“Ðó là một cỗ máy tuyệt vời. Nó cho phép ta viết các phần mềm hết sức dễ sử dụng...Không cách chi nhóm này có thể làm được máy này nếu không có Jobs.”
Bill Gates, trong thư gửi Steve Levy của báo Newsweek nhân dịp công bố máy Macintosh và nhận xét về vai trò của Jobs, 1983
“Chúng tôi chưa bao giờ đe dọa ngưng không viết phần mềm Macintosh. Tôi thậm chí cũng không thể hiểu điều đe dọa đó mang ý nghĩa gì nữa. Ðó là điều kỳ quái nhất trên đời. Macintosh là nguồn lợi lớn của chúng tôi. Ðó là một công việc kinh doanh có lợi.”
Bill Gates, trả lời phỏng vấn của báo Time, phủ nhận một tin đồn từ Apple, 1995
Mặc dù tầm quan trọng của Bill Gates và công ty Microsoft đối với ngành công nghiệp điện toán được mọi người dễ dàng nhận thấy thông qua mối quan hệ giữa Gates với những người cộng tác như Andy Grove cũng như với những kẻ chuyên dèm pha như Scott McNealy, thế nhưng quyền lực chi phối lạ thường mà Gates và Microsoft có được lại thể hiện rõ nhất trong mối quan hệ phức tạp giữa Microsoft và Apple. Hai công ty này đã có những quan hệ làm ăn với nhau trong nhiều lĩnh vực kể từ những năm 1980, lúc mà cả hai đều vừa thoát khỏi cảnh chim non mới ra ràng và đang cố hết sức định hình tương lai cho nền công nghiệp điện toán. Tuy nhiên dù có quan hệ làm ăn với nhau, nhưng hai công ty này cũng cạnh tranh với nhau dữ dội về nhiều mặt. Sự thăng trầm trong mối quan hệ giữa Microsoft và Apple sẽ tiết lộ cho chúng ta biết mức độ phụ thuộc lẫn nhau xuất hiện giữa các đối thủ trong ngành công nghiệp điện toán. Ðiều này tạo ra một mạng nhện đan xen phức tạp giữa lòng trung thành và sự chống đối giữa các phía mà nhiều chuyên gia cho rằng chưa từng xảy ra trong bất cứ lĩnh vực công nghiệp hay kỹ thuật nào từ trước đến nay.
Năm 1977, khi Steve Jobs và Stephen Wozniak công bố loại máy tính cá nhân có tên Apple I thì Bill Gates và Paul Allen vẫn còn phải làm việc tại một thương xá xa xôi ở Albuquerque, bang New Mexico. Khoảng năm 1980, sự thành công của thế hệ máy tính Apple II đủ lớn để khiến hãng IBM phải thay đổi thái độ của mình về tương lai của máy tính cá nhân; và IBM đã liên hệ với Microsoft để nhờ công ty này viết một hệ điều hành cho loại máy tính cá nhân mà mình đang nghiên cứu. Nhưng vào thời điểm đó, ngoại trừ những người thuộc ngành công nghiệp điện toán còn thì chẳng mấy ai biết Bill Gates là ai cả. Chỉ có Steve Jobs và Apple mới là những tên tuổi xứng đáng để các bài báo đề cặp đến mà thôi! Apple trở thành một công ty cổ phần với giá đề nghị ban đầu là 22 đôla mỗi phần. Thế nhưng chỉ chín tháng sau, 9/1981, IBM bắt đầu tung ra sản phẩm PC của mình, và sản phẩm mới này của họ nhanh chóng trở thành vật cản đối với sức mua đang tỏa sáng của Apple II. Dù hãng Apple đã nâng cấp và cho ra thế hệ máy Apple Iie vào năm 1983 nhưng vẫn không ngăn được dòng thác PC của IBM và các máy nhái theo nó.
Công ty Apple
Apple Computer, Inc., nhà sản xuất máy điện toán cá nhân quan trọng trên thế giới, có trụ sở chính ở Cupertino, California. Apple nổi tiếng là một công ty thiết kế, sản xuất và bán các máy điện toán cá nhân dùng trong doanh nghiệp, giáo dục, các cơ quan chính phủ và dùng tại nhà. Các sản phẩm của công ty bao gồm máy điện toán cá nhân, máy in, màn hình, máy quét, phần mềm và các sản phẩm mạng máy tính, đã được bán ra hơn 120 quốc gia.
Thành lập
Apple do Steve Jobs và Stephen Wozniak thành lập 1976 với mục đích bán máy Apple I, một bo mạch điện tử máy tính mà họ đã thiết kế và chế tạo tại nhà để xa của Jobs ở Los Altos, California. Họ loại bỏ kế hoạch chỉ bán riêng bo mạch này khi một đơn đặt hàng gởi đến Jobs yêu cầu 50 chiếc Apple I. Tuy nhiên, những chiếc máy này đã được bán mà không có màn hình, bàn phím hoặc vỏ thùng. Công ty chính thức trở thành công ty cổ phần vào tháng 1/1977, với Jobs đầy nhiệt thành, Wozniak nhà phát minh hay tư lự, và một đối tác mới đồng thời là chủ tịch, Mike Warkkula. Warkkula mang đến công ty sự tin cậy, chín chắn đồng thời cả kinh nghiệm quản lý sản phẩm và k thuật, cùng một kiến thức kinh doanh sâu rộng. Ngoài ra Warkkula còn đầu tư vào đó tiền và các mối quan hệ của mình với các nhà tư bản thích chuyện phiêu lưu ở Silicon Valley. Warkkula còn tuyển mộ thêm các thành viên điều hành không thuộc Apple và lôi kéo các nhà quản lý từ các công ty k thuật cao có uy tín khác như Hewlett-Packard, Intel, và National Semiconductor.
Apple I nguyên là một bo mạch điện tử, không bàn phím, vỏ thùng, âm thanh và hình ảnh, ra đời tháng 3/1976, giá 666,66 USD
Apple II và Macintosh
Năm 1977 Apple giới thiệu máy tính Apple II, một máy tính cá nhân có khả năng tạo ra ảnh màu có bàn phím riêng, có bộ nguồn cung cấp điện và 8 khe cắm dành cho các thiết bị ngoại vi, cho phép người dùng có thể gắn thêm nhiều loại thiết bị phụ trợ và các chương trình phần mềm Apple xây dựng tổng hành dinh công ty tại Cupertino vào năm 1978. Năm 1980, công ty giới thiệu Apple III nhưng con số bán ra thật thảm hại do các lỗi về phần cứng và giá cao.
Nhờ vào doanh số Apple II tăng vọt, Apple, trong năm 1982, trở thành công ty máy tính đầu tiên có mức bán k lục 1 t USD/năm. Sang năm 1983 Apple công bố Lisa, một máy tính cá nhân được thiết kế riêng cho công việc kinh doanh, có thêm một con chuột giữ trong tay để chọn lệnh và điều khiển con trỏ trên màn hình. Tiếp theo sau máy Lisa, năm 1984 máy tính Macintosh ra đời, với bộ xử lý 68000 của hãng Motorola. Cũng như Lisa, máy Macintosh cũng dùng giao diện đồ họa tạo thuận lợi cho những người mới sử dụng trong việc thao tác với máy tính. Apple tiến vào thị trường máy văn phòng khi tung ra sản phẩm máy in LaserWriter vào năm 1985 và máy tính Macintosh Plus năm 1986, hai sản phẩm này đã mở ra cuộc cách mạng “xuất bản trên bàn” (desktop publishing). Mặc dù công ty ăn nên làm ra vào đầu thập niên 1980, Wozniak rời Apple năm 1985 để lập một công ty riêng. Cùng năm này, do doanh số sụt giảm trầm trọng và do nội bộ bất hòa, công ty buộc phải cấu trúc lại. Nhiều người phải nghỉ việc và Jobs cũng chia tay với Apple. John Sculley, người được Jobs mời về giữ chức chủ tịch và TG vào năm 1983, thay Jobs nắm chức chủ tịch hội đồng giám đốc công ty.
Mở rộng và thay đổi
Cuối thập niên 1980 và đầu những năm 1990 là giai đoạn phát triển và thay đổi xảy ra trong Apple. Cuối thập niên 1980, lãi ròng của Apple tăng đáng kể, và năm 1990 Apple giới thiệu một thế hệ máy Macintosh mới, với giá chỉ bằng phân nửa so với các đời máy trước để hấp dẫn những khách hàng mới đối với máy Macintosh. Ngoài việc phát triển một hệ máy Macintosh mới, Apple còn mở rộng phần mềm hệ thống của nó, System 7 được thiết kế theo dạng mô đun. Năm 1991 Apple liên minh với công ty IBM và Motorola để phát triển họ PowerPC: bộ vi xử lý dùng công nghệ RISC (giảm thiểu bộ lệnh tính toán). Năm 1992 Apple tung ra sản phẩm máy tính xách tay thuộc họ Macintosh PowerBook với khả năng nối mạng được gắn sẵn bên trong. Cũng năm đó công ty giới thiệu phần mềm Quicktime, cho phép máy tính chiếu các đoạn video trong các trình ứng dụng có dùng multimedia.
Năm 1993 Michael Spindler thay John Sculley làm TG Apple và cũng là năm công ty giới thiệu thiết bị truyền thông cầm tay có tên là Newton với nhiều chức năng bao gồm khả năng dịch các văn bản viết tay thành các văn bản đánh máy. Công ty cũng loan báo các kế hoạch tái cấu trúc trong đó là giảm bớt nhân sự, không tăng lương, và có sự thay đổi ở cấp điều hành. Năm 1993 Apple ngưng sản xuất máy tính Apple II.
Những phát triển gần đây
Năm 1994 Apple tung ra Power Macintosh, thế hệ máy tính có năng suất cao, là máy tính đầu tiên sử dụng bộ vi xử lý PowerPC của motorola. Công ty cũng lần đầu tiên cho phép các nhà sản xuất máy điện toán khác khai thác hệ điều hành Mac OS của mình. Sau một năm phát triển mạnh mẽ, vận may lại ngoảnh mặt với Apple vào năm 1995. Một chuỗi những rắc rối, trong đó có sự thiếu hụt trầm trọng một số máy tính, đã dẫn đến việc kinh doanh trì trệ và thua lỗ về tài chính.
Năm 1996 Gilbert F. Amelio, người được tin rằng đã cứu công ty National Semiconductor khỏi sự phá sản, thay Spindler làm TG công ty Apple, Apple từ bỏ kế hoạch nâng cấp qui mô hệ điều hành. ến cuối năm, công ty bỏ ra hơn 400 triệu USD để mua lại NeXT Software, một công ty do người đồng sáng lập Apple, Steve Jobs, làm chủ, và thông báo kế hoạch phát hành một hệ điều hành mới dựa một phần mềm trên công nghệ của NeXT. Jobs trở về Apple với vai trò cố vấn. Bất chấp con số lỗ 816 triệu USD trong năm 1996, Apple từ chối một số lời đề nghị yêu cầu sáp nhập.
Năm 1997 doanh thu của Apple cũng vẫn không tăng lên được do bị cạnh tranh với các nhà sản xuất máy nhái Macintosh cũng như với hệ điều hành Windows của Microsoft. Năm này, Apple cho nghỉ việc 4.100 công nhân, khoảng 30% lực lượng lao động của công ty, một phần trong kế hoạch tái tổ chức nhằm đưa công ty thoát khỏi tình trạng lỗ lã. Cũng trong năm 1997, ban giám đốc Apple quyết định sa thải TG Amelio. Chỉ đến khi thế hệ máy iMac ra đời, Apple mới lấy lại được uy tín của một công ty máy tính hàng đầu và hưởng hương vị thành công.
Thất bại này một phần là do hãng Apple phát triển cả phần cứng lẫn phần mềm cho máy của mình. Chính hãng IBM sau khi Microsoft cắt đứt quan hệ vì những bất đồng trong việc nghiên cứu hệ điều hành OS/2 cũng khám phá ra rằng nếu một công ty đơn lẻ mà vừa sản xuất cả phần cứng lẫn phần mềm, đặc biệt trong thế giới PC thay đổi đến chóng mặt này, thì mỗi khi có bất đồng về chiến lược phát triển tức khắc lực lượng chuyên sản xuất phần cứng trong công ty có xu hướng nắm thế thượng phong. Vì vậy khi quyết định rằng con đường để đối phó với làn sóng IBM không thể đơn thuần là việc cho ra đời một loại máy vi tính mới mà phải tung ra được một hệ điều hành hoàn toàn mới, Jobs đã tìm gặp Bill Gates để tìm sự góp sức trong việc phát triển phần mềm này. Cái mà cả hai đã cùng nhau sản xuất ra được xứng đáng là một bước đi có tính chất cách mạng. Steve Levy đã viết trong tờ Newsweek vào tháng 8/1997 về sự kiện này như sau: “Thuốc giải cho Apple lúc đó chính là loại máy Macintosh. Mặc dù bây giờ ít người còn nhớ đến nó, thế nhưng phải hiểu rằng lúc đó máy Macintosh (thường gọi tắt là máy Mac) là một bước đột phá rất lớn so với các thế hệ máy tính cá nhân trước đó. Lúc đó một vài người đã cho rằng việc sử dụng chế độ đồ họa ngay trên màn hình của máy này làm nó trông giống một thứ đồ chơi hơn là một công cụ dùng trong thương mại; những người khác thề thốt rằng họ sẽ chẳng bao giờ sử dụng cái thứ thiết bị kỳ cục được gọi là con chuột đó.” Vậy mà mỉa mai thay, đó lại là tương lai của PC. Jobs hoàn toàn tin tưởng như thế; còn Gates, vào thời điểm đó đã tập trung số lập trình viên của Microsoft nghiên cứu phần mềm cho máy Mac đông hơn cả số nhân viên của Apple, cũng nhất trí với Jobs. Thật ra lúc đó Gates đã ý thức rõ tầm quan trọng của giao diện đồ họa đến mức đã hướng công ty của mình đi theo con đường phát triển một hệ điều hành tương tự có thể chạy trên những máy PC của IBM và của những công ty được IBM cho phép sản xuất máy nhái. Hệ điều hành đó về sau có tên có tên là Windows.
Bằng cách này Gates đã đặt Microsoft vào vị trí vừa là nhà cung cấp chủ yếu các phần mềm cho máy Macintosh của Apple, vừa là nhà cung cấp chủ yếu các phần mềm cho các đối thủ sản xuất phần cứng của Apple. Như Michael A.Cusumano và Richard W. Selby đã viết rõ ở phần phụ lục trong quyển sách của họ, Những Bí Mật về Microsoft, thì giữa phần mềm Windows và phần mềm viết cho Macintosh có rất nhiều điểm trùng lắp. Thí dụ, hai trình ứng dụng “chủ soái” của Microsoft, trình xử lý bảng tính Excel và trình xử lý văn bản Word, mỗi năm góp vào doanh thu của Microsoft 2 tỷ đôla, có mã lệnh giống nhau “từ 80 đến 85 phần trăm” so với các phần mềm viết cho Macintosh. Quyển sách của Cusumano và Selby không những biểu lộ cảm tình với Microsoft (dù các tựa đề có vẻ ác ý) mà nó còn được viết ra trong sự “gia ân” của Microsoft – các tác giả muốn mình là những người đầu tiên tìm hiểu về nhân sự của Microsoft. Chính Gates khi trả lời câu hỏi của tác giả, “Tại sao ông cho phép chúng tôi viết quyển sách này?” đã cho biết: “Sẽ thật hữu ích đối với các khách hàng của chúng tôi, vốn là các công ty kinh doanh, để họ biết nhiều hơn về sự phát triển mà họ đã có nhiều công lao đóng góp. Xét về tổng thể, các công ty đó có nhiều nhà nghiên cứu phát triển hơn ngành công nghiệp phần mềm thương mại đang có. Và vì vậy chúng tôi muốn nhắc nhở họ rằng chúng tôi có một số ý tưởng hay và mang ra chia sẻ với họ. Có thể nhờ vậy họ sẽ mua nhiều máy tính hơn.”
Ðằng sau những lời lẽ đó ẩn chứa điều mà Gates tin tưởng là hoàn toàn không có gì sai trái khi các sản phẩm của Microsoft viết cho hai hệ máy Macintosh và Windows lại cùng chia sẻ đến hơn hai phần ba mã lệnh. Dĩ nhiên Apple đã đồng ý để Microsoft sử dụng những mã lệnh viết cho Macintosh vào việc tạo ra phần mềm của riêng nó cho những nhà sản xuất máy tính tính cá nhân khác. Suy cho cùng thì chính IBM cũng đã từng làm điều tương tự. Và một con người luôn biết nhìn xa như Gates lẽ nào lại có thể chấp nhận hợp tác với ai đó nếu họ không theo những điều kiện như vậy? Ðiều đáng lưu ý là Apple lúc ấy đã là một công ty cổ phần rồi, cổ phiếu của nó bắt đầu xuất hiện trên thị trường chứng khoán vào tháng 12 năm 1980 trước cả lúc Microsoft tồn tại về mặt pháp lý vào năm 1981. Ngoài ra, mãi đến năm 1985 Microsoft mới bước vào thị trường chứng khoán New York. Phải đợi đến khi cổ phiếu của Microsoft trở thành món khoái khẩu tại Wall Street, vượt qua Apple, thì lúc ấy Apple mới lật đật đệ đơn khiếu nại về việc trùng lập giữa hai phần mềm Windows và Macintosh.
Cùng lúc đó, Steve Jobs biết là mình không thuộc về Apple nữa. Uy tín, lòng nhiệt thành và các khả năng ngoại giao của Jobs đã đưa Apple đến thành công, nhưng Jobs không phải là chuyên gia tài chính nên tháng 4 năm 1983 Jobs thuyết phục chủ tịch hãng Pepsi-Cola là John Sculley sang nắm trọng trách điều hành Apple. Nhưng dần về sau, quan hệ của họ lại trở nên sóng gió và rồi khi Apple công bố con số lỗ đầu tiên vào tháng 9 năm 1985, Jobs tìm cách buộc Hội Ðồng Quản Trị sa thải Sculley nhưng không ai nghe ông. Không còn gì để lưu luyến nữa, Jobs rời khỏi công ty do chính mình đã hình thành nên.
Jobs và Gates rất hiểu nhau, bất chấp một số khác biệt. Sculley thì coi Gates như kẻ thù, cho dù Apple vẫn phải lệ thuộc vào những phần mềm của Microsoft. Năm 1988, Apple đệ đơn kiện Microsoft về tội vi phạm bản quyền, viện lý do rằng phiên bản Windows 2.03 có sử dụng những đoạn mã thuộc quyền sở hữu của Apple. Mặc dù Bill Gates vẫn thường nhận xét một cách chua chát rằng lúc nào cũng có đơn nộp sẵn để chờ kiện Microsoft nhưng với sự thách thức mới của Apple mà số tiền đòi bồi thường lên đến 5 tỉ đôla thì xem ra đây không phải là một vụ kiện có thể xem thường được.
“Microsoft giao phó vận mệnh của mình vào giao diện đồ họa...Phải mất nhiều thời gian hơn tôi dự tính để mọi người chấp nhận giao diện đồ họa, nhưng rõ ràng ngày nay nó trở thành một phương cách chi phối việc sử dụng máy tính. Nếu căn cứ vào doanh số bán ra của các trình ứng dụng chạy trên DOS và các trình ứng dụng chạy trên Windows để so sánh thì ta sẽ thấy rằng trong hai năm rưỡi vừa qua các trình ứng dụng dựa trên cơ sở ký tự (DOS) đã giảm từ 80% thị trường xuống còn không đầy 20%.
Bill Gates, trong bài phát biểu tại Hội nghị về Máy Tính ở Boston, 10/1993
“Khi nói về Macintosh bạn hãy nhớ rằng Microsoft kiếm được nhiều tiền từ máy Macintosh hơn từ máy PC. Số người dùng Word và Excel trên máy Macintosh nhiều hơn số người dùng trên Windows.”
Bill Gates, 1/1993
Vụ kiện này liên quan đến cả mã lệnh lẫn việc sử dụng chuột để bấm vào một giao diện đồ họa người dùng (graphical user interface – GUI). Theo lời của Cusumano và Selby, trong quá trình phát triển GUI của Macintosh ngay từ lúc khởi điểm thì những nhà lập trình của Microsoft “trở nên quá quen thuộc với giao diện người dùng của Mac và những hoạt động bên trong”. Hợp đồng của Apple và Microsoft chỉ dành cho Apple một tấm chắn bảo vệ mong manh chống lại việc Microsoft phát triển GUI của riêng mình, bằng cách chỉ không cho Microsoft làm điều đó trong khoảng một năm sau chuyến hàng đầu tiên của Macintosh xuất xưởng. Sau thời điểm đó, Macintosh cũng được cho là không bị ràng buộc để tự phát triển các phần mềm cho riêng mình. Nhưng Apple tin rằng Windows 2.03 đã mô phỏng gần như không khác gì điều gọi là “dáng vẻ và cảm xúc” của giao diện Macintosh.
Steven Jobs, sinh năm 1955, là một chuyên viên điều hành máy điện toán người M . Jobs theo học trung học ở Los Altos, California, và tham dự các giờ diễn thuyết tại Hewlett-Packard ở Palo Alto sau giờ học ở trường. Tại đây, anh tạo được sự chú ý với vị chủ tịch của công ty và ông này đã nhận anh vào làm việc ở công ty HP trong thời gian nghỉ hè.
Trong công ty, Jobs làm việc chung với Stephen Wozniak, một nhà phát minh điện tử. Năm 1972 sau khi học xong trung học, Jobs theo học ở trường Reed College nhưng chỉ sau một học kỳ anh bỏ học để trở thành nhà thiết kế trò chơi video cho hãng Atari (1974). ược vài tháng, Jobs bỏ việc và thực hiện chuyến chu du sang tận n ộ để tìm kiếm sự “giác ngộ tâm linh”. Lúc quay trở lại California, Jobs mới khám phá ra Wozniak, lúc ấy vẫn còn đang làm việc cho Hewlett-Packard, đang chơi thân với một nhóm thanh niên say mê điện tử trong một câu lạc bộ máy tính. Bị không khí kinh doanh cuốn hút, Jobs thuyết phục Wozniak hợp tác với mình. Kết quả là cả hai cùng thiết kế và chế tạo ra mẫu của máy tính Apple I – một bo mạch điện toán lắp ráp sẵn, trong nhà để xe của cha mẹ Jobs. Sau khi “trình làng” tại câu lạc bộ máy tính Homebrew, Apple I đã trở thành một “vật thần kỳ” trong mắt mọi người. Tiếp đó, một nhà bán lẻ thiết bị điện tử trong vùng đặt đơn hàng đầu tiên gồm 25 chiếc máy Apple I. Thế là Wozniak bỏ công việc đang làm và trở thành phó chủ tịch chịu trách nhiệm nghiên cứu và phát triển cho dự án phiêu lưu này. Ngày 1/4/1976, công ty Apple Computer ra đời. Apple I được chào bán với giá 666,66 USD và bán được 600 chiếc, chủ yếu là cho những người thích tiêu khiển và những tay say mê đồ điện tử. Apple II ra đời không lâu sau đó, vẫn giữ nét đơn giản và gọn gàng của Apple I, nhưng phù hợp hơn với những người sử dụng phổ thông. Apple Computer trở thành công ty cổ phần năm 1980 công ty bán rộng rãi cổ phiếu ra thị trường. Các phiên bản kế tiếp của máy Apple kém thành công hơn. Tháng 1/1983 Jobs thông báo một thế hệ máy Apple mới sẽ được công bố, nhưng công ty cũng giới thiệu loại máy có tên Lisa, một máy tính cá nhân chủ yếu được thiết kế để dùng trong thương mại, sử dụng “con chuột” trong tay để chọn lệnh và điều khiển con trỏ trên màn hình. Theo sau máy Lisa là loại máy tính cá nhân có tên Macintosh, được nhắm vào giới sử dụng phổ thông nên có đặc tính là dễ dàng và thuận lợi trong việc truy cập thông tin và sức mạnh tính toán.
Vụ kiện này được tranh cãi trong bốn năm, đủ thời gian để Microsoft cho ra đời Windows 3.0 (tháng 5/1990) và Apple xuất xưởng máy tính xách tay PowerBook, đều là những thắng lợi lớn cho cả hai công ty. Sau cùng vào tháng 4 năm 1992, Microsoft đã thoát khỏi được vụ kiện của Apple, một phần nhờ họ lập luận rằng công nghệ giao diện đồ họa thực ra không thuộc về Apple mà đã được một nhóm nghiên cứu thuộc về công ty Xerox phát minh ra ở Trung Tâm Nghiên Cứu Palo Alto (Palo Alto Research Center – PARC). Tuy nhiên, nhóm PARC đã không nghĩ ra được cách nào để thương mại hóa công nghệ này. Trong việc bác bỏ vụ kiện Apple chống Microsoft, chánh liên bang Vaughn Walker đã phán quyết rằng Microsoft đã được cấp phép sử dụng một phần công nghệ này và những điểm tương đồng khác không thể bị coi là vi phạm bản quyền. Theo lời James Wallace trong quyển Overdrive (“Nỗ Lực Vượt Bậc”) thì “ông chánh án nói rằng một phán quyết nghiêng về phía Apple có nghĩa là “ban phát quá nhiều sự bảo hộ và mang lại quá ít sự cạnh tranh.” iều này không những đã minh oan cho Microsoft, mà còn có ý nghĩa rất lớn trong ngành công nghiệp này, xóa tan mọi hồ nghi về quyền của những người viết phần mềm trong việc mô phỏng các khía cạnh thuộc các hệ thống khác.” Chiến thắng về mặt pháp lý này lúc đó đã làm Microsoft tốn 9 triệu đôla tiền thuê luật sư.
Quan hệ của Microsoft và Apple đã có lúc căng thẳng hơn vậy nữa nhưng thể hệ dưới một hình thức khác. Ngược dòng thời gian trở lại năm 1987, Microsoft lúc đó đã gây thù chuốc oán với nhiều người sử dụng Macintosh khi đưa ra phiên bản Word 3.0 dành cho máy Macintosh đầy những lỗi. Không những chương trình này chứa khoảng 700 lỗi mà trong đó còn có những lỗi hết sức nghiêm trọng đến mức làm hỏng toàn bộ chương trình. Mặc dù Microsoft đã tốn một triệu đôla để cung cấp ngay một phiên bản nâng cấp chỉ hai tháng sau đó, nhưng trong giới dùng máy Macintosh đã nảy sinh ý nghĩ cho rằng Bill Gates chỉ coi họ là những công dân hạng hai. Ấn tượng đó lại càng nặng nề hơn khi phiên bản Word 6.0, phát hành năm 1993, chạy rất chậm và cồng kềnh. Một lần nữa, một phiên bản nâng cấp, lại phải xuất xưởng ngay. Nhưng lần này chỉ đơn giản là một phiên bản được cắt xén bớt cho đỡ cồng kềnh. Chính những sự kiện như thế đã dẫn đến việc hình thành trên Internet những trang Web đầy hiểm độc ông kích Gates và công ty Microsoft giữa thập niên 1990. Những trang Web này thường được những người trung thành với Macintosh viếng thăm.
Những định kiến công kích Microsoft từ phía người dùng máy Macintosh lại có dịp bùng lên vào giữa thập niên 1990 khi Microsoft bành trướng phạm vi ảnh hưởng của nó trong thế giới điện toán bằng phiên bản Windows 95, trong khi Apple đang ngày càng gặp nhiều khó khăn. Năm 1993, Apple cho ra đời một sản phẩm mới, máy tính cầm tay Newton. Sản phẩm này bị người dùng chê bai và là một thất bại thảm hại trong kinh doanh. Sau thảm họa này John Sculley bị cách chức và Michael Spindler được mời về làm Tổng Giám Ðốc Ðiều Hành. Là người Ðức, Michael Spindler có biệt danh là “Ðộng cơ Diesel”, nhưng tờ Newsweek nhận xét rằng “triều đại của ông ta giống như một chuyến xe lửa bị trật đường ray.” Trong số những rắc rối xảy đến dưới thời của ông là việc thiếu hụt các thiết bị cho máy Power Macintosh đời mới năm 1994, làm công ty phải hoàn trả khách hàng một tỉ đôla tiền đặt hàng.
Một bước đi tích cực trong nhiệm kỳ làm Tổng Giám Ðốc của Spindler là việc cấp giấy phép cho các công ty khác sản xuất máy nhát Macintosh. Biện pháp này đã luôn được nhiều nhà phân tích công nghiệp khuyến cáo liên tiếp trong nhiều năm. Ngay cả Gates, vào năm 1995 cũng đã chính thức lên tiếng về điều này và hứa sẽ hỗ trợ bước đi như thế. Kinh nghiệm đã cho thấy khi IBM cho phép các công ty khác sản xuất máy nhái ngay từ đầu, họ đã hưởng được món lợi lớn; nhưng đối với Apple, công ty này kịch liệt chống lại việc từ bỏ điều mà họ coi là bản ngã độc đáo của mình. Thời điểm năm 1994, khi biện pháp này cuối cùng được chấp nhận, theo nhiều nhà quan sát đánh giá là quá muộn màng.
Apple ngày càng lỗ nặng khi Gil Amelio, nổi tiếng là người có tài “xoay chuyển tình thế”, được mời về thay Spindler vào tháng 2 năm 1996. Trong sự bức xúc, một hội đồng gồm các giám đốc muốn tìm người mua lại công ty Apple, nhưng những công ty như IBM, AT&T hay SUN đều ngần ngừ, không ai dám trả lời dứt khoát về lời đề nghị này. Giữa lúc như vậy, Apple dự định tung ra một hệ điều hành mới, mang tính cách mạng triệt để nhưng việc phát triển phần mềm này gặp rất nhiều khó khăn. Ðể có thể bắt tay ngay vào việc, Amelio quyết định mua lại NeXT, một công ty do Steve Jobs thành lập khi rời khỏi Apple, với mục đích có thể hợp nhất công nghệ của NeXT với công nghệ của Apple. Jobs lúc này đang dành gần hết sự quan tâm của mình vào một công ty khác cũng do ông ta sáng lập. Ðó là công ty sản xuất phim hoạt hình trên máy tính, Pixar, vừa mới thành công vang dội bằng qui trình thực hiện mới của nó trong bộ phim Toy Story, do đó ông đồng ý bán NeXT với giá 430 triệu đôla.
Việc Apple mua lại NeXT diễn ra vào tháng 12 năm 1996 nhưng sau đó hội đồng này thấy rằng Amelio cũng không phải là người thích hợp để điều hành Apple và ông ta ra đi vào tháng 7 năm 1997. Trong khi chờ tìm một Tổng Giám Ðốc mới, hội đồng này quay sang nhờ Steve Jobs tạm thời quản lý Apple một cách không chính thức. Jobs kiên quyết không muốn trở lại lãnh đạo một công ty mà ông ta đã thành lập và rối phải rời bỏ nhưng ông vẫn tham gia tích cực vào việc hoạch định một chiến lược mới. Mặc dù công ty đang gặp nhiều khó khăn về tài chính và các chiến lược phát triển nhưng Apple vẫn còn nhiều lợi thế. Máy tính Macintosh do dễ sử dụng vẫn được ưa chuộng trong ngành giáo dục, không chỉ đối với sinh viên mà còn cả với những nhà giáo dục. Trong quý 1 năm 1997, theo số liệu thống kê của Dataquest, thị phần của Apple trong ngành giáo dục là 29,6%, gấp 3 lần đối thủ cạnh tranh kế tiếp là Dell (9,6%), và hơn một vài công ty khác. Phần mềm đồ họa của Apple vẫn được những người làm nghề thiết kế đồ họa ưa chuộng. Theo số liệu của PC Data, thị phần của Apple đối với phần mềm thuyết trình là 51,6% phần mềm vẽ và tô màu là 43,9%. Thị phần toàn bộ của Apple đối với các phần mềm chế bản văn phòng thậm chí còn cao hơn, đến 62,4%.
“Chính nhờ số lượng lớn mà bạn có thể hạ giá thành một sản phẩm phần mềm...Thực ra tôi không nên nói điều này, nhưng bằng cách này hay cách khác, trong một chủng loại sản phẩm riêng biệt, thì điều đó lại dẫn đến một sự độc quyền tự nhiên: nơi mà người nào có thể cung cấp tài liệu hướng dẫn thích hợp, huấn luyện thích hợp, và quảng cáo thích hợp, và nhờ vào sức mạnh của sự trung thành từ phía người người dùng, tiếng tăm của sản phẩm, doanh số bán ra và đà phát triển, cộng với giá cả hợp lý, ắt sẽ tạo được một vị thế vững chắc cho sản phẩm đó.”
Bill Gates, phản bác về vấn đề độc quyền, 1981
“Phần mềm thành công nhất của chúng tôi là dành cho máy tính Macintosh. Thị phần của chúng tôi trên máy Macintosh cao hơn bất kỳ nới nào khác. Công ty Apple hỗ trợ chúng tôi như thế nào ư? Ái chà, họ kiện chúng tôi ra tòa. Mong rằng trong tương lai, các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi sẽ quyết định trở thành những công ty có năng lực hơn.”
Bill Gates, 6/1993
Nhưng ngay cả trong các thị trường này cũng đã tiềm ẩn những nguy cơ. Theo một bài báo của tờ New York Times, ở trường Ðại Học Yale, 75% số sinh viên ra trường năm 1997 dùng máy Macintosh, nhưng chỉ có 25% số dinh viên khóa 1996-2000 dùng Macintosh. Hơn nữa, vào tháng 6 năm 1997 trong lá thư gửi các sinh viên mới nhập học, nhà trường đã khuyên họ nên mua máy tính có trang bị bộ vi xử lý của Intel và hệ điều hành Windows. Là thư tuyên bố thẳng thừng, “Nhà trường không thể bảo đảm việc hỗ trợ cho các máy Macintosh sau tháng 6 năm 2000.” Lá thư này trở thành một vụ bê bối nhỏ khi sau đó người ta phát hiện rằng Yale đã đề nghị Intel tài trợ khoảng vài triệu đôla cho một dự án nghiên cứu. Yale nói rằng không có sự liên kết nào giữa hai sự kiện này, nhưng cho dù rằng không có sự liên hệ nào giữa hai sự kiện này, nhưng cho dù có như thế thì những phát biểu phủi tay đối với Macintosh cũng đã làm dấy lên một làn sóng phản đối. Nhưng dầu không tính đến tình huống cụ thể này thì sự sút giảm về số người dùng Macintosh là một dấu hiệu rất xấu cho Apple.
Khi Steve Jobs trở lại Apple với tư cách là “một cố vấn” toàn quyền, ông ta phát hiện ra rằng Apple đang chuẩn bị một vụ kiện khác cũng lại về tội vị phạm bản quyền của Microsoft, lần này có liên quan đến Windows 95. Cả hai đều không muốn lôi nhau ra pháp đình đấu đá như đã xảy ra từ năm 1988 đến năm 1992 vừa qua, thế nhưng để bãi bỏ vụ kiện Amelio đã đòi hỏi những điều kiện mà Gates cho là quá Jobs muốn đạt đến một thỏa thuận để có thể công bố tại cuộc triển lãm Macworld Expo tại Boston, Massachusetts, vào giữa tháng 8. Tuy nhiên kết quả của việc thương lượng được hai bên giữ kín cho nên mọi người đã hoàn toàn sửng sốt khi nghe được những gì Jobs thông báo vào thứ tư ngày 6 tháng 8.
Căn phòng nơi diễn ra thông báo được trang bị một màn hình cực lớn làm người ta thấy nôn nao khi nhớ lại màn hình dùng trong lần quảng cáo nổi tiếng năm 1984 để công bố sự ra đời máy tính Macintosh. Quang cảnh trở nên lạ lùng hơn khi trên màn hình chỉ hiện ra toàn là khuôn mặt cao ngạo của Gates từ bản doanh ở Redmond để cùng với Jobs thông báo rằng Microsoft đã đầu tư 150 triệu đôla vào Apple. Khoảng 1.600 ủng hộ viên cuồng nhiệt của máy Macintosh trong số khán thính giả có mặt không thể tin nổi điều họ nghe. Trước đó vài phút, họ đã đứng lên nhiệt liệt hoan hô khi Jobs bước lên sân khấu. Giờ đây họ la ó và huýt sáo khi hình ảnh của Gates hiện lên. Phản ứng đầu tiên của những người có mặt hôm đó cho thấy rằng họ nghĩ là Jobs đã bán mình cho quỷ dữ.
Theo lời một số người có mặt kể lại với báo chí sau đó, qua nhiều năm tháng những câu chuyện thần thoại xoay quanh Apple đã biến Bill Gates trở thành nhân vật gợi lên vừa sự sợ hãi vừa lòng căm ghét. Vậy mà giờ đây Gates lại đứng về phía họ? Nhưng đó đúng là những gì mà họ đang nhìn thấy trên màn hình. Ðám đông thù nghịch nhanh chóng nhận ra rằng, xét về thực tế, có thể thông báo này thực sự là sự cứu rỗi cho Apple. Ít nhất nó cũng mang đến cho công ty một nguồn tài chính – và quan trọng hơn, một sự tín nhiệm để kéo dài sự sống cho Apple. Thế nhưng, họ lại đang la ó phải đối ân nhân cứu sống họ. Hơn nữa, họ chợt nhận ra rằng Bill Gates có thể nghe được tiếng la hét của họ từ ở bên kia bờ Thái Bình Dương. Ðây không phải là màn hình video họ đang ngước nhìn mà là một đường dây nối mạng hai chiều. Tiếng vỗ tay hoan hô bắt đầu cất lên và đám đông dần ổn định và ngồi xuống, lắng nghe.
Cathy viết trong tờ Time, “Phải hiều rằng việc Jobs trở lại Apple cũng giống như việc thánh Luke Skywalker quay trở lại để chiến đấu chống lại cái mà, chỉ mới tuần trước, những kẻ sùng tín coi là vương quốc của qu dữ. Hình ảnh của Gates được so sánh với Darth Vader, gã tỉ phú xấu xa đã chiếm đoạt ý tưởng hệ điều hành “trỏ và bấm” thân thiện của Macintosh để đem xài cho hệ điều hành đang thống trị của mình là Windows.”
Nhưng qua ngày hôm sau cơn chấn động dần tan biến và hầu hết những người nhiệt thành với Macintosh bắt đầu tập trung vào tin mừng cho Apple. Sau khi có thông báo này, giá cổ phiếu của Apple tăng nhanh khoảng 33%, lên đến 26,31 đôla. Tuy giá trị này chỉ bằng 1/10 giá cổ phiếu của Microsoft, lẽ đương nhiên, nhưng cũng là một sự tiến bộ lớn sau thời gian dài suy thoái – bắt đầu từ khi Microsoft tung ra Windows 95 vào tháng 8/1995. Lúc đó Apple chiếm 10,3% thị phần máy tính nhưng ngày nay chỉ còn lại 3,5%. Nhiều người trước đó đã bi quan mà tiên đoán rằng công ty sẽ phá sản nhưng với sự đầu tư của Microsoft giờ đây tất cả lại có thể vững tin mà nói rằng công ty sẽ có cơ may phục hồi lại được. Các chuyên gia phần tích đều đồng ý rằng điều quan trọng không phải là tiền bạc. Suy cho cùng 150 triệu đôla, theo như cách nói của một số người, chỉ là “số tiền lẻ dư ra” của Microsoft, so với 9 tỉ đôla tiền mặt mà công ty này đang nắm trong tay. Nhưng đó là dấu hiệu cho thấy Microsoft không muốn chứng kiến cảnh Apple bị lục bại và việc Gates mua những cổ phiếu không được phép tham gia bỏ phiếu của Apple cho thấy rằng Gates không hề có ý định muốn tác động đến việc điều hành Apple.
Tuy nhiên theo lời của Steve Jobs giải thích với các phóng viên vào ngày hôm sau thì điều quan trọng không phải là khoản đầu tư 150 triệu đôla. Ðiều quan trọng là Microsoft đã trả một số tiền, không được tiết lộ, cho Apple để giải quyết rốt ráo những lời cáo buộc về việc vi phạm bản quyền. Ðiều đó không có nghĩa là Microsoft thú nhận là họ đã làm điều gì sai trái, đương nhiên – chỉ đơn giản là mối bất hòa sâu sắc đó rốt cuộc có thể làm cho cả hai bên phải bỏ ra những khoản tiền kiện tụng khổng lồ, xấu mặt xấu mày cho cả hai trước công chúng, và khóa chặt con đường hợp tác với nhau trong tương lai.
Thỏa thuận giữa Apple và Microsoft đã trở thành tin sốt dẻo trên nhật báo và được đưa lên trang bìa các tuần báo trong cả tuần sau đó. Steve Jobs bỗng dưng lại được nhiều người chú ý kể từ khi ông ta lui vào bống tối đầu những năm 1980. Giới truyền thông chú ý đến vai trò của ông ta hơn là vài trò của Gates trong vụ thương lượng này. Nhưng kể cả các tờ tuần báo cũng nhận xét rằng việc đưa Steve Jobs ra phía trước trong vụ thỏa thuận này là rất phù hợp với kế hoạch của Gates. Chủ bút tờ Newsweek của Wall Street là Allan Sloan đã đưa một bài bình luận chiếm trọn một trang mang tựa đề, “Bill đã làm những gì có lợi cho mình.” Hàng tít lớn này không làm cho ai ngạc nhiên. Nhưng dòng tít phụ của bài báo này ghi “Microsoft cần Apple để né tránh các nhân viên nhà nước phụ trách về chống độc quyền.” Theo quan điểm này, được sự hưởng ứng của nhiều nơi, việc Gates đến cứu Apple cốt chỉ để củng cố điều mà Gates thường rêu rao rằng Microsoft không phải là kẻ ác tâm của nền công nghiệp mà là một người thực bụng chỉ muốn đưa toàn bộ nền công nghiệp điện toán tiến lên. Việc kết liễu Apple hẳn sẽ chỉ làm tăng thêm làn sóng phản đối, cho rằng Gates là một kẻ độc quyền tham lam theo kiểu John D. Rockerfeller trước đây. Với Gates, việc đưa tay ra cứu Apple chức sẽ mang lại một hiệu quả ngược lại. Như đã bàn ở phần trên, chiến lược này – nếu đó là điều thật sự mà Gates hằng mong muốn – đã không có tác dụng. Chưa đầy hai tháng sau, Tổng Chưởng Lý Janet Reno thông báo rằng Bộ Tư Pháp đang xin lệnh của tòa án tối cao liên bang để ngăn chặn việc Microsoft gắn trình duyệt Internet Explerer vào Windows, một việc mà Bộ Tư Pháp coi là vi phạm thỏa thuận giữa Microsoft và chính quyền vào năm 1995.
Nhưng đến tháng 8, những nhà bình luận lại chỉ ra thêm lý do tại sao việc thỏa thuận giữa Microsoft và Apple lại có lợi cho Bill. Việc bán các phần mềm do Microsoft sản xuất dùng trên máy tính Macintosh đã mang lại cho Microsoft 150 triệu đôla tiền lời mỗi năm, thậm chí ngay khi thị trường máy Macintosh đã suy yếu đi nhiều. Vậy thì, các nhà bình luận nêu ra câu hỏi, tại sao lại không bỏ ra một số tiền để giữ món lợi này? Chỉ có kẻ ngốc mới làm khác đi. Theo Allan Sloan, cũng có ý kiến cho rằng Microsoft sau khi mua các cổ phần của Apple với giá 16,50 đôla đã thu được phần lớn số tiền đầu tư nhờ giá cổ phiếu của Apple tăng lên. Sloan ước lượng số tiền lãi trên giấy tờ của Microsoft trong hai ngày sau vụ thỏa thuận đó đã tăng lên 90 triệu đôla. Nhưng số tiền lãi này không chỉ nằm trên giấy tờ không thôi mà còn cho thấy đây chỉ là của phù du vì chúng bốc hơi rất nhanh sau đó khi giá cổ phiếu của Apple xuống vài điểm và đến giữa tháng 10 Apple đã bị loại ra khỏi nhóm 20 công ty hàng đầu.
Về lâu dài, tương lai của Apple tùy thuộc vào khả năng hợp lý hóa và đổi mới công việc kinh doanh của công ty. Steve Jobs tìm cách đưa ra một bán giám đốc mới trong mùa hè 1997, trong đó có cả kẻ thù truyền kiếp của Bill Gates là Larry Ellison ở công ty Oracle, người đã đưa tin là Gates có thể mua lại Apple vào tháng 3 năm 1997, sau đó Ellison rút lui, làm suy yếu thâm thời kỳ của Gil Amelio, John Heilemann kể với tờ New Yorker rằng việc đưa Ellison vào ban giám đốc đã làm cho Microsoft phải do dự. Greg Maffei của Microsoft đã nói với Heilemann: “Phải mất một thời gian chúng tôi mới cảm thấy yên tâm được.”
Ngoài việc tổ chức được một bán giám đốc tốt hơn, vấn đề chính còn lại là định hướng phát triển như thế nào cho các sản phẩm tương lai của Apple. Một khả năng là viết phần mềm Rhapsody, một hệ điều hành chuyên dùng cho các doanh nghiệp, bằng cách sử dụng phần mềm NeXT, do công ty riêng của Jobs phát triển. Nhưng Gates chưa từng đặt niềm tin vào NeXT cũng như tin vào khả năng thuyết phục của Apple đối với những khách hàng kinh doanh xưa nay vốn không có cảm tình với Macintosh.
Theo John Heilemann và nhiều bình luận khác cú làm ăn lần này với Apple đặc biệt hấp dẫn Gates vì nó như một lời cam kết buộc Apple phải dùng trình duyệt Internet Explorer của Microsoft cho các máy tính Macintosh trong tương lai thay vì dùng trình duyệt Internet do đối thủ của Microsoft là Netscape viết ra. Lợi thế này của Microsoft đã bị Bộ Tư Pháp chặn đứng khi họ không cho phép đưa trình duyệt Internet Explorer vào Windows. Heilemann nhận xét rằng Gates cũng muốn phát triển “phiên bản Java cho riêng mình, thích hợp với Windows.” Java, do Sun System tạo ra để chạy trên mội hệ điều hành.