Khổng Tử(1) nói: “Bần nhi vô oán nan”(2). Đại để những người nghèo khó, vì bần cùng, khó khăn về vật chất và tiền bạc nên thường oán người, trách trời. Phật pháp dạy rằng, họ chủ yếu là những người ở kiếp trước ít chịu bố thí nên kiếp này phải chịu khổ báo nghèo khó. Nghiệp tạo từ kiếp trước đã thành, kiếp này phải chịu quả đắng. Phải chăng quả khổ này cứ kéo dài mãi, không có cách nào thoát được hay sao? Liệu có con đường nào khác để lựa chọn hay không? Hãy đọc câu chuyện dưới đây, chúng ta sẽ ngộ ra làm cách nào để thay đổi nghịch cảnh.
Ở nước A Bàn Đề(3) có một lão nhà giàu gia sản kếch sù nhưng lại có một người hầu gái nghèo khổ, ăn mặc rách rưới te tua. Cô hầu gái ít khi có được bữa ăn no, lại còn hay bị đánh đập, muốn chết cũng không được.
Một ngày nọ, cô ta đem theo một chiếc bình ra bờ sông lấy nước. Nghĩ đến tấm thân trần thế thê lương của mình, cô gái cầm lòng không đặng, ngồi khóc hu hu. Vừa hay lúc đó đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni(4) là tôn giả Ca Chiên Diên(5) đi ngang qua, nghe thấy tiếng khóc của người hầu nữ, Ngài thương xót cảnh ngộ bất hạnh của cô nên từ bi nói với cô gái rằng:
- Nếu ngươi đã oán thán cái nghèo, cái khổ đến vậy, tại sao không bán nó đi?
Người hầu gái hỏi lại:
- Ai sẽ mua nghèo khổ chứ?
Tôn giả Ca Chiên Diên trả lời:
- Thực ra nghèo khổ có thể bán được đấy.
Cô gái hỏi tôn giả:
- Làm thế nào để bán được ạ?
Tôn giả Ca Chiên Diên nói:
- Nếu ngươi muốn bán nghèo khổ thì hãy tin lời ta. Trước hết hãy rửa sạch chiếc bình đi, rồi múc nước bố thí cho bần tăng.
Cô gái nghèo khổ đáp lời:
- Cái bình này là đồ của chủ nhân, sao có thể bố thí cho Ngài được chứ?
Vị đệ tử của Đức Phật điềm đạm:
- Mặc dù chiếc bình không phải của ngươi thật, nhưng chả lẽ nước ở trong bình lại không có chút phần nào của ngươi sao?
Cô hầu gái bần hàn nghe xong lời tôn giả liền hiểu ra, lập tức khai ngộ. Sau đó cô gái múc một bình nước bố thí cho tôn giả Ca Chiên Diên. Tôn giả ban cho cô gái nghèo khổ Tam quy Ngũ giới(6) và dạy cô niệm Phật.
Buổi tối hôm đó, cô hầu gái qua đời trong căn nhà của lão nhà giàu. Sáng hôm sau, lão ta phát hiện ra cô hầu đã chết thì vô cùng tức giận, liền đem thi thể của cô gái quẳng vào trong rừng. Nhưng ngay lập tức, linh hồn của cô gái tái sinh vào cõi Đao Lợi Thiên(7). Từ cõi Đao Lợi Thiên, cô có thể nhìn thấy di thể của mình từ xa, nên đã cùng những người trên cõi ấy rải hoa trời từ không trung xuống bao bọc lấy thi thể.
Đã hiểu rằng bố thí có thể bán đi nghèo khổ thì sẽ hiểu rằng lễ Phật có thể bán cái ti tiện, phóng sinh có thể bán cái đoản mệnh, học hành có thể bán cái ngu đần. Con người có trí tuệ một khi đã thành tâm lắng nghe tất sẽ được giác ngộ. Nghịch cảnh của thế gian lẽ nào không thể bán đi sao?
Ghi chú:
(1) Khổng Tử (孔子) hay Khổng Phu Tử (孔夫子) là danh hiệu hậu thế dành cho Khổng Khưu (孔丘), sinh năm 551 tr. CN, mất năm 479 tr. CN. Ông sinh trưởng tại ấp Trâu, thôn Xương Bình, nước Lỗ (nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Khổng Tử được suy tôn là một trong những nhà khai sáng Nho giáo, đồng thời là một giảng sư, một triết gia lỗi lạc.
(2) Nguyên văn: “貧而無怨難, 富而不驕易” (Bần nhi vô oán nan, phú nhi bất kiêu dị), trích trong Luận ngữ của Khổng Tử. Câu này đại ý là nghèo mà không oán hận thì rất khó, giàu mà không kiêu thì rất dễ.
(3) A Bàn Đề (阿槃提 - Avanti), còn có một số cách phiên âm khác như A Bàn Đề (阿般提), A Bàn Để (阿槃底), Ma Ba Bàn Đề (摩波槃提), là một trong mười sáu nước lớn thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Lãnh thổ Avanti chủ yếu nằm ở khu vực Maharath, Ấn Độ, thủ đô là Ujjain. Dưới thời Đức Phật, Avanti là một cường quốc và là một trong những trung tâm lớn của Phật giáo. Có rất nhiều danh tăng xuất thân từ Avanti. Mahavira (tức Đại Hùng, sinh năm 599 tr. CN, mất năm 527 tr. CN), người sáng lập đạo Jain, đã từng tu hành tại Avanti, vậy nên nơi đây cũng trở thành một trong những thánh địa của tôn giáo này.
(4) Thái tử Siddhārtha Gautama (悉達多瞿昙 - Tất Đạt Đa Cồ Đàm) hay còn gọi là Shakyamuni (釋迦牟尼 - Thích Ca Mâu Ni), là một triết gia, học giả, người sáng lập Phật giáo, sống vào thời kì Ấn Độ cổ đại, khoảng giữa thế kỷ thứ VI và thế kỉ thứ IV tr. CN. Theo sử liệu Phật giáo, Ngài đã từ bỏ đời sống hoàng tộc phú quý để đi tìm chính đạo. Sau sáu năm cầu đạo, Ngài đã giác ngộ và dành bốn mươi lăm năm còn lại của đời mình cho sự nghiệp giáo hóa, phổ độ chúng sinh.
(5) Kātyāyana (迦旃延) hay Mahākātyāyana là một trong thập đại đồ đệ của Đức Phật Gautama. Kātyāyana là người đầu tiên mở rộng và diễn giải các lời dạy của Đức Phật. Trong Phật giáo Thái Lan, Kātyāyana được gọi bằng cái tên Phra Sangkajai và thường được thể hiện bằng những hình tượng rất đẫy đà.
(6) Tam quy Ngũ giới (三歸五戒): “Tam quy” tức “Quy y Tam bảo” (trở về nương tựa vào ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng). “Ngũ giới” gồm: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.
(7) Đao Lợi Thiên (忉利天), còn gọi là Tam thập tam thiên, là tầng trời thứ hai trong sáu tầng trời ở cõi Dục, nằm ở đỉnh núi Tu Di (須彌). Cõi chủ của Đao Lợi Thiên là Đế Thích. Tín ngưỡng Đao Lợi Thiên thịnh hành ở Ấn Độ từ xưa. Tái sinh vào cõi này phải là những người khi còn sống biết hướng thiện, làm điều thiện, không phạm ngũ giới...
(Các ghi chú trong sách đều của người dịch, được tham khảo từ các trang Từ điển Phật học trực tuyến tiếng Việt, tiếng Anh; Wikipedia tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung; Baidu Baike tiếng Trung, Sogou Baike tiếng Trung và một số nguồn trực tuyến khác)