Xưa thật là xưa có một người chính trực thật thà. Một hôm anh ta đi thăm bạn ở xa nên nghỉ lại trong một nhà trọ ở bên đường. Đến nửa đêm, có một con quỷ vác theo một xác người chết đến quẳng trước mặt người khách lữ hành này. Lát sau lại có một con quỷ khác đuổi đến nơi. Hai con quỷ, một trước một sau, cãi nhau om sòm, giành nhau cái thi thể trước mặt.
Con quỷ đến trước nói:
- Có người ở đây, chúng ta có thể mời anh ta phân xử, để xem rốt cuộc thì cái xác này thuộc về ai?
Người lữ khách tự ngẫm trong lòng: “Hai con quỷ này sức mạnh ngút trời, nào chi sánh được. Ta mà nói thật thì cầm chắc cái chết, mà nói dối thì cũng chết. Vậy thì nói dối phỏng có ích gì chứ?”
Nghĩ đoạn, anh liền nói lớn:
- Cái xác thuộc về con quỷ mang đến trước.
Con quỷ đến sau lập tức nổi giận đùng đùng, chụp lấy chàng lữ khách, xé toạc tay anh ra quăng xuống dưới đất. Con quỷ đến trước tức thì dùng tay của cái thi thể nó mang đến cắm vào lại cho người đàn ông. Thật là kì lạ, hai tay liền lại ngay như được tái sinh. Cứ như vậy, hai chân, đầu, ngực... của chàng lữ khách đều bị xé ra vứt đi rồi lại đều được dùng các bộ phận tương ứng của xác chết thay thế lại như cũ.
Cuối cùng, hai con quỷ này cùng nhau ăn sạch thi thể lắp ghép đó. Sau đó chúng lấy tay chùi mép, bồng bềnh lướt đi.
Còn lại một mình trong căn phòng vắng, người lữ khách ngẫm nghĩ: “Ta phải ngồi đây, giương mắt ếch lên mà nhìn hai con quỷ kia ăn sạch cái cơ thể mà cha mẹ ban cho. Thân thể hiện giờ của ta đều là thứ được chắp nhặt từ thân xác người khác. Rốt cuộc thì ta có thân hay không có thân? Nếu có thân thì không thể chối cãi là bất cứ chỗ nào trên thân này đều là của người khác. Nếu không có thân thì rõ ràng cũng có một cơ thể đang sống sờ sờ ra đây”. Anh ta cứ nghĩ tới nghĩ lui như vậy, trong lòng nghi hoặc không thôi, đến nỗi gần như phát điên.
Trời sáng, chàng lữ khách tiếp tục lên đường. Anh đến một vương quốc khác, trước mắt anh có biết bao nhiêu là Phật tháp, tăng chúng, nhưng lòng anh không màng chuyện gì cả, vẫn canh cánh câu hỏi: “Cái thân này là có hay không?”
Một vị Tỳ kheo(1) hỏi:
- Ngươi là ai?
Người đàn ông đáp:
- Ta cũng không biết ta là người hay không phải là người. Nói xong anh liền kể chi tiết mọi sự đã diễn ra cho vị Tỳ kheo nghe.
Tỳ kheo nói:
- Người này tự biết vô ngã, dễ bề đắc đạo.
Sau đó Tỳ kheo nói với vị khách lữ hành:
- Nhà ngươi đến từ vô thủy, vĩnh viễn vô tự ngã, chẳng phải đến bây giờ mới vô ngã. Cái “Ngã” này là của đất, nước, lửa, gió - tứ đại giả hợp (假合). Vì vọng tưởng, cố chấp nên mới có ngã thân (我身).
Nói xong Tỳ kheo hóa độ chàng thanh niên, giúp anh ta hiểu đạo, dần dần thoát khỏi mọi phiền não, nhanh chóng chứng quả A La Hán(2).
Phàm là con người, nếu có thể nhận thức được thân này vốn không, “Ngã” là hư, không thực, thì sẽ phá trừ mọi tà chấp vọng kiến. Được vậy thì cách đạo không còn bao xa.
Ghi chú:
(1) Tỳ kheo hay Tỳ khưu, Tỷ kheo, Tỷ khâu (比丘 - Bhikkhu) trong tiếng Pali hay tiếng Phạn (Bhiks. u) có nghĩa là người khất thực. Trong Phật giáo, thuật ngữ này chỉ “tăng sĩ Phật giáo” (tương tự như thuật ngữ “Sa môn”) - những người từ bỏ cuộc sống thế tục để thụ lãnh giới luật.
(2) A La Hán (阿羅漢): là một trong bốn quả thánh Thanh Văn, chỉ các bậc hiền giả đã đoạn trừ hết mọi phiền não. Các bậc chứng được quả vị này thì không còn pháp nào phải học nữa, vì vậy mới gọi là Vô học, Vô học quả, Vô học vị.