“Công dụng quan trọng nhất của công nghệ thông tin ngày nay là cải tiến nền giáo dục. Hiện nay chúng ta đang có rất nhiều cơ hội để nâng tầm suy nghĩ và học tập bằng cách lợi dụng máy tính làm công cụ học tập. Theo quan điểm của chúng tôi, rồi đây chúng ta sẽ sử dụng công nghệ để tạo ra một “Cộng Ðồng Học Tập Kết Nối” tạo điều kiện cho mọi người ham học đều có cơ hội truy cập các thông tin trên thế giới thông qua PC; và người dạy, người học, các bậc phụ huynh và toàn thể cộng đồng sẽ được kết nối với nhau.”
Bill Gates, 1996
“Có người cho rằng nên mở rộng mạng Internet. Họ cho rằng các mạng có tính chất tương tác là một thế giới biệt lập, trong đó không nên áp dụng các luật lệ về bản quyền, về sự phỉ báng, về tính dâm ô, đồi trụy, và về tính bí mật. Tôi cho rằng như thế là hoang đường vì Internet rồi đây sẽ trở thành một phần thiết yếu của dòng chảy cuộc sống chứ không phải là một vũng nước đọng không có pháp luật gì cả.
Ở một cực khác, có người lại cho rằng nên quản lý thật chặt Internet. Họ sẽ làm hủy hoại mạng Internet khi tìm cách chế ngự nó.”
Bill Gates, 1996
Tất cả mọi công ty, cho dù đó là công ty sản xuất đồ chơi như Parker Brothers hay sản xuất bội ngũ cốc như General Mills đều phải nghĩ về tương lai, về các sản phẩm mới và các phương thức tiếp thị mới. Nhưng đối với ngành công nghệ phần cứng và phần mềm máy tính thì “Nghĩ về tương lai” chỉ là một cách nói. Thực tế cách diễn đạt sáo mòn “Tương lai là ngay bây giờ” không thể mang ra áp dụng với nền công nghệ máy tính. Nếu các công ty máy tính không khai phóng được nguồn năng lực hiện có, mở ra được những chân trời mới thì chẳng mấy chốc, ngẩng mặt nhìn ra xung quanh, họ sẽ chợt khám phá ra rằng “tương lai của mình đã thuộc về hôm qua” vì các công ty giàu sáng kiến nào đó đã thực hiện xong tương lai của họ rồi.
Bill Gates, như bất kỳ ai khác trên hành tinh này, cũng dõi mắt chăm chăm hướng về tương lai từ khi còn trong độ tuổi thiếu niên. Chính xác hơn, Gates đã luôn xoáy ý nghĩ của mình không chỉ về những gì sẽ xuất hiện kế tiếp mà còn về những gì sẽ xuất hiện sau “cái kế tiếp” đó nữa. Và chính nhờ đó mà Microsoft mới thống trị thị trường phần mềm thế giới. Dù công việc chủ yếu là tập trung phát triển kỹ thuật, Gates cũng đã bắt đầu óc mình nghĩ sâu xa hơn đến những tác động tương quan – không chỉ đối với việc kinh doanh mà còn đối với cả cá nhân và xã hội nói chung – của những thay đổi mà công nghệ máy tính mới sẽ mang đến. Như Gates đã nhận xét, máy tính đã làm thay đổi thế giới này nhanh hơn bất kỳ một công nghệ nào mà loài người đã tạo dựng ra. Những công nghệ mới, từ súng trường tự động đến động cơ hơi nước, từ động cơ đốt trong đến dòng điện, đều phải mất nhiều thời gian mới có được vị trí vững chắc. Bom nguyên tử, do sức mạnh hủy diệt khủng khiếp của nó, đã có ảnh hưởng tức thời và sâu rộng đối với từng cá nhân và từng quốc gia. Những sức mạnh hủy diệt của nó đã làm cho nó không được sử dụng và người anh em thân thiện của nó là năng lượng hạt nhân cũng đã có một lịch sử nửa tin nửa ngờ. Vì chưa từng có công nghệ nào phát triển nhanh đến vậy – mỗi năm sức mạnh của nó tăng gấp đôi ngay cả khi giá thành sụt giảm, theo định luật Moore – cho nên công nghệ máy tính, và đặc biệt là sự biểu hiện của nó trong cuộc cách mạng máy tính cá nhân, đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người một cách nhanh chóng hơn bất kỳ một sự tiến bộ khoa học nào trước đó.
Sự tiến bộ của máy tính liên tục có những bước tiến vượt bậc đến nỗi một con người đeo đuổi sống chết với nó như Bill Gates suýt nữa đã không bắt kịp chuyến xe quan trọng Internet. Tuy nhiên, nhờ vào nguồn tài lực khổng lồ của công ty Microsoft và nhờ khả năng chuyển hướng của chính mình nên Gates đã nhanh chóng bắt kịp và thành công trong khi nhiều công ty lớn khác không thể làm được. Gates biết rõ rằng lần sau mình và Microsoft sẽ không được may mắn như thế nữa; kinh nghiệm Internet đã làm tăng sự tập trung của Gates về tương lai. Trong vòng vài năm qua, chưa từng có người nào trong ngành công nghệ máy tính, của hàn lâm viện hoặc những chuyên gia tưởng tượng mệnh danh là “nhà tương lai học”, mạnh dạn và thường xuyên phát biểu về các hướng phát triển trong tương lai. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ phức tạp, trong đó thay đổi về mặt kỹ thuật và xã hội – đều có ảnh hưởng chồng chéo lên nhau theo hướng tích cực cũng như tiêu cực – đang diễn ra với một tốc độ chóng mặt mà ngay cả Gates cũng đôi lúc không nhìn thấy một ngã rẽ quan trọng trên con đường (mặc dù không phải là không chú ý). Quản điểm của Gates về tương lai rất rộng lớn và phức tạp, đủ để mang một tầm quan trọng lớn dù rằng một mình Gates không đủ sức định hình nó.
Không biết bao lần Gates nói rằng mình là một người lạc quan và tin rằng thế giới mà máy tính tạo ra sẽ mang đến cho loài người nhiều điều tốt đẹp hơn. Nhưng Gates cũng nhìn thấy những điều trái khoáy mà máy tính sẽ mang lại toàn điều tốt. Ðơn cử một ví dụ, điện thoại đã giúp con người vượt ra khỏi tầm với, được gần gũi hơn với những người ở xa, nhưng đồng thời nó lại làm ta xa cách hơn đối với những người láng giềng. Và cũng theo lời Gates, vẻ hào nhoáng, sinh động của truyền hình đã làm cho thầy cô giáo gặp nhiều khó khăn trong việc hướng sự chú ý của học sinh vào việc học tập ở nhà trường hơn. Nhưng dù máy tính dường như có đủ hai vấn đề này, Gates vẫn hy vọng rằng sự lớn mạnh của Internet và việc hình thành xa lộ thông tin thật sự lớn mạnh của Internet và việc hình thành xa lộ thông tin thật sự về sau này, mà hiện nay đang chỉ ở giai đoạn đầu phát triển, sẽ giải quyết tốt đẹp những hậu quả này.
Gates tin rằng khả năng vượt ra ngoài biên giới quốc gia của Internet và World Wide Web sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc có các nền văn hóa khác nhau, đồng thời tinh thần hiểu biết đó chắc chắn sẽ giúp tạo dựng một thế giới hòa bình hơn và bớt đi sự chia cách. Ðây quả là một quan điểm lạc quan, thậm chí có thể nói là quá lý tưởng của Gates. Bởi vì sẽ có người chỉ vào vùng Trung Ðông, Bắc Ireland, hạy một đất nước Nam Tư tan vỡ mà cho rằng dường như “thân quá hóa nhờn”. Thật ra quan điểm Gates rộng hơn nhiều vì Gates thì bản chất của World Wide Web trong nhiều trường hợp có thể giúp vượt qua những hố sâu thù địch giữa các quốc gia trong khu vực.
Tuy nhiên, Gates cũng tin rằng trong tương lai Internet sẽ không còn trong tình trạng “hỗn quan, hỗn quan” như hiện nay. Gates vạch ra một lần ranh phần cách cho vấn đề này. Theo Gates, do từ trước đến nay thế giới chưa hề có được một phương tiện toàn cầu để bất cứ ai cũng có thể tự do “xuất bản” quan điểm của mình, cho nên đôi khi rất khó xác quyết ai sẽ chịu trách nhiệm khi những thông tin được coi là “chướng tai gai mắt” được đưa lên World Wide Web. Gates thừa nhận rằng vấn đề quy trách nhiệm rất khó lòng giải quyết ổn thỏa vì mỗi quốc gia sẽ có các quan điểm khác nhau trong việc đánh giá thế nào là thông tin bôi nhọ hay chướng tai gai mắt; thêm vào đó còn phải tính đến sự khác biệt về luật pháp của riêng từng quốc gia. Suy nghĩ của Gates về bản chất phức tạp của vấn đề đã được minh chứng qua những biện pháp được thực hiện tại Ðức khi chính phủ nước này tuyên bố rằng việc tuyên truyền chủ nghĩa phát xít mới trên Internet là bất hợp pháp, đồng thời cho rằng các công ty cung cấp về mặt kỹ thuật như Compuserve và America Online phải chịu trách nhiệm pháp lý vì đã cho phép truy cập nội dung này qua các dịch vụ của họ.
“Cách đây 20 năm, khi mới bắt đầu sự nghiệp, chúng tôi ước ao máy vi tính có mặt trên mỗi bàn làm việc và tại mỗi gia đình. Bây giờ nhìn lại, nếu lấy con số 100% người dân sử dụng máy vi tính thì rõ ràng chúng tôi chẳng bao giờ đạt được. Sẽ luôn có ai đó chọn con đường không tham gia, cũng giống hệt như vẫn có những người không sử dụng điện thoại hoặc xem TV vậy.”
Bill Gates, trả lời câu hỏi về những người không sử dụng máy vi tính, 1995
Bên cạnh việc thừa nhận tầm quan trọng của tinh thần trách nhiệm, Gates cũng rất quan tâm đến các biện pháp mà các chính phủ dùng để giới hạn thông qua lưu thông trên mạng Internet thông qua những hành động ngầm phá hoại luồng thông tin tự do trên Internet. Ðây là điểm đặc thù quan trọng nhất của Internet. Năm 1996, Gates ngay tức khắc bày tỏ công khai thái độ chống đối của mình với ạo Luật Về Quy Tắc Truyền Thông, một phần trong ạo Luật Viễn Thông Sửa ổi được Quốc hội Mỹ thông qua, vì đạo luật này quy định những ai đưa lên Internet “các thông tin chi tiết về sinh đẻ có kế hoạch, phòng chống AIDS và làm cách nào để phá thai hợp pháp” là phạm tội nghiêm trọng. Tháng 7/1997, Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ đã tuyên bố rõ ràng rằng họ đứng về phía Gates và những người ủng hộ Internet khác vì đạo luật bất hợp hiến, đồng thời cũng mạnh mẽ lên tiếng cho rằng không thể dùng các qui định pháp luật trong ngành truyền thanh truyền hình để áp dụng cho mạng Internet. Thế nhưng đây chỉ trận mở màn của Tòa Án Tối Cao vì trong thập niên tới tòa án này chắc chắn sẽ phải đương đầu với rất nhiều qui định pháp luật liên quan đến việc truyền thông trên mạng Internet.
Mặt khác, Gates cũng không tin là trong tương lai Internet sẽ mãi là một phương tiện truyền thông luôn mở rộng cửa để bất kỳ loại thông tin nào cũng có thể hiện hữu để mọi người có thể truy cập được. Một phần Gates rất lo ngại khả năng trẻ em có thể sa vào các thông tin có nội dung đồi trụy. Ngoài ra Gates cũng hết sức lưu ý là Internet hiện nay đầy dẫy những thông tin lệch lạc, những lời dối trá trắng trợn và những tuyên truyền gây bất ổn dư luận rất có hại vừa cho trẻ con lẫn người lớn. Bản thân Gates cũng rất khổ tâm về việc có những kẻ mạo danh mình trên Internet. Gates cho biết “những kẻ mạo danh này đôi khi làm những chuyện bậy bạ không thể tin được như nhân danh tôi gửi e-mail cho những người khác hứa hẹn nhận họ vào làm việc hay cho tiền hoặc tệ hại hơn còn chỉ trích cả hãng Apple”. Và mặc dù Gates không nói ra nhưng chắc chúng ta cũng biết là trên Internet có hẳn những Web site đại loại như “diễn đàn những người căm ghét Bill Gates”.
“Cuối cùng tôi hy vọng rằng những ai xuất bản thông tin của mình lên mạng phải phần loại cho phù hợp, mục đích là để cho biết bản chất của các loại thông tin đó. Phần mềm được dùng để truy cập Internet hoặc để tham gia vào những cộng đồng điện tử thương mại sẽ sàng lọc những thông tin dựa trên phương pháp chúng được phần loại. Các phần mềm trẻ em sử dụng sẽ không truy cập được những nội dung dành cho người lớn. Ðể cho việc tự phần loại đạt kết quả, các nguồn thông tin trên mạng phải được xác minh; đồng thời cá nhân và công ty phải chịu trách nhiệm về những thông tin mà họ đưa lên mạng.”
Bill Gates, 1995
Gates nghĩ là vấn đề các thông tin chướng tai gai mắt trên Internet vẫn có thể giải quyết được thông qua việc kết hợp giữa kỹ thuật và chế độ tự quản công nghiệp mà không cần dùng đến các biện pháp khác có thể làm cho Internet trở nên tẻ nhạt một cách phi lý. Gates đề nghị các “tổ chức được Chính phủ ủy quyền” nên nghiên cứu phát triển một hệ thống phân loại các trang Web, để các nhà sản xuất phần mềm có thể căn cứ vào đó mà có biện pháp giúp các bậc phụ huynh ngăn chặn những thông tin họ không muốn con em mình truy cập hoặc ngay chính bản thân họ không muốn nhận. Bản thân Microsoft cùng nhiều công ty khác, đã đưa vào phần mềm của họ những khả năng đánh giá thông tin từ năm 1996, còn các nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng đã và đang xúc tiến việc cung cấp cho các bậc phụ huynh các biện pháp ngăn chặn thông tin xấu.
Trong khi thừa nhận là không thể có hệ thống phân loại nào là hoàn hảo vì ý kiến của mỗi người mỗi khác, Gates tin rằng hệ thống đó phải được xây dựng sao cho có thể thỏa mãn đại đa số quần chúng. Thậm chí Gates nghĩ rằng hệ thống này còn phải duy trì các khu vực bao gồm nhiều khoang trên Internet dành cho dạng phòng tán gẫu ẩn danh hiện đang thu hút rất nhiều người sử dụng tham gia. Một khi có những khu vực được khoanh vùng rõ ràng như thế người sử dụng sẽ hiểu rằng đó là những khu vực “hỗn quân hỗn quan” nên nếu ai muốn thì cứ vào; còn ai không muốn tham gia những loại giao tiếp “cởi mở” như thế cũng biết mà tránh xa hoặc ngăn chặn con em của họ vào các khu vực đó.
Dù Bill Gates công nhận tính thiết yếu cần phải giải quyết những vấn đề như vậy, và đồng thời hiểu rằng sẽ còn nhiều vấn đề rất khó giải quyết, những Gates cũng tỏ rõ niềm vui sướng quá mức khi cổ vũ cho những lợi ích tuyệt vời mà ông tin là Internet có thể mang đến cho chúng ta. Dẫu rằng trước đây Gates có thể hơi chậm trễ trong việc nhận ra tầm quan trọng của Internet, nhưng về sau không ai ủng hộ những tiềm năng của Internet nhiệt tình bằng Gates. Ông đặc biệt chú trọng đến khía cạnh giáo dục của Internet. Gates đoan chắc là Internet không chỉ có thể mà còn sẽ ngày càng tạo ra những cơ hội học tập tốt hơn cho nhiều người, cả người lớn lẫn trẻ em, hơn bất kỳ loại phương tiện nào đã có trước kia.
Gates đã từng đề cập đến máy tính và giáo dục trong nhiều diễn đàn đối thoại. Gates cũng đã có nhiều bài báo, đã trả lời các câu hỏi về quan điểm của mình trên truyền hình và báo chí. Thậm chí Gates còn xuất hiện trên một chương trình tin tức đặc biệt Nickleodeon cùng với Linda Ellerbee để trả lời các câu hỏi do một nhóm trẻ em đặt ra, trong đó có những em đã biết về máy tính nhưng cũng có những em không có kiến thức gì về máy tính cả. Ðặc biệt, trong quyển Con ường Phía Trước của mình, Gates đã giành hẳn một chương đề cập một cách chi tiết vấn đề giáo dục với nhan đề “Giáo dục: Biện pháp đầu tư hữu hiệu nhất”. Thông qua những hành động đó, có thể thấy Gates không chỉ nghiền ngẫm vấn đề phức tập này một cách thấu đáo mà rõ ràng Gates thực sự quan tâm đến nó. Quan điểm của Gates về giáo dục mang tính thiết thực hơn rất nhiều so với kiểu “nói cho có” thường được nghe từ miệng các nhà lãnh đạo kinh doanh muốn khoe khoang phẩm hạnh công dân của mình để nhận được “tiếng thơm”.
Việc học hành trong một lớp học ở tương lai sẽ mang tính tương tác toàn cầu
Gates không hề tránh né hoặc che đậy những khó khăn xảy ra trong việc xây dựng một nền giáo dục điện tử. Như trong quyển Con ường Phía Trước, Gates đã công nhận rằng cho đến nay nền công nghệ giáo dục đã bị “thổi phồng một cách quá đáng và đã không thực hiện được những triển vọng của nó.” Gates hiểu rất rõ sự bảo thủ trong các cơ sở giáo dục – cộng với nỗi lo của các thầy cô lớn tuổi – chính là những trở lực rất lớn đối với các công nghệ mới. Gates cũng công nhận các khó khăn về tài chính hiện đang làm cản bước tiến của giáo dục, cả ở thành thị lẫn nông thôn.
Mặc khác Gates cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các giáo viên giỏi và nhu cầu trao đổi những hiểu biết về mặt xã hội giữa trẻ em và trẻ em, cũng như giữa trẻ em và người lớn trong môi trường nhà trường. Gates cho thấy các chương trình thí điểm sử dụng công nghệ điện toán đã chứng minh rằng học sinh sẽ nổ lực tối đa và cảm thấy vui thích hơn khi bên cạnh luôn có giáo viên sẵn sàng hỗ trợ chúng, trả lời câu hỏi của chúng và khuyến khích chúng. Ðồng thời, cũng theo Gates việc hình thành một xa lộ thông tin sẽ tạo cho cả trò lẫn thầy cô giáo nhiều cơ hội hơn để tiếp cận các thông tin và sử dụng chúng để hiểu thấu đáo tầm vóc và ý nghĩa của việc giáo dục. Hẳn nhiên, học sinh sẽ phải giao tiếp qua lại với máy tính của chúng, nhưng kinh nghiệm giao tiếp này sẽ hình thành nền tảng cho các quan hệ giao tiếp rộng lớn hơn, mang tính cá nhân, giữa giáo viên và học sinh trên cơ sở giữa người và người. Nhiều người đã mường tượng ra một tương lai, trong đó lớp học sẽ chỉ mang tính chất tượng trưng vì học sinh sẽ thực hiện hấu hết công việc học tập của chúng ở nhà trước một máy vi tính. Có người rất tin vào việc này nhưng cũng có người cho rằng viễn cảnh như thế này chẳng khác nào một lời cảnh báo về tính phi nhân bản trong toàn bộ quá trình giáo dục của tương lai. Bản thân Bill Gates thì nghĩ ngược lại. Ông nhìn thấy hình ảnh xa lộ thông tin và việc phổ biến rộng khắp nền công nghệ máy tính như là một phương tiện để làm giàu thêm môi trường giáo dục trong đó sự tương tác giữa giáo viên và học sinh vẫn đóng vai trò chủ đạo.
“Dù hiện nay có sẵn một kho kiến thức khổng lồ của toàn nhân loại nhưng máy vi tính vẫn không bao giờ thay thế được những người thầy vĩ đại. Thật vậy, việc sử dụng PC vào việc học tập chỉ đạt được kết quả khi có sự tham gia của người thầy. Máy tính chỉ có thể dùng trong việc phổ biến một số kiến thức mà thôi – chúng ta vẫn phải cần đến chuyên môn của người thầy giáo để đưa công nghệ mới vào trong các bài học mỗi ngày tại lớp và người thầy trở thành những người cung cấp phương tiện, những huấn luyện viên. Ðiều này sẽ cho phép thầy giáo dành nhiều thời gian hơn để kèm từng học sinh một.”
Bill Gates, đang trên tờ THE (Những Chân Trời K Thuật trong Giáo Dục), 1996
Tuy nhiên, các thông tin sâu rộng và đa dạng có sẵn trong một môi trường giáo dục như thế ở tương lai sẽ giúp các giáo viên tùy nghi biến đổi mức độ đánh giá và mức độ khó của bài học dành cho từng học sinh. Như vậy trong cùng một lớp học các học sinh sẽ học tập với những tốc độ khác nhau, tạo điều kiện để các học sinh có năng khiếu hoặc tinh thần hiếu học có thể phát huy được sở trường của mình. Các lợi ích to lớn mà công nghệ dạy học mới có thể mang đến không phải là giả thuyết mà chính là sự thật; Gates có đầy đủ báo cáo về những chương trình thí điểm đã gặt hái được thành công tại các trường điểm, trong số đó có những trường rất mất nề nếp. Mỗi khi nhắc đến Bill Gates, các phương tiện truyền thông có khuynh hướng nhấn mạnh đến các yếu tố thiên tài kỹ thuật, sự nhạy bén trong kinh doanh, và khối lượng tài sản khổng lỗ của Gates, chứ không hề chú ý đến một trong những tính cách khiến Gates trở thành “khác thường” trong thế giới kỹ thuật cao là sự sâu sắc đáng kinh ngạc về nhu cầu cần có những nhà giáo dục trực tiếp của con người. Gates đã dẫn chứng bằng giáo viên dạy môn hóa học cho mình, người đã làm cho môn học đó trở nên sống động trong Gates; và Gates vẫn luôn lặp đi lặp lai rằng, ngay từ buổi đầu, tình bạn của mình với Paul Allen chính là nguồn động lực thúc đẩy đến những thành công của ngày hôm nay. Gates đánh giá cao tầm quan trọng của nhân cách và cá tính, và quan điểm của Gates về tương lai của việc giáo dục đã làm sáng tỏ vấn đề rằng Gates không phải là một người cô độc, xem thường mối quan hệ giữa người và người như hình ảnh một thần đồng về điện toán mà lâu nay mọi người vẫn tưởng.
Tháng 7/1997, Gates đã thực hiện những điều mình hứa hẹn về giáo dục bằng cách đầu tư 200 triệu đôla từ tài sản riêng của mình để trang bị máy vi tính cho các thư viện công cộng, và thêm 200 triệu đôla khác dưới hình thức các phần mềm của Microsoft. Giới báo chí – đã có lúc thắc mắc không biết Gates dự định làm gì khi bỏ ra hàng tỉ đôla cho công tác từ thiện – đã nhanh chóng so sánh món quà của Gates với việc xây dựng hơn 2.800 thư việc công cộng của trùm tư bản ngành thép Andrew Carnegie hồi đầu thế kỷ 20. Nói chung dư luận rất tán dương sự đóng góp của Gates, nhưng theo lẽ thông thường rải rác vẫn thất xuất hiện các phản ứng tiêu cực đối với lòng tốt của con người giàu có này. Một số nhà phê bình còn cho rằng số tiền đó nên dùng để mua sách – cũng là một cách để trang bị cho thư viện – vì họ cho rằng ít ra Gates cũng được hưởng lợi một cách gián tiếp khi phổ biến sâu rộng hơn nữa các sản phẩm của Microsoft chứ không hề vô tư như Carnegie trước đây. Thậm chí tờ New York Times còn nhận được một lá thư với nội dung cho rằng món quà của Gates, chủ yếu dành cho các thư viện nằm trong thành phố, nên thật ra chỉ là một cách để tạo ra một thế hệ các công nhân điện toán được trả lương thấp bằng cách chỉ cung cấp cho trẻ em nghèo một môi trường học tập vừa đủ để bóc lột chúng trong tương lai. Những lời công kích đó dường như cố tình quên đi niềm tin đã tồn tại từ lâu trong con người của Gates rằng tương lai giáo dục phụ thuộc vào việc tạo cho mỗi đứa trẻ một cơ hội tham gia vào sự phát triển dần dần của xa lộ thông tin.
“Tại nhiều địa phương, chẳng hạn như nơi tôi lớn lên, hầu như mọi người đều quen thuộc với thư viện. Có khoảng phân nửa dân số Hoa Kỳ thường xuyên lui tới một hoặc nhiều thư viện trong số 16.000 thư viện trong cả nước, gấp đôi số lượng nhà hàng của McDonald. Một con số làm tôi rất ngạc nhiên. Thư viện là hình thức hay nhất để bao cấp việc truy cập thông tin cho người dân bởi vì việc đầu tư vào đó làm lợi cho cả cộng đồng – và dựa trên cơ sở hoàn toàn công bằng, không một tai tiếng nào hết. Chẳng có ai khi thấy người khác đến thư viện mà lại bảo rằng: “Ồ, bạn không đủ tiền để mua sách về nhà đọc à.”
Bill Gates, một năm trước khi tặng 400 triệu đôla cho các thư viện công cộng, 1996
Tuy nhiên tầm nhìn sâu rộng của Bill Gates về tương lai cần phải có được sự đồng thuận của một bộ phận công chúng người Mỹ - và cuối cùng là một bộ phần dân số thế giới – đó là những người xem việc sử dụng máy vi tính là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống hàng ngày. Và không còn nghi ngờ gì nữa, một thế giới như thế sẽ làm đầy thêm các két sắt của Microsoft cũng như của tất cả các công ty phần cứng lẫn phần mềm khác. Một trong những ý tưởng được Gates ôm ấp bấy lâu nay là việc sản xuất ra một loại máy vi tính gọi là PC Ví (Wallet PC). Loại máy tính thu nhỏ kỳ diệu này sẽ không lớn hơn cái ví mà chúng ta bỏ trong túi, nhưng công dụng của nó thì đến những nhà viết truyện khoa học viễn tưởng cũng phải nghĩ đó là chuyện không tưởng trong thập niên 1970. Nó có thể được dùng làm một thiết bị nhận dạng, một quyển sổ ghi chép và một cuốn lịch sinh hoạt. Trong đó, các tín hiệu điện tử có thể dùng thay thế cho chìa khóa mở cửa vào nhà và xe cộ, và có thể hiển thị những hình ảnh của gia đình hoặc hình ảnh của chuyến đi nghỉ gần đây nhất của người sử dụng lên màn hình nhỏ bé của nó. Quan trọng nhất nó sẽ dẫn đến một “xã hội không sử dụng tiền mặt” mà rất nhiều nhà viễn tưởng điện toán đã hình dung đến từ lâu. Nó sẽ được sử dụng trong mọi thương vụ mua bán, kể cả bằng máy bán hàng, vì bất kỳ việc giao dịch nào cũng sẽ được chuyển ngay vào tài khoản tín dụng hoặc ngân hàng của người đó. Thậm chí PC Ví của bạn còn có thể chuyển tiền vào PC Ví của con bạn khi con bạn bảo: “Bố, cho con xin 10 đô.”
“Không phải chỉ có các bạn mới là người lo ngại rằng trong thời đại điện tử các vấn đề thuộc về riêng tư sẽ bị đe dọa. Chính tôi cũng rất lo lắng chuyện này. Câu châm ngôn của Microsoft: “Thông tin ở ngay đầu ngón tay của bạn” là một điều hứa hẹn trong thời đại điện tử này. Tuy nhiên chúng ta cũng phải cẩn thận xem đó là thông tin gì và chúng đang nằm ở đầu ngón tay của ai.”
Bill Gates, 1995
“Máy tính vẫn chưa đủ dễ sử dụng và vẫn chưa đủ rẻ để ai cũng có thể mua. Chúng cũng vẫn chưa đủ hiệu quả để có thể thu thập một số dạng thông tin nào đó. Sự cạnh tranh nhằm giải quyết những vấn đề này rất khốc liệt, nhưng cho dù không có sự cạnh tranh thì chỉ riêng việc thách thức để tạo ra các sản phẩm tốt hơn nữa cũng đã là điều hết sức hứng khởi.”
Bill Gates, 1996
Các ngân hàng hiện đang phát hành “thẻ thông minh” (smart card) và “thẻ séc” (check card) cho phép nhiều vụ mua bán được thanh toán trực tiếp từ tài khoản trong ngân hàng mà không cần đến thẻ tín dụng. Tuy nhiên – theo sự tìm hiểu của giới báo chí – một số người bán lẻ đang bắt đầu ngán ngại trước khoản chi phí mà họ phải trả cho ngân hàng khi được thanh toán bằng các thẻ này. Nếu tâm lý phản ứng này lan rộng và thẳng thế để rồi cuối cùng dẫn đến tình trạng là bắt khách hàng phải trả phí tổn cho những vụ giao dịch như vậy thì điều đó có thể là điềm không tốt cho việc hình thành một xã hội không sử dụng tiền mặt mà mọi người cho rằng sẽ xuất hiện trong tương lai. Hơn thế nữa, máy tính hiện nay chưa sẵn sàng để xử lý lượng thông tin tài chinh khổng lồ sẽ phải có trong một thế giới mà ngay cả một vụ mua bán đơn giản như một cây kẹo giá 50 xu cũng phải được thanh toán qua các định chế tài chính ngay tức khắc. Mặc dù vậy Gates không hề chùn bước trước những khó khăn thuộc về hậu cần này. Gates hoàn toàn tin rằng ngành công nghệ có thể vượt qua tất cả, dù bản thân Gates cũng phải thừa nhận rằng sẽ có một số người từ chối không sử dụng PC Ví, cũng như đến hiện nay vẫn có người từ chối sử dụng điện thoại hoặc TV vậy. Tuy nhiên với số lượng hằng triệu người Mỹ không có tài khoản ngân hàng thì những trở lực sắp tới có lẽ còn lớn hơn những gì Gates tưởng tượng.
Theo Gates, trong tương lai, PC Ví sẽ là một loại máy điện toán di động mang tính riêng tư nhất
Dẫu sao, Bill Gates cũng không giống như không giống như những người theo thuyết vị lai hoang tưởng đang sống chung quanh chúng ta. Chẳng hạn có một số người tuyên bố rằng theo năm tháng xã hội không có tiền mặt sẽ tiêu diệt hoàn toàn cái gọi là nền kinh tế ngầm vốn là cơ sở hoạt động cho mọi đối tượng, từ kẻ buôn bán ma túy, trộm xe đến những tên trộm vặt, đó là còn chưa kể đến một số không nhỏ các chính trị gia. Thế nhưng những chuyên gia dự báo không tưởng này lại bỏ sót một vấn đề mà bản thân Gates hiểu rất rõ và đang rất lo ngại: nạn trộm cấp bằng máy điện toán. Trước nay người ta vẫn cho rằng rất nhiều kẻ cướp nhà băng nổi tiếng, tính luôn cả tên cướp Willie Sutton huyền thoại, đều là những người thông minh, đủ khả năng làm giám đốc một ngân hàng, thế nhưng họ lại chọn con đường đi cướp nhà băng vì dễ ăn hơn và kích thích hơn. Hơn 20 năm qua, số lượng tội phạm, đặc biệt là tội phạm máy tính, đã gia tăng nhanh chóng theo cùng nhịp độ sử dụng máy tính. Năm vừa qua, lần đầu tiên các phương tiện truyền thông quan tâm về số lượng ngày càng tăng những người bị đánh cắp toàn bộ các thông tin các nhân qua các hệ thống, thiết bị điện tử - bao gồm số thẻ an sinh xã hội, số bằng lái, cùng với thông tin của thể tín dụng. Những người này hoàn toàn không đánh mất ví của mình, các giấy tờ xác minh nhân thân của họ đã bị “chôm” ngay trong lúc họ đang tiến hành các thương vụ hợp pháp thông qua máy tính. Sau đó thình lình họ nhận ra rằng thẻ tín dụng của họ đã bị hủy và họ đang thiếu những khoản tiền trời ơi đất hỡi. Có thể phải mất nhiều tháng trời mới chứng minh được rằng họ chính là người mà họ khai và có kẻ nào đó đã “cuỗm” đi cuộc sống của họ.
Bill Gates cũng đồng ý là có những rắc rối này, nhưng một lần nữa, Gates lại tin rằng công nghệ mới có thể giải quyết được tất cả. Gates tuyên bố rằng PC Ví trong tương lai sẽ có khả năng ngưng hoạt động toàn bộ thiết bị ngay tức khắc nếu bị đánh cắp, thay vì phải vòng vo qua nhiều nơi riêng biệt để báo việc mất thẻ tín dụng, séc và giấy tờ tùy thân. Và Gates cũng nhận thấy rằng mật mã là một trong những yếu tố quan trọng nhất để giải quyết vấn đề.
Mật mã đóng vai trò cực kỳ quan trọng, không chỉ trong việc bảo vệ các giao dịch tài chính mà còn liên quan đến các vấn đề riêng tư nữa. Từ trước đến nay Gates đã nói hoặc viết về vấn đề riêng tư rất nhiều lần. Gates cho biết: “Thực sự thì chưa bào giờ việc bóc trộm một phong bì lại có thể dễ dàng và không để lại dấu vết gì như đang xảy ra hiện nay trên Internet.” Mặc dù Gates cũng nhận thấy có một số giải pháp kỹ thuật cho vấn đề này, thí dụ như ngăn chặn việc gửi trộm e- mail hoặc thậm chí in trộm nó ra, hoặc bảo đảm là thư chỉ mở ra đọc được một lần mà thôi khi nó xuất hiện lần đầu tiên trên màn hình của người nhận. Nhưng chính Gates cũng phải thú nhận rằng công nghệ cũng không thể giải quyết trọn vẹn những vấn đề thuộc về riêng tư. Các phương tiện truyền thông gần đây đã lên tiếng báo động cho thấy hầu hết mọi người đều không biết được là bao nhiêu thông tin về cuộc sống của họ đã bị máy tính thu thập, và cũng không biết rằng những thông tin đó thường được bán cho những công ty khác đang mong bổ sung ai đó vào danh sách khách hàng cần phải tiếp thị của họ. Chẳng hạn, khi một người dùng một tấm thẻ do một hệ thống siêu thị nào đó phát hành để mua hàng giảm giá vào những dịp khuyến mãi đặc biệt, điều đó có nghĩa là thông tin về việc mua bán của người đó sẽ được ghi lại và có thể đem bán lại cho các công ty tiếp thị nào muốn biết chính xác loại bột giặt hay loại ngũ cốc nào khách hàng thường mua. Chuyện này Gates đã nhắc đến cách nay hai năm, trước khi các phương tiện truyền thông đề cập đến.
“Khi các chủ ngân hàng dự định nâng cấp hệ thống và dịch vụ của họ để theo kịp các cơ hội Internet mang đến thì họ nên biết rằng nếu chỉ đơn giản biến các sản phẩm cho phù hợp với thế giới trực tuyến, với chút đỉnh giá trị được thêm vào, thì sẽ không tránh khỏi việc cạnh tranh dựa trên phần chút đỉnh kia hơn là cạnh tranh giá cả. Ðể làm cho các sản phẩm trực tuyến của mình trở nên khác đi, ngân hàng cần phải tăng thêm giá trị - và phải không ngừng cải tiến cách chào hàng. Bản tính thụ động của các khách hàng ngày nay khiến họ ít khi xem xét đến việc thay đổi sở thích mua sắm sẽ không còn là một yếu tố bất biến trong môi trường trực tuyến nữa. Khả năng di chuyển trong môi trường này chỉ là một vài động tác nhấn phím đơn giản. Sự trung thành của khách hàng trong tương lai sẽ là điều khó tìm được.”
Bill Gates, 1996
Theo quan điểm của Gates, chính phủ các quốc gia trên thế giới phải đặt vấn đề riêng tư lên ngang tầm với những vấn đề mang tính quốc gia. Gates cũng lưu ý rằng hiện nay đã có nhiều luật về vấn đề riêng tư, do đó nên chăng mở rộng phạm vi giải quyết của các luật này để phù hợp với thời đại thông tin hiện nay. Tuy nhiên Gates cũng lưu ý rằng không nên quá vội vàng thông qua những luật đó, mà tốt nhất nên đưa chúng ra tham khảo ý kiến của đại đa số quần chúng trước.
Cuối cùng, còn một khu vực quan trọng khác liên quan đến tương lai của ngành điện toán mà Gates cũng đang nghiên ngẫm cùng một lúc để phù hợp với hai lý do: vì mục tiêu kinh doanh cũng như vì đời sống xã hội trong thế kỷ 21. Ðó là việc kết hợp giữa máy tính và TV. Ðiều mà Gates và rất nhiều nhà kinh doanh hàng đầu trong ngành điện toán muốn thấy đó là trong tương lai TV không chỉ có khả năng chuyển tải những thông tin quan trọng dưới hình thức văn bản đến cho người dùng PC và Internet nữa. Gates muốn nhìn thấy màn ảnh TV và màn hình PC hợp lại thành một. Tuy nhiên ước mơ của Gates đã gặp phải sự phản đối từ các nhà sản xuất TV, các mạng lưới truyền hình lớn và các công ty truyền hình cáp trên thế giới. Chủ yếu, các công ty này cho rằng giá thành loại HDTV vốn đã quá cao, cho nên không thể thêm chi phí để làm cho loại TV này tương thích với PC được nữa. Thực ra, nguyên nhân sâu xa của lời từ chối này đó là các nhà sản xuất TV tin rằng không phải hộ gia đình nào cũng cần có PC, và dù cho việc sử dụng PC có tăng nhanh hơn mức họ tưởng thì người dân cũng không muốn hợp nhất hai loại phương tiện này lại, vì họ muốn có hai loại thiết bị biệt lập để sử dụng theo nhu cầu riêng.
Thử thách lớn nhất hiện nay nằm ở chỗ PC hiện vẫn còn quá phức tạp trong sử dụng cho nên không thể sánh với một thiết bị dân dụng như TV. Chúng ta không thể cứ bấm một nút trên PC là có thể sử dụng được ngay như TV. Chính các nhà sản xuất TV cũng nhận thấy rằng dù trong các cuộc thăm dò hiện nay đầu máy video (VCR) trở thành một loại thiết bị ưa dùng của công chúng Mỹ, thế mà phần lớn người sử dụng vẫn không viết làm thế nào để ghi lại những chương trình được phát sóng. VCR đơn giản chỉ được dùng để chiếu các băng video thuê lại hoặc mua từ các cửa hàng. Máy tính xem ra sử dụng còn phức tạp hơn rất, rất nhiều so với VCR, cũng vì vậy mà ngành công nghiệp truyền hình tin rằng việc hợp nhất PC và TV vẫn còn là chuyện xa vời. Phải còn lâu lắm lượng người mua và học cách sử dụng PC mới đủ lớn như số người hiện đang làm việc – hoặc cho đến lúc nào đó xuất hiện một thiết bị đủ đơn giản để có thể thay thế PC. Bởi vì có như thế thì việc hợp nhất hai thiết bị này mới mang lại lợi nhuận cho các nhà sản xuất TV. Nhiều cuộc tranh luận nảy lửa đã nổ ra giữa hai phe: chống và ủng hộ. Gates cùng một số Tổng Giám Ðốc Ðiều Hành của các công ty điện toán khác thì cho rằng nếu các nhà sản xuất TV không đồng ý hợp nhất hai phương tiện điện tử này họ sẽ bị loại ra khỏi đấu trường kinh doanh; ngược lại phe các nhà sản xuất TV cũng đưa ra quan điểm tương tự.
Một trong những đồng minh lớn của Microsoft trong cuộc chiến này – nhà sản xuất máy tính Compaq – đã tỏ ý định hợp nhất hai phương tiện vào mùa hè năm 1997. Tệ hại hơn, gần như cùng lúc báo chí bắt đầu chú ý đến một quyển sách mới của tiến sĩ Michael L. Dertouzos, người đã 20 năm nay lãnh đạo phòng thí nghiệm điện toán tại Học Viện Kỹ Thuật Massachusetts. Quyển sách này có tên là “Rồi Sẽ Ra Sao” trong đó đầy những lời than van, được in đậm, về sự phức tạp của PC. Trong một lần trả lời phỏng vấn của tờ New York Times, Dertouzos cho biết: “Các vị muốn sử dụng PC như một cái neo. [Cho nên] mọi người thực sự sẽ phản đối mạnh mẽ.” Vì nhiều người trong số những nhân vât quan trọng nhất của ngành kinh doanh điện toán đã từng là học trò của tiến sĩ Dertouzos nên lời tuyên bố này không ai dám coi thường. Cũng trong bài báo đó, tờ New York Times đã trích lời của tiến sĩ Leonard Kleinrock, là bạn, đồng thời là đồng nghiệp của Dertouzos, một nhà khoa học điện toán tại trường ÐH California, Los Angeles, chỉ đích danh Bill Gates và nói rằng: “Những gì Microsoft làm đều trở nên tệ hại hơn.” Tuy nhiên các nhà khoa học ngành điện toán khác thì cho rằng sự phức tạp càng lúc càng tệ hại và cả máy tính (phần cứng) và phần mềm cứ luôn trở nên lạc hậu trước khi được tu chỉnh và làm cho đơn giản.
Bill Gates cùng các nhà điều hành khác trong Microsoft khăng khăng rằng họ đang nỗ lực đơn giản hóa phần mềm, nhưng các nhà quan sát lại rất nghi ngờ điều này. Dù thế nào đi nữa thì Bill Gates cũng không tính đến chuyện phải từ bỏ ý định hợp nhất PC và TV lại với nhau. Tháng tư vừa qua, Microsoft mua lại công ty Web TV Networks Inc., một công ty chuyên cung cấp dịch vụ Internet thông qua TV nhờ váo các thiết bị đặt trên TV. Tiếp đó, vào tháng sáu Microsoft đầu tư 1 tỷ đôla vào Công ty Comcast, công ty truyền hình cáp đứng hàng thứ 4 tại Hoa Kỳ. Hai thương vụ này chứng tỏ Microsoft đang chiếm một vì thế càng lúc càng vững mạnh hơn trong việc định hình cho xa lộ thông tin trong tương lai. Ðồng thời với 9 tỷ đôla tiền mặt trong két, Microsoft vẫn có khả năng chi ra nhiều tiền để biến tầm nhìn tương lai của Bill Gates trở thành sự thật.