“Tại sao tôi lại làm việc cật lực thay vì về hưu? Câu trả lời rất đơn giản: tôi làm những gì tôi thấy thích thú và mang tính thách thức, và tôi cho rằng tôi có công việc tốt nhất trên thế giới. Hầu hết mọi người đều cố gắng giành cho được vị trí này hay vị trí khác để được bảo đảm về kinh tế. Khi đã có rồi thì họ làm gì? Không lẽ họ chơi tennis suốt ngày? Hay là đọc sách? Tôi thích có thì giờ tiêu khiển và tôi ham đọc sách nhưng những thách thức vui thú nhất chỉ đến trong công việc. Tôi chưa nghĩ đến việc về hưu.”
Bill Gates, 1995
“Không lâu sau khi bạn quan hệ với Bill, sẽ có một cuộc kiểm tra đối với bạn. Bạn có đủ thông minh không? Bạn có lương tri không? Bạn học giỏi không? Bạn thích thể thao không? Melinda là người được Bill chọn. Anh ta có thể đã chọn bất cứ người phụ nữ nào để làm bạn đời của mình. Nhưng anh ta đã chọn Melinda và điều đó có nghĩa rằng cô ấy là một phụ nữ đặc biệt”
Ann Winbald, trích dẫn trong quyển Everdrive, 1997
Thông thường các Tổng Giám Ðốc Ðiều Hành của những công ty hùng mạnh nhất ở Hoa Kỳ lại là những người ít được công chúng biết đến. Trong quá khứ, có những cái tên đã đi vào huyền thoại và còn lưu truyền mãi đến ngày nay như Vua Thép Andrew Carnegie, Vua Dầu Lửa John D. Rockefeller hay Vua Xe Hơi Henry Ford. Thế nhưng ngày nay, rất ít tên tuổi được người dân Mỹ bình thường biết đến. Trong số này, những ông trùm trong làn truyền thông chiếm ưu thế hơn với những tên tuổi như Rupert Murdoch, Ted Turner, hay Michael Eisner của Disney. Thời đại nào cũng có những doanh nhân luôn tìm mọi cách để công chúng biết đến tên tuổi của mình, thí dụ như Donald Trump. Họ theo đuổi mục tiêu được nổi tiếng bằng những việc làm “khác người” hơn là vì họ đã đóng góp được công trạng gì cho xã hội. Nhưng nhìn chung, những người đứng đầu các công ty có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hằng ngày của mọi người thì lại tìm cách thu mình trong bóng tối. Cũng có khi họ xuất hiện trên bìa các tạp chí, nhưng họ rất tránh né việc lộ diện đều đặn trước công chúng để ai cũng phải biết đến tên mình. Cũng có một số người, như Lee Iacocca và Frank Purdue trong thập niên 1980, do tên tuổi của họ đã gắn liền với các sản phẩm của công ty mình khi phải xuất hiện trong các quảng cáo truyền hình cho nên có không muốn biết đến họ cũng không được. Nhưng rất ít người có thể nói cho bạn biết tên của những vị đứng đầu tập đoàn xe hơi Chrysler hay của một công ty thực phẩm như Hormel.
Bill Gates là một trường hợp đặc biệt. Có lẽ ông là giám đốc nổi tiếng nhất hiện nay trên thế giới, nhưng lại không có tính cách thân mật, hoa mỹ thường gặp ở Tuner, Iacocca hay Purdue. Mặc dù một bài diễn văn ông đọc tại một hội nghị về máy tính có thể khiến cho những người trong ngành phải theo dõi từng chữ, nhưng đó không phải vì ông có tài năng diễn thuyết hoặc khả năng diễn xuất. Ông ăn nói rất lưu loát, nhưng giọng của ông hơi cao và khó có thể nói rằng ông có sức lôi cuốn. Quả thật ông có một óc hài hước, và một nụ cười duyên dáng, tuy hơi trẻ con mà ông hay dùng để gây ấn tượng tốt khi được phỏng vấn bởi những nhân vật như David Frost, nổi tiếng vì cuộc phỏng vấn kéo dài với Tổng thống Nixon. Bất kể đó là cuộc phỏng vấn của giới báo chí hay truyền hình, Gates đều biểu lộ khả năng giải thích một ý tưởng phức tạp thành ra đơn giản và rõ ràng, bằng cách tận dụng những giai thoại và liên hệ với những thực tế mà ai cũng biết để khai phá ý nghĩa của thế giới điện tử đang hình thành. Nhưng ông đã không tạo được sự hấp dẫn của một người đang trình diễn như Lee Iacocca hay Donald Trump. Người ta lắng nghe Bill Gates chủ yếu vì tính thú vị và quan trọng của đề tài mà ông đang nói.
Lẽ dĩ nhiên, đối với đại chúng, còn có một yếu tố khác – hoàn toàn không liên quan gì đến việc ông là một trong những người lãnh đạo chủ chốt đã làm thay đổi phong cách làm việc và vui chơi của thế giới – khiến mọi người phải quan tấm đến ông: ông là người giàu nhất hành tinh này. Khoảng một, hai năm trước, cũng còn một vài ông vua dầu lửa Ả rập được coi là những người giàu hơn Gates nhưng hiện nay thì không. Trong hai năm qua (kể từ năm 1999), sau khi phát hành phần mềm Windows 95, tài sản của Gates đã tăng lên trung bình 10 triệu đôla mỗi ngày, với tổng giá trị tài sản của Gates hiện nay được ước tính là đã vượt quá 35 tỉ đôla. Dĩ nhiên đây là tài sản trên giấy tờ vì nó gồm cả 25% cổ phần của Microsoft mà Gates sở hữu. Nếu giá cổ phiếu của Microsoft sụt xuống thì giá trị tài sản của Gates cũng giảm theo. Không ai biết Gates có bao nhiêu tiền mặt và ông cũng không hề có ý định công bố điều này.
Tuy nhiên, như những nhân vật thế lực khác, Bill Gates cũng là người rất thích kháo chuyện. Lúc nào ông cũng sẵn sàng nói về thời tuổi trẻ của mình ở trường Lakeside và Harvard, nhấn mạnh đến việc mình đã cùng với người bạn thân Paul Allen khám phá ra thế giới máy tính, nhưng thường kể xen vào việc mình đã tham gia trong vở kịch Black Comedy của Peter Shaffer lúc học ở Lakeside hay việc chơi bài poker thâu đêm suốt sáng ở ký túc xá trường đại học Harvard. Ông cũng chẳng màng việc thiên hạ có biết chuyện mình và anh bạn Allen đã từng sống một thời gian dài chủ yếu chỉ có bán pizza và nước Coca cola hay không hoặc chuyện ông nhiều khi phải ngủ ở gầm bàn. Những người quen biết Gates nói rằng, ít nhất là cho đến gần đây, Gates giống như một đứa trẻ phát triển quá sớm, tuy rằng giàu có và thông minh, và việc ông sẵn sàng kể về những trò ngông cuồng thời tuổi trẻ có lẽ phần nào đã phản ánh cho ý nghĩ này. Thế nhưng một số người lại thấy rằng tính cách này của Gates vẫn làm cho ông ta dễ thương hơn nhiều so với một số nhân vật nổi tiếng cứ giả vờ như mình chưa bao giờ qua tuổi dậy thì vậy.
“Tôi có một quyết tâm là mỗi tuần đọc hết một tờ tuần báo vì nó mở rộng những mối quan tâm của tôi. Nếu tôi chỉ đọc những gì mình thích, ví dụ như trang tin khoa học và một vài tin trong mục kinh doanh, thì khi liệng tờ báo qua một bên, con người tôi cũng chẳng khác gì tôi lúc trước khi đọc. Vì vậy tôi phải đọc hết tờ báo.”
Bill Gates, 1995
“Tôi quen làm việc thật khuya trong văn phòng nhưng cũng lâu lắm rồi tôi bỏ thói quen chỉ chợp mắt một chút khi nào quá mệt. Tôi muốn ngủ mỗi tối đủ 7 tiếng để có thể giữ cho mình được nhạy bén, sáng tạo và lạc quan.”
Bill Gates, 1996
Báo chí đã nói khá nhiều về tính luộm thuộm cố hữu của Gates, liên quan đến cặp kính lúc nào cũng hoen mờ, về cách ăn mặc cẩu thả, và (bằng giọng điệu làm ra vẻ kinh khiếp) chế diễu rằng Gates rất không thích lắm. Con người của Gates rõ ràng không phải là mẫu người thích chưng diện, nhưng những năm gần đây hình như ông đã tỏ ra có chăm chút đến hình thức của mình nhiều hơn khi phát biểu hoặc xuất hiện trên TV, trông ông cũng ra dáng lịch sự, trang trọng. Báo chí cũng đã đặc biệt chú ý đến thói quen ngồi lắc lư nửa thân trên lúc đang suy nghĩ hoặc thói quen liên tục nhịp chân của Gates. Trong những lần trả lời phỏng vấn trên TV người ta thấy đôi chân của Gates thường biểu lộ sự bồn chồn nhưng không có dấu hiệu lắc lư. Thay vào đó, phần thân phía trên của Gates thường cứng đơ, như thế ông đang cố gắng làm như vậy. Người ta nhận thấy rằng bố của ông cũng có thói quen ngồi lắc lư như thế.
Có một điều thú vị là tuy báo chí thường nhấn mạnh về tính khí “gàn dở” của Gates nhưng một số người khác lại cho biết rằng Gates thời trẻ là một chàng trai nịnh đầm. Nghĩ đến sự đối nghịch của hai tính cách này không ai tránh khỏi phải bật cười và bên dưới mặt nổi đó điều mà giới báo chí dường như thực sự đang nói đến là việc Gates không muốn có quan hệ sâu đậm với một phụ nữ nào trong thời gian đang xây dựng Microsoft trở thành một đế chế phần mềm. Cũng chưa ai trả lời được có phải là do Gates chưa sẵn sàng hay do chuyện một chàng trai mà phải làm việc 18 giờ một ngày là điều không thích hợp lắm cho những chuyện tính lãng mạn.
Theo nhiều nguồn tin, vào đầu những năm 1980 ông có quan hệ với một nhân viên bán thiết bị máy tính ở Seatle tên là Jill Bennett. Theo lời của James Wallace trong quyển Nỗ Lực Vượt Bậc thì Bennett đã cho biết nhận định của mình về Gates như sau, “Dù anh ta rất khéo che dấu bằng một vẻ ngoài lạnh lùng, nghiêm nghị và đương nhiên là không bao giờ chịu thừa nhận nhưng phải nói anh là người rất dễ bị chạm tự ái.” Trên thực tế, Gates không có nhiều thì giờ cho một quan hệ nghiêm túc. Và tồi người ta thấy ông kết thân với Ann Winblad, người đã xây dựng một công ty phần mềm với vốn liếng ít ỏi ban đầu và sau đó bán được nhiều triệu đôla. Rõ ràng hai người có rất nhiều điểm tương đồng mặc dù Winblad lớn hơn ông đến 5 tuổi. Gates vẫn chưa nghĩ đến việc lập gia đình và họ chia tay nhau không lâu sau khi Gates gặp Melinda Prench, trẻ hơn Gates 9 tuổi, lần đầu tiên năm 1987 khi Prench về làm cho Microsoft.
Quan hệ giữa Gates và Melinda Prench tiến triển đều đặn, thỉnh thoảng cũng có những lúc giận hờn và làm hòa như những cặp tình nhân khác, cho đến đầu những năm 1990, theo lời bạn của Gates, ông bắt đầu cho thấy rằng ông không thể xa Melinda được nữa. Ai cũng biết là bố mẹ ông, đặc biệt là bà mẹ, đang nóng lòng giục Gates cưới vợ. Những người bạn của Gates đã lập gia đình kể rằng Gates thường tâm sự với họ quan niệm của ông về ý nghĩa của hôn nhân trong một đời sống mà công việc chiếm vai trò chủ đạo. Nhiều người quen thân với Gates nói rằng Melinda là mẫu người hợp với Gates một cách lạ kỳ. Cô không chỉ hiểu biết về ngành kinh doanh máy tính đủ để theo kịp ông về những ý thích trong kinh doanh và trí tuệ mà còn là một phụ nữ mạnh mẽ, độc lập, có cá tính, đã từng tham gia trong ban giám đốc của một nhà hát Seatle. Về mặt này, cô ta rất giống mẹ của Gates, một phụ nữ biết sử dụng thời gian của mình một cách có hiệu quả.
“Có người hỏi tôi rằng nếu không làm ngành máy tính thì tôi sẽ chọn công việc gì. Tôi nghĩ rằng mình sẽ chọn ngành công nghệ sinh học. Tôi muốn thấy những tiến bộ phi thường trong y học trong vòng hai thập kỷ tới; các nhà nghiên cứu và các công ty công nghệ sinh học sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc đưa đến những tiến bộ đó. Tôi rất tin tưởng vào ngành công nghệ thông tin và phương cách mà ngành công nghệ này sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong cách làm việc, vui chơi, học hành của cả thế giới. Nhưng khó mà lập luận rằng cuộc cách mạng đang bắt đầu trong lĩnh vực y học, mà mũi nhọn là ngành công nghệ sinh học, lại chiếm một vị trí kém quan trọng hơn đối với tương lai của nhân loại.”
Bill Gates, 1996
“Tôn giáo đã làm sống lại quan điểm cho rằng kể cả những thứ có thể được giải thích một cách khoa học cũng có thể có một lý do tồn tại cơ bản mà khoa học không hiểu được. Mặc dù tôi không theo tôn giáo nào, nhưng sự khâm phục của tôi đối với bộ não người cũng gần gũi với niềm kính sợ tôn giáo hơn bất kỳ một sự phân tích vô ta nào.”
Bill Gates, trả lời báo Time, 1997
Mặc dù về mặt tình cảm, Gates đã chia tay với Ann Winblad nhưng họ vẫn còn là bạn rất thân với nhau. Theo lời Gates kể với tờ Time, ông đã tham khảo ý kiến của Winblad trước khi cầu hôn Melinda French và Winblad rất tán thành. Dường như để chứng minh sự mạnh mẽ và tính độc lập của mình, Melinda French cho phép Gates duy trì chuyến đi nghỉ mỗi năm một tuần với Winblad ở nhà nghỉ riêng của Winblad tại Outer Banks, bang North Carolina. Chuyến nghỉ mát đã có từ lâu này, theo lời của Gates và Winblad, là một dịp để cho họ thư giãn và đàm đạo về cuộc đời. Do cuộc hẹn hằng năm này được công khai thừa nhận nên mọi người nhìn vào đều tin rằng quan hệ của hai người hoàn toàn minh bạch và trong sáng. Tuy nhiên không ai biết Melinda French thực sự nghĩ gì về việc này; cô không bao giờ trả lời phỏng vấn và bề ngoài không bao giờ cô biểu lộ thắc mắc về những gì chồng bàn luận trong các cuộc phỏng vấn, kể cả khi bàn về những đề tài như nuôi dạy con cái.
Gates đã bàn với người thân tỉ phú của mình là Warren Buffett về cách thức để cầu hôn với French. Trong một chuyến công tác từ Palm Springs trở về bằng một chuyến bay thuê riêng, Gates đã thu xếp để máy bay hạ cách xuống Omaha thuộc tiểu bang Nebraska. Lý do hạ cách ở Ohama là vì Buffett có một cửa hàng bán nữ trang ở đó. Và mặc dù lúc đó là đêm chủ nhật, Buffett đã tự tay mở cửa hàng và giúp hai người chọn nhẫn đính hôn. Ðối với một “tín đồ máy tính” như Gates thì hành động bất ngờ này giống như một pha lãng mạn trong tiểu thuyết diễm tình của Daniel Steel hay Quỳnh Dao vậy.
Lời cầu hôn, cùng với việc trao tặng chiếc nhẫn đính hôn có gắn một viên kim cương khổng lồ, diễn ra vào tuần cuối cùng của tháng 3 năm 1993. Cô dâu tương lai không phải là một nhân viên tầm thường của Microsoft. Kể từ khi được tuyển dụng năm 1987, cô đều đặn thăng tiến lên hàng quản lý trung cấp và trước lúc Gates ngỏ lời cầu hôn, cô đang là giám đốc bộ phận chuyên trách phần mềm chế bản điện tử Microsoft Publisher, chỉ hay gần 50 nhân viên. Với số cổ phiếu trong tay, cô đã trở thành một trong 2500 tỉ phú của Microsoft. Trong thời gian đính hôn cô vẫn làm việc nhưng họ đã quyết định là sau khi thành hôn cô sẽ không làm việc nữa. Mặc dù tin về vụ đính hôn – được chính thức công bố hai ngày sau chuyến bay đặc biệt đến Omaha – được nhắc đến trên nhiều tờ báo – và con lụt e- mail đã tràn ngập trong nội bộ Microsoft khi mọi người thông tin trước cho nhau về việc này – nhưng bạn bè và gia đình French đã theo lời thỉnh cầu của cô mà không trả lời bất kỳ một cuộc phỏng vấn nào. Kể cả các hàng xóm cũ ở Seatle và Dallas, nơi cô trưởng thành, cũng được yêu cầu giữ im lặng. Tất cả đều vui lòng thực hiện khi họ hiểu rằng đây là vì vấn đề an ninh cho cả hai gia đình. Cũng có một số người sẵn sàng nói chuyện với phóng viên nhưng họ đều là bạn thân của Gates và tất cả họ đều như nhau, hết lòng ca tụng cô dâu-chú rể là một cặp rất đẹp đôi.
Ðám cưới diễn ra vào tháng 9 sau đó, chính xác là ngày 1 tháng giêng năm 1994, trên đảo Lanai thuộc Hawaii. Lanai là một hòn đảo nhỏ, trước kia phần lớn được bao phủ bởi những cánh đồng dứa. Nơi đây chỉ có 3000 dân có hai điểm nghỉ mát kín đáo, sang trọng, được xây dựng vào năm 1990 và 1991, rất được các ngôi sao Hollywood ưa chuộng vì sự riêng tư của chúng. Vì lý do an ninh, Gates đã thuê tất cả các phòng ở hai khách sạn dù chỉ có hơn 150 khách. Trong số khách mời có các nhà lãnh đạo của Microsoft, dẫn đầu là Steve Ballmer, đồng thời là chú rể phụ, Paul Allen, các bạn thân như Warren Buffett, cùng với cô bạn gái trước kia Ann Winblad. Chỉ có một nhân vật duy nhất trong giới truyền thông được mời tham dự là Katherine Graham, chủ báo Washington Post, một người bạn lâu đời của gia đình Gates. Người ta đã làm mọi cách để không cho giới báo chí biết tin về đám cưới và mặc dù thông tin đã bị rò rỉ trước đám cưới khoảng vài ngày nhưng hòn đảo vẫn được giữ hoàn toàn cô lập để tránh sự rình mò của các tay săn ảnh trộm.
Hầu hết các vị khách đều đến trước thứ bảy, ngày tổ chức đám cưới, vài ngày. Họ có thể chơi golf trên hai sân golf sang trọng của đảo, một do Jack Nicklaus thiết kế và cái kia là do Greg Norman. Ngày nào cũng có tiệc tùng, quà cáp cho khách, cùng một tiệc chiêu đãi đặc biệt gồm các món đặc sản của Hawaii và có bắn pháo hoa. Vào đêm giao thừa năm mới, Gates đã cho Melinda một sự ngạc nhiên thú vị khi làm như vô tình giới thiệu ca sĩ yêu thích nhất của cô là Willie Nelson hát ở bãi biển riêng của khách sạn Manele Bay, nơi hai gia đình đang ở. Theo lời James Wallace, cao trào của buổi tiệc giao thừa là khi Nelson cất tiếng ca “Tôi có tiền, em yêu, nếu em có thời gian.”
Paul Allen đã đến Hawaii trên chiếc du thuyền riêng của mình và tổ chức một buổi tiệc champagne ngay trên thuyền vào hôm đám cưới. Xế trưa ngày hôm đó, các vị khách được được chở bằng các xe di chuyển trong sân gôn đến điểm phát bóng thứ 12 trên sân golf của khách sạn Manele Bay. Và trong một khung cảnh tuyệt vời bên vách núi, cha William Sullivan, Hiệu trưởng trường đại học Seatle, đã làm lễ cưới cho họ. French là người Thiên Chúa Giáo và theo các nguồn tin cho biết là con của họ sẽ được nuôi dạy theo tôn giáo này trừ khi Gates quyết định theo một tôn giáo khác. Ðiều này khó mà xảy ra được vì như ông đã giải thích cho David Frost, ông có khuynh hướng đi tìm một sự lý giải khoa học cho mọi việc, nhưng đồng thời rất tôn trọng những nguyên tắc đạo đức của tôn giáo lớn.
Hình như hạnh phúc nhất trong đám cưới, sau cô dâu và chú rể, là bà Mary Gates. Bà bị ung thư rất nặng, và lo ngại rằng không đủ sức khỏe để dự đám cưới của Gates. Các bạn bè của gia đình nói rằng khả năng chịu đựng của bà để có mặt trong đám cưới là một bằng chứng hùng hồn về sức mạnh nội tâm và ý chí của con người. Sau đám cưới không lâu, bà trở bệnh nặng trái qua mấy tháng cuối đời trên giường bệnh. Bà mất vào tháng sáu năm 1994, chỉ mới 64 tuổi.
Bill và Melinda Gates dọn đến sống ở ngôi nhà ông đã mua trước đó vài tháng. Nằm cách đó khoảng một dặm là ngôi nhà trị giá 40 triệu đôla được bắt đầu xây từ năm 1993 trên một triền núi nhìn xuống Lake Washington. Người ta đã bàn tán và viết nhiều về ngôi nhà trong mơ lộng lẫy này nhưng khi Melinda Gates về đây, căn nhà đã phải sửa đổi một số chi tiết theo yêu cầu của cô. Trong phác thảo đầu tiên, Gates đã thiết kế ngôi nhà với dự tính dùng cho cả một gia đình, có khu vui chơi riêng cho con cái và chổ ở riêng, với đầy đủ tiện nghi, dành cho người bảo mẫu. Công chúng cũng đặc biệt chú ý đến những kỹ thuật cao được thiết kế trong tòa nhà này. Các hệ thống máy tính được thiết kế hết sức tinh vi, cho phép người trong nhà, hay khách đến nhà, tùy theo cảm hứng, có thể nghe bất kỳ loại nhạc nào vẳng trong không trung hay thưởng thức bất cứ tác phẩm tranh nghệ thuật nào hiện ra trên các bức tường quanh nhà. Có người cho rằng chính Melinda đã cố gắng khuyên can nên bỏ bớt một số ứng dụng kỹ thuật này, nhưng nhiều người lại nói rằng điều bận tâm lớn nhất của Melinda chính là sự phơi bày trần trụi của các khối bêtông. Thực ra, điều quan trọng đối với riêng Gates là ngôi nhà phải bảo đảm có sự ấm cúng cũng như phải thể hiện được những kỳ tích kỹ thuật của tương lai. Gates ý thức tường tận từng chi tiết một để đạt được mục tiêu đó. Ngoài kích thước đồ sộ của nó, những phác thảo về ngôi nhà đã cho thấy một quan điểm mới về kiến trúc, kể cả kiến trúc bằng gỗ linh sam tái sinh ở Douglas, hợp thời nhất ở Lake Washington lúc đó. Mùa xuân năm 1997, ngay tại ngôi nhà con đang dở dang này, Bill và Melinda tổ chức một bữa tiệc đại qui mô đầu tiên – như một phần của “Hội Nghị Thượng Ðỉnh” của Microsoft – mời đầy đủ các nhân vật “tai to mặt lớn” của Microsoft và 25 nước khác nhau, đó là chưa kể Phó Tổng Thống Al Gore, Steve Forbes, và chủ tịch Ủy Ban Truyền Thông Toàn Liên Bang, Reed E. Hunt. Tờ New York Times dẫn lời một vị khách, Paul Hazen của công ty Wells Fargo & Company, nói rằng ngôi nhà “kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ tuyệt đẹp và tỉ mỉ đến mức dường như đụng đến chỗ nào cũng có thể xuất hiện những thiết bị k thuật tiên tiến nhất, như một màn hình video khổng lồ chiến trọn một bức tường trong phòng ăn.”
Một số những đối thủ cạnh tranh của Gates trong ngành công nghiệp phần mềm bày tỏ hy vọng là sau khi lập gia đình Gates sẽ thay đổi thói quen làm việc điên cuồng và giảm cường độ đi chút ít. Thực tế thì trước đó Gates đã giữ nhịp làm việc chậm lại mặc dù không hề giảm tính quyết liệt trong kinh doanh. Theo lời Gates kể với David Frost, đã có thời kỳ ông có thể làm việc gần 3 ngày liên tục không nghỉ mỗi khi có việc khẩn cấp, nhưng đã lâu rồi ông ta không làm việc theo kiểu như thế nữa. Khi tuổi càng lớn, Gates nhận thấy rằng phải ngủ đủ 7 tiếng mỗi ngày để có được sự minh mẫn cần thiết. Trong những lần trả lời phỏng vấn, Gates giải thích rằng việc phát minh ra e-mail đã làm cho cuộc sống của ông dễ quản lý hơn, ví dụ, giờ đây thỉnh thoảng ông có thể làm việc ở nhà vào những ngày nghỉ cuối tuần – gửi đi những huấn thị, những lời nhận xét hoặc các ý kiến cần thiết thông qua hệ thống thư tín điện tử. Ông vẫn duy trì nhịp độ làm việc mà nhiều người cho là phi thường, trung bình 12 tiếng một ngày tại văn phòng hoặc trong các ngày nghỉ cuối tuần. Ông có một lời nhận định gây ấn tượng về đề tài tôn giáo trên báo Time khi quả quyết là “chỉ nhìn từ góc độ cấp phát tài nguyên thì tôn giáo đã không làm điều này một cách hiệu quả lắm. Tôi có thể làm được nhiều việc hơn vào một sáng chủ nhật [thay vì đi lễ nhà thờ].”
Mặc dù vẫn bị thôi thúc bởi những tham vọng của mình và bởi một viễn cảnh tương lai mà ông muốn biến nó thành hiện thực, nhưng khác với vài năm trước đây, rõ ràng là Gates đã có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn người ta tưởng. Chuyến viếng thăm Trung Quốc của ông vào tháng 9 năm 1995 là một ví dụ. Vào tháng 3 năm 1995 Gates đã sang Trung Quốc tìm cơ hội kinh doanh. Ðây là một chuyến đi gian khổ và gay go khi Gates được mời tiếp xúc với Bộ Ðiện Tử và Công Nghiệp Trung Quốc. Các quan chức của bộ này tỏ ý không hài lòng vì phiên bản tiếng Hoa của Windows 3.1 đã được thực hiện tại Ðài Loan thay vì hợp tác với ngành công nghiệp máy tính của Trung Hoa lục địa. Hơn nữa, phần mềm này lại không dùng hệ thống chữ tượng hình đơn giản do chính quyền Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đưa ra vào thập niên 1950 dùng để xóa nạn mù chữ mà lại dùng hệ thống ký tự truyền thống vẫn còn sử dụng tại Ðài Loan và Hồng Kông. Theo lời James Wallace kể thì Chủ Tịch Trung Quốc là Giang Trạch Dân đã thẳng thừng tuyên bố rằng Gates còn phải học nhiều về “lịch sử 5000 năm của Trung Hoa.” Sau đó vài tháng, Gates phải kiến thiết lại toàn bộ phương thức tiếp cận với Trung Hoa để có được sự ủng hộ của chính phủ đối với Windows 95. Chuyến trở lại Trung Hoa vào tháng 9 năm 1995 không phải vì chuyện kinh doanh mà là một kỳ nghỉ hè kết hợp với việc tìm hiểu thêm về đất nước này. Gates còn khoe với David Frost rằng ông ta thậm chí không mang theo máy tính và cũng không liên lạc với Microsoft trong suốt chuyến đi hai tuần này. Thay vào đó, Gates và vợ là Melinda, cùng với gia đình Buffetts và một vài cặp vợ chồng khác nữa đi ngoạn cảnh – và đánh bài. Ông xứng đáng được nghỉ ngơi sau thành công vang dội của phần mềm Windows 95 tháng trước và tạm thời đẩy lui được lời kết tội độc quyền từ phía chính phủ Hoa Kỳ. Theo một số nguồn tin, Gates thật sự cần phải nghỉ ngơi vì ông hầu như kiệt sức.
Melinda Gates đã thụ thai trong chuyến đi đó và vào ngày 26 tháng 4 năm 1996 hạ sinh cô con gái đầu lòng là Jennifer Katherine Gates. Nhiều người, kể cả bạn bè thân thích của Gates, rất nóng lòng chờ xem Gates sẽ là một ông bố như thế nào. Câu trả lời đến sớm hơn mong đợi. Trước kia, trong các cuộc phỏng vấn Gates thường phát biểu rằng ông nghĩ là mình sẽ chỉ quan tâm nhiều đến con cái khi nào chúng biết nói, nhưng rồi Jennifer đã “gây nhiều xúc động hơn tôi nghĩ”, đó là lời Gates nói với tờ báo New York Times. Khi phát biểu trên tờ Time, tháng 1 năm 1997, Gates thừa nhận, “Giờ đây, tâm trí tôi hoàn toàn thuộc về bé Jennifer. Cháu vừa biết gọi “ba-ba” và tỏ ra là một trẻ có cá tính.”
Warren Buffett là Chủ tịch Hội đồng Quản trị và là Tổng Giám ốc của Berkshire Hathaway, Inc., một công ty được Hiệp Hội Buffett kiểm soát từ năm 1965. Ngoài ra, Buffett còn là giám đốc của Capital Cities/ABC, Inc., the CocaCola Company, Gillette Company, Salomon, Inc., và USAir Group, Inc. Ông cũng là viện sĩ của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và khoa học M . Warren Buffett tốt nghiệp đại học Nebraska và sau đó lấy bằng Cao học về kinh tế tại đại học Columbia.
“Warren [Buffett] và tôi có nhiều điểm chung nhau. Chúng tôi đều cẩm thấy may mắn khi sinh ra trong một thời kỳ mà tài năng của chúng tôi được tưởng thưởng xứng đáng. Nếu sinh vào thời khác, chắc chắn tài năng của chúng tôi không được trọng vọng như thế. Vì chúng tôi không định tiêu xài hết những gì chúng tôi tích lũy được, cho nên chúng tôi chắc chắn sẽ dùng tiền của mình làm điều ích lợi cho xã hội. Dù thế nào đi nữa, những người thừa kế của chúng tôi cũng chỉ nhận được một phần rất nhỏ trong số tài sản mà chúng tôi tích góp được vì chúng chúng tôi tin rằng để lại gia sản quá lớn cho con cái không phù hợp với lợi ích của chúng và của cả xã hội. Warren thích nói rằng anh ta sẽ để lại tài sản cho con cái mình đủ để làm bất cứ chuyện gì nhưng không đủ để không làm gì hết. Tôi đã từng nghĩ đến điều này trước khi gặp Warren và anh ta đã nói đúng điều tôi muốn nói.”
Bill Gates, 1996
Ngay trước khi Jennifer ra đời, Bill Gates cũng đã nói rõ là ông suy nghĩ về việc nuôi dạy con cái. Vì uy tín và địa vị của mình, Gates đã lường trước những khó khăn vì con mình sẽ được đối xử không giống các trẻ em khác và vấn đề an ninh luôn được quan tâm hàng đầu. Thật ra thì vấn đề an ninh không phải là điều mới mẻ gì. James Wallace kể rằng năm 1984 đã có kẻ định bắt cóc mẹ của Gates. Nhưng khi nói chuyện với David Frost, Gates nhấn mạnh đến những gì ông đã học được từ chính cha mẹ mình sẵn sàng lắng nghe ý kiến của con, biết coi trọng ý kiến của con từ lúc nhỏ. Cha mẹ của Gates khuyến khích con cái phải biết cách “chia sẻ vấn đề để nghĩ về chúng một cách thích thú đồng thời xem xét mọi khả năng giải quyết chúng chứ không phải để lo lắng.” Và Gates cũng nhấn mạnh một điểm, như sau này ông thường lập lại, là cha mẹ ông là một tấm gương sáng trong việc đọc sách báo.
“Rất nhiều lần người ta mời tôi tham gia đầu tư, đóng góp từ thiện, tặng quà hay cho vay. Có người cần vài trăm đôla, có người cần vài trăm triệu...Xài tiền như thế nào cho khôn ngoan cũng khó không kém kiếm tiền. Về sau này cho tiền một cách ý nghĩa sẽ là mối bận tâm chính trong đời tôi, nếu như tôi còn nhiều tiền để cho.”
Bill Gates, 1995
Ðã nhiều lần Bill Gates nói rằng ông sẽ không tính để lại tài sản khổng lồ cho con và thậm chí còn nói rõ rằng 10 triệu đôla cho mỗi đứa dường như đã quá nhiều. Ðối với nhiều người, con số này là lớn nhưng so với tài sản khổng lồ 35 tỉ đôla của Gates thì quả không thấm vào đâu. Gates khẳng định sẽ đem tặng hết phần tài sản còn lại. Cũng có người chỉ trích rằng Gates không hăng hái trong việc làm từ thiện. Nhưng đầu năm 1996 ông đã tặng hơn 60 triệu đôla cho một số trường đại học và đã lập một cơ sở từ thiện trị giá 200 triệu đôla do cha ông quản lý. Năm 1997 ông đã tặng một số món quà từ thiện đáng kể khác, trong đó quan trọng nhất là số tiền 400 triệu đôla cho các thư viện công cộng trong thành phố để trang bị các máy tính và phần mềm – phần nửa số tiền này lấy từ tài sản riêng của Gates và phần nửa từ Microsoft bằng các phần mềm. Gates đã nói rằng ông dự tính sẽ điều hành Microsoft trong mười năm nữa sau đó sẽ tập trung nhiều hơn vào việc cho tặng tài sản của mình. Trong khi những nhà từ thiện nổi tiếng trong quá khứ của Hoa Kỳ, như John D. Rockefeller và Andrew Carnegie, có vẻ như hướng lòng mình vào các công tác từ thiện một phần là xóa đi những lời buộc tội là họ đã bóc lột công nhân một cách tàn tệ và lừa đảo công chúng thì Gates đã nhiều lần nói về sự quan trọng trong việc chia lại tài sản cho một xã hội đã cổ vũ và đóng góp cho thành công của ông. Ðối với mọi lời buộc tội kinh doanh độc quyền từ phía các đối thủ của ông, danh tiếng của Gates không hề bị bôi nhọ như cách Rockefeller và Carnegie đã bị. Tinh thần cống hiến nhiều năm cho tổ chức từ thiện khác của mẹ ông dường như ngay từ đầu đã gieo một hạt giống nhân ái trong con người ông.
Steve Ballmer là chất kích thích về mặt xã hội, là người mà tài năng về thương trường đã cho phép Gates mặc sức bay nhảy trong trí tưởng tượng của mình.
“Anh ta thích được mọi người thách thức mình, cho dù đó là một người trẻ. Bạn sẽ biết Gates tỏ lòng kính trọng bạn khi anh ta bắt đầu lớn tiếng quát tháo.”
S. Ballmer
Nathan P. Myhrvold là chất kích thích về mặt trí tuệ, là người tâm đầu ý hợp với Gates trong việc ăn ngon, uống rượu và trao đổi ý tưởng.
“Gates không sợ những người thông minh mà chỉ sợ những kẻ ngu đần.”
P. Myhrvold
Bill Gates, trong vai trò một nhà kinh doanh, thường được xem là mối đe dọa, đối với đa số các nhà lãnh đạo trong ngành máy tính, và thỉnh thoảng cũng là nơi để những người này trút những lời nguyền rủa. Nhưng Bill Gates, trong tư cách một con người, tỏ vẻ quyết tâm lưu lại tên tuổi của mình không chỉ như một thiên tài về máy tính hoặc như người đã một thời giàu nhất thế giới hoặc thậm chí là một trong những người “tạo dáng, nặn hình” quan trọng nhất trong kỷ nguyên mới của ngành thông tin điển tử mà ông còn muốn lưu tên tuổi của mình như là một người đã góp phần làm cho thế giới trở thành nơi tốt đẹp hơn. Chỉ có các thế hệ tương lai mới có thể đưa ra lời xét đoán chính xác rằng Bill Gates đã làm cho thế giới này thay đổi theo hướng tốt hơn hay xấu hơn, nhưng với riêng ông, ông nhận thức rất rõ là di sản của ông sẽ được phán xét dựa trên cơ sở toàn bộ quá trình nỗ lực không ngưng nghỉ của mình. Bill Gates khâm phục những người có wide bandwidth* (tạm dịch: “bậc đại trí”) và có vẻ như ông quyết tâm sống như thế nào để có thể chứng minh rằng mình cũng là một người có phẩm chất như thế.
* Phạm vi nhỏ nhất của các tầng số điện tử cấu thành một dải băng và bên trong dải băng này một tín hiệu đặc biệt được truyền đi thông suốt. Nói một cách khác, bandwidth là khối lượng thông tin có thể được gởi đi trong các đường truyền liên lạc: băng thông.