Ai cũng có quyền tự hào về giới tính của mình. Là trai hay là gái đều rất tuyệt vì ai cũng đến thế giới này với trách nhiệm là góp thêm sức lực, tiếng cười, niềm vui cho mọi người.
Từ hồi học lớp Hai, bố mẹ đã mua tặng tớ hai bộ mô hình nam và nữ để hướng dẫn tớ cách lắp ráp các bộ phận trong cơ thể con người qua mô hình. Bằng cách đó, bố mẹ đã dạy tớ phân biệt sự khác nhau giữa cơ thể nam và nữ. Qua việc mày mò tự lắp ráp, tớ dần sáng tỏ các câu hỏi: Tại sao các bạn nam thì đứng tè còn các bạn nữ lại không? Tại sao chỉ có mẹ mới mang thai? Sao người mang thai không phải là bố mặc dù đàn ông thường mang các đồ vật giỏi hơn phụ nữ? (Lẽ tất nhiên, tớ biết em bé không phải là một đồ vật rồi).
Thú thật ban đầu tớ không thích đồ chơi này chút nào, nhìn nó có vẻ gì đó đáng sợ. Các bạn tưởng tượng nhé, mô hình chia ra thành các phần nhỏ, ví dụ như bụng chẳng hạn sẽ có các mảnh mô hình về gan, thận, tim, ruột non, ruột già… Mình có thể tháo ra lắp vào những bộ phận này một cách dễ dàng. Thấy tớ không hứng thú, bố mẹ bày cho tớ cách chơi với nó. Bố tháo tất cả các bộ phận ra và giao cho tớ nhiệm vụ ngồi canh đồng hồ xem thời gian bố lắp ráp mô hình là bao nhiêu.
Tớ căng thẳng lắm, nhìn chăm chăm vào đồng hồ và cẩn thận ghi ra giấy. Lần đầu bố làm cũng lâu ra phết, mất chừng 5 phút nhưng rồi nhanh dần lên và kỉ lục cuối cùng là 2 phút 15 giây. Oa, tuyệt quá! Đến lượt tớ. Tay chân cứ cuống hết cả lên, tớ nhầm lung tung, xoay dọc xoay ngang, toát mồ hôi. Bố không giúp gì đâu, chỉ đọc tên các bộ phận cho tớ lắp. Chắc thời gian tớ làm phải gấp mấy lần thời gian của bố. Nhưng có hề gì, nhờ thế mà tớ biết cấu tạo của cơ thể và đặc biệt, ngay từ lúc ấy, tớ đã biết tên gọi những bộ phận mà chúng mình thường coi là “nhạy cảm”. Tớ thấy chúng cũng giống như bao bộ phận khác trong cơ thể, cũng có những nhiệm vụ riêng và trách nhiệm của chúng mình là phải bảo vệ chúng, đúng không nào?
Tớ vô cùng biết ơn bố mẹ vì trò chơi này. Bố đã gọi đúng tên gọi các bộ phận bằng những từ khoa học mà không cần phải thông qua giai đoạn ẩn dụ như “bông hoa” hay “cái đèn”. Mỗi lần chơi mô hình, bố đều chỉ vào những bộ phận phân biệt nam với nữ và nói: Đây là những bộ phận để duy trì việc sinh sản. Đó cũng là những bộ phận kín đáo của mỗi người. Ngay từ khi còn nhỏ, con cũng không được cho ai nhìn thấy và sờ vào. Tự mình phải biết bảo vệ chúng bằng cách giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, kín đáo. Có lẽ vì thế mà ngay sau trò chơi này, tớ đã tự tắm cho mình, thay vì để mẹ tắm hộ.
Thay vì né tránh hoặc luôn luôn cho rằng những gì liên quan đến các bộ phận nhạy cảm đều là không nên, tệ hơn nữa là xấu xa thì bố mẹ tớ đã rất thoải mái nói về chúng với một thái độ trân trọng. Sau này, khi đọc sách tâm lý học, tớ thực sự tâm đắc với nhận định của Shelma Freiberg: “Trẻ em đánh giá bản thân qua cảm giác của cơ thể. Nếu trẻ thấy rằng việc nghịch ngợm hay tò mò tìm hiểu ‘chỗ đó’ là xấu xa, thì các em sẽ nghĩ cơ thể mình xấu xa và chính các em cũng là kẻ xấu xa!” Ngoài ra, nếu trẻ không được giải thích một cách đơn giản và rõ ràng về chức năng của bộ phận sinh dục, giống như giải thích về con mắt, cái miệng… mà lại được “giáo dục” bằng sự che giấu hay đùa giỡn, thì chính điều này sẽ đưa các em đến những ý nghĩ sai lệch. Các em sẽ cho rằng, đó là những chuyện xấu xa ở một bộ phận xấu xa, và điều này sẽ có thể đưa đến những hậu quả “xấu xa” khi các em bước vào lứa tuổi dậy thì.
Cũng từ trò chơi lắp ráp các bộ phận của cơ thể mà tớ có được những hiểu biết căn bản về các bộ phận có nhiệm vụ thiêng liêng trong cơ thể người phụ nữ dùng để nuôi con. Càng hiểu tớ càng trân quý hành trình của mình khi còn nằm trong bụng mẹ, biết mình nằm ở vị trí nào và được nối kết với mẹ ra sao. Như bất kì em bé nào khác, tử cung của mẹ khi ấy chính là ngôi nhà ấm áp của tớ. Bố còn giải thích, “tử” nghĩa là “con” và “cung” có nghĩa là “phòng”. Một căn phòng cho con nằm ngay trong bụng mẹ.
Kì lạ thật, một bộ phận nhỏ nhoi là thế mà có thể giúp em bé từ khi chỉ bé xíu như hạt thóc lớn lên thành đứa trẻ với đầy đủ các bộ phận, chờ đợi đúng 9 tháng 10 ngày để cất tiếng khóc chào đời. Phải chăng vì thế mà mỗi đứa con bao giờ cũng dễ chia sẻ những tâm sự với mẹ hơn với bố. Bởi khi bên mẹ, chúng sở hữu cho mình đến hai “căn phòng”. Một “căn phòng” là trái tim mẹ và một “căn phòng” là tử cung của mẹ, nơi chúng đã ở đó trong hơn chín tháng. Các ông bố không có khoảng thời gian hơn chín tháng trời đó nên dù sao cũng “thiệt thòi” hơn. Hẳn thế nên người ta khuyên, khi em bé còn nằm trong bụng mẹ, các ông bố hãy nói chuyện thật nhiều, để em bé làm quen dần và khi ra ngoài, em nhận ra được giọng nói của “người quen”.
Tớ cứ nghĩ mãi về điều này. Buồn cười thật, em bé nằm trong bụng mẹ, một ngôi nhà ấm áp và tất nhiên rất kín. Em lơ mơ ngủ, đợi ngày mẹ đánh thức dậy và đi ra khỏi ngôi nhà ấy. Có một “vị hàng xóm” mang tên gọi là Bố hàng ngày thủ thỉ với láng giềng của mình bao nhiêu là chuyện. “Vị hàng xóm” ấy cố gắng áp tai qua khe cửa để nghe tiếng thì thầm, để nghe hơi thở, để nghe từng tiếng chân tay đập khe khẽ trong sự hồi hộp, sung sướng xen lẫn âu lo. “Vị hàng xóm” vô cùng thân thiện và tốt bụng đó cũng mong chờ lắm giây phút “người bạn nhỏ bé” của mình mở cửa và bước ra ngoài. Lúc ấy ông sẽ tiến đến, ôm lấy “người bạn nhỏ bé” mà mình bấy lâu mong chờ bằng bàn tay rắn chắc, to khỏe, bằng nụ cười tươi tắn nhất có thể. Và khi ấy, mặc cho người bạn còn lạ lẫm với thế giới, “người hàng xóm” lén đặt lên má nó một nụ hôn. Kể từ giây phút ấy, trái tim hai người đã chung nhịp đập của tình cảm máu huyết, ruột rà.
Thật buồn tẻ và đơn điệu khi các sách dạy về nam và nữ chỉ chú trọng đến sự khác biệt trong ăn mặc, trong đầu tóc. Những đặc điểm đó, ai nhìn cũng nhận thấy. Điều quan trọng là mình hiểu sự khác biệt đó quy định những nét tính cách gì của nam và nữ. Bao giờ mẹ cũng dặn: chơi với các bạn nữ con phải nhẹ nhàng hơn. Có thể các bạn dễ khóc hơn nhưng cũng lại dễ vui trở lại. Đừng lo lắng khi bạn khóc, con hãy ở bên cạnh, dỗ dành bạn một chút nhé.
Riêng việc này thì tớ không chỉ áp dụng cho các bạn nữ mà còn áp dụng cho… mẹ nữa. Thi thoảng mẹ tớ cũng khóc nhè đấy và tất nhiên là tớ sẽ ở cạnh làm cho mẹ vui trở lại. Tớ cũng được mẹ dặn rằng, đàn ông mà đi bắt nạt phụ nữ là xấu, rất xấu. Nhìn xem nhé, con trai bao giờ tay chân cũng to và thô hơn, trong khi đó tay con gái thì mảnh mai, yếu ớt. Nếu mình dùng sức lực để làm đau những bàn tay đó thì không nên chút nào. Cũng từ đó tớ hiểu vì sao đàn ông được coi là “phái mạnh”, từ “mạnh” không chỉ có nghĩa khỏe hơn, mạnh mẽ hơn về thể chất mà bởi vì đàn ông luôn có nhiệm vụ che chở cho phụ nữ. Oai ghê! Các bạn cứ để ý trong phim mà xem, các siêu nhân hầu hết là nam.