Tớ luôn ngưỡng mộ bố. Trước hết bởi bố rất đam mê khoa học. Sự cần cù, say mê đọc sách, “nghiên cứu khoa học” mà tớ có được như bây giờ là do ảnh hưởng từ bố. Bố tớ đã ngồi vào bàn làm việc là quên ăn luôn. Tớ cũng hệt như vậy. Tớ có thể nghe đĩa hoặc làm bài tập tiếng Anh cả buổi mà không biết chán. Cũng vì tập trung cao độ trong lúc học mà tớ đã gặp một chuyện rất đáng nhớ.
Chả là hôm đó, mẹ đi vắng, trước khi đi mẹ có dặn: “Hôm nay bà ngoại lên chơi, con nhớ để ý khi nào bà gọi thì xuống mở cửa cho bà nhé.” Tớ vâng dạ rồi ngồi vào bàn học mải mê suốt sáng mà quên hết lời mẹ dặn. Gần 12 giờ, tớ khoan khoái xuống bếp chuẩn bị ăn trưa. Đến tầng 1, mới tá hỏa thấy bà ngồi phệt trước cửa, bộ dạng rất chi là mệt mỏi. Bà nói, bà đã lên từ lúc 9 giờ, bấm chuông và gọi cửa khản cả tiếng mà tớ không nghe thấy. Tớ vội vàng mở cửa, miệng rối rít xin lỗi bà. Bà ngoại tuy mệt nhưng vẫn xí xóa vì biết tớ mải học nên không nghe thấy. Tớ ân hận và thương bà quá nhưng may là bà hiểu và không giận gì cả. Ôi chà...
Ngay từ khi tớ còn nhỏ xíu, bố đã dạy tớ đức tính kiên nhẫn, chỉn chu, khi làm việc gì thì phải làm thật nghiêm túc. Tuy nhiên, thời gian đầu tớ cũng chểnh mảng lắm, hễ ngồi vào bàn học là hay nhăn nhó: Bố ơi, con đi vệ sinh ạ. Hay Bố ơi, con mệt ạ. Tệ hơn nữa là: Bố ơi con đau bụng ạ. Và thế là, tèn tén ten, tớ sẽ chui vào nhà vệ sinh ngồi ở đó ít nhất cũng chừng 15 đến 20 phút. Ra bàn học ngồi thêm được một lát, điệp khúc đau bụng ấy lại bắt đầu. Mới đầu thì bố chỉ cười, sau rồi bố giao hẹn: Trước khi vào giờ học bài, mọi nhu cầu vệ sinh, nước uống... phải được giải quyết triệt để. Đã ngồi vào bàn học, bố sẽ không “giải quyết” bất kì lời đề nghị nào nữa.
Thời gian học liên tục ban đầu là 30 phút, sau cứ tăng dần lên thành 1 tiếng, 1 tiếng rưỡi. Không chỉ có thế, bố còn cho tớ biết những điểm bất lợi khi mình đang học mà cứ liên tục đứng lên ngồi xuống. Khi đó chúng ta không thể hoàn toàn tập trung được vào bài học, hiệu quả việc học vì thế cũng giảm đi nhiều.
Theo bố, mỗi lần học bài được chia thành ba giai đoạn giống hệt như cách mình đi một cái xe máy vậy.
Giai đoạn đầu tiên là khởi động để nổ máy. Đó là khi trí óc mình bắt nhịp với những kiến thức mới, hơi khó khăn một chút vì cần phải hướng toàn bộ sự chú ý đến những nội dung cần học, đồng thời nhớ lại những kiến thức cũ để xâu chuỗi với kiến thức mới.
Giai đoạn thứ hai là chuyển bánh. À, giai đoạn này thì vi vu rồi. Kiến thức bắt đầu “chạy” trong đầu bạn một cách trơn tru. Bạn sẽ được nhìn ngắm, được phiêu bồng, được chu du trong thế giới của những con chữ. Bạn sẽ phát hiện ra nhiều điều mới mẻ, thú vị. Tất nhiên là cũng căng thẳng lắm, giống như khi đi xe phải tập trung đi đúng luật giao thông, điều khiển khéo léo để tránh các phương tiện khác vậy. Bạn phải giữ cho “tay lái” của mình thật vững vàng, điều khiển thật khôn ngoan.
Và giai đoạn thứ ba, bạn giảm tay ga để về đích. Nghĩa là bạn bắt đầu thở ra những hơi nhè nhẹ, nhớ lại, khắc sâu những kiến thức đã học và mỉm cười khoan khoái. Bạn thấy đó, nếu chia việc học thành ba giai đoạn thì việc chúng ta đứng lên ngồi xuống khi học chẳng khác gì đang đi, chúng ta tự nguyện lao xuống những ổ gà và thế là xe chết máy, ta lại quay về bước khởi động và xem chừng đường đến đích vì thế sẽ xa và mệt mỏi lắm.
Bằng sự so sánh, ví von ấy của bố, tớ hiểu ra ngay. Tớ bắt đầu tập cho mình thói quen ngồi yên mỗi khi học bài. Không những thế, để củng cố tinh thần cho tớ, bố còn viết một số câu nói vui vui, ngồ ngộ dán trên tủ sách cạnh bàn học, chỉ cần liếc mắt, tớ đã thấy ngay. Kiểu như thế này:
Sắp đến đích rồi! Cố lên anh bạn.
Đừng rời khỏi vị trí khi bạn chưa “chiến đấu” xong.
Không phải là bạn đang ngọ nguậy trên ghế đấy chứ?
Các bạn thấy có buồn cười không? Còn tớ, mỗi lần nhìn thấy những dòng chữ ấy lại tự nhiên bật cười và nhủ thầm: Cố lên thôi! Chắc hẳn thấy tác dụng của những mẩu giấy này nên bố thường xuyên thay đổi. Vài hôm lại bóc đi, thay vào một vài câu mới toanh, câu nào câu nấy rất buồn cười.
Trong thời gian rèn việc học hành của tớ đi vào nề nếp, bố cũng thường xuyên kể những câu chuyện về quá trình rèn luyện đức tính kiên trì, sự kiên nhẫn, bền bỉ. Chẳng hiểu bố sưu tầm ở đâu mà có bao nhiêu là truyện về các tấm gương kiên trì vượt khó, vượt lên những cám dỗ, vượt lên chính bản thân mình để thành tài. Tớ nghi là bố còn tự sáng tác ra nữa ấy, nhưng không sao, trong giai đoạn tớ còn non nớt thế, những câu chuyện ấy có một sức mạnh lớn lao. Nó giúp tớ có thêm nhiều nghị lực. Mỗi khi nản lòng, tớ nghĩ đến những tấm gương ấy và ngay lập tức quay về với công việc còn dang dở.
Tuy nhiên, nói thật là không phải lúc nào mình cũng có thể thắng nổi sức hấp dẫn của việc được đứng dậy, đi lại, đọc truyện, xem ti vi đâu. Nhiều bài vở hơi khó nhằn, tớ cũng ngại làm lắm.
Tớ nhớ vào những năm đầu cấp tiểu học, cô giáo luôn giao nhiệm vụ phải viết hàng trang vở theo chữ mẫu của cô. Mà càng viết dài, chữ tớ càng xấu đi. Giá các cô chỉ cho viết khoảng 5 dòng thì hợp lý hơn. Ấy là tớ nghĩ vậy nhưng đã là bài tập về nhà thì không thể không làm. Trong lúc viết, tớ quên là mình đang ở “giai đoạn” nào, chỉ mong nhanh chóng kết thúc hoặc bỏ vở đó chạy ù đi chỗ khác.
Những lúc thấy tớ nhăn nhó, bố nhanh chóng chuyển “chiến thuật”. Bố lại gần, không hề phàn nàn về những dòng chữ không được đẹp đẽ cho lắm trong vở, bố rủ tớ cùng chơi một trò chơi nho nhỏ nào đó nhưng với điều kiện là vẫn phải ngồi yên ở bàn học. Ví dụ, hai bố con sẽ chơi trò vật tay chẳng hạn. Tay bố tớ rõ to nhưng không phải lúc nào bố cũng thắng đâu nhé vì tớ được dùng hai tay, thậm chí đu cả người lên nữa. Bố thường phùng má, hét rất to: Dôôôô nhưng lại đổ ụp người lên tớ chịu thua. Cả hai bố con cười vang nhà. Cũng có những trò chơi rất nhẹ nhàng như chơi bắn nịt. Bố chuẩn bị mỗi người khoảng 10 dây nịt. Hai bố con sẽ dùng tay búng nhẹ sao cho nịt của người này chồng lên nịt của người kia thì sẽ được “ăn”. Tay tớ nhỏ nên có lợi thế hơn, chẳng như tay bố, vừa búng một cái, dây nịt đã văng đi xa tít, lại phải lọ mọ đi tìm. Những trò chơi vui vui như thế làm tớ vô cùng hứng khởi và kì diệu là chơi xong, tay thấy đỡ mỏi, cảm giác như mình vừa được tiếp thêm năng lượng mới, có thể quay lại với việc học một cách dễ dàng. Bố thật tài!
Bố còn một chiêu khác nữa để dụ tớ ngồi yên trong khi học bài là trò chơi có tên Sóc ở trong hang. Trước khi thống nhất tên của trò chơi này, hai bố con đã bàn bạc với nhau rất nhiều. Bao nhiêu cái tên được đặt ra, nào là: Trong vòng tròn, Đừng đè vạch phấn rồi Hầm trú ẩn... nhưng cuối cùng, cái tên Sóc ở trong hang đã được chọn. Nội dung trò chơi như sau: Trước buổi học, bố ngắm nghía kĩ lưỡng vị trí tớ ngồi, cách tớ để chân khi viết, sau đó bố sẽ lấy phấn trắng, khoanh một vòng tròn quanh vị trí để chân ấy. Bố quy định, nếu trong buổi học, tớ không chạm vào làm mờ vạch phấn hoặc để chân ra ngoài vạch phấn thì cuối buổi tớ sẽ có phần thưởng. Chà chà, tưởng dễ mà khó lắm đấy các bạn nhé. Chúng mình thường có thói quen khi mỏi mệt sẽ vặn vẹo người thậm chí nhảy ra khỏi ghế. Có trò chơi này, tớ luôn giữ mình ở một tư thế đúng nhất cho khỏi phạm luật. Bố gọi hai chân tớ là “chân sóc” (tất nhiên rồi vì chúng nhanh thoăn thoắt như sóc) còn vòng tròn là “hang”. Con sóc phải nằm trong hang chờ đợi sóc bố đi về, nếu ló mặt ra ngoài là nguy hiểm ngay. Tớ cố giữ cho hai “chân sóc” nằm im chờ “sóc bố” ra tín hiệu. Khi nào bố reo lên: “Sóc bố về rồi” cũng có nghĩa là hết giờ học quy định, tớ sẽ “nhảy ra khỏi hang” ôm chầm lấy bố. Bố ôm tớ cười khoan khoái, khen chú sóc ngoan ngoãn nằm im chờ bố về, vượt qua được “nguy hiểm”. Trò chơi này giúp tớ ngồi học đúng tư thế, không vẹo vọ, không nôn nóng mà lại rất vui.
Chỉ trong một thời gian ngắn, từ lúc bắt đầu đi học đến hết học kì I lớp 1, tớ đã học được thói quen nghiêm túc, kiên nhẫn trong học tập. Thật là một niềm vui lớn đối với tớ và chắc chắn đối với cả “người quản trò” thú vị là bố nữa.
Dần dần, mỗi giờ học đối với tớ trở nên nhẹ nhàng hơn. Sau khi đã bỏ được thói quen chạy đi chạy lại trong giờ học, bố bắt đầu dạy tớ cách khám phá những điều mới mẻ trong mỗi giờ học. Không phải là bố dạy tớ cách làm bài đâu, việc ấy tớ tự giải quyết, bố chỉ dạy cách làm cho kiến thức đang học trở nên thú vị thôi.
Ví dụ, bạn phải viết rất vất vả đúng không, bài viết cũng tẻ nhạt, chán òm. Thế là bố sẽ ra tay. Trong khi tớ viết, bố bật một điệu nhạc thật du dương. Bố nói, nghe xong bản nhạc này, đảm bảo tớ sẽ viết xong. Không những thế, sau khi viết xong, bố còn kể cho tớ nghe một câu chuyện hấp dẫn liên quan đến bản nhạc đó nữa. Tớ mê nghe chuyện, nên cố gắng hoàn thành bài viết cẩn thận, đúng thời gian quy định. Lúc đó, các con chữ trở nên đáng yêu hơn vì như bố nói, chúng chính là cầu nối đưa tớ đến với niềm vui âm nhạc. Làm gì có ai đi qua một cây cầu mà lại không yêu mến cây cầu đó, phải không nào?
Với việc học tiếng Anh cũng vậy, ban đầu, tớ phát âm rất dở. Bố dạy tớ kiên nhẫn luyện tập theo băng. Cả hai bố con cùng ngồi trước một cái đài, bật băng lên, nghe từng câu, từng từ. Bố chăm chú nhìn vào mặt tớ như thể đang xem một bộ phim thật hấp dẫn. Bố nhìn chăm chú đến nỗi nhiều khi tớ phải bật cười. Bố bảo bố muốn “chụp” lại cái miệng xinh xắn của tớ mỗi khi tớ phát âm. Điều đó khiến tớ ý thức hơn với “cái miệng” của mình. Tớ không muốn lưu lại những bức ảnh xấu xí trong đầu bố. Mỗi khi tớ phát âm chuẩn xác, bố lại cười thật to, thật sảng khoái như thể bố chính là người vượt qua được thử thách vậy. Cứ thế, tớ thấy vui hơn và dần dần không còn ngại với việc luyện nói nữa.
Để củng cố thêm đức tính kiên nhẫn cho tớ, bố còn sưu tầm các đĩa phim nói về những tấm gương kiên trì trong học tập, rèn luyện. Nhiều khi hai bố con cùng đến rạp xem phim. Tớ ấn tượng nhất với bộ phim King’s Speech (sau này, tớ đã lấy nhân vật chính trong phim này làm nhân vật trong bài luận tiếng Anh với chủ đề: Nói về nhân vật có ảnh hưởng nhất đối với em. Bài luận đó đã được giải trong kì thi viết bài luận tiếng Anh). Trong phim, người đàn ông đã khắc phục tật nói lắp của mình và trở thành một nhà diễn thuyết có ảnh hưởng rất lớn đến mọi người. Tất cả chỉ nhờ việc chịu khó rèn luyện, miệt mài vượt qua khó khăn, thử thách. Những bộ phim như thế luôn lấp lánh trong lòng tớ như những ngọn đèn nho nhỏ, soi rọi mỗi lúc tớ “lạc đường”, mất phương hướng hoặc chán nản, uể oải. Tớ hiểu rằng, nếu mình kiên nhẫn, mình sẽ chiến thắng, trước tiên là chính bản thân mình.
Không chỉ trong học tập, bố còn rèn luyện cho tớ đức tính kiên nhẫn trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống. Đặc biệt là kiên nhẫn trong giao tiếp. Sự rèn luyện thường xuyên, liên tục, tỉ mỉ của bố đã giúp tớ có được những kĩ năng giao tiếp quan trọng để bước vào tuổi teen.
Bạn sẽ ngạc nhiên, sao giao tiếp lại cần kiên nhẫn? Theo như giải thích của bố, để thành công trong giao tiếp, người ta cần phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản, ví dụ như: nguyên tắc tôn trọng thể diện của người giao tiếp, nguyên tắc luân phiên lượt lời, nguyên tắc lắng nghe... Chính những nguyên tắc này đòi hỏi mình phải kiên nhẫn.
Khi nói chuyện, nếu mình cứ thao thao bất tuyệt, không chịu nghe người khác thì quả là một điều không hay. Bạn phải chờ đến lượt mình, phải biết tôn trọng và lắng nghe người đối thoại. Nói thì dễ thế thôi, nhưng trong một số trường hợp hoặc với một số tính khí thì điều này cũng khó thực hiện lắm đấy. Như tớ chẳng hạn, tớ vốn nói nhiều, hay lanh chanh như con chích chòe. Mẹ thấy thế cũng vui nhưng bố lại muốn tớ điềm tĩnh, chững chạc, cho ra dáng một người đàn ông.
Bố dạy tớ cách lắng nghe bằng chính việc hai bố con nói chuyện với nhau. Bây giờ nhớ lại những “bài tập” ấy thấy buồn cười lắm nhưng hồi đó, tớ bị cuốn hút vào nó và thích mê. Bố cùng lên lịch với tớ, tớ tự nhận một số buổi tối là son’s night và những buổi còn lại của bố là dad’s night.
Với những buổi son’s night tớ sẽ được quyền nói thỏa thích những gì mình muốn, bố chỉ ngồi lắng nghe, thi thoảng mới bình luận một vài câu hoặc cười thật to với những điều hài hước. Tớ thích mê những buổi tối như thế này, tớ nằm gác chân lên bụng bố và kể chuyện trường, chuyện lớp học, chuyện con mèo đi lạc, chuyện học bơi, chuyện thèm ăn pizza... nói chung là tất tần tật. Vui ơi là vui. Kể chuyện linh tinh theo cách của mình mà có người nghe chăm chú, có khán giả nhiệt thành thì vui quá còn gì.
Nhưng những buổi dad’s night thì lại khác, tớ sẽ phải lắng nghe những câu chuyện của bố. Ôi chà, toàn những chuyện đâu đâu, nào là chuyện thời sự trong nước, quốc tế, chuyện tình yêu của bố (dài bất tận luôn), chuyện xăng dầu tăng giá, chuyện kẹt xe, tắc đường, chuyện cơ quan, chuyện khi bố về già sẽ thế nào... nói chung những chủ đề mà tớ chẳng hứng thú gì. Khi đó, tớ thường ngọ nguậy, nhăn nhó, mau chóng để bố kết thúc những câu chuyện của mình. Mà bố dường như không để ý nên cứ con cà con kê, bò bê dê ngỗng hết gần đến xa. Tuy sốt ruột nhưng tớ không được ngắt lời, không được nói chen ngang, không được làm việc khác. Quy ước đã ngoắc tay rồi, nếu làm sai tớ sẽ bị phạt ngay. Thế là tớ đành phải lắng nghe.
Trò chơi này diễn ra chừng 2 tuần thì tớ chán. Khi đó bố mới nói: thực ra bố chơi trò chơi đó là để rèn cho tớ sự kiên nhẫn lắng nghe. Khi nói chuyện, có thể có lúc mình không thích những chủ đề người khác đang nói nhưng nếu mình cắt ngang thì thật không lịch sự chút nào. Cần khéo léo chuyển sang chủ đề khác mà không làm phiền lòng họ. Mặt khác, nếu mình thực lòng biết lắng nghe, người đối thoại sẽ cảm nhận được sự đồng cảm, chân thành, tìm thấy ở mình sự tin cậy và hơn nữa, nếu đó là những tâm sự cần sẻ chia thì chỉ riêng việc mình nghe chăm chú đã giúp người đó giải tỏa căng thẳng trong lòng rồi. Khi ấy, mình đúng là người bạn tốt.
Sau này, tớ đã áp dụng cách làm đó trong nhiều trường hợp, ví dụ, với mẹ tớ chẳng hạn. Mẹ thi thoảng cũng có những nỗi niềm. Tớ ngồi xuống bên cạnh, nhìn vào mắt mẹ và nói: Mẹ kể cho con nghe đi. Mẹ tớ sẽ kể và tớ chỉ im lặng lắng nghe. Tớ cũng chẳng đưa ra được lời khuyên nào nhưng sau khi kể cho tớ nghe xong, mẹ vui vẻ hẳn. Hihi, thế là tớ áp dụng thành công “chiến lược” giao tiếp bố dạy rồi. Kiên nhẫn trong giao tiếp giúp mình trở nên dễ thương hơn khi nói chuyện, các bạn nhớ điều này nhé.
Như các bạn đã biết, tớ rất mê đọc sách. Tớ có thể ngồi nghiền ngẫm những cuốn sách to và dày suốt cả buổi mà không biết chán. Cũng nhờ đọc sách mà vốn kiến thức xã hội của tớ tăng lên đáng kể. Tớ có thể bàn luận về các chủ đề khoa học, tâm lý học thậm chí cả triết học, tôn giáo nữa. Điều này giúp tớ ghi điểm trong các kì thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Nhưng không phải ngay từ ban đầu, tớ đã thích đọc sách và kiên nhẫn trong việc đọc sách đâu. Tớ thường chỉ đọc lướt qua hoặc đọc trang đầu rồi dở ngay đến trang cuối với những quyển sách dày hoặc sách thuộc thể loại văn học. Bố cho rằng, nếu chỉ đọc như vậy, tớ sẽ bỏ qua những áng văn tả cảnh hay tuyệt vời cũng như sẽ lướt qua những trang miêu tả hành động, tính cách độc đáo, sống động, giàu hình tượng chỉ có trong các tác phẩm văn học. Thế là bố bắt đầu dùng “chiêu trò”. Có rất nhiều “chiêu” lạ nhưng tớ chỉ còn nhớ được một vài cách mà bố thường dùng:
Đầu tiên là việc tìm chữ trong sách: Cả một quyển sách dày, bố cẩn thận đánh dấu bằng bút màu một số chữ. Xong xuôi, bố ghi lại những con chữ đó ra một tờ giấy nhỏ. Bố gọi đó là “mã số kho báu”. Nhiệm vụ của tớ là phải đọc cả quyển truyện rồi cũng ghi lại những chữ đã được bố đánh dấu đó. Sau khi đọc xong, hai bố con đem khớp lại, nếu “mã số” trùng nhau thì tớ sẽ được thưởng, “kho báu” chính là gói sô cô la nằm trong tủ lạnh.
Khà khà, tớ khoái trò này lắm. Tớ có cảm giác mình giống hệt như cậu bé trong truyện Đảo giấu vàng phiêu lưu đi tìm kho báu. Cũng có khi quá nôn nóng đến với kho báu, tớ lật nhanh từng trang để tìm luôn các chữ có đánh dấu nhưng bố tớ phát hiện ra ngay. Bố chỉ cần đặt một vài câu hỏi có liên quan đến một số chi tiết trong truyện mà tớ không trả lời được là: game over luôn. Không có cách nào khác, tớ ngồi cần mẫn đọc và ghi. Trong lòng phấp phỏng vừa mừng vừa lo. Mừng vì nghĩ đến “kho báu”, lo vì không biết những câu hỏi bố đặt ra có khó nhằn không.
Cách thứ hai bố cũng hay áp dụng là khuyến khích tớ vừa đọc vừa dừng lại để ghi chi tiết vào sơ đồ mà bố đã vẽ sẵn trước đó. Ví dụ nhé: với câu chuyện Dế mèn phiêu lưu kí chẳng hạn, bố để sơ đồ:
Các nhân vật chính trong truyện:...
Dế mèn đã có những chuyến phiêu lưu cùng:...
Dế mèn đã gặp những nguy hiểm gì:...
Dế mèn đã giúp những người bạn nào:...
Cứ đọc đến đâu, tớ lại bổ sung vào sơ đồ đến đó. Bố khéo tay nên những sơ đồ đó thường đẹp và vui mắt vì thế tớ không cảm thấy chán nản mỗi khi dừng lại để ghi thêm vào sơ đồ. Sơ đồ được hoàn thành cũng là khi tớ đọc xong truyện và tèn tén ten, gặp bố để lấy quà thôi.
Dần dần, những quyển sách có sức hấp dẫn với tớ. Mỗi lần đọc sách, tớ như được sống trong một thế giới khác. Lấp lánh, rực rỡ, dạt dào cảm xúc và tràn ngập niềm tin yêu. Tớ thích được cùng các nhân vật bước vào những cuộc hành trình. Nhờ có sách, tớ học được những bài học tuyệt vời và cũng nhờ đó, tớ thấy mình lớn hơn, trưởng thành hơn qua mỗi ngày. Các bạn thấy đó, nếu ngay từ ban đầu không kiên nhẫn đọc theo cách hướng dẫn của bố, có thể tớ sẽ bỏ mất những cơ hội được tiếp cận với những cuốn sách quý - những người thầy lớn của mình.
Không chỉ dạy tớ kiên nhẫn trong việc học, việc đọc, việc nói năng, giao tiếp, để tớ tập trung hơn trong quá trình chơi và học, bố tớ còn nghĩ ra những trò chơi thú vị mà cũng khó lắm các bạn nhé.
Trò chơi xâu hạt các bạn đã chơi bao giờ chưa? Dụng cụ của trò chơi này đơn giản thôi, bao gồm một sợi dây cước dài và những hạt nhựa có đục lỗ như kiểu những hạt vòng. Nhiệm vụ của người chơi là phải luồn những hạt đó vào dây để tạo thành một sợi “dây chuyền”. Bố khuyến khích làm sợi dây để tặng mẹ nên tớ hăng hái lắm. Khổ cái là tay tớ vốn lóng ngóng, vụng về, có khi cầm hạt lên tay thì nó lại lăn tròn và biến mất trong gậm giường, gậm ghế. Tớ lại phải xoay đi tìm. Cái lỗ để xâu nhỏ tí mà sợi dây thì mềm và mảnh, mỗi lần luồn được sợi dây qua là một lần toát hết cả mồ hôi. Tớ nản lắm, chỉ xâu mấy hạt là đã muốn bỏ rồi.
Biết thế, bố tớ thường ngồi bên. Bố chỉ tớ cách làm thế nào để xâu được nhanh. Ví dụ, khi cầm hạt, không cầm cả năm ngón tay mà chỉ cầm bằng hai ngón thôi. Giơ hạt lên cho ngang tầm mắt rồi nhẹ nhàng luồn dây qua. Vừa nói bố tớ vừa làm mẫu. Bố bảo tay bố to vì ngày xưa bố phải làm việc cực nhọc, các ngón tay thô ráp, cứng quèo. Tuy nhiên, không vì thế mà bố không làm được những việc tỉ mỉ này. Ngày trước nhà nghèo lại phải sớm tự lập nên bố thường xuyên phải tự vá quần áo. Những miếng vá phải làm sao cho thật đẹp, thật khéo để người khác nhìn vào khó nhận ra. Bố bảo không phải cứ là con trai thì không làm được những việc cần đến sự khéo léo của con gái đâu.
Vừa hướng dẫn, bố vừa kể những chuyện cảm động như thế làm tớ thấy tinh thần mình cũng phấn chấn hơn. Để bớt chán nản với trò chơi này, bố thường ngồi cạnh đọc truyện cho tớ vừa nghe vừa xâu hạt. Những lúc ấy, tớ dường như quên hết khó khăn bởi được bố đọc truyện cho nghe là niềm vui không gì sánh bằng. Với giọng đọc trầm ấm, bố có cách biểu cảm rất đặc biệt. Tớ cảm giác, bố có cách biến mỗi câu chuyện thành những sự việc sống động hiện ngay ra trước mắt. Cứ thế, tớ đắm chìm trong những câu chuyện và xâu xong chuỗi hạt lúc nào không hay. Mỗi khi tớ hoàn thành một chuỗi hạt, bố lại treo lên cửa sổ và không quên đính kèm một tờ giấy ghi ngày thực hiện rồi thời gian hoàn thành. Như thế, khi nhìn vào, tớ dễ so sánh xem cùng một công việc, khi nào mình thực hiện nhanh hơn.
Được khoảng 5, 6 dây, bố luồn chúng vào một sợi dây ruy băng màu đỏ và ghi bên ngoài: Con trai Nhật Nam tặng mẹ rồi đặt lên giường ngủ của mẹ vào những đêm khuya. Khi tỉnh dậy, mẹ đã có một món quà đặc biệt để chào ngày mới. Nhìn thấy được thành quả mình làm ra nên tớ vui lắm. Tớ đã tự nguyện xâu hạt mà không cần bố ngồi cạnh đọc truyện. Ngồi xâu hạt, tớ cũng có thời gian để phiêu lưu trong thế giới của mình. Thú vị lắm các bạn ạ.
Tay mình làm nhưng đầu óc mình hoàn toàn thanh thản và nghĩ đến những cuộc chu du của gió, của mây, của thỏ, của nai... tất cả những gì mà mình có thể nghĩ ra được. Và như thế, trò chơi này không chỉ hướng mình đến sự kiên nhẫn, không chán nản bỏ cuộc mà còn làm cho đầu óc mình được thảnh thơi. Ngay cả giờ đây, mỗi khi mệt mỏi hoặc có chuyện gì buồn, tớ lại ngồi xuống và xâu hạt, lại thấy lòng mình nhẹ nhõm, thơ thới.
Những chuỗi hạt ngày xưa vẫn còn treo đầy trên cửa, ghi dấu ấn những kỉ niệm ấu thơ của tớ. Mỗi hạt trên chuỗi như một con mắt mở to nhìn trời xanh qua khe cửa. Hẳn chúng đang kể cho nhau nghe về một anh bạn to béo, dù đôi bàn tay vụng về nhưng bằng sự kiên nhẫn đã đem chúng về gần nhau, để chúng được ở bên nhau mãi mãi. Trò chơi xâu chuỗi hạt dạy tớ biết kiên nhẫn để hoàn thành một công việc dù công việc đó không phải sở trường của mình, quan trọng hơn là đem lại niềm vui cho mẹ và cho cả những “em hạt” bé nhỏ nữa. Khi đọc đến đây, bạn hãy đi tìm cho mình những nguyên liệu cần thiết và ngồi xuống xâu hạt, thử xem những lời tớ nói có đúng không.
Còn nhiều trò chơi khác kiểu này nhưng tớ không nhớ hết. Khi đã lớn bằng chừng này, nghĩ lại những trò chơi đó, tớ vẫn có cảm giác thú vị và ấm áp vô cùng. Bằng những trò chơi giản đơn nhưng không kém phần thú vị, bố đã dạy tớ những bài học về sự kiên nhẫn một cách thật nhẹ nhàng. Không chỉ có thế, những bài học đó còn là một phần kỉ niệm tuổi thơ. Nơi ấy có sự âu yếm, gần gụi, sẻ chia của tình cha con. Trò chơi nào cũng lấp lánh nụ cười của bố, chút nheo mắt, cái cốc đầu nhẹ nhàng, tiếng vỗ tay, những lời động viên khích lệ. Thật vui biết bao!
Từ những trò chơi nho nhỏ ấy, tớ hiểu và luôn tự nhủ cần phải nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn khi thực hiện một công việc gì đó. Tớ biết kiên nhẫn để không bỏ cuộc, không dừng bước, không ngại khó. Tất nhiên không phải lúc nào tớ cũng kiên nhẫn trước tất cả mọi việc. Nhưng, e hèm, bố nói tớ mới chỉ đang trong giai đoạn hoàn thiện thôi mà, những sai sót đó hoàn toàn có thể sửa chữa.