Tinh thần cũng thường được xem là tương tự với “thái độ”. Trên thực tế, các tài liệu kinh doanh và hoạt động tư vấn nhằm thúc đẩy yếu tố con người đầy rẫy thông tin về điều này. Theo quy luật hấp dẫn, người ta nói rằng “ngưu tầm ngưu mã tầm mã”. Bạn càng tích cực và lạc quan thì càng có nhiều khả năng thu hút những người tích cực và năng động khác. Nhưng đối với Tôn Tử, yếu tố này là sức mạnh duy nhất có thể định hình khả năng chỉ huy trong quân sự. Chúng ta không thể thực sự hiểu Binh pháp mà không nghiên cứu yếu tố tinh thần có phần trừu tượng này.
PHONG (GIÓ), LÂM (RỪNG), HỎA (LỬA), SƠN (NÚI),ÂM (ĐÊM ĐEN), LÔI (SẤM SÉT)
Trích đoạn sau đây kết hợp các yếu tố của những tác phẩm kinh điển từ trước thời của Tôn Tử:
Kỳ tật như phong, kỳ từ như lâm, xâm lược như hỏa, bất động như sơn, nan tri như âm, động như lôi chấn.
Dịch ý: Hành động thần tốc như gió cuốn, hành động chậm rãi thì lừng khừng, đoàn kết như rừng rậm, tấn công mạnh mẽ như lửa cháy, phòng thủ vững vàng như núi đá, bí ẩn như đêm đen, và khi xung phong thì như sấm sét.
Hãy khảo sát những tính chất này và ý nghĩa của chúng với doanh nghiệp nhỏ:
Nhanh như gió. Gió vô hình vô dạng và không biết gió đến từ đâu. Chúng ta không thể bắt lấy gió, cũng như gió dễ dàng thay đổi và chuyển hướng. Gió có thể ẩn chứa sự mạnh mẽ phi thường. Tôn Tử đòi hỏi hành động giống như gió, không chỉ về mặt tốc độ, mà còn ở khả năng thích ứng và phối hợp lực lượng. Khi áp dụng vào doanh nghiệp nhỏ thì hành động của bạn không thể lường trước được. Mọi hành động cần diễn ra nhanh chóng và đủ mạnh mẽ để đạt kết quả như dự tính.
Đoàn kết như rừng rậm. Sự đoàn kết đi cùng với sự mau lẹ ám chỉ hành động chặt chẽ và phối hợp tốt. Trên thực tế, các bản dịch khác đều diễn giải là hành quân như rừng rậm hơn. Nếu cấp dưới đoàn kết và cùng tiến bước thì họ sẽ khó bị chia rẽ hơn nhiều. Rừng cây rất dày và rậm rạp. Đối thủ cạnh tranh sẽ không thể thấu nội tình hay khai thác điểm yếu, do đó thế quân có thể gây áp đảo khi xuất trận. Từng hành động của doanh nghiệp nhỏ nên có sự hợp tác và đoàn kết, trừ khi bạn đang cố gắng nhử đối phương bằng cách giả vờ có rối loạn.
Tấn công mạnh mẽ như lửa cháy. Lửa đốt cháy và phá hủy mọi thứ một cách nhanh chóng và hoàn toàn nên nó gây ra sợ hãi và hỗn loạn. Khi tấn công một cách mạnh mẽ, bạn nên hành động bằng sức mạnh không nao núng và với quyết tâm cao độ. Và một lần nữa, tốc độ là yếu tố vô cùng quan trọng.
Kiên định như núi đá. Mặc dù lập kế hoạch giỏi như thế nào đi nữa thì nhà lãnh đạo xuất chúng vẫn có thể ứng biến chiến thuật theo hoàn cảnh. Bạn phải thích ứng với điều kiện thay đổi, nhưng phải kiên định hướng đến thắng lợi giống như ngọn núi bất động sừng sững. Ở đây, tính hợp nhất trong đội ngũ của bạn là yếu tố cần thiết. Và tình trạng chia rẽ, phân hóa gây ra tác động tiêu cực, làm xói mòn ý định của bạn và khiến bạn dễ tổn thương hơn trước những đòn tấn công của đối phương.
Bí ẩn như đêm đen. Bước kế tiếp là trở nên bí ẩn trước đối thủ và doanh nghiệp phải có biện pháp bảo vệ thích đáng để đảm bảo điều đó.
Hành động như sét đánh. Bản dịch tiếng Anh của Huang đề cập đến bóng tối khó đoán như mây đen, tấn công dữ dội như sấm và sét. Sét sẽ xuyên qua mọi thứ để tiếp cận mặt đất. Cũng như lửa, sấm và sét có thể gây hỗn loạn, và sét có thể làm chết người. Cũng như gió, sấm sét xuất hiện từ hư không. Ở phạm vi gần, sấm có thể làm đinh tai nhức óc, tăng sự ồn ào và rối loạn. Tất cả những hiện tượng này nói lên mức độ chí mạng khi bạn tấn công dứt khoát, phối hợp nhịp nhàng và xác định thời cơ hoàn hảo.
Những yếu tố đó minh họa tầm quan trọng của việc tạo ra tình trạng nhiễu loạn và bất an cho đối thủ, kết hợp toàn bộ sức mạnh và năng lượng để tạo ra và tận dụng tốc độ mãnh liệt.
Đây cũng là những yếu tố quan trọng trong võ thuật. Tốc độ, động tác thận trọng và chính xác, ý định kín đáo sẽ tạo nên những đòn đánh tác động lớn hơn theo cấp số nhân. Ý tưởng giáng đòn như sấm sét gây cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất. Trong nhu thuật, chúng tôi được huấn luyện để sẵn sàng đáp trả bất cứ đòn tấn công khả dĩ nào. Dưới áp lực của trận đấu, thay vì bị phân tâm khi cố gắng phán đoán đòn tấn công thì ý tưởng là: cho dù chuyện gì xảy ra thì cũng không thành vấn đề bởi vì tôi đã sẵn sàng đối phó. Điều đó không chỉ có nghĩa là sẵn sàng trả đũa trước bất cứ đòn tấn công tàn bạo nào, mà còn chuẩn bị để đập tan cú đánh đó và khiến đối thủ nản chí, gây tổn thương hoặc hạ gục họ. Giống như sấm, cú phản đòn có thể kết hợp với tiếng hét thật mạnh mẽ xuất phát từ trung tâm cơ thể, gây ù tai cho đối phương, mà chúng tôi gọi là kiai. Và giống như sét, chúng tôi hành động như thể muốn đi xuyên qua kẻ thù có ý định làm tổn hại mình.
TƯ DUY CHIẾN THẮNG TRƯỚC KHI CHIẾN ĐẤU
Đây là một trong những khái niệm quan trọng nhất của Tôn Tử. Ý nghĩa của câu nói bao trùm cả những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như những cá nhân trên con đường sự nghiệp của mình:
Thị cố thắng binh tiên thắng nhi hậu cầu chiến, bại binh tiên chiến nhi hậu cầu thắng.
Dịch ý: Người chiến thắng bao giờ cũng tạo điều kiện thắng lợi trước khi tìm địch giao chiến, kẻ chiến bại thường mạo hiểm giao tranh trước rồi mới tìm chiến thắng bằng sự cầu may.
Câu nói này có nghĩa là nếu muốn đắc thắng, thì chúng ta phải nhìn thấy chiến thắng trước khi giao chiến. Lời chỉ dẫn này áp dụng cho việc chuẩn bị, cũng như mọi hướng dẫn của Tôn Tử nhằm huấn luyện và đặt mình vào vị thế có lợi để chiến thắng. Nhưng còn hơn thế nữa. Nếu bạn đã lên kế hoạch và chuẩn bị mọi thứ phù hợp, nhưng bạn không tin mình sẽ chiến thắng thì cơ hội thành công giảm đi đáng kể. Henry Ford có câu nói nổi tiếng: “Bạn có thể nghĩ rằng mình làm được, bạn có thể nghĩ rằng mình không làm được. Cả hai cách nghĩ của bạn đều đúng”. Tôn Tử cũng sẽ đồng tình rằng Ford nói đúng.
Võ thuật cũng tồn tại sự trớ trêu này. Tôi đã tập luyện cùng nhiều võ sinh tại nhiều võ đường khác nhau. Đối với tôi, ít nhất phải có khả năng tự vệ sau khi học võ. Vấn đề quan trọng nhất trong tất cả buổi huấn luyện tự vệ chính là: Bạn có thể tự vệ trước kẻ thù hung hãn không? Vấn đề nằm ở chỗ bạn quyết định mình có trở thành nạn nhân hay không. Trình độ võ nghệ và kinh nghiệm thực chiến của một cá nhân không quan trọng bằng tinh thần và tư duy “chiến thắng trước khi chiến đấu” của cá nhân đó. Tôi đã thấy những võ sinh đai đen mà tôi không nghĩ rằng họ có thể tự vệ trước đối thủ có kỹ năng tương đối, huống hồ là khi gặp nhiều kẻ tấn công có vũ khí. Tôi nhớ có một nữ võ sinh đã tập luyện nhiều năm từng nói với tôi rằng: “Tôi nghĩ mình không bao giờ có thể đả thương một gã đàn ông được”.
“Không bao giờ có thể đả thương một gã đàn ông…”, nếu tôi tin điều đó thì tôi sẽ không bao giờ rời khỏi nhà.
Tư tưởng của Tôn Tử ở đây là chắc chắn thắng lợi mới diễn ra trận đánh, cả trong điều kiện thực tế và tư tưởng. Chẳng hạn như, “Tôi sẽ không trở thành nạn nhân”, “Tôi sắp được thăng chức”, hay “Khách hàng này là của tôi”. Và hữu dụng hơn là sự mơ tưởng, nếu bạn chấp nhận và áp dụng tư duy chiến thắng trước khi chiến đấu, nó sẽ mãi mãi thay đổi cách kinh doanh của bạn.
DUY TRÌ NHUỆ KHÍ
Tôn Tử luôn khẳng định rằng phải giành thắng lợi càng nhanh càng tốt. Một trong những tác dụng phụ quan trọng nhất là nhuệ khí của ba quân, tướng sĩ. Và một trong những nguồn lực lớn nhất chính là nhân lực.
Phù độn binh tỏa nhuệ, khuất lực đàn hóa, tắc chư hầu thừa kỳ tệ nhi khởi, tuy hữu trí giả, bất năng thiện kỳ hậu hĩ.
Dịch ý: Khi vũ khí cùn đi, nhuệ khí suy giảm, quân đội mỏi mệt, ngân khố cạn kiệt, địch quân xuất hiện tận dụng tình hình hiểm nghèo, thì lúc đó cho dù là người tài giỏi sáng suốt đến đâu cũng không thể cứu vãn tình thế được.
Khi cạn kiệt nguồn lực, bạn trở nên yếu ớt và dễ bị tổn thương. Và hãy tìm kiếm những dấu hiệu này ở đối thủ để xác định thời cơ tấn công. Đây là cơ hội biến bất lợi của địch thành lợi thế của ta.
Lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ cần luôn ghi nhớ lời dạy của Tôn Tử để tưởng thưởng xứng đáng cho người tin tưởng, và vinh danh sức mạnh, kỹ năng của họ; đồng thời cung cấp đủ nguồn lực cần thiết để thành công. Những nhân tài sẽ không làm việc lâu dài cho các doanh nghiệp trì trệ, không nỗ lực hết sức để thể hiện khả năng của mình.
Và họ cũng sẽ không chịu đựng những doanh nghiệp nào không thể hoàn thành mục tiêu và không biết nắm bắt cơ hội. Tôn Tử đã nói như sau:
Cố binh văn chuyết tốc, vị đổ xảo chi cửu dã. Phù binh cửu nhi quốc lợi giả, vị chi hữu dã.
Dịch ý: Chỉ từng nghe dùng binh vụng về nhưng thắng nhanh, chứ chưa từng thấy chỉ huy giỏi mà lại đánh dây dưa. Dùng binh lâu ngày, dai dẳng mà có lợi cho đất nước thì xưa nay chưa từng có.
Triêu khí nhuệ, trú khí nọa, mộ khí quy.
Dịch ý: Khi bắt đầu thì nhuệ khí tăng cao, sau đó giảm dần và cuối cùng thì tiêu tán.
Bạn phải luôn giữ cao nhuệ khí của nhân viên, không chỉ khi bắt đầu (thời điểm dễ dàng nhất) mà còn tiếp tục duy trì ở giữa và xuyên suốt cuộc chiến.
TẬN DỤNG THỜI CƠ KHI NHUỆ KHÍ ĐỐI PHƯƠNG SUY GIẢM
Hãy nghiên cứu đối thủ để bạn có thể tận dụng sự dao động tinh thần của địch:
Cố thiện dụng binh giả, tị kỳ nhuệ khí, kích kỳ nọa qui, thử trị khí giả dã.
Dịch ý: Chủ tướng tài giỏi, mưu trí biết tránh giao chiến khi nhuệ khí của địch quân lên cao và biết tấn công khi sĩ khí của chúng suy giảm và tiêu tán. Đó là nghệ thuật nắm vững sĩ khí chiến đấu.
PHÁ HOẠI TINH THẦN CỦA ĐỒNG MINH ĐỐI THỦ
Không chỉ tìm cách phá hoại tinh thần và sự đoàn kết của đối thủ mà còn phải tìm cách phá nhuệ khí và sự đoàn kết trong liên minh của họ và ủng hộ mạng lưới của mình:
Phù bá vương chi binh, phạt đại quốc, tắc kỳ chúng bất đắc tụ; uy gia ư địch, tắc kỳ giao bất đắc hợp.
Dịch ý: Phàm là quân đội của bậc vương bá khi đánh nước lớn thì khiến cho quân dân của địch không kịp huy động, tập trung; uy thế lấn át đối phương khiến đồng minh của đối phương không thể phối hợp ứng cứu.
Bạn có thể tìm cách phát triển mối quan hệ độc quyền và/hoặc sinh lợi lớn hơn với các đồng minh của đối thủ cạnh tranh, hoặc biến bản thân trở thành những nguồn chủ chốt đáng tin cậy để thu thập thông tin tình báo về đối thủ. Bạn còn có thể phá hoại liên minh của đối thủ cạnh tranh bằng cách nào khác nữa?
KHAI THÁC KHE HỞ
Chuẩn bị và chọn đúng thời điểm là yếu tố vô cùng quan trọng để tạo ra và tận dụng sơ hở trong khả năng của địch thủ nhằm tung ra đòn tấn công hoặc phòng ngự. Nhưng sự quyết đoán đóng một vai trò quyết định:
Thị cố, thủy như xử nữ, địch nhân khai hộ; hậu như thoát thố, địch bất cập cự.
Dịch ý: Đầu tiên, hãy bẽn lẽn như trinh nữ cho tới khi nào địch quân để lộ sơ hở; khi đó, hãy nhanh nhạy như thỏ chạy trốn và kẻ địch sẽ không kịp chống cự.
Lúc này, bạn chỉ có thể khai thác những sơ hở của đối thủ, nhưng đối với Tôn Tử:
Địch nhân khai hạp, tất cức nhập chi.
Dịch ý: Nếu địch hé cửa thì ta phải xông vào.
CHINH PHỤC KẺ ĐÃ BẠI
Bất thắc giả, kỳ sở thố tất thắng, thắng dĩ bại giả dã.
Dịch ý: Thắng trận do không phạm sai lầm. Không phạm sai lầm là yếu tố giúp thắng lợi trở nên chắc chắn, bởi vì điều đó có nghĩa là chinh phục địch quân đã bại rồi.
Việc chế ngự đối thủ bị đánh bại có ý nghĩa gì? Thực thi nhiệm vụ một cách hoàn mỹ rõ ràng là một phần của chỉ dẫn này. Tôn Tử nói tiếp như sau:
Cố thiện chiến giả, lập ư bất bại chi địa, nhi bất thất địch chi hại dã.
Dịch ý: Kẻ thiện chiến luôn đặt mình ở vào địa thế không thể đánh bại và không bỏ lỡ cơ hội đánh bại địch.
Tôn Tử yêu cầu cảnh giác để nắm bắt từng cơ hội đánh bại địch thủ. Nhà lãnh đạo xuất chúng biết thời điểm mình ở thế thượng phong, hiểu được đối thủ đang mạnh hay yếu, và có đủ tài lực để tấn công một cách nhanh chóng và kiên quyết nhằm giành thắng lợi. Hãy làm theo chỉ dẫn của Tôn Tử và tham gia trận chiến với tỷ lệ mắc sai lầm thấp nhất.
KHIẾN ĐỐI THỦ KHÔNG THỂ CHỐNG CỰ
Đây là một nhiệm vụ khác nữa nhằm khơi lên tinh thần mạnh mẽ mà lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ cần lưu ý:
Thị cô thiện chiến giả, kỳ thế hiểm, kỳ tiết đoản.
Dịch ý: Người giỏi sẽ biết tạo ra thế hiểm và giải phóng sức lực kìm hãm nhanh nhẹn, quyết đoán.
Cân nhắc tầm quan trọng của việc đưa ra quyết định kiên định và nhanh chóng nằm trong khả năng của doanh nghiệp để “giải phóng sức lực kìm hãm”.
Tôn Tử tiếp tục luận về sức mạnh tiềm tàng:
Thế như hoắc nỗ, tiết như phát cơ.
Dịch ý: Sức mạnh giống như cung đã giương hết mức, buông dây thì dứt khoát giống như lấy nỏ phóng tên.
Đúng thời điểm và tính kiên quyết là hai yếu tố vô cùng quan trọng. Câu hỏi dành cho các nhà khởi nghiệp và quản trị viên của doanh nghiệp nhỏ là: Dây cung của bạn đã kéo căng đến mức nào? Bạn có biết thời điểm cần buông cung để phóng tên?
Không phải tất cả lãnh đạo doanh nghiệp đều là người có khả năng đưa ra quyết định sáng suốt và đáng tin cậy. Rất nhiều lần, những nhà quản lý trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm và hay thay đổi có xu hướng tự phản biện quyết định của chính mình và đổi ý. Việc này gây cản trở cho đội ngũ nhân viên. Cuối cùng thì nhân viên bị đặt vào tình trạng trì hoãn bởi vì điều đó sẽ có lợi cho bản thân họ. Tại sao họ phải nhanh chóng thực thi mệnh lệnh khi biết rằng lãnh đạo sẽ thay đổi quyết định vào hôm sau? Đó là thất bại khi không thể củng cố thắng lợi và sẽ là vô cùng dại dột, cũng như thảm họa kinh khủng nhất cho các doanh nghiệp nhỏ.
Bên cạnh yếu tố hành động chậm trễ khiến doanh nghiệp nhỏ mất đi một lợi thế quan trọng, việc đưa ra quyết định một cách lộn xộn, mơ hồ cũng làm nguội lạnh nhiệt huyết và gây bối rối giữa các cấp. Nếu đã đọc đến trang này, bạn cũng hiểu rằng những vấn đề trên đều là tác dụng phụ vô cùng nguy hiểm, đe dọa đến doanh nghiệp nhỏ nào đang gặp phải.
HỎA CÔNG CŨNG LIÊN QUAN ĐẾN SĨ KHÍ
Chương 12 trong Binh pháp bàn về hỏa công, tức là tấn công bằng lửa. Bên cạnh đó, nhiều nội dung của chương này cũng minh họa về vấn đề nhuệ khí của binh sĩ.
Hành hỏa tất hữu nhân, yên hỏa tất tố cụ.
Dịch ý: Muốn phóng hỏa phải có điều kiện nhất định, phải chuẩn bị từ trước, phải có sẵn các phương tiện và sẵn sàng vật liệu gây cháy.
Chúng ta cũng nên có sự chuẩn bị đáng kể về mặt vật chất cũng như tinh thần để tiến hành tấn công. Tôn Tử viết về việc chuẩn bị để đáp ứng năm cách triển khai tấn công khi phóng hỏa:
Hỏa phát ư nội, tắc tảo ứng chi ư ngoại.
Dịch ý: Lửa cháy trong doanh trại địch, thì phải kịp thời cho quân tiếp ứng ở bên ngoài.
Hãy chuẩn bị đột kích đối phương khi họ bối rối, chia rẽ và hỗn loạn. Chỉ dẫn của Tôn Tử hoàn toàn đúng cho dù bạn tấn công hay nắm bắt cơ hội phát sinh từ những điều kiện khác, kể cả các rủi ro của địch.
Hoặc như thị trưởng của thành phố Chicago là Rahm Emanuel từng nói: “Bạn sẽ không bao giờ muốn lãng phí cơ hội từ một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng”.
TINH THẦN SALESFORCE
Binh pháp của Tôn Tử đã mang đủ sự tự tin cần có cho giám đốc điều hành của Salesforce.com là Marc Benioff để bước vào lãnh địa mà những tập đoàn lớn hơn thống trị. Benioff đã viết trong lời tựa của The Art of War: Spirituality for Conflict như sau: “Cuối cùng thì đó là cách (chúng ta) giành lấy toàn bộ ngành công nghiệp phần mềm”. Benioff là ngôi sao trong ngành công nghệ, đồng thời là một nhà nghiên cứu nhiệt thành về Tôn Tử. Trong ví dụ của Benioff, bạn sẽ thấy vài minh họa rất phong phú về chiến thuật của Tôn Tử được áp dụng bởi chuyên gia tinh thông về vị hiền triết này. Benioff cũng rất có khiếu hài hước.
Một sự cố nổi tiếng xảy ra chẳng bao lâu sau khi Salesforce.com ra đời. Bằng động thái rất khôn khéo, công ty đã mời các diễn viên đóng vai “kẻ phản đối”, cùng với một đoàn làm chương trình truyền hình giả mạo đến hội nghị người dùng của Siebel Systems. Vào thời điểm đó, Siebel (hiện thuộc tập đoàn Oracle) là một doanh nghiệp lớn trong ngành và là đối thủ lớn nhất của Benioff. Salesforce đang giới thiệu cách thức mới mẻ và táo bạo để tung ra phần mềm Quản lý Quan hệ Khách hàng (CRM) trên nền tảng web. Những “kẻ phản đối” đứng biểu tình ở địa điểm đó, cầm những tấm bảng với dòng chữ “Internet thật tuyệt vời… Phần mềm đã hết thời!” và “KHÔNG DÙNG PHẦN MỀM NỮA”.
Sự việc rắc rối này thu hút sự quan tâm rất lớn từ công luận, buộc Siebel phải lên tiếng phản đối theo cách riêng của mình và báo cảnh sát. Benioff nói vở kịch đã khuấy động cảm xúc của đối thủ giống nội dung từ một trang trong Binh pháp.
Song tôi nghĩ ví dụ tiếp theo trong Biên niên sử của Benioff mới là minh họa ưa thích của tôi.
Tại một sự kiện khác của Siebel ở Cannes, Pháp, Benioff và công ty đã thuê tất cả taxi ở sân bay nhận chở khách từ Nice tới Cannes nhằm “đón lõng” hầu hết người tham dự và khách mời, sau đó tận dụng chuyến đi dài 45 phút ấy để giới thiệu sản phẩm cho Salesforce. Một lần nữa, Siebel lại phải gọi cảnh sát.
Microsoft cũng chú ý tới những chiến thuật du kích gây chú ý và quá đáng của Benioff để nhảy vào cuộc đua. Năm 2010, Microsoft thuê người chạy chiếc Segway (45) tại một hội nghị của Salesforce và chở theo quảng cáo về một người đàn ông, có thể đoán chừng là một người dùng của công ty, ghi rằng: “Tôi không bị ép buộc”, giống như trong chữ “salesforced” (bị ép kinh doanh) dựa theo tên của hãng đối thủ. Nếu xem cách chơi chữ của Microsoft là thông minh thì phải gọi phản ứng của Benioff là vô đối. Trong bài phát biểu then chốt của mình, Benioff đã mời người đóng vai chính trong quảng cáo lên sân khấu và cầu xin vị khách hàng giả mạo này sử dụng Salesforce. Khi diễn viên này đồng ý, khán giả đồng loạt đứng dậy và vỗ tay hoan hô.
(45) Đây là một loại phương tiện lưu thông cá nhân có hai bánh, hoạt động trên cơ chế tự cân bằng do hãng Segway sản xuất. (ND)
Trong một cuộc triển lãm nổi tiếng khác vào năm 2012, Benioff được đề cử làm diễn giả chính tại hội nghị OpenWorld của Oracle. Người đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Oracle, Larry Ellison vốn là thầy và sếp cũ của Benioff. Ellison cũng là một nhà nghiên cứu về Tôn Tử và hai công ty này đang là đối thủ của nhau. Sự kết hợp đó tạo nên sân chơi rất thú vị. Khi nghe Oracle thông báo rằng công ty này sẽ sắp xếp dời bài phát biểu của mình vào thời điểm khác trong tuần, Benioff phản đối và nói: “Chương trình kết thúc rồi”. Benioff đưa ra thông cáo báo chí và viết tweet rằng Oracle “đã hủy bài phát biểu quan trọng của ông” và ông sẽ phát biểu tại một nhà hàng ở khách sạn lân cận.
Vị CEO này của Salesforce đã tận dụng sự thay đổi địa điểm để giới thiệu sản phẩm Chatter, trong một sự kiện bất ngờ có thể tiếp cận một lượng khán giả đông đảo. Benioff đã lôi kéo sự chú ý đặc trưng bằng cách mặc nhiên công nhận rằng phần mềm theo công nghệ điện toán đám mây và không độc quyền của công ty mình là “đi ngược xu thế” và bài phát biểu bị dời lại là do mối hiểm nguy mang tên Salesforce đang đe dọa đến Oracle. Thậm chí, Benioff còn đẩy sự việc bất ngờ này đi xa hơn và lợi dụng tình hình đó để chứng tỏ đội ngũ nhân viên có thể chuyển địa điểm mới, thay áp phích và quảng cáo mới nhanh chóng và hiệu quả ra sao nhờ sử dụng mạng xã hội Chatter của Salesforce. Benioff nói rằng đôi lúc ông nghi ngờ công ty đã có thể thành công từ vài năm trước đó, dù có lẽ họ đã làm thứ gì đó để gây chú ý.
Về chiến thuật để khiêu khích Siebel, Benioff nói rằng chúng minh họa cho hai chỉ dẫn sau đây của Tôn Tử:
Công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý.
Dịch ý: Tấn công nơi địch không phòng bị, tiến công nơi địch ít ngờ đến nhất.
Cố thiện chiến giả, trí nhân nhi bất trí ư nhân.
Dịch ý: Chỉ huy tài giỏi có thể điều động kẻ địch, chứ không chịu sự điều động của địch.