Những việc quan trọng, cần phải làm thường đi liền với những lo âu, e sợ. Ví dụ như có con, kết hôn, thay đổi công việc… - tất cả những thay đổi trong cuộc sống đều có thể làm ta nặng trĩu âu lo. Bận tâm về những điều đó là cách tự chất vấn ta có thật sự thích những thay đổi để cuộc sống mới mẻ hơn? Bạn cũng hãy nhớ, biết giải tỏa những âu lo, biết đau buồn vì quá khứ là điều cần thiết trước khi tiếp nhận những đổi thay.
Sợ hãi làm ta mất thăng bằng, bất an, nhưng không có nghĩa ta sẽ nản chí. Sự sợ hãi báo hiệu ta đang ở ngoài vùng thoải mái của mình, ở ranh giới giữa cuộc sống cũ và mới. Khi đối mặt với sợ hãi, ta vượt qua những rào cản tinh thần và bắt đầu một cuộc sống mới mẻ, phong phú.
Càng biết tôn trọng, thậm chí chào đón sự sợ hãi, ta càng thấu hiểu ý nghĩa của nó và biết khi nào cần tiến lên hay đứng lại. "Sống chung với sợ hãi" không phải là điều dễ dàng nhưng ta có thể học cách tôn vinh, thừa nhận, lắng nghe thông điệp của sự sợ hãi như một tín hiệu cho sự đổi thay sắp đến. Thực vậy, sự sợ hãi cho ta biết những đổi thay ta đang hướng đến rất quan trọng và đáng trân trọng.
Bạn hãy thẳng thắn nhìn nhận mức độ sự sợ hãi trong lòng mình để hiểu rõ hơn những thay đổi bạn đang thực hiện. Bạn có thể thiền định, lắng nghe hay viết nhật ký hàng ngày. Hãy viết về bất cứ chuyện gì xảy đến với bạn: lo lắng, buồn phiền, hưng phấn, hy vọng… Đó là cách tuyệt vời để tìm hiểu bản thân khi lắng nghe thông điệp của sự sợ hãi. Bạn cũng hãy nhớ rằng cảm xúc này hầu như luôn đi kèm với bất cứ điều gì đáng làm trong đời.