói tới chất kỳ diệu từ trên trời rơi xuống để nuôi sống những người đang đói lả?”
“Chính xác. Người ta kể chất này có thể chữa lành cho người ốm, đem tới cuộc sống vĩnh hằng, và thật lạ lùng là không tạo ra chất thải sau khi được con người hấp thụ.” Katherine dừng lại, như thể cho Langdon có thời gian thấu hiểu. “Robert?”, bà thúc vào người ông. “Một thứ lương thực rơi xuống từ thiên đường?” Bà gõ vào thái dương. “Chữa lành bệnh cho cơ thể một cách thần kỳ? Không hề tạo ra chất thải? Anh không thấy sao? Đây là những ngôn từ mã hóa, Robert! Ngôi đền là mật mã cho ‘cơ thể’, Thiên đường là mật mã cho ‘tư duy’, Thang Jacob chính là cột sống của anh. Và ‘lương thực từ thiên đường’ chính là chất tiết hiếm gặp của não bộ mà ta vừa nói tới. Khi anh thấy những từ mật mã này trong Kinh Thánh, hãy chú ý. Chúng thường là mốc đánh dấu cho lớp nghĩa sâu xa hơn ẩn chứa bên trong.”
Katherine tuôn ra một tràng những giải thích càng lúc càng nhanh về sự xuất hiện thường xuyên của chất thần kỳ này trong các Bí ẩn cổ xưa: Rượu tiên của các vị thần, Chất dịch của Sự sống, Suối nguồn Tươi trẻ, Hòn đá triết học, Thức ăn của thần linh, cam lộ, khí lực, phần sinh dưỡng. Sau đó, bà chuyển sang giải thích về việc tuyến yên trong bộ não đại diện cho con mắt nhìn thấy tất cả của Chúa. “Theo Matthew 6:22”, bà nói đầy phấn khích, ‘khi mắt ngươi tinh anh thì cả cơ thể cũng sẽ sáng sủa theo’. Ý tưởng này cũng được thể hiện qua Chakra Ajna và nốt ruồi trên trán tín đồ Hindu, vốn...”.
Katherine chợt ngừng bặt, có vẻ ngượng. “Xin lỗi... tôi biết mình đang huyên thuyên dông dài. Chỉ là tôi thấy tất cả chuyện này thật thú vị. Đã nhiều năm nay tôi nghiên cứu nhận định của người xưa về sức mạnh tinh thần lớn lao của con người, và giờ đây khoa học đang chỉ cho chúng ta thấy rằng tiếp cận sức mạnh đó là một quá trình vật chất thực sự. Bộ não chúng ta, nếu được sử dụng đúng cách, có thể đem tới sức mạnh siêu nhân theo đúng nghĩa đen. Kinh Thánh, cũng như nhiều văn bản cổ xưa khác, là một bản mô tả chi tiết về cỗ máy phức tạp nhất từng được tạo ra...bộ óc con người.” Bà thở dài. “Thật khó tin, khoa học mới chỉ chạm được đến mặt bên ngoài của trí tuệ nhân loại thôi.”
“Nghe chừng nghiên cứu của chị trong Lý trí học sẽ là một bước nhảy vọt lớn lao.”
“Cũng có thể là bước lùi”, Katherine nói. “Người xưa đã biết rõ nhiều sự thật mà giờ đây chúng ta đang khám phá lại. Chỉ trong vài năm nữa, con người hiện đại sẽ buộc phải thừa nhận những điều hiện tại họ còn chưa thể nghĩ tới: Bộ óc chúng ta có thể tạo ra năng lượng để biến đổi vật chất.”
Bà ngập ngừng. “Các phần tử vật chất phản ứng với ý nghĩ của chúng ta... có nghĩa các ý nghĩ của chúng ta có sức mạnh làm thay đổi thế giới.”
Langdon khẽ mỉm cười.
“Nghiên cứu của tôi đã chứng minh điều này”, Katherine nói. “Chúa thực sự có thật. Chúa là một nguồn năng lượng tinh thần bao trùm lên mọi vật. Và chúng ta, những con người, đã được tạo nên theo hình ảnh đó...”
“Tôi xin lỗi”, Langdon cắt ngang. “Được tạo ra theo hình ảnh của... năng lượng tinh thần ư?”
“Chính xác. Thân thể chúng ta thay đổi theo lứa tuổi, song tư duy của chúng ta mới là thứ được sáng tạo theo hình ảnh của Chúa. Chúng ta đã đọc Kinh Thánh quá hời hợt. Chúa sáng tạo nên chúng ta theo hình ảnh của người, song không phải thân thể chúng ta giống Chúa, mà là tư duy của chúng ta.”
Lúc này Langdon hoàn toàn im lặng, chăm chú lắng nghe.
“Đó là một quà tặng lớn lao, Robert, và Chúa đang đợi chúng ta hiểu điều đó. Khắp nơi trên thế giới, chúng ta cứ ngước lên bầu trời, chờ đợi Chúa... mà không bao giờ nhận ra Chúa đang đợichúng ta.”
Katherine ngừng lời để những gì bà nói được tiếp nhận. “Chúng ta là những người sáng tạo, nhưng lại ngây thơ đóng vai ‘tạo vật’. Chúng ta nhìn nhận bản thân như những con cừu bất lực do vị Chúa đã tạo ra chúng ta chăn dắt. Chúng ta quỳ gối như những đứa trẻ đang sợ hãi, cầu xin được giúp đỡ, được tha thứ, được may mắn. Song một khi nhận ra mình thực sự được tạo nên theo hình ảnh của Đấng Sáng tạo, chúng ta sẽ hiểu rằng chính mình cũng là những Đấng Sáng tạo. Khi con người thấu hiểu chân lý này, những cánh cửa dẫn tới tiềm năng của họ sẽ rộng mở.”
Langdon nhớ lại một đoạn văn vẫn luôn làm ông chú ý trong tác phẩm của triết gia Manly P.Hall: Nếu Thượng đế không muốn con người thông thái, Người hẳn đã không ban cho anh ta khả năng hiểu biết. Langdon lại ngước nhìn lên bức bích họa Washington hóa thần - một điển hình về sự vươn lên của con người thành thần linh. Tạo vật... trở thành Đấng Sáng tạo.
“Phần đáng kinh ngạc nhất”, Katherine nói, “là ngay khi nắm bắt được sức mạnh thực sự của mình, chúng ta sẽ nắm được quyền kiểm soát lớn lao với thế giới. Chúng ta sẽ có thể hoạch định thực tại thay vì chỉ phản ứng lại nó”.
Langdon đưa mắt nhìn xuống. “Cái đó nghe có vẻ nguy hiểm.”
Katherine có vẻ ngỡ ngàng và ấn tượng. “Phải, chính xác là như vậy! Nếu ý nghĩ ảnh hưởng tới thế giới, chúng ta sẽ phải rất cẩn thận với cách suy nghĩ của mình. Những ý nghĩ có hại sẽ mang tới ảnh hưởng tiêu cực, và chúng ta đều biết phá hủy dễ hơn nhiều so với tạo lập.”
Langdon nghĩ tới ý thức về sự cần thiết phải bảo vệ tri thức cổ xưa khỏi những kẻ không xứng đáng và chỉ chia sẻ nó với những người đã được khai sáng. Ông nghĩ tới Học viện Vô hình, và nhớ lại lời nhà bác học vĩ đại Isaac Newton đề nghị Robert Boyle “im lặng tuyệt đối” về những nghiên cứu bí mật của họ. Không thể để lộ nó, Newton viết vào năm 1676, nếu không sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho thế giới.
“Ở đây có một sự pha trộn thú vị”, Katherine nói. “Điều hài hước ở đây là tất cả tôn giáo trên thế giới, trong nhiều thế kỷ, đã khuyên răn tín đồ của mình hãy đón nhận các quan niệm về tín điều và niềm tin. Khoa học vốn chỉ trích tôn giáo là mê tín, giờ đây lại phải thừa nhận rằng mặt trận lớn tiếp theo của nó chính là khoa học tín điều và niềm tin... Sức mạnh của niềm tin và quyết tâm tập hợp lại. Cũng chính khoa học đã làm xói mòn niềm tin của chúng ta vào điều kỳ diệu giờ lại xây lên một cây cầu bắc ngang qua khe vực mà nó tạo ra.”
Langdon ngẫm nghĩ những lời Katherine nói một hồi lâu rồi lại chậm rãi ngước nhìn bức bích họa Hóa thần. “Tôi có một câu hỏi”, ông nói, đồng thời nhìn Katherine. “Cứ cho là tôi có thể chấp nhận, dù chỉ trong giây lát, rằng tôi có sức mạnh để thay đổi vật chất bằng tư duy của mình, và bộc lộ tất cả những gì tôi mong muốn... nhưng tôi e rằng mình chẳng nhìn thấy điều gì trong đời khiến tôi tin bản thân có thể sở hữu sức mạnh đó.”
Katherine nhún vai. “Vậy là anh chưa nhìn kỹ rồi.”
“Thôi nào, tôi muốn một câu trả lời thực sự. Đó là câu trả lời của một tu sĩ. Tôi muốn câu trả lời của một nhà khoa học.”
“Anh muốn một câu trả lời thực sự ư? Nó đây. Nếu tôi đưa cho anh một cây vĩ cầm và nói anh có khả năng sử dụng nó để tạo ra âm nhạc tuyệt vời, nghĩa là tôi không hề nói dối. Anh thực sự có khả năng, nhưng anh cần khổ luyện nhiều mới có thể làm được điều đó. Điều này cũng chẳng khác gì việc học cách sử dụng tư duy của mình, Robert. Suy nghĩ có định hướng là một kỹ năng phải học hỏi. Để thể hiện một ý chí thì cần phải tập trung cao độ, cảm nhận hoàn chỉnh hình ảnh, và có một niềm tin sâu sắc. Chúng tôi đã chứng minh được điều này trong phòng thí nghiệm. Và cũng giống như chơi vĩ cầm, có những người thể hiện khả năng thiên bẩm xuất sắc hơn người khác. Hãy nhìn vào lịch sử. Hãy nhìn vào những câu chuyện về những trí tuệ được khai sáng đã làm nên kỳ tích thần diệu.”
“Katherine, làm ơn đừng nói với tôi chị thực sự tin vào phép màu. Ý tôi là, nói một cách nghiêm túc, có thể biến nước thành rượu vang, hay chữa khỏi bệnh chỉ bằng chạm tay ư?”
Katherine hít một hơi dài rồi từ tốn thở ra. “Tôi từng chứng kiến những người biến tế bào ung thư thành tế bào lành chỉ bằng cách nghĩ tới chúng. Tôi đã chứng kiến bộ óc con người tác động lên thế giới vật chất theo vô vàn cách thức khác nhau. Và một khi đã chứng kiến điều đó, Robert, một khi chuyện này trở thành một phần thực tế của anh, thì những phép màu anh từng nghe nói đến sẽ chỉ đơn giản là vấn đề cấp độ mà thôi.”
Langdon trầm ngâm. “Đó là một cách thức đầy cảm hứng để nhìn nhận thế giới, Katherine, nhưng với tôi, nó có vẻ giống một bước nhảy không thể thực hiện của tín điều. Và như chị cũng biết, tôi không dễ chấp nhận một tín điều đâu.”
“Vậy thì đừng nghĩ về nó như tín điều nữa. Hãy chỉ đơn thuần nghĩ về nó như một thay đổi về góc nhìn, chấp nhận rằng thế giới không hoàn toàn như anh nghĩ. Nhìn vào lịch sử, mọi đột phá quan trọng về khoa học đều bắt đầu bằng một ý tưởng đơn giản luôn đe dọa lật nhào mọi niềm tin của chúng ta. Câu nói đơn giản “trái đất tròn” từng bị giễu cợt vì phần lớn mọi người tin các đại dương sẽ tuột khỏi hành tinh. Thuyết nhật tâm từng bị coi là dị giáo. Những bộ óc nhỏ nhen luôn bài xích những gì bọn họ không hiểu. Có những người sáng tạo... và những kẻ phá hoại. Quá trình đó đã tồn tại qua mọi thời đại. Nhưng cuối cùng những người sáng tạo sẽ tìm thấy tín đồ của mình, số lượng tín đồ tăng nhanh, và đột nhiên trái đất trở thành tròn, và hệ mặt trời trở thành nhật tâm. Góc nhìn được thay đổi, và một thực tế mới xuất hiện.”
Langdon gật đầu, dòng suy nghĩ trở nên lan man.
“Trông mặt anh thật ngộ”, Katherine nói.
“Ồ, tôi không biết nữa. Chẳng hiểu vì lý do gì mà tôi lại nhớ tới lần mình đi ca nô ra giữa hồ vào ban đêm, nằm dưới trời sao, và nghĩ về những chuyện như thế này.”
Katherine gật đầu vẻ thấu hiểu. “Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có một ký ức giống nhau. Giữa việc nằm ngửa ngắm bầu trời và cởi mở tư duy.” Bà ngước mắt nhìn lên trần nhà rồi nói, “Đưa tôi áo khoác của anh”.
“Cái gì?” Langdon cởi áo ra và đưa cho bà.
Katherine gấp nó làm đôi rồi đặt xuống lối đi như một cái gối dài. “Nằm xuống đây.”
Langdon nằm ngửa ra, Katherine đặt đầu ông lên nửa chiếc áo khoác đã gấp lại, sau đó nằm xuống cạnh ông như hai đứa trẻ, vai kề vai trên lối đi hẹp, nhìn chăm chú lên bức bích họa khổng lồ của Brumini.
“Được rồi”, bà thì thầm. “Hãy đặt mình vào bối cảnh đó... một đứa trẻ nằm trên chiếc ca nô... nhìn lên các vì sao... tư duy cậu ta rộng mở, đầy những điều kỳ diệu.”
Langdon cố làm theo, cho dù vừa duỗi người ra, ông đột nhiên cảm thấy một cơn mệt mỏi ùa tới. Mắt chợt nhòe đi, nhưng một thân hình câm lặng ở phía trên lập tức làm ông bừng tỉnh lại. Lẽ nào lại như thế? Ông không thể tin trước đây mình đã chẳng hề nhận ra các nhân vật trong bức họa Washington hóa thần rõ ràng được sắp xếp thành hai vòng tròn đồng tâm - một vòng tròn bên trong một vòng tròn. Bức Hóa thần chẳng lẽ cũng là một vòng chấm sao? Langdon tự hỏi không rõ tối nay mình còn bỏ sót những gì.
“Có một điều quan trọng tôi muốn nói với anh, Robert. Còn một chi tiết nữa trong toàn bộ chuyện này... một khía cạnh đáng kinh ngạc nhất trong nghiên cứu của tôi.”
Còn nữa sao?
Katherine chống khuỷu tay nhổm dậy. “Và tôi hứa... nếu chúng ta, với tư cách những con người, có thể nắm bắt sự thật đơn giản này một cách trung thực... thế giới sẽ thay đổi chỉ sau một đêm.”
Langdon hết sức tập trung.
“Tôi nên bắt đầu chuyện này”, Katherine nói, “bằng việc nhắc lại với anh câu tôn chỉ Tam Điểm, đó là ‘thu nhặt những gì tản mát’... để ‘lập lại trật tự từ trong hỗn loạn’... để tìm ra ‘nhất thể’.
“Tiếp tục đi.” Langdon có vẻ tò mò.
Katherine mỉm cười nhìn ông. “Chúng ta đã chứng minh một cách khoa học rằng sức mạnh của tư duy con người lớn lên theo hàm số mũ với tư duy cùng luồng.”
Langdon vẫn im lặng, tự hỏi Katherine định đi tới đâu với ý tưởng này.
“Điều tôi muốn nói là... hai cái đầu sẽ tốt hơn một... và không chỉ tốt hơn hai lần, mà tốt hơn rất, rất nhiều lần. Nhiều tư duy hợp lực sẽ khuếch đại hiệu quả của một ý nghĩ... theo hàm số mũ. Đây là sức mạnh nội tại của việc cầu nguyện tập thể, các vòng tròn chữa bệnh, hát đồng ca, và thờ cúng tập thể. Ý tưởng về ý thức vũ trụ không phải là khái niệm cao siêu nào của Thời đại Mới. Đó là một thực tế khoa học mấu chốt... và việc khai thác nó đem đến tiềm năng thay đổi thế giới của chúng ta. Đây là phát kiến cơ bản của Lý trí học. Hơn nữa, nó đang diễn ra ngay lúc này. Anh có thể cảm thấy nó xung quanh mình. Công nghệ liên kết chúng ta theo những cách chúng ta chưa bao giờ hình dung nổi: Twitter, Google, Wikipedia, và những thứ khác - tất cả cùng kết hợp lại tạo thành một mạng lưới kết nối giữa các tư duy.”
Katherine bật cười. “Và tôi cam đoan với anh, ngay khi tôi công bố nghiên cứu của mình, tất cả người dùng Twitter đều sẽ gửi đi các tweet nói, ‘đang tìm hiểu về Lý trí học’, và mối quan tâm dành cho khoa học này sẽ bùng nổ theo hàm số mũ.”
Hai mi mắt Langdon nặng trĩu. “Chị biết đấy, tôi vẫn chưa học được cách để gửi một twitter.”
“Một tweet”, Katherine vừa cười vừa đính chính.
“Gì cơ?”
“Đừng bận tâm. Nhắm mắt vào. Tôi sẽ đánh thức anh dậy khi đến giờ.”
Langdon nhận ra mình hầu như đã quên bẵng cái chìa khóa cũ của vị Kiến trúc sư cũng như lý do họ leo lên tận trên này. Cơn mệt mỏi xâm chiếm lấy ông, Langdon nhắm mắt lại. Trong bóng tối của nội tâm, ông nhận ra mình đang nghĩ về ý thức vũ trụ... về những gì Plato viết liên quan đến “tư duy của thế giới” và “tập hợp Chúa trời”, hay “vô thức tập thể” của Jung. Khái niệm vừa đơn giản, vừa đáng kinh ngạc.
Chúa được tìm thấy trong tập hợp của Nhiều người hơn là trong Một người.
“Elohim”, Langdon thốt lên, vụt mở mắt khi tìm thấy một mối liên hệ bất ngờ.
“Gì cơ?”, Katherine vẫn chăm chú nhìn xuống ông.
“Elohim”, ông nhắc lại. “Từ Do Thái dùng để gọi Chúa trong Kinh Cựu Ước! Tôi vẫn luôn băn khoăn về nó.”
Katherine mỉm cười hiểu biết. “Phải. Từ này là số nhiều.”
Chính xác! Langdon chưa bao giờ hiểu được tại sao ngay những câu đầu tiên của Kinh Thánh lại nhắc tới Chúa như một thực thể số nhiều. Elohim. Chúa Toàn năng trong Sáng Thế Ký được mô tả không phải như Một, mà là Nhiều.
“Chúa là số nhiều”, Katherine thì thầm, “vì tư duy của con người là số nhiều”.
Dòng ý nghĩ của Langdon bắt đầu xoáy tròn quay cuồng với những giấc mơ, ký ức, hy vọng, những nỗi sợ hãi, những phát hiện... Tất cả cùng quay tít phía trên ông, trên trần vòm sảnh Rotunda. Khi nhắm mắt lại, ông thấy mình đang nhìn chằm chằm lên ba từ Latin vẽ trên bức Hóa thần.
E PLURIBUS UNUM.
“Một, trong rất nhiều”, ông thầm nghĩ, rồi chìm vào giấc ngủ.