Bố dạy tớ những bài học về tình yêu thiên nhiên
Thiên nhiên luôn là người bạn quý đối với tất cả chúng ta. Tớ cho rằng, nếu cuộc sống của con người không đồng hành cùng thiên nhiên thì sẽ buồn tẻ lắm. Bạn thử để ý mà xem, mỗi khi buồn, bạn chỉ cần ngồi ngắm mây trời trôi lãng đãng, nghe tiếng chim hót ríu ran, cảm nhận làn gió nhè nhẹ thổi, thế là đã thấy dễ chịu hơn nhiều.
Ngay từ nhỏ, tớ đã được bố dạy cách yêu và trân trọng thiên nhiên. Đây có lẽ sẽ là bài học dài nhất vì tớ đã được học từ khi còn nhỏ xíu đến bây giờ và tớ tin là mãi tận sau này nữa. Được trải lòng cùng thiên nhiên vạn vật và được thiên nhiên cỏ cây ưu ái là những bài học rất vui với tớ. Vui đến nỗi tớ luôn ước ao hoặc nghĩ cách làm thế nào để tất cả các kiến thức khó nhằn trong trường đều biến thành những bài học kiểu như thế này.
Trong những câu chuyện bố kể, chiếm thời lượng nhiều nhất, “phát sóng khung giờ vàng” là những chuyện về thời thơ ấu của bố. Lời bố kể mở ra trước mắt tớ một tuổi thơ “dữ dội” nhưng không kém phần thi vị của bố với cả một không gian làng quê thanh bình trong khung cảnh thiên nhiên trong trẻo và rộn rã đến vô ngần.
Tớ thích cách bố miêu tả về những dãy núi trập trùng, miên man ẩn giấu bao bí mật và cả dòng sông hiền hòa yên ả nơi quê nội. Dòng sông quê chầm chậm chảy, dùng dằng như vừa muốn trôi ra biển vừa muốn ngoái lại để chờ xem bọn trẻ con trong làng lớn lên như thế nào. Tớ mê mẩn với những đồng lúa vàng ươm, những bãi cỏ mượt mà, những nương chè xanh ngắt trên mảnh đất nghèo vùng chiêm trũng quê ấy.
Những tối khuya, nằm vắt chân lên bụng bố, tớ được thỏa sức tưởng tượng, thỏa sức bay nhảy, thỏa sức hồi hộp theo từng lời bố kể. Cái không khí âm u, kì bí trong những bụi tre, những ông thần thành hoàng làng uy nghi mà linh ứng, những “con ma” nấp trong bụi mây, trong những cây đa sừng sững cạnh miếu làng… tất cả sống động trong lời kể của bố khi dặt dìu khi trầm bổng.
Không chỉ phác họa cảnh thiên nhiên ở quê bằng lời kể, bố còn thường xuyên cho tớ về quê. Bạn thích về quê mùa nào nhất? Tớ thích nhất là mùa hè. Mùa hè ở quê hấp dẫn tớ bằng cảnh vật, bằng nhiều trò thú vị, lãng mạn. Tớ có cảm giác, dường như nắng ở quê vàng và trong hơn nắng ở thành phố. Nhiều lần tớ đứng ngẩn ngơ giữa chiều ngập nắng rồi tự hỏi: Ai đã pha thêm màu vàng mà nắng ở đây rực rỡ đến vậy? Phải chăng, vàng hơn, tươi tắn ấm áp hơn là do nắng được cộng hưởng thêm màu vàng của lúa chín rộ. Đứng trước thảm lúa vàng rực bạn sẽ lẫn, không biết đâu là nắng, đâu là lúa.
Về quê mùa hè, một điều không kém phần thú vị nữa là được tắm mình trong gió trời lồng lộng. Gió ở quê luôn lộng và mát hơn ở thành phố. Nhà ông bà nội tớ ở sát ngay dãy núi làng. Chỉ cần ra khỏi nhà, lên lưng chừng núi vào mỗi buổi chiều tà là gió mát thôi rồi. Chiếc điều hòa khổng lồ dường như đặt sẵn trong triền núi tỏa ra những hơi mát tự nhiên, dễ chịu chứ không phải kiểu mát nhân tạo như điều hòa mà bạn vẫn dùng trong nhà.
Về quê, không chỉ được sống lại những hồi ức tuổi thơ của bố, tớ còn được trải nghiệm những gì bố đã trải qua. Ví như tớ được tắm sông. Ban đầu tớ cũng sợ lắm. Khác hẳn với cảm giác tắm ở bể bơi. Sông ở quê không có chỗ xuống nên muốn tắm phải nhảy ùm từ trên bờ. Chao ôi là sợ. Tớ không biết lòng sông sâu, nông chừng nào nên bố phải động viên và nhiều lần làm mẫu, tớ mới dám liều mình nhảy ào xuống.
Nước sông mát mẻ, hiền hòa. Nhiều lần hai bố con rủ nhau lặn xuống để tìm rêu. Những sợi rêu trơn nhẫy bóng nhượt. Bố nói, rêu này có thể làm thức ăn cho lợn vì thế hồi nhỏ, bố thường phải ngụp xuống, mò rêu đem về thái nhỏ rồi trộn với cám nấu cho lợn ăn. Công việc đó vất vả lắm chứ chẳng hề vui vẻ, lãng mạn gì vì ngày nắng còn đỡ chứ ngày mưa lạnh thì khổ vô cùng. Có khi lặn ngụp vớt được rổ rêu lên đến bờ thì hai bàn tay tím nhợt, môi va vào nhau lập cập, người lạnh run đến mức tưởng như không thể đứng vững. Vậy mà vẫn phải cố thôi. Bạn nhỏ nào ở quê cũng phải làm những công việc nhọc nhằn như thế.
Tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương qua những lời kể của bố, qua những lần về quê thả hồn cùng đồng bãi vì thế mà cứ lớn dần lên trong tớ. Ngoài sách vở, vượt khỏi bê tông nhôm kính và những chen chúc ồn ào chốn phố phường, bố luôn hướng tớ đến với cỏ cây, khí trời, hoa lá. Bố luôn nhắc nhở “vạn vật hữu linh”, cần phải học những điều mà mẹ thiên nhiên truyền dạy.
Nhiều lần, hai bố con thường chơi trò chơi đi chân trần trên cỏ. Đơn giản thôi, tìm một bãi cỏ trong công viên chẳng hạn, hai bố con sẽ tháo giày, giẫm nhè nhẹ lên cỏ để cảm nhận những nhánh cỏ chạm vào lòng bàn chân khe khẽ. Những lúc như thế, bố dạy tớ cách im lặng để nghe lời chuyện trò của cỏ truyền qua chân mình. Bố nói phải thật tĩnh tâm mới nghe được tiếng cỏ đang cựa mình thức dậy từ lòng đất. Nghe lời giọt sương đêm mát lạnh hiền hòa đậu trên đầu ngọn cỏ. Nghe tiếng của màu xanh xôn xao, xôn xao.
Bố thường dạy tớ cách phân biệt từng loại cỏ. Có cỏ kết thành từng đám, có cỏ lại mọc từng thân, vươn cao khỏi mặt đất, càng lên cao càng cứng cáp hơn phần thân mềm yếu phía dưới. Bố nói, mỗi loại cỏ có một đời sống riêng, có sức sống mạnh mẽ cùng thời gian. Bởi vậy, ngay từ nhỏ, tớ đã biết yêu từ những loại cỏ cây nhỏ nhoi, bình dị nhất. Đó cũng là bài học về tình yêu thiên nhiên bố dành cho tớ.
Nhà tớ không được rộng lắm nhưng hễ có chỗ nào có thể trồng được cây là hai bố con tận dụng triệt để. Đôi khi trong nhà diễn ra những cuộc tranh luận khá căng thẳng xem sẽ trồng cây gì vào những bồn đất trống trên sân thượng.
Mẹ tớ luôn thích những loại cây dây leo và có hoa. Tưởng như đối với mẹ trên đời này ngoài những loài cây như hoa tầm xuân, hoa hồng leo, hoa tường vi thì không còn loại cây gì khác. Vì thế, mỗi lần bàn bạc, mẹ kiên trì với ý kiến của mình. Còn tớ với bố tớ thì rất nhiều ý tưởng, nào là hoa quỳnh, dạ hương, hoa giấy, cây lô hội, xương rồng... nói tóm lại là tất cả những loại cây mà hai bố con có thể nghĩ đến.
Bao giờ kết thúc tranh luận cũng là màn giận dỗi của mẹ, và thế là, tèn tén ten, một bụi hoa tường vi hay hồng gai được mang về. Hậu quả là do không đủ đất sống nên nó rất còi cọc hoặc chẳng bao giờ ra hoa. Nhưng lần sau lại vẫn thế, mẹ luôn giữ vững lập trường của mình và bảo vệ chúng bằng những lý do rất chi là... con gái. Nhưng có hề gì, bởi tớ hiểu, bố đang muốn biến khoảng sân thượng nhỏ nhoi trong nhà mình thành “những mảnh thiên đường”. Nơi đó ghi dấu ấn những kỉ niệm thân thương của cả nhà. Nơi đó thành một bầu trời thu nhỏ với hoa, lá, cỏ cây và đôi khi là cả những tiếng chim lảnh lót nữa. Quan trọng hơn cả, theo bố, một ngôi nhà không có sự xuất hiện của hoa lá cỏ cây thì sẽ nhạt nhẽo lắm. Nó sẽ buồn thật là buồn.
Bố dạy tớ cách quan sát sự thay đổi của các loại cây trong ngôi nhà nhỏ của mình. Vui nhất là khi có cây gì đó ra hoa. Tớ chợt hiểu, nếu mình chịu khó quan sát và sống đời sống của hoa từ lúc còn là nụ đến khi hoa khai nhụy thì dẫu cho bông hoa đó không đẹp và rực rỡ như các loài hoa thường thấy ở chợ, mình sẽ vẫn thấy nó đẹp và đáng yêu theo một cách riêng.
Tớ thích nhất loài hoa lan hồ điệp vì hoa này có tên trùng với tên mẹ. Mỗi lần có giò lan nào ra hoa, tớ thường đứng hồi lâu, ngắm nhìn sắc màu tím ngát hoặc vàng rượm của nó mà không biết người nghệ sỹ tài hoa nào đã phối màu cho lan mà hoa đẹp đến vậy. Khu vườn nhỏ xíu trên sân thượng đã là nguồn cảm hứng dồi dào để tớ viết được khá nhiều bài văn tả về cây, về hoa. Không chỉ có thế, bố thường khuyến khích tớ viết những câu chuyện về chúng nữa. Đây là một bài viết mà tớ đã “phóng bút” trong chừng 30 phút sau một hồi quan sát vườn cây của mình:
Ngày nảy ngày nay, ở một thành phố nọ có một ngôi nhà với khu vườn nhỏ đến mức số bước chân đi quanh khu vườn có thể đếm trên đầu ngón tay. Thế mà khu vườn đó vẫn gọi về khá nhiều những nàng hoa kiều diễm và đỏm dáng. Các nàng hoa tự hào vì nhan sắc của mình đến nỗi, thi thoảng có vài anh chàng chim bay qua rồi dừng lại cất tiếng ve vãn mà các nàng cũng chẳng buồn để ý. Điển hình là nàng hồng gai. Nàng mỏng manh như tơ lụa. Nàng cứ vươn cái cổ cao kiêu hãnh của mình ra hẳn ngoài ban công như tìm kiếm một hoàng tử nào đó của đời mình chứ không phải là mấy chàng chim bé nhỏ đang đứng cạnh. Cái áo khoác màu tro hồng của nàng làm cho khoảng không gian như bừng sáng và thanh sạch hẳn lên. Hẳn ý thức về vẻ đẹp của mình nên càng ngày nàng càng muốn tìm kiếm một hạnh phúc đâu đó mà không cần để ý đến những người bạn quanh mình.
Không chỉ có nàng hoa hồng gai, một số ả khác như dạ hương, mai chiếu thủy, ai cũng không ngần ngại phô diễn vẻ đẹp của mình, bất cứ lúc nào có thể. Nhỏ bé nhất trong khu vườn là đám rau húng. Ôi chao, nghe cái tên đã không thấy thơ mộng một chút nào. Sao không là đào, là lan, là mai, là hồng mà lại là húng. Đã thế, đám rau húng lại thấp tẹt, nằm sát ngay mặt đất. Theo tiêu chuẩn “chân dài” thời @ thì đúng là húng ta quá lép vế. Húng cũng chẳng có hoa mà khoe với mọi người. Trong khi các nàng hoa khác đang lúng liếng, đang hớn hở, đang tươi nhuần sắc thắm để được anh chàng mặt trời ve vuốt thì húng ta nép mình vào bóng râm của cây vạn tuế. Lá húng lại thật mỏng manh, chỉ cần một trận mưa là rách te tua. Hẳn biết thân biết phận của mình nên húng ta luôn trầm lặng, ít lời. Trong khi các nàng hoa khác ngày nào cũng ríu rít, hớn hở thì húng dường như im lặng. Đôi khi, để trêu chọc húng, nàng hoa hồng gai ngúng nguẩy lắc mình, thế là một vài chiếc lá trên người nàng rơi đầy cả vào đám húng. Những tiếng cười khúc khích trong khu vườn lại vang lên. Húng càng nép mình xuống. Tiếng ngấm nguýt vẫn lọt đến: “Xì, người đâu lại thấp lè tè, không hoa, không trái.” Những tiếng nói làm đau rát dạ húng.
Nhưng có một chuyện xảy đến thật bất ngờ.
Hôm đó, nhà có khách. Bà ngoại của cậu chủ khu vườn đến chơi. Nghe nói bà là người rất mê cây cảnh. Nhà bà cũng có một khu vườn rộng lớn với nhiều loại cây. Nghe thấy thế cả khu vườn xôn xao hẳn lên. Chúng vội vàng phô ra nét mặt tươi tắn nhất của mình. Chúng muốn được một người có “thâm niên” trong nghề cây cảnh khen tặng những lời khen có cánh trước mặt các thành viên khác trong khu vườn. Giây phút bà ngoại ghé thăm đã đến. Cậu chủ ríu ran:
“Bà ơi, bà lên thăm khu vườn của cháu đi!” Tất cả nín lặng, hồi hộp và chờ đợi.
Bà ngoại xuất hiện, mắt nhìn tươi tắn, mái tóc bạc rung rung.
Bà reo lên:
“Cu Nhím giỏi quá, trồng được bao nhiêu là cây!”
Biết ngay mà, các cây hớn hở. Chúng rì rào. Chúng xôn xao. Chúng hồi hộp.
Đặt chân đến đâu, bà ngoại mỉm cười thật tươi đến đó. Bàn tay bà mềm và nhẹ vuốt ve lên từng thân cây.
Bỗng nhiên, bà ngồi xuống, rồi thốt lên:
“Ôi chao, cu Nhím nhà ta lại còn trồng được cả đám húng nữa cơ đấy!”
Lại sắp sửa chê mình là thấp, bé, xấu xí đây. Tim húng dường như vỡ tan.
“Nhím ơi, húng này tốt lắm đấy. Mỗi khi ăn, con chỉ nên ngắt vài lá để giữ cho cây luôn xanh tốt nhé. Và nữa, khi nào con viêm họng, con có thể dùng hoa hồng hoặc dùng vài lá húng, thả vào nước sôi để uống sẽ rất tốt đấy!”
Cả khu vườn ngạc nhiên. Thì ra, húng có nhiều tác dụng thế đấy. Vậy mà từ khi nào mình chẳng biết.
Bà ngoại đã xuống nhà. Cả khu vườn vẫn còn xôn xao. Chúng cúi nhìn đám húng với ánh mắt ấm áp.
Cả nhà đang ngồi vào bàn ăn. Chắc mọi người không biết rằng, có một đám cây nhỏ trong vườn vừa được trao vào tay một niềm vui không hề nhỏ.
Các bạn thấy câu chuyện của tớ có thú vị không? Bật mí là câu chuyện này đã được đăng trên báo Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh rồi đấy. Tớ vô cùng tự hào khi thấy tên mình ở dòng: Tác giả: Đỗ Nhật Nam. Tớ còn sáng tác rất nhiều truyện như thế nữa về các loại cây quanh mình. Với mỗi truyện, bố thường cẩn thận đính kèm hình của loài cây được tả và ghi ra ngoài cả “hoàn cảnh sáng tác” nữa.
Bố còn thường tổ chức các cuộc thi nho nhỏ mà rất thú vị về cây lá, ví như thi tìm các bài thơ, bài văn nói về các loại cây. Tớ lên mạng lùng sục, tìm kiếm, hễ thấy bài nào có nói đến hoa, cây, lá là chép ngay vào một quyển sổ. Bố cũng kì công không kém. Bố lôi các loại truyện thiếu nhi từ ngày xửa ngày xưa để tìm tòi và hì hụi chép vào quyển sổ của mình. Thi thoảng, muốn biết liệu mình có thể chiến thắng được không, tớ giở trộm quyển sổ sưu tầm của bố. Hoảng hồn khi thấy bố đã sưu tầm được quá nhiều bài. Trong khi đó, vốn liếng của tớ còn quá mỏng lại chẳng tìm được gì hơn. Để cứu nguy, tớ bèn viện đến cả những bài thuốc dân gian sử dụng các loại cây cỏ. Khi so sánh kết quả, bố cười ngặt nghẽo. Bố nói, thật ra việc làm của tớ cho ra đời một ý tưởng rất hay, đó là, thay vì các công thức chế biến thuốc Nam thông thường, nên chuyển thành những bài thơ hoặc bài hát. Ví dụ như, để chữa ho, ta sẽ có bài sau:
I í a, nếu ho, nếu ho xin bạn đừng lo.
Hoa hồng kia, í a, í a, bạn hãy cho vào lọ.
A, í a, đun sôi không cần lửa to.
Mật ong kia, xin hãy nhớ cho.
Thêm một thìa, ngoáy đều ro ro.
A, í à, uống vào khỏi ho...
Ha ha ha, buồn cười quá đi mất. Nhưng cuối cùng bố cũng đồng ý cho tớ thắng vì ý tưởng sáng tạo. Đổi lại, tớ được xem phần sản phẩm dự thi của bố.
Bố cũng luôn dạy tớ cách cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên quanh mình. Vào những buổi khuya, những đêm hè đẹp trời, hai bố con cùng lên sân thượng ngắm sao. Bố chỉ cho tớ cách quan sát vũ trụ, những vì sao trên dải Ngân hà và tên gọi của chúng. Tớ say mê ngắm mãi, ngắm mãi và luôn mong ước sẽ có ngày được chạm tay vào các vì sao. Bố giảng về vòng quay Trái đất, về khoảng cách tính bằng triệu năm ánh sáng giữa các thiên hà xa xôi, về những bí ẩn của không gian bao la ngoài Trái đất. Những điều đó, tớ chưa từng được đọc. Chúng khiến tớ thấy mình thật là nhỏ bé trong vũ trụ mênh mang.
Những câu chuyện hệt như có đôi cánh thần tiên, nâng tâm hồn mình bay lên cao, vượt qua các dải ngân hà, vượt qua các tầng mây, đến những vùng đất chưa hề có người đặt chân đến. Tớ luôn tự hỏi, đằng sau những vì sao kia là gì, liệu còn điều gì đang ẩn giấu trong hệ Mặt trời... Còn quá nhỏ để hiểu được những điều đó nhưng tớ thấy yêu tha thiết mặt đất mà mình đang sống. Phải nỗ lực lắm, con người mới quần tụ và cùng nhau xây dựng nên hành tinh này. Triệu năm sau, biết đâu ở một hành tinh nào đó ngoài Trái đất lại có một cậu bé băn khoăn tự hỏi: những người trên Trái đất đã sinh sống như thế nào? Tớ khao khát, nếu có câu hỏi đó hoặc có chuyến viễn du của người hành tinh khác xuống Trái đất thì đó phải là một chuyến viễn du đầy ấn tượng.
Vào những đêm như thế, bố còn dạy tớ cách lắng nghe tiếng của vạn vật. Bố bảo, vạn vật quanh mình cũng có đời sống riêng. Chúng cũng có tâm hồn và luôn làm bạn cùng nhau trong những cuộc trò chuyện lao xao, rì rầm không dứt. Bạn đã đọc truyện của nhà văn Phạm Hổ chưa? Tớ nhớ nhất câu: Cây lan cây hồng nói chuyện bằng hương bằng hoa. Đấy, cây cũng “nói chuyện” đấy bạn ạ. Bằng cách ấy, tớ áp tai vào đêm để nghe tiếng hoa hồng, hoa dạ hương xôn xao. Chúng khe khẽ chạm vào nhau, tỏa ra mùi hương thơm dịu dàng. Từng bông hoa trắng mảnh mai hệt như những ngôi sao lạc từ trên trời đậu xuống.
Tớ thích cách “nói chuyện” của cây vạn tuế. Trong khu vườn nhỏ, chúng có vẻ thâm trầm và kín đáo. Chúng khẽ xào xạc, những cành lá vẽ trên nền trời đêm thăm thẳm hệt như những thanh kiếm bí ẩn của các vị đạo sỹ lừng danh. Hòa trong tiếng các loài cây là tiếng côn trùng kêu rả rích. Khúc nhạc côn trùng nghe hơi buồn, nhưng hình như chúng là chủ đề trong các cuộc nói chuyện của cây cối vào đêm. Bởi khi tiếng côn trùng dừng lại thì không còn thấy tiếng lá lao xao. Tớ đã có lần thổ lộ điều này với bố. Bố cho rằng, suy luận đó của tớ là hoàn toàn chính xác. Trong thiên nhiên, mọi vật tựa nương vào nhau để cùng sinh tồn. Chúng trò chuyện cùng nhau, chia sẻ với nhau hoặc thậm chí chí chóe với nhau cũng là điều dễ hiểu.
Những buổi tối nghe cây lá trò chuyện hoặc tự mình thủ thỉ cùng hoa lá đã giúp tớ hiểu, nếu mình không nâng niu một nhành cây, một ngọn cỏ, mình sẽ bị đem ra làm đề tài không mấy hay ho trong các cuộc trò chuyện của những loài cây. Thể nào, chúng cũng nói: Ai chà, cậu chủ hôm nay làm đau tớ quá. Xung quanh sẽ rào rào: Thật ư, thật ư, ai mà tin được nhỉ. Thật buồn quá đi... Kiểu như thế, tớ không muốn tưởng tượng tiếp vì không muốn mình thành nhân vật xấu chút nào.
Bố cũng thường mua các sách với chủ đề thiên nhiên về cho tớ dịch. Bật mí nhé, Chuyện hoa chuyện quả của nhà văn Phạm Hổ vừa nhắc ở trên là cuốn sách đầu tiên trong quá trình dịch thuật của tớ. Mỗi khi dịch xong cuốn nào, bố lại cùng tớ đi sưu tầm lá của các loài cây có trong sách đó và dán vào tác phẩm dịch. Tớ chờ đợi đến công đoạn này nhất. Thật thú vị vì có nhiều loài cây không dễ kiếm chút nào. Ví như cây roi, cây mận, cây xoan… Để tìm được lá của chúng nhiều khi mình phải lặn lội về tận vùng quê hoặc lên miền núi cao.
Với bố thì không có vấn đề gì. Trong những chuyến đi công tác, quà cho tớ bao giờ cũng là lá của một vài cây lạ. Về nhà, hai bố con sẽ rửa sạch, phơi khô rồi ép phẳng phiu trong một mảnh giấy, ghi tên và ghi cả ngày tháng sưu tầm được nữa. Tớ luôn có một bộ sưu tầm phong phú các loại lá là vì thế.
Cũng từ việc sưu tầm lá, tớ hiểu thêm đặc tính của nhiều loài cây. Cái này thì bố yêu cầu tớ tự tìm hiểu chứ bố không hề giải thích. Ngoài việc tra Internet thì một kênh tớ hay tìm hiểu nữa chính là các bài thơ. Ví thử không có bài thơ Đánh thức trầu của nhà thơ Trần Đăng Khoa, tớ sẽ không thể hiểu được lá trầu ban đêm hay cụp xuống, muốn hái thì phải “đánh thức” chúng, nếu không chúng sẽ giận và không tươi tốt nữa:
Đã ngủ rồi hả trầu
Tao đã đi ngủ đâu
Mà trầu mày đã ngủ
Bà tao vừa đến đó
Muốn có mấy lá trầu
Tao không phải ai đâu
Đánh thức mày để hái!
Trầu ơi, hãy tỉnh lại
Mở mắt xanh ra nào
Lá nào muốn cho tao
Thì mày chìa ra nhé
Tay tao hái rất nhẹ
Không làm mày đau đâu…
Bài thơ thật đáng suy ngẫm. Hóa ra, mỗi loài cây, loài hoa quanh ta cũng có đời sống như một con người, phải trân trọng, nâng niu như bạn bè mình. Đừng làm cây đau, chúng sẽ buồn lắm đấy! Tớ yêu bạn nhỏ trong bài thơ quá. Tớ hình dung bàn tay bé nhỏ của cậu ấy khẽ khàng chạm vào từng lá trầu cho cây không đau, rồi dịu dàng dỗ dành để hái từng nhánh lá. Chà chà, quả là một bài thơ thật tuyệt.
Chịu khó quan sát thiên nhiên cũng giúp tớ cảm nhận được nhiều điều thú vị. Tớ thích những làn gió nồm Nam mát rượi. Tớ yêu cái se lạnh của mùa thu và nhất là những cơn mưa phùn mùa xuân. Mưa xuân lây rây se sẽ chạm lên làn da. Miên man trong mưa xuân, ta cảm nhận mưa như một lời chào của bầu trời gửi đến từ cao xanh. Tớ thường cùng bố đi dạo dưới mưa phùn. Nhiều khi bố có vẻ không khoái nhưng tớ mặc kệ. Mưa phùn đã hẹn tớ một năm mới quay trở lại. Ai lại nỡ chối từ người bạn đáng yêu như thế phải không các bạn?
Cảm nhận về thiên nhiên tròn đầy viên mãn nhất là vào những đêm đẹp trời trăng tròn vành vạnh. Trăng tưới tắm vườn cây sân thượng, khẽ khàng đậu xuống góc sân. Màu vàng tươi mát óng ả như dải lụa mềm mại bay hững hờ. Chúng vắt hờ hững lên từng tán lá, e dè như chỉ chực bay đi. Ánh trăng gieo vào lòng tớ một cảm giác dễ chịu khó miêu tả được thành lời.
Trăng vào ngày rằm trong các tháng đã đẹp, trăng rằm trung thu còn đẹp hơn nhiều. Ngày hôm đó, bố tớ phá lệ, mở cánh cửa hoen rỉ của sân thượng, chui sang nhà chú Vũ hàng xóm để nhìn trăng cho rõ vì bên đó sân thượng không có hàng rào chắn. Ánh trăng to tròn lung linh diệu kì. Tớ như cảm thấy xung quanh mình được bao phủ bởi màu vàng mát dịu. À, tớ nghĩ ra rồi, cảm giác được ánh trăng tưới tắm giống hệt như cảm giác nếm mật ong. Nó ngọt ngào một cách nhẹ nhàng chứ không ngọt gắt. Nó thấm từ từ vào hồn ta để đôi lúc ta phải dừng lại, nhấm nháp vị ngọt đó như thể xung quanh ta lúc nào cũng tràn ngập ánh trăng.
Bằng tình yêu thiên nhiên một cách đặc biệt, bố giúp tớ hiểu, trung thu không chỉ là bánh ngọt, là phá cỗ, là rước đèn. Trung thu sẽ buồn và đơn điệu lắm nếu không có việc ngắm trăng, tận hưởng nó, đắm chìm trong nó và cảm nhận vị ngọt của mật ong trăng. Mỗi trung thu, tớ luôn mong trời nhanh tối để được đón giây phút trèo một cách vất vả sang ngồi nhờ trên sân thượng nhà chú Vũ, để yên lặng cùng bố. Trăng và gió, thênh thang, thênh thang.
Mỗi dịp về quê, bố không bỏ lỡ cơ hội cùng tớ ra đồng bãi, thỏa sức thả hồn cùng mây gió, tận hưởng khí trời. Bố dạy tớ biết quan sát thời kì phát triển của một cây lúa. Lúa làm đòng là lúc đẹp nhất. Khi đó nó giống một người mẹ đang mang đứa con trong bụng mình. Thân lúa dần trĩu xuống và từ nhánh thân gầy gò, những hạt lúa mở to mắt tròn xoe nhìn trời xanh, nhìn đàn cò trắng nhởn nhơ bay lượn trên đồng. Rồi đứa con lúa sẽ vươn cao hơn, đón gió rì rào, đón nắng hiền hòa. Những bài học về bông lúa chính là bài học về tình mẹ. Bố bảo, tại sao mỗi khi nâng bó lúa lên tay người ta thường ôm như cách một bà mẹ bế đứa con của mình. Bởi khi đó, bó lúa nặng trĩu những tâm tình. Tình người, tình đất dạt dào sinh sôi. Bài học về tình yêu thiên nhiên đơn giản là thế mà thật sâu sắc, thấm thía.
Từ tình yêu thiên nhiên qua những bài học giản dị của bố, tớ luôn mơ ước mình sẽ trở thành một nhà sinh vật học. Tớ khao khát khám phá vạn vật quanh mình, ước ao một ngày nào đó sẽ phát minh ra những giống cây đặc biệt phục vụ cho cuộc sống con người. Đợt hè vừa rồi, khi có dịp sang Singapore, được hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về Super tree - một loại siêu cây có khả năng hấp thụ nhiệt và tạo ra năng lượng, tớ thích mê. Tuy nhiên, loại cây này do con người tạo ra không có thực trong thiên nhiên. Tớ lẩn mẩn nghĩ, biết đâu đến lúc nào đó mình sẽ lai tạo được giống cây trồng như thế và điều đó sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta tươi đẹp hơn nhiều. Chà chà, bố ủng hộ nhiệt liệt ý nghĩ này. Bố nói, cứ mơ ước và khát vọng đi vì đó chính là khởi nguồn của những thành công.