Thuở xưa, có hai anh em nhà nọ đi làm ăn buôn bán xa, mỗi người mang theo mười cân(1) vàng làm vốn. Chỉ có hai người đi với nhau, không có thêm ai bầu bạn nữa cả.
Khi hai anh em họ đến một chốn đồng không mông quạnh, người anh bỗng nổi máu tham, nghĩ bụng: “Chốn này chung quanh không một bóng người, ta giết phắt tiểu đệ thì ắt chiếm sạch chỗ vàng, nào ai biết được.”
Lát sau, người em cũng sinh ý nghĩ đen tối, nổi mưu giết anh trai độc chiếm số vàng.
Vì người nào cũng chú tâm vào ý định giết người nên lời nói, thần sắc, thái độ bên ngoài của họ đều hiện ra một cách không bình thường.
Rất may, chẳng bao lâu sau, hai anh em họ đều tỉnh ngộ, hối hận vô cùng:
Chúng ta không phải con người! Có khác gì cầm thú đâu chứ! Anh em chí thân, vì chút tiền vàng mà nảy sinh ý ác hại người cướp của, thật là đáng chết ngàn lần!”
Liền đó, họ đến bên một dòng suối, người anh cầm toàn bộ vàng của mình thả xuống nước. Người em thấy vậy, cảm thán nói:
- Thiện tai! Thiện tai(2).
Nói xong, người em cũng đem toàn bộ vàng của mình ném xuống suối. Đến lượt người anh cảm thán nói:
- Thiện tai! Thiện tai!
Hai anh em cùng thốt lên:
- Ta đem vàng ném xuống nước, vì sao huynh/đệ lại tán thưởng Thiện tai! Thiện tai?
Cả hai đều đáp giống nhau:
- Vì số vàng này mà ta sinh ác niệm mưu hại người thân, giờ thấy huynh/đệ có thể đem cái mầm họa người thấy người tham này - số vàng này - ném đi, thực là quý hóa, vậy nên tán thưởng”.
- Thiện tai! Thiện tai!
Cả hai đồng thanh.
Ghi chú:
(1) Cân (斤): đơn vị đo trọng lượng của Trung Quốc. Một cân = ½ kg.
(2) Thiện tai (善哉 - Sàdhu), âm Hán Việt là “sa độ”, nghĩa là “lành thay”, “tốt thay”. Thời xưa ở Ấn Độ, Đức Phật và Tăng chúng sử dụng từ “thiện tai” để bày tỏ sự tán thành.