Satoshi đã khởi chạy chuỗi khối Bitcoin vào ngày 3 tháng Một năm 2009. Khối đầu tiên được ghi vào sổ cái được gọi là Genesis Block - Khối nguyên thủy16 hoặc Khối 0 (và, vâng, nó vẫn ở đó để bạn thấy).
Genesis Block được trích dẫn trên một tiêu đề tờ báo như “Chancellor on Brink of Second Bailout for Banks”17
16 Một ví dụ tuyệt vời về khả năng sáng tạo của cộng đồng tiền điện tử với từ vựng mới có liên quan. Tất nhiên, tài liệu tham khảo là cuốn sách đầu tiên trong Kinh thánh, “Genesis”, và việc sử dụng thuật ngữ genesis để chỉ nguồn gốc hoặc sự khởi đầu của một cái gì đó phổ biến.
17 Thủ tướng gần như đã yêu cầu gói cứu trợ thứ hai cho ngân hàng. Ám chỉ sự thất bại của hệ thống tài chính.
Điều đáng chú ý về Genesis Block là nó không liên quan đến tài chính. Nó chỉ là một dạng văn bản, điều này thật mỉa mai đối với một hệ thống được biết đến như là tiền kỹ thuật số. Mặc dù văn bản đó được nhiều người coi là lời chỉ trích đối với các ngân hàng trung ương thế giới (lý do Bitcoin được phát minh), thực tế là do khối đầu tiên không phải là tiền tệ nên nó không phản ánh giá trị thực sự của công nghệ blockchain: nó chỉ đóng vai trò như một kho chứa lưu trữ dữ liệu.
Nhưng tài liệu của Satoshi không nhấn mạnh đến dữ liệu hoặc chuỗi khối mà là nhấn mạnh đến tiền. Tiền kỹ thuật số. Vì vậy, tất cả mọi người đọc bài báo cáo của ông đều tập trung vào tiền và bitcoin. Sẽ phải mất sáu năm trước khi blockchain được chú ý đến một cách nghiêm túc, thứ công nghệ cơ bản cho phép bitcoin tồn tại.
Bitcoin được lưu trữ ở đâu?
Bạn biết rằng khi bạn gửi tiền vào tài khoản ngân hàng, ngân hàng sẽ lưu hồ sơ về khoản tiền gửi của bạn trên hệ thống sổ cái. Đó là sổ cái đóng hoặc tập trung - nó chỉ có sẵn cho ngân hàng và cá nhân bạn. Ngân hàng chi rất nhiều tiền cho các trung tâm quản lý dữ liệu khổng lồ để lưu trữ tất cả dữ liệu của mình.
Nhưng ai là người vận hành blockchain mà Satoshi đã xây dựng? Satoshi không phải là một công ty và cũng không có khách hàng. Vì vậy, nó hoạt động như thế nào?
Hãy nhớ lại rằng Bitcoin là công nghệ sổ cái phân tán. Hiện tại, hãy tập trung vào phần được phân tán. Sổ cái Bitcoin không tập trung như của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Thay vào đó, nó được phân quyền - được phân phối đến hàng triệu máy tính trên khắp thế giới. Do đó, không có công ty, chính phủ hoặc cá nhân nào (bao gồm cả Satoshi) kiểm soát nó. Thay vào đó, mạng máy tính Bitcoin hoạt động trên internet trên khắp thế giới. Mỗi máy tính trên mạng Bitcoin được gọi là một nút (node). Các nút giữ dữ liệu.
Làm thế nào để chúng ta biết rằng dữ liệu trên các nút là xác thực?
Nói một cách đơn giản, bạn đăng một khối dữ liệu lên mạng Bitcoin. Cùng lúc đó sẽ có người trên hệ thống xác minh dữ liệu; quá trình này mất khoảng mười phút. Sau khi được xác minh, khối dữ liệu được thêm vào như một khối mới trên blockchain. Khi ở đó, nó là vĩnh viễn và luôn có sẵn cho tất cả mọi người xem.
Tại sao lại có người muốn xác minh dữ liệu của tôi?
Khi tôi đăng dữ liệu lên mạng, tôi cần ai đó xác minh thông tin đó cho mình. Để lôi kéo bạn làm điều đó, Satoshi đã tạo ra một động lực: khi bạn thêm dữ liệu của tôi vào blockchain, bạn sẽ được trả tiền. Nó được gọi là phần thưởng khối. Việc nhận được phần thưởng chứng tỏ bạn đã hoàn thành công việc xác minh dữ liệu của tôi.
Phần thưởng khối không mang lại cho bạn hàng nghìn đô la. Thay vào đó, bạn nhận được bitcoin.
Khi Satoshi ra mắt mạng Bitcoin vào năm 2009, những người xác minh dữ liệu đã nhận được 50 bitcoin cho mỗi khối mà họ xác minh. Năm mươi nghe có vẻ nhiều, nhưng lúc đó, việc khai thác bitcoin không đắt, không có giá rõ ràng, không thể chuyển đổi thành bất cứ thứ gì thực tế. Vì vậy, 50 bitcoin đó không có giá trị lắm.
Nhưng các lập trình viên thích mày mò với những ý tưởng mới. Vì vậy, thay vì chơi trò chơi điện tử, họ nói, “Cái quái gì đây nhỉ, hãy chơi với mạng lưới Bitcoin mới này thôi nào.” Lúc đầu, rất dễ dàng để thu thập phần thưởng khối bởi vì không có nhiều người cố gắng kiếm được chúng.
Ngày nay, hàng triệu người trên toàn thế giới tranh giành phần thưởng khối; sự cạnh tranh rất khốc liệt.
Khai thác “coin”
Việc thực hiện các phương trình toán học phức tạp để giải mã một khối được gọi là khai thác (mining).
Làm cách nào để tăng tỉ lệ giành được phần thưởng khối? Nó giống như một cuộc đua ô tô vậy: người lái giỏi nhất với chiếc xe nhanh nhất sẽ giành được nhiều khả năng chiến thắng. Vì vậy, mặc dù bạn có thể khai thác bitcoin bằng một chiếc máy tính để bàn thông thường, nhưng bạn nên cân nhắc việc mua một chiếc máy tính có phần mềm nhanh.
Máy tính khai thác bitcoin có giá khoảng 12.000 đô la. Trên thực tế, hãy mua hàng nghìn chiếc và liên kết chúng với nhau để tăng thêm khả năng tính toán. Các trang trại máy tính hoạt động trên khắp thế giới, mỗi người đều cạnh tranh để trở thành người đầu tiên giải được câu đố mật mã độc đáo của mỗi khối - và từ đó giành được phần thưởng khối.
Tôi đã đề cập rằng phần thưởng khối vào năm 2009 là 50 bitcoin. Bây giờ không còn như vậy nữa. Đó là bởi vì, khoảng bốn năm một lần sẽ có đợt giảm một nửa18 (halvening) xảy ra: phần thưởng khối bị giảm đi một nửa. Sự kiện này lại xảy ra vào năm 2012, 2016 và 2020 - phần thưởng khối đã giảm từ 50 xuống 25, sau đó xuống 12,5 và hiện tại là 6,25 bitcoin. Trong lần giảm một nửa tiếp theo - vào tháng 1 năm 2024 - phần thưởng khối sẽ chỉ còn là 3,125 bitcoin. Phần thưởng sẽ tiếp tục giảm một nửa vào năm 2028 và lặp đi lặp lại cho đến khi số bitcoin cuối cùng được khai thác vào năm 2140.
18 Hoặc là “halving”. Những người chơi bitcoin sử dụng cả hai từ. Tôi sẽ để những chuyên gia ngôn ngữ quyết định xem từ nào mới là đúng.
Hình 5.1
Do đó, nhiều người khá lạc quan về giá bitcoin. Nếu phần thưởng khối bị cắt giảm một nửa, giá trị của bitcoin phải tăng gấp đôi để các thợ đào duy trì mức bồi thường của họ. Giá của Bitcoin đã luôn tăng sau mỗi lần giảm một nửa. Liệu mô hình này có tiếp tục tồn tại? Không ai biết trước (hiệu suất trong quá khứ không đảm bảo cho kết quả trong tương lai), vì vậy bạn hãy tự quyết định.
Bằng chứng công việc (PoW) vs Bằng chứng cổ phần (PoS)
Khai thác được hiểu là PoW, hoặc Bằng chứng công việc. Tất cả đều là một phần của quá trình “xác thực” - bằng cách giải quyết các phép tính phức tạp, chuỗi khối bitcoin sẽ được xác thực bằng mật mã từng giao dịch. “Niềm tin” là điều không cần phải có ở đây.
Nhưng PoW không phải là cách duy nhất để xác thực dữ liệu của chuỗi khối. Bạn cũng có thể làm điều đó thông qua PoS, hoặc Bằng chứng cổ phần.
Phương pháp này phát triển do có những lời chỉ trích về PoW: nó hoạt động dựa trên sức mạnh tuyệt đối - ví dụ, sức mạnh hệ thống máy tính của bạn. Bạn càng có nhiều máy tính và phần mềm của máy càng nhanh, bạn càng có nhiều khả năng giành được phần thưởng khối. Nhưng tất cả những thiết bị máy tính đó đều rất tốn điện (sẽ được rõ hơn ở phần sau của chương này). PoS tránh được vấn đề đó (và những lời chỉ trích đi kèm với nó).
Giao thức PoS giống như xổ số. Nếu có 5,000 vé xổ số và bạn chỉ mua một vé, tỷ lệ thắng của bạn là 1/5,000. Nhưng nếu bạn mua một nghìn vé, xác suất chiến thắng của bạn là 1/5. Vì vậy, bạn càng có nhiều “coin” trong chuỗi khối PoS - bạn càng có nhiều cổ phần - tức là bạn càng có nhiều khả năng giành được phần thưởng khối. Do đó, giao thức PoS khuyến khích mọi người mua coin; về mặt lý thuyết, càng có nhiều đồng coin được mua, giá trị đồng coin càng tăng.
PoW và PoS là hai hình thức phổ biến nhất (được gọi là cơ chế đồng thuận) để xác minh dữ liệu trên blockchain. Nhưng chúng không phải là những hình thức duy nhất. Những hình thức khác cũng tồn tại và được phát minh thường xuyên. Nhưng những hình thức đó chưa phổ biến và không có quá nhiều thông tin để bàn luận ở đây19.
19 Bạn không cần phải cảm ơn tôi.
Có bao nhiêu Bitcoin sẽ được tạo ra?
Không giống như đô la mà Cục Dự trữ Liên bang in với số lượng vô hạn, chỉ có 21 triệu bitcoin sẽ được sản xuất - bắt đầu vào năm 2009 và kế thúc vào năm 2140. Trong số này, khoảng 18,5 triệu bitcoin đã được tạo ra và khoảng 4 triệu được cho là bị mất.
MẤT Ư?!
Đúng rồi đấy. Chuyện đó thực sự đã xảy ra. Hãy nhớ rằng, bitcoin không quy định mức giá vào năm 2009 và 2010. Chỉ một nhóm nhỏ kỹ thuật viên máy tính đang chơi với mạng lúc đó, nhận được những “phần thưởng” vô giá trị vào thời điểm đó. Nhiều lập trình viên trong số đó đã mất hứng thú và bỏ cuộc, xóa các tệp cùng với bitcoin mà họ khai thác được. Những người khác thì mua máy tính mới (và vứt bỏ máy tính cũ của họ). Còn có những người bị treo ổ cứng hoặc đơn giản là quên khóa riêng tư của họ.
Cái gì dễ đến thì cũng dễ đi. Vì không có giá quy định cho bitcoin nên không ai vào thời đó thực sự “mất” bất cứ tài sản gì giá trị.
Những người khai thác không phải là những người duy nhất cạnh tranh trên blockchain. Người tiêu dùng cũng cần cạnh tranh. Nếu bạn muốn giao dịch của mình được xác minh trước những người khác, bạn sẽ phải trả phí giao dịch để những người khai thác sẽ phục vụ bạn trước. (Phí này đôi khi được gọi là phí đổ xăng - phí gas - chẳng hạn như khi bạn đổ càng nhiều xăng, xe bạn càng đi nhanh. Có nghĩa là, bạn trả phí càng nhiều, giao dịch của bạn được xác minh càng nhanh).
Khi phần thưởng khối liên tục giảm đi một nửa, phí giao dịch sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với các thợ đào. Điều đó đảm bảo rằng việc xác thực vẫn sẽ được thực hiện ngay cả khi không còn bitcoin để khai thác như một phần thưởng.
Một cá nhân, hiện đang làm việc tại Phố Wall, đã kể với tôi rằng, vào đầu năm 2010, ngay sau khi anh ấy tốt nghiệp MIT, người bạn cùng phòng cũ đã mời anh ấy đến và nói rằng, “Cậu sẽ chứng kiến những gì chúng tôi làm”. Khi đến nơi, anh thấy người bạn đó cùng với ba người khác đang khai thác bitcoin, anh ấy hỏi, “Đó là cái gì vậy?”
Vào cuối tuần tiếp theo, năm người trong số họ đã khai thác cả ngày lẫn đêm, tích lũy được 250 bitcoin. Đến tối Chủ nhật, anh ta kiệt sức. “Chúng ta đã lãng phí hai ngày hai đêm để thu thập được thứ vô giá trị này!” rồi anh ta tuyên bố, “Tất cả chúng ta chỉ đang lãng phí thời gian thôi!”
Tất cả đều bỏ cuộc. Họ đã tắt máy tính và xóa toàn bộ các tệp - và cả số bitcoin. “Nếu chúng tôi tiếp tục làm,” anh ấy nói với tôi với một nụ cười gượng, “thì ngày hôm nay, tất cả chúng tôi đều trở thành tỷ phú.”
Có hàng trăm câu chuyện tương tự như thế, về những người đã bỏ cuộc trước khi họ nhận ra mình đang từ bỏ điều gì. Tuy nhiên, có một số người lại biết rõ họ đã vứt bỏ những gì - chẳng hạn như James Howells, 35 tuổi, sống ở Anh, người tuyên bố với thế giới vào năm 2021 rằng, tám năm trước đó, anh ta đã vô tình vứt một ổ cứng chứa 7.500 bitcoin vào thùng rác. Anh ta yêu cầu hội đồng thị trấn cho phép khám xét khu tập kết rác thải, thậm chí đóng góp cho thị trấn 25% bitcoin nếu tìm thấy ổ cứng. Vào thời điểm tôi viết những dòng này, hội đồng đã từ chối, với lý do quan ngại về vấn đề môi trường.
Sau đó là Stefan Thomas, một lập trình viên ở San Francisco, người đã lưu trữ số bitcoin trị giá 300 triệu đô la trên đĩa cứng di động - và sau đó quên mật khẩu. (Hãy nhớ rằng đây là một hệ thống sổ cái phi tập trung; vì vậy, không có bất cứ công ty nào cung cấp cho bạn nút QUÊN MẬT KHẨU để cứu bạn cả).
Cuối cùng là trường hợp đáng buồn của tỷ phú Mircea Popescu, 41 tuổi, được biết đến là một trong những chủ sở hữu bitcoin lớn nhất thế giới. Vào năm 2021, anh ấy đã chết đuối ngoài khơi bờ biển Costa Rica. Các bản báo cho thấy không ai trong gia đình hay doanh nghiệp của anh biết về khóa riêng tư. Nếu điều đó là sự thật, số bitcoin mà anh ấy sở hữu trị giá hàng tỷ đô sẽ bị mất vĩnh viễn20.
20 Đây không phải là cuốn sách nói về kế hoạch bất động sản, vì vậy hãy đọc một cuốn hợp lý hơn: Sự thật về tiền.
Dù những chuyện khá sốc đấy nhưng chúng không có gì mới. Bộ Tài chính cho biết 3,1 nghìn tỷ đô la đã bị mất hoặc phá hủy - bao gồm 3 tỷ đô la tiền mặt được sản xuất từ năm 2014.
Các loại ví
Bạn biết ví là gì rồi. Bạn đã có một cái trong túi quần hoặc túi xách của mình rồi!21
21 Thấy không? Bạn thực sự biết nhiều về lĩnh vực này hơn bạn nghĩ.
Bạn giữ tiền của mình trong ví. Tương tự như vậy, bạn cất tài sản kỹ thuật số của mình trong ví kỹ thuật số.
Tốt thôi, nhưng bạn lấy ví tiền kỹ thuật số ở đâu? Chúng được cung cấp cho bạn bởi các ứng dụng bạn sử dụng. Ví dụ: khi bạn thiết lập tài khoản PayPal hoặc Venmo, họ sẽ tạo ví cho bạn để chứa số tiền bạn gửi vào ứng dụng của họ. Google, Walmart, Apple, Android, Samsung và nhiều ứng dụng khác đều cung cấp ví kỹ thuật số cho người dùng.
Nếu bạn mở tài khoản trên sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số, nó cũng sẽ chuyển số tiền bạn gửi vào ví kỹ thuật số (Một sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số giống như một sàn giao dịch chứng khoán. Tìm hiểu thêm về điều này trong chương 16.)
Ví kỹ thuật số được gọi là ví nóng vì được kết nối với internet. Điều đó rất quan trọng vì nếu không có kết nối internet, bạn không thể truy cập ứng dụng hoặc quản lý ứng dụng để nạp hoặc rút tiền.
Tuy nhiên, đó cũng là vấn đề với ví nóng: ứng dụng phải kết nối với internet. Điều đó khiến chúng trở nên rủi ro hơn vì tin tặc có thể truy cập vào ví và lấy cắp thông tin của bạn. Để giải quyết vấn đề đó, bạn có thể tạo hoặc sở hữu một ví lạnh. Phần mềm này không cần kết nối với internet, do đó tin tặc không thể xâm nhập vào ví của bạn.
Rất nhiều nhà cung cấp bán ví lạnh với giá khoảng 100 đô la và chúng rất dễ sử dụng. Chúng trông giống như (và thực tế là) ổ USB, loại mà bạn sử dụng để lưu trữ dữ liệu mà bạn đã tạo trên máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay. Ví lạnh có tác dụng để giữ tiền kỹ thuật số và token của bạn, vì vậy chúng đi kèm với mã hóa (mật khẩu riêng tư mà chỉ bạn biết). Nếu ai đó đánh cắp ví lạnh của bạn thì họ sẽ không thể truy cập vào nội dung.
Tất nhiên, bạn có thể sử dụng bất kỳ chiếc USB nào; nhưng chúng sẽ chẳng có bất kỳ mã hóa nào. Hoặc bạn có thể chỉ cần viết khóa riêng tư của mình trên một tờ giấy - sau đó cất giữ tờ giấy đó ở nơi nào đó an toàn và bảo mật.
Ví lạnh có thể ngăn chặn những tin tặc trực tuyến, nhưng không phải trước những kẻ trộm đột nhập vào nhà. Và có nguy cơ bạn đánh mất, quên nơi bạn đã cất giữ hoặc mật khẩu. Hãy nhớ đến anh chàng đã lưu trữ bitcoin của mình trên một ổ được mã hóa rồi sau đó quên mất mã?
Vấn đề cuối cùng của ví lạnh đó là bạn không thể tiêu được số tiền được cất giữ trong đó. Khi bạn đã sẵn sàng bán tài sản kỹ thuật số hay sử dụng chúng để mua hàng hóa hoặc dịch vụ, bạn phải chuyển tiền vào ví nóng của ứng dụng. Việc chuyển tiền từ ví nóng sang ví lạnh và ngược lại là một hoạt động tẻ nhạt và tốn thời gian. Tuy nhiên, nó làm giảm nguy cơ bị xâm nhập vì tiền của bạn chỉ ở trong ví nóng trong thời gian bạn thực hiện các giao dịch.
Để tránh mọi hoạt động trở nên quá phức tạp, một số ứng dụng sẽ cung cấp ví ấm. Tiền của bạn được duy trì trong ví nóng, nhưng bạn đặt giới hạn nơi tiền có thể được gửi đi. Điều này chỉ hiệu quả nếu bạn chỉ gửi tiền vào cùng một ví (một người hoặc nhà cung cấp).
Có hai giải pháp cho tất cả điều này. Đầu tiên là mở một tài khoản trong một sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số. Họ sẽ cung cấp cho bạn cả ví nóng và ví lạnh; bạn chỉ cần cho họ biết bạn muốn đặt bao nhiêu đồng coin của mình vào mỗi ví. (Bạn có thể dễ dàng di chuyển các đồng tiền giữa hai loại ví bất cứ lúc nào).
Giải pháp khác là gửi tiền của bạn vào quỹ thay vì chuyển thành tài sản kĩ thuật số. Điều này giống như mua một quỹ chứng khoán thay vì mua cổ phiếu riêng lẻ. Nhiều quỹ đầu tư vào tài sản kỹ thuật số; một số còn cho phép những người có tài khoản môi giới truyền thống tham gia, trong khi một số khác chỉ dành cho các nhà đầu tư đáp ứng đủ yêu cầu (hãy đọc phần: những người giàu có. Tìm hiểu thêm về họ trong chương 16).
Một số quỹ đầu tư vào một loại tài sản kỹ thuật số duy nhất, trong khi những quỹ khác mua “cả rổ”, mang lại sự đa dạng hóa hơn. Vì tất cả các quỹ đều tính phí nên bạn cần so sánh chi phí giao dịch mà bạn sẽ phải trả tại các sàn giao dịch. Chúng ta sẽ nói thêm về tất cả những điều này trong chương 16.
Lần đầu tiên Bitcoin được sử dụng ở thị trường thương mại
Hãy quay lại với những người khai thác bitcoin đầu tiên. Họ đã nhận được 50 bitcoin với mỗi phần thưởng khối, và mặc dù giá trị của chúng thấp, dễ dàng giành được và tích lũy, nhưng không có cách nào để xác định được giá trị của chúng.
Để tìm hiểu thêm về lĩnh vực này, nhà phát triển phần mềm Laszlo Hanyecz đã đề nghị mua hai chiếc bánh pizza của Papa John’s bằng bitcoin. Ông ấy đã tìm thấy một người sẵn sàng tham gia vào ngày 22 tháng Năm năm 2010. Ngày nay, ngày đó được gọi thân mật là Ngày Bitcoin Pizza (Bitcoin Pizza Day) - Laszlo đã hoàn thành giao dịch thương mại đầu tiên trên thế giới bằng bitcoin.
Hai chiếc bánh có giá 14 đô la. Vậy chúng ta cần bao nhiêu bitcoin để hoàn thành giao dịch?
Mười nghìn.
Với 50.000 đô la mỗi bitcoin, 10.000 bitcoin đó sẽ có trị giá 500.000.000 đô la. Năm trăm triệu đô la.
Đó là những chiếc pizza rất đắt tiền.
Cách thức khác để nhận “coin”
Khai thác và cá cược không phải cách duy nhất bạn nhận được coin. Cũng có rất nhiều cách thức khác nữa.
Phân tách (Fork)
Tôi đang không đề cập đến việc bạn dùng dụng cụ gì để ăn mì Ý. Thay vào đó, điều này xảy ra khi các nhà phát triển làm việc trên blockchain không đồng ý về cách công nghệ hoạt động. Và, không, ý tôi không phải là một trong số họ thốt lên, “Fork you!”
Khi tạo ra bitcoin, Satoshi đã mở mã nguồn của phần mềm để các nhà phát triển khác có thể cải thiện chúng. Các thay đổi không thể diễn ra nếu không có sự đồng thuận, nhưng đôi khi, không thể đạt được sự đồng thuận. Ví dụ: một số nhà phát triển bắt đầu phàn nàn về tốc độ của bitcoin (phải mất 10 phút để xác minh từng khối dữ liệu). Nếu chúng ta thay đổi mã, họ nói, chúng ta có thể khiến tốc độ của bitcoin nhanh hơn. Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng nếu quá trình xảy ra nhanh hơn sẽ làm yếu đi tính bảo mật.
Nếu không thể đạt được sự đồng thuận, vào tháng Tám năm 2017, các nhà phát triển đã đồng ý chia bitcoin thành hai phần, được gọi là fork - phân tách. Điều này tương tự với những gì xảy ra khi một công ty lớn thực hiện sự thay đổi, biến một bộ phận thành một công ty độc lập riêng biệt22.
22 Lưu ý: việc xử lý thuế đối với phân tách không tương tự như đối với các công ty được tách ra. Xem thêm về điều đó trong chương 19.
Khi quá trình tách khỏi công ty mẹ và phân tách tiền điện tử xảy ra, các chủ sở hữu hiện tại sẽ giữ lại tài sản gốc. Họ cũng nhận được một số tài sản mới. Trong đợt phân tách vào năm 2017, tất cả chủ sở hữu BTC đã nhận được một số BCH - Bitcon Cash, đồng bitcoin mới. Bitcoin Cash sau đó đã được thay đổi để có tốc độ cao hơn (Ngày nay, BCH nhanh gấp 17 lần so với BTC)
Việc phân tách BTC thành cả BTC và BCH được gọi là hard fork - phân tách cứng vì hiện tại có hai loại blockchain thay vì một. Đối với trường hợp soft fork - phân tách mềm, cả hai đồng tiền - cũ và mới - đều sử dụng công nghệ blockchain ban đầu.
Trong trường hợp bạn vẫn còn băn khoăn việc phân tách cứng liệu có thể giải quyết được tranh chấp của các nhà phát triển hay không thì câu trả lời là không. Những bất đồng tiếp tục dẫn đến một đợt phân tách cứng khác - lần này là đổi từ BCH sang BSV (Bitcoin Satoshi Vision). BSV hứa hẹn sẽ tuân thủ nghiêm ngặt sách trắng của Satoshi. BSV nhanh gấp 128 lần so với BTC và những người đề xuất nói rằng chúng mang đến những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, chi phí thấp hơn và tính bảo mật cao hơn. (Ngay tại thời điểm này, BTC là tài sản kỹ thuật số lớn nhất; BCH lớn thứ 19 và BSV đứng thứ 51 - cho thấy rằng mọi người chưa hoàn toàn tin vào những cải tiến được tạo ra bởi việc phân tách).
Đã có hàng trăm lần phân tách liên quan đến nhiều đồng tiền trong thập kỷ qua, vì vậy trên đây chỉ là một vài ví dụ. Nhân tiện - và đây là một vấn đề lớn - ngụ ý về thuế đối với phân tách và chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề đó trong chương 20.
“Tiền từ trên trời rơi xuống” (Airdrop)
Một cách khác để “coin” được tạo ra đó là thông qua airdrop. Thuật ngữ này dựa trên cụm từ helicopter money (tiền trực thăng), được sử dụng vào năm 2008 khi chính phủ liên bang bơm (có thể nói là từ trên trời rơi xuống) 700 tỷ đô la vào nền kinh tế để chống lại cuộc khủng hoảng tín dụng.
Đây là những gì sẽ xảy ra. Bạn tạo ra một loại giao thức mới, tốt hơn cả giao thức của bitcoin. Để mọi người biết đến chúng, bạn tạo “coin” và gửi chúng cho những người đã sở hữu một số loại “coin” khác để họ có thể so sánh những đồng tương tự (nhưng theo ý kiến của bạn thì kém hơn) với đồng của bạn. Điều này giống như một nhóm nhạc mới đang cố gắng gây chú ý - nhóm nhạc này tổ chức một buổi biểu diễn tại quán rượu địa phương và gửi vé miễn phí đến mọi nhà trong khu phố.
Airdrop thực sự thường chỉ là những mánh lới quảng cáo tiếp thị. Để kiếm được tiền, đôi khi bạn phải làm điều gì đó, chẳng hạn như theo dõi một tài khoản Twitter nhất định. Và, đúng là có những tác động của airdrop đến thuế (chương 19).
Những lo ngại về về hoạt động bất hợp pháp khi bitcoin tham gia vào thị trường
Tội phạm, khủng bố và các quốc gia bất hảo thích thực hiện các giao dịch tài chính mà không tiết lộ danh tính của họ. Một tính năng chính của bitcoin là ẩn danh. Vì vậy, theo lẽ tự nhiên, những kẻ xấu bị thu hút bởi điều này.
Hãy tưởng tượng bạn có thể mua và bán ma túy, súng và thẻ tín dụng bị đánh cắp mà không cần phải chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng! Điều đó đã tạo điều kiện cho trang web bất hợp pháp Silk Road xuất hiện vào năm 2011. Hoạt động đó không kéo dài lâu - đó chính là lý do tại sao cơ quan thực thi pháp luật yêu thích blockchain và tài sản kỹ thuật số.
FBI triệt phá trang web Silk Road vào năm 2013. Năm 2021, sau khi tin tặc đòi 4,4 triệu đô la bitcoin từ Colonial Pipeline, FBI đã lấy lại phần lớn số tiền của Colonial trong vòng hai tuần. Và khi tin tặc đánh cắp 611 triệu đô la tài sản kỹ thuật số của Poly Network, những kẻ trộm đã phải trả lại gần như toàn bộ số tiền chúng lấy chỉ trong vòng vài ngày. Làm thế nào những tội ác này đã được giải quyết và tiền được thu hồi nhanh chóng như vậy? Bởi vì tài sản kỹ thuật số để lại dấu chân kỹ thuật số. (Tất cả những gì cần làm là Giám đốc điều hành của Poly Network đưa ra một dòng tweet nói rằng ông ấy biết máy tính và địa chỉ email của hacker. Và chỉ có thế. Số tiền đã được trả lại ngay lập tức.)
Tôi cho rằng việc sở hữu tài sản kỹ thuật số không phải không có rủi ro. Nhiều nền tảng giám sát đã bị tấn công, bao gồm Mt Gox, Bitfloor, NiceHash, BitFunder và Bitstamp. Từ năm 2014 đến năm 2020, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ đã thực hiện 87 hành động thực thi pháp luật liên quan đến blockchain và tài sản kỹ thuật số, bao gồm cả việc gian lận chứng khoán, gian lận liên quan đến giao dịch tiền điện tử, không công khai chính xác khoản bồi thường và các kế hoạch lừa đảo của Ponzi liên quan đến bitcoin. Tức là có khoảng trung bình 15 trường hợp mỗi năm.
Nhưng đó là trong số hơn 700 hành động thực thi pháp luật của SEC hàng năm, có nghĩa là tiền điện tử chỉ chiếm 2% trong số các trường hợp của SEC. Tương tự như vậy, một báo cáo năm 2021 của Chainalysis phát hiện ra rằng hoạt động phạm pháp chỉ chiếm 0,34% tổng khối lượng giao dịch tiền điện tử. Điều này mâu thuẫn trực tiếp với khẳng định của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen vào năm 2021 rằng tài sản kỹ thuật số “chủ yếu được sử dụng cho tài chính bất hợp pháp”. Thực tế là vậy, Jake Chervinsky, cố vấn đại diện của Compound Labs, nói với Forbes rằng, “Tuyên bố của bà ấy rõ ràng là sai.”
Hãy nhớ rằng trong mọi loại tại sản đều có sự góp mặt của sự gian lận: cổ phiếu, trái phiếu, dầu mỏ, vàng, bất động sản, nghệ thuật, v.v. Nhưng không ai đề nghị đóng cửa các thị trường đó. Đáng buồn thay, mọi sự đổi mới đều có sự tham gia của những kẻ xấu - đó là điều không thể tránh khỏi.
Và mọi chuyện luôn vậy. Lần đầu tiên chứng khoán được giao dịch công khai ở Mỹ là khi Alexander Hamilton phát hành trái phiếu liên bang để trả các khoản nợ mà các thuộc địa đã gánh chịu trong thời kỳ Chiến tranh Cách mạng. Kế hoạch của Hamilton đã bị rò rỉ, và các trái phiếu nhanh chóng sa vào trò lừa đảo đầu tư lần đầu tiên: giao dịch nội gián. (Những người trong cuộc đã mua trái phiếu từ các cựu chiến binh với giá rẻ, biết rằng Hamilton sẽ sớm mua lại chúng theo đúng mệnh giá.)
Kể từ khi chúng ta đầu tư, sẽ luôn tiểm ẩn những hành vi gian lận đầu tư. Cũng như việc phát minh ra ô tô đã dẫn đến các vụ trộm ô tô.
Dữ liệu từ Liên Hợp Quốc (UN) đã chứng minh sự ngớ ngẩn khi chỉ trích bitcoin vì hoạt động bất hợp pháp. UN ước tính rằng hoạt động rửa tiền thông thường và các hoạt động bất hợp pháp khác chỉ chiếm từ 2% đến 5% GDP toàn cầu. Vì vậy, thay vì cấm bitcoin do một phần rất nhỏ bị sử dụng bất chính, giống như việc chúng ta không nên loại bỏ tất cả các loại tiền pháp định chỉ vì chúng bị sử dụng vào những hoạt động bất hợp pháp ở mức độ cao hơn nhiều?
Những lo ngại về ảnh hưởng của hoạt động khai thác bitcoin đối với môi trường
Bạn muốn mua bitcoin, nhưng bạn từng nghe nói rằng chúng “có hại cho trái đất”. Bạn có thể tiếp tục mua bitcoin - và cảm thấy ổn về mọi chuyện - bởi vì lời tuyên bố “có hại cho trái đất” đơn giản là sai.
Lời khẳng định không có tác dụng nào khác ngoài một sự đánh lạc hướng, thường được nói bởi những người không tin rằng bitcoin là một kế hoạch đầu tư tốt. (Chúng tôi sẽ đề cập đến câu hỏi đó trong phần 3.)
Vì những kẻ gièm pha không có cách nào để ngăn mọi người mua bitcoin hoặc ngăn giá bitcoin tăng, họ đã gài vào một chiêu trò khác: cảm giác tội lỗi. “Bitcoin có hại cho trái đất!” Vậy thì sao? Hút thuốc, rượu và cờ bạc đều gây cho bạn, nhưng chúng ta không cấm đoán chúng. Thay vào đó, chúng ta chỉ cần điều chỉnh cho phù hợp. Bitcoin cũng có thể được xử lý theo cách tương tự.
Hoặc có thể bitcoin không cần điều chỉnh. Có thể bitcoin không gây hại với chúng ta như hút thuốc, rượu bia và cờ bạc. Hãy cùng tìm hiểu điều này, bắt đầu bằng những lời phàn nàn rằng hoạt động khai thác bitcoin tiêu thụ nhiều năng lượng mỗi năm ngang với lượng tiêu thụ của nước Argentina.
Argentina ư?
Tôi đã kiểm tra thông tin. Lời khẳng định đó rõ ràng là đúng. Nhưng điều đó cũng đúng khi Argentina không sử dụng nhiều năng lượng đến thế: lượng tiêu thụ của nước này xếp ở hạng cuối cùng trong số 30 quốc gia công nghiệp phát triển lớn nhất thế giới.
Và trước khi tìm hiểu kỹ về việc sử dụng năng lượng của bitcoin, bạn sẽ cảm thấy buồn bã về ô tô. Theo báo cáo của cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, giao thông vận tải là ngành tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, khoảng 25% năng lượng của thế giới. Nhưng theo Trung tâm Tài chính thay thế Cambridge, mức tiêu thụ năng lượng của mạng Bitcoin là dưới 0,5%. Vì vậy, nếu bạn sẵn sàng lái ô tô, đi xe buýt hoặc ngồi trên máy bay thì chẳng có bất kỳ vấn đề gì cản trở việc bạn mua bitcoin cả.
Không phải lúc nào ô tô cũng tiêu tốn nhiều năng lượng như vậy. Chúng ít được sử dụng vào năm 1920, khi ngành công nghiệp ô tô vẫn còn mới. Khi mức độ phổ biến của ô tô tăng lên, việc tiêu thụ năng lượng của phương tiện này cũng tăng theo.
Điều này cũng tương tự với mạng Bitcoin. Mười năm trước, mạng Bitcoin tiêu thụ rất ít năng lượng. Việc chúng tiêu thụ nhiều năng lượng ngày nay phản ánh nhu cầu ngày càng tăng. Đó là một dấu hiệu của sự thành công. Một số người cho rằng ô tô ít nhất cũng có mục đích sử dụng thương mại, nhưng như chúng ta đã thấy, Bitcoin cũng có giá trị sử dụng thương mại.
Vì vậy, thay vì tấn công vào Bitcoin, hãy quay sang phán xét thứ gì đó như con “thuồng luồng” ngốn nhiều năng lượng hơn - chúng còn tệ hơn vì những con “thuồng luồng” này chẳng có mục đích hữu ích nào cả. Tôi đang nói về những thiết bị luôn bật trong nhà bạn: Ti vi, máy pha cà phê, Alexa và chiếc đồng hồ ngu ngốc nào đó trên lò nướng23. Theo Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên, những thiết bị đó tiêu thụ khoảng 344 triệu kilowatt giờ điện ở Mỹ hàng năm và thải 250 triệu tấn khí các bon vào môi trường - 4% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ,. Chỉ riêng ở Mỹ, những thiết bị đó đã tiêu thụ năng lượng bằng tất cả các thợ đào bitcoin trên toàn thế giới! Vì vậy, trước khi yêu cầu các thợ đào bitcoin đóng cửa, bạn có thể yêu cầu mọi người rút phích cắm Ti vi của họ mỗi đêm.
23 Tại sao lò nướng lại cần đồng hồ chứ?
Và nếu bạn thực sự không muốn lãng phí nguồn năng lượng, hãy yêu cầu mọi người ngừng chơi trò chơi điện tử. Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy những người chơi điện tử tiêu thụ nhiều năng lượng hơn 46% so với những người khai thác bitcoin trên thế giới.
Khí thải, không phải năng lượng
Những người phàn nàn về mức tiêu thụ năng lượng của bitcoin đang quên một điểm quan trọng: Việc bạn sử dụng bao nhiêu năng lượng không quan trọng bằng việc bạn đã thải bao nhiêu khí các bon vào bầu khí quyển.
Hình 5.2
Ngành giao thông vận tải sử dụng gần 80% nguồn năng lượng từ dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá. Việc sử dụng những năng lượng này đã thải ra một lượng lớn khí các bon - vốn có hại cho trái đất. Nhưng 73% năng lượng tiêu thụ của bitcoin là carbon trung tính. Chỉ số Tiêu thụ Năng lượng Bitcoin của Cambridge cho thấy các thợ đào coin chủ yếu sử dụng năng lượng thủy điện, năng lượng mặt trời, gió hoặc địa nhiệt. Chỉ có 38% phụ thuộc vào than đá. Theo bài báo cáo của tạp chí Joule vào năm 2021, lượng khí thải toàn cầu hàng năm của bitcoin tương đương với lượng khí thải của thành phố London, thay vì toàn bộ đất nước Argentina.
Hãy tưởng tượng Ford nói rằng mặc dù ngành chế tạo ô tô tiêu tốn nhiều năng lượng, nhưng người lái xe không sử dụng năng lượng để điều khiển xe. Giá mà mọi chuyện diễn ra đúng như vậy. Nhưng với Bitcoin thì đúng như vậy: hầu như trên mạng Bitcoin, hầu hết năng lượng được tiêu thụ ở trong quá trình khai thác. Một khi “coin” đã được khai thác, chúng ta chỉ cần một chút năng lượng cho quá trình xác thực giao dịch.
Tất cả những điều trên dùng để chứng minh, việc sử dụng năng lượng của mạng Bitcoin không phải là con số không. Không chỉ chúng ta mà còn tất cả mọi người trong cộng đồng tiền điện từ đều biết điều đó. Đó là lý do tại sao, theo ghi nhận của Tạp chí Kinh doanh Harvard, nhiều người đã ký Hiệp định Tiền điền tử về Khí hậu (có thể so sánh với Hiệp định Paris về khí hậu) nhằm ủng hộ việc giảm lượng khí thải các bon của Bitcoin.
Những người “thợ mỏ” có thể đóng góp nhiều công sức hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng của thế giới hơn bất kỳ ngành nào khác. Tại sao ư? Bởi vì họ có động lực lớn nhất để làm như vậy. Đối với hầu hết các ngành, nguyên vật liệu và tiền lương là chi phí lớn nhất của họ. Nhưng chi phí mà các thợ đào cần quan tâm chỉ là giá của năng lượng. Điều đó mang lại động lực lớn cho họ giảm chi phí năng lượng - vì vậy họ tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, rẻ hơn. Ví dụ, nhiều công ty khai thác đã chuyển cơ sở của họ đến những địa điểm mà họ có thể tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như các trang trại gió và thủy điện. Không còn nghi ngờ gì nữa, các ngành công nghiệp khác sẽ sử dụng bất kỳ giải pháp nào mà mạng lưới Bitcoin đưa ra.
Tôi không đồng tình với quan điểm rằng bitcoin nên bị cấm vì đồng tiền có hại cho môi trường. Nhưng nếu bạn cảm thấy như vậy, thì đừng mua bitcoin. Thay vào đó, hãy mua những đồng tiền PoS. Vấn đề đã được giải quyết rồi.